Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 31

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 31

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Các vị học trưởng, các vị đồng nghiệp, xin chào mọi người!

Chúng ta xem tiếp theo phần “minh vương tam cụ”. Xem điều lo âu tiếp theo là, “tam viết văn thiên hạ chi chí ngôn nhi khủng bất năng hành”. Nghe được ý kiến tốt nhất của người trong thiên hạ có thể làm lợi ích cho quốc gia, nhân dân. Sau khi nghe xong, lo sợ chính mình lãng phí kiến nghị tốt như vậy, chính mình chưa có thực hành, cho nên cái này là tấm lòng yêu dân, cũng là đối với những người có nhân duyên ở bên cạnh có thể trân trọng, có thể cảm kích. Đây cũng là tiếc duyên.

Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ trong quá trình của cuộc sống, những lời mà quý nhân nói với chúng ta, chúng ta có còn nhớ hay không vậy? Giả như nhớ không được vài câu, vậy thì đã có lỗi với những quý nhân này đã yêu thương dặn dò chúng ta. Cho nên có thể tri duyên, tiếc duyên thật không dễ. Càng có thể tri ân, cảm ân, vậy thì càng đáng quý hơn. Thái Tông Hoàng đế ở điểm này rất đáng quý, ông rất trân trọng đối với sự khuyên can của người khác, vả lại thường hay có những đơn thỉnh cầu giống như mười trọng điểm mà Ngụy Trưng đã khuyên. Ngụy Trưng thường hay dùng số “mười” để viên mãn, không phải chỉ “Gián Thái Tông thập tư sớ”, còn có mười điều như “Tiệm Bất Khắc Chung Sớ” để nhắc nhở Thái Tông hoàng đế vào năm Trinh Quán thứ 13. Mười điều nhắc nhở Thái Tông hoàng đế đó là: “Có mười phương diện thiên tử ngài đã không còn giống như trước nữa, không thể giữ gìn tốt được tâm thái, thậm chí là sa đọa biến chất 180 độ”. Đây là nhắc nhở ông. Mà Thái Tông hoàng đế xem xong mười điều “Tiệm Bất Khắc Chung” này, hồi âm lại cho Ngụy Trưng, “trẫm nếu như không y theo mà làm thì ta làm gì còn mặt mũi mà nhìn khanh”. Những lời này rất đáng quý. Ông là thiên tử, nhưng mà các vị xem ông lại có được thái độ như vậy, rất tôn trọng những giáo huấn, những nhắc nhở của Ngụy Trưng đối với ông, dùng thái độ xem như là người thầy như người bạn để mà đối đãi Ngụy Trưng. Sau đó đem bài văn này dán ở trên bức bình phong trong căn phòng của ông, thường hay nhìn thấy, và thường hay nhắc nhở chính mình. Nói thật ra, Thái Tông hoàng đế là người tự mình biết mình. Phải luôn nhìn thấy thì ấn tượng mới sâu được.

Có lúc cũng cảm thấy những giáo huấn này là rất tốt, nhưng gặp phải sự tình thì không đề khởi được. Làm sao để có thể không ngừng đề khởi còn phải thông qua sự trường kỳ huân tu, liên tục đọc Kinh, liên tục nghe Kinh đến nhập tâm. Tùy lúc, tùy chỗ đều có thể đề khởi sự quán chiếu chính mình, câu Kinh này chân thật thọ dụng, chân thật nội hóa được. Học vấn quý ở biến hóa khí chất, một câu giáo huấn đó vừa nhập tâm thì sẽ không thể tách rời khỏi linh hồn của bạn.

Ở đây nói đến năm đầu tiên Trinh Quán, Thái Tông nói với các đại thần, “ta từ nhỏ đã rất thích việc bắn cung tên, vả lại cũng cảm thấy đạo lý của cung tên thật kỳ diệu, ta có lẽ là rất rõ ràng về nó. Gần đây nhất, ta được một cây thập chi cung tốt, sau đó ta đã đem cây thập chi cung này đưa cho một người thợ, chính là người thợ chuyên làm cung tên xem thử”. Kết quả người thợ này nói: “Thưa hoàng thượng, cây thập chi cung này của hoàng thượng không tốt”. Ông giật mình, ông hỏi vì sao vậy? Người thợ làm cung này nói: “Gỗ dùng để làm ra cây cung này có cái lõi bên trong không thẳng, cho nên thứ tự của vân gỗ đều méo mó, đây không phải là cây cung tốt”. Bởi vì vân gỗ bị lệch rồi cho nên việc bắn tên đi cũng sẽ không thật sự chuẩn xác. Đường Thái Tông nghe xong thì cảm ngộ như thế nào vậy? Ông nói: “Ta từ nhỏ đã giương cung, nam chinh bắc phạt, bình định thiên hạ, cảm thấy mình rất giỏi về cung, kết quả kỳ thực cũng vẫn là chưa hiểu biết gì. Vả lại, thứ mà tôi cảm thấy mình rõ nhất lại không hiểu gì cả, tôi làm hoàng đế chưa bao lâu căn bản là sự hiểu biết đối với việc trị vì thiên hạ rất là nông cạn. Cho nên ta hiểu về việc trị vì thiên hạ này chắc là sẽ không bằng việc hiểu đối với cung tên. Mà cung trên thực tế thì đã không phải là hiểu rồi, vậy thì việc trị vì thiên hạ này vẫn là còn kém rất xa”. Cho nên ông đã hạ lệnh trong kinh thành từ quan ngũ phẩm trở lên luân phiên sống ở trong Trung Thư tỉnh, mỗi buổi tối điều những viên quan này đến để nắm tình hình chính trị ở trong cả kinh thành. Vừa nắm tình hình, vừa tu sửa, vừa thâm nhập đạo lý Kinh giáo của việc trị quốc. Nhất định phải nắm rõ điều lợi và hại cho bá tánh, hiệu quả của việc giáo hóa chính trị như thế nào. Cho nên Thái Tông hoàng đế rất chăm chỉ, mỗi ngày đều tìm hiểu dân tình, ông chân thật là muốn làm tốt công việc chính trị. Đương nhiên điều rất quan trọng là những vị quan từ hàng ngũ phẩm trở lên này đến ông đều đem ghế ra cung cung kính kính ban cho họ ngồi, “để được nghe lời của người trong thiên hạ”. Những ngôn luận quan trọng nhất trong thiên hạ là những gì? Tìm hiểu nỗi khổ của người dân, việc này là quan trọng nhất. Đối với ông mà nói, ông cần phải thật rõ ràng minh bạch mới có thể tiến thêm một bước là làm tốt các phương sách chính trị, lợi ích cho muôn dân.

Chúng ta vừa mới đọc đoạn này, bên cạnh cũng có một câu chuyện, không biết mọi người đã xem chưa, trang 1.130 quyển thứ chín. Câu này chưa nói xong mà các vị đã gấp lại rồi, tôi nghĩ chắc các vị đã ghi nó vào trong tâm rồi, phải chăng? “Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã”. Chúng ta xem đến: “Minh chủ giả hữu tam cụ”, “Nhất viết xứ tôn vị nhi khủng bất văn kì quá; nhị viết đắc ý nhi khủng kiêu; tam viết văn thiên hạ chi chí ngôn nhi khủng bất năng hành”. Có được thái độ như vậy thì đạo đức học vấn nhất định sẽ tăng trưởng. Chúng ta từ tự thân mà phản tỉnh. Ta hôm nay là ở vị trí nào, nhất định không mưu cầu danh văn lợi dưỡng, nhất định phải đôn luân tận phận, làm một tấm gương tốt trong ngành nghề của mình ở vị trí này, gọi là xứ tôn vị nhi khủng bất văn kì quá”, đắc ý mà sợ kiêu ngạo.Ở trên chức vị của công việc phải toàn tâm toàn lực, đương nhiên cũng sẽ đạt được rất nhiều sự công nhận, tán thán, nhưng mà không kiêu ngạo, vì sao vậy? Là việc nên làm mà. “Không cầu có công, chỉ mong không có tội”. Mà trong nhân duyên công việc trong cuộc sống của chúng ta nhất định sẽ gặp được rất nhiều quý nhân, chúng ta cũng phải trân trọng sự nhắc nhở và giáo huấn của họ, không nên xem thường. Hoặc là giáo huấn của Kinh điển, chúng ta áp dụng vào trong công việc, xử thế đối người. Văn thiên hạ chi chí ngôn nhi khủng bất năng hành, chúng ta lấy cái tâm cảnh này để lĩnh hội sự giáo huấn của sư trưởng. Mỗi một câu đều như người nghèo được vàng, trân quý nó, như uống nước cam lồ, cũng như trời hạn gặp mưa. Phải hoan hỷ trân quý như vậy, sau đó vừa nghe xong thì nhắc nhở chính mình phải áp dụng, phải thật làm, sợ không thể hành. Nói đến chỗ này, chúng ta phải lập tức hồi quang phản chiếu câu giáo huấn của sư trưởng ta đã làm được hoàn toàn rồi. Việc này chúng ta phải tự suy nghĩ, người khác không thể giúp chúng ta được. Mỗi một câu Kinh, kỳ thực đều là nâng cao tâm thái của chính mình để mà hạ công phu.

Câu chuyện tiếp theo này hoàn toàn thể hiện được câu Kinh văn vừa nói. Chúng ta hãy xem câu chuyện ở bên cạnh, mọi người có cảm giác dường như đã xem qua rồi hay chưa, có phải chưa? Chuyện này là ở trong “Cổ Văn Độc Bổn” của chúng ta, cũng đã giao lưu qua với mọi người rồi, chúng ta hãy ôn tập một chút. Một vị sư kinh đang chơi đàn, ông là nhạc công đang ngồi chơi đàn. Ngụy Văn Hầu nghe rất say sưa, thậm chí còn nhảy múa theo, đung đưa theo điệu nhạc, vả lại còn có hứng thú làm thơ, đã làm một bài thơ như thế này, “sứ ngã ngôn nhi vô kiến vi”. Câu này ý nói là ông ca hát. Việc làm ông cảm thấy vui sướng nhất chính là lời của ông nói ra không có ai dám làm trái, “những lời trẫm nói ra không một ai dám làm trái”, tự mình ở đó hát lên. Đột nhiên trong khi ông hứng thú hát như vậy thì người nhạc công ôm lấy cây đàn của mình, bởi vì người nhạc công đã tự làm cho mình mù đôi mắt vì họ muốn toàn bộ tinh thần tập trung vào trong việc nghe bằng tai thì trình độ âm nhạc của họ mới nâng cao. Âm nhạc lại có thể thay đổi được phong tục. Người xưa rất đáng quý, hy sinh đôi mắt của mình để làm lợi ích cho bá tánh. Cho nên khi ông nghe Ngụy Văn Hầu nói như vậy, bởi vì ông không nhìn thấy mà chỉ nghe được tiếng của Ngụy Vương, ông ôm cây đàn, cả người lao qua và tông vào người của Ngụy Vương. Đương nhiên người mù không nhìn thấy đường, tông vào người mắt, ông Ngụy Văn Hầu vẫn là có thể lách người né qua. Kết quả là không có tông trúng phải Ngụy Văn Hầu, nhưng mà bởi vì sự việc quá đột ngột nên Ngụy Vương chưa có chuẩn bị, ông vừa né thì cả người bị ngã nhào ra phía sau, chiếc long mão trên đầu cũng rơi ra ngoài. Bởi vì chiếc mão của vua thì hay có những sợi dây đính các viên ngọc, gọi là “chuỗi ngọc”, đã bị rơi ra hư hỏng đi, mấy viên ngọc đều bị rơi dưới sàn nhà. Kết quả Ngụy Văn Hầu bị tông phải một cách đột ngột như vậy cho nên rất giận dữ, lập tức nói với những người bên cạnh, “tông vào người của vua đáng xử tội gì đây?”. Lập tức được trả lời là “tội đáng nung nấu”, nghĩa là người này phải đem đi nấu sống cho chết. Sau đó lập tức hành động, liền trói người nhạc công này lại. Kết quả khi dẫn giải người nhạc công này đi, mới bước xuống bậc thềm, người nhạc công nói “bẩm hoàng thượng, hạ thần sắp phải chết rồi, có thể nào nghe hạ thần một lời rồi hãy để hạ thần chết”. “Được rồi, dù sao khanh cũng sắp chết rồi, hãy nói đi”. Người nhạc công nói: “Quá khứ khi vua Nghiêu, vua Thuấn làm quốc vương, e sợ người ta thuận theo họ, sợ không đem điều không đúng của họ nêu ra, không đem điều trái nghịch của họ mà trực tiếp can gián khuyên bảo họ, e sợ người ta không trực tiếp làm trái nghịch với những việc sai lầm của họ. Nghiêu Thuấn sở dĩ như vậy mà thành Nghiêu Thuấn, còn Kiệt Trụ những vị bạo quân này khi họ làm vua thì sợ người ta trái nghịch với lời của mình, toàn bộ đều phải nghe lời hoàng đế thì mới được. Vừa rồi hạ thần nghe được mấy lời đó dường như là Hạ Kiệt – Thương Trụ đang nói chuyện vậy, cho nên vừa rồi là hạ thần tông vào chắc là tông phải Hạ Kiệt và Thương Trụ, hạ thần không phải là cố tình tông vào hoàng thượng Ngài đâu”. Bậc quân vương ngày trước suy cho cùng cũng đã đọc qua sách Thánh Hiền, vừa nghe như vậy xong thấy người ta nói đều đúng, “được rồi, thả hắn đi, không phải lỗi của hắn, là lỗi của trẫm”. Các vị xem, vừa mới nói thì đã lập tức liền tiếp nhận, sau đó còn nói “đem cây đàn bị hư hỏng này treo lên trên tường thành để cho người cả nước biết được lỗi lầm của ta. Thêm nữa, cái mão này của ta bị hư hỏng rồi, cũng không cần sửa chữa lại, cứ để vậy mà đội. Ta mỗi ngày nhìn thấy nó bị hỏng như vậy thì ta biết ta sai ở chỗ nào, ta sẽ lấy đó làm điều răn”. Các vị xem, văn thiên hạ chi chí ngôn nhi khủng bất năng hành, đắc ý mà sợ kiêu ngạo. Người nhạc công đã nhắc nhở ông một việc rất lớn, đó là ngài làm vua mà đến nỗi không biết trời cao đất dày, chỉ có ta độc tôn, vậy không thể được. Lại khuyên ông, ông thật sự “sợ không nghe được lỗi của mình”, nghe rồi lập tức tiếp nhận. Cho nên ví dụ này cũng rất tuyệt vời.

Tiếp theo chúng ta xem câu thứ 27, đây là câu ở trang 955, quyển thứ bảy, nằm ở giữa trang. Chúng ta cùng nhau đọc một lần. Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương:

“Quân vương đối đãi với cận thần như tay chân mình thì cận thần đối đãi với quân vương như tim gan mình. Quân vương đối đãi với cận thần như chó ngựa thì cận thần đối đãi với quân vương như người dưng nước lã. Quân vương đối đãi với cận thần như cát bụi, cỏ rác thì cận thần đối đãi với quân vương như cường đạo địch thù”.

Mạnh Tử đối với vua của nước Tề là Tề Tuyên Vương, nói đến cái tâm cảnh rất quan trọng của người làm vua nên suy nghĩ như thế nào? Nói rằng người làm vua nếu như đối đãi với cận thần, thuộc hạ nếu giống như huynh đệ thủ túc thì cảm ứng trở lại là thuộc hạ của người đó sẽ rất cảm động, sẽ tự nhiên xem trọng đối với người đó như tim gan của mình, coi trọng như mạng sống của mình vậy. Có cảm thì có ứng, cuộc đời nói trắng ra chính là hai chữ “cảm ứng” này. “Yêu người thường được người yêu lại”. “Yêu người” là cảm, được người yêu lại là ứng. “Kính người thường được người kính lại”. “Kính người” là cảm, “được người kính lại” là ứng. Cho nên người thế gian không có một sự việc nào là ngẫu nhiên cả, nó đều là có đạo lý, có nhân quả, đều có đầu đuôi ngọn ngành.

Tiếp theo là nói đến người làm vua nếu như đối đãi với bề tôi, thần dân mà sai bảo giống như chó ngựa thì thuộc hạ hoặc là nhân dân cũng sẽ đối đãi lại vị vua đó giống như người dưng nước lã. “Người trong nước” không qua lại, đi ngang qua họ cũng không chào hỏi, vì không có tình nghĩa thật sự.

Mọi người hãy chú ý, hiện tại rất nhiều mối quan hệ quân thần rất giống kiểu như vậy. Người lãnh đạo doanh nghiệp coi cấp dưới của mình như công cụ kiếm tiền, “anh bán sức cho tôi, tôi trả anh tiền”, cấp dưới cảm thấy “tôi cũng đã làm rồi, tôi cũng phải lãnh phần mà tôi nên lãnh, sau khi tan ca thì anh là anh tôi là tôi”, gặp nhau ở tiệp bách hóa cũng không chào hỏi. Kỳ thực, điều này là đã đi lệch với bản tính của con người, bản tính con người phải nên tương ưng với đạo nghĩa. Con người xử sự đều suy nghĩ đến lợi ích của chính mình, việc đó thì đã đi ngược lại tánh đức rồi, “nhân chi sơ tánh bổn thiện”.

Rất nhiều trẻ nhỏ khi lần đầu tiên nhìn thấy một con cá bị cắt đuôi chảy máu, trẻ nhỏ đều rơi nước mắt. Chúng vì sao mà lại khóc? Chúng đồng cảm, xúc động, cảm thấy con cá sẽ rất đau. Cá mà chúng còn thương xót như vậy thì càng huống hồ là con người, có phải không? Đó là bản năng của chúng. Vậy làm sao mà khi lớn lên lại tổn hại đến cả cha mẹ vậy? Từ chỗ này chúng ta thấy được sự vĩ đại của giáo dục khiến cho chúng giữ gìn được thiên tính cả cuộc đời, đến nỗi tấm lòng yêu thương cha mẹ đó, hiếu với cha mẹ đó mở rộng ra đối với tất cả mọi người. Cũng giống như Phạm Công vậy, có tấm lòng “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Đó chính là giữ gìn cái thiên tánh, sau đó thì phát dương quang đại. Đây là trọng tâm quan trọng nhất trong sự giáo dục của dân tộc chúng ta, giữ gìn thiên tính, phát dương quang đại.

Thời thế thay đổi, chủ nghĩa công lợi làm chủ, làm cho chúng ta đều bị ô nhiễm, việc gì cũng nghĩ đến chữ “lợi” trước tiên. Các vị nói đến kết giao bạn bè, “qua lại với người này thì tôi có được lợi ích gì không?”, đều là có cái điểm xuất phát này, không chân thành, đều là có mục đích. Đạo nghĩa là ta như thế nào để có thể giúp đỡ cho họ, lợi ích cho họ. Cho nên ở trong thời buổi chủ nghĩa công lợi này, con người mà không bị ô nhiễm thì thật không dễ, con người vẫn cần có cái đầu sáng suốt, không thể mặc tình để cho trôi theo sóng nước.

Phương Đông đặc biệt là ở Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đều lấy việc lợi người làm thái độ của đời người. Mà hôm nay người này có nhân duyên đến với đoàn thể của chúng ta, gặp nhau tất là phải có duyên. Người Trung Hoa thì coi trọng nhất chính là luân thường. Luân thường chính là người trong một nhà. Ở nhà thì cha con, vua tôi, vợ chồng là người một nhà, mở rộng ra đến xã hội thì đồng nghiệp như anh em. Ngành nghề của bạn ai gọi bạn cũng gọi là sư phụ, còn cung kính đối với bạn giống như bậc cha chú, đi đến nơi đâu cũng đều là trọng tình nghĩa, trọng luân thường. Hôm nay có duyên làm đồng nghiệp, có duyên làm cấp dưới của chúng ta, chúng ta dựa vào cái duyên này thành tựu hạnh phúc của họ, thành tựu đức hạnh của họ, chứ không phải là xem họ như công cụ để mà sử dụng, dùng đến khi họ bị tổn hại sức khỏe. Giúp bạn kiếm được một đống tiền, sức khỏe mất rồi thì về nhà đi, không lo cho họ nữa, đây là không đúng. Sự quan tâm của nhân văn mọi nơi đều có thể khởi lên được, niệm niệm đều vì những người có duyên ở bên cạnh mà suy nghĩ, đặc biệt là vì sự hạnh phúc một đời của họ mà suy nghĩ.

Hiện tại có rất nhiều nhà doanh nghiệp nghe được giáo huấn của lão tổ tông, lòng yêu thương của họ khởi phát, đã mau chóng đem ngũ luân – bát đức dạy cho thuộc hạ của họ. Vốn dĩ là tỷ lệ ly hôn rất cao, bây giờ thì không còn ly hôn nữa. Đó đều là đại công đức. Các vị xem, không chỉ là nghĩ đến sự nghiệp của chính mình, nghĩ đến là cuộc đời hạnh phúc của tất cả công nhân viên. Một niệm tâm này là chân chánh, nhân từ, nhân ái. Đây là “Quân Chi Thị Thần Như Thủ Túc”, người một nhà. “Tắc Thần Thị Quân Như Phúc Tâm”, họ liền trung.

Hiện tại rất nhiều người đều nói: “Ôi, con người hiện nay không trung thành, nhảy việc đổi nghề rất nhiều”. Đó là nhìn sự việc ở trên tướng. Bạn không yêu quý họ thì họ làm sao hiểu chuyện, bạn không dạy bảo họ thì họ làm sao hiểu chuyện. Cho nên làm người lãnh đạo, làm cha mẹ làm thầy cô người ta, không thể than phiền, vấn đề vẫn là phải giải quyết từ trên bản thân của chúng ta, bởi vì sao? “Quân nhân thần trung”. Có ai nói là “thần trung quân nhân” không, là “quân nhân thần trung. “Phụ từ tử hiếu”, cha mẹ phải dạy dỗ tốt cho con cái. Lại không thể nói “tử hiếu phụ từ”, có phải không? Nó có đạo lý. Những người có ảnh hưởng lớn đến gia đình, đoàn thể, trước tiên phải làm việc cho đúng, phải yêu thương, phải giáo hóa người cấp dưới.

Tiếp theo nói, “quân chi thị thần như thổ giới”. Nếu như người làm vua đối đãi với thuộc cấp như cát bụi cỏ rác mà chà đạp, coi thường, thì cấp dưới đối đãi với người làm vua đó như cường đạo, như thổ phỉ, như kẻ thù không khác. Câu nói này về cơ bản, một vị vua cuối cùng của triều đại bị mất nước gần đều như có cái kiểu giống như vậy. Các vị xem Hạ Kiệt, cấp dưới khuyên ông “thưa hoàng thượng, ngài làm như vậy nữa thì sẽ mất nước”. Hạ Kiệt nói: “Mặt trời thì làm sao có thể tiêu vong được chứ”. Kết quả là những lời này truyền đến tai của lão bá tánh, lão bá tánh nói “mặt trời lúc nào thì tiêu vong vậy, tôi sẽ liều chết một phen”. “Ngô dữ nhữ giai vong”, nghĩa là tôi sẽ liều chết với anh, tôi sẽ cùng diệt với anh, tôi không thể tiếp tục tiếp nhận chính sách bạo ngược nữa. Làm người làm đến nỗi người ta phải liều với chúng ta một phen thì chẳng ra làm sao, vả lại thật sự là đã không tận hết bổn phận của mình.

Trinh Quán năm thứ 11, Thái Tông có một hôm xem thấy một đoạn lịch sử. Xem xong rất cảm động, liền nói với những người ở bên cạnh, “vào thời Xuân Thu chiến quốc, người dân tộc Địch (những người dân tộc Địch này không phải là người dân tộc Hoa Hạ, được xem là tiếp nhận giáo hóa tương đối ít trong một tộc Man Di), đã giết hại Vệ Ý Công. Vua của nước Vệ là Vệ Ý Công, giết chết ông, còn ăn luôn thịt của ông, chỉ còn dư lại gan là không bị ăn mất. Các vị quan đều rươm rướm nước mắt vì không cứu được nhà vua, sau cùng nhìn thấy sự việc thê thảm như vậy đành ngước mặt mà gào thét. Sau đó đem lá gan của nhà vua bỏ vào trong người của mình, đem lấy lá gan của mình ra, bỏ lá gan của nhà vua vào”. Sau đó Đường Thái Tông cảm thán: “Chao ôi! Ngày nay muốn tìm được người như vậy có thể không còn tìm được nữa, trung thành đến như vậy”. Có thể khi nói đến chỗ này, lại có người nói “có thể nào không?”. Mọi người hãy chú ý, có câu nói “quân tử dĩ kỳ sở bất năng úy nhân, tiểu nhân dĩ kỳ sở bất năng bất tín nhân”. Người quân tử đối với những việc mà mình không làm được nhưng người khác thì làm được thì đối với người ta sinh khởi tâm kính nể, tiểu nhân tâm thái thì không như vậy. Tiểu nhân đối với việc mình không thể, tức là bản thân họ không làm được, thì họ cũng không tin người khác có thể làm được, “tiểu nhân dĩ kỳ sở bất năng bất tín nhân”. Ngày trước người con hiếu, người dâu hiếu, vừa nghe nói cắt bộ phận nào trên cơ thể xuống để làm thuốc dẫn thì mẹ của người đó sẽ khỏi bệnh, dao vừa cầm lên thì đã cắt xuống rồi, sau cùng thật sự là đã khỏi bệnh. Việc này trong sách “Đức Dục” không chỉ có một câu chuyện, trong quyển “nhị thập ngũ sử” còn ghi chép lại, nói với mọi người chúng ta còn có thể lừa gạt người, lão tổ tông thì không có lừa gạt người. Đức hạnh của họ tốt hơn chúng ta rất nhiều, có phải không? Không thể nào việc mình không làm được lại còn đi hoài nghi người khác, vậy thì đã tạo thêm tội nghiệp.

Vừa rồi chúng ta mới nói đến Vệ Trọng Đạt, “một niệm bất chánh khởi thì đã xem là có tội rồi”. Người xưa những sự hành trì này ghi chép ở trong sử sách, lòng thành cảm động đá vàng cũng vỡ. Thái Tông hoàng đế đọc xong câu chuyện này rất cảm thán, “trung thần như vậy thì rất là khó tìm”, sau đó nói đến chỗ này lập tức nói cho truyền Ngụy Trưng, mời Ngụy Trưng vào. Sau đó cũng đã đem câu chuyện này kể cho Ngụy Trưng nghe, nghe thử xem Ngụy Trưng nghĩ như thế nào nói như thế nào. Ngụy Trưng nói: “Bẩm hoàng thượng! Dự Nhượng của thời đại chiến quốc khi xưa vì Trí Bá báo thù”. Ông Trí Bá này mọi người hãy suy nghĩ thử xem, lúc trước khi chúng tôi muốn giảng “tài đức luận”, đã giảng một câu chuyện chính là Trí Bá rất hung hăn càn quấy, đắc tội với Triệu Tương Tử, sau cùng bị họ bày mưu giết hại, sau đó ba nhà chia nhau nước Tấn. Chính là bởi vì Trí Bá quá ngạo mạn, sau cùng cả gia tộc của ông cũng bị tiêu vong. Bởi vì điển tích như vậy mà dẫn đến “tài đức luận”, cho nên Ngụy Trưng đã lấy cái ví dụ này. Các vị xem, Dự Nhượng muốn vì Trí Bá báo thù, nhưng việc không thành lại bị Triệu Tương Tử bắt. Vả lại sau khi bắt lại liền nói với Dự Nhượng, “Dự Nhượng! Ngươi ngày trước từng phò tá cho Phạm Thị cùng Trung Hành thị, hai vị chủ tử này. Mà hai vị chủ tử đều bị Trí Bá tiêu diệt, nhưng mà ngài ngược lại đi nhờ vả Trí Bá. Bạn đều không vì hai người họ để báo thù, bây giờ lại vì Trí Bá báo thù, vì sao vậy?”. Kết quả Dự Nhượng nói: “Tôi ngày trước phụng sự Phạm Thị và Trung Hành Thị, họ chỉ xem tôi giống như những người bình thường khác mà thôi, vì vậy tôi cũng xem họ giống như những người bình thường ở chung quanh mà thôi. Nhưng mà Trí Bá ông thì lại đối đãi với tôi giống như một người đọc sách tôn quý nhất của đất nước, tôi đương nhiên cũng xem ông như người tài năng của đất nước mà báo đáp, mà trả thù cho ông”. Bởi vì vua xem cận thần như thủ túc thì cận thần xem vua như tim gan, đây cũng là cảm nhận được sự tận hiến của Dự Nhượng. Phạm Thị và Trung Hành Thị thì không đủ tôn trọng Dự Nhượng, đương nhiên cũng sẽ không cảm được sự hồi báo như vậy. Tiếp theo Ngụy Trưng nói điều quan trọng nhất, “cho nên hoàng đế không phải không có người như vậy, mà là xem hoàng thượng đối đãi với thần tử như thế nào”. Trong thoáng chốc đã điểm chỉ ra cho hoàng đế, có phải không? Thái Tông xem xong câu chuyện này liền nói: “Ái chà, chắc tìm không được loại người này”.

Các vị xem, chúng ta hiểu được đạo lý rất dễ dàng trong phản ứng đầu tiên. Nhìn người khác, yêu cầu người khác, cái này cũng nằm trong lý trí, thậm chí là sẽ yêu cầu quá đáng, thậm chí là oán trách những người ở bên cạnh, việc này đã đi ngược lại với “phản thân”, “phản cầu chư kỷ” mới đúng. Cho nên, “thánh và phàm cách nhau chỉ một niệm”, ý niệm này của chúng ta một khi không đúng thì đã lệch với chánh đạo. Chẳng qua Thái Tông cũng rất là đáng quý, lập tức mời Thái Tông đến nói thử xem sao. Mà Ngụy Trưng lập tức chỉ ra cái tâm thái đó của quân vương là không đúng, Thái Tông cũng không phải là không tiếp nhận. Cho nên Phu Tử ở điểm này là đặc biệt tỏ bày nghĩa lý. “Chánh dĩ nhi bất cầu ư nhân”, không thể hiểu được một cái đạo lý rồi thì trước tiên lại đi yêu cầu người khác, “Chánh dĩ nhi bất cầu ư nhân, tắc vô oán”. Chúng ta xem, cuộc đời mà muốn không có oán thù, người khác đối với chúng ta không có oán, cho đến chúng ta cũng không oán người khác. Tự mình phải có thể không oán người, quan trọng nhất là phải rõ lý, quan trọng nhất là “phản cầu chư kỷ”, thì sẽ không oán người, bởi vì đã rõ ràng rồi. Tất cả sự chiêu cảm của cuộc đời đều là do tự tâm mình chiêu cảm mà ra, vậy thì có gì phải oán người. Yêu người thường được người yêu lại, cảm ứng ra như vậy. Hôm nay người ta mắng bạn thì nhất định là bạn ngày trước cũng đã thường hay mắng người ta, cho nên mới chiêu cảm đến, việc này không trách người ta. Cho nên người rõ lý thì nhất định sẽ không oán trách người. “Nhưng mà tôi cả đời không có mắng họ, vậy mà họ vẫn mắng tôi”, vậy thì tốt. Bạn vừa suy nghĩ như vậy thì bạn đã khai ngộ rồi, thì bạn sẽ tìm đáp án triệt để nhất. Rốt cuộc hiểu rõ là do đời trước đã mắng người ta. “Muốn biết nhân đời trước hãy xem thọ nhận của đời này. Cuộc đời không có việc xấu. Sau khi bạn bị mắng rồi thì được khai ngộ, hiểu rõ đạo lý nhân sinh rồi. Cuộc đời thật sự là không có việc xấu, chỉ cần tâm thái của bạn đúng, mỗi một việc thì đều là đại tốt, đều góp phần tăng thêm đối với đức hạnh của bạn. Cho nên tự mình phải không oán trách, phải rõ lý. Làm đến được không để người ta oán, đầu tiên không nên yêu cầu người khác mà yêu cầu chính mình. Chính mình làm không tốt mà đi yêu cầu người khác thì người ta sẽ không phục, sẽ có oán trách.

Tiếp đến, “bình tâm thì không oán trách, tận tâm thì không hối hận”. Chúng ta thường nói, phải đi một cuộc đời không hờn không oán, tâm địa vừa chuyển thì có thể không còn oán, không còn hờn nữa. Tâm bình đối với người sẽ công bằng, bạn sẽ không chiêu cảm sự oán trách của người khác. Bạn xem, làm cha mẹ làm thầy cô mà bạn nếu như không công bằng, vậy thì oán sẽ liền tới. Trong đoàn thể mà bạn nếu như yêu cái này, sủng ái cái kia, người ta nhất định sẽ bị tổn thương, sẽ oán trách, cho nên phải có thể công bằng. Có thể không yêu cầu với người, có thể không tự tư tự lợi, mới có thể không oán trách. Bất cứ việc gì cũng đều chỉ biết nghĩ đến mình, người ta nhìn thấy thì nhất định sẽ chịu không nổi, “con người này thật là”,… đều là tự ngã. Có lợi ích thì đều tự mình giành lấy đầu tiên, vậy thì làm gì có đạo lý không oán thán.

Khổng Tử nói: “Phóng ư lợi nhi hành, đa oán”. Tất cả thái độ làm việc mà chỉ biết đem tự tư tự lợi của chính mình xếp lên vị trí hàng đầu thì nhất định sẽ chiêu cảm lấy rất nhiều sự oán hận, người ta oán hận chúng ta. Thứ nhất là không tốt đối với sức khỏe của người ta, thứ hai là cái từ trường đó vừa truyền tới thì chúng ta sẽ mắc bệnh, có phải không? Cái từ trường đó mỗi ngày đều ở đó phát ra kiểu như là “con người này sao mà vẫn tồn tại, con người này sao vẫn tồn tại?”, cái từ trường đó không tốt. Cho nên con người vẫn là phải rộng kết thiện duyên, không nên kết oán với người ta. Có lúc cảm thấy “ồ sao hôm nay mình bị ngứa lổ tai quá vậy”, được rồi hãy bình tĩnh suy nghĩ, “mình đã đắc tội với người ta nên đã bị người ta mắng rồi”.

HẾT TẬP 31 – Xin xem tiếp tập 32 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!