Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

TỐ CHẤT CỦA NGƯỜI THẦY VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CẦN PHẢI CÓ

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không.
Địa điểm: Hội phúc lợi khu vực Tiêm Sa Chủy – Hong Kong
Ngày: 20/12/2016

Kính thưa Hòa thượng chủ pháp, các vị Pháp sư, các vị Đại đức, các vị đồng tu: Xin chào mọi người!

Lại đến pháp hội tế tổ Đông Chí một năm một lần. Mục đích tế tổ là tưởng nhớ ân đức tổ tiên, đề xướng hiếu kính, tri ân báo ân. Đối với người thời đại này của chúng ta mà nói, sứ mạng quan trọng nhất là tiếp tục truyền thừa văn hóa truyền thống ưu tú của dân tộc, đây là cách tốt nhất để báo đáp ân đức của tổ tông.

Tôi vui mừng khi nhìn thấy các nơi trong và ngoài nước hưng khởi phong trào học tập văn hóa truyền thống sôi nổi, đây là hiện tượng rất tốt. Nhưng mà, có những lớp học tập văn hóa truyền thống xuất hiện một số tình trạng khiến người khác lo lắng, ảnh hưởng đến cảm nhận và lòng tin của những người khác đối với văn hóa truyền thống, việc này không thể không chú trọng. Những vấn đề này luôn liên quan đến tố chất của người thầy văn hóa truyền thống, cho nên tôi muốn nhân cơ hội này, nói về tố chất của người thầy văn hóa truyền thống cần phải có.

Đối với dạy học về văn hóa truyền thống, chúng tôi vẫn luôn nói, mấu chốt quan trọng nhất là ở thầy cô: Bản thân thầy cô nhất định phải làm trước, sau đó mới có thể dạy học sinh. Chúng tôi phát hiện có rất nhiều nơi gọi là “lớp văn hóa truyền thống”, làm không như pháp, đại đa số các vấn đề là do ở thầy cô – bản thân thầy cô không thật sự nỗ lực thực hiện văn hóa truyền thống, không dùng văn hóa truyền thống để sửa đổi tập khí, tật xấu của bản thân mình, làm sao có thể dạy tốt cho học sinh được? Đừng cho rằng người như thế nào cũng có thể làm thầy cô văn hóa truyền thống được, phải biết rằng “dạy sai con cái nhà người là tội nghiệp rất nặng”, còn nặng hơn tội giết người của thầy lang băm, bởi vì bạn đã đoạn pháp thân huệ mạng của người khác! Học sinh tiếp thu lời dạy sai trái rất dễ, sau khi tiếp nhận lời dạy sai trái mà muốn quay đầu thì rất khó!

Người thầy văn hóa truyền thống nên có đủ những điều kiện nào? Cách nhìn của cá nhân tôi là: Bên trong phải học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, buông xuống 5 loại phiền não “tham sân si mạn nghi”; bên ngoài phải học Khổng Lão phu tử, thể hiện ra năm đức tính “ôn lương cung kiệm nhượng”.

Xin nói rõ như sau:

Thứ nhất – buông xuống tham:

Nếu như người thầy văn hóa truyền thống tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, chỉ cần tham bất kỳ loại nào trong bốn loại tham này, thì rất khó làm người thầy tốt, rất khó dạy tốt học sinh. “Lễ Ký – Khúc Lễ” nói “Dục bất khả túng”, khuyên răn con người không thể buông thả theo dục vọng của mình. Dục vọng là hố sâu không đáy, một khi con người bị dục vọng khống chế thì sẽ trở thành nô lệ của dục vọng, lý trí sẽ bị che đậy; cho dù nói nhân nghĩa đạo đức có hay đến đâu, cũng đều là giả, bởi vì vốn dĩ bản thân họ không làm được. Người như vậy rất dễ đánh mất “sư đức”, mất đi tiêu chuẩn đạo đức và nguyên tắc hành vi của người làm tấm gương mô phạm phải có.

Vì vậy sách “Đại Học” nói [muốn] làm rõ cái đức sáng, thì bước thứ nhất phải “cách vật”: trừ bỏ dục vọng về vật chất của bản thân; ít nhất phải làm được như “Khúc Lễ” nói tiết chế dục vọng của bản thân, để tinh thần và thời gian vào việc học tập và thực hành văn hóa truyền thống, như vậy mới có thể “trí tri”, mở mang trí tuệ vốn có của bản thân; sau đó mới nói đến thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Người thầy văn hóa truyền thống nhất định phải có tinh thần sứ mạng và lòng trách nhiệm mãnh liệt đối với việc truyền thừa văn hóa truyền thống, luôn luôn ghi nhớ sự phát tâm cao thượng lúc ban đầu, đồng thời luôn đọc tụng kinh điển của cổ thánh tiên hiền, thực hành cụ thể ba nền tảng là “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, luôn thân cận thầy tốt bạn hiền, mới có thể bảo vệ chính mình không bị tài sắc danh lợi mê hoặc.

“Luận Ngữ” nói: “Học rồi luyện tập, không phải vui sao?” Sau khi trải qua sự nghiêm túc học tập văn hóa truyền thống rồi nhận được sự hưởng thụ cao nhất của đời người, sẽ không bị sức cám dỗ của hưởng thụ vật chất mà khuất phục, giống như câu “Cường lập nhi bất phản” mà “Lễ Ký – Học Ký” đã nói: Gặp phải sự tình sẽ không bị mê hoặc, sẽ không làm trái với sư đạo. Người như vậy, mới là người thầy văn hóa truyền thống lý tưởng.

Thứ hai – buông xuống sân

Nếu như bản thân người thầy văn hóa truyền thống thiếu sự tu dưỡng, dễ dàng nổi nóng, thậm chí trút hết cơn giận vào người của học sinh, cho dù là hình thức xử phạt về thể xác hay trách mắng, cũng sẽ tổn thương đến học sinh, làm cho nội tâm của học sinh bị ám ảnh, khi nghiêm trọng, thậm chí tạo thành sự biến chất về mặt nhân cách của học sinh, do vậy mà bài xích văn hóa truyền thống. Người thầy như vậy không phải đang hoằng dương văn hóa truyền thống, mà là phá hoại văn hóa truyền thống!

Sách “Chu Dịch” nói: “Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục.” Sự tu dưỡng căn bản của quân tử là kiềm chế phẫn nộ, ngăn chặn tham dục. “Luận Ngữ” nói “Bất thiên nộ”: Đừng để cơn giận trong lòng tiếp tục di chuyển và phát triển, càng không thể trút hết lên người khác. Thầy cô nhất định phải thực hành đầy đủ đức hạnh “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, học sinh có chỗ nào làm không tốt, thầy cô nhất định phải tự xét lại bản thân mình, kiểm điểm và cải thiện, chứ không phải trách tội học sinh. Kiểm soát cảm xúc của bản thân, giữ gìn lý trí và tu dưỡng, đây là tố chất cơ bản vô cùng quan trọng của những người thầy văn hóa truyền thống.

Thầy cô đối với học sinh nhất định phải tràn đầy lòng yêu thương và nhẫn nại: có lòng yêu thương, thì sẽ có sự nhiệt tình dạy học cao độ, sẽ thật lòng hiểu rõ và thông cảm cho tình trạng của học sinh, phát huy tâm đồng cảm, đứng về phía lập trường của học sinh mà suy nghĩ. Phải áp dụng cách quan tâm và động viên, tránh dùng ngôn ngữ và hành vi làm tổn thương đến thân tâm của học sinh. Có lòng nhẫn nại, thì sẽ tâm bình khí hòa, không sợ phiền nhọc mà chỉ dạy học sinh, dành đủ thời gian cho học sinh thẩm thấu, tiếp thu và nâng cao.

Người làm thầy, tối kị nhất là gấp gáp muốn thành công, tối kị nhất là so sánh với nhau. Nếu như những thầy cô văn hóa truyền thống rơi vào trong sự chấp trước này, thì rất khó lòng gìn giữ tâm thái cân bằng, rất khó tránh khỏi tư tưởng, ngôn hành rơi vào sai lệch, sẽ cho học sinh yêu cầu và gây áp lực không cần thiết. Cách làm không lý trí này, cái sau cùng bị tổn hại chính là sự trưởng thành lành mạnh của học sinh và danh tiếng tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Làm như vậy cũng là đang phá hoại văn hóa truyền thống.

Thứ ba – buông xuống si

Người thầy văn hóa truyền thống nhất định phải hiểu rõ đạo lý tu thân và dạy học; phải học được trí tuệ làm người làm việc từ trong giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, phải đọc làu Tứ Thư Ngũ Kinh, đầy đủ chánh tri chánh kiến về luân lý, đạo đức, nhân quả, giáo dục thánh hiền. Đặc biệt là phải thông hiểu đạo lý trong sách “Học Ký”, hiểu rõ quy tắc dạy học chính xác của người xưa. Thầy cô cũng phải biết rõ thứ tự dạy học chính xác, phải có mục tiêu dạy học chính xác, kế hoạch dạy học chu đáo, thái độ dạy học công bằng chính trực, phương pháp dạy học hiệu quả và chất lượng dạy học tốt. Điều đặc biệt quan trọng là thầy cô phải thật lòng yêu quý học sinh, có thể nắm rõ đặc tính của học sinh, tùy theo năng lực của học sinh mà dạy.

Thứ tự dạy học dựa theo “Tam Tự Kinh”: “Vị học giả, tất hữu sơ, tiểu học chung, chí Tứ Thư.” (Kẻ đi học, ắt phải học từ thuở ban đầu. Từ sách Tiểu Học cho đến Tứ Thư) “Hiếu Kinh thông, Tứ Thư thục, như Lục Kinh, thủy khả độc.” ( Sách Hiếu Kinh phải thông suốt, tới sách Tứ Thư phải cho thuộc, rồi mới đọc Lục kinh là: Kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu). “Kinh ký minh, phương độc Tử, toát kỳ yếu, ký kỳ sự.” (Kinh và Truyện đã rõ, mới đọc qua sách Tử. Nên rút lấy chỗ cốt yếu, ghi nhớ các việc). “Tử Kinh thông, độc chư sử, khảo thế hệ, tri chung thủy.” (Kinh, Truyện và sách Tử thông suốt rồi thì hãy đọc tới sách sử, để xét từ đời nọ sang đời kia, từ đời khởi đầu cho tới đời sau chót vậy). Giai đoạn Tiểu Học là thực thi giáo dục sơ cấp đối với nhi đồng, thiếu niên; chú trọng tiêu chuẩn của hành vi trong cuộc sống như quét dọn, ứng đối, tiến lui v.v… vun bồi nền tảng đức hạnh. Giống như sự chỉ dạy trong các kinh điển vỡ lòng như “Đệ Tử Quy” và “Những Điều Trẻ Thơ Phải Biết” của Chu Tử v.v… Cho nên ưu tiên giáo dục đức hạnh nhất, sau đó mới đọc kinh, đọc Tử, đọc lịch sử. Sau khi có nền tảng quốc học vững chắc rồi, mới lựa chọn một bộ kinh điển mà bản thân có hứng thú nhất để chuyên chú dụng công, “một môn thâm nhập, trường thời huân tu”.

Căn cơ của học sinh khác biệt rất lớn, không thể rập khuôn dạy cùng một khóa trình đối với mỗi em, đó là lối giáo dục cứng nhắc, sẽ chôn vùi rất nhiều nhân tài của các phương diện khác nhau. Vì vậy nhất định phải dạy học dựa trên tài năng của các em, chứ không phải tất cả học sinh đều phải đọc thuộc rất nhiều kinh điển mới là tốt, phải xem học sinh có năng khiếu trên phương diện này không. Cái gọi là “Ngành ngành xuất hiện trạng nguyên”, thầy cô phải đi sâu vào hiểu rõ học sinh, chỉ dẫn học sinh phát triển sở trường riêng của mỗi em. Ví dụ, đối với học sinh có thiên bẩm và hứng thú nghệ thuật, thì phải chỉ dẫn chúng hướng về nghệ thuật; đối với học sinh có thiên bẩm và hứng thú với phương diện kỹ thuật, thì phải chỉ dẫn chúng hướng về kỹ thuật…. theo đó mà suy ra. Nếu như yêu cầu cứng nhắc mỗi một học sinh chỉ có thể đọc thuộc kinh sách, thì sẽ làm mai một rất nhiều nhân tài đặc biệt, đáng tiếc vô cùng! Đây cũng là chỗ phát sinh vấn đề của một số lớp giáo dục văn hóa truyền thống.

Thầy cô biết dạy theo tài năng [của học sinh], mới có thể khai thác ưu điểm và tiềm năng của mỗi một học sinh, tiến hành đào tạo riêng biệt. Mỗi một học sinh đều riêng biệt, đều có điểm sáng của bản thân, nếu như thầy cô có thể khẳng định hơn nữa, đặt lòng tinvào học sinh, động viên học sinh phát triển phẩm chất riêng của chính mình, vậy thì mỗi học sinh đều có thể thành tài. Người thầy có thể giúp cho mỗi một học sinh tìm được phương hướng phát triển của bản thân chính là vị minh sư.

Thầy cô nên áp dụng cách dạy học theo phương pháp dẫn dắt gợi ý, chứ không phải là kiểu dạy nhồi nhét. Giống như sách “Học Ký” đã nói, thầy cô nên “Đạo nhi phất khiên, cưỡng nhi phất ức, khai nhi phất đạt”: Chỉ dạy học sinh học tập, chứ không phải cưỡng ép, không thể cưỡng ép học sinh tiếp nhận, không cần phải bắt buộc học sinh lập tức hiểu bài ngay, phải từ bỏ thói hấp tấp nóng vội; khuyến khích học sinh tiến bộ, chứ không áp chế sự phát triển của học sinh; khởi phát ngộ tánh của học sinh, chứ đừng vội đưa thẳng ra kết luận, đừng để ngộ tánh của học sinh bị ngăn ngại. Nếu như có thể dạy học như vậy, hiệu quả đạt được chính là “đạo nhi phất khiên tắc hòa, cưỡng nhi phất ức tắc dị, khai nhi phất đạt tắc tư”: Chỉ dạy bảo thêm mà không cưỡng ép học sinh, thì học sinh học rất hoan hỷ; khéo khuyến khích thêm mà không áp chế, thì học sinh sẽ dễ dàng phát triển tiềm năng của chính mình; chỉ khơi gợi thêm mà không nói hết nghĩa đó, thì học sinh có thể tiến thêm một bước suy nghĩ sâu, nghiên cứu kỹ, khai phát ngộ tánh, thầy cô như vậy mới có đầy đủ trí tuệ dạy học, khéo dạy dỗ và dẫn dắt học sinh.

Thứ tư – buông xuống mạn

Cho dù thầy cô ưu tú đến đâu, thành tích huy hoàng thế nào, cũng không được ngạo mạn, mà phải khiêm tốn. “Khúc Lễ” nói “Ngạo bất khả trưởng”: Không thể để mặc cho tâm ngạo mạn tăng lên. Một người có tâm ngạo mạn nặng, không biết tôn trọng người khác, tâm thái như vậy đã rất nguy hiểm rồi; nếu như còn không biết tự mình cảnh giác, cuối cùng tính tình sẽ trở thành tự tư, cố chấp, tàn bạo! Huống hồ khi tâm ngạo mạn tăng thêm một phần, thì tâm thành kính sẽ giảm xuống một phần, không thể không cảnh giác cẩn thận! “Luận Ngữ” nói: “Như hữu Chu Công chi tài chi mỹ, sử kiêu thả lận, kỳ dư bất túc quan dã dĩ.” Cho dù một người có tài năng tài giỏi như Chu Công, nếu như ngạo mạn, keo kiệt, thì cũng không đáng để nhắc đến nữa.

Thầy cô nhất định phải thành kính, khiêm hòa, khiêm tốn giữ lễ, vui vẻ tiếp nhận lời khuyên nhủ của người khác, mạnh dạn sửa đổi sai lầm của bản thân. Nếu như cho rằng mình ngồi tít trên cao, kiêu căng mà không nghe lời khuyên can, mặc tình làm sai chứ không chịu hối lỗi sửa đổi, vậy thì không đáng để làm tấm gương về vị thầy mẫu mực cho người khác. Thầy cô nhất định phải dạy được tất cả mọi kiểu người, bình đẳng công chính để dạy dỗ học sinh, không thể đối xử khác biệt với học sinh cao thấp sang hèn. Thầy cô nhất định phải tôn trọng sự tôn nghiêm của học sinh, dùng giáo dục nhân tính phù hợp để vun bồi nhân cách cao thượng của học sinh. Nếu như một mực chạy theo điểm cao, chạy theo thành tích tốt mà không từ thủ đoạn, xem nhẹ sự tôn nghiêm về mặt nhân tính và sự phát triển nhân cách của học sinh, đó là giáo dục bất thường, không phải giáo dục hoàn thiện, tất nhiên trái với nguyên tắc giáo dục của văn hóa truyền thống.

Về việc trừng phạt đối với học sinh, đó không phải là để thầy cô trút cơn giận; mà thầy cô phải xuất phát từ thiện ý, nhằm hạn chế sự bướng bỉnh của học sinh, và để cho học sinh ghi nhớ kỹ hơn. Do đó trừng phạt phải nhất định rất hạn chế, rất khéo léo, mới không gây ra tổn thương cho thân tâm của học sinh. Cho dù như vậy, người xưa vẫn có cách dạy “bảy điều không trách”, rất đáng để noi theo. Dù chỉ là quở trách học sinh, cũng nhất định phải tránh bảy tình huống này:

Thứ nhất – Không trách phạt trước mọi người: Ở chỗ công cộng đông người đừng quở trách trẻ nhỏ; phải cho trẻ nhỏ sự tôn nghiêm trước mặt công chúng.

Thứ hai – Trẻ đã hổ thẹn thì không trách: Nếu như trẻ nhỏ đã cảm thấy hổ thẹn, hối hận với lỗi lầm của bản thân chúng rồi, người lớn đừng tiếp tục quở trách chúng.

Thứ ba – Không trách vào buổi tối: Buổi tối trước khi ngủ đừng quở trách trẻ nhỏ. Nếu quở trách chúng vào lúc này, chúng đi ngủ với trạng thái ủ rũ chán nản, thì hoặc là đêm không thể ngủ, hoặc là gặp ác mộng liên tục.

Thứ tư – Không trách khi đang ăn uống: Khi đang ăn cơm đừng quở trách trẻ nhỏ. Nếu như quở trách chúng lúc này, rất dễ dẫn đến tỳ vị của chúng bị suy yếu.

Thứ năm – Không trách lúc trẻ vui mừng: Khi trẻ nhỏ đặc biệt vui vẻ, đừng quở trách chúng. Khi con người vui vẻ, kinh mạch ở trạng thái thông suốt, nếu như đột nhiên bị quở trách, kinh mạch sẽ lập tức bị nghẽn, sẽ tổn hại rất lớn đối với sức khỏe của chúng.

Thứ sáu – Không trách khi đau buồn: Khi tâm trạng trẻ nhỏ không tốt đừng quở trách chúng.

Thứ bảy – Không trách khi bệnh tật: Khi trẻ nhỏ bị bệnh đừng quở trách chúng. Bị bệnh là lúc cơ thể con người yếu đuối nhất, lúc này lại cần sự yêu mến, ấm áp của cha mẹ, sư trưởng nhiều hơn, điều này có hiệu quả trị liệu hơn bất kỳ phương thuốc nào.

Lời giáo huấn “Bảy lúc không trách” của người xưa vô cùng quan trọng, người làm thầy nhất định phải khắc ghi trong lòng, thực sự tuân thủ.

Thứ năm – Buông xuống nghi

Học tập văn hóa truyền thống với học tập khoa học không như nhau: Học tập khoa học chú trọng nghi ngờ; học tập văn hóa truyền thống thì nhất định phải có lòng tin kiên định đối với lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, không thể nghi ngờ, người làm thầy càng phải như vậy.

Vừa mở đầu “Tam Tự Kinh” đã nói “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, còn trong Phật pháp nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”; khẳng định tánh người vốn thiện, người có thể được dạy trở thành tốt, điều này vô cùng quan trọng! Thầy cô nhất định phải có lòng tin với điều này, mới có thể dạy tốt học sinh.

Người xưa dạy học, chủ trương một môn thâm nhập, không chủ trương cùng lúc học nhiều môn. Như “Đệ Tử Quy” đã nói “Mới đọc đây, chớ thích kia. Đây chưa xong, kia chớ đọc”. Nghiên cứu học vấn phải chuyên nhất, chuyên tâm, thì mới có thể thâm nhập. Không thể mới bắt đầu đọc quyển sách này chưa bao lâu, lại ước ao quyển sách khác, muốn xem quyển sách khác, như vậy thì mãi mãi cũng không thể định tâm lại; nhất định phải đọc hết quyển sách này, mới có thể đọc quyển sách khác. Người xưa lại xem trọng đọc tụng, nhằm khai ngộ tánh, như trong “Những Điều Trẻ Thơ Phải Biết” Chu Tử nói: “Cổ nhân nói, đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu. Đọc thuộc thì không cần đợi giảng giải, tự hiểu nghĩa trong đó.” Nếu như không có lòng tin đối với những lời giáo huấn này, thì bản thân rất khó tiếp tục kiên trì mà làm, cũng rất khó kiên quyết yêu cầu học sinh làm theo những quy tắc này. Nhất định phải có đủ lòng tin đối với giáo huấn của cổ thánh tiên hiền và lão tổ tông, mới có thể lập ra nội quy, thực hành triệt để, giáo dục văn hóa truyền thống mới có thể thuần chánh, dạy học mới có thể có thành tích tiến bộ.

Thứ sáu – Ôn hòa

Người thầy văn hóa truyền thống nhất định phải ôn hòa lễ độ, nho nhã, hòa mục với mọi người, tâm bình khí hòa, nhã nhặn, nét mặt vui vẻ, khiến người khác có cảm giác hòa nhã dễ gần.

Thứ bảy – Hiền hậu

Người thầy văn hóa truyền thống nhất định phải có tấm lòng hiền hậu, giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt. Biểu hiện ra tinh thần nhân từ bác ái của văn hóa truyền thống.

Thứ tám – Cung Kính

Người thầy văn hóa truyền thống đều phải cung kính đối với tất cả người, vật, việc, như “Khúc Lễ” đã nói “Vô bất kính”: Bất cứ lúc nào cũng phải có tâm cung kính, không được có tâm bất kính. Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích. Thầy cô phải làm tấm gương cung kính cho học sinh xem.

Thứ chín – Tiết kiệm

Nuôi dưỡng tính tốt tiết kiệm vô cùng quan trọng, giống như trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử đã nói: “Tôi có ba thứ báu phải duy trì gìn giữ. Một là nhân từ, hai là cần kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ.” Đặc biệt ngày nay chú trọng bảo vệ môi trường, tiết kiệm là trân quý phước báo của bản thân, cũng là yêu thương bảo vệ môi trường.

Thứ mười – Lễ nhượng

Thánh nhân dạy chúng ta nhẫn nhịn, khiêm nhường, nhún nhường, nhường nhau đến cùng, không có cạnh tranh. “Nhượng” là tánh đức, mọi người đều nhường nhau, thì thế giới này không có xung đột.

Tóm lại mà nói, nếu như có thể có đủ mười tố chất đã trình bày ở trên, học tập được những ưu điểm của hai nhà giáo dục vĩ đại là Thích Ca Mâu Ni Phật và Khổng Lão Phu Tử, thì được xem là người thầy văn hóa truyền thống đúng chuẩn. Thầy cô như vậy có thể thật sự truyền thừa văn hóa truyền thống của cổ thánh tiên hiền, đồng thời phát dương quang đại, dùng văn hóa truyền thống ưu tú để tạo phước cho nhân dân, tạo phước cho xã hội, tạo phước cho quốc gia, tạo phước cho thế giới.

Ở đây tôi xin bổ sung thêm nói rõ một việc: Gần đây có người viết bài văn phê bình “Đệ Tử Quy”, cho rằng đó là người đời Thanh biên soạn, lịch sử rất ngắn, vả lại chỉ thích hợp cho lớp nhân sĩ cấp thấp của xã hội, không thuộc kinh điển truyền thống. Đây là họ chưa thật sự hiểu rõ nội dung của “Đệ Tử Quy”, mới nói ra lời như thế.

“Đệ Tử Quy” có thể nói là tập sách thu thập kinh điển dạy trẻ nhỏ, nội dung của nó được trích từ “Lễ Ký” và sách dạy trẻ nhỏ thời xưa, có thể nói là có nguồn gốc sâu xa; chứ không phải là tác phẩm của bản thân người đời Thanh. Tông chỉ của nó là phải thực hiện được “Phép người con, Thánh nhân dạy, hiếu đễ trước, kế cẩn tín, yêu bình đẳng, gần người nhân, có dư sức, thì học văn.” Trong này bao gồm tinh thần quan trọng và việc thực hành hiếu đễ, trung tín, đốc kính, nhân ái, thân hiền, học văn, là kinh điển dạy học nền tảng cực kỳ quan trọng của văn hóa truyền thống. Thực hành “Đệ Tử Quy”, thì làm được việc “thiết thực thi hành”; mà “thiết thực thi hành” chính là mục đích cuối cùng của sự “học rộng, hỏi kỹ, suy nghĩ cẩn thận, phân biệt rõ ràng”, là mắc xích thật sự có thể sản sinh lợi ích và sức mạnh.

Thật sự thực hành “Đệ Tử Quy”, thì có đầy đủ những đức hạnh tiêu chuẩn mà người thầy văn hóa truyền thống phải có, có thể làm ra tấm gương đức hạnh cho người khác xem. Bởi vì thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo, gọi là “Thân chính trực, không lệnh vẫn làm; thân không chính trực, tuy lệnh nhưng không làm.” Đã có rất nhiều người nhờ thực hiện “Đệ Tử Quy” mà cải tà quy chánh, bỏ ác hướng thiện, đoan chánh tâm niệm, được đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Vì vậy, hy vọng mọi người kiên định lòng tin đối với “Đệ Tử Quy”, đừng bị dao động bởi những lời dị nghị của người khác.

Trên đây là một chút kiến thức của cá nhân tôi đối với tố chất của người thầy văn hóa truyền thống, xin đưa ra cho mọi người tham khảo. Hy vọng văn hóa truyền thống được hoằng dương càng ngày càng thuận lợi. Hy vọng mọi người đồng tâm hiệp lực, “kế thừa giáo dục của thánh hiền, vì sự thái bình cho muôn đời sau”.

Cuối cùng tôi xin chúc phúc chư vị có mặt, sáu thời cát tường, vô lượng quang thọ! Chúc phúc văn hóa truyền thống chấn hưng thịnh vượng, mãi mãi được hoằng dương! Chúc phúc vận nước của quốc gia được hưng thịnh, quốc thái dân an! Chúc phúc thế giới an định hòa bình, thịnh thế đại đồng! Cám ơn mọi người!

A Di Đà Phật.


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!