Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

Tập 13:  Làm thế nào để cha mẹ không phải lo lắng, không phải hổ thẹn?
Làm thế nào để dùng tâm chân thành xoay chuyển điều không viên mãn của gia đình?


5.2. Thân sở ố, cẩn vi khứ (Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ) (tiếp theo)

5.3. Thân hữu thương, di thân ưu (Thân bị thương, cha mẹ lo)

5.4. Đức hữu thương, di thân tu (Đức tổn thương, cha mẹ tủi)

5.5. Thân ái ngã, hiếu hà nan. Thân tăng ngã, hiếu phương hiền (Cha mẹ thương, hiếu đâu khó. Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt)

5.2. Thân sở ố, cẩn vi khứ (Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ) – tiếp theo

Trong chữ “dật” quan trọng nhất là phải tạo cho con cái có thái độ cần lao, có thói quen làm việc nhà từ khi còn nhỏ. Chúng ta đã nói tới những ích lợi khi trẻ làm việc nhà

  • Thứ nhất: Biết cho đi thì mới có lòng biết ơn, biết được cảm ơn.
  • Thứ hai: Tạo thành thói quen cần lao. Năng lực làm việc cũng từ từ được tích lũy từng chút một. Cho nên, không phải con cái khi lớn lên rồi mới học năng lực làm việc này, mà từ nhỏ ở nhà đã có thể huấn luyện.
  • Thứ ba: Làm việc nhà cũng là để rèn luyện ý chí của chúng.
  • Cuối cùng: Quan hệ xã giao của trẻ sẽ rất tốt.

Thời gian dạy học, tôi đã từng dạy môn tự nhiên. Mỗi lần dạy xong một tiết thì có rất nhiều dụng cụ cần phải thu dọn. Có mấy em học sinh rất tự nhiên, tôi không bảo chúng, chúng cũng ở lại giúp tôi dọn dẹp, giúp tôi dọn vệ sinh.

Quý vị thân mến! Các vị thấy những em học sinh như vậy trong lòng các vị sẽ rất vui. Đối với những em học sinh như vậy nhất định chúng ta càng thêm quan tâm chăm sóc. Cho nên khi trẻ nhỏ chăm chỉ, chúng rất dễ được trưởng bối nâng đỡ và quan tâm, yêu mến. Khi sống cùng với những người bạn ngang hàng, nếu như chúng rất chăm chỉ thì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân duyên của chúng. Ví dụ nói, chúng đi học đại học và ở cùng phòng với mấy người bạn học. Khi chúng vừa bước vào phòng và thấy người bạn đang dọn dẹp phòng khách, chúng liền dọn dẹp cùng thì sẽ để cho bạn học ấn tượng là chúng biết giúp đỡ người khác, có thái độ hiểu được sự vất vả của người khác. Tuy chưa sống chung nhưng hành động này đã làm cho bạn học có ấn tượng tốt và chúng rất dễ hòa nhập vào tập thể.

Nhưng nếu như ở nhà chúng không giúp đỡ làm việc nhà, đến khi ra tập thể, ví dụ như trong khi bạn học dọn dẹp phòng, chúng vẫn cứ ngồi xem ti vi thì ấn tượng của những người bạn học này đối với chúng sẽ rất không tốt. Không giúp đỡ cũng không sao, nhưng ở nhà mà không đỡ đần việc nhà thì con cái sẽ không biết sự vất vả của người làm việc, có khi còn vứt bừa bãi đồ đạc, quên cái này, quên cái kia. Đến khi những bạn học cần dùng những đồ dùng chung thì lại tìm không thấy. Lúc đó thì ấn tượng và sự tín nhiệm của chúng trong tập thể sẽ ngày càng giảm đi, sự oán thán của người khác càng ngày càng tích lũy, cuối cùng cũng sẽ bùng phát. Cho nên chúng ta cần phải chăm chỉ, cất quần áo giày dép phải đúng nơi, đúng chỗ, không được vứt lung tung làm dơ bẩn quần áo. Những thói quen tốt trong cuộc sống này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt tập thể của con cái bạn về sau. Nếu không, chúng không những không giúp được cho người khác mà còn gây rối cho họ. Cho nên thói quen cần lao, thói quen lao động thì trực tiếp có liên quan đến sự giao tiếp của con người.

Có rất nhiều sinh viên đại học bị nhà trường đình chỉ học tập. Nguyên nhân do đâu? Bởi năng lực sống tự lập quá kém. Giáo viên và bạn học không muốn ở cùng với họ, sống cùng với họ. Thẩm Quyến có một sinh viên đại học bị nhà trường đình chỉ. Báo chí có đưa bài về anh ta, có vẽ tranh châm biếm, vẽ một người đội mũ sinh viên đang được mẹ đút cơm cho ăn và có hàng chữ đề rằng: “Sinh viên có tài chuyên ngành. Đứa con thiểu năng trong cuộc sống”. Các vị đừng nghĩ rằng đó là khoa trương. Anh ta đã học đại học rồi mà còn phải để cho mẹ đút cơm, bởi vì anh ta và mẹ là “kẻ tử thù không khoan nhượng của nhau”. Nếu như mẹ không đút thì anh ta không ăn. Lớn như vậy rồi mà còn để cho cha mẹ phải lo lắng như vậy!

Nhưng chúng ta cũng phải nói ngược lại tại sao con cái lại có thái độ như vậy. Bởi vì ngay từ đầu, từ đầu ở đây có thể là khi mới được hai, ba tuổi, đút một lần cơm phải mất trong một, hai tiếng đồng hồ, làm cho cả nhà phải bận rộn. Khi mẹ đút cơm xong thì lưng cũng mỏi nhừ ra. Cho nên không có quy tắc thì không thành quy luật. Chúng ta dạy dỗ con cái thì nhất định phải tạo cho chúng có thói quen tốt trong cuộc sống, tuyệt đối không được để chúng buông thả. Khi chúng lớn lên dù có muốn sửa đổi cũng không được. Cho nên người sinh viên này ở trong trường, ví dụ khi đến nhà thầy giáo cũng không để ý thời gian, có khi giữa trưa thầy đang ngủ cũng đi nhấn chuông cửa nhà thầy, khi vào nhà thì mượn thầy cái máy tính, ăn uống xong vứt lung tung không dọn dẹp. Cho nên thầy giáo rất sợ anh ta. Các bạn học cũng rất sợ anh ta.

Chúng ta nếu mong muốn con cái sau này có thể thuận lợi trong cuộc sống thì phải tạo cho chúng thói quen tốt mới được. Nếu không những thói quen xấu này vô hình trung sẽ là trở lực rất lớn trong cuộc sống của chúng sau này. Chúng ta biết được điều gì là tốt thì phải cố hết sức tạo cho chúng, điều gì không tốt thì phải cố gắng sửa chữa. Đương nhiên là phải bắt đầu từ chính chúng ta để cho con cái noi gương.

Câu “Thân sở hiếu” (cha mẹ thích) này chúng ta cũng có thể mở rộng nghĩa của nó ra, không chỉ riêng mong mỏi của cha mẹ mà mong mỏi của cả những người thân. Những gì chúng ta làm được thì cố gắng đi thực hiện, ví dụ như vợ, con cái rất mong muốn chúng ta thường xuyên ở bên cạnh họ. Có một câu nói rằng: “Tất cả mọi thành công cũng không thể thay thế được sự thất bại của gia đình”. Có rất nhiều người nói: “Hiện nay tôi rất bận, làm gì có thời gian chăm sóc con cái?”. Họ đều nói rằng người trong xã hội có rất nhiều việc không thể tự làm chủ chính mình được. Nói như vậy có lý không? Đây cũng chỉ là viện cớ. Con người chỉ cần có lòng thì nhất định có thể làm tốt mọi việc. Đương nhiên nhân tình thế thái thì chân thật có thể phát sinh nhiều tình huống. Cho nên chúng ta nhất định phải học tập để có được một năng lực, gọi là năng lực từ chối. Nếu không thời gian của các vị sẽ lãng phí vào những bữa tiệc xã giao, lãng phí vào những việc không liên quan gì đến gia đình, đến cuộc sống.

Học từ chối có dễ hay không? Các vị cảm thấy không dễ từ chối người khác. Chúng ta có thể lấy ra hai bảo bối để từ chối người khác. Khi các vị lấy ra hai bảo bối này thì những người bạn của các vị sẽ không làm khó dễ các vị nữa.

Bảo bối thứ nhất là cha mẹ. Ví dụ như có người bạn mời các vị đi uống rượu nói chuyện, các vị chân thật không muốn đi vì nếu đi thì phải đi đến một – hai giờ đêm, mà nói chuyện thì đều là những lời tán hươu, tán vượn, trổ tài khôn vặt. Các vị chân thật không muốn đi, lúc này các vị có thể lấy cha mẹ ra để nói với họ: “Tôi đã hứa với mẹ là phải về rồi, tối nay phải gặp mẹ tôi, một hai tuần trước tôi đã hứa với mẹ như vậy, cho nên tôi phải về”. Những người bạn của các vị nghe nói các vị phải về thăm cha mẹ thì đương nhiên họ sẽ không miễn cưỡng các vị nữa. Không biết chừng sau khi các vị nói xong, họ đột nhiên lại nghĩ: “Lâu rồi mình cũng không về thăm cha mẹ”. Vậy là lời từ chối của các vị ngược lại còn đánh thức lòng hiếu thảo của họ. Đây là bảo bối thứ nhất.

Bảo bối thứ hai là vợ con. Khi các vị không muốn đi đến những bữa tiệc xã giao vô vị, các vị có thể nói với họ: “Tối nay tôi phải kể hai câu chuyện giáo dục đạo đức, đã hẹn với con rồi, bởi vì tôi và các con tôi lấy “Đệ Tử Quy” để thực hiện quy định nề nếp của gia đình. Trong “Đệ Tử Quy” có câu “đã nói lời phải giữ lời”. Con tôi tuy còn nhỏ nhưng tôi không thể thất hứa với chúng, cho nên tôi phải về nhà”.

Khi các vị mang hai chiêu bài này ra, trên cơ bản những người bạn này sẽ không làm khó dễ các vị nữa. Nếu như hai chiêu bài này cũng không có tác dụng, họ vẫn cứ bắt các vị đi bằng được thì lúc đó phải làm sao? Nếu như gặp những người bạn như vậy, các vị cũng phải có sự lựa chọn cho cuộc sống. Những người bạn như vậy các vị chỉ nên kính trọng nhưng không nên gần gũi.

Khi có nhiều thời gian, chúng ta có thể đi thực hiện “thân sở hiếu, lực vi cụ” (cha mẹ thích, dốc lòng làm). Trước đây chúng ta cũng từng nhắc tới câu “thần hôn định tỉnh”. Có rất nhiều thanh niên thường dùng ngày thứ Bẩy hoặc Chủ nhật để về thăm cha mẹ. Về thăm như thế nào? Dẫn một, hai đứa con về, vừa vào đến nhà là họ ngồi ngay vào ghế sa lông, bắt đầu ngồi ở đó xem báo. Hai vợ chồng ngồi trên ghế sa lông, còn con cái vào đến nhà là chạy nhảy lung tung. Ông bà nội bận đến nỗi không còn hứng thú gì. Từ sáng sớm ông bà đã đi mua thức ăn, về nhà lại nhanh nhanh, chóng chóng chui đầu vào bếp nấu ăn. Sau khi nấu xong, thức ăn được bưng ra, lúc đó họ mới bỏ báo xuống nói: “Đến giờ ăn rồi!” và xuống ăn cơm. Ăn cơm xong họ cũng không giúp đỡ dọn dẹp bát đũa, giúp rửa bát. Ăn xong thì họ liền nói: “Chào mẹ! Chúng con về đây!”, thế là thản nhiên đứng dậy dẫn con cái đi về. Ông bà nội ngồi trên sa lông thở dốc: “Sao lại mệt thế này! Thà chúng không về còn hơn, còn yên tĩnh một chút”.

Cho nên chúng ta phải hiểu được rằng chúng ta về nhà thăm cha mẹ, một là để tận lòng hiếu, hai là để chăm sóc cha mẹ. Chúng ta gọi điện trước cho cha mẹ: “Thức ăn chúng con đã mua sẵn rồi”. Về đến nhà, hai vợ chồng phải chủ động đi nấu cơm. Như vậy mới giảm được gánh nặng cho cha mẹ, như vậy lòng hiếu thảo của chúng ta mới chân thật tới nơi tới chốn.

5.3. Thân hữu thương, di thân ưu (Thân bị thương, cha mẹ lo)

Khi thân thể chúng ta không khỏe, thân thể bị tổn thương sẽ làm cho cha mẹ rất lo lắng. Chúng ta cũng đã nhắc đến “bệnh từ miệng vào”. Đối với việc ăn uống chúng ta phải vô cùng cẩn thận, phải ăn sao cho khỏe mạnh để cha mẹ khỏi lo lắng. Ngoài việc ăn uống phải chú ý, những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt chúng ta cũng cần thường xuyên quan tâm đến, ví dụ như thân thể, nhiệt độ. Khí hậu vào hai mùa xuân và thu, thời tiết rất hay thay đổi thất thường, cho nên chúng ta cần mặc thêm áo ấm.

Lúc tôi còn dạy học, có rất nhiều học sinh mùa lạnh nhưng ăn mặc phong phanh. Chúng mặc quần áo gì vậy? Mặc áo ngắn tay ngồi học mà không biết lạnh. Lúc đó tôi thường nhắc chúng: “Hãy mặc thêm áo vào!”. Tiếp đó tôi hỏi: “Nếu như các em bị cảm thì ai là người chăm sóc các em?”. Chúng nghĩ một lúc và nói: “Cha mẹ”. Tôi nói: “Đúng rồi, nếu các em ốm mà có thể tự chăm sóc được cho mình thì tôi không nói làm gì. Nhưng khi ốm các em đều phải liên lụy đến người thân. Cho nên các em phải có trách nhiệm không để cho mình bị bệnh. Các em nghĩ xem, khi các em bị bệnh, mẹ phải xin nghỉ việc để chở các em đi khám bệnh, rồi lại chở các em về nhà. Không những bận rộn như vậy, khi mẹ đến công ty làm thì trong lòng có yên tâm không? Không yên tâm. Cho nên các em thường xuyên phải chú ý đến thời tiết nóng lạnh, không để cho mình bị cảm lạnh. Ví dụ khi chúng ta tập thể dục, đi leo núi thì mồi hôi chảy ra rất nhiều. Cho nên cần nhớ phải mang theo khăn lau, mang theo quần áo. Nếu những chi tiết nhỏ nhặt như vậy chúng ta có thể quan tâm đến bản thân thì cha mẹ đối với ta sẽ ngày càng yên tâm hơn”.

Có rất nhiều thanh thiếu niên thường nói: “Sao cha mẹ quản lý mình nhiều đến vậy?”. Tôi liền hỏi ngược lại: “Tại sao cha mẹ lại quản lý các em nhiều như vậy? Đương nhiên là bởi các em có rất nhiều hành vi làm cho cha mẹ không yên tâm. Nếu như các em chân thật có thể chăm sóc tốt cho bản thân, cha mẹ có thể yên tâm với các em thì các em sẽ có được sự tự do thật sự. Nếu như có rất nhiều việc các em không thể tự lo cho mình được mà cha mẹ lại không nhắc nhở các em, vậy là cha mẹ đã không làm tròn bổn phận của họ rồi! Các em phải cảm thông cho sự dụng tâm này của cha mẹ, phải để cho mình càng có sự hiểu biết hơn. Như vậy các em mới có được sự tự do chân thật mà cha mẹ cũng yên tâm. Cho nên, sinh hoạt của các em cũng nên có quy luật, không được thường xuyên thức khuya. Thức khuya một hôm thì phải mấy ngày sức khoẻ mới hồi phục lại được? Có thể là mấy ngày mới hồi phục được. Ngoài ra cũng nên thường xuyên chú ý đến ăn uống, chú ý đến quy luật sinh hoạt hàng ngày để cho cơ thể của bản thân có được sự điều dưỡng tốt nhất”.

Có một đứa bé bị cảm, trong nhật ký của nó viết rằng: “Tôi bị cảm rồi! Tôi rất khó chịu, không phải bị cảm làm cho tôi khó chịu mà bởi vì bị cảm là bất hiếu”. Các vị coi, những đứa trẻ được tiếp xúc với giáo huấn của “Đệ Tử Quy” thì năng lực quán chiếu của chúng đối với rất nhiều sự việc, năng lực tự kiểm điểm lại bản thân của chúng khác xa so với những đứa trẻ khác. “Khai tông minh nghĩa chương” trong “Hiếu Kinh” cũng cho chúng ta một giáo huấn rất quan trọng là đạo hiếu của một con người bắt đầu từ việc yêu quí bản thân mình: “Thân thể, đầu tóc là do cha mẹ ban cho, cho nên không được làm hủy hoại tổn thương. Đó là khởi đầu của hiếu đạo”.

 

***************

5.4. Đức hữu thương, di thân tu (Đức tổn thương, cha mẹ tủi)

Khi đạo đức của chúng ta bị khiếm khuyết thì sẽ làm cho cha mẹ xấu hổ, làm cho người thân xấu hổ, thậm chí có thể làm cho Tổ quốc, dân tộc cũng bị xấu hổ lây. Vào thời Mạt Hán có một vị quan tên là Đổng Trác. Sau khi có được quyền lực thì Đổng Trác liền dựa vào quyền lực để làm loạn. Về sau có rất nhiều người đứng lên chống lại ông. Số phận của Đổng Trác thật không hay là cả gia tộc đều bị xử tử. Mẹ của Đổng Trác đã hơn chín mươi tuổi thế mà vẫn bị đưa ra pháp trường xử tử. Cho nên chúng ta là những người làm con, nếu như hành vi của chúng ta tạo thành nỗi đau to lớn như vậy cho cha mẹ thì đó cũng là do cha mẹ đã không dạy dỗ con cái mình cho tốt.

Hiện nay không còn có hình phạt “chu di cửu tộc” nữa, nhưng nếu như trong sự nghiệp của chúng ta xảy ra sai lầm, ví dụ như công ty bị phá sản thì cũng có thể liên lụy đến cha mẹ. Cha mẹ đã vất vả hơn nửa đời người, đến lúc đó thì ngay cả đến lương hưu của mình cha mẹ cũng chưa chắc đã giữ nổi. Thậm chí có thể tuổi già như vậy mà phải ra hầu tòa, lúc đó thì thật là thê thảm. Cho nên chúng ta là những người làm con thì trong cuộc sống phải nên thành tín, phải nên làm gì chắc nấy, không được mơ ước hão huyền để tạo thành lỗi lầm có thể làm liên lụy đến cha mẹ. Cho nên mới nói: “Đức hữu thương, di thân tu” (Đức tổn thương, cha mẹ tủi).

Vậy cái đức nào không bị tổn thương? Nếu như đạo đức của chúng ta không ngừng thăng tiến, dùng cái đức của chúng ta đi tạo phúc cho xã hội, tạo phúc cho nước nhà, như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được câu: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu”. Trong “Hiếu Kinh”, đây cũng là “tận trung của đạo hiếu”. “Dĩ hiển phụ mẫu” không phải là phải chờ cha mẹ mất đi thì mới làm cho cha mẹ vinh hiển. Khi các vị còn trẻ mà có thể có những cống hiến cho xã hội thì cha mẹ các vị cũng cảm thấy vinh dự, trong suốt nửa phần đời còn lại trong lòng họ cũng sẽ được an ủi.

Mạnh Tử có một đoạn giáo huấn rất quan trọng nói: “Sự thục vi đại? Sự thân vi đại”. Chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ là đại sự của đời người. Chúng ta cần giữ được thân thể, danh tiết phẩm hạnh của mình, tuyệt đối không được làm những việc vô đạo đức, vi phạm pháp luật mà phải để cha mẹ không thể chịu đựng nổi. Khi hành vi của chúng ta không có đạo đức thì cha mẹ xấu hổ lây, người nhà cũng xấu hổ lây, thậm chí đến cả đời con cái cũng bị xấu hổ lây.

Thời nay mạng internet rất phát triển, sự giao lưu giữa người với người rất rộng. Chúng ta nếu như thiếu sự phán đoán, không có lý trí, rất có thể sẽ phạm phải những sai lầm để cho ta phải ân hận cả đời. Cho nên giữ mình rất quan trọng. Hiện nay rất nhiều nơi phổ biến cái được gọi là “tình một đêm”. Điều này không chỉ khiến bản thân mình bị xấu hổ, có khi còn làm cho con cái không ngẩng được mặt lên. Cho nên chúng ta phải thận trọng với lời nói, việc làm, không nên để tự mình chuốc lấy nỗi nhục.

Thật ra tại sao con người lại phạm phải những sai lầm như vậy? Cánh nam giới có thể là do quá phóng túng, buông thả. Đây là bởi vì từ nhỏ đã không có chí hướng, cuộc sống chỉ biết hưởng thụ, phung phí bản thân. Cho nên khi để cho con cái không có chí hướng thì chúng sẽ bị những ô nhiễm của xã hội ảnh hưởng. Cánh nữ giới tại sao cũng phạm phải những sai lầm như vậy? Bởi có rất nhiều người ưa chuộng hư vinh. Ưa chuộng hư vinh thì rất thích nghe lời ngon ngọt. Có rất nhiều đàn ông có ý đồ đen tối, họ dùng những lời đường mật là để cho những người nữ giới này bước vào con đường sai lầm.

Cho nên chúng ta phải tự kiểm điểm lại mình, không được để phạm phải những sai lầm như vậy. Hơn nữa, phải để cho con cái từ nhỏ đã không có thói quen ưa chuộng hư vinh, để con cái có được chí hướng trong cuộc đời, bổ sung thật lực cho cuộc đời. Nhân sinh đạo đức có tăng thêm thì mới không phạm phải những lỗi lầm “nhất thất túc thành thiên cổ hận” như thế này. Đây gọi là “đức hữu thương, di thân tu” (Đức tổn thương, cha mẹ tủi).

 

*****************

5.5. Thân ái ngã, hiếu hà nan. Thân tăng ngã, hiếu phương hiền (Cha mẹ thương, hiếu đâu khó. Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt)

Cha mẹ và chúng ta cư xử với nhau rất tốt. Chúng ta cũng tận tâm phụng dưỡng cha mẹ. Đương nhiên cũng có lúc cha mẹ giận dỗi tức bực. Lúc đó chúng ta phải bao dung, rộng lượng, bởi vì tâm tình của mỗi con người đều có lúc lên, lúc xuống. Sự cư xử giữa người với người chúng ta phải ghi nhớ một nguyên tắc: “Cho dù người khác có đúng hay không thì chúng ta vẫn phải làm đúng”. Nếu như tâm tình của cha mẹ hôm nay đối với ta không tốt lắm, và chúng ta cũng dùng tâm tình không tốt để đối xử lại với cha mẹ, vậy thì cha mẹ đã sai mà chúng ta lại càng sai hơn.

Nếu như chúng ta sai như vậy, thì chúng ta không có tư cách để phê bình sự sai trái của người khác. Bởi vậy dù cha mẹ, hoặc tất cả bạn bè, người thân ở xung quanh chúng ta, cho dù họ dùng bất cứ thái độ gì để đối xử với chúng ta, chúng ta vẫn phải dùng thái độ đúng đắn để đối xử với họ. Nếu không, chúng ta cũng chỉ có kiến thức như họ mà thôi, căn bản là không có tư cách để đi phê bình những sai trái của người khác. Đây là một thái độ có lý trí. Cho dù người khác đúng hay sai thì trước tiên chúng ta nhất định phải làm đúng. Bởi vì có thái độ nhân sinh như vậy, cho nên Tổ tông của chúng ta có rất nhiều Thánh Hiền đều có thể trong tình trạng “cha mẹ giận mình” mà họ vẫn giữ được tấm lòng chí hiếu, chí thành. Và cũng bởi tấm lòng chí hiếu, chí thành của mình mà họ có thể xoay chuyển được không khí trong gia đình, từ từ làm cho gia đình được yên vui, hòa thuận.

Vào thời nhà Chu, có một người con hiếu thảo tên là Mẫn Tử Khiên. Mẹ ông mất sớm, cha ông lấy vợ kế. Mẹ kế đối xử với ông không tốt, bởi mẹ kế sinh được hai em trai. Khi trời mùa đông, mẹ kế may áo bông cho hai em trai, nhưng lại dùng bông lau để may áo cho ông. Quần áo nhìn thì rất to, căng phồng lên, nhưng thực chất bông lau không giữ được ấm. Và khi cha ông gọi ông đánh xe ngựa giúp cha, bởi gió đông thổi lạnh buốt cho nên ông vừa đánh xe vừa run cầm cập. Cha ông thấy ông mặc áo dày như vậy mà còn run cầm cập thì liền nghĩ: “Hành vi này của nó có thể làm tổn thương đến danh tiết của người mẹ kế. Người ta nhìn thấy lại cho rằng mẹ kế ngược đãi con chồng”. Cho nên người cha rất tức giận liền cầm roi vụt Mẫn Tử Khiên. Kết quả là khi roi quất một cái thì cái áo rách toác ra, bông lau bắn tung tóe. Người cha thấy vậy rất tức giận vợ kế: “Người vợ kế này sao lại ngược đãi con mình như vậy!”. Nổi giận đùng đùng, ông liền về nhà đuổi người vợ kế đi.

Trong tình huống cấp bách như vậy, Mẫn Tử Khiên liền quỳ xuống cầu khẩn với cha: “Xin cha đừng đuổi mẹ kế bởi vì “mẫu tại nhất nhân hàn, mẫu khứ tam tử đơn”, khi mẹ kế còn ở nhà thì chỉ một mình con bị lạnh, nếu như mẹ kế đi thì cả con và hai em trai đều bị đói rét”. Mẫn Tử Khiên nói như vậy, người cha nghe xong rất cảm động và cũng thôi không tức giận nữa. Còn mẹ kế của ông thì cảm thấy rất hổ thẹn: “Một đứa nhỏ như vậy mà còn biết nghĩ cho con cái của bà, và cũng nghĩ cho bà nữa. Vậy mà một người lớn như bà lại đi tính toán với một đứa trẻ”. Cho nên tấm lòng đức hạnh này của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được người mẹ kế. Từ đó gia đình họ sống hòa thuận, yên ấm.

Nếu như Mẫn Tử Khiên không có tấm lòng bao dung, rộng lượng như vậy, không dùng tấm lòng hiếu thảo chí thành của ông để đối xử với mẹ kế thì cái gia đình họ sẽ nhà tan, cửa nát. Cho nên con người khi đối diện với sự việc tuyệt đối không được hành động theo cảm tính. Nếu như lấy oán báo oán, kết quả tuyệt đối sẽ không viên mãn. Chúng ta phải tin rằng: “Lòng thành có thể cảm hóa được đá vàng”, dùng tấm lòng chân thành, dùng tấm lòng hiếu thảo thì mới có thể diễn được một vở kịch hay cho cuộc đời.

Ngoài ra còn có một người con hiếu thảo tên là Vương Tường. Ông đã để lại một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử gọi là “Vương Tường rạch băng”. Đó là vào một ngày thời tiết giá lạnh, người mẹ kế sai ông đi bắt cá cho bà ăn. Trong trời băng đất tuyết như vậy không thể có cá để bắt. Nếu như Vương Tường không đi bắt cá thì có thể sẽ bị đánh đòn, thậm chí là mẹ kế không cho vào nhà. Đối diện với sự đối xử của mẹ kế như vậy ông vẫn không một lời oán thán, vẫn cứ ra nơi trời băng, đất tuyết mà ngồi khóc một mình. Bởi tấm lòng chân thành như vậy cho nên trời đất cũng phải cảm động, băng liền nứt ra và nhảy ra hai con cá. Ông mang hai con cá về phụng dưỡng mẹ kế. Đương nhiên những yêu cầu vô lý như vậy tuyệt đối không chỉ có mỗi một việc này. Còn có rất nhiều việc để gây khó dễ trăm đường, nhưng Vương Tường vẫn không vì thế mà lùi bước. Có một lần ngoài trời sắp đổ mưa, mẹ kế nói với ông: “Bây giờ ngoài trời gió to sắp mưa lớn, nếu như những trái trên cây mà rơi xuống thì ta sẽ phạt con”. Vương Tường liền chạy ra ôm lấy gốc cây mà khóc, cầu cho trái cây không rơi xuống. Tấm lòng chân thành này đã cảm động. Chúng ta cũng biết cây cối, đất đá cũng có thể cảm ứng với lòng người, và quả thật là rất ít trái cây rụng xuống. Cho nên có rất nhiều tình huống đều do lòng hiếu thảo của Vương Tường mà có thể biến nguy thành an.

Để cảm động một người, cảm hóa một người thật không dễ! Phải rất kiên nhẫn mới được! Vương Tường cảm động mẹ kế không phải lúc ông còn nhỏ mà khi ông đã lớn, lúc ông đã lấy vợ. Người mẹ kế không những ngược đãi ông mà còn ngược đãi cả vợ ông. Nhưng tấm lòng đức hạnh của ông đã cảm động em trai ông là Vương Lãn. Vương Lãn là em trai do mẹ kế sinh ra. Cũng bởi đức hạnh của ông cho nên em trai đã vô cùng kính trọng ông. Mỗi lần mẹ kế ngược đãi Vương Tường và vợ ông thì Vương Lãn cùng với vợ đều đến giúp đỡ cho anh trai là Vương Tường. Về sau đức hạnh của Vương Tường càng ngày càng tốt thêm, tiếng tăm truyền đi rất xa. Mẹ kế của ông sinh lòng đố kỵ cảm thấy không vui, liền lấy đồ uống có thuốc độc (rượu độc) cho Vương Tường uống. Kết quả em trai ông đã biết trước sự việc, trong tình huống cấp bách em trai ông giành lấy ly rượu đó và ngay lập tức uống giúp anh trai.

Em trai ông đã dùng cái chết để khuyên mẹ mình. Cho nên ngay lập tức người mẹ cầm ly rượu đổ đi và tự mình cũng cảm thấy hổ thẹn. Con trai bà có thể lấy cái chết để bảo vệ anh trai. Vậy bà làm người mà sao lại không biết điểm dừng? Động tác này đã làm thức tỉnh lương tri của người mẹ kế. Cho nên sự ngay thật, chân thành của hai anh em đã làm cho gia đình thay đổi.

Trong triều đình có một vị đại thần tên là Lã Kiền. Lã Kiền có một thanh bảo kiếm, ông đem tặng cho Vương Tường. Ông nói: “Người có thanh bảo kiếm này thì có thể bảo vệ cho con cháu đời sau cũng có được sự thành tựu”. Khi Vương Tường cầm thanh bảo kiếm trên tay thì ý nghĩ đầu tiên của ông là gì vậy? Không chiếm làm của riêng mà lập tức tặng lại cho em trai, cầu chúc cho con cháu của em ông sau này đều được hưng thịnh. Có được người anh có đức hạnh như vậy thì con cháu đời sau của ông nhất định sẽ có được sự giáo dục cảm hóa rất tốt. Bởi vì trong “Kinh Dịch” cũng có nói “tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”. Cho nên con cháu đời sau của Vương Tường, Vương Lãn kéo dài đến chín đời đều làm công khanh, làm quan to trong triều phục vụ cho xã hội, cho quốc gia. Bởi vậy chúng ta cũng cần phải dùng tấm lòng chân thành để chuyển hóa sự không viên mãn trong gia đình. Đây được gọi là “thân tăng ngã, hiếu phương hiền” (cha mẹ ghét, hiếu mới tốt).

 

 6. THÂN HỮU QUÁ, GIÁN SỬ CANH. DI NGÔ SẮC, NHU NGÔ THANH. GIÁN BẤT NHẬP, DUYỆT PHỤC GIÁN. HIỆU KHẤP TÙY, THÁT VÔ OÁN

Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi

Mặt ta vui, lời ta dịu

Khuyên không nghe, vui can tiếp

Dùng khóc khuyên, đánh không giận

 

Ở đây nói đến cha mẹ mắc sai lầm. Chữ “thân” ở đây chúng ta cũng có thể mở rộng nghĩa của nó là tất cả người thân, bạn bè của ta có mắc sai lầm, chúng ta phải có trách nhiệm đi khuyên nhủ. Câu Kinh văn này chân thật là rất sâu sắc. Nó không chỉ nhắn nhủ chúng ta rằng, khuyên nhủ người thân là bổn phận của chúng ta, mà ngay cả phương pháp, thái độ, thậm chí thời cơ để khuyên nhủ nó cũng chỉ dẫn giúp chúng ta. Chúng ta hãy cùng xem, khuyên bảo một người cần phải chú ý đến bốn điều sau:

Thứ nhất:Ý đồ, mục đích

Khuyên bảo một người không phải là dễ, phải rất có trình độ. Các vị có khi nào khuyên bảo người thân chưa? Khuyên ngay tại chỗ và họ lập tức từ đó về sau sửa chữa sai lầm. Có những người bạn như vậy không? Nếu như có thì các vị nhất định phải giới thiệu cho tôi làm quen, bởi có thể họ là Nhan Uyên đầu thai trở lại. Bởi chỉ có Nhan Uyên mới làm được “không sai lầm lần thứ hai”. Hiện nay mà còn có những người như vậy thì chúng ta nhất định phải nêu tên họ ra để học tập và phát triển văn hóa Thánh Hiền. Còn hành vi của người thành niên bình thường thì không phải ngày một, ngày hai mà hình thành được, bởi vì “lớp băng đóng dày ba phân, không phải chỉ một hôm rét buốt có thể tạo ra”, mà đã phải rét buốt rất lâu rồi. Ngọn lửa của các vị phải từ từ thiêu đốt thì băng mới có thể từ từ tan chảy.

Cho nên khi mới bắt đầu khuyên nhủ người thân, đầu tiên chúng ta phải quán chiếu ý định của mình, nhất định phải có một tấm lòng muốn tốt cho đối phương, chứ không phải là chế ngự, bắt buộc: “Anh phải nghe tôi, không nghe tôi là không được!”. Nếu như chúng ta có thái độ chế ngự, bắt buộc như vậy có thể sẽ phản hiệu quả. Cho nên, chúng ta cũng cần có kinh nghiệm, bởi có khi khuyên người khác mà dẫn tới cãi nhau cũng nên, thậm chí làm cho đối phương thẹn quá hóa giận. Như vậy thì chúng ta đã mất đi mục đích chân chính ban đầu là muốn khuyên nhủ họ. Cho nên chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ ý định ban đầu này là mong cho họ được tốt hơn. Khi tấm lòng này rất kiên định thì các vị tự nhiên sẽ tự điều chỉnh phương pháp và thái độ của mình.

Giống như khi tôi dạy học, có nhiều em nhỏ rất thích đi kiện cáo. Chúng đến kiện cáo, tôi liền hỏi chúng rằng: “Bây giờ em hãy nói bạn học này làm không đúng ở chỗ nào? Em có ý định gì mà đến kiện với thầy? Có phải muốn cười trên nỗi đau của người khác không? Hay là thật sự mong muốn bạn đồng học này sửa đổi?”. Cũng phải để cho bọn trẻ nhìn được ý định của chính bản thân chúng. Rồi tôi lại tiếp tục nói: “Nếu như em thật sự mong muốn bạn đó sửa đổi thì tự em hãy đi nói với bạn đó, không cần thầy phải nói. Nhưng điều kiện trước tiên là các em phải xây dựng được thái độ làm người, làm việc tốt trong cả lớp”.

Ví dụ như cả lớp đều đã học “Đệ Tử Quy”, trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Văn dự khủng, văn quá hân. Trực lương sĩ, tiệm tương cận” (Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi). Một người khi đối diện với sự khen ngợi của người khác phải cảm thấy hết sức lo sợ, và đối diện với sự khuyên nhủ của người khác sẽ cảm thấy biết ơn vì đã chỉ ra khuyết điểm cho mình. Khi cả lớp đều có thái độ như vậy, người học sinh này đi khuyên người bạn học khác thì chúng có thể cùng nhau giúp đỡ để đạt được thành tựu, để cảm ơn lẫn nhau, và sẽ thấy người bạn học kia cúi đầu nói: “Cảm ơn bạn đã chỉ ra khuyết điểm của mình!”. Khi bọn trẻ biết đi khuyên nhủ người khác, và cũng biết tiếp thu khi được người khác khuyên nhủ, thái độ như vậy sẽ có rất nhiều trợ lực cho cuộc sống của chúng. Cho nên, khuyên người khác thì điều đầu tiên là phải chú ý đến ý định, mục đích.

Thứ hai: “Thời cơ

Khi nào là thời cơ tốt để khuyên nhủ người khác? Tục ngữ nói: “Dương thiện ưu công đường, quy quá ưu tư thất”, khen ngợi ưu điểm của người khác, khen ngợi việc làm tốt của người khác thì các vị có thể khen ở nơi đông người, bởi có thể làm cho những người khác “thấy người làm được việc thiện thì trong lòng cũng muốn làm theo”. Các vị khen ngợi, tán thán họ thì họ sẽ càng tích cực cố gắng hơn. Nhưng khi khuyên nhủ, khuyên bảo lỗi lầm của người khác thì chỉ nên cho một mình họ biết, và khi không có người thứ ba. Tại sao vậy? Tại sao phải không có người thứ ba ở bên cạnh? Bởi chúng ta là những người đã trưởng thành thì quan trọng nhất là thể diện! Thể diện rất quý giá. Có đúng không ạ? Vậy thể diện đáng giá bao nhiêu tiền? Cho nên để thành tựu đạo đức, học vấn của một người thì phải bán một thứ đi, đó là bán đi thể diện. Chút nữa có ai bán thể diện thì hãy để tôi mua. Nhưng tình người thì phải lượng thứ, phải thông cảm, phải nghĩ đến thể diện của người khác, cho nên phải “quy quá ưu tư thất”. Khi các vị làm được như vậy thì đối phương sẽ cảm thấy các vị nghĩ cho họ. Nếu như các vị nói ở nơi đông người thì có thể lập tức sẽ xảy ra xung đột, tranh luận. Cho nên khuyên nhủ thì phải ở nơi không có ai. Đây được gọi là biết nắm bắt thời cơ.

Trong “Luận Ngữ” có một câu nhắc đến: “Khả dữ ngôn, nhi bất dữ chi ngôn”, là khi thời cơ đã đến, các vị đã có thể khuyên nhủ họ nhưng các vị lại không khuyên nhủ. Như vậy là “thất nhân”, là các vị đã không làm tròn bổn phận, không làm tròn bổn phận của người làm con, bổn phận của người làm bạn. “Bất khả dữ ngôn, nhi dữ chi ngôn” là thời cơ vẫn chưa tới, các vị quá nôn nóng liền nói với họ. Như vậy là “thất ngôn”, có khả năng các vị nói lỡ lời, các vị có lòng thiện tâm nhưng lại làm thành việc ác. Đó là “thất ngôn”.

Cho nên trong quan hệ ngũ luân (quan hệ vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè), chúng ta đều phải có bổn phận đi khuyên nhủ như vậy. Cha con cần phải khuyên can, vua tôi cũng cần phải khuyên can. Khi các vị tiếp nhận một trách nhiệm trong công ty thì phải có trách nhiệm trợ giúp thật tốt cho công ty, đương nhiên là cũng phải trợ giúp tốt cho cấp trên. Cho nên quan hệ vua tôi cũng phải khuyên can. Tiếp đến là vợ chồng thì đương nhiên là phải khuyên can rồi, cần phải trợ giúp chồng giáo dục con cái. Tiếp nữa là anh em cũng phải khuyên can, và còn nữa, là bạn bè. Đây đều là bổn phận làm người của chúng ta. Cho nên chúng ta phải nâng cao trình độ trí tuệ khuyên nhủ của mình thì mới có thể thông qua lời nói của mình để trợ giúp cho cuộc sống của những người thân của chúng ta.

Trong “Đệ Tử Quy” có nói đến câu “gián bất nhập, duyệt phúc gián(khuyên không nghe, vui can tiếp). Chữ “duyệt” này rất có học vấn. Đó là lần đầu tiên cha mẹ không nghe lời khuyên thì phải vào lúc cha mẹ vui vẻ, cho nên lúc này phải quan sát hành động, lời nói.

Thứ ba:Thái độ và phương pháp

Thái độ và phương pháp phải: “Di ngô sắc, nhu ngô thanh” (mặt ta vui, lời ta dịu).  Chúng ta phải bình lặng mà suy xét, khi chúng ta tức giận thì cũng dễ làm cho đối phương tức giận. Chúng ta không tức giận thì họ cũng không dễ gì mà tức giận. Cho nên chúng ta phải “di ngô sắc, nhu ngô thanh” (mặt ta vui, lời ta dịu), sau đó là nắm lấy thời cơ để khuyên nhủ.

Thứ tư:Sự kiên nhẫn

Chữ “phục” trong câu “duyệt phục gián” (vui can tiếp) có ý nghĩa gì vậy? “Phục” là phải rất kiên nhẫn mới được, một lần rồi hai lần, hai lần rồi ba lần. Sự kiên nhẫn này là từ lòng hiếu thảo, từ lòng hữu ái, từ lòng tận trung làm tròn trách nhiệm, nhất định phải duy trì làm được mới thôi.

Nếu như hôm nay chúng ta khuyên nhủ người khác nhưng không có kết quả, chúng ta phải hiểu rằng vấn đề chưa chắc đã tại đối phương mà là tại chúng ta. Khi chúng ta biết tự kiểm điểm lại mình thì trí tuệ đi khuyên nhủ người khác sẽ càng ngày càng cao. Tự nhiên người khác sẽ cảm nhận được lòng chân thành của chúng ta. Điều đó nhất định sẽ làm cho họ hồi tâm, chuyển ý. Cho nên chúng ta phải có một thái độ kiên định. Đó là nếu như người khác không nghe lời khuyên nhủ của chúng ta thì đều do chúng ta “chưa có đủ đức độ” cho nên “chưa cảm động” được, chưa có sự cảm ứng.

Trước khi khuyên nhủ người khác còn có một việc cần làm trước mà chúng ta cũng cần phải suy tính đến. Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử có nhắc đến “Quân tử tín nhi hậu gián”, trước khi quân tử can gián người khác thì phải làm một việc, đó là nhất định phải để cho người đó tin tưởng mình, sau đó mình mới đi khuyên nhủ. Nếu như họ vẫn chưa đủ tin tưởng mà chúng ta khuyên nhủ họ, họ sẽ cho rằng chúng ta cố ý làm tổn thương họ. Cho nên nếu như phải khuyên nhủ người khác thì đầu tiên phải được đối phương tin tưởng tuyệt đối. Bởi vậy, cha mẹ, cấp trên, hoặc một nửa kia của các vị, bạn bè các vị, anh em các vị phải tin tưởng các vị thì các vị khuyên can mới có tác dụng.

Làm sao để được người khác tin tưởng? Chúng ta đều ao ước người thân, bạn bè đều tin tưởng mình. Vậy có phải lòng tin chỉ cần cầu mà có được không? Sự tin tưởng tuyệt đối không thể cầu mà có được! Có nhiều lúc chúng ta rất ngưỡng mộ một ai đó: “Sao nhân duyên của anh lại tốt vậy! Sao mọi người đều tin tưởng anh như vậy!”. Chúng ta toàn loay hoay ở kết quả mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân.

Hết tập 13. Xin đọc tiếp Tập 14 “Đệ tử quy” giảng giải – Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!