Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

Tập 18:  Học tập lễ nghĩa dùng cơm với người lớn tuổi. Làm thế nào để nuôi dưỡng lòng hiếu kính của trẻ nhỏ?


9. HOẶC ẨM THỰC, HOẶC TỌA TẨU. TRƯỞNG GIẢ TRÊN, ẤU GIẢ HẬU. TRƯỞNG HÔ NHÂN, TỨC ĐẠI KHIẾU. NHÂN BẤT TẠI, KỶ TỨC ĐÁO.

9.2. Trưởng giả trên, ấu giả hậu (Người lớn trước, người nhỏ sau)

9.3. Trưởng hô nhân, tức đại khiếu, nhân bất tại, kỷ tức đáo (Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay)

9.2. Trưởng giả trên, ấu giả hậu (Người lớn trước, người nhỏ sau) – tiếp theo

[18]Bài giảng trước chúng ta đã nói đến vế thứ hai là “xuất tắc đễ”, cũng nhắc tới “huynh đạo hữu, đệ đạo cung, huynh đệ mục, hiếu tại trung” (Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó). Tục ngữ có nói: “Gia đình hòa thuận thì vạn sự đều hưng vượng. Anh em đồng lòng thì đất đá cũng biến thành vàng ròng”. Thực sự khi không khí trong gia đình hòa thuận thì nếp sống gia đình nhất định sẽ thịnh vượng, sự nghiệp nhất định cũng sẽ hưng vượng. Có rất nhiều đứa bé sau khi nghe xong những câu chuyện về những tấm gương Thánh Hiền ngày xưa, thì chúng cũng biết noi theo những tấm gương đó và làm theo. Nghe xong câu chuyện “Khổng Dung nhường lê”, chúng về nhà và cũng làm theo như vậy. Có một người chị cũng rất khẳng khái, nhường lê cho em trai ăn trong khi chỉ có một quả lê. Kết quả là người em cứ ăn từng miếng to một. Khi ăn đã quá một nửa trái lê thì người chị này không nhẫn nại được nữa liền cướp miếng lê lại. Người mẹ thấy tình trạng như vậy, bà liền gọi điện thoại nói cho thầy giáo biết. Đây là một sự hợp tác giữa phụ huynh và thầy giáo rất tốt. Bởi vì mỗi câu Kinh văn mà bọn trẻ chưa thể làm theo hết được thì cần phải dạy bảo lâu dài.

Hôm sau người thầy giáo liền kể một câu chuyện cho bọn trẻ. Chuyện kể rằng vào thời nhà Hán có hai anh em trai, một người tên là Triệu Hiếu, một người tên là Triệu Lễ, Triệu Hiếu là anh. Thật bất hạnh khi Triệu Lễ bị bọn cướp bắt đi. Sau khi người anh biết được liền lập tức tìm đến sơn trại và đi thẳng vào đại bản doanh của bọn cướp. Vừa lúc bọn cướp đang rất đói, định đem người em trai giết thịt để ăn, người anh thấy vậy rất lo lắng, liền chạy đến trước mặt đám cướp và nói rằng: “Em trai tôi bị bệnh, người lại gầy gò. Các vị đừng ăn nó, hãy ăn tôi đây này! Tôi béo tốt hơn, người lại khoẻ mạnh”. Người em thấy anh mình nói như vậy thì cũng rất lo cho anh, liền đẩy người anh ra và nói: “Tôi bị các vị bắt được là số mệnh của tôi nó thế. Cho nên tôi bị các vị ăn thịt là đúng rồi, tuyệt đối không thể liên luỵ đến anh tôi”. Hai anh em ở đó mà tranh nhau được chết, được chết thay cho nhau. Lúc này bọn cướp nhìn thấy vậy thì rất  cảm động, thế là thả người em ra.

“Các em à! Triệu Hiếu và Triệu Lễ ngay cả cái gì cũng có thể vì anh em mà tình nguyện hy sinh? Tình nguyện hy sinh cả tính mạng. Vậy thì chúng ta có nên vì một trái táo, một trái lê mà cãi nhau với anh chị em của mình không? Chúng ta phải noi theo tinh thần của những vị Thánh Hiền ngày xưa này. Hơn nữa, tinh thần không tiếc mạng sống hy sinh cho anh em của Triệu Hiếu và Triệu Lễ đã truyền đến tai Hoàng Thượng. Hoàng Thượng liền cho hai anh em họ làm quan để cai quản nhân dân. Cho nên họ rất có phước về sau. Tại sao Hoàng Thượng lại để cho họ làm quan? Các em hãy xem, anh em mà biết yêu thương nhau như vậy thì nhất định sẽ hiếu thảo với cha mẹ. Người có đức hạnh như vậy khi ra làm quan nhất định sẽ yêu thương nhân dân. Bởi vì “giáo dĩ hiếu”, họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân phụ giả dã”, sẽ kính trọng tất cả những người làm cha mẹ trong thiên hạ. “Giáo dĩ đệ”, họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân huynh giả dã”, cũng sẽ kính trọng anh chị em của tất cả mọi người”.

Cho nên chúng ta cũng phải thông qua cơ hội giáo dục này để hướng dẫn bọn trẻ. Khi bọn trẻ có những biểu hiện tốt thì chúng ta cũng nên khen ngợi. Ngoài ra còn có một đứa bé, bạn học của đứa bé này bị đứt quai dép. Đứa bé này có một đôi dép hơi bị rách một chút nên đã thay một đôi dép mới, nhưng vì tiếc rẻ đôi dép hơi bị rách này cho nên không vứt đi mà để dưới gầm giường. Có lẽ đứa bé đã học được câu: “Vật yếm cố, vật hỷ tân” (Chớ ghét cũ, không thích mới), cho nên có cảm tình với đôi dép cũ, không lỡ vứt nó đi mà để dưới gầm giường. Khi đôi dép của bạn học bị hỏng không đi được nữa, thầy giáo liền nói với đứa bé: “Em hãy mang đôi dép cũ ra cho bạn đi”. Đây có phải là giúp đỡ bạn học không? Đúng vậy. Nếu không thì bạn học sẽ không có dép đi, mà trời mùa đông lại rất lạnh. Sau đó, những người thầy giáo chúng tôi đã phát hiện ra đứa bé đi đôi dép cũ, còn đôi dép mới thì ở dưới chân của người bạn học. Quả thật chúng tôi là những người lớn cũng học được một bài học. Các vị thấy không, đứa bé đó đã chân thật làm được câu: “Tài vật khinh, oán hà sinh” (Tiền của nhẹ, oán nào sanh). Người bạn học nhất định sẽ cảm nhận được rằng đứa bé rất chiếu cố bạn học.

Cho nên chúng tôi lập tức khen ngợi đứa bé này, nói rằng đứa bé chân thật là học trò tốt của Khổng Phu Tử. Tiếp đến chúng tôi tiến thêm một bước, giao ước với đứa bé rằng ở đây bé là anh cả, cho nên từ nay về sau nhất định phải làm gương tốt cho mọi người. Chúng ta khen ngợi đứa bé, và còn không quên để cho đứa bé có quyết tâm, không quên để cho đứa bé nâng cao tầm định vị của nó. Cho nên khen ngợi trẻ nhỏ cũng là một học vấn. Chúng ta thường nghe có một câu nói như thế này: “Tiểu thời liễu liễu, đại vị tất giai(Khi còn nhỏ hiểu mồn một, lớn lên chưa chắc giỏi). Thật là kỳ lạ là tại sao khi bé rất giỏi giang, năng lực tốt như vậy, nhưng đến khi trưởng thành thì lại không thấy có sự phát triển tốt? Đây là một kết quả. Nguyên nhân do đâu? Chúng ta không thể chỉ dừng ở cái kết quả, như vậy thì có sống cũng không được rõ ràng, minh bạch. Các vị cảm thấy thế nào? Có phải đây là do không có tấm gương để noi theo? Đây là nguyên nhân rất quan trọng. Chúng ta có thể suy xét kỹ càng vấn đề này.

Có một người cha nói rằng: “Khi con trai tôi hai tuổi, tôi cảm thấy nó có thể làm lãnh đạo đất nước. Đến khi con trai tôi học cấp hai, tôi cảm thấy nó thi đỗ đại học là tốt lắm rồi. Nhưng khi con trai học cấp ba, tôi lại cảm thấy học xong thì đi làm là tốt hơn cả”. Tại sao lại kém xa như vậy? Sự kỳ vọng của người cha đối với người con càng ngày càng thấp đi thì con cái không thể xuất sắc được. Khi phụ huynh không có tấm gương để con cái noi theo thì chúng sẽ không có chí hướng, từ từ sẽ buông xuôi. Cho nên tại sao khi bắt đầu học, chúng ta đã nhấn mạnh rằng: “Học quý lập chí”. Hơn nữa mục đích học để có năng lực là ở đâu? Điều này phải cẩn thận ngay từ đầu. Vậy mục đích bọn trẻ học để có được năng lực là ở đâu? Tại sao lại phải học cho có khả năng? Chúng ta mới đầu có nói: “Đọc sách chí tại Thánh Hiền”. Nhưng người thời nay thì: “Đọc sách chí tại kiếm tiền”. Mục tiêu bị sai thì có thể dẫn tới kết quả tốt được không? Cho nên, khi mới bắt đầu thì phải có quan niệm hướng dẫn đúng đắn mới được.

Tại sao “tiểu thời liễu liễu(Khi còn nhỏ hiểu mồn một), rất có bản lĩnh, đến cuối cùng thì lại “đại vị tất giai(lớn lên chưa chắc giỏi), bởi vì có rất nhiều bản lĩnh đều làm để đem ra khoe khoang. Tại sao phải “đối tôn trưởng, vật kiến năng(với người lớn, chớ khoe tài)? Từ nhỏ, con cái các vị đã học được một ít tiếng Anh, có một số năng lực, phụ huynh dẫn chúng đến mọi nơi để biểu diễn. Trong trái tim non nớt của nó sẽ cảm thấy nó làm sao? “Đó! Mọi người xem! Người lớn còn phải vỗ tay khen ngợi mình! Người lớn còn phải học tập theo mình, còn bảo rằng mình rất giỏi!”. Những lời khen mà nghe nhiều rồi thì những lời khuyên sẽ không còn nghe lọt lỗ tai nữa. Cho nên khen ngợi người khác thì cũng phải dùng lý trí, cũng phải có trí tuệ mới được. Điều này chính bản thân tôi cũng từng có kinh nghiệm, và cũng nhìn thấy ở nơi người khác, sau đó mở Kinh điển ra để chứng thực.

“Khúc Lễ” có nói tới, chúng ta có thể mở “Lễ Ký”, “Khúc Lễ Đệ Nhất”, trang thứ nhất có viết: “Ngạo bất khả trưởng, dục bất khả túng, chí bất khả mãn, lạc bất khả cực.

Chúng ta hãy xem bốn câu này xem người thời nay có phạm phải không?

Thứ nhất: Ngạo bất khả trưởng”

Con người chỉ cần nổi lên lòng ngạo mạn thì không có cách gì để học hỏi và anh ấy sẽ khó mà trưởng thành hơn nữa. Nếu như từ nhỏ bọn trẻ đã rất ngạo mạn thì cuộc đời này rất khó có thể thành đạt. Cho nên tại sao nói: “Tiểu thời liễu liễu”, nếu như lúc nhỏ cũng bởi có những tài này mà sinh lòng kiêu ngạo thì sẽ rất phiền phức. Bởi vì sự quan trọng của học vấn là phải chịu khó học hỏi, quan trọng ở thái độ khiêm nhường. Như vậy thì anh ấy mới hiểu biết được một điều: “Nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên”.

Thứ hai: “Dục bất khả túng”

Trò chơi làm mất chí hướng. Các vị xem, hiện nay có rất nhiều bài học xương máu không phải đã bày ra trước mắt đó sao.

Thứ ba: “Chí bất khả mãn”

Trẻ em thời nay không có chí hướng, thường là du thủ, du thực, cảm thấy rất vô vị. Cho nên “chí đương tồn cao viễn”, con người phải có chí hướng cao xa thì cuộc đời của anh ấy mới phong phú. Anh ta sẽ luôn luôn cảm thấy phải nâng cao trình độ của chính mình thì mới có thể phục vụ cho xã hội, phục vụ cho người khác.

Thứ tư: “Lạc bất khả cực, lạc cực sinh bi”

Khi một đứa trẻ không biết hạn chế, không có chừng mực, khi chơi thì không cần biết đến ai nữa, rất có thể sẽ tăng cao sự nguy hiểm xuất hiện đối với bản thân. Tổ tiên chúng ta mấy ngàn năm trước đã đem những lời giáo huấn này viết trong Kinh văn. Tổ tiên chúng ta đã rất xứng đáng với chúng ta thì chúng ta cũng không thể có lỗi với Tổ tiên được.

Hồi đó tôi còn nhỏ, bởi vì tôi là cháu trưởng cho nên nhận được rất nhiều lời tán thưởng. Mục đích khi tôi làm một việc là gì vậy? “Là lời khen thưởng”. Các vị sao cũng biết vậy?  Vì thường để ý xem người khác có chú ý đến việc mình làm không, cho nên tôi trở thành sống trong những lời khen, trong những tiếng vỗ tay. Khi học đại học có một lần tôi lên bục diễn giảng, năm đó tôi đang học đại học năm thứ tư. Sau khi nghe tôi diễn giảng xong, có một vị trưởng bối đã cao hứng nói với tôi: “Em đúng là người sống trong những tiếng vỗ tay!”. Ông khen ngợi tôi, nhưng khi nghe câu nói đó thì tôi chợt ngẫm lại mình: Nếu như không có những tiếng vỗ tay đó thì liệu tôi có làm hay không? Không làm! Nhưng rất là kỳ lạ, tôi nhận ra có những việc rất quan trọng trong cuộc sống đều không có những tiếng vỗ tay. Hơn nữa khi một người chỉ sống trong những tiếng vỗ tay thì người đó sẽ coi trọng sự hơn thua. Cuộc sống như vậy tuyệt đối sẽ không được thanh thản, tự tại.

Cho nên tôi bắt đầu sửa đổi. Bởi vì trước đây nghe quá nhiều lời khen, cho nên chỉ cần một câu phê bình thì trong lòng cảm thấy rất khó chịu. Bởi vậy tôi luôn luôn phải niệm một câu Kinh văn trong “Đệ Tử Quy” là: “Văn dự khổng, văn quá hân. Trực lượng sĩ, tiệm tương thân” (Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi). Thực sự là chúng ta chỉ có hai con mắt, hai cái tai thì có thể nhìn thấy bao nhiêu? Nghe được bao nhiêu? Hơn nữa khi chúng ta có lòng khiêm tốn thì các vị có biết rằng, sẽ có biết bao nhiêu là đôi mắt nhìn đường giúp chúng ta, có biết bao đôi tai nghe tin tức giùm chúng ta, thậm chí nghe được những cái khuyết điểm của chúng ta nữa. Cho nên trẻ em phải khiêm tốn mà không được kiêu căng.

Chúng ta khen ngợi bọn trẻ là khen ngợi phẩm hạnh tốt của chúng, chứ không phải khen ngợi tài năng của chúng. Nếu chúng ta khen ngợi tài năng mà khen nhiều quá thì nhất định sẽ có vấn đề. Còn có rất nhiều phụ huynh lại còn khen ngợi: “Sao lại xinh thế!”. Chúng ta khen đẹp để làm gì? Khen chúng xinh đẹp thì giúp ích gì cho chúng? Các vị nói với chúng: “Khí chất của con rất tốt, có phải ngày nào cũng đọc “Đệ Tử Quy” không? Có phải lúc nào cũng lễ phép với trưởng bối?”. Như vậy mới có thể “thành ư trung, hình ư ngoại”.

Có rất nhiều đứa trẻ ngay từ nhỏ đã như vậy. Ví dụ như nói về một đứa bé gái, rất nhiều người lớn nhìn thấy đều khen: “Ngũ quan có thể như vậy thật là xinh, mũi ra mũi, miệng ra miệng!”. Đứa bé gái này được các vị khen như vậy trong hai, ba năm trời thì hàng ngày nó nhất định phải mang theo một thứ bên mình. “Đó là chiếc gương”. Sao các vị biết được vậy? Trong trường mẫu giáo có hai chị em, người chị và người em trai đều rất đẹp. Nhưng vẻ đẹp của đứa bé gái hấp dẫn một số trưởng bối. Người ta khi nhìn thấy cô bé thì đều khen cô bé xinh. Cho nên cô bé này cứ học được nửa chừng thì lại lấy gương ra soi. Thế là thành tích học tập của cô bé thua xa người em trai. Bởi vì cô bé chỉ chú trọng đến vẻ bề ngoài, thường không chuyên chú đến sự suy nghĩ, luôn luôn nghĩ xem người khác có để ý đến mình không. Đứa bé như vậy thì sau này sẽ thường đi theo con đường có cuộc sống hư vinh, cuộc sống xa hoa, phù phiếm. Bởi vậy, không nên khen ngợi vẻ đẹp của trẻ nhỏ, không nên thường xuyên khen ngợi tài năng của trẻ nhỏ, mà phải khen ngợi đức hạnh của chúng.

Hơn nữa cho dù các vị có khen ngợi cái tài năng thì cũng nên hướng dẫn chúng mục đích có tài năng là để làm gì. Có tài năng, ví dụ như chúng gảy đàn tranh rất hay, mục đích là để biểu diễn cho người khác nghe, sau đó để cho chúng cảm thấy rằng chúng rất giỏi ư? Như vậy là không đúng! Nếu như chúng ta hướng dẫn chúng như vậy thì kỹ thuật gảy đàn tranh của đứa bé này nhất định sẽ không có tiến bộ thêm nữa. Nhưng nếu như chúng ta hướng dẫn chúng rằng đó là: “Di phong dịch tục, mạc thiện ư nhạc. Cho nên các con học gảy đàn tranh, học gảy đàn cổ nhất định phải dùng tấm lòng chân thành để học, thì mới có thể gảy ra được những bản nhạc có ích lợi cho công chúng. Khi chúng đã có mục tiêu như vậy thì tâm trạng của chúng sẽ khác hoàn toàn.

Khi các vị khen ngợi đức hạnh của chúng, ví dụ như “Con thật là hiếu thuận!”, thì sự hiếu thuận sẽ tỷ lệ thuận với chúng. Chúng sẽ càng làm càng cảm thấy có động lực, điều này không có tác dụng phụ. Cho nên khen ngợi phải dựa trên đức hạnh mà khen ngợi. Tiêu chuẩn của đức hạnh là ở “Đệ Tử Quy”, phải đi sâu vào để nắm được cương lĩnh. Cho nên, các vị phải đọc thuộc “Đệ Tử Quy”, nghe cho rõ, đọc cho thuộc. Chúng ta cũng đã có tuổi rồi, nói phải học thuộc lòng thì cũng hơi khó, cho nên chỉ cần đọc thuộc.

Có một bà mẹ dắt đứa con gái đi ra phố mua đồ thì gặp một người bạn. Người bạn này hỏi bé gái: “Sao con chưa đi học?”. Đứa bé còn nhỏ cho nên liền hỏi lại mẹ: “Mẹ ơi! Đi học để làm gì?”. Kết quả người bạn này liền nói: “Đi học thì có thể kiếm được nhiều tiền”. Tốt rồi! Phải cẩn thận từ buổi ban đầu. Nếu như các vị là người mẹ thì phải làm sao? Thời nay giá trị quan như vậy chiếm tỷ lệ rất lớn! Người mẹ này liền nắm lấy cơ hội, bà đưa mắt cho người bạn ra hiệu đừng nói tiếp nữa. Rồi bà nói với con gái: “Đi học quan trọng nhất là để học tài năng, bởi vì sau khi có tài năng chúng ta mới có thể giúp đỡ được người khác, có thể cống hiến cho xã hội. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng: “Một quốc gia, một xã hội là một thể thống nhất phải hỗ trợ lẫn nhau”.

Khi trẻ nhỏ cảm nhận được xã hội là phải giúp đỡ lẫn nhau, một khi thái độ này của chúng đã hình thành thì khi đối mặt với người của các ngành nghề chúng sẽ tôn trọng, sẽ biết cảm ơn. Nhưng nếu như mục đích học tài năng của chúng chỉ để kiếm được nhiều tiền, thì sau này chúng nhìn những ngành nghề với con mắt gì? “Nghề này kiếm được bao nhiêu tiền?”. Chúng sẽ khinh khi những ngành nghề kiếm được ít tiền. Trong lòng có sự thiên lệch về mục đích đối với học vấn thì sẽ đi ngược đường với đạo đức, với học vấn ngay.

Cho nên người mẹ này đã hướng dẫn con gái, nói rằng  phải học tài năng. Học tài năng thì rất trừu tượng. Con gái thì còn nhỏ như vậy. Bởi vì họ vừa ở trong siêu thị đi ra và mua được một ít bánh bao chay, cho nên người mẹ lập tức nói: “Thì giống như chú lúc nãy đó, bởi vì chú ấy có tài năng, chú ấy biết làm bánh bao chay, chú ấy có thể giúp chúng ta làm bánh bao chay để chúng ta có đồ ăn. Cho nên chúng ta phải cảm ơn chú ấy. Nhưng để cảm ơn chú ấy, chúng ta có thể mang con gấu, đồ chơi của con để tặng cho chú ấy không? Hay tặng chú ấy chiếc xe đồ chơi của con? Chú ấy chưa chắc đã nhận. Cho nên chúng ta cảm ơn chú ấy thì đưa một ít tiền để cảm ơn chú ấy. Chú ấy có thể dùng số tiền này để mua những thứ chú ấy cần”. Lấy lý do như vậy để hướng dẫn cho con cái mục đích của sự học tập là làm tăng thêm tài năng để phục vụ người khác. Khi trẻ nhỏ có được thái độ như vậy chúng sẽ không dễ gì mà kiêu ngạo.

Tôi cũng từng thấy một người bạn hai mươi mấy tuổi. Lần đầu gặp anh ấy, thấy anh ấy cao hơn tôi, đẹp trai hơn tôi, và cũng đã học sách Thánh Hiền. Chúng tôi xem xong đều rất vui mừng. Bởi vì anh ấy còn học trước tôi nên tôi cũng mừng thay cho anh, tôi liền khen ngợi anh một hồi, nói: “Anh thật hiếm có!”. Và cứ khen ngợi như vậy. Lần đầu tiên gặp mặt thì có thể khen ngợi hết lời như vậy được không? Không được!

Cho nên lời nói thì phải thận trọng. Tôi đã không làm tốt, đã không kìm nén được tâm trạng vui mừng của mình, đã khen ngợi anh ấy hết lời. Sau đó sống cùng nhau hơn một tuần, tôi quan sát thấy những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt của anh không được thích đáng lắm. Bởi vì anh ấy kém tôi không ít tuổi, cho nên chúng tôi cũng giữ lấy thái độ tôi là người anh cả của anh ấy và cũng lấy mặt vui vẻ và lời nhẹ nhàng để góp ý với anh ấy, “di ngô sắc, nhu ngô thanh” (mặt ta vui, lời ta dịu). Kết quả khi tôi vừa nói ra thì sắc mặt anh ấy liền thay đổi. Tôi cũng là người rất nhạy bén. Thực ra là định khuyên nhủ, nhưng khuyên được một nửa thì tôi dừng lại. Bởi nếu như anh ấy không nghe, lúc đó sẽ tạo ra tình thế căng thẳng thì lần sau rất khó mà nói chuyện với nhau. Từ câu chuyện này, tôi cũng lĩnh hội được một điều: Khen ngợi người khác thì phải dựa vào đức hạnh để khen ngợi. Nếu không thì chân thật là người được khen sẽ mê muội trong những tiếng khen ngợi mà quên mất mình.

Chúng ta khen ngợi một đứa bé vì nó dám lấy đôi dép mới của mình để cho bạn học đi. Chúng ta cũng tiến thêm một bước giao hẹn với nó sau này sẽ làm tấm gương tốt về đạo đức và phẩm hạnh cho mọi người noi theo. Cho nên tại sao người anh cả thời ngày xưa lại rất là ưu tú, cũng rất biết đảm đương trách nhiệm. Tại sao vậy? Ngay từ nhỏ cha mẹ đã giao hẹn với chúng rằng: “Cha mẹ làm việc rất vất vả, rất khó nhọc, ở nhà con phải chăm sóc, dạy bảo các em”. Khi chúng có được sự giao ước, được giao trách nhiệm thì năng lực tự nhiên sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Cho nên trong quá trình chúng ta dạy bọn trẻ câu Kinh văn này, cũng sẽ có rất nhiều cơ hội chúng ta có thể tận dụng được để dạy bảo.

“Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu. Trưởng giả trên, ấu giả hậu” (Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau), kỳ thực tuy lễ nghi này chỉ là một chi tiết nhỏ trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng nhất của nó là tạo cho bọn trẻ có lòng cung kính. Cho nên học vấn chân chính của trẻ nhỏ chính là cái ý muốn của chúng. Có một câu nói rằng: “Học vấn hay nhất của loài người là biết nghĩ cho người khác. Đây mới đích thực là học vấn hay nhất”.

Con trai lớn của Phạm Trọng Yêm được ông đặt tên là Phạm Thuần Nhân. Sự quan tâm của những bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái thì tỉ mỉ, chu đáo từng li, từng tí một. Ngay đặt tên cũng là để giáo dục con cái. Mục đích đặt tên của chúng ta là thông qua cái tên để giao ước với con cái, để chúng luôn luôn cảnh tỉnh chính mình. Cho nên Phạm Trọng Yêm đặt tên cho con trai của ông là Thuần Nhân, như ngầm giao ước với con ông rằng “luôn luôn phải có được trái tim nhân từ”.

Chúng ta hãy xem chữ “nhân”, chữ tượng hình, hội ý, bên trái là chữ “nhân”, bên phải là chữ “nhị”. Ý nghĩa gì vậy? Là chỉ hai người. Hai người nào vậy? Nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến người khác. Cho nên “kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân” (điều mình không muốn thì không nên mang cho người khác), “kỷ sở dục, thí ư nhân” (điều mình mong muốn thì cũng mang cho người khác). “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Những điều mình muốn làm cho mình thì cũng nên làm cho người khác, điều mình muốn đạt được thì cũng muốn người khác đạt được). Từ nhỏ bọn trẻ đã biết được đây là sự giao ước của người cha đối với chúng, tự nhiên chúng sẽ luôn luôn khích lệ chính mình, đôn đốc mình làm theo phương hướng này.

Phạm Thuần Nhân chân thật đã không phụ lòng kỳ vọng của cha ông. Bởi vì có một lần, Phạm Trọng Yêm nói với con trai rằng ông có năm trăm đấu lúa mạch, muốn Phạm Thuần Nhân giúp ông chuyển từ kinh thành về quê nhà ở Giang Tô. Kết quả trên đường đi thì gặp ngay người bạn của cha, một người bạn cũ của cha. Người bạn cũ của cha đã kể chuyện gia cảnh của ông là cha mẹ đã mất mà không có tiền chôn cất, lại còn có con gái chưa gả chồng được. Cuộc sống rất nghèo khó. Phạm Thuần Nhân nghe xong lập tức mang năm trăm đấu lúa mạch đi bán, rồi lấy số tiền này đưa cho vị trưởng bối. Kết quả là vẫn không đủ tiền. Vậy giúp người thì phải giúp đến cùng. Tiễn Phật thì phải tiễn đến Tây Phương. Cho nên ông lập tức bán chiếc thuyền chở lúa mạch đi thì mới đủ tiền.

Sau khi giải quyết xong xuôi, Phạm Thuần Nhân quay về kinh thành gặp cha và cùng cha ngồi xuống. Ông bắt đầu báo cáo lại với cha rằng giữa đường đã gặp lại người bạn cũ của cha như thế nào, cuối cùng ông đã quyết định bán năm trăm đấu lúa mạch đi để giúp người bạn của cha. Ông nói: “Nhưng vẫn chưa đủ tiền”. Phạm Trọng Yêm liền ngẩng đầu lên nói với con trai: “Vậy là con đem bán luôn chiếc thuyền phải không?”. Kết quả con trai ông nói: “Cha à! Con đã bán nó rồi”. Cho nên mới nói, cha con đồng lòng thì gia đạo sẽ bền lâu không suy bại. Nhà họ Phạm có lòng nhân hậu như vậy liệu có bị thiệt không? Không bị thiệt mà còn được đại phúc.

Cha tôi đặt tên cho tôi cũng là giao ước với tôi rằng, phải giữ lễ nghĩa cho tốt. Hơn nữa tôi còn có cảm giác đó là sứ mệnh, phải đem lễ nghĩa giống như chín mặt trời để làm cho nó phát triển, làm rạng rỡ nó. Như vậy chúng ta mới không phụ lòng cha đã đặt tên cho chúng ta.

Cho nên học vấn phải được trưởng dưỡng, phải có lòng nhân ái, lòng cung kính. Tại sao học hành lại có thể thay đổi được tính tình? Thay đổi từ đâu? Từ trong nội tâm. Bởi vì trong Kinh điển, ví dụ lấy “Đệ Tử Quy” để nói, những câu giáo huấn như: “Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu. Trưởng giả trên, ấu giả hậu. Trưởng giả lập, ấu vật tọa. Trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa” (Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau. Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi). Khi trẻ nhỏ đọc đến đoạn Kinh văn này thì chúng từ từ sẽ đi thực hành. Hơn nữa, khi chúng đang thực hành những hành vi này thì nó sẽ từ ngoài mà từ từ nội hóa thành ý định của chúng. Lòng cung kính này của chúng sẽ càng ngày càng vững chắc hơn. Lòng cung kính đã vững chắc thì lòng thành ở trong tâm tự nhiên sẽ làm thay đổi tính tình. Bởi vậy, nếu con cái học Kinh văn mà không đi thực hành thì có thể thay đổi được tính cách không? Hiệu quả sẽ hạn chế. Cho nên học phải đi đôi với hành.

Khi ăn uống phải mời người trưởng bối ngồi trước, ăn trước. Khi tôi ở Thẩm Quyến có một nhóm học sinh, thầy của chúng không những chỉ dạy chúng ăn cơm phải nhường trưởng bối ăn trước mà còn phải chú ý đến vị trí ngồi thì phải ngồi ra sao: “Vị trí chủ tọa nhất định phải để cho thầy giáo ngồi. Các em không được cướp lấy mà ngồi”. Những đứa trẻ được học điều này thì đối với cuộc đời của chúng về sau này rất quan trọng.

Tôi đã từng nghe một ông chủ kể rằng ông có một cuộc đàm phán với khách hàng, cả hai bên đều dẫn nhân viên của mình đến. Kết quả là một người nhân viên của ông khi vào đã ngồi vào ngay vị trí chủ tọa, làm cho những người khác không biết phải làm sao. Bởi vì đều là người lớn cả rồi nên nếu nói thẳng với anh ấy ngay lúc đó thì thật là khó xử. Vị trí chủ tọa phải là vị trí đối diện với cửa ra vào. Bởi vị trí này thường dành cho những bậc trưởng bối hoặc chức vị cao, để khi ngồi vào vị trí này họ có thể nắm vững tình hình toàn cục.

Các vị có thể để vị trí này ở ngay sát cửa ra vào cho cấp trên của các vị ngồi được không? Vậy thì khi có ai ra vào ông ấy cũng không biết. Cho nên tất cả mọi lễ nghĩa đều tùy thuận theo một tình trạng tự nhiên, đều là rất có đạo lý. Vị trí chủ tọa phải để cho thầy giáo ngồi thì bọn trẻ sẽ không ngồi lộn xộn, mà rất có quy củ. Người thầy giáo này còn dạy cho học sinh, nếu như trên bàn có đường vân gỗ thì đường vân đó không được chỉ vào vị trí chủ tọa, như vậy là không tôn trọng. Từng li, từng tí như vậy cũng đều làm tăng thêm lòng kính trọng. Và đây là sự cẩn thận của người thầy này.

Có một lần, bởi vì tôi thường đi diễn giảng ở nhiều nơi cho nên không thường xuyên có mặt ở trường. Sau khi về trường, tôi cùng ăn cơm với bọn trẻ. Kết quả có một lần ăn cơm, khi tôi vừa ngồi xuống thì bọn trẻ xoay cái bàn, tôi nghĩ: “Lạ thật! Tại sao các em lại phải xoay bàn?”. Bọn trẻ nói có một đường vân gỗ, không để nó chỉ vào thầy Thái, như vậy là bất kính. Tôi nghe thấy vậy thì rất là cảm động, tin rằng niềm cung kính, tôn trọng này của bọn trẻ cả đời cũng không thay đổi. Đây là nói về “hoặc ẩm thực” (hoặc ăn uống).

Ngồi hoặc đi đứng đều phải nhường cho bậc trưởng bối ngồi trước hoặc đi trước. Có một học sinh lớp 4 cùng với mẹ đi thăm người thân. Vừa vào trong nhà thì người mẹ lại bận gọi điện thoại. Kết quả là đứa bé liền nói với mẹ: “Mẹ à! Mẹ ngồi đi!”. Người mẹ nói: “Con ngồi trước đi”. Đứa bé lại nói: “Mẹ ngồi đi ạ!”. Người mẹ cảm thấy kỳ lạ: “Bảo con ngồi thì cứ ngồi. Sao còn lắm lời vậy!”. Đứa bé nói: “Mẹ mà chưa ngồi thì con không được ngồi ạ!”. Bởi vì đứa bé đang thực hành câu Kinh văn này. Lúc này chúng ta là cha mẹ, là thầy giáo thì phải nhạy bén. Các vị phải thành toàn cho lòng cung kính, hiếu thuận của nó, thì nó mới có thể lập thân, hành đạo. Người mẹ lúc này mới bình tĩnh trở lại. Thật ra, trước khi học “Đệ Tử Quy” thì đều là con cái ăn trước và ngồi trước. Cho nên lễ nghĩa bị ngược đời, bị đảo điên thì hành vi của con cái đương nhiên là điên đảo. Các vị phải nhanh chóng sửa chữa lại ngay mới được.

Tọa” chúng ta cũng có thể suy diễn rộng ra. Ví dụ như khi đi xe thì nhất định phải có trật tự, xếp hàng ngay ngắn, không được chen lấn, xô đẩy. Khi lên xe, ngoài việc phải nhường cho người trưởng bối, người già cả ngồi trước, thì còn phải nhường cho phụ nữ và trẻ em, còn phải đi về phía sau để nhường chỗ cho mọi người. Chúng ta không nên vừa lên xe một cái, đằng sau còn rất nhiều chỗ nhưng chúng ta cứ chọn ngồi ở trước. Như vậy là không cho người khác sự tiện lợi. Bởi vì nếu như người đi sau là một cụ già mà các vị lại có thể để cho một cụ già phải đi xa thêm mấy bước nữa và phải đi xuống cuối xe sao? Cho nên chúng ta nơi nơi phải nghĩ cho người già, phải nghĩ cho người đi sau.

Quý vị thân mến! Người lớn thời nay có làm được như vậy không? Các vị chú ý quan sát xem, ví dụ như một đoàn thể, một xí nghiệp nào đó tổ chức đi du lịch, những người lên xe trước thì ngồi ở phía trước, người lên sau phải xuống phía sau xe. Bởi vậy chúng ta phải thực hành sự cung kính, lễ nhượng ở mọi nơi, mọi lúc.

Có một trường học tổ chức đi du lịch, có rất nhiều thầy giáo nam ngồi ở phía trước. Bởi vì có một vị nữ giáo viên có học “Đệ Tử Quy”, nhưng người lớn thì rất giữ thể diện. Nếu như các vị trực tiếp nói với họ rằng họ đã sai thì có thể họ sẽ thẹn quá hóa giận. Cho nên ngay cả thầy giáo cũng phải học “Đệ Tử Quy” mới được, nếu không có khi lời nói và hành vi sẽ trở thành phản giáo dục. Nếu như làm thầy giáo mà phản giáo dục thì sẽ bị đọa xuống tầng địa ngục thứ mười chín.

Có một câu chuyện kể như thế này. Có một thầy thuốc xem mạng người như cỏ rác. Vua Diêm Vương rất giận dữ, phán ông ấy phải xuống tầng địa ngục thứ mười tám. Ông ấy rất buồn phiền, ở đó mà kêu to: “Không phải tôi cố ý, chỉ là không cẩn thận thôi!”. Các vị xem, vì ông ấy chưa học “Đệ Tự Quy” cho nên sai rồi mà không nhận sai. Ông ấy không biết được rằng: “Quá năng cải, quy ư vô(biết sửa lỗi, không còn lỗi). Nếu như lúc đó ông ấy khởi một niệm hối cải thì có thể đã lập tức lìa khỏi địa ngục tầng thứ mười tám rồi. “Thảng yểm sức, tăng nhất cô” (Nếu che giấu, lỗi chồng thêm), vậy nên ông tiếp tục phải ở đó.

Kết quả ông ấy ở đó mà dẫm chân hết sức tức giận, chợt phía dưới có tiếng nói: “Ông đừng có dẫm chân nữa, bụi rơi hết xuống người tôi rồi!”. Ông ấy giật nẩy mình: “Tầng thứ mười tám không phải là tầng thấp nhất rồi sao? Bên dưới sao lại còn có người?”. Ông ấy vội hỏi: “Tôi làm nghề thầy thuốc, vì xem mạng người như cỏ rác cho nên mới bị đọa xuống mười tám tầng địa ngục. Còn anh làm nghề gì? Sao lại bị đọa xuống tầng thứ mười chín vậy?”. Người ở bên dưới nói: “Vì tôi là thầy giáo. Thầy thuốc chỉ quyết định mạng sống của con người nên bị đọa xuống tầng thứ mười tám. Còn thầy giáo thì quyết định trí tuệ của người khác. Mạng sống có hạn nhưng trí tuệ thì vô cùng”.

Hơn nữa nếu xây dựng trí tuệ được đúng đắn thì học sinh của các vị sau này còn có con cái, rồi con cái của chúng lại có con cái. Các vị dạy cho học sinh của mình có được quan niệm đúng đắn thì có thể ảnh hưởng đến con cháu của chúng từ đời này sang đời khác. Hơn nữa một thầy giáo có thể dạy hàng trăm, hàng ngàn học sinh. Cho nên ngành nghề thầy giáo được gọi là công đức vô lượng, nếu làm tốt thì gọi là: “công đức vô lượng”, làm không tốt thì gọi là “công đức không sáng, tiền đồ ảm đạm, u ám”.

Quý vị thân mến! Sau khi nghe tôi nói xong các vị đừng vội nói: “Thế thì tôi sẽ không làm nghề thầy giáo. Thật là đáng sợ!”. Điều quan trọng đích thực ở đây là có được một tấm lòng. Phương pháp dạy học của chúng ta cũng phải từ từ mới tích lũy được kinh nghiệm. Cho nên quan trọng nhất vẫn là tấm lòng chân thật của các vị mới làm cảm động được bọn trẻ.

Chúng ta nghĩ lại xem, học sinh chúng ta dạy 5 năm về trước thân với chúng ta hay học sinh dạy 5 năm về sau thân với chúng ta hơn? “Học sinh của 5 năm về trước!” Vậy thì thật là kỳ lạ. Khi nào thì phương pháp dạy học của các vị mới càng ngày càng tốt hơn? Nhất định là những năm sau này. Nhưng tại sao những đứa trẻ học 5 năm trước lại thân với các vị hơn? Chính bởi mức độ dụng tâm! Bởi khi đó các vị luôn luôn lo sợ rằng mình dạy không tốt, cho nên các vị dụng tâm để dạy học sinh. Học sinh không chỉ nhìn vào trình độ dạy học của các vị mà quan trọng hơn là thái độ dạy học của các vị. Điều đó mới để lại ấn tượng sâu sắc. Nhưng sau khi các vị dạy lâu rồi, lòng yêu thích dạy học giảm đi. Tuy trình độ dạy học có tốt hơn so với trước đây, nhưng sự tác động vào nội tâm của bọn trẻ có thể không được mạnh mẽ như trước đây. Cho nên làm thầy giáo thì không nên lo sợ trình độ dạy học không tốt, chỉ cần các vị có một tấm lòng thì công đức chân thật là vô lượng, tiền đồ sáng lạn.

Làm thầy giáo thì luôn luôn phải ôm ấp lấy thái độ: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm. Bởi thầy giáo cũng đang trong quá trình không ngừng học hỏi, cho nên thầy giáo không thể ngừng theo đuổi đối với đạo đức, học vấn. “Học sở dĩ trị kỷ, giáo sở dĩ trị nhân”, đối với “dạy” và “học” chúng ta đều không thể ngừng nghỉ. Hơn nữa phải học hỏi thì mới có thể nâng cao trình độ của mình, sửa đổi chính mình. Cho nên “học sở dĩ trị kỷ” là đối trị với tật xấu của mình. “Giáo sở dĩ trị nhân”, thông qua giáo dục mới có thể hướng dẫn học sinh có được quan niệm đúng đắn, tạo dựng nhân sinh quan đúng đắn. Không học thì các vị rất khó có được trí tuệ chân thật.

Cho nên không học thì không có “trí tuệ”, không dạy thì không “nhân từ”, bởi chỉ có giáo dục mới có thể cứu sống cuộc đời của một con người. Cho nên chúng ta luôn luôn phải vừa dạy, vừa học. Làm thầy giáo tuyệt đối không phải là tốt nghiệp trường sư phạm rồi thì sách vở bỏ sang một bên, mà ngược lại càng phải tích cực học tập, không thể phụ lòng kỳ vọng của đất nước đối với chúng ta, không được phụ lòng tín nhiệm của phụ huynh đối với chúng ta, càng không thể phụ một đoạn duyên phận thầy trò của học sinh đối với chúng ta. Cho nên luôn luôn phải “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” mới được.

Người nữ giáo viên này lên xe, khi nhìn thấy mấy vị thầy giáo ngồi phía trước cũng không tiện trực tiếp góp ý với họ. Trong tình huống này thì “hiểu rõ tình người mới có thể viết thành những câu chuyện hay”, vận dụng nghệ thuật lời nói, sau đó nói với họ rằng: “Ưu tiên phụ nữ trước, các vị hãy đi xuống phía sau” để cho họ có cảm giác được giúp đỡ người khác. Các vị không trực tiếp chỉ trích họ nhưng có thể làm gương cho họ coi. Ví dụ như đáng lẽ các vị có thể ngồi xuống, nhưng sau đó lại có một người thầy giáo cao tuổi lên xe, vị nữ giáo viên này liền đứng dậy nói: “Thầy Ngô à! Mời thầy ngồi ạ!”, làm để cho người khác xem. Khi có một người làm gương, thì người khác sẽ có lòng cung kính. Chúng ta ở bất kỳ đoàn thể nào cũng đều phải làm gương ở mọi nơi, mọi lúc cho mọi người xem.

Vị nữ giáo viên này nói rằng không chỉ đi xe mới có hiện tượng như vậy mà khi đi du lịch, vào đến nhà trọ thì nhiều người đều bật hết đèn trong phòng. Tại sao họ lại bật hết đèn lên? Bởi vì họ không mất tiền. Con người nếu như cái gì cũng quy thành tiền thì sẽ làm ra những việc rất tổn thất đến phúc đức của chính mình. Xin hỏi do đâu mà mấy bóng đèn này sáng được? Là do có điện. Vậy điện từ đâu mà có? Từ điện lực, là do thủy lực và cũng có nhiều phương pháp để tạo ra điện. Hơn nữa tất cả các phương pháp tạo ra điện đều làm tổn hao đến nguồn năng lượng của trái đất. Đời này nếu chúng ta dùng nhiều quá thì đời con cháu của chúng ta về sau sẽ thiếu hụt.

Cho nên tôi thường nói, từ khi có lịch sử nhân loại đến nay, bị con cháu đời sau mắng té tát sẽ là đời nào? “Là đời của chúng ta”. Tại sao các vị biết vậy? Chúng ta có thể dự đoán được tương lai. Rất có trí tuệ! Chúng ta có thể suy đoán được rằng người một trăm năm sau nhất định sẽ nguyền rủa chúng ta: “Sao chúng ta lại có những vị Tổ tiên xấu xa như vậy! Để lại cho chúng ta là nguồn nước gì vậy! Để lại cho chúng ta cái không khí gì vậy! Để lại cho chúng ta là bầu trời bị phá hủy! Để lại cho chúng ta đất đai toàn phun thuốc hóa học, làm cho cuộc sống của chúng ta vô cùng khó khăn…”

Chúng ta có nên làm Tổ tiên như vậy không? Các vị coi Tổ tiên mấy nghìn năm trước đối xử với chúng ta ra sao? Đều để lại những thứ tốt đẹp, để lại trí tuệ! Lẽ ra chúng ta phải là những người trưởng bối đúng với tư cách, làm người Tổ tiên đúng tiêu chuẩn mới phải.

Vị nữ giáo viên này cũng không trực tiếp chỉ trích. Nếu anh bật lên thì tôi tắt đi là được. Cho nên làm thầy giáo thì luôn luôn phải nghĩ rằng tất cả lời nói, hành động đều phải là tấm gương tốt để cho học sinh, cho mọi người trong xã hội noi theo. Có rất nhiều thầy giáo nói rằng: “Như vậy tôi làm thầy giáo thì không phải là rất vất vả sao!”. Kỳ thật khi nói ra lời nói này thì anh ấy vẫn chưa thực sự đi thực hành lời giáo huấn của Thánh Hiền. Nếu như anh ấy thật sự đi thực hành thì anh ấy tuyệt đối sẽ không nói như vậy. Bởi vì lời giáo huấn của Thánh Hiền nhằm để cho các vị có được cuộc sống tốt đẹp.

Các vị nói ngồi thì phải cho ra dáng ngồi. Nhưng vừa thấy ghế sa-lông thì liền nằm xuống, mà phải lệch sang một bên mới thích! Như vậy cũng chỉ là thoải mái trước mắt nhưng sau này sẽ đau khổ dài lâu. Thời nay bệnh nhiều nhất là bệnh xương, đau xương, cong sống lưng. Các vị chỉ thoải mái một lúc, khi sống lưng bị cong, đến lúc đó lại phải nhờ người lấy chân dẫm đạp, dùng tay mà xoa ấn. Đến lúc đó thì các vị sẽ phải kêu khổ thấu trời. Cho nên, khi các vị chân thật sống cuộc sống theo những phép tắc này thì các vị sẽ rất khỏe mạnh, sẽ cảm thấy cuộc sống rất thoải mái. Khi thái độ cung kính này của các vị đã nội hóa, thì khi thực hiện các vị sẽ cảm thấy thoải mái, tự tại, không một chút làm bộ, làm tịch. Hơn nữa khi các vị không làm như vậy, quen thói tùy tiện rồi thì đến lúc lại sợ có sai lầm. Đến lúc đó các vị tuyệt đối sẽ hao tổn càng nhiều sức lực hơn.

Bởi vì con người thiếu hiểu biết cho nên thường xảy ra những hiểu lầm này. Và cũng phải dựa vào sự biểu diễn xuất sắc của chúng ta để cho họ thấy rằng những người học sách Thánh Hiền thì đều có vẻ mặt tươi cười, rạng rỡ, sau nữa là sống chung với người khác cũng rất hòa đồng. Các vị không nên học Kinh điển của Thánh Hiền mà học đến cuối cùng thì đều là một vẻ mặt khổ sở. Như vậy thì người ta sẽ không dám học nữa. Cho nên chúng ta là những chiêu bài của Khổng Phu Tử, là chiêu bài của Thánh nhân thì phải thường xuyên đánh bóng nó. Chúng ta luôn luôn có thái độ “cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” để trưởng dưỡng đạo đức, học vấn của mình, cũng luôn luôn nguyện ước phải lấy thân mình làm gương để cho người khác noi theo tấm lòng tôn kính, tấm lòng nhân từ. Cho nên được gọi là: “Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu. Trưởng giả trên, ấu giả hậu” (Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau)

9.3. Trưởng hô nhân, tức đại khiếu, nhân bất tại, kỷ tức đáo (Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay)

Thời ngày xưa gia đình đều là một đại gia đình. Khi có khách tới, có thể là họ tìm ông nội hoặc muốn gặp người bác. Người khách đến nhà thì không thể đến ngay phòng của các vị để tìm người. Như vậy là không phù hợp với lễ nghĩa. Cho nên chúng ta là hậu bối, gặp người trưởng bối hoặc gặp khách đến thì phải chủ động hỏi: “Xin hỏi chú gặp ai ạ?”. Nếu như họ cần gặp người bác thì người bạn nhỏ này phải “tức đại khiếu” (liền gọi thay), lập tức chạy đi tìm người bác của nó, phải nhanh chóng, không thể thất lễ với khách, để người ta phải đợi nửa ngày là không tốt. Nếu như người bác không có nhà, “nhân bất tại, kỷ tức đáo(người không có, mình làm thay) thì phải quay lại nói với khách: “Bác của cháu không có ở nhà. Xin hỏi chú có việc gì không ạ?”. Bởi vì rất có thể người ta ở nơi rất xa đến, cho nên mới nói: “Không có việc thì không lên điện Tam Bảo”. Người ta đến tìm thì tất nhiên phải có việc. Cho nên chúng ta cũng nên hỏi: “Xin hỏi bác có việc gì không ạ? Có gì cháu có thể chuyển lời lại được không?

Khi một đứa bé từ nhỏ đã ứng xử được như vậy, sau này nếu nhờ chúng làm việc thì các vị sẽ rất yên tâm. Cho nên chớ có xem thường những lễ nghĩa như vậy. Nó thể hiện rằng khi trẻ nhỏ đối mặt với một sự việc thì nhất định sẽ xử lý đến nơi, đến chốn. Đó được gọi là thái độ có đầu, có đuôi. Khi con cái như vậy thì trong lòng chúng sẽ không dễ gì mà nôn nóng, sốt ruột. Cho nên, phải thông qua lễ nghĩa trong cuộc sống này để trưởng dưỡng sự tu dưỡng của bọn trẻ.

[18] Bắt đầu Tập 18


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!