Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

Tập 31:  Rèn luyện kỹ năng nói chuyện và phong thái trang nghiêm của trẻ nhỏ, phòng tránh điều thị phi trong tập thể như thế nào?

20.3. Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thố  (Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai)

20.4. Phàm đạo tự, trọng thả thư. Vật cấp tật, vật mô hồ (Phàm nói chuyện, nói trọng điểm. Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ)

20.5. Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản. Bất quan kỷ, mạc nhàn quản (Kia nói phải, đây nói quấy. Không liên quan, chớ để ý)

21. KIẾN NHÂN THIỆN, TỨC TƯ TỀ. TUNG KHỨ VIỄN, DĨ TIỆM TÊ. KIẾN NHÂN ÁC, TỨC NỘI TỈNH. HỮU TẮC CẢI, VÔ GIA CẢNH.

21.1. Kiến nhân thiện, tức tư tề. Tung khứ viễn, dĩ tiệm tê (Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp)

 

20.3. Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thố (Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai) – tiếp theo

[31]Chúng ta đã tiến vào nội dung của chương thứ tư, đó là chữ “tín”. Chúng ta cũng đã nói đến trong năm quan hệ ngũ luân giữa con người với con người với nhau cũng cần phải giữ chữ “tín”, cũng phải cùng nhau duy trì tín nghĩa. Có đạo nghĩa thì quan hệ giữa con người với con người mới được hòa thuận vui vẻ, mới được toàn vẹn.

Chúng ta đã nhắc đến vấn đề về chữ “tín”, và cũng đặt ra câu hỏi: Thương trường có cần phải giữ chữ “tín” hay không? Rất cần giữ chữ “tín”. Nhưng lại có một câu nói rằng: “Không gian xảo không trở thành con buôn”. Cho nên thời nay có rất nhiều quan niệm có vẻ như là đúng nhưng lại là sai. Chân thật là chúng ta phải phán đoán cho được. Ví dụ như có một câu nói rằng: “Nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt(Người mà không vì mình thì trời tru, đất diệt). Câu nói này là của ai? Không biết của ai. Xin hỏi: Tại sao người ta lại nói ra câu đó? Quá là ích kỷ! Đây có thể là tự mình tìm lối thoát cho mình. Thái độ này thật là không tốt!

Cho nên chúng ta cũng phải suy nghĩ rằng một lời nói có thể sẽ làm cho người khác có quan niệm sai lệch đi. Chúng ta nhất định phải cẩn thận về lời nói, hành vi của mình. Khi chúng ta chưa nhận định được rằng lời nói của chúng ta có chính xác hay không, thì tuyệt đối không được nói lung tung. Đó chính là “Trí vị đích, vật khinh truyền(Thấy chưa thật, chớ nói bừa).

Đối với thương trường, tôi cũng từng nghe có phụ huynh nói rằng: “Các thầy giáo dục bọn trẻ thật thà, thành thật như vậy, sau này chúng đi vào thương trường thì sẽ ra sao?”. Chúng tôi đã nói với họ rằng: “Vậy thì con cái của các vị nhất định sẽ là Tổng Giám đốc. Nếu như mọi người đều không giữ chữ “tín”, chỉ có một mình con cái của các vị biết giữ chữ “tín”, vậy thì người ta sẽ hợp tác làm ăn với ai? Đương nhiên là hợp tác làm ăn với người biết giữ chữ “tín” rồi”. Cho nên câu nói: “Không gian xảo không trở thành con buôn” là sai. Họ có thể đi lừa được một lần, hai lần chứ không thể lừa được mãi.

Cho nên mới nói: “Nhật cửu kiến nhân tâm” (Ở lâu mới biết lòng người có nhân). Hơn nữa khi họ dùng những thủ đoạn gian xảo, thì cho dù họ có lừa được những việc làm ăn buôn bán, nhưng thực ra là họ đã bi mất phúc đức của mình. Có thể họ còn rất đắc ý: “Các vị xem! Tôi kiếm được nhiều tiền như vậy!”. Nhưng họ đâu biết số tiền đó thực ra đã có sẵn trong mệnh của họ, chỉ bởi họ dùng sai phương pháp cho nên đã làm giảm mất phúc đức đáng có của mình. Bởi vậy “Tiểu nhân bị thiệt thòi mới là tiểu nhân”. Cho nên giữa con người với con người cần có chữ “tín”. Cho dù ở chính phủ, ở thương trường hay ở bất cứ đoàn thể nào cũng cần phải để cho người khác tin tưởng mình. Như vậy mới là thái độ làm người đúng đắn.

Chúng ta cũng đã nhắc đến đối với những yêu cầu của trẻ nhỏ, hợp lý thì chúng ta đồng ý, nếu không hợp lý thì các vị nhất định phải kiên quyết từ chối. Nếu chúng muốn gì các vị cũng đáp ứng thì sẽ tạo cho chúng sự tham lam, thói quen xa hoa, phung phí. Như vậy thì rất nguy hiểm. Cho nên ở điểm này thì không nên “khinh nặc(hứa hẹn một cách khinh suất). Khi chúng ta phát hiện con cái có hiện tượng hứa hẹn một cách khinh suất thì chúng ta cũng phải hướng dẫn chúng, chỉ bảo chúng kịp thời. Chúng ta cũng đã nhắc đến khi trẻ nhỏ hứa với người khác thì đầu tiên nhất định phải suy xét xem mình có đủ năng lực để làm không, tiếp nữa là xem có phù hợp với nội quy, quy định của trường, lớp hay không, và còn phải phù hợp với quy định của luật pháp nữa. Những điều này cũng phải xây dựng cho trẻ nhỏ từ khi còn bé thì chúng mới không hứa một cách khinh suất.

Vậy chúng ta là những người đã trưởng thành thì nhất quyết không thể hứa một cách khinh suất được. Cho nên khi người khác có việc cần nhờ các vị, ví dụ như họ có việc gấp, có một số việc gấp cần nhờ đến các vị, các vị cũng cần phải bình tĩnh để nghe cho rõ ràng sự việc. Có lúc do gấp quá, sự gấp gáp làm cho lòng họ rối loạn. Rất có thể các vị đã hứa với họ rồi, nhưng đến khi thực hiện thì sự việc lại không như các vị tưởng tượng. Ví dụ như họ chỉ nói phiến diện, các vị lại không bình tĩnh để nghe, rất có thể hứa sẽ làm cho họ, nhưng sau đó thì sự việc lại không giống như các vị dự tính thì các vị rất khó để mà xử lý.

Cho nên việc có gấp thì cũng phải từ từ để giải quyết. Hơn nữa, dù đối phương có nhờ các vị giúp đỡ, thậm chí là cùng với các vị giải quyết sự việc, thì các vị cũng nên suy xét: Thứ nhất, năng lực của họ có đủ không? Thứ hai, năng lực của các vị có đủ không? Và còn cần phải xem nhân duyên của sự việc này đã đúng lúc chưa. Nếu như chưa đúng lúc mà các vị lại nhận lời một cách khinh suất, thì đến khi đó các vị làm cũng không phải mà không làm cũng không được. Đến lúc đó thì thật là khó xử, có thể còn xảy ra những hiểu nhầm. Đáng lẽ các vị có lòng tốt nhưng đến cuối cùng thì rất khó để mà thu dọn. Cho nên chúng ta có thiện tâm rồi còn cần phải dùng lý trí để phán đoán mới được. Bởi vậy mới nói: “Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thố(Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai).

 

20.4. Phàm đạo tự, trọng thả thư. Vật cấp tật, vật mô hồ (Phàm nói chuyện, nói trọng điểm. Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ)

Giữa con người với con người chúng ta khi nói chuyện với nhau có ảnh hưởng lẫn nhau rất nhiều. Cho nên chúng ta rất cần phải học cách nói chuyện. Vậy thì các vị đã học cách nói chuyện chưa? Các vị có muốn lên đây thử không? Rèn luyện nhiều mới tốt. Cho nên nói chuyện phải được rèn luyện từ nhỏ. Tôi thì không được rèn luyện từ nhỏ. Bởi vì thủa nhỏ ít có tài năng, cho nên từ trước tới giờ tôi đều không được tham gia những cuộc thi biểu diễn hay những cuộc thi đọc theo phong cách diễn cảm. Đối với tôi mà nói thì hình như không có duyên với những cuộc thi này. Và kết quả khi vào đại học tôi mới bắt đầu học cách mở rộng tấm lòng. Mà thời đó có học cũng chỉ học một số kiến thức về sức khỏe, vì cảm thấy sức khỏe rất quan trọng đối với đời sống con người.

Ở gần trường của tôi có một tiệm hồng trà, tôi thường tìm mấy người sinh viên lớp dưới và nói với họ: “Các bạn có muốn nghe tôi thuyết giảng không?”. Sau đó tôi hẹn họ đến tiệm hồng trà và bắt đầu thuyết giảng với họ về nhiều chủ đề, ví dụ chủ đề “Sự quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người”, hoặc chủ đề “Sự quan trọng của quan hệ xã giao đối với con người”. Tôi bắt đầu luyện tập với hai, ba người. Sau này khi đến Hải Khẩu, cô giáo Dương cũng dặn tôi rằng khi có cơ hội thì hai, ba người cũng nên thuyết giảng. Vậy nên tôi cũng nghe theo lời căn dặn của cô, liên tục hơn một trăm lần diễn giảng, cứ như vậy mà giảng. Sau này khi đã diễn giảng được hơn một trăm lần thì tôi lại đi Thẩm Quyến. Kết quả trong khoảng nửa năm thì tôi đã diễn giảng được hai, ba trăm lần. Sau đó gần đây vào tháng bẩy, chúng tôi bắt đầu tổ chức những buổi diễn giảng có tính toàn quốc, và cứ thế rèn luyện như vậy.

Cho nên nói chuyện cũng cần phải “vật uý nan(không sợ khó). Nói nhiều tự nhiên sẽ thuần thục. Nhưng khi nói chuyện cũng cần phải xem cái ý của mình là gì, quan trọng nhất là phải có ích lợi cho người khác. Nếu không sẽ trở thành: “thoại thuyết đa, bất như thiểu” (nói nhiều không bằng ít nói).

Chúng tôi đã tổ chức diễn thuyết ở nhiều nơi. Các thầy giáo của trung tâm chúng tôi cũng thường xuyên để cho bọn trẻ có cơ hội lên bục giảng, không chỉ rèn luyện cách nói chuyện mà còn rèn luyện sự uy nghiêm của chúng, cần phải “bộ thung dung, lập đoan chính. Ấp thâm viên, bái cung kính(Đi thong thả, đứng ngay thẳng. Chào cúi sâu, lạy cung kính).

Cho nên khi trẻ nhỏ lên trên bục diễn giảng, chúng tự mình giới thiệu, sau đó nói tuần trước ở nhà chúng đã làm được những việc hiếu thuận với cha mẹ như thế nào. Bởi khi một người tự nói ra những việc tốt mà họ đã làm thì có thể sẽ khiến cho người khác “kiến nhân thiện, tức tư tề(thấy người tốt, nên sửa mình).

Quý vị thân mến! “Đệ Tử Quy” là ở trong sinh hoạt của cuộc sống, luôn luôn có thể áp dụng được. Cho nên khi trẻ nhỏ đứng lên trên bục thì đầu tiên phải cúi đầu lạy chào, sau đó tự mình giới thiệu: “Tôi tên là gì gì đó. Năm nay tôi bao nhiêu tuổi”. Lúc này các vị có thể nhìn thấy chúng có lúc tay còn không kiềm chế được và sẽ run như thế này và có lúc miệng nói không rõ ràng. Khi bọn trẻ nói không rõ ràng thì các vị phải cho chúng có thời gian. “Nào! Làm tiếp một lần nữa”. Từng lần, từng lần một cho chúng rèn luyện, rèn đến khi chúng biết mới thôi. Như vậy thì lòng can đảm và sự hiểu biết đều được rèn luyện.

Âm điệu khi nói phải “vật cấp tật, vật mơ hồ(chớ nói nhanh, chớ mơ hồ). Phần trước trong “Đệ Tử Quy” có nói rất nhiều đến thái độ và phương pháp nói chuyện. Ví dụ như, âm điệu nên vừa phải, không nên nói to quá cũng không được nói nhỏ quá: “Tôn trưởng tiền, thanh yếu đê. Đê bất văn, khước phi nghi” (Trước người lớn, phải nói nhỏ. Nhỏ không nghe, không đúng phép). Còn nữa, khi nói chuyện với người khác thì mắt phải nhìn vào đối phương để tỏ lòng kính trọng: “Vấn khởi đối, thị vật di” (Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng). Đây là những chi tiết bé nhỏ, nhưng các vị cũng cần phải bớt chút thời gian để chú ý, để rèn luyện, đến ba, bốn tuần lễ sau thì tự nhiên sẽ đi vào nề nếp, quy củ.

Ở chỗ chúng tôi có một cô bé có khuynh hướng sống nhiều về nội tâm, nhưng chúng tôi cũng để cho cô bé này luyện tập. Sau này khi qua mấy tháng, cô bé có khuynh hướng sống nội tâm này đi tham gia cuộc thi diễn thuyết và cũng nhận được giải thưởng. Cho nên mẹ của cô bé rất vui. Vậy thì nếu như con cái của các vị không dám nói chuyện, các vị ở nhà cũng có thể xử lý được. Người cha làm mẫu trước để con cái rèn luyện theo thì chúng nhất định sẽ rất vui. Bọn trẻ muốn các vị làm và chúng cũng làm, như vậy thì chúng sẽ tâm phục, khẩu phục.

Ngoài việc phải rèn luyện cho con cái biết cách nói chuyện ra, khi giao tiếp với người khác chúng ta cũng cần phải luôn luôn xem lại xem lời nói của mình có nhanh quá không. Nếu như nói nhanh quá, người khác nghe sẽ rất vất vả. Nếu như người nghe lại bị bệnh tim thì càng nguy hiểm hơn. Có rất nhiều vị bạn hữu nói: “Tôi nói chậm lắm rồi!”. Nói như vậy có được không? Không được dựa theo tiêu chuẩn của mình, mà phải dựa theo tiêu chuẩn: “Người ta có tiếp thu được hay không?”. Hơn nữa, mục đích của nói chuyện đương nhiên là để cho người khác nghe chứ không phải bởi vì mình thích nói.

Ví dụ như, chúng ta nói chuyện điện thoại với đồng nghiệp, với cấp trên, có thể đề cập đến những việc của công ty nhưng cấp trên lại nói nhanh quá, các vị nghe không rõ, có thể phải xử lý một việc gì đó. Lúc này thì phải làm sao? Lúc này chúng ta có thể nói với người cấp trên. Nếu như không quen thuộc lắm thì không nên trực tiếp nói thẳng: “Sao ông nói nhanh vậy!”. Chúng ta có thể lùi một bước để hỏi lại một lần lời nói của cấp trên: “Xin hỏi, vừa rồi có phải ông nói như vậy, như vậy không?”. Chúng ta đem lời họ vừa nói nhắc lại một lần cho họ nghe. Nếu các vị nghe nhầm thì họ sẽ lập tức nhắc lại câu mà họ vừa nói cho các vị nghe. Nếu các vị cứ miễn cưỡng mà nghe, đến lúc có sự sai lệch thì cấp trên cũng không cảm thấy rằng bởi do họ nói quá nhanh, mà nhất định họ sẽ nói các vị làm việc không tốt.

Cho nên chúng ta phải có một thói quen, cho dù ai giao cho ta việc gì, trước khi cúp điện thoại chúng ta phải nhắc lại một lượt cho họ nghe, như vậy mới không bị sơ sót. Luôn luôn do một câu hiểu sai mà cả một sự việc có thể sẽ phải làm lại từ đầu. Mà cuộc đời của một con người thì: “Nhất thốn quang âm nhất thốn kim(thời gian là vàng, là bạc), nên chúng ta quyết không thể vì sơ suất một câu nói mà làm tổn thất thời gian của bao nhiêu người. Như vậy là không tốt. Cho nên chúng ta cũng phải cẩn thận khi đối xử.

Vừa rồi chúng ta có nhắc đến việc phải xác nhận lại câu nói một lượt, và cũng nên để cho bọn trẻ có được thói quen này ngay từ khi còn nhỏ. Tin rằng ngay từ nhỏ trẻ nhỏ đã có thói quen này thì khi thầy giáo có giao cho chúng làm việc gì chúng cũng sẽ hỏi: “Ý của thầy có phải như vậy, như vậy không?”. Tôi tin rằng những người thầy giáo này, những người trưởng bối này khi thấy trẻ nhỏ biết cư xử như vậy thì nhất định sẽ rất vui vì chúng rất đáng được tin tưởng.

***********

20.5. Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản. Bất quan kỷ, mạc nhàn quản (Kia nói phải, đây nói quấy. Không liên quan, chớ để ý)

Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản (Kia nói phải, đây nói quấy) ý là nói này, nói nọ. Tại sao giữa con người với con người có việc nói này, nói nọ như vậy? Mục đích của họ ở đâu? Tục ngữ có nói: “Người nói chuyện thị phi là người thị phi”. Hơn nữa con người thường có một thói quen là họ sẽ ép chúng ta theo phe một bên nào đó: “Các vị theo phe chúng tôi hay là theo phe bên kia?”. Có khuynh hướng như vậy không? Vậy thì chúng ta không theo phe nào cả.

“Bất quan kỷ, mạc nhàn quản” (Không liên quan, chớ để ý) ý muốn nói là không phải việc của mình thì không xen vào, và phải nhanh chóng rời xa nơi thị phi. Bởi người đến nói chuyện thị phi nhất định họ sẽ có mục đích: Một là lôi kéo các vị, hai là muốn bôi nhọ người khác. Chỉ cần có thị phi thì sẽ có sự tổn thương đối với đoàn thể. Vậy thì chúng ta tuyệt đối sẽ không được vui khi tình trạng này xảy ra. Cho nên muốn người khác noi theo thì chúng ta không nên làm những chuyện thị phi. Chúng ta phải đi đúng hướng, phải hòa nhã với mọi người, luôn luôn bao dung.

Khi các vị không đứng về phía bên nào trong đoàn thể mà đứng ở giữa, cái vị trí này rất quan trọng. Tại sao ư? Bởi vì cả hai phía tất nhiên đều có sự thiên lệch. Khi mỗi một người có sự thiên lệch, đến khi thái quá thì trong lòng họ có cảm thấy là mình sai lầm không? Lâu dần họ cũng sẽ cảm thấy họ bị sai lầm, hoặc là trong lòng muốn tìm người khác để đàm luận. Ví dụ như có một vị cấp trên làm một việc gì đó và đã làm sai. Có người sẽ phê bình vị cấp trên này nhưng có người lại cứ bao che. Có tình trạng này xảy ra không? Vậy là hai phe tranh cãi đến nỗi không thể chấm dứt. Lúc này chúng ta đứng ở giữa tất sẽ hữu dụng. Phải nói làm sao? Những người bao che cho cấp trên có phải là thật sự yêu mến cấp trên không? Đó là làm việc bằng tình cảm. Các vị càng bao che cho họ thì có thể họ sẽ càng không nhìn ra được cái lỗi lầm lần này của họ ở đâu, có thể họ còn theo các vị để tranh đấu với phe bên kia. Vậy thì họ càng ngày càng mất đi lòng tin tưởng của người khác. Động cơ của các vị đáng lẽ là muốn tốt cho họ nhưng cuối cùng thì lại làm hại họ.

Cho nên về bên bao che thì lâu dần họ cũng sẽ nghĩ lại. Lúc này chúng ta cũng nên hướng dẫn họ rằng chân thật muốn cấp trên tốt thì tuyệt đối không được bao che. Các vị phải luôn luôn nói như vậy. Bởi vì dù sao họ cũng theo cấp trên một khoảng thời gian, có thể họ cũng sẽ nghĩ lại và nói: “Đúng! Đúng rồi!”. Trước đây, chúng ta có khuyên nhủ họ nhưng họ không nghe. Sau này chúng ta có thể tiến thêm một bước nói với họ rằng: “Nếu các vị thường xuyên có thể chỉ ra được khuyết điểm của cấp trên, cấp trên sau khi tự mình đi kiểm nghiệm họ sẽ càng ngày càng tín nhiệm đối với các vị. Cho nên việc cần khuyên thì tuyệt đối không thể chỉ vì một, hai lần khuyên can cấp trên không nghe mà các vị lại không khuyên can nữa. “Nhật cửu kiến nhân tâm(ở lâu mới biết lòng người có nhân), cấp trên từ từ sẽ có thể sửa lại”.

Còn với phe bên kia thì: “Công nhân chi ác vô thái nghiêm, đang tư kỳ kham thụ(công kích cái xấu của người khác cũng không được quá đáng, phải nghĩ xem người ta chịu được đến đâu). Khi người khác có lỗi lầm thì cũng không nên quá nghiêm khắc. Các vị phải xem người ta có chịu được không. Hơn nữa, trên thực tế có rất nhiều chuyện các vị không phải người trong cuộc, không biết chừng khi chúng ta làm thì cũng phạm phải sai lầm tương tự như họ vậy. Cho nên chúng ta cũng phải khoan dung để đối xử. Khi mọi người mắng họ quá đáng quá, thì thật ra trong lòng họ cũng cảm thấy không yên. Nhưng khi chúng ta không tranh chấp bằng lời nói thì bản thân họ cũng sẽ có một sức mạnh để kiềm chế. Cho nên cũng có lúc họ sẽ nói: “Sao các vị lại có tu dưỡng đến vậy! Chúng tôi cũng nên kiểm điểm lại một chút”.

Cho nên ở trong đoàn thể chỉ cần chúng ta có thể không làm ra những điều thị phi, có thể tận tâm, tận lực làm tròn bổn phận, không đi tranh chấp những việc thuộc về tình cảm, thì luôn luôn có thể có tác dụng đúng đắn đối với đoàn thể. Cho nên chúng ta không nên xem thường sức mạnh của bất kỳ cá nhân nào của chúng ta. Đây là nói đến: “Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản. Bất quan kỷ, mạc nhàn quản” (Kia nói phải, đây nói quấy. Không liên quan, chớ để ý).

Ý của câu “Mạc nhàn quản” (chớ để ý) ở đây là nói không nên xen vào những chuyện thị phi. Nhưng nếu như là việc quan trọng của công ty thì chúng ta cũng phải tích cực tham gia mới phải. Hơn nữa trong lúc tham gia, chúng ta hy vọng rằng phải làm tốt sự việc, cho nên trong lúc này những điều cần nói thì phải nói. Các vị không thể khi thấy có vấn đề thì lại không chịu nói ngay lập tức, sau này khi sự việc thất bại rồi thì mới nói vuốt đuôi, như vậy rất là không thích đáng. Cho nên khi đang họp bàn, khi cần có quyết sách, chúng ta nhằm vào sự việc chứ không nhằm vào ai. Những chỗ nào làm chưa thích đáng thì chúng ta cũng cần chỉ ra, chứ tuyệt đối không phải có thành kiến đối với người này, hoặc đối với vị đồng nghiệp kia. Khi đã thảo luận xong sự việc, đã quyết định xong, khi bước ra khỏi cửa phòng họp thì chúng ta vẫn là những người đồng nghiệp tốt của nhau, có món gì ngon tuyệt đối cũng không thiếu phần của họ. Thế nên nếu như trong lòng các vị cảm thấy là lạ, vậy thì cũng sẽ khiến cho họ cảm thấy là lạ, đáng lẽ không có việc gì, nhưng sự việc càng ngày lại càng to ra. Cho nên chúng ta cũng phải duy trì tấm lòng chân thành để đối mặt với bất kỳ một người nào.

 21. KIẾN NHÂN THIỆN, TỨC TƯ TỀ. TUNG KHỨ VIỄN, DĨ TIỆM TÊ. KIẾN NHÂN ÁC, TỨC NỘI TỈNH. HỮU TẮC CẢI, VÔ GIA CẢNH.

Thấy người tốt, nên sửa mình

Dù còn xa, cũng dần kịp.

Thấy người xấu, tự kiểm điểm

Có thì sửa, không cảnh giác.

**********

21.1. Kiến nhân thiện, tức tư tề. Tung khứ viễn, dĩ tiệm tê (Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp)

Nhìn thấy những việc thiện chúng ta phải chủ động học tập, thậm chí chủ động đi giúp đỡ. Vậy thì cái gì là thiện cũng cần chúng ta phán đoán.

Quý vị thân mến! Cái gì mới được coi là thiện? “Lợi ích cho người khác là thiện.”. Đây là câu trả lời rất đúng. Tiếp theo còn gì nữa không? Chúng ta cũng phải có tiêu chuẩn về điều thiện. “Đệ Tử Quy” chính là một tiêu chuẩn. Cho nên trong sinh hoạt của chúng ta, các vị cũng lĩnh hội được những điều giáo huấn không xa lìa với “Đệ Tử Quy”.

Trong quyển sách “Liễu Phàm Tứ Huấn”, sự phán đoán về cái thiện được giảng giải cũng rất thấu triệt. Chúng ta có thời gian thì nên xem quyển sách này. Trong đó có nói đến việc đánh người, mắng người có phải là điều thiện không? Có phải không? Sao các vị phải suy nghĩ nhiều như vậy? Đến lúc có việc, các vị lại ngồi đó suy nghĩ đến nửa ngày cũng không xong thì sự việc cũng trôi qua rồi mà vẫn còn chưa biết là thiện hay là ác. Đánh người, mắng người không nhất định là thiện.Cho nên chúng ta phải xem xét từ căn bản. Bởi sự việc này có thật có giả, có thị có phi, có lệch lạc và có chính xác, có một nửa và có viên mãn, có to có nhỏ, có khó có dễ, có ngay thẳng có cong lệch. Học tập quan trọng nhất là phải có thái độ chủ động, không thể đợi người khác nói. Cho nên chúng ta về nhà cũng có bài về nhà, đó là đi nghiên cứu đạo lý trong quyển sách “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các vị, tuyệt đối sẽ giúp ích rất to lớn đối với gia đình của các vị. Hơn nữa quyển sách này lại được Thiên Hoàng của Nhật Bản coi nó là báu vật trị quốc. Cho nên đối với một đất nước mà nói, nó cũng rất có ích.

Tôi thường lấy một ví dụ, tôi nói: Đời người như một bàn cờ, mà quy tắc để đi những nước cờ này như thế nào cho tốt thì chính là quyển sách “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Như thế nào là phương pháp lập mệnh? Như thế nào là phương pháp: “Mệnh tự ngã lập, phúc tự ngã cầu? Có cả lý thuyết lẫn thực hành, bởi vì bên trong cũng có rất nhiều sự việc lấy làm ví dụ thực hành. Cho nên, khi các vị thực sự hiểu được quy củ, phép tắc, cho dù hiện tại nước cờ của các vị không dễ đi, tin rằng cuộc đời sau này của các vị cũng sẽ vô cùng sinh động. Đây mới là sức lực và trí tuệ của cuộc sống. Cuộc sống không nên cầu có những nước cờ tốt để các vị đi, nước cờ tốt luôn luôn sẽ làm cho con người cảm thấy an nhàn và bắt đầu phóng túng. Cho nên kết cục của cuộc đời là phải xem tài nghệ chơi cờ của các vị, xem trí tuệ nhân sinh của các vị.

Nói đến thật và giả, có rất nhiều học giả đã đi hỏi Hòa Thượng Trung Phong rằng: “Đánh người, mắng người có phải là ác không?”. Hòa Thượng Trung Phong trả lời: “Không phải vậy!”. Tiếp theo lại hỏi: “Vậy thì cung kính với người khác, rất lễ phép có phải là thiện?”. Hòa Thượng Trung Phong lại nói: “Cũng không nhất định như vậy!”. Cho nên những học giả này đã bị lời nói của Hòa Thượng làm cho hồ đồ. Cũng rất tốt, bởi những vị học giả này còn biết khiêm tốn để thỉnh giáo Hòa Thượng Trung Phong. Hòa thượng Trung Phong nói: “Nếu như họ đánh người, mắng người là bởi vì muốn làm thức tỉnh người đó, một cái tát làm người khác tỉnh lại thì đây là ý đồ tốt, làm lợi ích cho người khác. Cho nên đây là thiện”.

Cho nên, cái tát đó của các vị đánh họ thì phải xác định sẽ làm họ tỉnh lại. Nếu như không thể tỉnh lại thì không nên đánh vì như vậy sẽ kết oán thù. Cho nên học vấn thì phải học sao cho linh hoạt, phải xem thời cơ mà hành động. Nếu không, có thể chúng ta mới chỉ học có một, hai tháng, có thể còn có rất nhiều chướng ngại thì các vị sẽ nói rằng: “Lời nói của Khổng Phu Tử không chính xác. Lời nói của thầy Thái không chính xác”.

Tôi có một người bạn rất thân. Lúc đó tâm tình của anh ấy không được tốt, gặp rất nhiều chuyện không thuận lợi. Bởi vì anh ấy cũng đã cố gắng hành thiện trong một khoảng thời gian dài, nhưng kết quả trong vận mệnh của anh ấy vẫn xuất hiện rất nhiều việc bế tắc. Hôm đó trong lúc tôi nói chuyện với anh ấy, thấy anh ấy không ngừng oán trời, trách đất, hận người, oán hận đến cả tiếng đồng hồ. Đợi cho anh ấy nói xong thì tôi cũng liên tiếp đáp lễ lại anh ấy bởi anh ấy có rất nhiều vấn đề chưa thông suốt.

Thực ra khi chúng ta hành thiện mà còn có sự mong cầu thì tấm lòng này đã không thuần khiết. Cho nên cái phúc phần có được cũng có hạn. Sau đó tôi tiến thêm một bước chỉ dẫn cho anh ấy rằng những kết quả này là bởi trước đây anh có quá nhiều cái nhân lầm lỗi. Hiện nay chỉ là nó từ từ hiện ra mà thôi. Tôi cũng nói với anh khoảng nửa tiếng đồng hồ. Anh ấy một câu cũng không nói lại, đầu thì cúi xuống.

Sau đó anh ấy về nhà và sáng sớm ngày hôm sau đã gọi điện thoại cho tôi. Sau khi nhận điện thoại, người bạn này của tôi nói rằng anh ấy sống đã hơn ba mươi năm trời, đến ngày hôm qua anh mới nhận được một món quà sinh nhật có ý nghĩa nhất. Tôi ở đầu này của điện thoại cũng cảm thấy áy náy vì hôm qua là sinh nhật của anh ấy mà tôi còn mắng cho anh ấy một trận. Thật là không phải! Khi người bạn này cảm ơn tôi thì tôi thật sự sinh lòng kính trọng đối với anh. Anh quả là không đơn giản chút nào! Đối diện với sự phê bình nghiêm khắc như vậy mà anh còn có thể cảnh tỉnh để kiểm điểm lại chính mình. Tin rằng đã có thái độ như vậy thì anh không còn sợ gì trong cuộc sống nữa. Anh tuyệt đối có thể xoay chuyển từ nghịch cảnh sang cuộc sống thuận lợi.

Cho nên người bạn này của tôi sau đó trong những kỳ thi cử đều rất là thuận lợi. Hiện nay anh đang dạy học trong trường và dạy cũng rất tốt. Hơn nữa anh còn đem rất nhiều kinh nghiệm học được ở lớp học bổ túc ra để giao lưu kinh nghiệm với những bạn học bổ túc ở lớp dưới (những em học sinh lớp sau). Mà cũng do anh vì mọi người cho nên phúc báo đến cũng đặc biệt nhanh. Cho nên các vị phải xác định được rằng khi tát cái tát này thì nhất định phải làm cho họ tỉnh. Và tôi cũng hiểu được rằng anh rất tin tưởng tôi. Anh biết rằng tôi tuyệt đối sẽ không hại anh, tuyệt đối nghĩ cho anh. Vậy thì nếu như tát mà không tỉnh thì có thể sẽ gây thù, chuốc oán, chúng ta phải suy tính cho kỹ càng.

Tiếp đến những học giả cũng nhắc đến rằng lễ phép, cung kính với người khác là thiện. Hòa Thượng Trung Phong liền nói: “Nếu như mục đích của họ là để thăng quan, phát tài, đều là tư dục của bản thân mình, vậy thì cái lễ phép đối với người khác cũng chỉ là giả dối, cho nên cũng không phải là thiện”.

Từ những lời giáo huấn của Hòa Thượng Trung Phong, chúng ta có thể hiểu được phải dựa vào đâu để phán đoán cái thiện thật và cái thiện giả. Đó là dựa vào ý đồ của họ. Nhất niệm ích kỷ, tự tư, tự lợi thì cho dù có lễ phép đến mấy cũng là ác. Nhất niệm lợi ích chúng sinh thì cho dù có đánh chửi người cũng là thiện. Cho nên phải từ ý đồ của họ để phán đoán.

Thứ hai là chúng ta có thể phán đoán từ cái thị và cái phi. Vào thời của Khổng Phu Tử, Khổng Tử có hai học trò. Một người tên là Tử Cống và một người tên là Tử Lộ. Bởi vì Tử Cống là một thương nhân làm ăn buôn bán lớn, cho nên thường xuyên phải đi đến các nước khác để làm ăn. Nước Lỗ có một quy định pháp luật: “Hễ các vị đi đến các nước khác mà thấy người dân nước Lỗ chúng ta bị bắt làm nô lệ cho nước khác, lúc đó các vị có thể bỏ tiền ra chuộc đồng bào của chúng ta về thì triều đình sẽ trả lại tiền chuộc cho các vị”. Quy định này rất tốt vì nó khiến cho nhân dân trong nước yêu quý đồng bào của mình. Tử Cống cũng chuộc được người đưa về, nhưng khi quan phủ trả lại tiền chuộc cho ông, bởi ông có quá nhiều tiền nên ông nói: “Không cần đâu!”, và ông không nhận tiền. Kết quả khi tin tức này loan truyền ra ngoài, mọi người nghe xong đều nói: “Tử Cống thật là thanh cao! Các vị thấy đấy, ngay cả tiền mà ông cũng không nhận”.

Cũng là sự kiện như vậy nhưng khi đến tai Khổng Phu Tử thì Khổng Phu Tử nói với Tử Cống rằng: “Trò làm như vậy là không thích hợp”. Tại sao cách nhìn của Khổng Tử lại khác với cách nhìn của những người dân khác? Khổng Tử liền phân tích cho Tử Cống nghe: “Nước Lỗ chúng ta hiện nay người nghèo chiếm đại đa số, còn người giàu chiếm một con số rất ít. Nếu như hôm nay trò chuộc người mà không cần lấy tiền chuộc, vậy thì những người nghèo khó khi đến các nước khác, nhìn thấy người nước mình bị làm nô lệ, họ sẽ nghĩ rằng:Tử Cống không lấy tiền chuộc. Vậy mà khi mình chuộc người về và lại lấy tiền thì hình như là mình đã kém anh ấy một bậc. Nhưng nếu mình không lấy tiền thì cuộc sống của mình sẽ rất khó khăn”. Cho nên khi cứu người họ sẽ phải đắn đo, lưỡng lự. Nếu như trong một trăm người, có một người chỉ vì lưỡng lự mà không chuộc người về (vì sau lưng người đó còn có gia đình, có thể còn có vợ và con nhỏ), vậy cứ một người không được chuộc về là chúng ta có lỗi. Cho nên Khổng Tử nói với Tử Cống rằng: “Trò làm như vậy sẽ xảy ra tệ nạn. Cái tệ nạn này sẽ có ảnh hưởng không tốt về sau, có thể có người vì điều này mà không thể trở về Tổ quốc của mình”.

Ngoài ra còn có một câu chuyện về Tử Lộ. Có một hôm Tử Lộ đi trên đường nhìn thấy một người rơi xuống nước sắp bị chết đuối. Tử Lộ rất là nghĩa hiệp, lập tức đưa tay ra cứu giúp, liền nhảy xuống nước cứu người đó lên. Người này suýt chút nữa thì chết đuối cho nên rất là cảm kích Tử Lộ, vui vui mừng mừng dắt con bò đến tặng cho Tử Lộ rồi nói: “Xin tặng cho ông con bò này!”. Tử Lộ cũng rất hoan hỷ nhận bò rồi dắt đi. Cho nên một số người cảm thấy rằng Tử Cống không nhận tiền chuộc là tốt, còn Tử Lộ làm việc tốt mà lại nhận bò thì hình như là không được tốt cho lắm. Nhưng Khổng Tử khi gặp được Tử Lộ thì liền nói với Tử Lộ rằng: “Trò làm như vậy là đúng, sau này nhất định sẽ có rất nhiều người nhìn thấy người khác gặp nguy hiểm sẽ hăng hái cứu giúp, bởi vì họ sẽ lĩnh hội được rằng: Thiện sẽ có thiện báo”.

Cho nên, Thánh nhân suy xét vấn đề đều từ phương diện rộng lớn chứ không phải chỉ ở một điểm mà thôi. Bởi vậy có những việc tưởng thiện mà không thiện, nên chúng ta phải nghĩ đến sự ảnh hưởng về sau. Cho nên ngay lúc đó thì sự việc tưởng là tốt, nhưng về sau lại có rất nhiều điều nguy hại. Những việc như vậy thì không nên làm. Có những việc khi làm có thể có rất nhiều người không đồng ý, nhưng về sau lại có lợi ích cho rất nhiều người. Những việc như thế chúng ta phải nên làm. Đây là từ vấn đề tệ nạn để suy xét cái thiện. Có sự thiên lệch, có sự thẳng thắn (việc cũng có việc đúng, cũng có việc sai).

Cũng vào thời của họ có một vị Tể Tướng tên là Lã Văn Ý Công. Thời đó ông làm Tể Tướng nhưng sau đó lại từ quan để hồi hương. Ông nổi danh cả nước và được nhân dân rất kính trọng. Trên đường ông về quê có gặp một người uống rượu say nằm ngay giữa đường. Những người tùy tùng của ông lập tức muốn đuổi người say rượu này sang bên đường. Lã Văn Ý Công bởi có lòng nhân hậu cho nên mới nói: “Chúng ta đi vòng sang bên tránh đường là được. Đừng nên chấp với người không có kiến thức như vậy!”.

Kết quả không bao lâu sau thì nghe được một tin là người nằm cản giữa đường ngày ấy đã bị xử tử hình. Lã Văn Ý Công khi nghe được tin này ông liền nghĩ lại: “Khi xưa mình đã sai khi nhường đường cho anh ta!”. Bởi người này biết rõ là có Tể Tướng đi tới, ngay đến Tể Tướng mà anh ta còn dám cản đường thì gan thật là rất to! Sau đó Tể Tướng lại còn phải tránh đường. Cho nên khi gặp người khác anh ta nói gì? “Các vị xem! Ngay Tể Tướng còn phải nhường tôi ba phần”. Vậy nên anh ta không kiêng nể gì ai, càng ngày càng hung hăng càn quấy, cho nên, sau đó mới phạm phải tội bị xử tử. Qua sự việc này Lã Văn Ý Công mới cảnh giác được rằng: “Nếu như ngày xưa mình đưa anh ta đến quan phủ để xử phạt, thì có thể anh ta sẽ có sự cảnh tỉnh mà ngày nay không đến nỗi phạm phải cái tội lớn như vậy!”. Cho nên ông có ý nhân hậu là đúng, nhưng cũng vì nhân nhượng với người say này mà cuối cùng lại có cái kết quả xấu như vậy! Tình trạng này được gọi là “sự thiên lệch trong cái thẳng thắn”.

Ngoài ra còn có câu chuyện kể rằng có một vùng bị thiếu lương thực do một lần bị hạn hán. Có rất nhiều người dân tự ý cướp bóc thực phẩm của những viên ngoại giàu có. Những viên ngoại liền đi báo với quan phủ nhưng kết quả quan phủ lại mặc kệ. Những viên ngoại này rất sợ lương thực của họ bị cướp hết, cho nên mới tổ chức những người nô bộc trong nhà lại và mang gậy gộc đi xử phạt những người dân đã cướp lương thực kia. Những người đi cướp lương thực sợ hãi và sau đó thì không dám làm loạn nữa. Cho nên lúc đầu là bởi những viên ngoại nghĩ đến nguồn lương thực của chính mình, sau đó mới làm cho những người dân kia không dám làm loạn nữa. Cái này được gọi là “sự thiên lệch trong cái thẳng thắn” vì trong lòng chân thật không phải vì xã hội, vì đại chúng, nhưng lại có được ảnh hưởng tốt đến xã hội, đến đại chúng. Cho nên cái thiện cũng có cái thẳng thắn, cái thiên lệch.

Thiện cũng có thiện một nửa, thiện hoàn toàn. Thiện một nửa và thiện hoàn toàn ở bài trước chúng ta cũng có nhắc tới một vị nữ sỹ chỉ cúng dường có hai đồng, nhưng kết quả lại được vị trụ trì đích thân sám hối cho cô ấy. Sau đó khi cô ấy được vào cung, hưởng phú quý và có mang mấy nghìn lượng đến cúng, kết quả chỉ được vị trụ trì cử đồ đệ của mình ra giúp cô hồi hướng công đức. Bởi vì hai đồng cô cúng là toàn tâm, toàn ý, cho nên đây là cái thiện hoàn toàn. Về sau này cô ấy cúng dường tuy nhiều nhưng chỉ là mang một chút trong phần phú quý của mình đến quyên góp. Hơn nữa tâm đã không được cung kính như lần đầu tiên đến. Cho nên đây chỉ là cái thiện một nửa. Tôi cũng từng xem một bài báo, có hai vợ chồng người nông dân già đã quyên góp số tiền tích góp cả đời của họ để mua một chiếc xe cứu thương đi cứu người. Cho nên hai vợ chồng cụ già này đã làm được việc thiện hoàn toàn, toàn tâm, toàn ý.

Thiện cũng có thiện lớn và thiện nhỏ. Có một lần Vệ Trọng Đạt đang ngủ thì bị quỷ tốt dưới âm ty dẫn đến trước mặt Diêm Vương. Vua Diêm Vương mới nói rằng: “Nào! Hãy đem sổ ghi chép những việc làm thiện và ác của anh ta ra đây đem lên cân, cân xem bên nào nặng bên nào nhẹ”. Kết quả khi đem hết sổ ghi chép những điều ác của Vệ Trọng Đạt ra thì có thể chất đầy cả một gian nhà, mà những việc thiện thì chỉ nhỏ như một chiếc đũa. Vệ Trọng Đạt thấy vậy rất là kinh ngạc, ông liền nói với Diêm Vương: “Tôi chưa tới bốn mươi tuổi, làm sao lại có nhiều điều ác như vậy?”. Bản thân ông cũng rất là kinh ngạc. Diêm Vương liền nói với ông rằng: “Chỉ cần ngươi khởi tâm động niệm là ác, là không thiện, thì lập tức cõi âm cũng đã ghi chép lại. Mặc dù là không làm, nhưng trong ý niệm của ngươi luôn luôn là ác niệm,  cho nên mới nhiều như vậy”. Tin rằng Vệ Trọng Đạt nghe xong thì sau đó càng thêm cẩn thận với những ý niệm của mình.

Kết quả khi đem lên cân thì sổ ghi chép việc thiện tuy bé tí tẹo nhưng lại nặng hơn so với một đống sổ ghi chép việc ác. Cho nên bản thân Vệ Trọng Đạt cũng rất kinh ngạc, liền hỏi: “Sự việc này thật ra là thế nào?”. Sau đó mở sổ ra xem, thì ra khi xưa triều đình cho xây dựng công trình rất là rầm rộ. Khi Vua cho xây dựng công trình thì nhân dân rất là khổ cực, phải hao tài, tốn của. Có nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ con li tán, bởi người chồng thường xuyên không ở nhà thì gia đình sẽ khó mà duy trì. Kết quả khi Vệ Trọng Đạt nghe xong thì liền nói: “Tôi có kiến nghị việc này nhưng Hoàng Thượng không chấp nhận. Như vậy sao tính là việc thiện được?”. Diêm Vương liền nói với ông: “Nhất niệm của ngươi là nghĩ đến hàng nghìn, hàng vạn người dân. Cho nên cái thiện này rất lớn”. Là thiện lớn hay nhỏ quan trọng nhất là ở trong tâm niệm của chúng ta. Khi chúng ta đã hiểu được làm sao để phán đoán được cái thiện thì như vậy mới có thể: “Kiến nhân thiện, tức tư tề. Tung khứ viễn, dĩ tiệm tê(Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp.)

Trong quyển sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng đem cái thiện quy nạp thành mười điều:

  • Điều thứ nhất: “Có ý yêu kính”

Có ý yêu kính” này nên làm như thế nào để thực hiện? “Có ý yêu kính” thì trước tiên là yêu kính ai? Cho nên, học “Đệ Tử Quy” có thể làm được điều “Có ý yêu kính” này.

  • Điều thứ hai: “Kính trọng trưởng bối”

Ở nhà kính trọng cha mẹ, ở công ty kính trọng cấp trên. Ví dụ như chúng ta ở trường thì phải kính trọng hiệu trưởng, kính trọng những vị quan chức trong ngành giáo dục. Vậy thì chúng ta cũng phải kính trọng người lãnh đạo trong chính phủ của chúng ta, tuyệt đối không được phê bình trắng trợn. Như thế cũng là không kính trọng đối với nhà lãnh đạo trong chính phủ nhà nước. Cho nên đây là kính trọng trưởng bối.

  • Điều thứ ba: “Cùng với người khác làm việc thiện”

Thực ra điều này chúng ta có thể làm được một cách dễ dàng. Ví dụ các vị đang ở trước cổng trường thì nhìn thấy có một phụ huynh đang nhặt rác để bảo vệ môi trường, chúng ta cũng có thể lập tức làm cùng với họ. Đây là “cùng với người khác làm việc thiện

  • Điều thứ tư: “Khuyên người làm việc thiện”

Khuyên như thế nào? Khi còn học đại học, tôi nghe được một câu nói cảm thấy rất có lý là: “Trong thế giới của người lớn, người ta không nghe các vị nói gì mà người ta sẽ xem các vị làm cái gì”. Bởi vì người lớn thường hay cố chấp, các vị dùng lời để nói chưa chắc đã lay chuyển được họ. Họ cần phải nhìn thấy bằng chứng thực tế. Nếu các vị chỉ nói suông, nhất định họ sẽ nói: “Anh cũng giống tôi thôi, anh có tư cách gì để nói tôi”. Cho nên đại đa số là phải dùng hành động để khuyên, dùng cách “tu thân hành đạo” để cảm hóa.

Vào thời Tam Quốc có một vị danh thần tên là Quản Ninh. Quản Ninh cai trị khu vực của ông cũng rất tốt. Khi trên đường nếu ông nhìn thấy những việc như thấy bò chạy lung tung, dẫm đạp vào ruộng của người ta thì ông lập tức dắt con bò này lại và đợi ở dưới bóng cây, đợi đến khi người chủ của con bò này đến. Vậy khi người chủ của con bò đến thì nhìn thấy vị quan của mình ở đó, và lại nhìn thấy con bò của mình làm ra những việc xấu như vậy thì sẽ rất hổ thẹn. Cho nên Quản Ninh có cần mắng anh ta câu nào không? Có hay không? Không! Nhưng tin rằng người chủ này sẽ hổ thẹn đến nỗi muốn chui xuống đất cho xong. Đây là dùng đức hạnh để cảm hóa.

Thời đó nhân dân của ông cũng thường xuyên phải đi lấy nước, bởi chỉ có một cái giếng cho nên thường xảy ra tranh chấp cãi cọ, xảy ra tranh cướp. Kết quả là Quản Ninh cũng không đi giáo huấn họ, mà tự mình mua rất nhiều thùng rồi sáng sớm đi lấy nước, lấy xong nước rồi thì để ở đó. Kết quả những người dân này khi nhìn thấy vị quan của mình đã giúp mình lấy nước xong thì trong lòng cảm thấy hổ thẹn. Cho nên khuyên người khác cũng cần có trí tuệ cao độ.

[31]Bắt đầu Tập 31

HẾT TẬP 31. Xin đọc tiếp Tập 32 “Đệ tử quy” giảng giải – Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!