Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

45 Điều Tâm Đắc Trong Việc Học Đệ Tử Quy

(Trích từ sách Giáo dục Gia đình của thầy Thái lễ Húc)

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.

  1. Có nhân sinh quan chính xác mới có cuộc đời hành phúc mỹ mãn.
  2. Luân lý đạo đức là cốt lõi của văn hóa, bổn phận làm người là ở hiếu thuận và hành thiện.
  3. Thái độ quyết định trình độ, phong thái quyết định chiều sâu của học vấn. Duy chỉ có thành kính mới có thể nhận được sự chỉ dạy, tâm khiêm tốn thì sẽ được phước, kẻ kiêu ngạo thì gặp thầy giỏi đến đâu cũng không có đất để dụng võ.
  4. Thấy người hiền thì học theo cách dụng tâm nhân nghĩa của họ, lợi người thì sẽ lợi mình, hại người nhất định sẽ hại chính mình.
  5. Việc hoằng dương lời dạy của Thánh Hiền phải do chính mình làm thì mới có thể lợi mình, lợi người.
  6. Kiểm soát được cảm xúc mới có thể kiểm soát được tương lai. Chỉ có mình tự hại mình mà thôi, cho nên không được tùy tiện nóng giận.
  7. Đối với lời dạy của sư trưởng và kinh điển, chỉ nghĩ nên làm thế nào để làm được, chứ không nghĩ đến việc làm không được.
  8. Đời sống hạnh phúc bắt đầu từ tâm cảm ân, từ việc cảm ân mà bắt đầu.
  9. “Hiếu” là bảo bối gia truyền, “Đễ” là cánh cửa tích đức, Hiếu – Đễ là gia phong tốt nhất.
  10. Sanh con dễ, nuôi con khó. Nuôi con dễ, dạy con khó. Trẻ nhỏ không hiếu thuận là việc không nên, chúng ta phải dạy dỗ.
  11. Không để cho cha mẹ ưu tư, lo lắng, đó chính là hiếu thuận.
  12. Thời đại hiện nay, tình cảm gia đình nhạt nhẽo, luân lý đạo đức xã hội dần suy đồi, chúng ta có trách nhiệm một lần nữa thức tỉnh việc xem trọng hiếu đạo của mọi người.
  13. Nếu không hiếu thuận thì cung kính Phật Bồ Tát chỉ là giả, bất hiếu với cha mẹ là tổn phước, đồng thời còn tạo ra tướng bạc phước.
  14. Không có tâm cảm ơn thì yêu thương chỉ là ngắn ngủi tạm thời. Có oán ghét thì từ bi chỉ là thứ giả tạo. Duy chỉ có tình yêu mới hóa giải cừu hận, xoa dịu vết thương.
  15. Duy chỉ có tấm lòng khoan thứ, từ bi, tin tưởng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau mới có thể mang lại hòa bình. Trong thế giới lượng tử thì mọi sự vật đều lưu lại vết tích, hành vi của mỗi người chúng ta đều có sức ảnh hưởng, vì chúng ta đang sống trong thế giới do chính chúng ta sáng tạo nên.
  16. Nếu không có tâm hiếu thì không thể hình thành nên đời sống có ân nghĩa, đạo nghĩa và tình nghĩa. Trọng lợi thì sẽ xem nhẹ đạo nghĩa.
  17. Không nhớ lỗi cũ, không ghét người ác, mọi việc đều lấy đại cục làm trọng.
  18. Điều mình không thích thì đừng đem đến cho người khác. Việc làm không thành công, bị trở ngại thì quay về phản tỉnh lại chính mình.
  19. “Lấy mình làm gương, nghĩ cho người khác” là phương châm hay nhất trong công tác quản lý.
  20. Giáo dục là phương pháp căn bản để giải quyết tai nạn. Biết được, giác ngộ được và làm được thì mới có thể đạt được mục tiêu.
  21. Giáo dục phải cẩn thận từ lúc bắt đầu. Duy chỉ có giáo dục của Thánh Hiền mới thật sự đem lại lợi ích cho con trẻ.
  22. Mục đích của giáo dục là tăng trưởng ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không nuôi lớn dục vọng.
  23. Muốn dạy con cái, trước tiên hãy dạy chính mình. Trong việc dạy dỗ con cái, thân giáo quan trọng hơn giáo dục bằng lời nói (ngôn giáo)
  24. Trong việc dạy con, vợ chồng phải tôn trọng, phối hợp lẫn nhau, việc cộng tác một cách hợp hài hòa vô cùng quan trọng.
  25. Nơi nào có tình thương, nơi đó có gia đình. Vợ chồng chung sống với nhau phải có tình nghĩa, ân nghĩa và đạo nghĩa. Lúc nào cũng nghĩ cho người mình thương, dụng tâm gây dựng cuộc sống gia đình, chính là làm ra tấm gương tốt nhất cho con trẻ.
  26. Đạo vợ chồng là mấu chốt quan trọng của hạnh phúc gia đình, là đầu mối then chốt quan trọng của sự an định của xã hội và quốc gia. Người vợ tốt không phải tìm mà có được, mà dụng tâm yêu thương mà có được.
  27. Quan hệ mẹ chồng và nàng dâu là mối liên kết quan trọng cho sự hài hòa và hưng vượng của một gia đình. Mẹ chồng thương yêu con dâu thì sẽ có thêm một người con gái. Nàng dâu thương yêu mẹ chồng thì sẽ có thêm một người mẹ nữa.
  28. Nuông chìu là hại con, không phải thật sự thương yêu con. Dạy con làm việc nhà là điểm khởi đầu của việc học tập đạo Thánh Hiền.
  29. Không học lễ phép thì không thể thành tựu trong xã hội. Lễ phép là thái độ cơ bản của việc làm người.
  30. Nguyên lý của cát – hung, họa – phước là ở chủ tâm và dụng tâm.
  31. Bí quyết để hóa giải tai nạn chính là hiếu thuận và hành thiện.
  32. Một người có hai con mắt nên tầm nhìn có hạn. Đọc sách chính là dùng con mắt của người khác để chúng ta nhìn được càng cao, càng xa, càng chính xác, càng sinh động hơn.
  33. Cho người khác con đường rút lui, đồng thời cũng luôn luôn cho bản thân cơ hội sống và hy vọng. Cho đi là niềm vui, vì thế khi chính mình có năng lực, hãy nghĩ đến việc giúp đỡ người khác.
  34. Mạnh Tử nói: “Người xưa khi đắc chí mà làm quan thì ban bố ân trạch khắp nhân dân, khi ẩn dật thì bền chí tu thân cho danh tiếng rạng tỏ với đời. Lúc nghèo thì một mình tu dưỡng tâm tính, khi hiển đạt thì đem tài ra giúp cho thiên hạ”. Điều này nói rõ về sứ mạng của phần tử trí thức lúc nghèo cùng cũng như lúc hiển đạt.
  35. Giao tiếp là để hiểu rõ đối phương, chứ không phải để thuyết phục đối phương. Con đường để đi sâu vào lòng người chính là dùng đôi tai “vô ngã” để chăm chú lắng nghe. Điều quan trọng của giao tiếp không phải là nói cái gì, mà là nghe cái gì.
  36. Nhìn thấy khuyết điểm của bản thân phải quyết tâm sửa đổi, thì cuộc đời sẽ có một diện mạo khác. Tất cả mọi việc đều quy về trách nhiệm của chính mình, đây chính là điểm khởi đầu của sự trưởng thành.
  37. Sách “Trung Dung” nói: “Tự thân mình nghiêm trang, chính trực thì chẳng yêu cầu người khác một cách hà khắc. Như vậy sẽ không gây ra oán giận”. Rất nhiều sự oán giận là do chính chúng ta làm không được mà lại yêu cầu người khác làm, nên khiến người không phục là vậy.
  38. Cuộc đời đừng ôm quá nhiều dục vọng. Mỗi ngày lấp đầy dục vọng, đến lúc đêm khuya thanh vắng lại cảm thấy nội tâm vô cùng trống trải.
  39. Dục vọng chưa bao giờ là suối nguồn của hạnh phúc, mà nó là căn nguyên của mọi thống khổ. Bởi vì sau khi đã thỏa mãn dục vọng này lại sinh ra một dục vọng mới, dục vọng vĩnh viễn không có chỗ dừng. Cuộc đời truy cầu dục vọng thì vĩnh viễn chỉ có sự tiếc nuối bất mãn mà thôi.
  40. Con người phải thắp lên ngọn đèn trong tâm của chính mình, thì mới có thể thắp sáng được ngọn đèn trong tâm của người khác. Khéo dùng tài năng thiên phú của chính mình thì mới có thể nâng cao bản thân, giúp đỡ người khác được.
  41. Sám hối không phải là nhắm vào người khác, mà là nhắm vào chính mình, nhắm vào phiền não và tập khí xấu ác của bản thân, dùng lòng quyết tâm của dũng sĩ để tiêu trừ chúng, như vậy mới có thể tiêu nghiệp chướng. Tai ương tiêu rồi thì phước sẽ đến.
  42. Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển. Duy chỉ có thay đổi quan niệm và hành vi của chúng ta, dùng tình yêu và hòa bình làm cơ sở để kiến lập sinh mạng thì người và người mới có thể chung sống hòa bình, con người và tự nhiên mới có thể cùng tồn tại, cùng phát triển.
  43. Khi chúng ta cảm nhận được rằng “nhân loại và chính mình là một thể” thì sẽ thức tỉnh tiềm năng nội tại tốt đẹp đầy tình yêu thương và từ bi của chúng ta, để nó có thể phát huy đến cực điểm.
  44. Khi ta thương yêu người khác chính là thương yêu chính mình. Khi ta cố gắng tìm hiểu, thấu hiểu và giúp đỡ người khác, kỳ thực cũng là đang làm những điều đó đối với chính bản thân mình.
  45. Chúng ta đến thế gian này là để yêu thương mọi người, yêu thương người thân, yêu thương bạn bè và yêu thương vạn vật trong trời đất.

Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!