Tập 18: Học tập lễ nghĩa dùng cơm với người lớn tuổi. Làm thế nào để nuôi dưỡng lòng hiếu kính của trẻ nhỏ?
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
2. Kinh văn: “Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”. (tiếp)
3. Kinh văn: “Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay”.
2. Kinh văn:
“Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu, trưởng giả tiên, ấu giả hậu”.
“Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”.
(Tiếp theo tập trước)
Phần trước chúng ta đã học mục thứ hai là “xuất tắc đễ” và đã học đến: “Anh thương em, em kính anh, anh em thuận, hiếu trong đó”. Tục ngữ có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”. Anh em đồng lòng thì đất đá cũng biến thành vàng. Quả thật không khí trong gia đình mà hòa thuận, vui vẻ thì nếp sống gia đình nhất định sẽ rất thịnh và sự nghiệp cũng hưng vượng. Rất nhiều em nghe xong những câu chuyện về cổ Thánh tiên Hiền thì muốn noi theo những tấm gương đó. Nghe xong “Khổng Dung nhường lê”, các em trở về cũng đều làm theo như vậy.
Có một cô bé rất khẳng khái, nhường trái lê cho em trai ăn trong khi em chỉ có một trái lê. Người em này cứ cắn từng miếng to để ăn. Khi em ăn đến hơn một nửa thì người chị này không nhẫn nại được nữa, liền giật trái lê lại. Người mẹ nhìn thấy cảnh tượng này liền gọi điện thoại báo cho thầy giáo. Đây là sự hợp tác rất tốt giữa phụ huynh và thầy giáo. Bởi vì mỗi một câu Kinh văn mà bọn trẻ không hiểu và không làm được thì cần phải kiên trì hướng dẫn. Hôm sau, người thầy liền kể cho các em nghe một câu chuyện.
Chuyện kể rằng vào triều Hán có hai anh em, một người tên là Triệu Hiếu, một người tên là Triệu Lễ. Triệu Hiếu là anh. Thật không may là Triệu Lễ bị giặc cướp bắt đi. Khi người anh biết được lập tức đã tìm đến sơn trại và đi thẳng vào trong đại bản doanh của bọn cướp. Người anh nhìn thấy bọn cướp đang rất đói bụng, định giết em mình để ăn thịt. Người anh thấy vậy vô cùng lo lắng, liền chạy đến trước mặt bọn cướp và nói với bọn chúng rằng: “Em của tôi bị bệnh, người lại gầy gò. Các vị đừng có ăn nó mà hãy ăn tôi đi. Tôi to béo, người lại khỏe mạnh”. Người em thấy anh mình nói vậy cũng rất lo lắng, liền đẩy người anh ra và nói: “Tôi bị các vị bắt là số mạng của tôi, nên tôi bị các vị ăn là đúng rồi, tuyệt đối không được liên lụy đến anh của tôi”. Hai anh em ở đó giành phần muốn được chết thay cho nhau. Bọn cướp nhìn thấy vậy rất cảm động, liền thả người em về.
Các em thân mến! Triệu Hiếu và Triệu Lễ ngay cả mạng sống cũng sẵn lòng hy sinh, thế chúng ta có nên chỉ vì một trái táo, một trái lê mà tranh cãi với anh em của mình không? Chúng ta cần phải noi theo tinh thần của những vị Thánh Hiền ngày xưa này. Hơn nữa, tinh thần không tiếc hy sinh mạng sống vì anh em của Triệu Hiếu và Triệu Lễ đã truyền đến tai của Hoàng Đế. Hoàng Đế liền cho hai anh em họ làm quan để quản lý nhân dân. Cho nên họ có phước về sau. Tại sao Hoàng Đế muốn dùng hai anh em họ làm quan vậy? Các em thấy, anh em mà biết yêu thương nhau thì nhất định sẽ hiếu thảo với cha mẹ. Người có đức hạnh tốt như vậy làm quan thì chắc chắn sẽ yêu thương nhân dân. Bởi vì “giáo dĩ hiếu” (người được dạy đạo hiếu), họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân phụ giả dã”, họ sẽ kính trọng tất cả những người làm cha mẹ trong thiên hạ. “Giáo dĩ đễ” (người được dạy hiếu đễ), họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân huynh giả dã”, sẽ kính trọng tất cả anh chị em của mọi người.
Chúng ta cũng nhân cơ hội này để hướng dẫn, giáo dục các em. Đương nhiên khi các em có biểu hiện rất tốt thì chúng ta cũng cần khen ngợi.
Ngoài ra còn có một em, dép của bạn học em bị đứt quai. Em có một đôi dép bị hỏng một chút nên em đã đổi một đôi dép mới. Nhưng đôi dép bị hỏng một chút kia em lại không nỡ vứt bỏ đi mà đem để dưới gầm giường. Có thể em đã học được câu: “Chớ ghét cũ, không thích mới”, có cảm tình với đôi dép cũ nên không vứt bỏ nó mà để dưới gầm giường. Cuối cùng, bởi vì chiếc dép của bạn học em đã bị hỏng, không thể đi được nữa, thầy giáo liền nói với em: “Em hãy về đem đôi dép cũ đến cho bạn đi”. Đây là giúp đỡ bạn học phải không? Đúng vậy! Nếu không thì bạn học không có dép đi, mà mùa đông thì rất lạnh. Sau đó, chúng tôi bỗng nhiên phát hiện ra em học trò này đi đôi dép cũ, còn người bạn học đi đôi dép mới của em. Những người lớn chúng tôi cũng học được một bài học. Quý vị thấy, em thật sự đã làm được câu: “Tiền của nhẹ, oán nào sinh”. Bạn học của em nhất định có thể cảm nhận được em rất quan tâm đến mình.
Chúng tôi ngay đó liền khen ngợi em học trò này: “Em đích thực là học trò tốt của Khổng Lão Phu Tử”. Tiếp theo đó, chúng tôi cũng tiến thêm một bước mong em từ nay hãy làm người anh lớn của những bạn học này, cho nên từ nay về sau nhất định phải làm tấm gương tốt.
Chúng ta khen ngợi các em cũng phải không quên khiến các em lập chí, không quên khiến các em nâng cao tầm quán sát của mình. Vì vậy, khen ngợi các em cũng là một môn học vấn. Chúng ta thường hay nghe câu nói: “Lúc nhỏ sáng dạ, nhưng lớn lên chưa chắc tốt”. Rất kỳ lạ, tại vì sao lúc nhỏ thì sáng dạ, năng lực tốt như vậy nhưng lớn lên lại chưa chắc có sự phát triển tốt? Đây là kết quả, nguyên nhân do đâu? Chúng ta không được dừng lại ở kết quả, vì như vậy thì sẽ không rõ ràng minh bạch. Quý vị bằng hữu cảm thấy thế nào? “Không có tấm gương để noi theo à?”. Đây là nguyên nhân rất quan trọng. Chúng ta có thể suy nghĩ vấn đề này thật tỉ mỉ.
Có một người cha nói: “Lúc con trai tôi hai tuổi, tôi cảm thấy nó có thể làm người lãnh đạo quốc gia. Khi con trai tôi lên cấp hai, tôi cảm thấy nó chỉ có thể thi đỗ đại học là tốt lắm rồi. Khi con trai tôi lên cấp ba, tôi cảm thấy nó sau này ra trường có công việc là tốt rồi!”. Sao mà khác biệt nhau nhiều như vậy? Sự kỳ vọng của người cha đối với con càng ngày càng thấp thì người con có triển vọng không? Không thể nào! Khi người lớn không có tấm gương tốt cho con cái xem, thì con cái sẽ không có chí hướng, dần dần suốt ngày buông lung phó mặc, rất vô vị. Đó là lý do tại sao chúng ta lúc bắt đầu học tập đã nhấn mạnh “học quý ở lập chí”. Hơn nữa, mục đích của học thành tài là ở chỗ nào vậy? Việc này phải cẩn thận từ đầu. Mục đích chân thật học thành tài của trẻ ở chỗ nào? Tại sao phải học thành tài vậy? Chúng tôi vừa mở đầu đã nói: “Đọc sách chí ở Thánh Hiền”. Nhưng người hiện nay thì “đọc sách chí ở kiếm tiền”. Mục tiêu sai thì có thể có kết quả tốt được không? Cho nên, vừa bắt đầu nhất định phải có sự hướng dẫn quan niệm đúng đắn mới được.
Tại vì sao lúc nhỏ sáng dạ, có khả năng, nhưng đến cuối cùng thì lại “lớn lên chưa chắc tốt” vậy? Bởi vì rất nhiều khả năng đã đem ra khoe khoang! Tại sao “trước người lớn, chớ khoe tài”? Con cái quý vị từ nhỏ học được một ít tiếng Anh, học được một chút năng lực, người lớn dắt chúng đi biểu diễn khắp nơi. Trong tâm hồn còn rất non nớt của chúng sẽ cảm thấy như thế nào? “Anh xem, người lớn đều vỗ tay khen ngợi tôi. Người lớn còn nói chú cũng phải học tập theo tôi. Tôi rất giỏi”. Lời khen nghe nhiều nên lời khuyên can không thể nghe vào được nữa. Do đó, khen ngợi người khác cũng phải dùng lí trí, cũng phải dùng trí huệ mới được. Việc lĩnh hội này tôi cũng nhận ra được từ ngay chính bản thân mình và ở người khác, sau đó lại mở Kinh điển ra để chứng thực.
Chúng ta mở sách “Lễ Ký”, phần đầu là “Khúc Lễ”, ở trang đầu tiên viết là: “Ngạo bất khả trưởng, dục bất khả túng, chí bất khả mãn, lạc bất khả cực” (Không được nuôi lớn sự kiêu ngạo, không được phóng túng dục vọng, không nên tự mãn về chí hướng, không thể hưởng vui cực độ). Chúng ta hãy xem bốn câu này, người hiện nay có phạm phải không?
- Điều thứ nhất, “ngạo bất khả trưởng”
Con người chỉ cần khởi lên tâm ngạo mạn thì không có cách gì chịu nghe lời chỉ dạy và họ sẽ rất khó trưởng thành. Nếu như từ nhỏ các em đã ngạo mạn, thì đời này rất khó có thành tựu lớn. Tại vì sao “lúc nhỏ sáng dạ”? Nếu như lúc nhỏ vì những khả năng này mà tự kiêu thì phiền phức rồi! Bởi vì muốn thành tựu học vấn, thì điều quan trọng là ở thái độ chịu lắng nghe và khiêm tốn. Như vậy họ mới có thể biết được: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (người giỏi ắt có người giỏi hơn).
- Điều thứ hai, “dục bất khả túng”
Ham chơi thì mất ý chí. Quý vị xem, hiện nay chẳng phải có nhiều bài học xương máu đã bày ra đó sao?
- Điều thứ ba, “chí bất khả mãn”
Hiện nay trẻ em không có chí hướng, thường hay chơi bời lêu lổng, cảm thấy rất vô vị. Cho nên “chí đương tồn cao viễn”, con người cần phải có chí hướng cao xa thì cuộc đời mới phong phú. Họ sẽ luôn luôn cảm thấy mình phải nâng cao chính mình mới có thể phục vụ cho xã hội, phục vụ cho người khác.
- Điều thứ tư, “lạc bất khả cực”
Vui quá hóa buồn. Nếu một đứa trẻ từ nhỏ không biết giữ chừng mực, khi chơi chẳng biết đến ai, thì rất có khả năng sẽ xảy ra một số nguy hiểm cho chính bản thân. Quý vị bằng hữu! Tổ tiên chúng ta mấy ngàn năm trước đã viết những lời giáo huấn này trong Kinh văn. Tổ tiên đã đối với chúng ta rất tốt, thì chúng ta cũng không được có lỗi với tổ tiên.
Trước đây, bởi vì tôi là cháu đích tôn nên từ nhỏ đã nhận được rất nhiều lời tán thưởng, nên mục đích làm việc của tôi là gì? Là để được khen. Sao quý vị biết vậy? Là xem người khác có nhìn thấy tôi đang làm hay không, cho nên tôi đã trở thành người sống trong lời khen. Khi học năm thứ tư đại học, có một lần tôi lên bục giảng bài. Sau khi tôi giảng bài xong bước xuống, một vị đàn anh của tôi rất vui mừng nói với tôi rằng: “Em đúng là người sống trong tiếng khen ngợi”. Anh ấy đang khen ngợi tôi, nhưng tôi nghe xong câu nói đó thì bỗng suy nghĩ: “Nếu như không có ai khen ngợi thì tôi có làm không?”. “Không làm!”. Nhưng điều rất kỳ lạ là rất nhiều chuyện vô cùng quan trọng trong cuộc đời đều không có tiếng vỗ tay. Khi một người nếu như chỉ thường hay sống trong tiếng vỗ tay thì tâm được – mất của họ sẽ rất nặng. Cuộc đời như vậy chắc chắn cũng sẽ không được tự tại, hạnh phúc. Do đó, tôi bắt đầu điều chỉnh. Bởi vì trước đây nghe quá nhiều lời khen tặng, nên nghe thấy một câu phê bình thì trong lòng cảm thấy rất khó chịu. Vì vậy, tôi thường xuyên niệm câu Kinh văn trong “Đệ Tử Quy”: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui, người hiền lương, dần gần gũi”. Thật sự chúng ta chỉ có hai con mắt và hai lỗ tai thì có thể thấy được bao nhiêu, có thể nghe được bao nhiêu? Nhưng khi chúng ta có tâm khiêm tốn thì không biết đã có thêm được bao nhiêu đôi mắt giúp chúng ta nhìn đường, có thêm được bao nhiêu đôi tai giúp chúng ta nghe rất nhiều thông tin, thấy được rất nhiều khuyết điểm của mình. Cho nên trẻ nhỏ cần phải khiêm tốn, không được tự mãn.
Chúng ta khen ngợi các em thì hãy khen tặng những phẩm hạnh tốt chứ không nên khen tài năng của chúng. Khen tài năng nhiều quá thì nhất định sẽ có vấn đề ngay. Có rất nhiều phụ huynh còn khen: “Sao con xinh thế!”. Quý vị khen chúng xinh đẹp để làm gì chứ? Khen chúng xinh đẹp có giúp ích gì cho chúng không? Quý vị nói với chúng: “Khí chất của con thật tốt, có phải mỗi ngày con đều học “Đệ Tử Quy” không? Có phải lúc nào con cũng rất lễ phép với người lớn phải không? Vì trong tâm có sự chân thành thì mới biểu hiện được ra bên ngoài như vậy”. Tiện thể chúng ta cũng ôn tập lại Kinh văn luôn.
Có rất nhiều em ngay từ nhỏ đã như vậy. Ví dụ rất nhiều người lớn khi nhìn thấy những em bé gái đều nói: “Ồ! Sao mà mặt mũi xinh xắn như vậy? Mũi ra mũi, miệng ra miệng”. Bé gái đó được quý vị khen như vậy vài ba năm thì sẽ tạo ra kết quả, đó là mỗi ngày bé gái đó nhất định mang bên mình một chiếc gương. Ở trường mẫu giáo có hai chị em đến học. Người chị và người em trai đều rất đẹp. Nhưng vẻ đẹp của bé gái hấp dẫn hầu hết người lớn, họ nhìn thấy em đều cứ luôn khen em xinh đẹp, nên em bé gái này cứ học đến nửa chừng lại lấy gương ra soi. Việc học tập của bé kém rất xa so với người em trai. Bởi vì em chỉ coi trọng bề ngoài, thường thường tâm ý không chuyên chú, thường rất hay để ý xem người khác có nhìn đến em hay không. Trẻ nhỏ như vậy sau này sẽ rất dễ dàng đi theo hướng cuộc sống hư vinh, cuộc sống xa hoa, phù phiếm. Do đó, không nên khen ngợi tướng mạo của trẻ, không nên thường xuyên khen ngợi tài năng của trẻ, mà cần phải khen ngợi đức hạnh của chúng. Nếu quý vị khen ngợi tài hoa của chúng cũng phải nhân đó mà dạy chúng mục đích của tài hoa là để làm gì.
Có tài hoa, ví dụ chúng đánh đàn tranh rất hay, mục đích là gì vậy? Là để biểu diễn cho người khác nghe, sau đó khiến chúng cảm thấy “ta rất tài giỏi” phải không? Như thế không đúng! Nếu như hướng dẫn như vậy thì việc chơi đàn tranh của đứa trẻ này nhất định sẽ bị khựng lại, không tiến bộ. Nếu như chúng ta hướng dẫn cho chúng biết: “Chuyển hóa phong tục không gì tốt bằng âm nhạc”. Âm nhạc có thể hun đúc tính tình của con người, có thể cải thiện phong khí của toàn xã hội, nên cháu học đàn tranh, học đàn cổ nhất định phải dùng tâm chân thành mà học, thì có thể đàn ra những bản nhạc lợi ích cho đại chúng trong xã hội. Khi chúng có mục tiêu này thì toàn bộ tâm thái của chúng cũng sẽ hoàn toàn khác. Khi quý vị khen ngợi phẩm đức của chúng, ví dụ nói: “Con thật hiếu thảo!”, hiếu thảo tương ưng với tự tính/tánh nên chúng càng làm càng hăng say. Việc này thì không có tác dụng phụ. Cho nên, khen ngợi phải thuận theo phẩm đức mà khen ngợi.
Tiêu chuẩn của phẩm đức ở đâu? Là ở “Đệ Tử Quy”. Thâm nhập một môn, nắm vững cương lĩnh của một môn này. Cho nên, quý vị phải đọc “Đệ Tử Quy” cho trôi chảy, nghe cho kỹ, đọc cho kỹ. Chúng ta cũng đã có tuổi rồi, nói đến học thuộc lòng cảm thấy rất bị áp lực, nhưng nên đọc cho trôi chảy.
Có một người mẹ dắt theo con gái vẫn còn nhỏ đi ra phố mua đồ thì gặp một người bạn. Người bạn này liền hỏi cháu bé: “Sao con vẫn chưa đi học?”. Cháu bé gái đó liền hỏi mẹ : “Mẹ ơi! Đi học để làm gì vậy?”. Khi ấy người bạn đó lập tức nói với bé rằng: “Đi học có thể kiếm nhiều tiền!”. Phải cẩn thận ngay từ đầu. Nếu như quý vị là mẹ bé, quý vị phải làm sao? Hiện nay quan niệm như thế này chiếm tỉ lệ rất lớn! Người mẹ này lập tức nắm lấy cơ hội này liền dùng ánh mắt ngầm nói với người bạn của mình là đừng nói tiếp nữa. Bà liền nói với con gái của mình: “Đi học quan trọng nhất là học thành tài. Bởi vì sau khi chúng ta đã thành tài rồi có thể giúp đỡ người khác và cống hiến cho xã hội”. Chúng ta phải nhớ kỹ: “Xã hội quốc gia là một thể hỗ trợ lẫn nhau”. Khi trẻ hình thành thái độ xã hội là giúp đỡ lẫn nhau, thì chúng đứng trước người trong các ngành các nghề sẽ tôn kính, sẽ có tâm cảm ơn. Nhưng nếu như mục đích chúng học thành tài là để kiếm nhiều tiền, thì sau này chúng nhìn các ngành, các nghề với ánh mắt gì? Dùng ánh mắt kiếm được bao nhiêu tiền, chúng sẽ xem thường những người có ngành nghề kiếm được ít tiền hơn. Do đó, học vấn là ở chủ tâm của mình, chỉ cần tâm bị thiên lệch liền đi ngược lại với đạo đức, học vấn ngay.
Người mẹ này lập tức hướng dẫn con gái mình phải học thành tài. Học thành tài nghe rất trừu tượng, mà con gái cô thì còn nhỏ như vậy. Bởi vì họ vừa mua được một ít bánh bao trong siêu thị, nên người mẹ nói: “Giống như chú lúc nãy có tài năng, chú biết làm bánh bao, chú có thể giúp chúng ta có cái để ăn, nên chúng ta phải cảm ơn chú ấy. Chúng ta cảm ơn chú ấy, chúng ta có thể đem gấu bông, đồ chơi của con, chiếc xe đồ chơi của con tặng cho chú ấy không? Chú ấy chưa chắc cần. Vì vậy, chúng ta cảm ơn chú thì có thể đưa cho chú một ít tiền để cảm ơn. Chú ấy cũng có thể dùng số tiền này để mua những đồ dùng cần thiết”. Đây chính là mượn cơ hội này để hướng dẫn các em mục đích của học tập là để nâng cao tài năng, để tiện phục vụ người khác. Khi em có loại thái độ này thì em sẽ không dễ gì ngạo mạn.
Tôi cũng đã từng gặp một bạn khoảng hơn hai mươi tuổi. Lần đầu tiên tôi gặp anh ấy, nhìn thấy anh có thân hình cao hơn tôi, đẹp trai hơn tôi và lại đọc sách Thánh Hiền. Chúng tôi gặp nhau rất vui mừng. Bởi vì anh học trước tôi, nên tôi mừng thay cho anh. Tôi liền khen ngợi anh: “Anh thật hiếm có!”, cứ luôn khen ngợi như vậy. Lần đầu tiên gặp mặt có nên khen tặng dồn dập như vậy không? Không nên! Cho nên nói năng phải cẩn thận. Tôi không làm tốt, tôi không thể kìm được tâm trạng vui mừng của mình nên đã khen tặng anh ấy một lúc. Sau đó sống với nhau hơn một tuần lễ, tôi quan sát thấy một số chi tiết trong đời sống của anh không được thích hợp. Bởi vì anh nhỏ hơn tôi nhiều tuổi nên chúng tôi cũng duy trì một khoảng cách. Tôi như một người anh lớn của anh ấy, tôi cũng “mặt ta vui, lời ta dịu” khuyên anh ấy. Cuối cùng khi tôi vừa nói ra thì mặt của anh lập tức liền biến sắc. Tôi cũng là người rất nhạy cảm, vốn dĩ muốn khuyên nhưng khuyên mới được nửa chừng thì lập tức dừng lại. Bởi vì nếu như anh ấy không chịu lắng nghe mà tôi tiếp tục nói thì sẽ khiến cho bầu không khí thêm căng thẳng, lần sau sẽ khó nói chuyện với nhau. Từ trong sự việc này tôi cũng lĩnh hội được một điều: Khen ngợi người khác thì phải thuận theo phẩm đức mà khen ngợi. Nếu không thì người được khen thật sự sẽ bị đánh mất mình trong những tiếng khen ngợi.
Chúng ta khen ngợi cậu bé này vì cậu chịu lấy đôi dép mới của cậu đưa cho bạn học dùng. Chúng tôi cũng tiến thêm một bước kỳ vọng cậu sau này có thể làm tấm gương tốt về phương diện đức hạnh, phẩm đức cho mọi người. Tại sao người anh cả trong mỗi gia đình trước đây đều đặc biệt ưu tú, đều đặc biệt rất đảm đương? Cha mẹ từ nhỏ đã kỳ vọng họ: “Cha mẹ làm việc quá vất vả, rất cực nhọc, con ở nhà phải cố gắng chỉ dẫn các em cho tốt”. Quý vị thấy họ được kỳ vọng, có trách nhiệm, thì tự nhiên năng lực sẽ tăng trưởng rất nhanh.
Vì vậy, chúng ta trong quá trình hướng dẫn các cháu những câu Kinh này cũng sẽ có rất nhiều cơ hội, chúng ta có thể tiến thêm một bước cố gắng tận dụng, cố gắng hướng dẫn.
Hôm qua chúng ta đã giảng đến câu Kinh văn phía dưới: “Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”. Tuy lễ nghi này là một chi tiết nhỏ trong đời sống, nhưng điều quan trọng nhất là nó trưởng dưỡng cái tâm cung kính cho trẻ. Vì vậy, học vấn chân thật là ở chủ tâm của trẻ. Có một câu nói rằng: “Học vấn hàng đầu của con người chính là biết nghĩ cho người khác”. Việc này mới gọi là học vấn hàng đầu.
Con trai lớn của Phạm Trọng Yêm được đặt tên là Phạm Thuần Nhân. Bậc làm cha mẹ Á Đông quan tâm yêu thương con cái vô cùng chu đáo, ngay cả đặt tên cũng là để giáo dục con cái. Mục đích đặt tên của chúng ta là gì? Là thông qua cái tên này kỳ vọng ở con cái, để chúng có thể luôn luôn cảnh tỉnh chính mình. Phạm Trọng Yêm đặt tên cho con trai ông là Thuần Nhân là kỳ vọng con trai của ông phải luôn luôn giữ được cái tâm nhân từ.
Chữ “nhân” này là chữ hội ý, bên trái là bộ “nhân”, bên phải là bộ “nhị”, là ý nghĩa gì vậy? Hai người. Là hai người nào vậy? Nghĩ đến mình thì phải nghĩ đến người khác. Cho nên: “Điều gì mình không muốn thì đừng đem cho người”, “điều gì mình muốn thì nên tặng cho người”. “Ta muốn lợi thì hãy làm lợi cho người, ta muốn có thành tựu thì làm cho người thành tựu trước”. Trẻ từ nhỏ biết đây là sự kỳ vọng của cha mẹ đối với chúng thì tự nhiên chúng sẽ luôn luôn khích lệ mình, đốc thúc mình làm theo phương hướng này.
Phạm Thuần Nhân thật sự cũng không phụ sự kỳ vọng của cha ông. Có một lần Phạm Trọng Yêm nói với con trai rằng: “Chỗ chúng ta có 500 đấu lúa mạch, con hãy giúp cha vận chuyển từ kinh thành về quê nhà ở Giang Tô”. Trên đường về quê, Phạm Thuần Nhân gặp người bạn cũ của cha. Bạn cũ của cha liền kể về tình trạng gia đình của ông cho Phạm Thuần Nhân nghe. Cha mẹ của người bạn cha đã mất mà không có tiền chôn cất, lại còn có một người con gái chưa gả chồng, tình trạng đời sống tương đối nghèo túng. Phạm Thuần Nhân nghe xong lập tức liền đem 500 đấu lúa mạch bán đi và đưa số tiền này cho người bạn cũ của cha mình. Tuy nhiên, số tiền vẫn không đủ. Giúp người thì phải như thế nào? Tiễn Phật thì phải tiễn đến Tây Phương, giúp người phải giúp đến cùng. Cho nên ông đã đem chiếc thuyền chở lúa mạch này bán đi thì mới đủ tiền. Sau khi xử lý xong, Phạm Thuần Nhân trở về kinh thành gặp cha, ngồi xuống bên cha và bắt đầu kể lại chuyện này cho cha nghe. Khi Phạm Thuần Nhân kể đến việc ông quyết định bán 500 đấu lúa mạch nhưng vẫn không đủ tiền giúp bạn cũ của cha thì Phạm Trọng Yêm liền ngẩng đầu lên nói với con trai ông: “Thế con cũng đem thuyền bán đi chứ?”. Người con liền nói: “Cha à! Con đã bán nó rồi!”. Cha con đồng lòng thì gia đạo bền lâu không suy bại. Nhà họ Phạm có trái tim nhân hậu thì có bị thiệt thòi không? Không thiệt thòi, mà ngược lại còn được đại phước.
Cha tôi đặt tên cho tôi cũng là kỳ vọng tôi phải lễ phép. Hơn nữa, tôi phải có ý thức trách nhiệm đem lễ phép giống như chín mặt trời phát huy rạng rỡ. Như vậy chúng ta mới không cô phụ tấm lòng của cha mẹ đã đặt tên này cho chúng ta. Học vấn cần trưởng dưỡng chủ tâm, lòng nhân từ và tâm cung kính.
Tại vì sao nói đọc sách có thể thay đổi khí chất? Thay đổi từ đâu? Từ tâm. Bởi vì trong Kinh điển, ví dụ lấy “Đệ Tử Quy” để nói, khi trẻ đọc những điều giáo huấn: “Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau. Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi”, chúng sẽ thực hành dần dần. Khi chúng thực hiện những hành vi này, thì chúng sẽ từ ngoài dần dần chuyển hóa thành chủ ý bên trong, lòng cung kính này của chúng sẽ càng ngày càng vững chắc. Tâm cung kính vững chắc rồi thì lòng chân thành bên trong tự nhiên sẽ biến đổi khí chất toát ra bên ngoài. Khi con trẻ đọc Kinh văn mà không thực hành thì có thể biến đổi được khí chất không? Hiệu quả sẽ rất hạn chế. Cho nên, học quý ở thực hành.
“Hoặc ăn uống”. Khi ăn trước tiên phải nhường cho người lớn ngồi trước, ăn trước. Ở Thẩm Quyến có một nhóm học sinh, thầy của chúng không chỉ hướng dẫn lúc ăn cơm thì người lớn ăn trước, mà còn hướng dẫn các em vị trí ngồi phải ngồi như thế nào. Vị trí chủ tọa nhất định phải nhường cho thầy giáo ngồi, các em nhỏ không được giành ngồi. Lúc nhỏ được học thì có quan trọng đối với chúng về sau hay không? Quan trọng.
Tôi đã từng nghe một ông chủ kể rằng, ông có cuộc đàm phán với khách hàng, cả hai bên đều dẫn theo một số nhân viên của công ty mình. Cuối cùng, một nhân viên của ông vừa bước vào liền ngồi vào vị trí ghế chủ tọa, khiến những người khác đều không biết phải làm thế nào. Bởi vì đều là người lớn cả, nếu ngay lúc đó nói với anh ta thì thật sự rất khó coi. Vị trí chủ tọa nhất định là vị trí đối diện cửa ra vào. Vị trí này là để giành cho người lớn hoặc cấp trên, khi họ ngồi ở vị trí đó thì có thể nắm bắt được tình hình toàn cục. Quý vị có thể để cấp trên ngồi ở vị trí quay lưng với cửa ra vào được không? Ai bước vào ông ấy cũng đều không biết. Cho nên tất cả mọi nghi lễ đều thuận theo tình hình tự nhiên, đều rất có đạo lý. Vị trí chủ tọa phải để cho thầy giáo ngồi thì học trò sẽ rất có nề nếp, không ngồi lộn xộn. Sau đó thầy giáo lại nói: “Nếu như mặt bàn có vân, thì từng đường từng đường vân gỗ đó không được chỉ vào hướng vị trí chủ tọa, như vậy là không cung kính”. Từng li từng tí như vậy cũng làm tăng trưởng tâm cung kính và mức độ tỉ mỉ cho các em.
Bởi vì tôi thường không ở trường học mà đi diễn giảng khắp nơi, nhưng khi trở về thì thường hay ăn cơm cùng với các em học trò này. Có một lần, tôi vừa ngồi xuống thì các em ở đó xoay cái bàn. Tôi nói: “Lạ thật! Việc gì các em phải xoay bàn?”. Các em nói: “Đường vân gỗ này không được hướng vào thầy, như vậy là không cung kính”. Chúng tôi thấy vậy thật sự rất cảm động. Tin rằng tâm cung kính của những em học sinh này có thể suốt đời sẽ không thay đổi.
Trên đây là “hoặc ăn uống”.
Tiếp đến là “hoặc đi đứng”, đều phải nhường cho người lớn ngồi trước. Có một em lớp bốn đi cùng mẹ đến thăm người thân. Sau khi vào nhà, mẹ của em vẫn đang gọi điện thoại di động. Em liền nói với mẹ rằng: “Mẹ à! Mẹ ngồi đi!”. Mẹ của em nói: “Con ngồi trước đi!”. Em vẫn lại nói: “Mẹ à! Mẹ ngồi đi ạ!”. Mẹ của em cảm thấy rất kỳ lạ: “Mẹ bảo con ngồi thì ngồi đi, sao cứ nhiều lời như vậy!”. Cuối cùng, em nói: “Mẹ à! Con không ngồi đâu, con không thể ngồi được!”, bởi vì em đang thực hành câu Kinh văn này. Vào lúc này bậc làm cha mẹ, bậc làm người lớn chúng ta phải nhạy bén, phải tác thành tâm hiếu thảo và tâm cung kính cho trẻ thì chúng mới có thể lập thân hành đạo. Người mẹ này mới chợt nhớ ra. Thực ra, khi chưa học “Đệ Tử Quy”, ai ăn trước, ai ngồi trước vậy? Đều là con cái. Cho nên đảo lộn, điên đảo rồi thì hành vi của chúng đương nhiên điên đảo. Quý vị hiện nay phải nhanh chóng điều chỉnh lại mới được.
“Ngồi”, chúng ta cũng có thể suy diễn rộng ra. Ví dụ nói quý vị ngồi xe nhất định phải có trật tự, xếp hàng ngay ngắn, không được phép chen lấn, xô đẩy. Khi lên xe thì ngoài việc phải nhường cho người lớn, người già, còn phải nhường cho người ốm yếu, phụ nữ và trẻ em ngồi, và phải đi về phía sau nhường vị trí phía trên cho người khác. Phía sau còn rất nhiều chỗ mà chúng ta cứ chọn ngồi ở phía trước là không nhường sự thuận tiện cho người khác. Bởi vì nếu như người lên sau là một người già mà quý vị vẫn để cụ đi xa như vậy sao? Do đó, chúng ta phải luôn luôn nghĩ cho người già, luôn luôn nghĩ cho người lên sau.
Quý vị bằng hữu, hiện nay người lớn có làm được không? Quý vị hãy chú ý quan sát xem, ví dụ nói một đoàn thể nào đó, một xí nghiệp nào đó cùng nhau đi du lịch, người lên xe trước đều ngồi phía trước, người đến sau thì phải xuống phía sau. Do đó, chúng ta lúc nào cũng cần phải thực tiễn cung kính, thực tiễn nhường nhau.
Có một trường học tổ chức đi du lịch, rất nhiều giáo viên nam ngồi ở phía trước. Có một cô giáo đã học “Đệ Tử Quy”, nhưng người lớn lại rất giữ thể diện, quý vị trực tiếp nói họ làm sai, họ có thể thẹn quá hóa giận. Vì vậy, ngay cả giáo viên cũng phải cố gắng học “Đệ Tử Quy”, nếu không thì lời nói và hành vi có thể sẽ phản giáo dục. Thầy giáo nếu như có hành vi phản giáo dục thì sẽ như thế nào? Sẽ bị đọa xuống mười chín tầng địa ngục.
Có một câu chuyện kể như thế này. Có một thầy thuốc xem mạng người như cỏ rác. Vua Diêm La rất giận dữ, phán ông xuống địa ngục tầng thứ mười tám. Sau khi ông xuống, trong lòng rất buồn nản, ở đó gào thét: “Không phải tôi cố ý, chỉ là do tôi không cẩn thận thôi!”. Quý vị xem, ông chưa có học “Đệ Tử Quy” nên sai rồi mà vẫn không thừa nhận. Ông không biết rằn “biết sửa lỗi, không còn lỗi”. Nếu như vào lúc đó ông khởi lên một niệm sám hối thì có thể sẽ thoát khỏi địa ngục tầng thứ mười tám rồi. “Nếu che dấu, tội chồng thêm”, nên ông tiếp tục bị ở lại. Ông ở chỗ đó giẫm chân rất giận dữ. Bỗng nhiên phía dưới có người nói: “Ông đừng giẫm chân nữa, ông làm bụi bay phủ đầy người tôi rồi!”. Ông bỗng giật mình: “Tầng thứ mười tám chẳng phải là thấp nhất rồi sao? Sao bên dưới vẫn còn có người nữa vậy?”. Ông nói: “Tôi làm thầy thuốc, coi mạng người như cỏ rác nên bị đọa xuống tầng thứ mười tám, thế ông làm ngành nghề gì sao bị đọa đến tầng thứ mười chín vậy?”. Người bên dưới nói: “Tôi làm thầy giáo. Thầy thuốc chỉ làm mất mạng người khác nên bị đọa xuống tầng thứ mười tám, còn thầy giáo là làm đứt huệ mạng của người khác. Mạng sống thì có hạn, còn huệ mạng thì vô cùng”. Nếu như trí huệ được thiết lập chính xác, học trò của quý vị sau này còn có con, con của học trò quý vị còn có con nữa. Quý vị dạy cho học trò của mình có quan niệm chính xác có thể sẽ ảnh hưởng con cháu của họ hết đời này đến đời khác. Hơn nữa, một thầy giáo có thể dạy đến hàng trăm, hàng ngàn học sinh. Cho nên nghề làm thầy giáo này công đức vô lượng. Làm tốt thì “công đức vô lượng”, làm không tốt thì “công đức không sáng, tiền đồ một vùng u tối”.
Sau khi nghe điều này quý vị bằng hữu không nên nói: “Thế tôi không làm giáo viên, thật quá đáng sợ!”. Điều quan trọng đích thực ở đây là gì? Là tấm lòng. Phương pháp dạy học của chúng ta cũng phải từ từ mới tích lũy được kinh nghiệm. Tâm chân thành của quý vị mới là lực tương tác quan trọng nhất đối với các em.
Chúng ta hãy suy nghĩ xem, đối với giáo viên thì học sinh dạy năm năm trước tương đối thân mật với giáo viên hơn hay học sinh dạy năm năm sau? Học sinh năm năm trước. Thế thì thật kỳ lạ! Vì phương pháp dạy học của giáo viên càng về sau càng tốt hơn, nhưng tại vì sao học sinh dạy năm năm trước lại thân mật với giáo viên hơn vậy? Là do mức độ dụng tâm. Bởi vì lúc đó quý vị luôn luôn sợ dạy không tốt nên rất để tâm dạy học trò. Học sinh không chỉ nhìn thấy kỹ năng dạy học của quý vị, mà điều quan trọng là thái độ dạy học của quý vị để lại ấn tượng sâu sắc trong chúng. Có thể sau khi quý vị dạy lâu rồi, lòng yêu nghề sẽ bị giảm đi. Tuy kỹ năng dạy học tốt hơn trước, nhưng sự tác động vào nội tâm của trẻ có thể sẽ không còn mạnh mẽ như trước đây nữa. Vì vậy, làm thầy giáo thì đừng sợ kỹ năng dạy học không đủ, chỉ cần quý vị có tấm lòng thì chắc chắn thật sự là công đức vô lượng, tiền đồ xán lạn.
Làm thầy giáo thì phải luôn luôn giữ quan niệm: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học để làm gương cho người và làm mô phạm cho đời). Bởi vì thầy giáo cũng trong quá trình không ngừng học tập, cho nên thầy giáo không thể dừng theo đuổi đạo đức, học vấn. “Học sở dĩ trị kỷ, giáo sở dĩ trị nhân” (học là muốn tốt cho mình, dạy là muốn tốt cho người). Đối với “dạy” và “học” chúng ta đều không được ngừng nghỉ. Học tập thì mới có thể nâng cao chính mình và điều chỉnh bản thân, nên học tập là để đối trị tập khí của chính mình, thông qua giáo dục mới có thể hướng dẫn học sinh có quan niệm đúng đắn, thiết lập nhân sinh quan chính xác. Không học thì sẽ rất khó có được trí huệ chân thật. Không học thì không có trí huệ, không dạy thì không nhân từ, bởi vì chỉ có giáo dục mới có thể cứu sống cuộc đời một người từ gốc rễ. Do đó, chúng ta phải luôn luôn phát triển dạy và học song song. Thầy giáo tuyệt đối không phải sau khi tốt nghiệp trường sư phạm thì sách vở bỏ qua một bên, mà trái lại phải tích cực học tập, không nên phụ sự kỳ vọng của đất nước đối với chúng ta, không được phụ lòng tín nhiệm của phụ huynh đối với chúng ta, càng không được cô phụ duyên phận thầy trò này của học trò đối với chúng ta. Cho nên, phải luôn luôn “học để làm gương cho người và làm mô phạm cho đời” thì mới được.
Cô giáo này lên xe, nhìn thấy một số thầy giáo đã ngồi ở phía trước nhưng không tiện trực tiếp góp ý với họ. Vào lúc này “thấu rõ nhân tình nên nói ra đều là thơ”, vận dụng nghệ thuật ngôn ngữ, cô liền nói với họ rằng: “Ưu tiên cho phụ nữ, quý thầy hãy ra phía sau”, để cho họ có chút cảm giác giúp đỡ người khác. Không chỉ trích trước mặt họ, nhưng có thể làm tấm gương cho họ xem. Ví dụ cô vốn dĩ đã ngồi xuống, sau đó lại có vị thầy giáo lớn tuổi hơn lên xe, cô giáo này lập tức đứng lên nói: “Thầy Ngô! Mời thầy ngồi!”, làm cho người khác xem. Khi có một người làm gương thì tâm cung kính của những người khác được đánh thức. Vì vậy, chúng ta ở trong bất kỳ đoàn thể nào cũng phải luôn luôn biểu diễn cho người khác xem.
Cô nói, ngoài việc đi xe nhìn thấy hiện tượng này, thì khi đi du lịch, nhiều người vừa bước vào phòng liền bật hết toàn bộ đèn trong phòng lên. Tại sao bật hết đèn lên vậy? Bởi vì không tốn tiền.
Con người nếu như cái gì cũng nghĩ đến tiền thì sẽ gây ra rất nhiều việc làm giảm phước báo của chính mình. Xin hỏi những đèn này do đâu có thể sáng được? Là do điện. Điện từ đâu mà có vậy? Điện từ nhà máy thủy điện. Có rất nhiều phương pháp phát điện, nhưng tất cả các phương pháp tạo ra điện đều làm hao tổn nguồn năng lượng của trái đất. Nếu thế hệ này dùng nhiều quá thì thế hệ sau sẽ bị thiếu hụt. Do đó, từ khi có lịch sử loài người đến nay, đời nào sẽ bị thế hệ sau mắng như tát nước vào mặt? Là đời này của chúng ta. Sao quý vị đều biết vậy? Quý vị có thể dự đoán tương lai, quý vị rất có trí huệ! Chúng ta cũng có thể suy đoán được, người 100 năm sau nhất định sẽ nguyền rủa chúng ta: “Sao chúng ta lại có tổ tiên tệ hại như vậy! Để lại cho chúng ta là nước gì vậy? Để lại cho chúng ta là không khí gì vậy? Để lại cho chúng ta bầu trời bị phá hủy! Để lại cho chúng ta đất đai đều bị ngấm thuốc trừ sâu, khiến chúng ta sống vô cùng khó khăn”. Chúng ta có nên làm tổ tiên như thế này hay không? Quý vị xem, tổ tiên mấy ngàn năm trước đối xử với chúng ta như thế nào? Tổ tiên đều để lại những thứ tốt đẹp, để lại trí huệ. Chúng ta phải làm người lớn, làm tổ tiên cho đúng mực mới được.
Cô giáo này cũng không trực tiếp chỉ trích. Nếu họ bật lên, chúng ta tắt là xong. Cho nên, làm thầy giáo phải luôn luôn nghĩ rằng tất cả lời nói, hành vi của mình đều phải làm tấm gương tốt cho học sinh, làm tấm gương tốt cho đại chúng xã hội. Rất nhiều thầy giáo lại nói: “Thế tôi làm thầy giáo chẳng phải là rất vất vả hay sao?”. Thực ra, khi nói lời nói này là họ vẫn chưa thật sự nỗ lực thực hiện giáo huấn của Thánh Hiền. Nếu như họ thật sự làm thì họ sẽ tuyệt đối không nói như vậy. Bởi vì giáo huấn Thánh Hiền là để cho chúng ta thật sự sống cuộc sống tốt đẹp.
Quý vị nói ngồi cũng phải cho ra ngồi! Quý vị xem, nằm xuống ghế salon nghiêng một bên thoải mái biết bao! Đó là quý vị chỉ thấy sự thoải mái nhất thời trước mắt, về sau sẽ đau khổ lâu dài. Hiện nay bệnh nhiều nhất là bệnh về xương, như gai đốt sống, vẹo cột sống. Quý vị thoải mái một chút nhưng làm vẹo cột sống phải đi nhờ người ta dùng chân đạp, dùng tay đấm mấy cái. Đến lúc đó quý vị sẽ than khổ thấu trời. Khi quý vị thật sự dựa theo những phép tắc này mà sống thì thân thể quý vị sẽ rất khỏe mạnh, quý vị sẽ sống rất nhẹ nhàng. Khi những thái độ cung kính này đã được nội hóa rồi, thì quý vị thực hiện sẽ cảm thấy thoải mái, rất tự tại, một chút cũng không gượng gạo. Khi quý vị không làm như vậy, cứ quen theo thói tùy tiện thì lúc nào cũng sợ sai, như vậy năng lượng mà quý vị bị hao tổn lúc đó chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Bởi vì họ không hiểu nên mới có những sự hiểu lầm này, vậy nên chúng ta phải biểu diễn cho đặc sắc, để mọi người cảm thấy: “Ồ! Người đọc sách Thánh Hiền vẻ mặt lúc nào cũng vui vẻ”, sau đó chung sống với mọi người cũng rất chan hòa. Quý vị không nên học Kinh điển Thánh Hiền đến cuối cùng biến thành vẻ mặt nhăn nhó khổ sở, như vậy thì người ta đều không dám học. Chúng ta là tấm biển hiệu của Khổng Lão Phu Tử, là tấm biển hiệu của Thánh Hiền, nên phải thường xuyên lau chùi nó cho sáng.
Chúng ta phải luôn luôn dùng thái độ: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày một mới, mỗi ngày mới, ngày ngày mới) để trưởng dưỡng đạo đức, học vấn của mình, và cũng luôn luôn kỳ vọng dùng thân giáo để đánh thức tâm cung kính, tâm nhân từ của người khác. Cho nên, “hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”.
3. Kinh văn:
“Trưởng hô nhân, tức đại khiếu, nhân bất tại, kỷ tức đáo”.
“Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay”.
Thời xưa, bởi vì là đại gia đình nên khách đến nhà có thể là muốn tìm ông nội hoặc bác. Người khách không thể vừa bước vào nhà liền đi tìm người trong nhà của quý vị được, như vậy là không hợp lễ nghi. Do đó, nếu chúng ta là những người nhỏ tuổi gặp người lớn, gặp khách đến nhà thì phải chủ động nói: “Xin hỏi chú tìm ai ạ?”. Nếu như tìm bác, thì chúng ta phải như thế nào? “Liền gọi thay”, nhanh chóng chạy đi tìm bác của mình, không được thất lễ với khách, không được để khách đợi lâu. Nếu như bác không có ở nhà thì sao? “Người không có, mình làm thay”. Phải quay lại nói chuyện với khách: “Bác của cháu không có ở nhà. Xin hỏi chú có chuyện gì không ạ?”. Bởi vì rất có khả năng khách từ xa đến. “Không có việc thì không lên điện Tam Bảo”, người ta đến tìm thì chắc chắn có việc. Cho nên chúng ta cần phải: “Xin hỏi chú có chuyện gì không ạ? Có chuyện gì cháu có thể chuyển lời lại giúp chú được không ạ?”. Khi một đứa trẻ từ nhỏ đã biết ứng đối như vậy, sau này quý vị nhờ chúng làm việc gì, quý vị sẽ rất yên tâm. Đừng nên xem thường lễ nghi này. Lễ nghi này chứng tỏ trẻ nhỏ đối diện với sự việc nhất định sẽ xử lý đến nơi đến chốn, gọi là thái độ có đầu có đuôi. Khi chúng như vậy thì tâm chúng sẽ không nôn nóng, luống cuống. Vì vậy, thông qua loại đời sống lễ nghi này trưởng dưỡng sự tu dưỡng cho trẻ.
Hết tập 18. Xin mời xem tiếp tập 19.