Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

Tập 19: Học tập lễ nghi tiếp đón khách và tạo lập thái độ khiêm tốn của trẻ nhỏ.

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ


MỤC LỤC
3. Kinh văn: “Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay”.(tiếp tập trước)
4. Kinh văn: “Gọi người lớn, chớ gọi tên. Với người lớn, chớ khoe tài”.
4.1            “Gọi người lớn, chớ gọi tên”.
4.2            “Với người lớn, chớ khoe tài”.
5. Kinh văn: “Gặp trên đường, nhanh đến chào, người không nói, kính lui đứng. Phải xuống ngựa, phải xuống xe, đợi người đi, hơn trăm bước”.
5.1            “Gặp trên đường, nhanh đến chào. Người không nói, kính lui đứng”.
5.2            “Phải xuống ngựa, phải xuống xe. Đợi người đi, hơn trăm bước”.


3.      Kinh văn:

Trưởng hô nhân, tức đại khiếu, nhân bất tại, kỷ tức đáo”.

“Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay”.

(tiếp theo tập trước)

Chúng ta đã nói đến: “Lớn gọi người, liền gọi thay, người không có, mình làm thay”. Động tác này rất quan trọng. Nó có thể vận dụng rộng rãi, vì đây là lễ nghi tiếp đãi, lễ nghi tiếp đón khách.

Chúng ta hãy xem trong gia đình, con cái hiện nay có biết tiếp đãi khách không? Ví dụ như có dì đến chơi, trẻ con đang ngồi chơi điện tử, chúng sẽ làm gì? Chúng sẽ mở hết công suất mà gào lên: “Mẹ à! Có dì đến kìa!”. Như vậy có được không? Quen rồi thì chúng sẽ rất thất lễ, rất tùy tiện, bởi vì sự tôn kính người lớn không được xem trọng. Việc nào quan trọng nhất đối với chúng? Vui chơi của chúng là quan trọng nhất. Lâu ngày thì tâm cung kính không còn, cho nên chúng ta phải dạy.

Quý vị nào đã từng dạy con cái tiếp đãi khách xin mời giơ tay? Tốt rồi! Việc này ảnh hưởng chúng rất sâu xa. Trẻ con nếu như không được học những lễ phép này một cách nghiêm túc, có thể sau này ở trường học, ở trong công ty sẽ xảy ra tình huống khó xử.

Chúng tôi đã từng dạy các em, luyện tập từng em tiếp đãi khách như thế nào. Kinh văn không chỉ phải giảng giải, mà còn phải để các em thao tác thực tế. Hơn nữa, không chỉ thực hành một lần, hai lần, mà phải để chúng luyện tập nhiều lần thì chúng mới quen tay, hay việc.

Một buổi sáng nọ, những em nhỏ này đều đã học xong, cũng sắp xếp khéo léo, lúc ăn cơm trưa thì có một người dì đến thăm. Khi người dì sắp bước vào phòng học thì tất cả các em đang ăn cơm đều ngừng lại, để chén bát và đũa của chúng xuống, rồi tranh nhau chạy ra tiếp đón khách. Chúng học xong mà biết thực hành thì chúng sẽ học rất vui vẻ. Khi người dì này bước vào trước cửa thì sáu em nhỏ xếp thành hàng, cùng nhau cúi chào và nói: “Chúng cháu chào dì ạ!”. Người dì này không dám bước vào, dì nói: “Thấy mình được sủng ái mà lo sợ. Từ trước tới giờ chưa bao giờ được tiếp đón long trọng như vậy”. Dì nói tiếp: “Nếu như trẻ em thế hệ sau đều như vậy thì chúng ta rất được ai ủi”.

Tiếp theo, khi khách bước vào rồi thì chúng ta dạy các em cách để dép. Dép phải để làm sao khi khách bước ra thì lập tức có thể mang vào đi. Quý vị bằng hữu, mỗi một động tác lễ nghi thật ra đều là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ cho họ. Tâm nhân hậu của các em cũng đang thực hiện từng li từng tí ngay trong những chi tiết nhỏ của đời sống. Vì vậy, để dép cũng phải khiến cho khách có thể thuận tiện mang vào là đi được liền. Dì ấy bước vào, chúng liền nói: “Mời dì ngồi ạ, con sẽ đi pha nước mời dì!”. Trước mời dì ấy ngồi, sau đó nói: “Mời dì uống trà ạ! Con sẽ đi gọi mẹ con về”. Đây chính là lễ nghi tiếp đãi khách mà ở trong gia đình các em phải học tập.

Ở trường học, khi nhìn thấy thầy giáo lớp bên cạnh đến, chúng sẽ làm thế nào vậy? Chúng có thể đứng tại chỗ và bắt đầu cất cao giọng: “Thầy ơi! Có thầy giáo lớp bên cạnh tìm thầy” hay không? Thái độ này không phù hợp lễ phép. Cho nên điều này cũng phải dạy học trò, hướng dẫn các em nhất định trước tiên phải: “Thưa thầy! Thầy đợi một chút để em đi gọi thầy em đến”. Nói với thầy đó xong thì đi tìm thầy của mình đến gặp. Nghĩa là phải làm tốt công việc từ đầu đến cuối. Thật ra khi các em thực hiện lễ nghi thì tính nhẫn nại, bình tĩnh của các em sẽ liên tục được hình thành và bồi dưỡng trong quá trình thực hiện những lễ nghi này.

Trong công ty hoặc trong cửa hàng, nếu như có người đến tìm bạn của mình hoặc tìm cấp trên, thông thường mọi người đứng trước tình cảnh này sẽ làm thế nào? Ví dụ có người muốn tìm giám đốc, giám đốc đang họp mà chúng ta lại nói: “Tìm giám đốc hả? Ông ấy ở trong đó” thì có được không? Nếu vị khách này bước vào mà bên trong đang họp thì sẽ xảy ra tình huống gì? Rất bối rối. Cuộc họp diễn ra nửa chừng, cuối cùng là tiếp tục họp hay phải tiếp đón khách? Như vậy là rất thất lễ. Nếu như hết lần này đến lần khác xảy ra tình huống này, khi vị chủ quản truy cứu ra thì có thể quý vị sẽ không thể giữ được công việc, bởi vì quý vị thành công thì ít mà hỏng việc thì nhiều! Đứng trước tình cảnh như vậy cần phải trước tiên mời khách: “Mời ông ngồi”. Sau đó pha một ly nước mời họ uống, rồi nói: “Để tôi đi xem thử giám đốc có bận việc không? Xin ông đợi một chút”. Nếu quý vị thấy giám đốc đang họp thì xin chỉ thị. Nếu giám đốc phải họp mười phút, hai mươi phút nữa thì phải trở lại nói cho khách biết, để khách có sự chuẩn bị. Vì vậy, lúc nào cũng phù hợp lễ nghi, lúc nào cũng khiến cho người khác cảm thấy rất thoải mái.

Lễ nghi tiếp đãi khách không chỉ ở trong gia đình, trong nhà trường, trong công ty, mà thậm chí còn ở cơ quan chính phủ. Những người mà cơ quan chính phủ tiếp đón là ai vậy? Rất nhiều khả năng là những nhân vật quan trọng của các nước, hoặc là nhân dân trong nước. Nếu như công chức của đơn vị chính phủ làm việc mà không phù hợp lễ nghi, thì có thể quốc gia sẽ bị mất mặt với các nước khác, hơn nữa cũng sẽ khiến cho nhân dân trong nước mất đi niềm tin đối với Chính phủ. Cho nên, lễ thật sự là rất quan trọng.

Khổng Lão Phu Tử nói: “Bất học lễ, vô dĩ lập”, không biết lễ nghi thì khó có chỗ đứng trong xã hội, trong đoàn thể. Chúng ta có thể hiểu câu Kinh văn này là lễ nghi tiếp đón.

4.      Kinh văn:

“Xưng tôn trưởng, vật hô danh. Đối tôn trưởng, vật hiện năng.

“Gọi người lớn, chớ gọi tên. Với người lớn, chớ khoe tài”.

4.1    “Gọi người lớn, chớ gọi tên”

Khi xưng hô với người lớn không nên trực tiếp gọi tên tuổi của họ ra, đây cũng là một loại tâm cung kính. Tôi còn nhớ khi ở nhà, tôi xưng hô với hai người chị đều gọi là chị cả, chị hai. Bỗng nhiên có bạn bè hoặc bạn học hỏi tôi rằng: “Chị của bạn tên là gì?”, khi nói tên của chị mình ra, tôi cảm thấy không thoải mái, dường như cảm thấy có một chút không tôn kính. Do đó, không nên xem thường cách xưng hô này, gọi càng lâu sẽ càng thân mật. Xưng hô là “chị”, “anh” thì giữa người và người với nhau sẽ ngày càng thân mật. Nhưng nếu như gọi thẳng tên ra, ví dụ vợ chồng xưng hô với nhau cũng chỉ có ba chữ (nghĩa là tên một người gồm ba chữ, ví dụ Quách Phú Thành – lời người dịch), gọi ba chữ lâu rồi thì bầu không khí sẽ càng ngày càng lạnh nhạt, thậm chí có khi càng gọi càng nổi giận. Do đó, cách xưng hô chúng ta cũng cần phải dùng “chú”, “bác”, “dì” để xưng hô đối với người lớn. Ra ngoài xã hội, ví dụ chúng ta gọi: “Giám đốc Trần”, “Chủ tịch Trần”, xưng hô như vậy người ta nghe sẽ thoải mái, mà mình cũng không đến nỗi mạo phạm người khác.

Thời nay, bọn trẻ ở nhà hay ở trường cũng cần phải thực hiện thái độ này. Ví dụ nói chúng ta làm giáo viên, giữa đồng nghiệp với nhau, đứng trước mặt các em không nên trực tiếp gọi “Thầy Lễ Húc” hoặc “Thầy gì gì đó”. Không nên xưng hô như vậy, bởi vì như vậy cũng là đang gọi tên của giáo viên. Cần phải xưng hô là “Thầy Trần”, “Thầy Thái”. Đây cũng là làm gương cho các em xem. Tuy giữa người lớn chúng ta với nhau xưng hô có thể thân mật một chút, nhưng trẻ nhỏ phải học tập thái độ khiêm cung từ nhỏ, cho nên người làm giáo viên như chúng ta cũng nên chú ý đến chi tiết nhỏ này. Đây là “gọi người lớn, chớ gọi tên”.

Người phương Đông bị ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Người phương Tây xưng hô với cha mẹ của mình đều trực tiếp gọi tên, nên rất nhiều người cảm thấy mặt trăng phương Tây tương đối tròn [hơn mặt trăng ở phương Đông]. Chúng tôi có một người bạn, anh xem trong sách nói có thể trực tiếp gọi tên, cuối cùng anh bảo con gái gọi thẳng tên họ của cha mẹ. Sau khi gọi được mấy năm, lúc tôi đến Hải Khẩu dạy “Đệ Tử Quy” thì anh mới biết là sai rồi! Con gái của anh nói chuyện với anh đã ngang hàng với anh. Đến lúc này rất khó hướng dẫn. Vì vậy, xưng hô phải có lớn nhỏ, có tôn ti trật tự. Lễ nghi này không thể bỏ qua.

4.2    “Với người lớn, chớ khoe tài”

Buổi sáng chúng ta cũng có nhắc đến trẻ nhỏ học để nâng cao tài năng thì chúng ta phải hướng dẫn chúng mục đích của có tài năng là gì? Học tập nhiều tài năng như vậy, mục đích cuối cùng là vì cái gì? Quý vị bằng hữu! Quý vị dắt con cái đi học nhiều tài năng như vậy để làm gì? Điều này rất quan trọng. Mục đích của quý vị sẽ dẫn dắt con cái đi theo phương hướng này.

Có một em học trò của tôi học lớp sáu mà học thêm đến bốn môn. Tôi nghĩ, chỉ cần em vào lớp chăm chỉ lắng nghe thì nhất định không cần phải học thêm nhiều như vậy. Tôi liền gọi em lại để trao đổi . Tôi nói: “Em học thêm bốn môn là quá nhiều! Hay là trước tiên em chỉ học thêm hai môn thôi?”. Cuối cùng em bé gái này nói: “Thầy ơi! Không được. Ở dãy phố chúng em ai cũng học thêm bốn môn hết”. Quý vị xem, mục đích các em đi học thêm là gì vậy? Người khác đều đi học thêm, ta không được phép thua người ta. Cũng vậy, hiện nay học nhiều tài nghệ như vậy mục đích ở chỗ nào? Là người ta biết đàn piano, ta không biết không được. Người ta biết khiêu vũ, ta không biết không được. Nếu như đều để đi ganh đua với người khác, ưa thể diện, thì sau khi trẻ học những tài nghệ này rồi không những không có lợi ích gì (bởi vì học nhiều thứ quá thì không thể vững chắc được), mà còn có thể tiêm nhiễm nếp sống phù phiếm, sau khi học rồi thường muốn đi khoe khoang với người khác. Cho nên, thái độ của phụ huynh vô cùng quan trọng.

Buổi sáng chúng ta cũng nhắc đến, nếu như chúng học nghệ thuật thì chúng ta cần phải hướng dẫn chúng phải có chí hướng. Học nghệ thuật phải tạo được phúc cho mọi người. Xã hội, quốc gia là một thể hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi người cống hiến năng lực và tài hoa của mình để lợi ích đoàn thể. Do đó, chúng ta hướng dẫn các em: “Các em thấy những bản nhạc do Tiên sinh Lý Thúc Đồng sáng tác đến nay vẫn không ngừng hun đúc tính tình con người. Nếu các em học âm nhạc thì cũng nên giống như tiên sinh Lý Thúc Đồng vậy, phải có chí hướng cao xa. Muốn chuyển hóa được phong tục, không gì tốt bằng âm nhạc, dùng âm nhạc để cải thiện nếp sống xã hội”. Khi chúng ta hướng dẫn như vậy, các em sẽ có chí hướng, thì tin rằng việc học tập của các em nhất định sẽ rất khác so với những em khác. Khi các em học môn nghệ thuật nào đó chỉ để khoe khoang thì chắc chắn các em sẽ gặp phải chướng ngại không thể đột phá. Bởi vì khi chúng thích ganh đua với người khác thì chúng sẽ lo được lo mất, tâm trạng sẽ trở nên rất nghiêm trọng, đến lúc đó không thể vượt qua được. Nhưng khi chúng có chí hướng thì chúng sẽ không ngừng cổ vũ mình phải tiến lên phía trước. Cho nên, chí hướng là mấu chốt để quyết định sự thành hay bại.

Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nhắc đến chí của việc học cần phải ở Thánh Hiền. Người hiện nay chí của việc học là ở kiếm tiền. Vì vậy, người học bây giờ đều học rất khổ sở, họ tức muốn chết khi họ thi không đỗ. Mục tiêu đó đã sai. Cũng vậy, rất nhiều người học nghệ thuật nhưng chí hướng nghệ thuật ở đâu vậy? Cũng ở kiếm tiền, nên công phu của họ không thể thăng hoa. Chúng ta phải nắm được căn bản.

Mục đích học của Phạm Trọng Yêm ở đâu vậy? Phải nắm lấy cơ hội có thể vì nhân dân phục vụ. Với tâm thái đó của ông thì hiệu quả học có giống với người đi học chỉ vì công danh không? Chắc chắn là khác nhau. Giáo dục phải “thận ư thủy”, phải cẩn thận ngay từ đầu. Do đó, chúng ta hướng dẫn các em học năng khiếu, học kỹ năng cũng phải có quan niệm đúng đắn.

Không được phép khoe tài năng là để trưởng dưỡng thái độ khiêm tốn cho các em. Trong “Kinh Dịch” có nói: “Quẻ Khiêm sáu hào đều tốt”. Trong “Kinh Thư” cũng nói: “Tự mãn thì chuốc lấy tổn hại, khiêm cung thì được lợi ích”. Trong sáu mươi bốn quẻ của “Kinh Dịch”, mỗi quẻ đều có tốt – xấu xen lẫn nhau, chỉ có một quẻ mà tất cả sáu hào đều tốt là “Quẻ Khiêm”. Vì vậy, một đứa trẻ biết khiêm tốn thì có thể mọi việc đều thuận lợi.

Bốn thiên trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói về triết học nhân sinh rất quan trọng, trong đó thiên thứ tư là miêu tả lợi ích của khiêm tốn. Ban đầu Tiên sinh Viên Liễu Phàm cũng đã từng tham gia mấy lần thi tiến sĩ. Trước khi thi, ông đều quan sát những học trò sắp thi này và phát hiện có một số người rất khiêm tốn, khiêm hạ hơn người, đối với mọi người rất cung kính, rất nhã nhặn. Tuy những người học trò này có người tuổi còn rất trẻ, nhưng ông cảm thấy họ nhất định sẽ thi đậu. Cuối cùng kết quả thi đúng như dự đoán, người khiêm tốn đều thi đậu.

Chúng ta cũng phải luôn luôn nhắc nhở các em từ nhỏ phải biết khiêm tốn. Cho dù tài hoa ngày nay của chúng ta cao đi nữa, tài hoa này có phải dựa vào bản thân mình mà có hay không? Không phải, mà là do trong quá trình trưởng thành đã có rất nhiều người chăm sóc, dìu dắt chúng ta. Cho nên, càng có tài hoa thì chúng ta càng phải nên tri ân sự cho đi của nhiều người như vậy đối với chúng ta. Có được thái độ như vậy thì tự nhiên sẽ không còn kiêu ngạo. Do đó, “với người lớn, chớ khoe tài”.

5.      Kinh văn:

“Lộ ngộ trưởng, cấp xu ấp. Trưởng vô ngôn, thoái cung lập. Kỵ hạ mạ, thừa hạ xa. Quá do đãi, bách bộ dư”.

Gặp trên đường, nhanh đến chào, người không nói kính lui đứng. Phải xuống ngựa, phải xuống xe, đợi người đi, hơn trăm bước.

5.1    “Gặp trên đường, nhanh đến chào. Người không nói, kính lui đứng”

Khi đi trên đường mà gặp người lớn thì chúng ta phải chủ động bước đến chào hỏi. Tôi cũng đã từng nghe mẹ tôi nói có một số học trò mẹ từng dạy nhưng gặp bà trên đường thì lập tức tránh né chứ không có bước đến chào. Quý vị bằng hữu, tình trạng này là do nguyên nhân gì tạo nên? Đương nhiên là có rất nhiều tình huống. Ví dụ chúng tôi làm giáo viên nhưng chưa đủ thân với các em, nên các em đều bỏ chạy. Cũng có khả năng các em này từ nhỏ không quen hành lễ với người lớn. Khi các em không chủ động hành lễ với người lớn là do các em không hiểu cách đối nhân xử thế này. Do đó chúng ta cũng phải nói cho các em biết, gặp người lớn nhất định phải bước đến cúi đầu chào hỏi. Đây là lễ nghi khi gặp nhau.

Quý vị bằng hữu, cúi chào có dễ hay không? Bây giờ bảo quý vị cúi người chín mươi độ để chào một người thì có thể rất nhiều vị không quen. Ở Thẩm Quyến có một trường mẫu giáo huấn luyện các em cúi chào. Đã huấn luyện khoảng một – hai tháng, vẫn tiếp tục đang tập cúi chào. Phải khiến cho động tác này nội hóa thành tâm cung kính của chúng.

Có một cậu bé, mẹ của cậu có ba chị em, cha của cậu có bốn chị em nhưng chị em của mẹ cậu chưa có con, chị em của cha cậu cũng chưa có con, chỉ có một mình cậu là cháu nên có nhiều người quan tâm cậu. Quý vị bằng hữu, cậu bé này có dễ nuôi không? “Khó nuôi!”. Sao quý vị biết vậy? Ông bà ngoại, ông bà nội và rất nhiều người lớn cưng chiều cậu. Có một lần, ông nội của cậu nói với những người lớn này: “Nhìn thấy đứa cháu nội này giống như nhìn thấy tôi vậy. Lời đứa cháu này nói ra chính là lời tôi nói. Nếu như ai đánh nó chính là đánh tôi”. Tình trạng này tiếp diễn thì đứa bé này sẽ như thế nào? Nó sẽ xem trời bằng vung. Cho nên, nếu như người lớn không biết dạy trẻ con như thế nào thì quả thật thương chúng chính là hại chúng. Chúng ta xem, trẻ con hiện nay rất khó dạy là do nuông chiều. Cha mẹ của em nhìn thấy tình trạng này, lúc đó cũng có cơ duyên bắt đầu học “Đệ Tử Quy”, cảm thấy tình trạng không ổn, cần phải dẫn em về.

Một lần, khi cậu bé này ăn cơm, nhìn thấy thức ăn trên bàn quá ít nó lập tức dùng chân đạp bàn, lùi lại phía sau và nói: “Thức ăn ít quá, con không ăn đâu!”. Như vậy có đúng không? Không đúng! Nhưng mà rất bình thường, bởi vì họ cưng chiều em như vậy, đã nuông chiều em thành ông vua con rồi. Mà vua ăn cơm phải bao nhiêu món vậy? “Một trăm món”. Sao quý vị biết rõ như vậy? Vì vậy, thức ăn quá ít thì em không ăn. Sau khi mẹ của em dẫn em về, vào buổi sáng đã nấu món cháo rất dinh dưỡng cho em ăn. Em nói với mẹ rằng: “Con chỉ ăn mì, con không ăn cháo!”. Mẹ của em cũng không tức giận, bởi vì “băng dày ba thước không phải do một ngày giá lạnh”, đã hình thành thói quen xấu lâu rồi, bây giờ cần nhẫn nại để điều chỉnh em trở lại. Do đó người mẹ nói: “Con không ăn? Được! Thế thì thôi”. Cuối cùng đến khoảng chín giờ, em nói với mẹ rằng mình rất đói. Mẹ của em lại bưng bát cháo đó ra, em vẫn không chịu ăn. Hiện nay rất nhiều em nhỏ tính nết rất ương bướng. Làm thế nào đây? Không nên đối đầu với chúng, mà phải mài mòn chúng. Không ăn thì lại cất vào. Chín giờ rưỡi thì em đã đói không chịu nổi. Mẹ em bưng cháo ra thì em liền ăn ngấu nghiến ngay. Sau khi ăn xong còn nói: “Ngon ơi là ngon!”. Đúng rồi! Em không biết nỗi khổ của nhân gian.

Khi gia đình đưa em đi nhà trẻ. Người cha và mẹ này cũng rất để tâm phối hợp với thầy cô giáo, liền dạy em cúi chào. Mẹ của em dắt em đến gặp thầy giáo, bảo em phải cúi chào thầy giáo, nhưng cậu bé đó vẫn đứng yên bất động. Thế là mẹ của em bắt đầu cúi chào thầy rồi nói với em: “Con hãy chào giống như mẹ đi nào!”. Người mẹ này cúi chào khoảng hơn chục lần mà cậu bé vẫn như như bất động. Nhưng vì đã sắp đến giờ làm, mẹ của cậu bèn vội vàng quay về. Về đến cổng khu phố thì cảm thấy không ổn, vì giáo dục phải cẩn thận ngay từ đầu. Lúc đầu không dạy tốt thì về sau muốn dạy sẽ càng khó khăn. Cô liền gọi điện thoại cho chồng của cô. Chồng cô lập tức vội vàng chạy đến, hai vợ chồng cùng nhau đến trước mặt đứa con nói: “Bây giờ cha dạy con cúi chào, hãy cúi chào thầy đi nào!”. Sau đó cha của cậu liên tục cúi chào, cũng không biết đã cúi chào bao nhiêu lần. Cậu bé này đứng ở đó òa khóc. Tấm lòng chân thành này của người cha đã làm tan chảy tâm trơ trơ như gỗ đá của cậu. Cậu bé cũng ngay đó cúi chào thầy giáo một cái. Khi cậu có thể cúi xuống chào một lần rồi thì về sau sẽ không còn khó khăn nữa. Cho nên, dạy một đứa trẻ thì sự hợp tác giữa phụ huynh và thầy cô giáo rất quan trọng.

Người mẹ này cũng rất có độ nhạy bén về giáo dục. Bởi vì cậu bé này được nhiều người cưng chiều như vậy nên không có tâm cung kính đối với người khác, nên cô lúc nào cũng đang điều phục cái tâm kiêu ngạo của cậu, hy vọng cậu có thể cung kính. Mỗi lần họ sắp rời khỏi khu phố, bởi vì khu phố đều có nhân viên bảo vệ, nên người mẹ bảo con mình: “Nào! Con hãy chào chú đi nào! Nói con chào chú đi nào!”. Cậu bé này cũng không chịu chào. Có một lần, mẹ của cậu đứng bên cạnh anh nhân viên bảo vệ này nói với con của mình: “Hôm nay con không cúi chào thì chúng ta không đi được”. Cậu bé vẫn cứng đầu không chịu chào. Bà liền nói với con rằng: “Từ người lãnh đạo quốc gia cho đến tất cả người làm việc, mỗi người đều có cống hiến đối với xã hội, đều đáng để chúng ta tôn kính. Các con tuổi còn nhỏ như vậy cũng cần có cha mẹ chăm sóc, và còn rất nhiều người phục vụ cho con. Vì vậy con phải chủ động đi cảm ơn chú bảo vệ này, chào hỏi với chú”. Cô giáo dục cậu bé này ngay trước mặt những nhân viên bảo vệ. Khi các em có thể tiếp thu những đạo lý này, có thể cúi chào những người lớn, thì tin rằng thái độ cung kính này sẽ giúp ích vô cùng cho cả đời của trẻ.

Lễ nghi khi gặp mặt chúng ta có thể dùng cúi chào. Giữa người lớn với nhau hiện nay thông thường dùng phương pháp bắt tay. Thật ra, bắt tay là nghi lễ của phương Tây. Thông thường chúng ta cũng đều cúi chào một cái. Đương nhiên khi gặp người lớn thì chúng ta phải “nhanh đến chào”, phải chủ động cúi chào. Quý vị không được từ xa nhìn thấy ông nội mà cứ từ từ bước đến một cách ung dung thong thả, như thế là không cung kính. Đứng trước người lớn chúng ta có thể hành lễ cúi chào, nếu ngang hàng thì cúi chào thật tự nhiên. Chúng ta thấy hiện nay có bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc là “Thương Trường”, khi họ gặp mặt nhau đều cúi chào như thế này, cảm thấy rất thoải mái. Ngay cả nhìn thấy người không ưa họ cũng biết kìm nén lại để hành lễ.

Những điều cần chú ý khi bắt tay

Hiện nay có rất nhiều trường hợp đều dùng bắt tay để chào hỏi nhau, xin hỏi bắt tay cần phải chú ý những điểm gì?

  • Thứ nhất, chúng ta cần suy nghĩ đến thứ tự bắt tay

Ai là người đưa tay ra trước mới phù hợp với nghi lễ? Người lớn với người nhỏ thì ai là người đưa tay ra trước? Người lớn đưa tay ra trước, người nhỏ đưa tay ra sau. Nếu người lớn không đưa tay ra trước thì chúng ta chỉ cần cúi chào là được.

Cấp trên với cấp dưới ai là người đưa tay ra trước vậy? Cấp trên đưa tay ra trước. Ví dụ quý vị đến công ty của người khác, gặp Chủ tịch Hội đồng Quản trị của họ. Chủ tịch chưa đưa tay ra mà quý vị đã đưa tay ra nói: “Chào anh! Chào anh!”. Người ta chưa biết quý vị là ai, và nếu họ không đưa tay ra thì chẳng phải quý vị sẽ rất bối rối sao? Do đó, đối diện với cấp trên của người khác thì cũng phải đợi cấp trên đưa tay ra trước, sau đó chúng ta mới đưa tay ra. Thứ tự này không được đảo lộn, nếu không sẽ xuất hiện những tình huống khó xử.

Giữa người nam và người nữ thì ai đưa tay ra trước? “Người nữ”. Quý vị đều rất có kinh nghiệm. Người nữ đưa tay ra trước. Nếu không, khi người nam đưa tay ra, người ta không bắt tay với quý vị thì quý vị cũng rất khó xử. Đây là thứ tự.

  • Điều thứ hai, khi chúng ta bắt tay cần chú ý đến thái độ

Bắt tay cần chú ý những động tác nào, những thái độ nào vậy? Chúng ta hãy luyện diễn tập thực tế. Có quý vị nào xung phong lên để chúng ta bắt tay thử không? Xin mời anh bạn này!

Cuộc đời sẽ có rất nhiều sự biến hóa, khi quý vị tiếp xúc quý vị phải thật tự nhiên.

Chúng ta gặp bạn bè, nếu bắt tay thì trước tiên chúng ta phải chú ý đến ánh mắt, mắt phải nhìn đối phương. Ví dụ tôi hiện giờ bắt tay với anh: “Chào anh! Chào anh!” nhưng mắt nhìn đi chỗ khác, thì đối phương sẽ cảm thấy như thế nào? “Sao mà không có thành ý vậy!”. Có tình trạng này, bởi vì trong bữa tiệc gặp rất nhiều bạn bè, lúc bắt tay với họ mà mắt lại nhìn một người khác. Bắt tay và nói: “Chào bạn! Chào bạn!”, nhưng đầu óc để ở chỗ khác là rất không có thành ý. Cho nên, mắt phải nhìn thẳng vào đối phương. Chúng ta làm mẫu một lần nhé: “Chào bạn!”.

Ngoài ánh mắt ra còn phải chú ý đến tay, không nên dùng lực quá mạnh, nếu không sẽ khiến tay người ta bị đau. Ví dụ nắm tay anh thật mạnh và nói: “Chào bạn! Chào bạn!”. Sức chịu đựng của anh ấy tương đối tốt! “Độ mạnh” khi bắt tay cũng phải chú ý.

Tiếp đến, vị trí bắt tay cũng phải đúng. Ví dụ rất nhiều người khi bắt tay như không có sức vậy. Giống như bệnh nghề nghiệp vậy, chạm với người ta một chút. Việc này cũng không có thành ý. Cần phải nắm ở vị trí này, như vậy là rất tốt.

Tiếp đến, còn phải chú ý thời gian nắm tay, không được phép quá lâu. Nếu quý vị như thế này: “Chào anh!” và cứ giữ tay của đối phương không buông, anh ấy cũng không biết đến khi nào quý vị buông tay ra. Đặc biệt là người nam chúng ta khi gặp người nữ xinh đẹp thì điểm này càng không được phạm lỗi.

Khi chúng ta có thể chú ý mọi mặt thì người khác bắt tay với chúng ta sẽ rất vui vẻ. Khi bắt tay cũng phải khiến người ta cảm thấy thật thoải mái. Vâng, cảm ơn anh! Xin cho anh ấy một tràng pháo tay!

  • Thứ ba, sau khi bắt tay xong phải giới thiệu về nhau

Thứ tự giới thiệu thì ngược lại với thứ tự bắt tay. Ví dụ khi bắt tay thì người lớn đưa tay trước, người nhỏ mới đưa tay, nhưng khi giới thiệu thì trước tiên người nhỏ giới thiệu với người lớn, giới thiệu cấp dưới với cấp trên trước, giới thiệu người nam cho người nữ giới, ngược lại với khi bắt tay. Tuy đây là một nghi lễ, nhưng chúng ta thử nghĩ xem, khi quý vị dắt bạn học về giới thiệu cho cha, quý vị có nên nắm tay cha nói rằng: “Cha à! Chúng ta hãy làm quen với bạn học của con”. Như vậy sẽ rất kỳ cục! Thật ra, nghi lễ là một thứ tự rất tự nhiên. Làm gì có chuyện người lớn đi làm quen với một người mà chiều cao mới bằng một nửa họ chứ? Thế chẳng phải rất kỳ cục sao? Cho nên lễ nghi trong “Lễ Ký”, “Nhạc Ký” có nói: “Lễ giả, thiên địa chi tự dã”, lễ là thứ tự và quy luật rất tự nhiên của trời đất. Đây là tình huống cần chú ý trong giới thiệu.

Trong quá trình giới thiệu cũng rất có khả năng người ta sẽ đưa danh thiếp cho quý vị. Cách đưa danh thiếp và nhận danh thiếp cũng phải chú ý. Cách đưa danh thiếp như thế nào? Quý vị không nên đem hộp đựng danh thiếp ra phát cho từng người, vì như vậy khiến người khác cảm thấy không được tôn trọng. Khi một người không tôn trọng người khác thì thật ra cũng đã không tôn trọng chính mình. Tục ngữ nói là: “Tự chuốc lấy nhục”. Quý vị không kính trọng người khác, trên thực tế là đã không kính trọng mình rồi. Tấm danh thiếp đó là đại biểu cho quý vị, quý vị sao có thể phát tùy tiện như vậy được. Do đó, nên lấy ra một tấm danh thiếp và cầm hai tay đưa cho người khác. Vả lại, khi đưa cần phải để mặt trước của tấm danh thiếp hướng về phía người nhận, để khi nhận họ có thể xem được ngay. Nếu như quý vị đưa ngược thì họ còn phải xoay lại để xem. Chi tiết nhỏ này cũng chứng tỏ quý vị lúc nào cũng nghĩ thay cho người khác.

Quý vị tiếp nhận danh thiếp nhất định trước tiên phải xem một chút. “Gọi người lớn, chớ gọi tên”. Không chỉ đối với người lớn như vậy, mà thông thường giữa người với người khi giao tiếp với nhau, nếu như họ là Tổng giám đốc, là Trưởng khoa, thì chúng ta dùng chức danh của họ để xưng hô. Đó là tôn kính họ, họ cũng sẽ cảm thấy rất vui. Cho nên quý vị nhất định trước tiên phải xem họ tên. Ví dụ Trưởng khoa Trần thì nói: “Trưởng khoa Trần! Chào Trưởng khoa”. Quý vị không nên cầm xong cũng không biết họ tên của họ là gì, ngồi xuống muốn nói chuyện mới nhớ ra là đã quên xem, sau đó lại lấy danh thiếp ra để xem. Như vậy là quá kỳ cục!

Nhận danh thiếp rồi nên để ở đâu? Quý vị có thể cất vào ví. Rất nhiều người trực tiếp để nó ở trên bàn. Trong quá trình ăn cơm thì nước canh có thể rơi vào, đối phương nhìn thấy sẽ nghĩ: “Ôi! Danh thiếp của tôi!”. Vậy họ có còn muốn làm ăn với quý vị hay không, còn muốn hợp tác với quý vị không? “Anh không tôn trọng danh thiếp của tôi”, như vậy có thể để lại cho họ ấn tượng không tốt. Khi chúng ta lúc nào cũng có lễ, thì sẽ để lại cho người ta ấn tượng rất tốt, đó là quý vị đã xây chiếc cầu nối hữu nghị với người ta rồi. Cho nên, lễ nghi gặp mặt chúng ta cũng không được sơ suất.

Phía trên đã nói lễ nghi tiếp đón, bây giờ nói lễ nghi khi gặp mặt: “Gặp trên đường, nhanh đến chào. Người không nói, kính lui đứng”.

Ví dụ chúng ta chào hỏi người lớn, nếu như người lớn không có việc gì thì đợi họ đi rồi chúng ta mới đi. Gọi là “Người không nói, kính lui đứng”. Lúc tôi học đại học rất ít cơ hội về nhà, một học kỳ chỉ về nhà được vài lần. Khi chúng tôi vừa bước vào nhà, nhìn thấy cha mẹ, đây gọi là “gặp người lớn”, tôi nói: “Con chào cha mẹ ạ!”. Rất nhiều sinh viên về đến nhà chuyện trò qua loa dăm ba câu với mẹ thì còn bận rộn hơn lúc bình thường ở trường học. Bận làm gì vậy? Tìm nhóm bạn học cũ. Có tình trạng này không? Quý vị thấy, cha mẹ khó khăn lắm mới đợi được chúng ta trở về, có thể có rất nhiều điều muốn nói với chúng ta, nhưng chúng ta đều không để ý đến cảm nhận của cha mẹ và người lớn. Việc này tôi cũng đã từng làm, nên phải sám hối. Cần phải sau khi chào hỏi cha mẹ xong thì đem cất tất cả hành lý rồi nhanh chóng trở lại. Bởi vì một thời gian không nói chuyện với quý vị thì cha mẹ không hiểu tình hình của quý vị, nên nhất định sẽ có rất nhiều lo lắng. Vào lúc này quý vị nên ngồi xuống xem sách với mẹ cũng được, uống trà với mẹ cũng được, thời gian này tuyệt đối không được bỏ qua. Rất nhiều người liền nói: “Mẹ tôi cũng chẳng có chuyện gì để nói với tôi cả”. Bởi vì quý vị chào một cái liền đi mất, cha mẹ vẫn chưa kịp hỏi thăm gì. Thật ra khi quý vị thật có lòng tĩnh lặng ngồi lại với cha mẹ, với người lớn một chút thì linh cảm của họ liền xuất hiện ngay, và tự nhiên sẽ có rất nhiều chuyện để nói với quý vị. Chúng ta giao tiếp với người lớn cũng cần có tính nhẫn nại, ngồi với họ một lát. Thật sự ngồi được một lát rồi, cha mẹ không có gì để nói nữa thì chúng ta mới “người không nói, kính lui đứng”.

Tôi từ Hải Khẩu trở về, ngay chiều hôm đó trước tiên tôi đi thăm ông nội tôi. Thăm ông nội xong, tối trở về. Cũng đã hơn bốn tháng không nói chuyện cùng với cha mẹ, nên tôi lập tức buông hết mọi việc xuống, trước tiên là nói chuyện với cha mẹ. Khi nói chuyện là chúng tôi nói hai, ba tiếng đồng hồ. Trong quá trình nói chuyện này, chúng tôi đem tình hình công việc, cuộc sống của mình báo cáo với cha mẹ rất tỉ mỉ, để cha mẹ thật yên tâm về việc chúng tôi làm ở nơi đó. Tôi còn nhớ lần đầu tiên về báo cáo với cha của tôi, trong khi nghe ông đã ba lần rơi lệ. Bởi vì ông nghe ở Hải Khẩu, ở Thẩm Quyến có rất nhiều em nhỏ sau khi học xong trở về hành lễ với cha mẹ nên không cầm được nước mắt.

Sau đó, có một lần tôi quay lại Hải Khẩu tiếp tục công việc. Lần đầu tiên gọi điện thoại về nhà, cha tôi đã nói với tôi: “Con cứ ở đó làm việc cho thật tốt, đừng lo lắng việc gì cho gia đình. Việc ở nhà cha sẽ xử lý thật tốt”. Cha muốn tôi an tâm, hy vọng tôi đừng lo lắng.

Tôi còn nhớ tôi đã kể cho cha nghe chuyện về một em học trò của chúng tôi ở Hải Khẩu. Bởi vì thầy của em cũng rất chăm chỉ dạy các em học “Đệ Tử Quy”, nên khi tết đến được về nhà em liền muốn lạy cha mẹ để cảm ơn sự chăm sóc của cha mẹ trong một năm này. Em bé này định bưng ra hai ly trà, ở trong phòng chuẩn bị bước ra. Trước khi em bước ra thì cảm thấy hồi hộp, tim đập thình thịch, có chút không dám. Cuối cùng, khi em vẫn chưa bước ra thì nhà có vài vị khách đến chơi khiến em càng chùn bước hơn, có người khác thì càng thấy ngại ngùng. Nhưng rồi em lấy lại dũng khí: “Thầy đã dạy rồi thì chúng ta phải cố gắng làm”, nên em liền mở cửa đi thẳng đến trước mặt cha mẹ và quỳ xuống. Tất cả người thân vốn dĩ đang nói chuyện, nhưng khi cậu bé này vừa quỳ xuống thì tất cả mọi người đều im lặng. Không biết là sức mạnh gì mà tất cả mọi người đều im lặng như mặc niệm vậy! Sau đó cậu bé này nói: “Con cảm ơn công lao dưỡng dục của cha mẹ trong một năm qua. Trong thời khắc bắt đầu một năm này, chúc cha mẹ khỏe mạnh sống lâu!”, và quỳ lạy cha mẹ ba lạy. Các phụ huynh bên cạnh nhìn thấy đều rất cảm động. Cho nên, trẻ em cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn.

Cậu bé này sau khi trở lại trường học đã viết một bài văn. Cậu nói lúc cậu sắp cảm ơn cha mẹ thì thấy vô cùng hồi hộp, nhưng lúc cậu quỳ xuống thì bỗng nhiên cảm thấy đầu óc vô cùng sáng suốt. Bước đầu tiên tương đối khó khăn, nhưng chỉ cần quý vị dũng cảm bước đi thì quý vị sẽ càng làm càng tốt hơn.

5.2    “Phải xuống ngựa, phải xuống xe. Đợi người đi, hơn trăm bước”.

Việc này là miêu tả phương tiện giao thông thời xưa của chúng ta là ngồi trên ngựa, ngồi trên xe. Khi chúng ta ngồi trên ngựa, gặp người lớn thì cần phải mau xuống ngựa. Bởi vì nếu quý vị ngồi trên ngựa, gặp ông nội mà quý vị ngồi như vậy mà nói: “Ông nội! Cháu chào ông ạ!” thì rất không cung kính, vì vậy phải nhanh chóng xuống ngựa. Hoặc giả ngồi trên xe cũng phải trước tiên xuống xe hành lễ. Mở rộng ra, có thể là lúc đó quý vị đang bận, ví dụ đang ngồi làm việc trên máy tính, có người lớn đến thì trước tiên cần phải để mọi thứ xuống, chào hỏi trước. Lúc nào cũng không được quên tâm cung kính này.

Hiện nay là ngồi trong xe hơi, xe đang chạy trên đường cao tốc, bỗng nhiên phát hiện chú mình đang chạy xe thì làm thế nào? Có nên hạ kính xe xuống rồi kêu lớn: “Chào chú!” hay không? Lúc này phải nghĩ đến sự an toàn. Học lễ nghĩa phải học cho linh hoạt, không nên học cứng nhắc.

Vừa rồi câu phía trước vẫn chưa giảng xong: “Phải xuống ngựa, phải xuống xe. Đợi người đi, hơn trăm bước”.

“Đợi người đi, hơn trăm bước” này chúng ta có thể diễn giải thành lễ nghi tiễn khách. “Đợi người đi, hơn trăm bước” là tiễn người lớn. Tiễn khách thì phải đợi sau khi họ rời khỏi rồi chúng ta mới đi.

Khi giảng giải điều này, tôi cũng thường cho học trò đi thực tập tiễn khách, một người đóng vai chủ nhà, một người đóng vai khách. Người đóng vai khách bước ra cửa nói: “Tạm biệt!”, người chủ nhà lập tức đóng cửa cái “rầm”. Những học trò khác bèn cười ầm cả lên. Sau đó tôi lại mở cửa ra và hỏi vị khách đó: “Nếu như người ta tiễn em như vậy, em có cảm giác như thế nào?”. Học sinh đó nói: “Giống như nóng lòng muốn đuổi em đi cho nhanh vậy. Lần sau em sẽ không đến nữa”. Cho nên, tiễn khách cũng phải khiến người ta có cảm giác giống như được tiếp đón, được tôn trọng.

Chúng tôi ngoài thao tác thực tế ra còn thông qua thảo luận trực tiếp. “Các em thân mến! Các em cảm thấy tiễn khách như thế nào là hợp lý?”. Rất nhiều em nhỏ bắt đầu suy nghĩ tiễn khách đến cửa thang máy, thang máy xuống rồi các em mới quay lại. Như vậy thì trong lòng khách sẽ cảm nhận rất ấm áp. Nếu như không có thang máy thì sao? Thì chúng ta tiễn khách đến đầu cầu thang rồi mới quay lại.

Người xưa khi tiễn đưa người lớn và các bậc sư trưởng thật sự đều làm được “đợi người đi, hơn trăm bước”, đều nhìn thấy thầy giáo đã đi khuất, không còn nhìn thấy bóng dáng nữa họ mới rời đi.

Khi tôi đến Úc để học, học rồi thì phải thực hành, nên buổi tối khi thầy giảng bài xong, chúng tôi cùng nhau tiễn thầy về nơi thầy ở. Tôi cứ đứng mãi ở nơi đó, đợi đến khi thầy đã vào phòng rồi tôi mới rời đi. Những bạn học khác thấy rất kỳ lạ, tại sao tôi cứ đứng ở đó mãi vậy? Tôi liền nói với họ rằng: “Đợi người đi, hơn trăm bước”. Thật ra khi chúng tôi đang làm động tác này thì trong lòng thật sự vô cùng hoan hỷ. Bởi vì trong quá trình tiễn đưa thầy như vậy, trong đầu chúng tôi không ngừng hiện lên tình huống là nếu như trong cuộc đời, chúng ta không gặp được thầy thì không thể mở mang trí huệ, phiền não không dứt. Chính bởi vì nhờ có thầy dạy bảo từng li từng tí, chúng tôi mới có thể có được nhiều sự trưởng thành trong cuộc sống. Quá trình tiễn đưa thầy bằng ánh mắt cũng hàm chứa cái tâm cảm ân, quý trọng cái duyên thầy trò này. Người xưa chung sống với nhau vô cùng có tình nghĩa. Chính vì có được tình nghĩa này nên họ mới viết ra được rất nhiều áng văn thơ vô cùng cảm động lòng người.


Hết tập 19. Xin mời xem tiếp tập 20.


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!