Tập 20: Học tập lễ nghĩa tiến / lui trước người lớn. Cẩn trọng trong lời nói, cử chỉ như thế nào?
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
4. Kinh văn: “Gọi người lớn, chớ gọi tên. Với người lớn, chớ khoe tài”.
4.1 “Gọi người lớn, chớ gọi tên”.
4.2 “Với người lớn, chớ khoe tài”.
5. Kinh văn: “Gặp trên đường, nhanh đến chào, người không nói, kính lui đứng. Phải xuống ngựa, phải xuống xe, đợi người đi, hơn trăm bước”.
5.1 “Gặp trên đường, nhanh đến chào. Người không nói, kính lui đứng”.
5.2 “Phải xuống ngựa, phải xuống xe. Đợi người đi, hơn trăm bước”.
6. Kinh văn: “Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi”.
7. Kinh văn: “Trước người lớn, phải nói nhỏ. Nhỏ không nghe, không đúng phép”.
8. Kinh văn: “Đến phải nhanh, lui phải chậm. Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng”
9, Kinh văn: “Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”.
CHƯƠNG THỨ BA: CẨN
3.1 Kinh văn: “Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”.
(Tiếp theo tập trước)
Chúng ta vừa nói đến người xưa rất trọng tình nghĩa, việc này đều được biểu lộ với người thân, bạn bè. Cho nên Lý Bạch đã viết bài thơ “Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng”, trong đó có đoạn:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Bạn từ lầu Hoàng Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
“Cô phàm viễn ảnh bích không tận”. Ông tiễn bạn là đợi đến khi hoàn toàn không còn nhìn thấy bạn nữa thì mới quay về. Tình nghĩa đó, tâm lưu luyến đó của ông đối với bạn đã biểu lộ ra trong lúc tiễn biệt bạn.
Trẻ nhỏ hiện nay có thể viết được áng thơ như vậy không? Rất khó. Bởi vì trẻ nhỏ hiện nay không có tâm cung kính và tương đối nôn nóng, bồn chồn. Vì vậy chúng ta cũng trong những lễ nghi này mà trưởng dưỡng lòng cung kính của trẻ đối với người khác.
Mấy hôm trước, người anh kết nghĩa của tôi từ Đài Trung đến nghe tôi diễn giảng. Sau khi nghe được hai tiết thì lại có việc gấp nên buổi chiều hôm đó anh phải ra đi. Anh nói không đến nghe tôi giảng thì anh cảm thấy rất tiếc. Sự ủng hộ của anh đối với tôi không nói cũng biết, anh thật sự rất ủng hộ tôi. Sau đó tôi liền tiễn anh đi một đoạn cho đến lúc anh lên tàu lửa. Khi tàu lửa đã rời khỏi, tôi vẫn cứ mãi đứng ở đó, “đợi người đi, hơn trăm bước”. Bỗng nhiên nhớ đến quen biết với anh mười năm nay, rất nhiều quyết định của tôi anh đều rất ủng hộ. Tuy rất nhiều lần tôi bị thất bại, nhưng anh vẫn luôn luôn tín nhiệm tôi. Anh nói: “Chỉ cần em giữ cái tâm ban đầu này đối với mọi người, đối với xã hội, thì nhất định sẽ làm được những việc lợi ích cho người khác”. Cho nên anh luôn luôn quan tâm tôi. Mấy năm nay, anh nhìn thấy tôi tập trung tinh thần vào giáo dục anh cũng rất vui, rất yên tâm.
6. Kinh văn:
“Trưởng giả lập, ấu vật tọa. Trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa”.
“Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi”.
Khi người lớn đứng thì người nhỏ chúng ta không được ngồi. Khi người lớn bảo chúng ta ngồi thì chúng ta mới ngồi. Đây là lễ nghi tiến thoái. Học lễ nghi cũng phải học cho linh hoạt, không nên học cứng nhắc. Ví dụ nhìn thấy người khác thì phải hành lễ, phải cúi chào, nhưng khi quý vị đang trong thang máy rất chật hẹp, bỗng nhiên nhìn thấy chú của quý vị đến, quý vị có nên cúi chào ông không? Nếu cúi chào thì có thể người bên cạnh đều bị quý vị hất qua một bên. Cho nên học lễ phải vận dụng cho linh hoạt. Vừa rồi giáo sư Trương cũng nói khi trong nhà vệ sinh thì không nên hành lễ cúi chào, mà đợi đi ra rồi hãy chào. Chúng ta phải tùy theo tình thế, tùy tình hình mà vận dụng.
Có một vị thầy giáo cũng đã học “người lớn ngồi, cho phép ngồi”. Khi ông đến một đơn vị khác để trao đổi với người phụ trách nơi đó, đối phương là người nữ, cả hai đứng nói chuyện rất lâu thì người phụ nữ này liền ngồi xuống. Nhưng bởi vì thầy giáo của tôi xem cô là người lớn, “Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi”, người lớn chưa cho phép nên ông vẫn tiếp tục đứng. Người phụ nữ này nói chuyện cứ phải ngước mặt lên, bởi vì ông rất cao mà cô thì ngồi, nên cô cảm thấy đầu rất mỏi. Cô nói: “Anh ngồi xuống đi, cổ của tôi sắp không chịu nổi rồi!”. Khi chúng ta nhìn thấy người khác cứ phải ngước đầu lên nhìn, thì không cần đợi người lớn bảo chúng ta ngồi, chúng ta cứ ngồi xuống thật tự nhiên. Học không nên học cứng nhắc.
Có một bé gái khoảng chừng vài ba tuổi, một hôm đi dạo chơi cùng với cha mẹ và bà ngoại trong công viên. Cha của bé ngồi đó xem báo, cô bé thì ngồi trên chiếc ghế dài. Bỗng nhiên bà ngoại của cô bé đi đến, cô bé liền nhảy xuống. Bởi vì chiếc ghế đó tương đối cao, cô bé nhảy xuống không đứng vững nên chúi về phía trước, ngã xuống. Bà ngoại và cha của cô bé đều cảm thấy rất kỳ lạ, liền vội vàng đứng lên đỡ cô bé dậy và hỏi: “Con làm gì mà phải nhảy xuống vậy?”. Cô bé trả lời: “Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi, bởi vì bà ngoại đến nên con vội vàng nhảy xuống”. Việc này khiến người cha rất xấu hổ. Cả bà ngoại đến người cha vẫn thờ ơ ở đó xem báo, vậy mà đứa con gái mới hai – ba tuổi của anh đã biết đứng lên chào bà và nhường chỗ. Hậu sinh khả úy! Đứng trước những em bé học sách Thánh Hiền này, chúng ta cũng cố gắng học tập giống như các em vậy, thực hiện được “Đệ Tử Quy”.
7. Kinh văn:
“Tôn trưởng tiền, thanh yếu đê. Đê bất văn, khước phi nghi”.
“Trước người lớn, phải nói nhỏ. Nhỏ không nghe, không đúng phép”.
Việc này cũng là lễ phép khi nói chuyện. Đứng trước người lớn thì cũng phải nói nhỏ nhẹ một chút, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện của người lớn. Trẻ nhỏ hiện nay đối với việc lúc nào nên nói chuyện, lúc nào không nên nói chuyện hay bị thiếu sót. Thường khi những đứa trẻ gặp nhau thì không thể kiềm chế được, chúng la hét ầm ĩ làm náo loạn trời đất. Vào lúc này người lớn chúng ta cần phải ngăn chặn đúng lúc, nếu không khi chúng đã thành thói quen rồi thì rất khó dạy dỗ chúng. Do đó, phát hiện các em nói chuyện rất lớn tiếng ảnh hưởng đến người lớn nói chuyện thì phải nhanh chóng nhắc nhở: “Các con hãy nói nhỏ một chút!”. Có một số vị trưởng bối nói: “Nói nhỏ một chút!”, trẻ liền nói nhỏ ngay. Nhưng nói nhỏ được ba phút chúng lại không kiềm chế được. “Nói nhỏ một chút đi!”. Sau đó được ba phút lại không hiệu quả. Vị trưởng bối lại nói: “Thôi đi, thôi đi! Cứ mặc kệ chúng nó!”. Như vậy có đúng không? Không đúng. Cho nên, giáo dục cần phải thật nhẫn nại mới được.
Người xưa rất nhấn mạnh đạo trung dung. Thật ra đạo trung dung biểu hiện trong đời sống thường ngày của một người. Ví dụ mặc quần áo có cần đạo trung dung hay không? Mặc quá nhiều thì rất nóng, mặc quá ít thì sẽ bị lạnh. Ăn cơm thì sao? Ăn quá nhiều thì bị đau dạ dày, ăn quá ít thì sẽ bị đói. Nói chuyện có cần trung dung hay không? Cần. Cho nên, “trước người lớn, phải nói nhỏ”. Nhưng nếu như nói chuyện với người lớn mà nói không rõ ràng thì rất thất lễ. Vì vậy,“nhỏ không nghe, không đúng phép”. Nói chuyện với người lớn phải làm sao cho người lớn nghe rõ ràng chúng ta đang nói gì.
8. Kinh văn:
“Tiến tất xu, thoái tất trì. Vấn khởi đối, thị vật di”.
“Đến phải nhanh, lui phải chậm. Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng”.
Cũng cần chú ý là khi nói chuyện mắt phải nhìn vào đối phương, nhìn vào người lớn, gọi là “khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng”.
Chúng ta nói chuyện với trẻ nhỏ hiện nay, ánh mắt của chúng có thể tập trung nhìn vào chúng ta được bao lâu vậy? Rất khó có thể tập trung lâu, được mười giây là khá lắm rồi! Trẻ nhỏ nói chuyện với người khác mà mắt không chuyên chú, chứng tỏ tâm của chúng không có cung kính, rất nông nổi. Tại sao trẻ nhỏ hiện nay lại nôn nóng như vậy? Chính là do quá thiếu giáo dục về lễ phép, lâu ngày thì “tôi làm theo ý của tôi thôi”. Do đó, những chi tiết nhỏ này cũng cần người lớn chúng ta cố gắng nhẫn nại hướng dẫn, từ từ khiến các em có thể đi vào khuôn phép, lúc nào cũng nghĩ cho người khác.
“Đến phải nhanh, lui phải chậm”. Gặp người lớn phải nhanh chóng đến, không nên để người lớn đợi quá lâu. Khi nói chuyện với người lớn xong, chúng ta chuẩn bị rời đi thì từ từ lui lại mấy bước, sau đó hãy bước đi. Quý vị không nên khi người lớn vừa nói chuyện xong thì quý vị lập tức nói: “Vâng, tạm biệt!”, liền rời đi. Như vậy giống như nói với người lớn rằng: “Tôi muốn đi ngay lập tức, không muốn chậm thêm một giây nào nữa!”. Lúc nào chúng ta cũng chú ý đến cảm nhận của người khác, cho nên “lui phải chậm”.
9. Kinh văn:
“Sự chư phụ, như sự phụ. Sự chư huynh, như sự huynh”.
“Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”.
Từ “chư phụ” (chú bác) này, vào thời xưa có ý nghĩa là bác, chú, có thể mở rộng là cậu và những người lớn. Còn “chư huynh” gồm có anh em bên nội, chị em bên nội, anh em bên ngoại, chị em bên ngoại, những quan hệ thân thích này.
Chúng ta có thể hồi tưởng lại một chút, những người chú, người bác này cũng đều giúp đỡ, chăm sóc chúng ta trưởng thành, cũng không biết đã từng bồng bế chúng ta bao nhiêu lần, trong lòng cũng thầm cầu chúc chúng ta khỏe mạnh, trưởng thành, cũng đều rất quan tâm chúng ta. Tục ngữ nói: “Thọ ơn người một chút cũng phải báo đáp vạn lần”. Có thái độ như vậy, có phúc hậu thì cuộc đời mới tràn đầy niềm vui.
Lần diễn giảng này tôi cũng nhìn thấy rất nhiều vị trưởng bối, rất nhiều bạn hữu là những người tôi quen biết mấy năm gần đây, cũng có rất nhiều người một vài năm không gặp mặt. Khi gặp mặt thì những vị trưởng bối và những người bạn này cũng rất vui vẻ. Họ cũng cầu chúc cho tôi có thể trong khoảng thời gian này có chút tiến bộ. Khi tôi đứng trước lời cầu chúc chân thành của họ, tôi đều ghi nhớ trong lòng. “Thọ ơn một chút, báo đáp vạn lần”, nên càng cần phải cố gắng hoàn thiện mình, sau đó cống hiến cho xã hội, khiến cho những người cầu chúc cho mình đều có thể sinh tâm hoan hỷ.
Cũng giống như vậy, những người bác, người chú, người anh chị em bên nội này cũng đều đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta, cũng có rất nhiều sự dìu dắt rất quan trọng đối với chúng ta. Cho nên tấm thâm tình này chúng ta cũng phải luôn luôn giữ ở trong tâm. Khi họ có nhu cầu chúng ta nhất định tận tâm tận lực giúp đỡ họ.
Từ “chư phụ” (chú bác) này, ngoài những người có mối quan hệ thân thuộc ra, chúng ta cũng có thể mở rộng giải thích thêm. “Chư” có thể đại biểu cho nhiều người, cũng chính là chúng ta đều phải phụng dưỡng, phải có tâm cung kính đối với cha mẹ của bất kỳ người nào. Đối xử với bất kỳ anh chị em của người nào chúng ta cũng phải có tâm thương yêu, cũng phải quan tâm. Khi chúng ta dùng cách giải thích như vậy thì tấm lòng của chúng ta sẽ vô cùng rộng lớn. Tâm lượng lớn nên phước cũng lớn.
Cư sĩ Hứa Triết là quốc bảo của Singapore. Mấy chục năm trong đời cụ đều luôn dốc sức chăm sóc người bệnh, chăm sóc người nghèo khổ. Phóng viên hỏi cụ: “Cụ giúp đỡ nhiều người như vậy, giúp đỡ nhiều người ngoài như vậy…”. Phóng viên mới hỏi nửa chừng thì cụ liền nói: “Tôi đâu có giúp đỡ người ngoài. Người tôi giúp đỡ đều là anh chị em của tôi”. Trong thái độ của cụ, nơi nào là nhà của cụ vậy? Toàn bộ vũ trụ là nhà của cụ. Phóng viên lại hỏi cụ: “Cụ chăm sóc mọi người, vậy ai chăm sóc cho cụ?”. Quý vị xem, con người đều có rất nhiều phiền não, chăm sóc người khác cứ sợ mình không có ai chăm sóc. Cụ vui vẻ trả lời: “Tôi không cần ai chăm sóc cho tôi, ông trời sẽ chăm sóc tôi”. Quý vị xem, thái độ sống khoáng đạt biết bao! Thái độ sống này của cụ hoàn toàn tương ưng với Kinh điển Thánh Hiền.
Lão Tử có nói: “Đạo trời không thiên vị ai, nhưng thường đứng về phía người thiện”. Người lương thiện thì phước báo của họ không thể giới hạn. Trong tủ lạnh của cụ Hứa Triết không biết tại sao có rất nhiều đồ ăn, vả lại cũng không biết là do ai tặng. Quý vị bằng hữu, tại vì sao không biết do ai tặng vậy? Khi cụ cho đi không mong báo đáp thì người báo đáp cũng không muốn để cho cụ biết. Nếu như chúng ta hôm nay đi tặng quà có mục đích, quà đem đến còn phải nói với người nhận rằng: “Đây là quà tôi mang đến”. Khi chúng ta cho đi mà có mục đích, thì đối phương tiếp nhận cũng sẽ mang gánh nặng, giống như đang nợ quý vị một món ân tình vậy. Con người sống với nhau như vậy sẽ có áp lực. Nhưng cụ Hứa Triết cho đi là không mong báo đáp, vả lại cụ cảm thấy đó hoàn toàn đều là việc cụ cần phải làm. Vì vậy người tiếp nhận sự giúp đỡ của cụ đều cảm động từ trong nội tâm, nên khi có cơ hội có thể giúp cụ làm một số việc thì mọi người đều rất chủ động, mua một ít thức ăn để trong tủ lạnh của cụ.
Cô giáo Dương khi dạy các em học Kinh, viết thư pháp. Mỗi lần học xong, khi học sinh về hết, cô vào nhà bếp lúc nào cũng phát hiện một số thức ăn. Chỗ này một túi rau, chỗ kia một túi trái cây, cũng không biết do ai tặng. Chúng ta quả thật có thể dùng tâm chân thành của mình để tương giao với người khác. Khi quý vị xem người trong thiên hạ là anh em, thì người trong thiên hạ cũng sẽ xem quý vị là anh em, cho nên “trong bốn biển đều là anh em”. Đó là kết quả, vậy nhân phải gieo như thế nào? Nhất định chúng ta phải xem người trong thiên hạ như người một nhà, chúng ta phải chủ động cho đi thì mới có thể có được kết quả như vậy.
Trong “Hiếu Kinh” có một đoạn nói rằng: “Kính kỳ phụ tắc tử duyệt, kính kỳ huynh tắc đệ duyệt, kính kỳ quân tắc thần duyệt, kính nhất nhân nhi thiên vạn nhân duyệt”(kính trọng cha mẹ người thì con cái của họ vui, kính trọng huynh trưởng người thì em của họ vui, kính trọng vua nước người thì thần dân nước đó vui, kính trọng một người mà vạn người khác được vui). Thật ra quan hệ giữa người với người không phức tạp, chỉ cần quý vị có tấm lòng chân thành thì nhất định sẽ có được nhân duyên rất tốt.
“Kính kỳ phụ”, khi chúng ta rất cung kính cha mẹ của người khác, thì con cái của họ cũng sẽ vui vẻ, tin rằng quý vị cũng sẽ đối xử rất tốt với người trong gia đình của họ.
“Kính kỳ huynh”, tôn kính huynh trưởng của họ, thì tất cả những người em của họ cũng sẽ rất vui sướng.
“Kính kỳ quân”, quý vị tôn kính cấp trên của họ hoặc tôn kính công ty của họ, thì những đồng nghiệp làm chung với họ cũng sẽ rất tôn kính quý vị. Vì vậy, khi chúng ta lúc nào cũng có tâm cung kính, thì tự nhiên sẽ có được tình hữu nghị với nhiều người.
Ngoài việc phải cung kính đối với cha, với anh mà chúng tôi vừa mới nói, phải tiến thêm một bước là làm được “yêu ai yêu cả đường đi lối về”, phải kính “chư phụ” (chú bác), kính “chư huynh” (anh họ); con cái của anh, con cái của em, con cái của bác, con cái của chú, chúng ta cũng cần phải yêu thương.
Ngày xưa, vào thời triều Minh có một vị nữ sĩ tên là Chương Giai Anh. Cha mẹ của cô qua đời từ rất sớm, nên từ nhỏ cô đã mồ côi. Cô có ba người anh, nhưng sau đó ba người anh cũng qua đời rất sớm. Cô cùng với chị dâu chăm sóc những người cháu. Nhưng thật không may, ba người chị dâu này của cô cũng lần lượt qua đời. Trong tình cảnh như vậy, cô Chương Giai Anh liền quyết chí nhất định phải gánh vác trách nhiệm cố gắng nuôi dạy những người cháu này trưởng thành. Khi cô có thái độ như vậy, đó chân thật là “việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”. Bởi vì cô làm như vậy nhất định sẽ khiến cho các anh của cô được an ủi nơi chín suối. Các anh được an ủi thì cũng sẽ khiến cho cha mẹ được an ủi. Cho nên chúng ta phải “yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Suốt đời cô không lấy chồng, nhưng cô có bị thiệt thòi không? Tin rằng khi cô dùng tâm yêu thương chân thành để yêu thương những người cháu thì cuối đời cô cũng sẽ được những người cháu này phụng dưỡng.
Trong quá trình dạy học, tôi cũng đã từng gặp học sinh có cha mẹ đã qua đời và được người cô nuôi dưỡng. Khi người cô này tìm hiểu đối tượng đều nói với người yêu mình rằng: “Khi lấy chồng tôi nhất định phải mang theo hai đứa cháu này”. Lúc đó, khi tôi nói chuyện với cô ấy (cô của học sinh này), thì trong lòng tôi dâng lên niềm kính phục. Thật sự khi nói chuyện với cô đến nửa chừng có khi tôi không ngăn nổi nước mắt, rất cảm nhận được chủ tâm trung nghĩa đó của cô. Khi mỗi vị đều có thể lúc nào cũng yêu thương con cháu mình, tin rằng dù trong hoàn cảnh gia đình không được viên mãn cũng sẽ có sự phát triển rất tốt. Đây là nhắc đến: “Yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Cho nên đối với người lớn phải kính trọng, đối với người nhỏ phải yêu thương.
Phía trên chúng tôi có nói đến Cụ Hứa Triết, cụ cũng xem người trong thiên hạ như người nhà của mình.
Vào thời triều Tấn có một người có học thức tên là Tổ Thích. Khi đó nước Tấn không được ổn định, phía bắc có loạn Ngũ Hồ. Ông bất đắc dĩ phải dắt mấy trăm hộ gia đình, bao gồm người thân và những người hàng xóm trong làng cùng nhau chuyển đến Hoài Tứ. Từ nhỏ ông đã rất có nghĩa hiệp, rất hay chăm sóc người. Trên đường di chuyển đến Hoài Tứ, toàn bộ những xe ngựa này ông đều nhường cho người lớn tuổi ngồi, bản thân ông thì đi bộ. Ông cũng đem toàn bộ tài sản, thuốc men trong nhà ra cho mọi người dùng, trên đường luôn chăm sóc mọi người như vậy. Lúc đó Tấn Nguyên Đế rất khâm phục đức hạnh của ông, nên phong cho ông một chức quan, và ông làm cũng rất tốt. Hơn nữa, ông thường xuyên ôm ấp ý định nhất định phải lấy lại những đất đai mà tổ quốc bị mất. Ông có hoài bão to lớn như vậy. Quả đúng như thế, trong cuộc đời của ông cũng đã lấy lại được rất nhiều đất đai mà nhà Tấn bị mất. Trong quá trình lánh nạn này, Tổ Thích cũng luôn luôn thay mọi người lo liệu cuộc sống, đều phụ giúp họ làm sao canh tác, làm sao để có thu hoạch tốt. Khi gặp những bộ hài cốt (bởi vì thời chiến tranh loạn lạc nên thường có rất nhiều hài cốt khắp nơi trên mặt đất), Tổ Thích liền tổ chức mọi người mang những hài cốt này đem chôn cất, còn tổ chức cúng tế cho họ. Những hành động này khiến những người đi theo ông rất cảm động.
Có một lần, khi mọi người cùng nhau ăn cơm, rất nhiều vị lớn tuổi trong khi nói chuyện đã nói: “Chúng ta đã già cả như vậy rồi, lại gặp được Tổ Thích thì giống như cha mẹ của mình tái thế vậy. Chúng ta có chết cũng không hối tiếc”. Tấm lòng nhân nghĩa này của Tổ Thích không biết đã cảm động được bao nhiêu người, nên khi Tổ Thích qua đời thì toàn bộ nhân dân đau buồn giống như cha mẹ họ qua đời vậy. Thật sự Tổ Thích đã thực hiện được câu: “Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”.
Khi tôi đến Úc học, có gặp một vị trưởng bối lớn tuổi hơn cha tôi. Thời gian ở Úc, ông bị xuất huyết dạ dày, nôn ra rất nhiều máu cục. Khi ông đến học viện của chúng tôi, khi tôi gặp ông thì thấy toàn bộ sắc mặt ông đều nhợt nhạt, trắng xanh. Tôi vội vàng thông báo cho những nhân viên làm việc ở nơi đó nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện. May mà không có trở ngại gì lớn xảy ra, chỉ cần cố gắng điều dưỡng một khoảng thời gian. Bởi vì chúng tôi đến đây là để học nên mỗi ngày đều có rất nhiều bài để học. Vị trưởng bối này cần phải có người chăm sóc nên tôi liền xung phong. Tôi nói: “Hãy để tôi chăm sóc”. Tôi muốn lĩnh hội một chút cảm nhận của việc hiếu dưỡng cha mẹ. Bởi vì tôi sống với cha mẹ một thời gian, dù rất nhiều bạn bè nói “anh thật hiếu thảo!”, nhưng tôi thấy rất hổ thẹn, bởi vì sức khỏe của cha mẹ còn tốt hơn tôi. Bề ngoài là tôi chăm sóc cha mẹ, nhưng thật ra rất nhiều việc là do cha mẹ chăm sóc cho tôi. Bây giờ ở Úc có cơ hội này, vị trưởng bối này bị bệnh thì tôi có thể thực hiện câu “cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”. Những việc này tôi đều có thể làm được. “Sáng phải thăm, tối phải viếng”, luôn luôn theo dõi nhu cầu của ông. Tôi rất vui vẻ, tuy không thể lên lớp được nhưng tôi có thể thông qua việc chăm sóc vị trưởng bối này để thật sự làm được những gì mình đã học. Bởi vì dạ dày ông bị tổn thương nên không thể ăn được những thức ăn khó tiêu hóa, cần phải ăn những loại thức ăn dạng bột giống như cho trẻ sơ sinh ăn, hơn nữa cứ khoảng vài tiếng đồng hồ phải ăn một lần. Tôi bắt đầu học cách chăm sóc người già, cứ hai tiếng lại nấu một chén cháo mạch cho ông ăn. Trong quá trình này, tôi đã nâng cao mức độ cẩn thận của mình. Vị trưởng bối đó cũng rất vui vẻ khi tôi giúp ông dưỡng bệnh.
Cũng bởi nhân duyên này mà tôi học được rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế từ vị trưởng bối này. Vị trưởng bối này tuy là công nhân, công việc của ông cũng rất nhiều, có khi ông còn phải xuống rất sâu dưới cống thoát nước để làm việc. Ông dẫn đầu rất nhiều người Ấn Độ. Singapore là nơi có rất nhiều người từ rất nhiều quốc gia khác di dân đến. Ông nói ông dẫn đầu người của các nước, lúc nào ông cũng xung phong xuống trước. Xuống đó rất nguy hiểm nên ông không để công nhân của ông xuống trước, mà tự mình xung phong xuống trước. Đời sống công nhân có khi rất túng thiếu, ông đều hết lòng giúp đỡ họ mà không hề tính toán, cũng không bao giờ đòi lại. Như vậy, trong quá trình này tôi lại được thân cận với một người nhân đức. Tuy ông là người lao động chân tay nhưng ông lại thích văn hóa Thánh Hiền, và còn viết được chữ Tiểu Triện rất đẹp. Chúng ta phải thật sự kính trọng, lễ phép với mọi người, vì có rất nhiều nhân tài đang tiềm ẩn ở xung quanh mà chúng ta không biết. Nếu như quý vị có thể không ngừng duy trì tâm cung kính thì thật sự quý vị lúc nào cũng gặp được quý nhân, và có thể lĩnh hội được câu: “Gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”.
Bởi vì chúng tôi sống cùng với nhau nên chăm sóc lẫn nhau. Khi tôi cần phải ra đi trước thì bác Trần này cùng với một số vị nam giới ở cùng với chúng tôi tập trung với nhau vào tối ngày hôm trước khi tôi ra đi. Sau đó họ tiễn tôi đi. Tôi cũng lĩnh hội được rất sâu tình cảm không nỡ xa lìa giữa những người nam với nhau. Cho nên, không chỉ có tình cảm chân thật giữa nam và nữ, mà giữa nam với nam cũng có tình nghĩa chân thật. Điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta phải có lòng chân thành đối xử với người khác. Vì vậy, “việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”.
CHƯƠNG THỨ BA
CẨN
Chúng ta nhìn thấy chữ “cẩn” này liền nghĩ đến điều gì vậy? Phải thật cẩn thận! Cẩn thận khi nói năng, hành động. Thật ra chương “Nhập tắc hiếu” (Ở nhà phải hiếu) và chương “Xuất tắc đễ” (Biểu hiện người em) đều có quan hệ với cẩn thận. Những lễ nghi trong chương “Xuất tắc đễ” như: “Người lớn đứng, trẻ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi. Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau” đều là chừng mực trong lời nói và hành động, chúng ta cũng cần cẩn thận khi giao tiếp.
Có một công ty đầu tư nước ngoài nổi tiếng ở Bắc Kinh cần tuyển nhân viên. Ứng viên cũng phải làm các bài kiểm tra và thi tiếng Anh. Trong quá trình này đã loại ra rất nhiều người, cuối cùng còn lại một số người chuẩn bị thi vấn đáp lần cuối cùng. Lúc đó ông chủ của công ty đi vào, ngồi cùng với họ một lát thì ông chủ này nói: “Bây giờ tôi có việc cần phải ra ngoài khoảng mười phút, các vị đợi tôi một chút”. Ông chủ này đi ra ngoài. Mọi người ngồi ở bên trong được một vài phút thì đứng dậy. Sau đó nhìn thấy trong văn phòng có một số tài liệu, họ liền mở ra xem. Sau khi xem xong còn đưa cho người khác xem và người này cũng mở ra xem. Mười phút trôi qua, ông chủ này bước vào và nói: “Các vị đều không được tuyển chọn”. Bởi vì trong văn phòng có lắp máy quay phim, nên ông chủ nhìn thấy người nào cũng chạm vào tài liệu của công ty. Bởi vì họ chưa được học câu: “Việc tuy nhỏ, chớ tự làm. Nếu đã làm, thiếu đạo con”. Họ cũng chưa được học qua: “Vào phòng trống, như có người”. Cho dù không có chủ nhân, cho dù không có người khác ở đó, chúng ta cũng phải giữ chừng mực, không được mảy may khinh suất.
Khi ông chủ này tuyên bố: “Các vị đều không được tuyển chọn”, thì những người này giận dữ bất bình: “Sao có thể như vậy được!”. Những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học này nói: “Từ nhỏ đến lớn không có ai nói cho chúng tôi biết không được phép tự ý mở xem tài liệu của người khác”. Việc đối nhân xử thế này vô cùng quan trọng, nên chúng ta phải cẩn thận.
Nhìn ở góc độ nhỏ, thì chữ “cẩn” này có thể hiểu là khi chúng ta không cẩn thận sẽ làm trở ngại đến người khác. Ví dụ quý vị ngồi không đàng hoàng, chân cứ duỗi thẳng ra thì rất có thể sẽ làm người khác vấp ngã. Nếu như ở góc độ lớn, quý vị không đủ cẩn thận cũng có thể gây nên tai họa, gây nên thương vong.
Trước đây, ở Mỹ có một vụ rơi máy bay trực thăng. Sau đó điều tra ra nguyên nhân là do máy bay thật ra đã có vết nứt nhưng khi kiểm tra không phát hiện, cho nên máy bay bị rơi còn người thì bị thiệt mạng. Vì vậy, khi chúng ta làm công việc cần làm của mình cũng phải luôn luôn cẩn thận, nếu không có thể do sơ suất mà gây nên tổn hại đến tài sản và tính mạng của người khác.
Giống như tôi thường xuyên phải đi máy bay đến rất nhiều nơi để diễn giảng. Nếu như không cẩn thận, hôm nay phải đi Malaysia mà không tìm thấy hộ chiếu thì sẽ xảy ra tình huống gì? Bởi vì không có “nón quần áo, để cố định, chớ để bừa, tránh dơ bẩn” nên sẽ có kết cục gì vậy? Không chỉ bản thân mà có thể toàn bộ tâm trí sẽ vô cùng căng thẳng, nếu đi không được sẽ có lỗi với những người đang chờ đợi mình. Vì vậy, cẩn thận tuy là một việc nhỏ, nhưng sức ảnh hưởng của nó quả thật rất lớn. Nếu như người lãnh đạo của một đơn vị không cẩn thận, thì cũng có thể vì một lỗi rất nhỏ mà gây nên tổn thất không cách gì bù đắp được. Do đó, nhất định phải hình thành thái độ cẩn thận cho trẻ ngay từ nhỏ.
Năm ngoái, ở Trung Quốc Đại Lục xảy ra một vụ án khiến mọi người đều phải suy ngẫm, đó là vụ án “Mã Gia Tước”. Mã Gia Tước là một sinh viên đại học. Anh vẫn chưa tốt nghiệp nhưng tham gia rất nhiều thí nghiệm vật lý, hóa học trên toàn quốc, cũng rất có danh tiếng. Anh ấy có ưu tú không? Ưu tú. Cuối cùng, bởi vì xung đột với bạn học mà anh ấy đã giết bốn người, bị truy nã toàn quốc. Vụ án này đã làm chấn động cả giới giáo dục, khiến họ phải suy nghĩ việc chú trọng giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên.
Tôi cũng đã hỏi một số người bạn rằng: “Khi bạn thấy Mã Gia Tước làm như vậy, bạn suy nghĩ như thế nào?”. Có một số người nói rằng: “Người như vậy thì chỉ có mau đem ra tử hình, đem ra bắn”. Có một số người trong ngành giáo dục có thể không nhìn ở góc độ này, họ cảm thấy Mã Gia Tước rất đáng thương. Anh ấy vẫn chưa bước chân ra xã hội, tại vì sao lại gây ra việc tàn nhẫn, việc tày đình như vậy? Sau sự kiện này, gia đình phải xem lại, trường học cũng phải suy ngẫm tại vì sao một sinh viên đại học có thành tích ưu tú như vậy nhưng không được học về thái độ làm người. Hơn nữa, trước khi sự việc này xảy ra, có lẽ anh ấy là niềm tự hào của cha mẹ. Bởi vì anh là người ở nơi làng quê xa xôi mà thi đậu đại học, trong làng quê đó của họ chỉ có anh ấy là sinh viên đại học. Vì vậy, thật sự chúng ta không nên bị những thứ “danh” bên ngoài này nhấn chìm, mà cần phải nhìn thấy thực chất hơn.
Điều khiến cuộc đời một người có thể sống vững vàng, viên mãn không phải là học lực mà là đức hạnh. Mã Gia Tước chưa có học “Đệ Tử Quy”. Nếu như anh ấy đã học “phàm là người, đều yêu thương” thì anh ấy sẽ không gây ra chuyện như vậy. Nếu như anh được học “anh thương em, em kính anh”, hoặc được học “lời nhường nhịn, tức giận mất” thì sẽ không gây nên chuyện đáng tiếc này.
Tại vì sao anh ấy giết người? Bởi vì bạn học của anh thường hay cười nhạo anh vì anh quá nghèo, anh không có áo quần đẹp để mặc. Trong tù, anh còn nói với trưởng trại giam rằng: “Bộ quần áo này là bộ đẹp nhất mà tôi từng được mặc”. Khi tất cả bạn học đều cười nhạo anh như vậy, thì cảm giác tự ti của anh sẽ càng ngày càng cao. Do bị kích thích như vậy nên anh mới bị mất lý trí.
Từ sự việc này, tôi cũng muốn cảnh báo với phụ huynh rằng, quý vị cần đứng từ một góc độ khác nữa để nhìn sự việc, đó là tại vì sao những bạn học này bị giết? Vì sao vậy? Có phải do ngẫu nhiên không? Không phải. Bởi vì họ không có chừng mực trong cách làm người, họ chưa có học được: “Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”. Họ chưa có học được: “Người có lỗi, chớ vạch trần; việc riêng người, chớ nói truyền”. Họ đem việc riêng tư người khác ra giễu cợt thì làm sao trách người ta đối xử không có lý trí được. Còn có một câu nói rằng: “Khen người ác, chính là ác; ác cùng cực, tai họa đến”. Người ta như chó bị dồn vào chân tường.
Từ sự việc này chúng ta cũng phải suy ngẫm, chúng ta dạy con cái tuyệt đối không được để chúng làm tổn hại người khác giống như Mã Gia Tước. Chúng ta cũng phải dạy con cái không được đi gây chuyện, công kích người khác. Khi các em nói chuyện cười nhạo người khác, khinh miệt người khác, thì bản thân phụ huynh chúng ta phải cẩn thận, bởi vì việc này sẽ khiến cho cuộc đời sau này của các em đầy rẫy nguy cơ. Từ sự việc này chúng ta cũng hiểu được rằng, thật sự phải cẩn thận trong nói năng, hành động.
3.1 Kinh văn:
“Triều khởi tảo, dạ miên trì. Lão dị chí, tích thử thời”.
“Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”.
Ý nghĩa của câu này là buổi sáng thức dậy sớm một chút, buổi tối ít ngủ một chút. Rất nhiều phụ huynh sẽ nói: “Như vậy các con sẽ không khỏe mạnh, để chúng ngủ nhiều một chút”. Thật ra ngủ có khi còn quan trọng hơn ăn, bởi vì trong khi ngủ thì toàn bộ cơ thể con người đang nghỉ ngơi, rất nhiều chức năng cơ thể đang hồi phục, nên thông thường nhu cầu ngủ của trẻ nhỏ cũng tương đối nhiều. Nhưng nếu như một người rất có chí hướng, vô cùng sung sức, thời gian ngủ của họ cũng sẽ tự nhiên từ từ giảm bớt.
Chúng tôi đều nói cô Dương Thục Phương là người “ngủ sớm, dậy sớm”. Đó là ý gì vậy? Hai – ba giờ sáng cô ngủ, sáu – bảy giờ sáng thức dậy, nên gọi là “ngủ sớm, dậy sớm”. Không biết quý vị đây có gặp cô Dương Thục Phương chưa? Quý vị thấy cô một ngày ngủ bốn tiếng đồng hồ nhưng thần sắc, gương mặt hồng hào. Chúng tôi đều là những người trẻ tuổi mà cảm thấy không bằng cô. Ở Trung Quốc Đại Lục có một vị thầy Đông y rất tài giỏi bắt mạch cho cô. Ông nói với cô Dương rằng: “Cô ngủ ít như vậy mà thần sắc tốt như thế chính là bởi vì cô hấp thu khí của trời đất”. Khí của trời đất là gì vậy? Là “hạo nhiên chính khí” (nguồn năng lượng tốt lành do tâm thiện lành sinh ra). Khi chúng ta niệm niệm đều có chủ tâm giống như cổ Thánh tiên Hiền, thì tình trạng thân tâm của chúng ta sẽ càng ngày càng tốt. Nhưng “dục tốc tắc bất đạt” (muốn nhanh coi chừng hỏng việc), quý vị không nên nói: “Ta phải noi theo cô Dương, hôm nay về chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ”. Đến lúc đó, sau một tuần cả người sẽ bị gầy ốm xuống thì tôi không chịu trách nhiệm đâu nhé! Chúng ta có thể làm cho cuộc sống thêm phong phú một cách từ từ như xem nhiều sách. Khi quý vị pháp hỷ sung mãn rồi thì ham muốn ngủ có thể sẽ dần dần giảm bớt.
“Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ”, bởi vì người thời xưa đều rất hiếu thảo, nên họ dậy rất sớm để làm việc nhà.
Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nói: “Lê minh tức khởi, sái tảo đình trừ. Ký hôn tiện tức, quan tỏa môn hộ” (Mờ sáng dậy ngay, rảy nước quét sân, để trong ngoài gọn sạch. Đêm đến đi ngủ, đóng rào khóa cửa, tất phải tự kiểm tra). Tối đến phải đi kiểm tra cửa nẻo trong nhà xem đã đóng cẩn thận hay chưa, sau đó mời cha mẹ đi ngủ; cha mẹ đều ngủ rồi thì họ mới đi ngủ. Cho nên “tối ngủ trễ”.
Chúng ta cũng thường hay nghe một số bài thơ ngày xưa rằng: “Tam canh đăng hỏa ngũ canh kê, chính (chánh) thị nam nhi khổ độc thời” (canh ba chong đèn đến canh năm gà gáy, chính là thời gian dùi mài học tập của đấng nam nhi). Khi cuộc đời họ có chí hướng thì họ sẽ quý trọng thời gian, không muốn lãng phí. Người xưa rất quý trọng thời gian, gọi là “một tấc vàng không mua nổi tấc thời gian”. Thật sự khi quý vị có rất nhiều tiền, có tài sản bạc triệu cũng tuyệt đối không thể mua được thời gian đã qua đi.
Khi một đứa trẻ vô cùng cung kính, vô cùng cẩn thận đối với thời gian, thì chúng sẽ không dễ dàng lãng phí thời gian.
Vào thời nhà Hán, có một bài thơ Nhạc Phủ viết rằng: “Bách xuyên đông đáo hải, hà nhật phục tây quy, thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi” (trăm sông đều đổ về biển Đông, ngày nào mới quay lại phía Tây. Thời trẻ không chăm chỉ, về già sẽ đau thương). Chúng ta mong muốn cuộc đời của con cái không có những điều đáng tiếc như vậy xảy ra thì từ nhỏ nhất định phải dạy cho chúng biết quý trọng thời gian.
Hơn nữa, thời gian làm việc, nghỉ ngơi phải bình thường, không nên cứ đến ngày nghỉ là thức đến nửa đêm, ngày hôm sau lại ngủ đến trưa. Ngủ như vậy tôi thật sự không thể học được. Chúng tôi hướng dẫn các em đọc Kinh cũng phải chú trọng cách sống, làm việc và nghỉ ngơi. Do đó, chúng tôi nói với các em sáu giờ rưỡi thức dậy, bảy giờ phải đọc “Đệ Tử Quy”. Những em nhỏ này khoảng sáu – bảy tuổi, sau khi học xong thì thật sự làm được.
Vào ngày mồng một tết, bởi vì giao thừa nên các em ngủ tương đối trễ, mẹ của các em liền chỉnh đồng hồ báo thức trễ hơn một giờ, để cho các em ngủ thêm một chút. Cuối cùng cô bé này có lẽ là do sinh hoạt đã quen, khoảng hơn sáu giờ thì thức dậy, nhìn đồng hồ mới hơn năm giờ nên bé ngủ tiếp. Nhưng em cảm thấy càng ngủ càng khó chịu: “Sao mà thời gian qua chậm như vậy?”. Cô bé lại xem đồng hồ thì thấy bảy giờ. Cuối cùng khi em chạy ra khỏi phòng xem đồng hồ thì thấy tám giờ rồi, cô bé lập tức khóc to và nói: “Tám giờ rồi mà con chưa đọc Đệ Tử Quy”.
Tại sao cô bé khóc vậy? Quý vị xem, cô bé có trách nhiệm đối với học vấn của mình. Cô bé kính trọng thầy cô giáo nên không muốn làm trái lời thầy cô dạy. Chúng ta làm phụ huynh phải phối hợp với thầy cô giáo, không nên nuông chiều các em. Trẻ con ngủ ít nửa tiếng không sao cả. Nhưng nếu khiến em mất đi tâm cung kính đối với thầy cô giáo, đó mới là vấn đề.
Hết tập 20. Xin mời xem tiếp tập 21.