Tập 21: Học tập lễ nghi nghe điện thoại. Dạy dỗ trẻ nhỏ quý trọng thời gian, sinh hoạt có quy củ và có phong thái đoan nghiêm như thế nào?
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
3.1 Kinh văn: “Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”.
3.2 Kinh văn: “Sáng rửa mặt, phải đánh răng. Tiểu tiện xong, rửa tay sạch”.
3.3 Kinh văn: “Mũ phải ngay, nút phải gài. Vớ và giày, mang chỉnh tề”.
3.1 Kinh văn:
“Triều khởi tảo, dạ miên trì. Lão dị chí, tích thử thời”.
“Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”.
(Tiếp theo tập trước)
Lễ nghi nghe gọi điện thoại
Phần trước chúng tôi có đề cập đến việc phải tiếp đón khách như thế nào, cách chào hỏi ra sao, cũng đề cập đến lễ nghi tiễn khách. Trong phần lễ nghi tiếp khách có một phần chúng ta không được xem thường, chính là lễ nghi nghe gọi điện thoại.
Trẻ em hiện nay có biết nghe điện thoại không? Tôi đã từng gọi điện thoại cho người bạn, con của người bạn này nghe máy. Tôi hỏi: “Ba của con có nhà không?”. Cháu nói: “Không có!”. “Ba con đi đâu vậy?”. “Không biết!”, liền bỏ điện thoại xuống. Nếu như trẻ em ngay cả việc nghe điện thoại cũng không biết, thì ngoài việc không có tâm cung kính ra còn làm mất mặt gia đình. Vì vậy, chúng ta cũng nên dạy bảo các em lễ nghi nghe điện thoại. Chúng ta nên để các em luyện tập thực tế lễ nghi nghe điện thoại. Khi nhấc điện thoại lên thì nói: “Dạ con xin chào! Con là Thái Lễ Húc”, giới thiệu tên của mình. Sau đó hỏi: “Xin hỏi bác/cô/chú tìm ai vậy?”. Ví dụ như nghe nói: “Ba con có ở nhà không?”, nếu ba có ở nhà thì nói: “Xin chú đợi một chút, để con đi gọi ba”, sau đó đặt điện thoại xuống và gọi ba đến nghe. Nếu ba không có ở nhà thì chúng phải biết cách ứng xử ra sao. Có thể hỏi người gọi đến: “Thật tiếc, ba cháu không có ở nhà. Xin hỏi chú là ai vậy? Có việc gì cần cháu chuyển lời cho ba cháu không ạ?”, nghĩa là có thể hỏi thăm. Suy cho cùng, khách gọi điện thoại đến là vì có việc, vì vậy chúng ta nên hỏi rõ ràng để họ không bị phí một cuộc điện thoại. Chúng ta cũng có thể hỏi người gọi đến: “Xin hỏi chú có việc gì gấp không ạ?”. Giả như là việc gấp thì có thể nói số điện thoại di động của ba cho người gọi đến biết. Cho nên, các cháu từ nhỏ biết được cách ứng xử như thế nào thì mức độ thành thạo khi làm việc của chúng ngày càng cao.
Sau cùng, gọi điện thoại còn có một động tác, đó là khi gọi điện thoại cho người lớn xong nhất định phải đợi người lớn gác điện thoại trước thì chúng ta mới gác điện thoại. Bởi vì có thể người lớn vẫn còn một vài điều muốn nói, nếu chúng ta tắt điện thoại trước thì có thể họ chưa nói xong nhưng điện thoại đã tắt rồi. Động tác này cũng là thể hiện tâm cung kính đối với người lớn.
Chúng ta phải cẩn thận lời nói, việc làm. “Lời nói có thể làm cho đất nước hưng thịnh, lời nói cũng có thể làm cho đất nước suy vong”. Vì vậy, cuộc sống nên cẩn thận thì có thể tránh được nhiều sai lầm, thậm chí có thể tránh được tai nạn.
Có một người bạn, anh ấy hẹn ba người bạn cùng đi ăn cơm. Rốt cuộc có hai người đến, còn một người vẫn chưa đến. Anh ta đứng ở cửa vừa đợi vừa nói: “Sao người đáng phải đến thì lại chưa đến!”. Hai vị kia ngồi trong nhà, có một vị bắt đầu cảm thấy khó chịu: “Người đáng phải đến thì không đến, vậy có phải mình là người không nên đến không?”. Do đó, người bạn này có chút không vui, liền bỏ về. Anh ấy trông theo người bạn bỏ về nói: “Người không nên về vì sao lại về?”. Người bạn còn lại nghĩ: “Như vậy mình là người đáng phải về rồi!”. Vậy là bữa cơm tối đó anh ta ăn một mình.
Tuy là một câu chuyện cười, nhưng chúng ta phải nên suy nghĩ ba lần trước khi nói, cũng nên nâng cao độ nhạy bén, xem lời chúng ta nói ra có xúc phạm người nghe hay không. Phải cẩn thận.
Tục ngữ cũng nói: “Đối với người đang thất chí thì không nên nói những chuyện đắc ý”. Điều này có nghĩa là trong lời nói luôn luôn phải suy nghĩ cho người khác. Vì vậy, lời nói, việc làm phải cẩn thận. Căn bản của lời nói và việc làm là ở trong ý niệm của một người. Vì vậy, người thật sự tu thân phải cẩn thận lúc khởi tâm động niệm. Khi ý nghĩ có sự cẩn thận thì lời nói, việc làm mới không bị sai lệch quá lớn.
Ví dụ nói phần “cẩn” này chính là phải luôn cẩn thận, không nên lãng phí thời gian, không nên lãng phí thức ăn. Ý niệm xa xỉ, ý niệm tham lam, ý niệm lười biếng, ý niệm bất kính vừa khởi lên thì lập tức điều phục nó lại.
Chúng ta có thể quy nạp những lời giáo huấn trong chương cẩn thận này thành ba phương diện huấn luyện năng lực của một người.
- Thứ nhất là năng lực tự kiềm chế.
- Thứ hai là năng lực sống độc lập.
- Thứ ba là năng lực làm việc.
Trẻ em bây giờ có thiếu ba năng lực này không? Phải dạy thì chúng mới biết.
Trước đây chúng tôi đã từng nói đến ở Sán Đầu có một cháu bé mới bảy tuổi. Thầy giáo của em dạy em “Đệ Tử Quy”. Dạy được một – hai tháng thì thầy giáo muốn để các em lên phát biểu về cảm nhận và sự trưởng thành về việc học tập trong giai đoạn này, có mời cha mẹ của các em đến ngồi bên dưới nghe. Học sinh này lên phát biểu câu đầu tiên là: “Con học Đệ Tử Quy rồi mới biết, thì ra làm người phải biết hiếu thuận”. Câu nói này có thú vị không? Mấu chốt là ở chỗ “thì ra”. Người lớn chúng ta thường nói: “Chúng đã lớn như vậy thì cần phải biết”. Chữ “cần phải” này còn phải đợi bàn bạc lại đã, bởi vì giáo huấn của Thánh Hiền đã bị gián đoạn hết một – hai thế hệ rồi, nên rất nhiều hành vi của trẻ em bị sai lệch. Chúng ta không nên trách các em, mà trước tiên bậc trưởng bối phải nên phản tỉnh là rốt cuộc chúng ta có dạy cho chúng hay không? Hơn nữa, sự dạy bảo này không phải là dạy bằng lời nói, mà có lấy bản thân mình làm gương không? Em học sinh đó tiếp tục nói: “Khi con chưa học Đệ Tử Quy, mỗi ngày đều nghĩ làm sao để mưu hại cha mẹ”. Em chỉ mới bảy tuổi thôi. Mẹ của em ngồi bên dưới mở to mắt ngạc nhiên, bà hoàn toàn không tin đứa con của mình lại có thể nghĩ đến việc muốn mưu hại cha mẹ.
Chúng ta có biết con cái đang suy nghĩ điều gì không? Có biết mỗi ngày con cái đang làm gì, đang nói gì không? Khi chúng ta không biết các con đang nghĩ gì thì làm sao dạy bảo? Cho nên giáo dục cần phải dụng tâm, cần sự nhẫn nại. Chúng ta phải dành một ít thời gian để tìm hiểu, quan tâm con cái thì mới có thể làm cho con cái dần dần đi vào nề nếp. Vì sao một đứa trẻ bảy tuổi nghĩ đến việc mưu hại cha mẹ? Đây chính là do cha con không có sự quan tâm gần gũi. Cha con có tình thân thì có như vậy không? Vì sao hiện nay cha con không có tình thân? Nguyên nhân do đâu? Cha mẹ gắng sức kiếm tiền, không có thời gian ở bên cạnh con cái nên chúng thân với ai hơn? Thân với giáo viên dạy thêm, với người giúp việc. Còn mẹ thì sao? Cha mẹ có khi vì hư vinh, vì sĩ diện nên cho con cái học thêm rất nhiều thứ. Chúng càng học càng bực bội, chán ghét. Trong lòng như vậy, tâm trạng như vậy, cha mẹ có nhận ra không? Có thể không nhận ra. Vì vậy, chúng ta thật sự phải dụng tâm để hiểu được tâm trạng, cách nghĩ, cách nhìn của chúng mới được. Chúng ta nhất định phải tìm ra nguyên nhân thì mới dễ dàng tiến thêm một bước là dạy bảo con cái.
- Phương diện thứ nhất: Năng lực tự kiềm chế
Trẻ em hiện nay khả năng tự kiềm chế chưa đủ, vì vậy chương “cẩn” vừa bắt đầu đã nói: “Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ; lúc chưa già, quý thời gian”. Nghĩa là một người sống có quy luật tuyệt đối không nên thường xuyên thức dậy muộn. Đây cũng là khả năng tự kiềm chế.
“Với ăn uống, chớ kén chọn; ăn vừa đủ, chớ quá no”. Về việc ăn uống, các em cũng phải biết tiết chế. Đây đều là đang huấn luyện năng lực tự kiềm chế của trẻ.
- Phương diện thứ hai: Năng lực sống độc lập
“Nón quần áo, để cố định; chớ để bừa, tránh dơ bẩn”. Tuy chỉ nói hai thứ quần áo và mũ nón phải để đúng chỗ, nhưng chúng ta không chỉ dạy quần áo và mũ nón để đúng chỗ mà còn dạy những điều gì? Tất cả đồ vật, thậm chí là đối với thời gian đều phải theo quy luật, gọi là “động vật quy nguyên”, lấy những vật gì ở đâu thì nên trả chúng về chỗ cũ. Dạy cho các em những năng lực cuộc sống như vậy thì các em mới biết được làm thế nào để cuộc sống không bị đảo lộn.
Nghe nói bây giờ rất nhiều sinh viên thuê người giặt quần áo cho chúng, giúp chúng quét dọn nhà cửa. Chúng dùng tiền của ai vậy? Dùng tiền của cha mẹ để thuê người đến quét dọn. Vì vậy, học sinh ngày nay về phương diện năng lực cuộc sống thật sự cần phải được nâng cao. Khi chúng không tự chăm sóc được bản thân mình thì sau này trong sự nghiệp và gia nghiệp chúng có thể gánh vác được không? Điều này rất khó. Chúng ta làm cha mẹ, nếu như không để chúng luyện tập nhiều, tất cả công việc đều do cha mẹ gánh vác, xin hỏi bậc làm cha mẹ có thể gánh vác đến lúc nào? Vì vậy hiện nay có rất nhiều người kết hôn xong, sinh con ra thì giao cho ai? Đều giao do ông bà nội chăm sóc. Rốt cuộc ông bà nội đến khi nào mới được thảnh thơi? Tôi nghĩ đến khi nhắm mắt cũng chẳng được thảnh thơi. Cuộc đời như vậy có tốt không? Bề ngoài thì hình như tôi đang giúp con cái, nhưng trên thực tế thì bậc làm cha làm mẹ chưa tận hết trách nhiệm, cũng chưa học được bản lĩnh phải tận hết bổn phận. Vì vậy, những công việc và bổn phận mà con cái cần phải làm thì chúng ta nên giao cho chúng làm, như vậy cuộc đời của chúng mới được vững vàng, mới không hổ thẹn với lương tâm. Như vậy mới là viên mãn.
- Phương diện thứ ba: Năng lực làm việc.
“Làm chớ vội, vội sai nhiều; không sợ khó, chớ qua loa”, “Việc không tốt, chớ dễ nhận; nếu dễ nhận, tiến lui sai”. Đây đều là năng lực làm việc.
Phần “cẩn” này có mấy phương diện có thể nâng cao năng lực của trẻ.
Chúng ta tiếp tục thảo luận từng câu Kinh văn: “Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”.
Nhắc đến thời gian, bậc Thánh triết ngày xưa xem trọng nhất là thời gian. Câu nói quen thuộc nhất là: “Một tấc thời gian, một tấc vàng. Tấc vàng khó mua tấc thời gian”. Nói như vậy nhưng quý vị có cảm giác này không? Có. Chúng ta thử hỏi đứa trẻ hơn mười tuổi, chúng có cảm giác này không? Rất khó.
Một người vì sao quý trọng thời gian như vậy?
Chúng ta xem, thời xưa rất nhiều người đọc sách được lưu danh trong sử xanh, họ vô cùng trân quý thời gian.
Ví dụ như Tư Mã Quang dùng thời gian mười chín năm để hoàn thành bộ sách vô cùng quan trọng tên là “Tư Trị Thông Giám”. Vì sợ mình ngủ quá nhiều, nên ông dùng gỗ làm một cái gối hình tròn. Gối hình tròn lúc ngủ thì sẽ như thế nào? Chỉ cần hơi nghiêng một chút thì có thể bị trượt xuống, nhờ vậy mà ông liền tỉnh lại. Nghỉ ngơi một chút ông liền tiếp tục công việc. Chính vì có tinh thần, thái độ như vậy, nên ông toàn tâm toàn ý hoàn thành tác phẩm lớn này. Động lực nào đã khiến ông dù ngủ ít cũng làm được nhiều việc như vậy? Quý vị bằng hữu, là động lực gì? Động lực vì quốc gia, động lực vì tạo phước cho con cháu sau này. Bởi vì lịch sử giống như một tấm gương vậy, chỉ cần chúng ta chịu đọc thông thuộc quyển “Tư Trị Thông Giám”, tin rằng cuộc đời chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều những sai lầm không cần thiết, gọi là: “Xem việc quá khứ có thể biết được việc tương lai”. Bởi vì ông có sứ mạng này mới có thể thúc đẩy ông tích cực tinh tấn như vậy để làm tốt bộ sách này.
Tiên sinh Vương Dương Minh đã từng nói: “Chí bất lập, vô dĩ thành sự” (một người không lập chí, cuộc đời này không thể làm tốt được công việc). Vì vậy phải quý trọng thời gian. Trước tiên phải xác định chí hướng của cuộc đời. Đời người ngắn ngủi, tạm bợ, chúng ta sử dụng sinh mạng ngắn tạm này phải xứng đáng với công ơn dưỡng dục của cha mẹ, xứng đáng với sự chăm sóc của anh chị em, xứng đáng với rất nhiều bậc trưởng bối dìu dắt chúng ta trong quá trình trưởng thành, xứng đáng với quốc gia đã chăm lo cho chúng ta. Vì vậy, khi một người luôn luôn nhớ đến những ân đức này, họ sẽ tận tâm tận lực hiếu thuận với cha mẹ, thương yêu anh em, cống hiến cho xã hội.
Một người biết quý trọng thời gian thì phải bắt đầu từ việc cung kính người khác. Đối với cha mẹ, đối với người quan tâm đến mình họ đều cung kính, họ không muốn tự hủy hoại bản thân mình để những người yêu mến họ bị đau lòng, khó chịu. Cho nên, khi một người biết hoàn thành bổn phận, sứ mạng cuộc đời mình, thì không cần ai thúc giục, họ vẫn bước nhanh về phía trước.
Những người thường xem nhẹ thời gian chính là không đủ độ nhạy cảm đối với việc “một đi không trở lại” của thời gian.
Có một nhà thông thái đã từng nói: “Một người từ khi được sinh ra chỉ có một việc không bao giờ dừng lại”. Đó là việc gì vậy? “Đó là từ lúc được sinh ra cứ mãi tiến bước trên con đường lớn để đến với cái chết, chưa bao giờ dừng lại”. Chúng ta vừa đón xong một năm mới thì một năm mới nữa liền đến, nhìn từ một góc độ khác thì có nghĩa là một năm cũ đã trôi qua. Chúng ta còn có bao nhiêu việc quan trọng, bao nhiêu việc cần phải làm mà vẫn chưa làm được.
Triều nhà Minh có một họa sĩ tên là Văn Gia. Ông đã viết một bài thơ. Bài thơ này cũng là kỳ vọng, nhắc nhở chúng ta.
Ngày mai rồi lại ngày mai,
Ngày mai có thể được hoài hay sao?
Ngày mai đợi đến hôm nào,
Chưa tròn sự việc, phí hoài thời gian.
Giả như chúng ta luôn nghĩ còn có ngày mai, còn có năm sau, thời gian này có thể trôi qua mà chúng ta vô tình không hay biết. Như vậy thì quá đáng tiếc!
Tôi đến Hải Khẩu làm việc hơn bốn tháng, chợt nhận thức rất sâu sắc là đời người còn có sự tiếc nuối! Khi quý vị cảm thấy có rất nhiều việc quan trọng cần phải làm, nhất định phải làm, nhưng quý vị lại không có khả năng để làm, lúc đó quý vị sẽ vô cùng hối tiếc, vô cùng đau khổ. Vì vậy, khi chúng ta có cơ hội có thể hoằng dương rộng rãi văn hóa truyền thống, có thể lợi ích cho mọi người, quay đầu nhìn lại thấy mình đã không cố gắng lợi dụng cuộc đời của mình, bởi vì năng lực không đủ, lại không giúp được gì, lúc đó chúng ta sẽ rất khó chịu. Giống như thấy rõ ràng một người sắp bị chết đuối mà quý vị lại không biết bơi nên không có cách nào cứu người đó. Vì vậy, khi chúng ta thấy cần phải cố gắng dạy bảo con cái của mình, nhưng vào lúc đó chúng ta lại không có học vấn, không có trí huệ, đó là sự ân hận to lớn trong cuộc đời. Chúng ta không nên để cho cuộc đời xảy ra sự ân hận như vậy, phải nhanh chóng tích cực nỗ lực nâng cao trí huệ của mình. Bởi vì chỉ cần có trí huệ thì vấn đề của cuộc sống nhất định có thể được giải quyết dễ dàng. Do đó, cuộc sống hiện tại, việc quan trọng nhất không phải là kiếm tiền, mà là khai mở trí huệ, tăng trưởng trí huệ. Không có trí huệ thì cuộc đời quý vị sẽ có rất nhiều sự lựa chọn sai lầm. Thời gian quý vị bỏ ra để sửa chữa những sai lầm này có thể phải mất hơn nửa đời người. Vì vậy, việc quan trọng nhất trong kế hoạch của cuộc đời là phải học tập, phải trưởng thành, phải tăng trưởng trí tuệ.
Chúng ta xem, một người sau khi tốt nghiệp đại học có chăm chỉ hơn so với thời còn đang đi học không? Rất nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học liền nói: “Tạm biệt với sách vở”. Thật sự rất nhiều năng lực trong cuộc đời của quý vị khi ra xã hội mới thật sự là lúc cần phải học tập và rèn luyện. Nhưng thái độ của chúng ta lại là chấm dứt việc học tập, nên cuộc sống càng lúc càng phiền toái. Tại sao nhiều việc đều không giống như ta tưởng tượng? Chúng ta cũng không biết giải quyết như thế nào, mỗi ngày mượn rượu để giải sầu nhưng sầu lại càng sầu thêm, tỉnh lại vẫn phải tự mình giải quyết. Vì vậy cuộc đời phải biết chọn lựa, phải nhanh chóng tranh thủ nhiều thời gian cố gắng học tập theo những vị Thánh Hiền.
Trước tiên chúng ta phải có thái độ quý trọng thời gian, tiếp theo là phải dạy bảo con cái quý trọng thời gian.
Có một phụ huynh, con ông chơi bời lêu lổng không thích đi học. Vị phụ huynh này hy vọng có thể hướng dẫn con mình quý trọng thời gian, ông liền tìm một cây gậy dài tám tấc. Để làm gì vậy? Rất nhiều bạn nhỏ nói: “Để đánh con của bác ấy”. Đánh người mà dùng cây gậy dài tám tấc là quá kinh khủng! Người cha cầm cây gậy dài tám tấc nói với đứa con: “Đời người giống như cây gậy dài này vậy, tám tấc tượng trưng cho tám mươi tuổi. Khi con chưa được hai mươi tuổi thì con chưa có khả năng giúp gia đình, giúp xã hội, con chỉ có thể tiếp nhận sự phục vụ, sự cống hiến của người khác. Đoạn này con chẳng giúp ích được gì nên chặt bỏ nó đi”, liền cầm rìu chặt đứt hai tấc phần đầu. Hành động này làm chấn động đứa con một chút. Ông nói tiếp: “Sau sáu mươi tuổi thì tuổi già sức yếu, đối với gia đình, đối với xã hội cũng không cống hiến được nhiều, nên đoạn này cũng nên bỏ nó đi”, liền chặt thêm một đoạn.
Người cha đem cây gậy còn lại chia làm ba phần và nói: “Thời gian còn lại này, con cũng dùng hết một phần ba để ngủ nghỉ, nên cũng phải chặt đi”. Đứa con bắt đầu có chút lo lắng. Người cha lại nói tiếp: “Thời gian mỗi ngày con còn phải ăn cơm, phải tắm rửa, và làm rất nhiều việc trong cuộc sống, đều mất thời gian, nên đoạn này cũng phải chặt bỏ đi”. Đứa con liền nói: “Thưa cha! Xin cha đừng chặt nữa, con biết rồi!”. Người cha nói: “Con chưa biết đâu, con người còn tốn rất nhiều thời gian bị bệnh phải nằm trên giường, đoạn này cũng phải chặt”. Đứa con liền kéo tay người cha và nói: “Thưa cha! Sau này con không lãng phí thời gian nữa”. “Con à! Con không hiểu, mỗi ngày con nói bao nhiêu lời vô ích”. Dạy bảo con cái thật sự phải có quan niệm đúng đắn, những bậc làm cha mẹ cũng cần phải dùng nhiều phương tiện khéo léo. Bởi vì trẻ con hiện nay không thích nghe lời người lớn thuyết giáo, nên những lúc như vậy chúng ta phải cố gắng nắm bắt.
Có một người mẹ khác có con học lớp một, buổi sáng ngủ dậy lúc nào cũng lề mề. Người mẹ biết con mình thế nào cũng bị trễ, nhưng cũng không ngăn cản. Làm như vậy có tốt không? Trước tiên hãy để cho con nhận lấy kết quả của việc lề mề. Vì vậy, người mẹ không hề ngăn cản đứa con mà xem nó kéo dài đến mức nào. Thật sự trên hộp kem và bàn chải đánh răng của trẻ con bây giờ đều được vẽ rất đẹp, đúng không? Khi đánh răng chúng còn chơi đùa một lúc. Kết quả đúng như dự đoán, khi đi học thì đã bị trễ, lúc tất cả bạn học đều đi chào cờ thì người mẹ và đứa con mới đến trường. Người mẹ thấy con mình không hề đi chào cờ.
Buổi trưa chúng về nhà nghỉ ngơi, buổi chiều đi học tiếp. Người mẹ thấy con trai trở về vừa nhảy tung tăng, gương mặt mỉm cười, người mẹ nghĩ nhất định là giáo viên không xử phạt con mình, nếu không thì sao trên mặt nó chẳng có một chút hổ thẹn nào. Nếu quý vị là mẹ thì quý vị sẽ như thế nào? Cho nên đối với việc giáo dục phải luôn luôn nhớ đến ba chữ “thận ư thỉ” (cẩn thận ngay từ lúc bắt đầu). Nếu như sai lầm ban đầu của con cái không được sửa đổi lại, khi chúng đã hình thành thói quen, quý vị phải kéo co với chúng thì sẽ rất mệt. Vì vậy, người mẹ này liền chủ động gọi điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm. Khi gọi điện thoại đến, câu đầu tiên người mẹ liền nói với giáo viên chủ nhiệm: “Thưa thầy! Con tôi hôm nay đi học muộn”. Thầy giáo trả lời: “Tôi biết rồi. Không sao! Không sao!”. Người mẹ nói: “Sao có thể không sao được ạ?”. Thầy giáo chủ nhiệm nói tiếp: “Tôi nói không sao mà, có phải chị muốn đến giải thích dùm cho con vì sao cháu nó đi học muộn phải không?”. Quý vị xem, từ sự phản ứng của giáo viên thì có thể nhận ra được, hiện nay các em phạm sai lầm thì ai che giấu cho chúng? Việc này là hại các em. Vì vậy, người mẹ này tiếp tục nói với thầy giáo: “Thưa thầy! Việc này rất quan trọng. Chiều nay thầy nhất định phải dạy bảo, phê bình nghiêm khắc cháu nhé!”. Cuối cùng thầy giáo cười lớn, nói: “Hiện nay mà vẫn còn có người mẹ xin được phê bình, dạy bảo con của mình như vậy sao?”. Cưng chiều con cái thì ngược lại sẽ làm hại chúng.
Vì vậy, đứa bé đó buổi chiều đi học về vẻ mặt rất khó chịu. Vừa bước vào cửa cháu liền cầm đồng hồ báo thức cháu đã mua. Chiếc đồng hồ báo thức cuối cùng cũng đã được đem ra sử dụng. Cháu rất căng thẳng, lập tức chỉnh đồng hồ reo lúc sáu giờ ba mươi phút. Trong lòng tương đối yên tâm, cháu liền đặt đồng hồ ở đó. Người mẹ thấy vậy liền cười, bước đến nói với con mình: “Con chỉnh sáu giờ ba mươi phút thì lát nữa ăn cơm nó sẽ reo”. Đứa con nói: “Con muốn chỉnh sáu giờ ba mươi phút để ngày mai đồng hồ reo đánh thức con dậy”. Cháu bé đó đâu có biết một ngày có hai mươi bốn giờ và có hai lần sáu giờ ba mươi phút. Người mẹ nói như vậy nên đứa con bỗng nhiên hiểu ra: “Đúng rồi! Ăn cơm xong mới chỉnh đồng hồ”. Người mẹ này hoàn toàn không hề trách mắng con, chỉ nắm bắt cơ hội để dạy bảo con. Đứa con từ đó về sau đi đâu đều mang theo đồng hồ báo thức bên mình. Cháu đã hình thành được thói quen tốt này thì sẽ không bị trễ, cũng không còn ngủ nướng. Vì vậy, khi dạy bảo con cái, chúng ta cũng phải nắm bắt những thời cơ quan trọng.
Một người biết quý trọng thời gian thì phải như thế nào?
Từ những câu chuyện chúng tôi vừa kể, chúng ta có thể nắm bắt được, trước tiên phải lập chí, tiếp theo cũng phải có kế hoạch, có quy hoạch làm thế nào để dạy tốt con cái. Sự nghiệp của chúng ta cũng có mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, như vậy quý vị mới biết phải trải qua từng bước từng bước như thế nào, vận dụng ra sao.
Tiếp theo, chúng ta cũng nên ít nói những lời không cần thiết. Quý vị xem, một người hay ba hoa hễ mở miệng thì nói bao lâu? Một, hai tiếng đồng hồ. Thời gian đó trôi qua rất nhanh. Vì vậy lời nói phải: “Nói nhiều lời, không bằng ít”. Bởi vì chúng ta có thể dùng thời gian đó cố gắng học tập thêm. Hơn nữa, nếu như nói quá nhiều, những lời này lại truyền ra ngoài thì sẽ có rất nhiều chuyện thị phi, quý vị sẽ bị phiền phức vô cùng.
Ngoài ra chúng ta cũng nên ít khởi phiền não. Có một kết quả nghiên cứu cho thấy, 50% phiền não là phiền não về tương lai, 40% phiền não là phiền não về quá khứ, chỉ có 10% là ở hiện tại. Họ làm một thí nghiệm, bảo tất cả mọi người viết ra những chuyện phiền não hiện tại của họ, sau đó cất vào trong ngăn tủ. Một tuần sau, họ đến lớp học nói: “Bây giờ các bạn hãy đem chuyện phiền não của tuần trước ra”. Sau khi xem xong thì phát hiện 90% phiền não là không cần thiết. Họ nói : “Tốt rồi! Các bạn hãy cất nó đi”. Hai tuần nữa lại trôi qua (tổng cộng là ba tuần lễ), họ lại lấy ra xem. Sau khi xem xong, thì thấy 100% phiền não là không cần thiết. Cho nên người xưa có câu thành ngữ: “Lo những chuyện không đâu”, sẽ hao tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực tăng trưởng trí huệ. Chọn lựa đúng đắn thì đời người mới không đi những đoạn đường oan uổng. Thời gian tập trung cho việc học tập tuyệt đối không nên giảm bớt.
Trên đây là đề cập đến quan niệm của chúng ta đối với việc quý trọng thời gian.
3.2 Kinh văn:
“Thần tất quán, kiêm tất khẩu. Tiện nịch hồi, triếp tịnh thủ”.
“Sáng rửa mặt, phải đánh răng. Tiểu tiện xong, rửa tay sạch”.
Đây là nói đến thói quen ngăn nắp, sạch sẽ của con người. Tục ngữ nói: “Ngăn nắp sạch sẽ là nguồn gốc của sự khỏe mạnh”. Quý vị yêu thích sạch sẽ thì cơ thể mới không có mầm bệnh và những vi khuẩn xâm nhập gây thương tổn cho cơ thể. Khi một người thật sự quý trọng cơ thể thì cũng là thực hành hiếu đạo. “Da thịt, tóc tai nhận từ cha mẹ, không nên tổn hại, đó là bắt đầu của hiếu”. “Đệ Tử Quy” cũng nói: “Thân bị thương, cha mẹ lo”. Vì vậy, xem Kinh văn, chữ “cẩn” dường như đều là việc của mình, nhưng thực tế thì bản thân mình và người khác đều có liên quan mật thiết với nhau. Thân thể chúng ta không khỏe mạnh thì nhất định sẽ làm cho những người thân phải lo lắng cho chúng ta.
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Phu Tử có dạy: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu” (điều cha mẹ lo lắng nhất chính là bệnh tật của con cái). Chữ “tật” này chúng ta có thể xem như là bệnh tật, cũng có thể xem là thói quen xấu, khuyết điểm xấu. Vì vậy, yêu thích sự ngăn nắp sạch sẽ thì thân thể sẽ không bị tổn thương.
Cuộc sống có quy luật cũng là nhân tố quan trọng để thân thể được mạnh khỏe. Hơn nữa, khi quý vị làm việc cẩn thận thì sẽ không phạm quá nhiều sai lầm, điều này cũng làm cho cha mẹ yên tâm không bận lòng. Cho nên chữ “tật” này chúng ta có thể giải thích theo nghĩa rộng, nghĩa là tuy thân thể khỏe mạnh nhưng trong lúc đối nhân xử thế không nên vi phạm những lỗi không hay khiến cho cha mẹ lo lắng. Khi một người biết quý trọng thân thể, ưa thích sự ngăn nắp sạch sẽ, đó cũng là tôn trọng người khác, gọi là “tự trọng nhi hậu nhân trọng”. Khi bản thân quý vị xem trọng sự ngăn nắp sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề, người ta sẽ kính trọng quý vị ba phần. Khi bản thân mình đầu bù tóc rối, thân thể cáu bẩn, người ta chưa tiếp xúc thì đã xem thường, khinh mạn đối với chúng ta. Do đó, khi người khác xem thường chúng ta, chúng ta không nên trách họ, mà trước tiên phải tự xem lại bản thân mình có phải vẫn còn có chỗ khiếm khuyết trong một vài lễ tiết hay không.
“Sáng rửa mặt, phải đánh răng”, điều này giữ cho hơi thở của chúng ta được thơm tho sạch sẽ. Bởi vì giữa người với người mỗi ngày đều giao tiếp nói chuyện rất nhiều, cho nên nhất định phải chú ý điều này. Nếu như con cái không đánh răng thì hơi thở không tốt, khi đi học thì quan hệ của chúng với mọi người sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi con cái từ nhỏ có quan hệ với mọi người không tốt thì lòng tự tin của chúng cũng sẽ bị tổn thương.
Bởi vì chúng tôi đã từng dẫn dắt một em học trò, thân thể em đều rất bẩn, tất cả bạn học đều bài xích em. Vì vậy, việc hình thành thói quen thật sự cũng chịu ảnh hưởng của gia đình.
Ngoài ra, người lớn chúng ta giả như bị hôi miệng thì cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của chúng ta với mọi người. Một người bị hôi miệng nghĩa là độc tố trong cơ thể quá nhiều, cho nên bị tràn ra. Vì sao độc tố trong người nhiều như vậy? Vì có liên quan đến việc ăn uống của họ, gọi là “bệnh từ miệng vào”. Trong đó còn có liên quan đến một nhân tố, chính là ăn khuya.
Quý vị bằng hữu có thường ăn khuya không? Không thường xuyên. Tỷ lệ người ăn khuya bị hôi miệng rất cao. Vì sao vậy? Bởi vì buổi tối hơn mười giờ, mười một giờ, thậm chí là nửa đêm họ mới ăn. Có người thì ăn hải sản, có người thì ăn nhiều cá, thịt. Một – hai giờ đồng hồ sau khi ăn thì họ đi ngủ. Khi nằm xuống thì tất cả chức năng của cơ thể đều tạm thời ngừng hoạt động, chỉ có hai bộ phận còn hoạt động là tim và hệ hô hấp. Trái tim mà không đập thì rất phiền phức! Các nội tạng khác sẽ nói với quý vị: “Thưa chủ nhân, tôi đóng cửa đi nghỉ trước đây, ngày mai tiếp tục!”. Bao tử cũng ngừng tiêu hóa, nên những thứ cá, thịt này ở trong bao tử sẽ phát mùi hôi, mùi chua. Bởi vì trong bao tử có a xít nên thức ăn rất dễ bị lên men. Hơn nữa, nhiệt độ cơ thể là ba mươi bảy độ, nên những thứa ăn này bị ôi thiu rất nhanh. Sau khi bị ôi thiu thì những độc tố này tuần hoàn trong toàn cơ thể của quý vị. Vì vậy, ăn khuya thật sự có hại cho cơ thể. Việc này chúng ta cũng phải chú ý!
Câu Kinh văn tiếp theo: “Tiểu tiện xong, rửa tay sạch”. Nghĩa là sau khi đi vệ sinh xong phải rửa tay. Luôn luôn chú ý giữ đôi tay sạch sẽ, bởi vì khi ăn uống đều có liên quan đến việc dùng đôi tay. Nếu như bàn tay có vi khuẩn thì rất dễ gây tổn hại cho cơ thể. Ngoài việc đi vệ sinh xong phải rửa tay, những lúc nào cần phải chú ý rửa tay nữa? Trước khi ăn cơm nhất định phải rửa tay.
Quý vị bằng hữu nên quan sát nhiều, bởi vì quý vị nói càng cặn kẽ thì độ cảnh giác của con cái sẽ càng cao. Quý vị không nên lơ là mà nên nhắc nhở từng li từng tí. Thật sự trí nhớ các cháu vô cùng tốt, sẽ nhớ giúp cho quý vị. Bởi vì tôi thường nhắc nhở các em một số việc nhưng chính mình thì lại quên, được các em nhắc lại cho tôi. Tôi thường thấy rất nhiều người lớn đếm tiền giấy, vừa đếm vừa liếm đầu ngón tay. Đây là việc làm không tốt. Những thói quen sinh hoạt này phải chú ý gọn gàng, sạch sẽ mới có thể làm cho cơ thể khỏe mạnh, cũng có thể làm gương tốt cho con cái.
3.3 Kinh văn:
“Quan tất chính, nữu tất kết. Miệt dữ lý, câu khẩn thiết”.
“Mũ phải ngay, nút phải gài. Vớ và giày, mang chỉnh tề”.
Điều này là nói đến dung mạo của một người cần phải đoan trang. Nếu như hôm nay tôi đứng giảng ở đây, phía trước có hai nút không gài, quý vị sẽ thấy như thế nào? Có thể rất nhiều người sẽ bỏ đi và nói: “Đến cả việc mặc quần áo cũng không biết thì giảng cái gì chứ”. Vì vậy, người xưa rất chú trọng dung mạo, họ luôn nhắc nhở bản thân mình phải “tam chánh/chính”:
- Thứ nhất, đội mũ phải ngay ngắn.
- Thứ hai, mặc quần áo phải ngay ngắn.
- Thứ ba, đi giày dép phải ngay ngắn.
Chúng ta phải luôn kiểm tra mũ đội có bị lệch không, quần áo đã cài cẩn thận chưa. Nếu không, khi bị tuột xuống thì rất phiền phức. Sau đó giày cũng phải buộc chặt, không được lỏng lẻo vì khi đi sẽ phát ra âm thanh, người ta thấy sẽ xem thường quý vị.
Có một lần tôi đi dạy nhưng thời gian tương đối gấp. Ở Hải Khẩu có một phương tiện giao thông gọi là xe ôm, quý vị có nghe qua chưa ạ? Xe ôm có nghĩa là motorcycle, giống như xe taxi vậy, người lái xe mô tô chở theo một người khách ngồi phía sau. Tôi lập tức gọi một chiếc xe ôm đi nhanh đến hội trường để giảng bài. Sau khi đến nơi tôi liền vào dạy cho kịp giờ. Dạy xong tôi liền đi vào nhà vệ sinh. Vừa nhìn vào gương thì thấy tóc của tôi đều dựng đứng lên, bởi vì lúc ngồi xe gió thổi liên tục. Tôi ở đó giảng bài hai tiếng đồng hồ mà không có ai nói với tôi. Tôi liền nói với các giáo viên ở trung tâm đó: “Sao quý vị không nhắc tôi vậy, hại tôi bị thất lễ suốt hai giờ đồng hồ”. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn cẩn thận dung mạo thì mới không có việc thất lễ như vậy.
Vào thời đại Xuân Thu, có một vị đại thần nước Tấn tên là Triệu Tuyên Tử. Lúc đó Tấn Linh Công giữ ngôi vua. Tấn Linh Công tuổi còn nhỏ, không chịu nghe lời, không biết thương yêu nhân dân. Triệu Tuyên Tử rất trung thành, luôn luôn thẳng thắn khuyên bảo nhà vua. Cuối cùng Tấn Linh Công có ý niệm xấu, phái sát thủ Tư Nghê – một người rất khỏe mạnh đi ám sát Triệu Tuyên Tử. Thời gian họp triều thường vào lúc sáng sớm, cho nên trước thời gian họp triều buổi sáng, Tư Nghê liền đến nhà của Triệu Tuyên Tử. Bởi vì Triệu Tuyên Tử dậy từ rất sớm, ông đã mặc triều phục rất chỉnh tề, ngồi nghiêm chỉnh và đang nhắm mắt dưỡng thần. Dung mạo, oai nghi của ông làm cho Tư Nghê vừa thấy đã vô cùng cảm động. Tư Nghê nghĩ: “Triệu Tuyên Tử này ở nơi không ai thấy mà đã cung kính như vậy thì chắc chắn khi có người nhất định vô cùng nghiêm túc giải quyết chuyện quốc gia, đối với người khác sẽ vô cùng khiêm tốn, cung kính. Người như vậy chắc chắn là trụ cột của quốc gia, là chủ nhân của nhân dân, ta không thể giết ông ấy. Nếu giết ông ấy, ta là người bất trung”. Nhưng vì giết Triệu Tuyên Tử là nhiệm vụ do vua giao, nếu như ông không làm thì ông không giữ chữ tín, vì vậy Tư Nghê đập đầu vào gốc cây Hòe tự sát ngay tại chỗ. Từ câu chuyện này chúng ta có thể nhận thức được, khi một người dáng vẻ đoan chính thì có thể có được sự tôn kính của người khác đối với họ. Thái độ cung kính như vậy đã cứu được mạng sống của Triệu Tuyên Tử. Vì vậy, chúng ta phải nên cẩn thận đối với những chi tiết trong cuộc sống.
Hết tập 21. Xin mời xem tiếp tập 22.