Tập 24: Dạy dỗ cho trẻ cẩn trọng, cung kính và biết được cách tiến / lui để tránh sự nghi ngờ.
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
3.9.2 “Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”.
3.9.3 “Cầm vật rỗng, như vật đầy”.
3.9.4 “Vào phòng trống, như có người”.
3.10 Kinh văn: “Chớ làm vội, vội sai nhiều. Không sợ khó, chớ qua loa”.
3.10.1 “Chớ làm vội, vội sai nhiều”.
3.10.2 “Không sợ khó”.
3.9.2 “Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc” (tiếp)
(Tiếp theo tập trước)
Chúng tôi đã nói đến năm trước tôi có dạy một em học sinh mà sau đó thành tích của em đã tiến bộ rất nhiều, trở thành một lớp trưởng rất tuyệt vời. Vì vậy, khi tôi đem phần quà cuối cùng thưởng cho em vào ngày lễ tốt nghiệp thì em đã rơi nước mắt. Tôi đứng trên bục giảng trong lòng nghĩ mình là người từng trải, cũng đã từng dạy qua lớp cuối cấp rồi, nên không thể hễ đau lòng là rơi nước mắt như vậy, bởi vì tôi đã hứa với lòng mình rằng đời này tôi chỉ rơi nước mắt vì cảm động chứ không rơi nước mắt vì đau lòng, bởi vì đau lòng rơi nước mắt không giúp được gì cho mình cũng như cho người khác. Trong lòng tôi nghĩ, nếu như một lát nữa ra đến cổng trường mà em vẫn còn khóc thì tôi phải an ủi em ấy. Khi đã chỉnh đốn hàng ngũ, tôi liền dẫn các em ra cổng trường. Đi nửa đường, tôi quay lại thì nhìn thấy em vẫn còn khóc. Tôi liền bảo các em dừng lại, đi đến trước mặt em. Trong lòng tôi nghĩ sẽ dùng tay trái nắm chặt tay em, còn tay phải sẽ vỗ vỗ lên vai của em và nói: “Đừng khóc nữa!”. Khi tay trái tôi nắm chặt tay của em, tay phải chuẩn bị vỗ lên vai của em thì em liền nắm lấy tay tôi, lấy hết can đảm nói với tôi rằng: “Cám ơn thầy! Cám ơn thầy! Cám ơn thầy!”. Lúc đó cả người tôi giống như bị điện giật, hóa ra giữa phái nam cũng có thể gây cảm động cho nhau. Sự chân thành của học sinh đã làm cho tôi rất cảm động, nước mắt đã lưng tròng. Nhưng tôi không thể mất kiềm chế, bởi vì còn phải dẫn các em ra ngoài cổng trường, nên tôi hít thở thật sâu hai lần rồi dẫn các em ra khỏi trường chia tay với các em.
Khi một mình tôi quay trở vào trường, bỗng nhiên tôi có một cảm nhận sâu sắc rằng không phải tôi dạy em học sinh này, mà là em học sinh này đã dạy cho tôi một bài học rất quan trọng. Em đã cho tôi biết là “không có học sinh nào là không thể dạy được”. Một em học sinh bị nhà trường cho là có hành vi lệch lạc, chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi chúng tôi dùng lòng yêu thương đã có thể khiến em có thay đổi lớn đến như vậy. Điều này thật sự đã chứng minh rằng: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Vì vậy, cần phải hỏi bản thân chúng ta có tâm chân thành như vậy hay không? Thông qua cảm nhận mà em học sinh này đã cho, tôi nhận thức được một điều: “Trong cuộc đời của một đứa trẻ, nếu chúng có thể cảm nhận được có người thật sự yêu thương, quan tâm đến chúng thì chúng sẽ không hư hỏng, cũng sẽ không tự sát”.
Quý vị bằng hữu, hiện nay tỷ lệ trẻ em tự sát ngày càng cao. Đây là kết quả, nguyên nhân do đâu? Các em cảm thấy trống rỗng, cảm thấy không có ai quan tâm đến chúng.
Chúng tôi có nói đến việc đua xe hiện nay của các em, thay vì để cảnh sát liên tục truy đuổi, bắt giữ các em, chi bằng chúng ta hãy làm từ căn bản là tổ chức gia đình cho tốt. Xã hội ổn định hay rối loạn thì gia đình là căn bản, là nền tảng. Vì vậy, tôi cũng tự hứa với lòng chỉ dạy học ở một trường, từ nay về sau sẽ không thay đổi, cứ dạy ở đó. Khi bắt đầu dạy học thì tôi có ý nghĩ này, vì sao vậy? Bởi vì chỉ cần tôi không chuyển đi dạy chỗ khác, ví dụ tôi đã dạy được hai mươi năm, ba mươi năm, thì tất cả những học sinh chắc chắn sẽ tìm được tôi. Dạy một đứa trẻ có phải hai năm là được không? Tất nhiên là phải dạy dỗ, nhắc nhở trong một thời gian dài. Chỉ cần trong một, hai năm chúng sẽ cảm nhận sâu sắc rằng thầy giáo đã bỏ công sức ra mà không cần báo đáp, tôi tin rằng khi chúng gặp phải vấn đề gì trong cuộc sống sau này thì chúng sẽ đi tìm thầy giáo. Nhất định chúng sẽ không đi vào con đường xấu, càng không thể tự sát. Bởi vì chỉ cần một người trong lòng có sự yêu thương thì họ sẽ không đến nỗi tuyệt vọng.
Tôi dạy được hai năm thì “người tính không bằng trời tính”. Bởi vì tôi đã hiểu được rằng đức hạnh của trẻ em là điều căn bản, nên tranh thủ khi mình vẫn còn trẻ nhanh chóng thâm nhập giáo huấn của Thánh Hiền, vì thế tôi đã xin nghỉ việc. Do xin nghỉ việc nên tôi mới có cơ hội đến Đại Lục để đẩy mạnh phát triển văn hóa truyền thống. Cũng trong quá trình này tôi quen biết rất nhiều thầy cô giáo, cùng trao đổi và học hỏi với nhau về thái độ và kinh nghiệm giáo dục trẻ. Vì vậy, khi chúng ta nhìn thấy các em có những hành vi không tốt thì không nên chỉ tức giận, mà phải bắt đầu từ nguyên nhân để giải quyết.
Khi một người có tâm cung kính và rất cẩn thận thì khả năng xảy ra chuyện ngoài ý muốn sẽ rất thấp. Tâm cung kính này chắc chắn không phải khi ta lái xe mới cẩn thận, mới cung kính, mà mọi lúc, mọi nơi đều phải nâng cao thái độ cẩn thận, cung kính.
Từ sau hôm tôi đi xe ôm, tóc tai dựng đứng mà không để ý đã bước lên bục giảng, tôi mới biết là “có từng trải thì mới khôn ra”, cho nên hiện nay trước khi lên bục giảng thì phải như thế nào? Tôi vốn là người không thích soi gương, nhưng hiện giờ cũng cẩn thận hơn một chút.
3.9.3 “Cầm vật rỗng, như vật đầy”
Chúng ta xem “cầm vật rỗng”, ví dụ như bưng cái đĩa đã hết thức ăn thì đương nhiên trọng lượng của nó tương đối nhẹ. “Như vật đầy”, nhưng vì sao phải bưng với thái độ giống như trên đĩa có thức ăn vậy? Ý là nói có những lúc chúng ta cầm đồ vật nhẹ thì sẽ lơ là, không chú ý nên rất dễ làm rơi vỡ. Điều này chúng ta cũng nên cẩn thận hơn. Có rất nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật cao khi cầm lên thì rất nhẹ, nhưng mỗi món đồ có thể có giá trị lên đến hàng ngàn, hàng vạn đồng. Vì vậy, khi chúng ta hoặc con cái có những động tác không cẩn thận thì rất có thể vừa bất cẩn đã tiêu mất cả tháng lương rồi. Vì vậy, điều này cũng cần phải chú ý đến những chi tiết nhỏ để nhắc nhở bản thân mình.
3.9.4 “Vào phòng trống, như có người”
Có nghĩa là khi đến một nơi không có người thì chúng ta cũng phải giữ thái độ như đang có người ở xung quanh. Trong “Trung Dung” có nói đến, phải có thái độ “thận độc” (cẩn thận khi ở một mình). Thái độ đối nhân xử thế của một người tuyệt đối không phải vì không có người nhìn thấy mà lơ là, sơ suất. Điều này rất quan trọng. Điều này cũng nói với chúng ta, đối nhân xử thế phải có tính nhất quán, tuyệt đối không nên nói một đằng, làm một nẻo.
Có một thầy giáo nói với học trò là: “Các em không nên khạc nhổ tùy tiện!”. Một hôm nhìn xung quanh không có người, vị thầy đó nghĩ như vậy là đã an toàn rồi nên đã nhổ nước bọt. Đột nhiên từ xa có tiếng vang lại: “Thưa thầy! Sao thầy lại khạc nhổ như vậy?”. Lập tức toàn thân của vị thầy đó nổi da gà, không còn mặt mũi nào.
Có một thầy giáo lớp nọ rất dữ, thường hay la mắng học trò. Một hôm trường cử thầy làm giáo viên mẫu, muốn thầy diễn giảng cho toàn trường, thậm chí còn có giáo viên ở các trường khác đến tham dự. Bởi vì học sinh bình thường bị thầy quát mắng quen rồi, nên luôn giữ khoảng cách với thầy. Bình thường thì thầy rất dữ, bỗng nhiên ngày hôm đó trở nên vui vẻ hòa nhã. Khi thầy lên giảng tiết học đó, những người ở phía sau đều nổi da gà. Tôi thấy học sinh cũng không được thoải mái. Làm người như vậy quá mệt! Làm người mà tính cách trước sau như một thì người thông thường có cảm thấy như vậy là mệt hay không? Kỳ thực, làm người mà tính cách trước sau như một thì càng làm càng nhẹ nhàng, càng làm càng được người khác tôn trọng.
Khi xung quanh không có ai thì trẻ con thường ăn nói vô cùng lớn tiếng. Giống như ở những điểm du lịch, trong lúc leo núi rất nhiều em nói to hét lớn. Tôi nói với học sinh: “Hôm nay chúng ta đi leo núi, xin hỏi ai là chủ nhân của ngọn núi này? Đương nhiên là cây cỏ, động vật, thực vật ở trên đó. Bởi vì chúng đã sinh trưởng ở nơi đó từ lâu rồi, cho nên chúng là chủ nhân. Vậy các em là gì? Các em là khách, thỉnh thoảng mới đến nhà của họ một lần. Có người khách nào đến nhà người khác mà nói to hét lớn hay không? Như vậy thì quá mất mặt, chắc chắn sẽ bị những động vật trên núi này cười cho là “người này không có tu dưỡng”. Chúng ta phải tôn kính tất cả vạn vật. Vì vậy, khi leo núi không nên ăn to nói lớn, ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của động vật. Khi âm thanh của một người quá lớn, sóng âm thanh có thể làm chấn động các tảng đá. Lúc đó, nếu có một tảng đá tương đối lỏng lẻo, âm thanh quá lớn có thể làm nó bị chấn động mà rơi xuống”.
Ngày xưa không phải đã có câu chuyện nàng Mạnh Khương khóc làm đổ Vạn Lý Trường Thành hay sao? Điều này có chút cường điệu, nhưng thật sự năng lượng của sóng âm thanh của con người có thể chấn động làm đá rơi xuống. Điều này cũng có thể. Vì vậy “vào phòng trống, như có người”, chúng ta phải cẩn thận.
Hiện nay rất nhiều trẻ em đến nhà người khác, khi chủ nhà đang bận rộn dưới bếp thì các em liền đi xung quanh tham quan. Như vậy có đúng không? Việc này không đúng. Như vậy là không tôn trọng chủ nhà. Đặc biệt là không được tự tiện vào phòng ngủ của chủ nhà. Chúng ta cần phải nhắc nhở các em về điều này. Ví dụ chúng đi lung tung qua các phòng trong nhà, đến khi chủ nhà phát hiện bị mất đồ thì ai sẽ bị nghi ngờ trước tiên?
Tôi có một người bạn, lúc nhỏ anh ấy đến nhà người bạn chơi, tình cờ đúng lúc đó tiền của cha người bạn để trong phòng bị mất. Hôm sau bạn của anh ấy chỉ vào anh mà nói: “Bạn là kẻ trộm”. Học sinh cả lớp cũng đều nghĩ anh là kẻ trộm. Lúc này quý vị dù có một trăm cái miệng cũng không biện bạch, giải thích được, bởi vì quý vị không có cách nào chứng minh là mình không lấy tiền, thật sự là quý vị đã đi vào đó một lúc mới trở ra. Cho nên cần phải thường xuyên cảnh giác, cần tránh bị nghi ngờ, không nên để người khác hiểu lầm. “Vào phòng trống, như có người” là tránh bị nghi ngờ.
Trong “Thường Lễ Cử Yếu” (Lễ Phép Thường Ngày) cũng có một câu nói: “Qua ruộng dưa thì không nên buộc giày, dưới cây mận thì không nên chỉnh sửa mũ”. Ý của câu này là khi quý vị đi ngang ruộng dưa thì không nên buộc giày, bởi vì nhìn từ đằng xa thì người ta thấy quý vị ngồi xuống ruộng dưa, giống như đang hái trộm dưa của họ. Nếu như đang ở dưới cây mận mà quý vị chỉnh sửa mũ, tay quý vị giống như muốn hái mận của họ vậy. Đối với những việc này, chúng ta cũng nên tránh để người khác nghi ngờ.
Phần sau của “Đệ Tử Quy” nói: “Sắp vào cửa, hỏi có ai. Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”. Quý vị vào nhà của người khác không nên đi vào bên trong tham quan khắp nơi. Nếu không thấy có ai trong nhà thì nhất định phải hỏi: “Có ai ở nhà không vậy?”. Việc tiến thoái nên có chừng mực như vậy. Việc này chúng ta phải cẩn thận. Đây là “vào phòng trống, như có người”.
3.10 Kinh văn:
“Sự vật mang, mang đa thố. Vật úy nan, vật khinh lược”.
“Chớ làm vội, vội sai nhiều. Không sợ khó, chớ qua loa”.
3.10.1 “Chớ làm vội, vội sai nhiều”
Vội vàng sẽ gây hỗn loạn. Vì vậy, cách để đối trị sự hỗn loạn là cần phải thong thả. Thong thả có thể tránh được điều đáng tiếc, có thể tránh được điều sai lầm. Luôn luôn sắp xếp đâu ra đó thì làm việc rất ít bị sai sót. Cho nên, phải hiểu được cách tiến thoái, lúc cần thoái thì không nên cố, để tránh rước họa vào thân.
Việc “chớ làm vội” này cần phải kết hợp với nhiều câu giáo huấn về phương diện cẩn thận thì quý vị mới có thể làm việc được tốt.
Ví dụ trước đây có nói đến “nón quần áo, để cố định, chớ để bừa, tránh dơ bẩn”, đây là thói quen lấy ở chỗ nào thì để lại chỗ đó, “động vật quy nguyên, vật hữu định vị” (để đồ vật về chỗ cũ, vật nào chỗ đó). Nếu để đồ vật ở vị trí cố định thì khi cần lấy quý vị sẽ không bị loạn. Khi đã lấy xong cũng phải để lại vị trí ban đầu.
Ví dụ chúng ta dùng vòi hoa sen để tắm thì sau khi tắm xong phải chỉnh vòi nước lại vị trí cũ (để nước chảy ra ở rô-bi-nê bên dưới). Nếu không, thì khi người khác sử dụng, họ vừa mở nước sẽ kêu thất thanh, toàn thân họ sẽ bị ướt hết. Cho nên có rất nhiều việc chúng ta phải cẩn thận, phải thận trọng.
Khi quý vị muốn rời khỏi nơi đó, quý vị cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thì mới không gây phiền phức cho mình và cho người khác. Chúng ta phải thận trọng từ lúc ban đầu và cho đến lúc cuối cùng. Vì vậy, đồ vật dùng xong nên kiểm tra lại một lượt xem có trả về đúng vị trí cũ chưa. Như vậy thì khi bản thân mình muốn dùng hay người khác muốn dùng sẽ dễ dàng tìm thấy. Khi chúng ta muốn ra khỏi nhà, ví dụ muốn đi một tuần lễ thì cần phải kiểm tra xem đã khóa nguồn gas, ngắt nguồn điện chưa. Nếu không, giả như chưa khóa vòi nước, thì lúc trở về không biết đã chảy mất bao nhiêu nước, đã lãng phí hết bao nhiêu nước rồi. Vì vậy, đồ đạc đã sử dụng xong cần phải trả nó về chỗ cũ thì mới không lãng phí vô nghĩa.
Tôi nhớ có một lần bị mất điện trong khi tôi đang sử dụng máy nước nóng. Bởi vì cúp điện đột ngột nên tôi tiện tay tắt công tắc điện nhưng tôi đã quên tắt máy nước nóng, không trả lại vị trí ban đầu. Sau đó tôi đi diễn giảng khoảng hơn ba tiếng đồng hồ mới trở về. Khi trở về thì đã có điện, nên nước cứ thế mà chảy. Trở về nhìn thấy cảnh tượng như vậy, trong lòng tôi rất xót. Vì sự bất cẩn nhỏ của mình đã lãng phí của con cháu chúng ta bao nhiêu là nước. Vì vậy, cần phải cẩn thận. “Chớ làm vội, vội sai nhiều”. Khi đã mở công tắc thì cũng phải nhớ tắt đi thì mới không đến nỗi lãng phí, thậm chí mới không đến nỗi gây ra nguy cơ chập điện. Đây là “chớ làm vội, vội sai nhiều”.
Khi chúng ta thường xuyên sử dụng những công cụ nhắc nhở thì chúng cũng có thể giúp cho chúng ta không đến nỗi quên trước quên sau. Do đó, khi chúng ta đã hứa với người khác thì hãy nhanh chóng ghi vào lịch làm việc. Mỗi ngày ngủ dậy thì xem lại lịch làm việc, việc nào đã làm xong thì đánh dấu, việc nào chưa làm thì nhắc nhở mình nhanh chóng đi làm. Nếu như trẻ em ngay từ nhỏ đã có thái độ này thì chúng sẽ rất cẩn thận, cũng rất có trách nhiệm.
Có quý vị nào có con đang học lớp một không? Giả như con của quý vị đang học lớp một, hôm nay gọi điện về nói: “Mẹ ơi, con quên mang quyển bài tập ngữ văn rồi. Hôm qua con đã làm xong, tiết học sau thầy giáo sẽ kiểm tra bài, mẹ nhanh mang đến giúp con nhé!”. Quý vị bằng hữu sẽ làm gì? Người làm cha, làm mẹ khi nghe: “Mẹ ơi! Mẹ còn nghĩ ngợi gì nữa? Nhanh mang đến giúp con đi!” thì rất nhiều phụ huynh sẽ mang đến. Tuy là việc làm rất nhỏ, nhưng là làm đúng hay sai, đối với tâm lý của các cháu có thể sẽ khác nhau một trời một vực.
Chú Lư đã từng kể với tôi, lần đầu tiên con gái chú không mang vở bài tập theo, gọi điện thoại về nhà nhờ cha mang đến, chú Lư đã trả lời với con gái: “Bản thân mình không mang vở theo là đã có lỗi rồi, con phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, đáng bị phạt thì phải bị phạt”. Chú liền cúp điện thoại. Quý vị bằng hữu, quý vị có cúp điện thoại được không? Giáo dục con cái phải vừa đánh vừa xoa, lúc cần phải nghiêm khắc thì nghiêm khắc, lúc cần nguyên tắc thì phải có nguyên tắc với chúng.
Buổi chiều con gái chú trở về vẻ mặt như thế nào? Rất khó coi. Khi con gái bước vào cửa, có cần tiếp tục trách mắng nữa không? Giáo huấn thêm một trận nữa thì hơi quá đáng. Cúp điện thoại là đã quá nghiêm khắc rồi, tiếp theo là phải ban ân huệ. Vì vậy chú Lư nói với con gái: “Con có bị thầy giáo trách mắng không? Có bị phạt không?”. Cô con gái gật đầu nói: “Dạ có!”. Chú Lư liền nói : “Ba sẽ dạy cho con một phương pháp, từ nay về sau con sẽ không bị phạt vì quên không mang theo vở bài tập nữa”. Vốn vẫn còn chút hoang mang, đột nhiên nghe cha nói câu này thì cô con gái lấy lại tinh thần. Chú Lư liền nói với con gái: “Chỉ cần con dùng sổ liên lạc xem ngày mai có tiết học gì, nên mang theo những gì rồi ghi chú lại. Trước khi đi ngủ thì soạn sách vở, cái nào đã cho vào cặp xong thì đánh dấu một cái. Tất cả đã chuẩn bị xong thì có thể ngủ được ngon giấc”. Khi các em phạm sai lầm thì đây là cơ hội tốt để dạy chúng. Giả như quý vị chỉ có nổi giận thôi thì cơ hội này sẽ mất đi. Vì vậy, hãy để cho các em ngay từ nhỏ biết dùng sổ ghi chép để nhắc nhở mình những thứ gì cần mang theo thì chúng sẽ không bị quên cái này, quên cái kia. Đến lúc phải đi mà vẫn còn ở đó tìm đồ thì có thể sẽ làm hỏng việc.
Đương nhiên muốn cho các em “chớ làm vội, vội sai nhiều”, làm việc không vội vàng, không lộn xộn, thì trước tiên bản thân mình làm việc gì cũng phải làm ra tấm gương tốt mới được.
Tôi nhớ, khi mười mấy tuổi, tôi thường ngồi xe của ba tôi. Ba tôi có một câu nói rất quen thuộc trong lúc lái xe là: “Làm gì mà vội vàng vậy? Có gấp cũng không hơn được năm phút mà”. Câu nói này của ba tuy nhẹ nhàng nhưng có sự ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Sau này tôi biết lái xe rồi, khi muốn lái xe nhanh thì tôi nhớ đến câu nói của ba tôi. Ba tôi từ trước đến giờ không bao giờ bấm còi, bởi vì ông cảm thấy không cần phải vội vàng. Vì vậy, tôi lái xe cũng không bấm còi. Đương nhiên có một số tình huống cũng cần phải bấm còi, như khi quý vị hoàn toàn không nhìn thấy được xe của đối phương ở phía trước thì phải bấm còi báo hiệu, còn bình thường có thể nhường cho người khác thì nên nhường.
3.10.2 “Không sợ khó”
“Không sợ khó” chính là không sợ gian nan. Trong “Trung Dung” có một câu giáo huấn rất quan trọng: “Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được thì phải cố gắng gấp trăm. Người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà không được thì phải cố gắng gấp nghìn”. Nghĩa là người ta làm một lần thì thành công, còn chúng ta cho dù có hơi ngốc nghếch thì cứ làm một trăm lần rồi cũng sẽ làm được thôi. Người ta làm mười lần thì được, cho dù chúng ta phải làm một nghìn lần mới được thì cũng phải có nghị lực để làm. Giả như ai cũng giữ thái độ như vậy để đối mặt với sự việc, thì “tuy ngu tất minh”, nghĩa là tuy bản chất hơi ngu độn nhưng rồi cũng sẽ được khai trí tuệ; “tuy nhu tất cường”, tuy yếu nhưng rồi sẽ được mạnh. Khi chúng ta dùng thái độ như vậy đối mặt với sự việc, nhiều lần như vậy sẽ không còn bị chính mình đánh bại nữa, không vì sợ hãi mà thoái lui nữa.
Cô Dương Thục Phương cũng thường nói rằng cô luôn luôn cổ vũ khích lệ bản thân. Mạnh Tử nói: “Vua Thuấn là ai? Vua Vũ là ai? Họ làm được thì ta cũng làm được”. Vì vậy cô nói: “Chắc chắn tôi có thể làm được”. Bởi vì người làm bạn với quý vị lâu nhất là ai? Là chính mình. Vì vậy, phải luôn luôn tự khuyến khích, tự cổ vũ chính mình. Việc này rất quan trọng.
Trong hai năm dạy học, tôi đã nhận thức được: “Đức hạnh là nền tảng cả cuộc đời của đứa trẻ”. Vì vậy, nhân lúc còn trẻ tôi phải thâm nhập văn hóa truyền thống, nên tôi đã xin nghỉ việc. Cha tôi nói: “Giáo dục chính là kế hoạch trăm năm, làm công việc này rất khó khăn, con nên suy nghĩ cho kỹ”. Tôi nói với cha, phân tích để cho cha thấy rằng trong lịch sử, người thật sự có cống hiến tuyệt đối chẳng phải là người giàu có hay là người có quyền lực.
Chúng ta xem Khổng Lão Phu Tử có giàu có không? Khổng Lão Phu Tử có quyền thế không? Không có, Ngài chỉ dựa vào tấm lòng chân thành. Thầy của tôi là Pháp sư Tịnh Không cũng không giàu có, không có quyền lực, nhưng do có lòng chân thành, Ngài đã đem chính (chính) pháp và học vấn của Thánh Hiền hoằng dương khắp thế giới. Vì vậy, chúng ta hiểu rằng sự thành bại của công việc tuyệt đối không phải là vật ở bên ngoài, mà tâm chân thành mới là căn bản. Khi chúng ta hiểu điều này thì sẽ không dễ gì bị chùn bước.
Sau đó cha tôi nói: “Giáo dục thật sự cần phải mất thời gian rất lâu, thậm chí phải một trăm năm mới thấy được kết quả”. Tôi nói với cha tôi: “Thế hệ này của chúng ta không phải là mong nhìn thấy văn hóa truyền thống đơm hoa kết trái. Thế hệ này của chúng ta chỉ cần nhìn thấy văn hóa truyền thống không bị đứt đoạn trước mắt chúng ta, vậy là con đã được an ủi lắm rồi”.
Sau đó tôi đến Úc học tập, tôi đã khởi lên hai ý niệm. Ý niệm thứ nhất là hy vọng có được một giáo viên giỏi về văn hóa truyền thống. Ý niệm thứ hai là hy vọng có được một vị trưởng bối, một vị thầy giỏi ở bên cạnh, bởi vì bản thân tôi đức hạnh còn kém, có rất nhiều thói quen xấu. Nếu được như vậy thì quá tốt rồi! Vì vậy tôi đến Úc, khi đi học thì cô Dương Thục Phương ngồi ở bên trên giảng về những câu chuyện “đức dục” (giáo dục đạo đức) cho chúng tôi nghe, còn chú Lư thì ngồi ở bên cạnh tôi, cả hai vị trí này đều đã có đủ rồi.
Quý vị bằng hữu, cảnh giới mà các bạn chiêu cảm được, mối quan hệ giữa người với người mà các bạn chiêu cảm được, căn bản thật sự là từ đâu? Từ trong tâm của quý vị. Vì vậy, tâm là “năng cảm”, cảnh giới là “sở cảm”. Giả như tâm của chúng ta luôn luôn đối lập, có nhiều tranh chấp, thì mối quan hệ của chúng ta với mọi người sẽ như thế nào? Xung đột không ngừng. Khi trong tâm ta niệm niệm đều là mong muốn có thể được cống hiến, thì tự nhiên sẽ chiêu cảm được rất nhiều người giúp đỡ chúng ta. Vì vậy không nên sợ khó khăn, chỉ cần chúng ta có tâm chân thành thì rất nhiều sự trợ lực sẽ liên tiếp đến với chúng ta.
Tháng chín năm trước, cô Dương Thục Phương đưa tôi đến Hải Khẩu. Ở được một tuần thì chúng tôi đến Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông. Bởi vì chúng tôi hoằng dương văn hóa truyền thống nên trước tiên nhất định phải đến lễ bái Khổng Lão Phu Tử, vì Khổng Lão Phu Tử là bậc Thánh nhân cống hiến nhiều nhất cho văn hóa truyền thống. Trong chuyến đi của chúng tôi đến Khúc Phụ – Sơn Đông, cô Dương vô cùng xúc động khi nhìn thấy rất nhiều di tích cổ tại di tích Tam Khổng (Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ) bị phá hoại. Tất cả những bia mộ ca ngợi Khổng Phu Tử hầu như đều bị đập phá. Vì vậy cô Dương nói với tôi, vừa nhìn thấy là cô có sự cảm nhận sâu sắc văn hóa truyền thống đã xuống dốc trầm trọng. Vì vậy, chúng ta không thể không làm. Cô liền quyết định ở Bắc Kinh thiết lập một trang web về văn hóa truyền thống có tính toàn cầu, là trang web “Đại Phương Quảng Văn Hóa Công Ích”. Cô Dương nói với tôi: “Em về một mình đi!”.
Khi tôi đến Hải Khẩu, cha tôi còn đặc biệt dặn dò tôi nhất định phải đi theo cô Dương cố gắng học tập. Nhưng rốt cuộc “người tính không bằng trời tính”, đi được một tuần lễ thì tôi đã phải một mình làm, hơn nữa một mình ở xứ người. Vì vậy, khi cô Dương nói với tôi là “em về một mình đi”, thì trong tâm tôi bỗng nhiên khởi lên lời giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử: “Kẻ sĩ không thể thiếu lý tưởng lớn và chí kiên cường, vì họ phải gánh vác trách nhiệm lớn lao mà đường phía trước còn xa. Gánh điều nhân chẳng phải rất nặng sao? Đến chết mới được ngừng nghỉ chẳng phải đường dài sao?”. Thật sự rất nhiều việc chúng ta làm, không nên trước tiên nghĩ quá nhiều về những điều gây phiền não. “Làm sao có thể hoàn toàn như ý người, chỉ cầu lòng mình không hổ thẹn”. Chỉ cần đúng phương hướng thì chúng ta cứ tận tâm tận lực làm là được.
Vì vậy, sau khi tôi trở lại Hải Khẩu liền đi diễn giảng khắp nơi. Tôi hỏi cô Dương: “Em cần phải học tập như thế nào?”. Cô Dương trả lời vô cùng ngắn gọn: “Hiện giờ mục tiêu của em trước tiên là phải diễn giảng 300 lần”. Vì vậy, rất nhiều người hỏi tôi: “Thầy Thái à! Thầy sẽ diễn giảng như thế nào?”. Tôi cũng trả lời rất ngắn gọn: “Trước tiên tôi giảng 300 lần”, vì tôi đã được cô Dương huấn luyện như vậy.
Buổi diễn giảng đầu tiên ở Hải Khẩu, đối diện với hơn ba trăm thầy cô giáo, quý vị có thể nhận thấy tôi bị căng thẳng không? Có nhận ra không? Quý vị nhìn thấy tôi gầy như vậy, sao mà không căng thẳng chứ? Người gầy thì dạ dày không được tốt! Tôi còn nhớ lúc tôi thi đại học, quá căng thẳng nên không ngủ được, phải uống hai viên thuốc an thần mà vẫn không có tác dụng. Thật sự không phải là không có tác dụng, mà sáng ngày hôm sau mới có tác dụng. Lần thi đó thật sự làm cho đầu óc tôi choáng váng. Sau này vì có thâm nhập Kinh điển nên tôi mới biết được câu “lý đắc tâm an”, rất nhiều việc không thể cưỡng cầu mà phải từ từ điều chỉnh tính cách của mình.
Vì vậy, trước ngày diễn giảng tôi tranh thủ đến trước Thánh tượng của Khổng Lão Phu Tử lạy ba lạy, xin các vị Thánh Hiền gia hộ cho con hôm nay được ngủ ngon để ngày mai có tinh thần giảng bài. Kết quả là rất có cảm ứng, tôi ngủ một giấc đến sáng. Bắt đầu từ lần diễn giảng đó thì tôi không ngừng tiến bước, chỉ cần có cơ hội thì tôi liền đi giảng. Bởi vì thật sự là ở gia đình, trong đoàn thể hay ở trong nhà trường, thiếu sót nhiều nhất là sự giáo dục về đức hạnh.
Do bản thân được tôi luyện qua nhiều lần diễn giảng nên năng lực của tôi mới có tiến bộ. Vì vậy vào giữa tháng bảy, ở Hải Khẩu tôi giảng chủ đề: “Bốn ngàn năm trăm năm trước tổ tiên chúng ta đã giáo dục con cháu như thế nào?”. Khi giảng chủ đề này, tôi đã giảng tổng cộng tám tiếng đồng hồ. Bài giảng này tôi cũng đã giảng gần mười lần, giảng đến giữa tháng mười một thì đến Hồng Kông để thu hình. Cùng một chủ đề nhưng lần thứ nhất giảng tám tiếng đồng hồ, sau hơn ba tháng thì giảng bốn mươi tiếng đồng hồ, gấp năm lần. Con người có tiềm năng rất lớn, chỉ cần quý vị chịu rèn luyện, chịu sự tôi luyện là được.
Cách đây hai năm, lần giảng đầu tiên của tôi là vào ngày 11 tháng 10. Vào ngày 13 tháng 07 năm trước, ở Hải Khẩu tổ chức diễn giảng năm ngày. Có một số người bạn đã gần một năm không gặp tôi, trong lúc tôi giảng bài nhìn thấy họ rất quen, tôi liền mời họ phát biểu về lần diễn giảng đầu tiên của tôi so với một năm sau có khác lắm không? Vị thầy giáo đó nói: “Khác rất nhiều!”. Thầy đó nói thật là thẳng thắn. Vì vậy, con người chúng ta thật sự có tiềm năng rất lớn. Quý vị không nên lo lắng. Khi quý vị thật sự quyết tâm, phát tâm thì rất nhiều trợ lực tự nhiên sẽ đến.
Khi ở Hải Khẩu, chúng tôi muốn tìm một nơi để làm trung tâm dạy học. Lần đầu tiên đến gia đình của một người phụ nữ ở Sơn Đầu, tôi đã nói chuyện với người phụ nữ này hai tiếng đồng hồ. Người Sơn Đầu rất chú trọng hiếu đạo, vì vậy cô ấy vừa nghe chúng tôi muốn hoằng dương văn hóa truyền thống thì trong lòng rất vui, lập tức đồng ý cho tôi sử dụng chỗ của cô để giảng miễn phí. Tối hôm đó, trên đường trở về nhà tôi đã rơi nước mắt. Thật sự chúng ta phải tin vào chân lý: “Ông trời không thiên vị, thường giúp cho người lành”. Tôi ở đó một mình, cũng chưa từng tiếp xúc với quan chức địa phương, tất cả đều là bạn bè ở địa phương đó giúp đỡ tôi. Khi chúng ta có lòng chân thành thì có thể thức tỉnh chân tâm của mọi người. Vì vậy, chỉ trong có mấy tháng ở đó mà chúng tôi đã phát triển rất nhanh.
Vào năm trước, có một vị giáo viên ở Thẩm Quyến mời tôi đến giảng. Vì vậy chúng tôi đã đến Thẩm Quyến bắt đầu giảng vào ngày 15 tháng 03. Sau tháng ba thì một tuần tôi ở Thẩm Quyến, một tuần ở Hải Khẩu, cứ bay qua bay lại như vậy. Cho đến giữa tháng bảy năm ngoái, bởi vì là nghỉ hè, cô Dương nói thời gian nghỉ hè giáo viên tương đối có thời gian để học tập, chúng ta nên tổ chức bốn lần diễn giảng “Nghiên cứu về công tác giảng dạy của giáo viên với quy mô lớn”, một lần giảng năm ngày. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức buổi đầu tiên ở Hải Khẩu vào ngày 13 tháng 07. Vào ngày 11 tháng 07, bầu trời ở Hải Khẩu xuất hiện tám ngôi sao, mà các ngôi sao đó quý vị cảm thấy giống như đang được treo trên mái nhà của mình vậy, cảm thấy rất gần. Tôi không chính mắt nhìn thấy, nhưng ngày hôm sau giáo viên ở trung tâm đem tờ báo cho tôi xem, nói rằng tất cả các nhà thiên văn đều không tìm thấy lai lịch của tám ngôi sao đó, bởi vì vài tiếng đồng hồ sau thì các ngôi sao đó không còn xuất hiện nữa. Khi tôi xem bài báo này, trong đầu lập tức hiện ra tám chữ: “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”.
Chúng ta hãy suy nghĩ, hiện nay gia đình cũng vậy, xã hội cũng vậy, quốc gia cũng vậy, vấn đề là ở chỗ nào? Ở chỗ thiếu sự giáo dục về đức hạnh. Chỉ cần giáo dục về đức hạnh được phổ biến rộng rãi, tin rằng chúng ta có thể thiết lập lại thời đại hưng thịnh của người xưa. Vì vậy, lần diễn giảng vào giữa tháng bảy chúng tôi đã thực hiện năm ngày, tổ chức tại một nhà hàng cao cấp. Tại sao tổ chức ở một nhà hàng cao cấp như vậy? Vào cuối tháng sáu, tôi phải trở về Đài Loan nên bạn bè ở đó mời tôi dùng cơm trước ngày tôi đi. Ông chủ nhà hàng cũng đến ngồi dùng cơm cùng chúng tôi. Ông cũng rất thích văn hóa truyền thống. Lúc đó tôi đang giảng “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, nghe xong ông rất phấn chấn, ông nói: “Lần sau thầy đến giảng nhất định phải báo để tôi đến nghe”. “Người có đức thì không lẻ loi, sẽ có bạn bè biết tôn trọng đạo đức”. Buổi nói chuyện với ông diễn ra rất vui vẻ. Ông nói: “Tối nay tôi đưa thầy về, sáng mai tôi đưa thầy ra sân bay”. Đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt ông.
Trên đường trở về nhà, ông chủ nhà hàng nói: “Thầy Thái à! Trước kia Khổng Lão Phu Tử dạy học chính là vì có Tử Cống, một vị đệ tử rất giàu có nên Khổng Tử mới có thể dạy học mà không phải lo lắng”. Ông chủ nhà hàng nói câu này là có ý gì? Chúng tôi nghe xong rất cảm động. Ông nói: “Tầng trên nhà hàng của tôi có một phòng chuyên dùng cho hội nghị, có thể ngồi được hơn một trăm người, máy lạnh cũng rất tốt”. Bởi vì ở Hải Khẩu rất nóng, trung tâm của chúng tôi lại không có máy lạnh, tôi lo lắng đến khi tổ chức sợ rằng mỗi người phải dùng khăn tay lau mồ hôi. Đột nhiên nghe ông chủ nhà hàng nói như vậy, tôi lập tức trả lời: “Vậy chúng tôi có thể mượn chỗ của ông được không?”. Ông trả lời: “Không thành vấn đề!”. Vì vậy tôi trở về Đài Loan mà trong lòng không còn lo lắng nữa.
Sau khi quay lại, từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 7 thì tổ chức xong. Sau khi tổ chức xong, chúng tôi muốn thanh toán tiền thì nơi đó nói rằng: “Tất cả chi phí đã được trả hết rồi, không cần phải trả nữa”. Chúng tôi giật mình: “Ăn uống hết năm ngày sao mà không trả tiền chứ?”. Tìm hiểu kỹ thì mới biết bà chủ nhà hàng ngồi ở phía sau nghe giảng năm ngày. Khi nghe giảng trong lòng bà ấy rất cảm động. Bà nói: “Con tôi đều đã mười mấy tuổi rồi, lúc học tiểu học không được học những điều này”. Bởi vì đến nghe giảng đều là các giáo viên tiểu học, bà hy vọng buổi giảng này được tổ chức tốt khiến cho càng nhiều học sinh có thể có được lợi ích, nên mỗi ngày bà đều thanh toán hết mọi chi phí. Vì vậy, chúng ta cần phải thông qua cuộc đời của chính mình để thể nghiệm chân lý: “Thật sự chỉ cần có tấm lòng lương thiện, nhất định sẽ có rất nhiều lực lượng đến giúp đỡ chúng ta”.
Quý vị bằng hữu có niềm tin này không? Sao quý vị nói nhỏ vậy? Quý vị có niềm tin này không? “Có!”. “Niềm tin là mẹ của các công đức, nuôi dưỡng tất cả các căn lành”. Thành bại của mọi việc đều ở chữ tín. Giả như quý vị không tin con cái mình “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, thì quý vị rất khó dạy chúng được tốt. Giả như quý vị không tin chồng mình “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, thì rất có thể quý vị sẽ xung đột với chồng. Giả như chúng ta không tin lời của Thánh Hiền nói “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, chúng ta sẽ cách xa Kinh điển một khoảng. Vì vậy, niềm tin rất quan trọng.
Chúng tôi liên tục tổ chức lớp học ở Thẩm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, An Huy, Lô Giang, Sơn Đầu, Hạ Môn và ba nước Đông Nam Á. Tất cả chương trình đều được tổ chức miễn phí. Bởi vì trong quá trình giảng dạy có rất nhiều người cảm động nên đã chủ động bỏ tiền ra tổ chức chương trình, còn đưa tiền cho chúng tôi, muốn chúng tôi in sách hoằng dương rộng rãi. Vì vậy, chúng tôi vốn là định tổ chức bốn kỳ, nhưng sau khi tổ chức xong bốn kỳ thì nhiều nơi đều yêu cầu chúng tôi đến giảng. Tất cả nhân duyên đều đã được mở ra.
Vì vậy, khi quý vị có tâm muốn làm, quý vị không cần lo lắng. Chúng ta cố gắng nâng cao năng lực của mình thì nhân duyên tự nhiên từ từ sẽ được sắp xếp, sự việc sẽ được an bài. Sự việc được sắp xếp, mọi việc sẽ được thuận lợi. Ông trời rất từ bi. Khi ông Trời biết quý vị chỉ có thể gánh được hai mươi ký thì ông sẽ để cho quý vị gánh hai mươi ký, nhưng quý vị cần phải luyện thể lực hàng ngày mới được. Đợi lúc quý vị có thể gánh được năm mươi ký thì sẽ cho quý vị gánh năm mươi ký, sẽ không ép chết quý vị đâu. Quý vị xem tôi nhỏ con như thế này cũng không bị đè chết mà.
Tôi nhìn lại thì thật sự là như vậy! Năm đầu tiên họ không để tôi làm giáo viên chủ nhiệm, bởi vì kinh nghiệm của tôi còn non nớt, chỉ làm giáo viên bộ môn khối lớp bốn. Năm thứ hai dạy lớp sáu, trình độ khó hơn một chút. Sau đó thì dạy lớp khó dạy nhất trong trường. Mức độ khó dần dần tăng lên. Sau khi dạy xong lớp đó thì được điều đi Hải Khẩu, cũng để cho tôi từ từ rèn luyện. Vì vậy quý vị chỉ cần có tâm, không nên lo lắng, ông trời sẽ tự an bài.
Hết tập 24. Xin xem tiếp tập 25.