Tập 25: Gánh vác tránh nhiệm là sự khởi đầu của trưởng thành. Rèn dũa trẻ nhỏ như thế nào?
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
3.10.2 “Không sợ khó”.
3.10.3 “Chớ qua loa”.
3.11. Kinh văn: “Nơi ồn náo, chớ đến gần. Việc không đáng, quyết chớ hỏi”.
3.11.1 “Nơi ồn náo, chớ đến gần”.
3.10.2 “Không sợ khó” (tiếp)
(Tiếp theo tập trước)
Rất nhiều vị bằng hữu hỏi tôi là: “Thầy Thái! Thầy có mệt không?”. Trong mấy tháng nay có rất nhiều giáo viên cùng với chúng tôi đi diễn giảng khắp nơi, họ đều nhìn thấy sức khỏe của tôi, tôi càng giảng càng có tinh thần. Vì vậy, mọi sự lo lắng là không cần thiết. Tôi cũng nói với những vị bằng hữu này rằng, con người không sợ mệt thân mà chỉ sợ mệt tâm. Thân mệt chỉ cần nằm nghỉ bảy tiếng đồng hồ thì sẽ khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng trở lại. Nhưng mà tâm mệt thì cho dù có nhiều việc biết là rất quan trọng cần phải làm, nhưng lại không có năng lực để làm. Lúc đó thì tâm rất vất vả, khổ sở. Cho nên khi chúng ta có thể tận tâm, tận lực làm những việc quan trọng, thì trong lòng thật sự sẽ cảm thấy dễ chịu.
Tôi còn nhớ lúc học trung học phổ thông đã đọc một bài của Mạnh Tử, trong đó có câu: “Trời giao trách nhiệm lớn lao cho người nào thì trước tiên khiến người đó khổ tâm trí, mệt nhọc gân cốt, đói rét thể xác, cùng quẫn thân thể. Họ muốn làm việc gì thì hoàn cảnh khiến họ gặp điều nghịch lý, trở ngại. Vì sao vậy? Để tăng thêm tính kiên nhẫn cho họ, để họ đủ nghị lực tiến hành những việc chưa làm được”. Khi tôi học trung học phổ thông, đọc bài văn này tôi tâm đắc được điều gì? Tuyệt đối không nên làm Thánh nhân, bởi vì rất là mệt, phải giữ tâm chí cho kiên định, còn phải bị đói rét thân thể nữa. Lúc đó giáo viên cũng không giảng giải khí phách này cho chúng tôi. Vì vậy chúng tôi cứ dựa vào lời văn mà giải nghĩa, nên mới nghĩ tuyệt đối không nên đi theo chí hướng của Thánh Hiền quân tử. Sau khi thật sự đi hoằng dương văn hóa truyền thống, tôi đột nhiên có cảm nhận khác đối với câu nói này. Vì vậy tôi đã viết một câu rằng: “Nếm mùi gian khổ vẫn thấy ngọt ngào”. Khi chúng ta biết công việc này rất quan trọng nhưng trong tâm lại sợ chính mình không đủ năng lực, thì khi gặp thử thách, chúng ta vui vẻ tiếp nhận mới có thể nhanh chóng nâng cao năng lực. Cho nên chúng tôi có thái độ này, đồng thời đối với những thầy cô giáo mà chúng tôi đã tiếp xúc, chúng tôi đều thiết lập nhận thức chung với nhau như vậy.
Vì vậy, khi tôi từ Hải Khẩu đến Thẩm Quyến giảng dạy, phần bài giảng của tôi phải giao cho những giáo viên khác giảng thay. Khi những giáo viên khác nhận được thông báo của tôi: “Bắt đầu từ tiết học sau sẽ đến lượt quý vị”, họ sẽ nghĩ như thế nào? Họ sẽ không nói: “Không được! Không được đâu!”, mà họ sẽ nói rằng: “Gánh vác trách nhiệm là bắt đầu của sự trưởng thành”. Tuy là tôi đi khỏi Hải Khẩu, nhưng bài giảng vẫn không bị gián đoạn, ngay cả bài giảng vào ngày đầu năm mới và kỳ nghỉ tết cũng đều không bị gián đoạn. Họ nói với tôi: “Học tập trí tuệ là việc vô cùng cấp bách. Giả như trì hoãn thì chúng ta sẽ mất đi một ngày học tập, đối với các em học sinh sẽ có ảnh hưởng rất lớn”. Vì vậy, họ rất kiên trì. Khóa học này cũng được tổ chức hơn một năm rồi.
Rất nhiều giáo viên ở Hải Khẩu, ở Thẩm Quyến, ngoài những lúc công tác ở trường thì thời gian rảnh rỗi vào tối thứ bảy và chủ nhật, họ đều đến trung tâm phụ giảng với chúng tôi, đảm đương nghĩa vụ này. Sau hơn bốn tháng học tập, họ bắt đầu theo tôi đi giảng ở nhiều nơi. Vì vậy bắt đầu từ việc “tu thân”, sau đó dạy các lớp thật tốt là “tề gia”, sau đó chăm sóc tốt Hải Khẩu là “trị quốc”. Tiếp theo là đến Bắc Kinh, Thẩm Quyến, đến các tỉnh khác để giảng dạy thì gọi là “bình thiên hạ”. Bốn việc này thật ra chỉ là một việc. Chỉ cần chúng ta thật sự phát tâm không ngừng rèn luyện bản thân, không ngừng vươn lên, thì tự nhiên sức ảnh hưởng của chúng ta, sự cống hiến của chúng ta sẽ có sức lan tỏa và thành tựu. Vì vậy, “không sợ khó”.
Nếu công việc con cái cần phải đảm đương mà cha mẹ đều làm hết cho chúng, như vậy chính là tước đoạt cơ hội học tập, rèn luyện của con cái.
Trước đây tôi có nói đến chuyện chú Lư không mang giúp vở bài tập cho con gái. Giả như chú mang vở bài tập này cho con gái thì sẽ có một kết quả khác. Kết quả đó sẽ như thế nào? Con gái chú sẽ rất vui và nói: “Cha ơi! Cha thật là tốt! Có cầu tất ứng, thật sự là giống Quán Thế Âm Bồ Tát vậy”. Vì vậy trong lòng của con cái sẽ khởi lên ý nghĩ gì? Chỉ cần mình có việc thì đã có cha mình, mẹ mình, ông nội mình, bà nội mình, những người giúp việc của mình. Đằng sau mình còn có rất nhiều chỗ dựa, có thể giúp mình thu dọn tàn cuộc bất cứ lúc nào.
Vì vậy hiện nay chúng ta thường thấy rất nhiều thanh niên đã hai mươi tuổi đầu nhưng nghe chúng nói chuyện quý vị sẽ thấy tức chết đi được. Thật vậy! Hoàng đế không gấp thì Thái giám phải gấp gáp vô cùng. Tất cả người thân, cha mẹ đều bận rộn giúp chúng không kịp thở, còn chúng lại cảm thấy chẳng có gì phải gấp gáp.
Ở Hải Khẩu tôi đã chứng kiến trường hợp cha mẹ phải thông qua nhiều mối quan hệ để tìm việc làm cho con mình. Vậy mà chúng còn ỡm ờ nói: “Được rồi! Con nể mặt cha mẹ đi làm thử xem sao!”. Còn có sinh viên đại học bị đuổi học mấy lần. Bạn bè hỏi chúng sẽ làm gì, chúng trả lời: “Tôi cũng không biết!”. Quý vị xem, đã gần hai mươi tuổi rồi mà hoàn toàn không có trách nhiệm với bản thân mình. Đây là kết quả, vậy nguyên nhân do đâu? Chúng rất ít khi chịu trách nhiệm hoàn toàn với những việc chúng đã làm.
Khi chúng ta giúp con cái khắc phục sai lầm của chúng, chúng liền cho rằng tương lai sau này sẽ có người lo giúp cho chúng rồi. Vì vậy sau này chúng muốn cưới vợ, quý vị phải bỏ tiền lo liệu giúp chúng. Chúng muốn mua nhà, quý vị cũng phải bỏ tiền ra thanh toán. Quý vị phải lo cho chúng đến khi nào? Đời người như vậy thì sẽ rất mệt. Có thể đến khi quý vị sắp nhắm mắt rồi mà vẫn còn phải giúp cháu chắt mua sắm đồ.
Ngày 19 tháng 10 năm ngoái, báo “Đặc Khu Thẩm Quyến” có một bài phát biểu của một đôi vợ chồng, khuyến cáo những bậc cha mẹ còn trẻ không nên chiều chuộng con cái. Bởi vì khi họ tuổi đã cao mới sinh được một cậu con trai nên họ chiều chuộng con mọi thứ. Khi con họ đi học mẫu giáo, cô giáo nói với họ: “Con của quý vị có những hành động không tốt, quý vị nên chú ý!”. Họ còn biện hộ cho con mình, che đậy cho con mình. Cứ mãi như vậy, đứa con muốn cái gì là họ cho cái đó. Đến khi tốt nghiệp đại học, nó quen một cô bạn gái. Cô bạn gái yêu cầu: “Anh hãy bảo ba mẹ của anh chuyển ra ngoài, để căn nhà cho chúng ta ở thì em mới lấy anh”. Con trai của họ đương nhiên sẽ như thế nào? Bởi vì nó là tiểu hoàng đế đúng không? Vì vậy nó ra lệnh cho thiên hạ thì ai dám không nghe theo. Nó trực tiếp bảo cha mẹ nó chuyển ra ngoài ở. Cha mẹ của nó đã cảm nhận được tính nghiêm trọng của sự việc, hy vọng thông qua sự thống khổ của bản thân họ có thể nhắn nhủ cho càng nhiều bậc phụ huynh là tuyệt đối không nên nuông chiều, chiều chuộng con cái.
Vào thập niên 20 thế kỷ 20, có một đứa bé mười một tuổi chơi bóng đá đã làm vỡ kính của người khác phải đền 12,5 USD (mười hai đô la rưỡi). Lúc đó 12,5 USD có thể mua được 125 con gà mái đẻ trứng. Số tiền này rất lớn, không phải nhỏ. Người cha nói với đứa con: “Việc này con phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, vì vậy con phải tự mình kiếm tiền để trả”. Việc này bậc làm cha mẹ có làm được không? Rất khó! Theo thống kê, trẻ em Trung Quốc có tiền tiêu vặt nhiều nhất nhưng làm việc nhà ít nhất, cho nên chúng không biết gánh vác. Đứa bé mười một tuổi này từ đó bắt đầu đi làm việc để trả tiền lại cho cha mình. Cuối cùng, sự nghiệp của đứa trẻ ấy cũng rất thành công, trở thành Tổng thống Reagan của nước Mỹ.
Quý vị xem, khi quý vị để cho con cái rèn luyện là giúp chúng tăng trưởng thái độ đúng đắn và tâm trách nhiệm, hơn nữa còn phát triển khả năng làm việc của chúng. Vì vậy, nuôi dưỡng con cái cần phải dùng lý trí, không nên chỉ dùng tình cảm, cưng chiều mà thôi. Điều này rất quan trọng. Vì vậy, hãy “không sợ khó”. Khi các bậc phụ huynh đối mặt với mọi việc đều có tinh thần can đảm, thì thái độ này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến con cái của quý vị.
Tục ngữ thường nói: “Mỗi nhà đều có quyển Kinh rất khó tụng”. Quý vị đã đọc thông chưa? Hiện nay tỷ lệ ly hôn rất nghiêm trọng. Cuộc hôn nhân mà cuối cùng phải ly hôn là sự tổn thương đối với chính mình cũng như đối với con cái. Đối mặt với cuộc đời, đối mặt với sự trắc trở trong hôn nhân, chúng ta cũng phải can đảm khắc phục.
Khi tôi ở Hải Khẩu, một hôm đi giảng, trên đường đi có một người bạn gọi điện thoại nói với tôi: “Chồng của bạn đồng nghiệp của tôi ngoại tình, vậy phải làm sao?”. Quý vị bằng hữu có tiếp cuộc điện thoại như vậy chưa? Người chưa kết hôn như tôi đã nhận được cuộc gọi như vậy đấy. Tuy là tôi chưa kết hôn, nhưng những câu trả lời để giải quyết vấn đề trong cuộc sống bảo đảm đều ở trong Kinh điển. Vì vậy, lúc đó tôi đã nói với cô ấy rằng: “Làm không được thì phải quay lại phản tỉnh bản thân”. Khi đời người xảy ra vấn đề thì tuyệt đối không thể người khác đều sai, chỉ có mình đúng. Có khả năng này không? Không thể, bởi vì một bàn tay thì không thể vỗ thành tiếng.
- Khi vợ chồng đối diện với vấn đề như vậy, ý nghĩ trước tiên của chúng ta phải là: “Mình sai ở chỗ nào?”. Đương nhiên ý niệm này không dễ, nhưng nếu chúng ta không chuyển đổi thành ý niệm này thì tâm của chúng ta nhất định không lắng lại được. Khi chúng ta luôn nghĩ đối phương không đúng ở chỗ nào, đối phương sai ở chỗ nào thì chắc chắn sẽ hành xử nông nổi, xử sự theo cảm tính, do đó sẽ làm cho sự việc càng trở nên xấu thêm.
Tiếp theo tôi nói: “Ví dụ đối phương sai bảy – tám phần, chúng ta sai một – hai phần, thì chúng ta cũng phải tĩnh lặng lại, suy nghĩ xem trong một – hai phần này mình sai ở chỗ nào, tiến thêm bước nữa là sửa đổi lại”. Đây là thái độ quan trọng nhất: “Làm không được thì phải quay lại phản tỉnh chính mình”.
- Tôi nói tiếp với cô ấy: “Gia hỏa bất khởi, dã hỏa bất lai” (trong nhà không xảy ra việc xấu, thì người ngoài không có cơ hội phá hoại). Quý vị bằng hữu, “gia hỏa” là lửa gì? Đó chính là sự xung đột, không khoan thứ, không bao dung, đó là lửa. Trong nhà không xảy ra chuyện trước thì lửa bên ngoài có cháy vào được không? Không cháy vào được. Vì vậy không nên trách người khác, chắc chắn là mình có lỗi trước, không nên đem cảm xúc bực bội trút lên người khác. Đây là thái độ quan trọng thứ
- Thứ ba, khi chồng cô đúng thì cô cần phải xem anh ấy như cha của mình. Lúc bình thường thì cô xem anh ấy như người bạn. Khi chồng cô sai thì nên xem anh ấy như trẻ con vẫn chưa đủ, phải xem anh ấy như con mình. Khi con của quý vị phạm lỗi, quý vị có nói với chúng là: “Cuộc đời này mẹ quyết thua đủ với con” không? Không có. Vì sao vậy? Sao cô ấy lại bất công như vậy! Đối với con thì không như vậy, còn đối với chồng thì cô lại như vậy? Vì sao vậy? Các vị có nhìn thấy sự đối xử thiếu công bằng của con người không?
Tất cả chướng ngại phiền não không do ở bên ngoài mà ở chính bản thân mình. Ai khiến cho cô phiền não vậy? Ví dụ một hôm cô đang đi trên đường, đột nhiên có một người lạ đi đến đánh cô một bạt tai. Cô chưa kịp định thần lại thì người này đã bỏ chạy. Cô đứng đó sờ lên mặt và nói: “Tại sao lại như thế này? Thôi bỏ đi!”, liền bỏ đi. Đột nhiên ngày hôm đó trở về nhà thì “họa vô đơn chí”, đúng lúc ông chồng đã uống chút rượu trở về nhìn thấy cô cũng đánh một bạt tai giống như vậy. Kết quả có giống nhau không? “Tôi sẽ sống chết với ông!”. Thật kỳ lạ, cũng là một cái bạt tai nhưng kết quả thì khác nhau.
Điều này do ai gây ra? Khổ là do tự mình chuốc lấy. Vì sao vậy? Bởi vì tâm của chúng ta không đủ khoan dung, không nhìn từ góc độ của đối phương, đều dùng tâm yêu và ghét để giải quyết sự việc. Những gì mình thích thì sao cũng được, những gì mình không vui thích thì đều không được, cho nên đã gây ra rất nhiều phiền não, chướng ngại về mặt tâm lý. Rất nhiều người nói: “Họ đã lớn như vậy rồi mà ngay cả một chút đạo lý làm người cũng không biết”. Họ đều lớn về mặt thân xác thôi. Có đúng vậy không? Đúng! Đã sống hơn ba mươi, bốn mươi tuổi, nhưng thân thể cao lớn không đại biểu cho sự trưởng thành của trí tuệ. Cô ấy nói: “Anh ta phải biết chứ!”, nhưng anh ấy lại không hiểu. Có ai dạy cho anh ấy đạo vợ chồng không?
Quý vị bằng hữu đã đi học mười mấy năm, có học qua bài học về đạo nghĩa vợ chồng không? Có bài nào không vậy? Đạo vợ chồng đối với đời người có quan trọng không? Quan trọng. Trong “Ngũ luân”, chỉ cần đạo vợ chồng đoan chính thì các mối quan hệ khác sẽ tự đoan chính. Quý vị xem, điều quan trọng như vậy đã không được dạy.
Tôi đã từng nói chuyện với một vị trưởng bối, ông nói: “Giáo dục của chúng ta điều gì cũng dạy, nhưng vẫn thiếu một thứ”. Là thiếu điều gì vậy? Quý vị không biết sao? Thiếu “đức”. Điều gì cũng có, ca hát, nhảy múa tất cả đều có, nhưng điều thiếu sót nhất là không dạy cách sống cùng với người khác phải như thế nào. Vì vậy, chồng của cô cũng là người bị hại, chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ anh ấy. “Con người không phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi”, vì vậy cô cũng nên xem anh ấy như con thì cô sẽ lập tức bao dung cho anh ấy. Cũng nhờ cô có thái độ như vậy mà anh ấy mới biết ăn năn hối lỗi, bởi vì anh ấy ở bên ngoài đều là gặp dịp mua vui, đều là giả dối. Con người thường là phạm sai lầm rồi mới nhận ra điều gì là đúng. Vì vậy, người thứ ba ở bên ngoài chắc chắn không phải là một phụ nữ tốt. Người phụ nữ tốt nhất định sẽ không phá hoại gia đình người khác. Bởi vì người chồng này không có đủ định lực nên mới dễ bị lời ngon tiếng ngọt gạt gẫm.
Cô Dương theo đuổi sự nghiệp giáo dục dựa trên Kinh điển, thời gian thấm thoát cũng mười năm rồi. Ngoài việc dạy bọn trẻ học, cô thường xuyên dạy chúng đọc Kinh, dạy thư pháp đến hơn mười giờ. Bọn trẻ về rồi thì đến lượt người lớn học. Bởi vì rất nhiều vấn đề về gia đình, các phụ nữ không tìm được giải pháp nên họ rất đau khổ. Cô Dương thường nói với tôi làm phụ nữ thật không dễ, nên cần được yêu thương nhiều hơn. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh trong gia đình có vấn đề về giáo dục đều đến hỏi cô Dương, cô Dương cũng hết lòng giúp đỡ họ. Vì vậy, cô Dương thường hơn một giờ đêm mới về đến nhà. Cô Dương mặc áo khoác, bên trong luôn có cái ô (cây dù) để đề phòng những lúc cần thiết. Lúc nửa đêm khá nguy hiểm nên cần phải trang bị vũ trang. Sau đó thì trùm áo khoác lên người để người khác không nhận ra cô là nam hay nữ. Từ những việc làm nhỏ như vậy có thể nhận thấy trong giá trị quan của cô Dương thì điều gì được cô xếp ở vị trí đầu tiên? Giúp người khác được đặt ở vị trí đầu tiên, còn chuyện sinh tử của cá nhân cô thì đương nhiên không nghiêm trọng như vậy.
Có một người phụ nữ nói chồng cô ngoại tình. Phải làm như thế nào? Cô Dương trầm ngâm một chút. Khi quý vị trầm tĩnh một chút thì đối phương cũng sẽ tĩnh tâm lại. Cô Dương hỏi: “Chị thật sự muốn giải quyết vấn đề phải không?”. Phải xem cô ấy có hạ quyết tâm hay không. Cô ấy liền nói: “Thật ạ!”. Cô ấy đã hạ quyết tâm. “Tôi xin nói cho chị biết, chị phải thật làm. Trong tình huống này chị nhất định phải lấy bảo bối của chị em phụ nữ ra”. Đó là gì vậy? Sự dịu dàng. Sao quý vị đều biết vậy? Phải lấy sự dịu dàng của quý vị ra. “Vì vậy, bắt đầu từ ngày hôm nay, chồng chị làm sai điều gì thì chị nên đặt ở vị trí thứ hai. Quan trọng là bản thân mình có làm đúng hay không? Có chăm sóc con cái tốt hay không? Có chăm sóc tốt cha mẹ chồng hay không? Những điều quan trọng này trước tiên bản thân chúng ta phải làm tròn bổn phận, lấy đức hạnh của chị để thức tỉnh lòng hổ thẹn của chồng mình”.
Ngày hôm sau, cô ấy ăn mặc chỉnh tề. Có thể ăn mặc lôi thôi nhếch nhác được không? Rất nhiều đàn ông bị phụ nữ ăn mặc lôi thôi làm cho khiếp sợ mà bỏ đi. Chúng ta phải ăn mặc đoan trang. Cô ấy liền trang điểm một cách đoan trang, cho con cái học bài xong hết, đến giờ thì cho chúng đi ngủ, còn cô thì ngồi ở đó đợi chồng trở về. Thời gian trôi qua từng giây từng phút, hơn mười hai giờ rồi, đột nhiên lúc đó cô bỗng nhận ra một đạo lý: “Tất cả pháp thành tựu đều ở nhẫn”. Giả như lúc đó quý vị tức giận thì có thể bao nhiêu công sức đều đổ sông đổ biển hết. Cho nên cô ấy tiếp tục đợi. Hơn một giờ thì nghe có tiếng mở cửa. Lúc đó như thế nào? Người vợ lập tức chạy ra cười rất tươi, hai tay cầm lấy cặp của chồng và nói: “Anh vất vả quá, giờ này mới về. Chắc là anh đói bụng rồi, để em đi nấu mì cho anh ăn nhé!”, liền đi vào nấu mì cho chồng của cô. Chồng của cô chưa kịp định thần, không biết xảy ra chuyện gì. Bắt đầu từ ngày hôm đó, mỗi ngày cô đều đợi chồng về.
Quý vị bằng hữu, chồng cô này tuy đã lạc lối nhưng ít ra cũng còn một điểm tốt là còn một chút lòng hổ thẹn. Vì vậy, khoảng một – hai tháng sau đó, một hôm chồng cô đặc biệt về nhà sớm. Vừa bước vào nhà, chồng cô không nói lời nào liền quỳ xuống. Anh ấy nói: “Em hãy tha thứ cho anh! Anh xin thú tội với em”. Chồng cô nói: “Dạo này anh bị lương tâm dày vò, anh chịu không nổi nữa rồi, vì vậy anh muốn cùng em hóa giải”. Muốn hóa giải những trắc trở, những khó khăn của đời người thì cần phải dùng điều gì? Vẫn là phải dùng sự thành tâm, phải dùng đức hạnh mới có thể làm được. Cho dù cuộc đời đối mặt với thử thách như thế nào, chúng ta nhất định phải nghĩ đến “không sợ khó”, phải nghĩ đến câu nói của Mạnh Tử: “Trời muốn giao trọng trách cho người nào thì trước tiên khiến người đó khổ tâm trí, mệt nhọc gân cốt, đói rét thể xác, cùng quẫn thân thể. Họ muốn làm việc gì thì hoàn cảnh khiến họ gặp điều nghịch lý, trở ngại. Vì sao vậy? Để tăng thêm tính kiên nhẫn cho họ, để họ đủ nghị lực tiến hành những việc chưa làm được”, thì chúng ta sẽ khởi lên cái tâm gánh vác trách nhiệm. “Tôi sắp giảng hết nổi rồi!”, chúng tôi làm giáo viên hay có thói quen xấu này. Do đó chúng ta phải thường xuyên kiểm tra việc gánh vác trách nhiệm của mình. “Tôi đã làm sai rồi!”. “Làm không được thì phải quay lại phản tỉnh chính mình”. Gánh vác trách nhiệm là bắt đầu của sự trưởng thành.
Quý vị bằng hữu hãy hồi tưởng lại cuộc đời của mình lúc nào thì có sự tiến bộ đặc biệt nhanh? Đều là trong lúc gặp thách thức, gặp nghịch cảnh. Vì vậy chúng ta cần phải cảm ơn thử thách, cảm ơn nghịch cảnh. Đây là “không sợ khó”.
3.10.3 “Chớ qua loa”
“Vật khinh lược” (chớ qua loa). “Khinh” nghĩa là xem thường, “lược” nghĩa là lơ là. Khi chúng ta xem thường, lơ là đối với một việc nào đó thì trong tâm đã mất đi sự cung kính, mất đi sự cẩn thận. Những công việc nào chúng ta dễ lơ là, dễ xem thường vậy? Ví dụ như hôm nay chúng ta muốn tặng quà cho người khác, mặc dù là tặng quà cho người khác chúng ta cũng phải giữ cái tâm cung kính.
Thời xưa có một bài văn viết là có một người thấy rất nhiều người đang bị đói liền mang thức ăn cho họ ăn. Ông ấy đã buột miệng nói rằng: “Này, đến đây, đến đây mà ăn đi!”. Có một người trong số đó nói: “Không ăn đồ bố thí đó! Thái độ của ông như vậy cơ bản không xem chúng tôi là con người”. Họ thà đói chết chứ không ăn. Vì vậy, thái độ của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến sự cảm nhận của người khác. Dù hôm nay chúng ta bố thí hay đem cho người khác thì cũng không nên quên sự cung kính, sự cẩn thận của chúng ta. Thật sự người nhận là ruộng phước để cho chúng ta gieo trồng, để chúng ta tích đức, chúng ta phải cảm ơn họ.
Khi tôi giảng ở Hải Khẩu hơn 100 buổi, có những cụ bà hơn bảy mươi tuổi vẫn thường đến nghe tôi giảng. Tôi hoài nghi là các cụ ấy nghe có hiểu hay không, bởi vì các cụ chỉ biết tiếng Hải Nam. Nhưng rất kỳ lạ, tôi thấy các cụ ấy ngồi ở phía sau thường hay cười. Nhiều cụ cảm thấy những gì chúng tôi giảng đều có ích cho những người ở nơi này. Tôi liền nói với các thầy cô giáo rằng: “Chúng ta phải cảm ơn những người ngồi bên dưới nghe giảng. Họ chính là đang thành tựu cho chúng ta, bởi vì ánh mắt của những vị bằng hữu này đều vô cùng trìu mến, vô cùng nhân từ”. Giả như quý vị ngồi bên dưới nét mặt rất khó coi, thì có thể tôi không giảng được nữa. Có nhiều người như vậy đã cho chúng ta cơ hội thì chúng ta mới trưởng thành được. Vì vậy, những người giảng bài, giảng Kinh cũng phải luôn luôn cảm ơn, luôn luôn khiêm tốn. Mặc dù chúng ta là người đem cho nhưng cũng đừng quên phải giữ cho tốt cái tâm này. Nếu không, khi tâm không còn cung kính thì sẽ cống cao ngã mạn, đạo nghiệp cũng sẽ bị hủy hoại mất.
Về phương diện ăn uống, thậm chí là phương diện vật chất, ví dụ chúng ta muốn quyên góp quần áo cho người khác, tặng quần áo cho người khác thì có thể mang quần áo bẩn tặng cho không? Tặng đồ cho người khác phải có thành ý. Trước tiên phải giặt sạch sẽ. Tôi nhớ khi tôi tặng chiếc xe cho người bạn, cha tôi liền dặn dò: “Tặng đồ cho người khác nhất định phải khiến cho người khác nhận một cách vui vẻ”. Nhưng thông thường chúng ta không chú ý sẽ nghĩ: “Tôi tặng cho anh ấy thì anh ấy lẽ ra phải hài lòng chứ!”. Có phải vậy không? Thường thì chúng ta có ý niệm xem thường, lơ là như vậy. Có thể quý vị vốn có ý tốt, muốn tặng đồ, nhưng có khi vì đồ vật này mà xảy ra rất nhiều tình huống, đến lúc đó có thể trong lòng người nhận không được thoải mái. Vì vậy, tôi nghe theo lời dạy của cha tôi, tôi liền kiểm tra lại, sau đó thì phát hiện hộp số đã dùng hơn mười năm rồi nên rất khó sử dụng. Mặc dù tặng lại xe cho người bạn, nhưng đến lúc người bạn đó chạy xe thì sẽ rất khó khăn. Vốn là việc tốt, nhưng đến lúc đó có thể sẽ khiến cho anh ấy sinh ra nhiều phiền não, sau đó lại phải đi sửa tốn rất nhiều tiền trong khi anh ấy rất khó khăn về kinh tế.
Vì vậy chúng ta phải luôn luôn nghĩ thay cho người khác, cho dù tặng quà cho người khác cũng phải để ý đến cảm nhận của họ. Do đó, sửa xe xong tôi mới đem chiếc xe tặng cho người bạn. Anh ấy lái xe được một, hai tuần thì gọi điện nói với tôi là chiếc xe này tuy đã sử dụng hơn mười năm rồi nhưng rất dễ lái. Sau đó không lâu, người bạn này của tôi có con. Quý vị có con nhỏ mà đi xe máy thì sẽ rất nguy hiểm. Người bạn này kết bạn với tôi đã hơn hai mươi năm, bạn gái anh ấy chính là người đã giới thiệu thầy giáo của cô ấy cho tôi. Vì vậy quý vị xem, nhân duyên giữa người với người càng lúc càng thù thắng, chỉ cần chúng ta dùng tâm để làm, dùng tâm để cống hiến.
Ví dụ như bạn bè đến nhà chơi, chúng ta cũng phải “chớ qua loa”. Trước tiên phải tưởng tượng, giả như anh ấy đến nhà mình chơi thì sẽ cần dùng những đồ dùng hằng ngày gì. Cho dù anh ấy có mang theo hay không, chúng ta cũng phải chuẩn bị, bởi vì con người làm sao tránh khỏi việc quên cái này, quên cái kia. Nếu anh ấy quên mang theo khăn nhưng lại ngại không nói với quý vị, có thể khi tắm xong lau mình chưa khô đã mặc quần áo vào thì không chừng sẽ bị cảm lạnh. Vì vậy chúng ta phải thường xuyên nghĩ cho bạn bè, để họ cảm giác như đang ở nhà của mình, tin rằng tình bạn của quý vị sẽ càng ngày càng gắn bó, càng lâu dài hơn.
Khi ở Úc tôi đã đảm nhiệm chức tổ trưởng phòng ngủ tập thể, quản lý vật dụng sinh hoạt, nên tôi cũng thường xuyên đến nhà vệ sinh xem giấy vệ sinh còn đủ dùng hay không, khi thời tiết thay đổi thì tôi đi kiểm tra xem có đủ chăn mền không. Chúng ta cống hiến từng chút từng chút một, chắc chắn sẽ khiến trong lòng bạn bè rất ấm áp, rất vui vẻ. Vì vậy về phương diện ăn mặc, đi lại, chúng ta cũng phải tận tâm tận lực chăm sóc, lo lắng. Đây gọi là “chớ qua loa”.
Về phương diện giáo dục con cái, ví dụ chúng ta bảo con cái lau nhà, sau khi chúng lau xong cần phải làm động tác gì? Con cái thường có tâm lý: “Bảo mình làm thì mình làm đại cho rồi, còn phải tranh thủ đi xem phim hoạt hình”. Có khả năng này không? Lần đầu tiên con cái đồng ý làm việc cho quý vị, thái độ của chúng là ứng phó, làm qua loa. Nếu quý vị không điều chỉnh chúng thì sau này chúng sẽ qua loa, tắc trách. Con cái làm việc có trách nhiệm hay không, có cẩn thận hay không cũng cần phụ huynh nhẫn nại theo dõi chúng.
Lần đầu tiên để con cái lau phòng khách, quý vị nhất định phải kiểm tra xem ở các góc phòng chúng lau có sạch không. Giả như ở trong góc kín vẫn còn dơ bẩn thì chứng tỏ chúng đã làm qua loa. Ngoài việc làm qua loa ra, chúng làm việc có đầu không có đuôi. Làm xong việc thì nên kết thúc như thế nào? Nên mời cha mẹ đến kiểm tra, mời cấp trên đến xác nhận. Nếu không thì chúng sẽ nghĩ: “Mình làm như vậy có lẽ cũng không tệ lắm!”, nhưng có thể so với tiêu chuẩn của cấp trên và tiêu chuẩn của cha mẹ thì vẫn còn kém xa. Đây cũng là tinh thần chịu trách nhiệm. Vì vậy người cha vừa nhìn thấy chưa được thì lập tức phải chỉnh sửa: “Qua đây, hôm nay con vất vả quá, lau nhà cũng không tệ”. Chúng ta ai cũng đều thích nghe lời khích lệ. Trước tiên thì động viên, sau đó nói với chúng: “Ở các góc phòng này nếu như con lau kỹ hơn một chút thì cũng không phải là việc dễ. Khi cha bằng tuổi con chắc chắn làm việc này không được tốt như con”. Nên khen chúng một chút. “Lần sau cha giao con làm việc gì, làm xong thì con nhất định phải báo cho cha biết để cha kiểm tra, sau đó con mới có thể đi làm công việc của con”. Vì vậy hãy để cho con cái đối với mọi người, mọi việc, mọi vật đều phải biết cung kính, cẩn thận.
Tôi đã từng ở nhà của cô Dương nửa năm. Cô rất quan tâm tôi, cũng rất tinh tế. Trong thời gian đó, sợ tôi không có tiền tiêu nên cô đặt một túi tiền trên tủ lạnh, bên trong có một ít tiền. Cô nói một câu: “Không có tiền thì cứ lấy nhé!”. Tôi có thể cảm nhận được vị trưởng bối này lúc nào cũng nghĩ cho người khác, sợ tôi không có tiền sẽ rất khó chịu, cũng không tiện mở lời, liền làm một cách khéo léo để tôi có thể thuận tiện dễ dàng giải quyết vấn đề. Đương nhiên là tôi không lấy, bởi vì tôi ở nhà của cô hơn một tháng thì đến trường dạy học nên đã có tiền rồi. Tuy tôi không có tiền, nhưng khi cần tiền thì tôi vẫn có cơ hội để có được.
Ngoài ra, khi tôi sống cùng với chú Lư cũng cảm nhận được chú luôn luôn cung kính người khác, không ngạo mạn. Tôi nhớ khi ở Úc trở về, chú Lư có đến Đài Trung thăm tôi, còn mang theo một hộp khoai Nưa (Konjac) hữu cơ, khoai Nưa đường đen. Mặc dù tôi là hàng con cháu của chú, nhưng chú rất khách sáo đối với tôi, tuyệt đối không có thái độ của một bậc trưởng bối hay bề trên. Chú mua khoai Nưa đường đen này cho tôi là do tình cờ trước đây chú có nghe tôi suýt nữa là đi theo ngành thực phẩm hữu cơ, nên khi chú nhìn thấy khoai Nưa đường đen này thì lập tức nghĩ đến tôi. Chú Lư khi tiếp xúc với người khác đều rất tinh tế, đều biết được sở thích cũng như nhu cầu của người khác, chỉ cần có cơ hội thì nhất định chú sẽ giúp đỡ.
Chú cũng dạy dỗ thế hệ con cháu chúng tôi rằng: “Chúng ta nên có những hành động nhằm giảm bớt sự lo lắng cho người khác”. Chú cũng dặn dò, ví dụ buổi tối từ nhà bạn bè về, khi về đến nhà nhất định phải gọi điện báo cho bạn bè mình biết là “tôi đã về đến nhà rồi, bạn đừng lo lắng nhé!”. Vì vậy, luôn đứng trên góc độ của đối phương để giảm đi sự lo lắng cho đối phương. Chúng ta là con cái càng phải nên như vậy. Ví dụ buổi tối rời khỏi nhà cha mẹ trở về nhà mình, khi về đến nhà rồi thì nhớ gọi điện cho cha mẹ, cho người thân, không nên để họ lo lắng cho chúng ta nhiều. Những việc nhỏ nhặt cũng phải “chớ qua loa”.
Tôi thường đi máy bay và cũng thường đi cùng với cô Dương. Cô Dương có một thói quen là trước khi lên máy bay là cô nhất định phải xác nhận xem máy bay khởi hành có đúng giờ không. Còn phải tính thời gian, ví dụ bảy giờ rưỡi máy bay đến thì cô sẽ cộng thêm hai mươi phút hoặc bốn mươi phút vì tuyến bay quốc tế thì thủ tục tương đối lâu, bay trong nước thì tương đối nhanh. Cô sẽ nhờ người đến sân bay đón lúc bảy giờ năm mươi phút, chậm hơn giờ hạ cánh thật sự là hai mươi phút, như vậy sẽ làm cho người khác không phải đợi quá lâu. Khi chúng ta luôn nghĩ cho người khác thì người khác sẽ luôn nghĩ cho chúng ta. Vì vậy “chớ qua loa”.
3.11 Kinh văn:
“Đấu náo trường, tuyệt vật cận. Tà tịch sự, tuyệt vật vấn”.
“Nơi ồn náo, chớ đến gần. Việc không đáng, quyết chớ hỏi”.
3.11.1 “Nơi ồn náo, chớ đến gần”
“Nơi ồn náo” là chỉ nơi tương đối phức tạp, xa hoa. Con cái chúng ta không nên đến những nơi đó. Bọn trẻ vì sao đến những nơi như vậy? Vì trong lòng chúng trống vắng, cuộc sống không có mục tiêu. Còn có một vấn đề căn bản rất quan trọng, đó là chúng không có khả năng phán đoán. Chúng không biết nên kết bạn với ai, nên gần gũi với môi trường nào, nên làm việc gì mới đúng, mới lợi ích cho cuộc đời của chúng. Sức phán đoán này được hình thành khi nào? Rất nhiều phụ huynh đều rất lo lắng một việc, họ nói: “Tôi rất sợ con tôi sau này sẽ chơi với bạn xấu”. Quý vị bằng hữu, quý vị có lo lắng như vậy hay không? “Có”. Tiếp tục lo lắng có giúp được gì không? Không giúp được gì. Vì vậy chúng ta cần phải suy xét, làm sao mới có thể xây dựng được sức phán đoán cho con cái.
Tôi đã từng xem một bản tin. Có một đứa trẻ phạm một tội rất nặng, Cục cảnh sát gọi điện thoại cho mẹ nó. Mẹ nó nghe điện thoại liền nói: “Chắc chắn không phải là con tôi! Không thể nào! Con tôi không thể làm những việc như vậy”. Sau đó bà đi đến Cục cảnh sát. Khi chưa bước vào bà vẫn cứ nói: “Không thể nào! Chắc chắn là trùng tên, trùng họ đó”. Đến lúc bà mở cửa ra, nhìn thấy con của bà đang viết lời khai, bà lập tức nói: “Đều là do đám bạn xấu lôi kéo làm hư con tôi”. Câu nói này đã phủi sạch hoàn toàn trách trách nhiệm của bà. Như vậy có đúng không? Thánh Hiền dạy chúng ta: “Làm không được thì phải xét lại chính mình”. Giả như chúng ta không có thái độ này, cuộc đời của quý vị đã phạm bao nhiêu sai lầm quý vị cũng hoàn toàn không biết. Đời người như vậy thật sự sống không có giá trị.
Tôi nói với rất nhiều bạn bè, gặp được bạn tốt hay bạn xấu có liên quan rất lớn đối với bản thân chúng ta. Chúng ta không thể tư duy theo phiền não của mình, thường ở đó lo lắng, mà phải theo lý trí, theo chân lý để đối mặt.
Trong “Kinh Dịch” có nói: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Hiện nay hầu hết mọi người lại nói là: “Vật dĩ loại tụ, phương dĩ quần phân”. Nguyên văn là: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”, nghĩa là người lương thiện sẽ ở gần với người lương thiện, người xấu sẽ thu hút bạn bè xấu. Vì vậy, khi con cái chúng ta lương thiện, xem trọng đức hạnh, tự nhiên sẽ chiêu cảm được bạn bè tốt. Vì vậy, điều quan trọng nhất, trước tiên cần phải bồi dưỡng “thiện tâm” cho con cái .
Cháu của tôi hơn ba tuổi thì mẹ cháu bắt đầu giảng giải “Đệ Tử Quy” cho cháu hiểu. Khoảng ba – bốn tuổi dẫn cháu ra bên ngoài kết bạn với những bạn nhỏ khác. Khi thấy các bạn nhỏ khác nói lời xấu với người khác, hoặc là đánh người, cháu tôi nhìn thấy liền kéo mẹ và nói: “Bạn đó không được đánh người. Bạn đó không được mắng chửi người”. Vì sao cháu có thể nhận xét như vậy? Khi quý vị dạy “Đệ Tử Quy”, ví dụ quý vị dạy con cái hiếu thảo là đúng, là thiện, thì chúng có biết điều gì là xấu không? Chúng biết bất hiếu là không đúng. Khi quý vị dạy anh em đùm bọc, tôn kính trưởng bối thì chúng biết đó là điều thiện, chúng có biết điều gì là ác không? Là bất kính, không biết nhường nhịn. Khi chúng biết cẩn thận là rất quan trọng, khi chúng biết việc của mình thì phải tự mình làm là thiện, thì đồng thời chúng cũng biết điều gì là ác. Khi chúng biết thương người là thiện, chúng có biết điều gì là ác không? Biết! Vì vậy, bọn trẻ sẽ phân biệt được rõ thiện và ác. Thiện ác phân minh thì chúng sẽ có được lựa chọn đúng. Vì vậy, khi trong tâm chúng có thiện niệm, thì đến những chỗ đấu tranh ồn náo đảm bảo chúng sẽ toàn thân khó chịu. Giả như hiện giờ bảo tôi đến chỗ ca múa nhạc, chắc chắn tôi rất khó thở, đầu sẽ bị đau. Từ trường ở đó không được tốt. Bởi vì các vị giống như “vào trong nhà trồng đầy hoa Lan, ở lâu ngày rồi thì không nhận ra mùi thơm của hoa Lan nữa”. Khi quý vị đã tiếp nhận được phẩm hạnh của Thánh Hiền rồi, thì những điều mà trong lòng quý vị nghĩ hay làm đều là thiện. Nếu để quý vị trong hoàn cảnh bất thiện, quý vị lập tức cảm thấy rất khó chịu, tự nhiên sẽ “kính nhi viễn chi” (kính trọng như không gần gũi). Phân biệt rõ thiện – ác thì chúng ta mới có sự lựa chọn. Hiện nay phụ huynh có dạy con cái như vậy hay không? Lúc còn nhỏ chúng không phân biệt rõ thiện – ác, đợi lúc học tiểu học, trung học, gặp phải một số bạn xấu, chúng lập tức bị lôi kéo ngay.
Vạn pháp do nhân duyên sinh. Một người kết giao với bạn xấu, nguyên nhân do đâu? Không phân biệt rõ thiện – ác. Duyên là gì? Duyên là bạn xấu xuất hiện, nên kết thành quả xấu. Con người xưa nay chỉ xem trọng duyên, chứ không truy tìm nguyên nhân thật sự. Trong mấy ngàn năm lịch sử, bao nhiêu bậc Thánh triết đều sống trong thời loạn nhưng họ vẫn đứng vững hiên ngang, bởi vì thước đo làm người trong lòng của họ rất rõ ràng, rất thấu đáo.
Nếu như quý vị để cho con cái nắm vững nền tảng của thiệc – ác, thì nửa cuộc đời còn lại của quý vị mới có thể bình yên vô sự. Vì vậy, những dự định trong cuộc đời của chúng ta cần phải được tính toán một cách thật chu đáo.
Hết tập 25. Xin xem tiếp tập 26.