Tập 36: Nuôi dưỡng tình nghĩa, đạo nghĩa và ân nghĩa ở trẻ nhỏ như thế nào?
Dạy dỗ trẻ nhỏ quan sát lời nói sắc mặt, nắm bắt được ranh giới tiến thoái như thế nào?
Hướng dẫn trẻ giới hạn khi nói chuyện như thế nào?
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
5.4.1 “Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”. (tiếp theo)
5.4.2 “Chớ ghét cũ, không thích mới”.
5.5 Kinh văn: “Người không rảnh, chớ não phiền. Người bất an, không quấy nhiễu”.
5.6 Kinh văn: “Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền. Khen người thiện, tức là tốt; người biết được, càng tốt hơn. Khen người ác, chính là ác; ác cùng cực, tai họa đến”.
5.6.1 “Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền”.
5.4.1 “Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”
(Tiếp theo tập trước)
“Đệ Tử Quy” của chúng ta đã đi vào chương thứ năm: “Phiếm Ái Chúng”, yêu thương rộng khắp mọi người, yêu thương động vật, chúng sinh. Đương nhiên chữ “ái” này là chữ hội ý, tức là dùng tâm để cảm nhận nhu cầu của đối phương, dùng tâm để thể hội cảm giác của đối phương. Người với người cư xử với nhau như vậy thì rất hòa thuận, an vui, không đến nỗi xảy ra xung đột và tranh chấp. Mạnh Tử nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, điều nào là quan trọng nhất? Nhân hòa. Cho nên người với người đối xử tốt với nhau mới có được nhân hòa tốt đẹp, mới có sức mạnh đoàn kết to lớn.
Làm sao để có được nhân hòa? Đương nhiên trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế, chúng ta nên thực hiện những lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” có nói: “Mình có tài, chớ dùng riêng”. Làm được như vậy thì đương nhiên quý vị sẽ có được nhân hòa. Mạnh Phu Tử lại nói: “Người giữ được đạo đức thì được nhiều người giúp, kẻ đánh mất đạo thì ít người giúp”. Người giữ được “đạo” thì được nhiều người giúp đỡ, kẻ đánh mất “đạo” thì rất ít người giúp họ. Thưa quý vị, chữ “đạo” này chỉ cho cái gì? Chữ “đạo” này trong “Trung Dung” có nói đến, đó là: “Tu thân cốt ở đạo, tu đạo cốt ở lòng nhân”, vì vậy chữ “đạo” này tiêu biểu cho lòng nhân từ. Khi một người luôn lo nghĩ cho người khác thì họ đã ở trong nhân đạo rồi, cho nên một người có được đạo thì tâm tư của họ luôn nghĩ cho đối phương. Người đánh mất đạo thì luôn tự tư tự lợi, không cảm nhận được tâm trạng của người khác, không nhìn thấy nhu cầu của người khác, chỉ thấy có bản thân mình. Trải qua thời gian dài, tất nhiên vì tâm tư khác nhau nên kết quả tuyệt nhiên không giống nhau, người có được đạo tất nhiên được nhiều người giúp đỡ, người đánh mất đạo thì ít người giúp đỡ. “Ít người giúp đỡ, người thân cũng phản lại họ” chính là họ tự tư đến cực điểm, đến cả người thân bạn bè cũng bỏ họ mà đi, gọi là bị thân bằng quyến thuộc chối bỏ. “Giúp đỡ thật nhiều”, nếu như họ luôn lo nghĩ cho người khác, làm những chuyện nhân đạo, thì “thiên hạ theo họ”, thiên hạ đều cảm được lòng nhân từ của họ, mong muốn đi theo và dốc sức cùng với họ, cùng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng ta đã nhìn thấy, Chu Văn Vương dùng tâm nhân từ mà có được lòng dân. Có một lần, trong lúc đang xây dựng một công trình, nhân công đào đất gặp phải một số xương trắng liền đặt qua một bên. Chu Văn Vương nhìn thấy thì vô cùng lo sợ, lập tức đem số xương này thận trọng làm lễ cúng tế, chôn cất đàng hoàng. Người dân xung quanh nhìn thấy rất cảm động. Họ nói: “Ngay cả người chết mà Văn Vương cũng chẳng dám xem thường, còn cung kính như vậy, thiết nghĩ đối với người sống tất nhiên sẽ hết sức quan tâm lo lắng, thương dân như con”. Vì vậy, nhà Chu dùng tâm nhân từ nhanh chóng thống nhất được thiên hạ, hơn nữa đã tạo nên một triều đại hưng thịnh lâu dài nhất, triều đại nhà Chu kéo dài đến 800 năm.
Chúng ta hãy xem vì sao người chính nghĩa được nhiều giúp đỡ như vậy? “Đệ Tử Quy” có lời dạy “Phiếm ái chúng”, trên thực tế cũng là xoay quanh một chữ “nhân”, chữ “nhân” của nhân từ. Chúng ta hãy xem: “Mình có tài, chớ dùng riêng”, vì vậy phải hết lòng phục vụ người khác.
Thời nhà Tống, Tể tướng Phạm Trọng Yêm lúc còn nhỏ đến gặp một thầy xem tướng số và nói rằng: “Ông có thể xem giúp con có thể làm Tể tướng chăng?”. Thầy tướng số nghe xong rất kinh ngạc: “Đứa trẻ này còn nhỏ tuổi mà sao khẩu khí quá lớn!”. Nghe thầy tướng số vừa nói như vậy, Phạm Trọng Yêm có chút bẽn lẽn, cúi đầu xuống rồi nói tiếp: “Nếu không thì ông xem con có thể làm thầy thuốc được không?”. Thầy tướng số cũng có chút ngờ vực: “Lạ thật, mới đầu thì nói có thể làm Tể tướng hay không, bây giờ thì hạ xuống làm thầy thuốc đông y”, cho nên liền hỏi ông: “Vì sao hai nguyện vọng của con lại khác nhau nhiều như vậy?”. Phạm Trọng Yêm liền nói: “Bởi vì chỉ có Tể tướng tốt và lương y mới có thể thật sự cứu người. Bởi vì một vị tể tướng tốt, chỉ cần xử lý tốt chính sách quốc gia thì có thể giúp được hàng ngàn hàng vạn người dân, mà người thầy thuốc tận tâm tận lực cũng có thể giúp người dân thoát khỏi bệnh khổ”. Thầy tướng số nghe Phạm Trọng Yêm nói như vậy thì rất cảm động, nhìn thấy Phạm Trọng Yêm còn nhỏ mà đã lập chí không vì bản thân mình mà vì giúp đỡ người khác nên rất cảm động, lập tức nói với Phạm Trọng Yêm: “Con có tấm lòng như vậy thì nhất định con có thể làm Tể tướng. Đây mới chân thật là tấm lòng của một vị Tể tướng?”.
Thưa quý vị, Phạm Trọng Yêm sau này có làm Tể tướng hay không? Điều này cũng chẳng bất ngờ, bởi vì ông còn nhỏ như vậy mà đã lập chí làm Tể tướng nên lúc ông đi học, lúc ông học “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh” thì ông muốn học điều gì? Muốn học làm sao để trị quốc bình thiên hạ. Những người thông thường khác đi học là vì điều gì? Công danh lợi lộc. Xin hỏi, những điều học được có giống nhau không? Kiến giải có giống nhau không? Thưa quý vị, nên để cho con cái lập chí sớm, mục tiêu đã xác định thì có thể dốc hết sức lực. Hơn nữa, người chính nghĩa thì được nhiều người giúp, nên khi con cái của quý vị thật sự phát tâm làm lợi ích cho xã hội thì có thể trong quá trình chúng trưởng thành sẽ có rất nhiều quý nhân giúp đỡ.
Trong quá trình làm quan vào thời nhà Tống, Phạm Trọng Yêm đã mua rất nhiều nghĩa điền (ruộng để làm việc nghĩa), thân tộc của ông hơn 300 người đều do ông chăm sóc. Để cho họ canh tác số ruộng này là giúp cho cuộc sống của họ không bị thiếu thốn. Còn phần bổng lộc của ông, chỉ cần nhìn thấy bạn bè thân thuộc có khó khăn trong hôn nhân hỷ sự hay tang lễ, ông rất hào phóng giúp đỡ. Có cho đi thì sẽ được nhận lại, ông nhận lại điều gì? Thành tựu của Phạm Trọng Yêm chỉ thua Khổng Lão Phu Tử. Thành tựu của họ lớn hơn các đời đế vương, gia tộc của Phạm Trọng Yêm đã hơn 800 năm không bị suy, gia tộc của Khổng Lão Phu Tử hơn hai ngàn năm không bị suy, bởi vì họ dùng sự chân thành để cống hiến cho xã hội.
Phạm Trọng Yêm ngoài việc hết lòng giúp đỡ tiền tài cho bạn bè người thân ra, ông còn xây một ngôi trường Hưng Nghĩa Học (trường học miễn phí), giúp cho nhiều học trò có thể nhận được giáo huấn của Thánh Hiền, tiến tới có thể đền ơn cho đất nước. Vì vậy, ngôi trường mà Phạm Trọng Yêm xây dựng đến thời nhà Thanh đã có mấy trăm người thi đậu tiến sĩ, mấy mươi người đậu trạng nguyên. Hiện nay, mảnh đất đó cũng là trường trung học phổ thông nổi tiếng của địa phương. Đức hạnh của Phạm Trọng Yêm chân thật vẫn còn ảnh hưởng cho đến tận bây giờ. “Mình có tài, chớ dùng riêng”, tự nhiên sẽ thu phục được lòng dân. Đức hạnh của Phạm Trọng Yêm như vậy tất nhiên sẽ làm cho con cháu đời sau của ông có được sự che chở. Kinh Dịch nói: “Gia đình tích thiện ắt có nhiều niềm vui”. Cho nên “mình có tài” phải “chớ dùng riêng”.
“Người có tài, không chỉ trích”. Khi chúng ta nhìn thấy người khác có năng lực mà phê bình, xem thường họ thì sẽ tạo thành bầu không khí không tốt trong đoàn thể, rất có thể việc tốt đều bị chướng ngại. Mà công việc này là việc của mọi người nên tội của chúng ta rất là lớn, bởi vì đã gây trở ngại cho cả tập thể. Bởi vậy, chúng ta nên mở rộng tâm lượng, tùy hỷ với tài hoa, với năng lực của người khác, cùng nhau làm cho tốt công việc. Suy cho cùng, sự việc thành công cũng không dễ. Thời đại ngày nay, làm việc tốt thật không hề dễ, cho nên chúng ta càng phải tích cực thúc đẩy những việc tốt này cho thành công.
“Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”. Có cái tâm nhân từ thì mới không xem thường người khác, đương nhiên cũng không đi nịnh bợ người khác. Có một hội nghị thu hút đầu tư điện tín các tỉnh thành được tổ chức ở Thượng Hải. Người Thượng Hải thì rất giàu. Người Thượng Hải tổ chức, người ở các tỉnh đến tham gia. Họ có sự phân biệt, đó là một số tỉnh tương đối khá giả thì điều kiện ăn ở tương đối tốt, những nơi thuộc vùng sâu vùng xa, thực lực kinh tế không bằng các tỉnh hùng hậu thì điều kiện ăn ở kém hơn một chút. Đây chính là “nịnh người giàu”, không dùng tâm bình đẳng để đối đãi người khác, cũng chẳng có tâm nhân từ. Khi những người bị phân chia đẳng cấp để chiêu đãi này biết được thông tin này thì trong lòng của họ sẽ không vui, sẽ tức giận bất bình: “Sao có thể xem thường tôi vậy?”. Lúc đó người Quảng Đông rất thông minh, cũng biết cách làm ăn, họ lập tức xoa dịu những người có tâm trạng không được vui này rồi sắp xếp cho những người này đến những khách sạn mà họ đã đặt phòng sẵn. Sau lần hội nghị khách hàng đó, ai có được mối làm ăn nhiều nhất? Con người không nên quá thông minh lanh lợi, mà phải nên bình đẳng đối đãi, “không nịnh giàu”.
Khi con người dùng tiền bạc để giao tiếp với người khác, thì tình nghĩa như vậy có bền vững hay không? Không bền vững. Quý vị xem, các công ty thường dùng tiền để lôi kéo nhân viên của công ty khác thì hôm sau sẽ có người dùng tiền để lôi kéo nhân viên của họ đi. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là phải dùng đạo nghĩa, dùng tín nghĩa để giao tiếp. Điều này khá quan trọng.
Chúng ta xem những vị quan, tướng quân nổi tiếng thời xưa, chắc chắn triều đình không phải dùng tiền để mời họ. Cuộc cách mạng sớm nhất của chúng ta là sự nổi dậy của Thương Thang đối với Hạ Kiệt. Lúc đó, Thương Thang phát hiện có một vị nhân sĩ hiền đức tên là Y Doãn, liền đem rất nhiều vàng bạc, quần áo đắt tiền đi mời Y Doãn. Y Doãn thần thái vẫn tự nhiên, nói: “Lẽ nào những thứ này mời ta đi được sao?”. Y Doãn không bị những thứ tài vật đó làm động tâm. Thương Thang cũng rất có tâm, nhiều lần đi bái thỉnh, mong muốn Y Doãn có thể ra giúp ông. Sau đó Y Doãn cảm động trước lòng thành của Thương Thang, cũng hiểu được Thương Thang thật sự có tâm cứu nước. Lúc đầu Thương Thang không phải muốn đánh Hạ Kiệt, mà là mời Y Doãn ra giúp Hạ Kiệt, đã chín lần giới thiệu Y Doãn cho Hạ Kiệt nhưng Hạ Kiệt đã chìm đắm trong nữ sắc, chìm đắm trong rượu thịt nên không nghe lời của Y Doãn. Sau đó Thương Thang bất đắc dĩ, bởi vì Hạ Kiệt đã làm cho dân chúng lầm than, nên Thương Thang liền thề với trời là vì dân mà phạt tội, bất đắc dĩ mới phát động chiến tranh. Do lấy được lòng dân nên nhanh chóng đánh bại Hạ Kiệt. Sau khi đánh bại Hạ Kiệt, Thương Thang liền thu xếp cho con cháu, người thân của Hạ Kiệt đến ở một vùng đất. Chúng ta thấy những vị vua nhân từ ngày xưa vạn bất đắc dĩ lắm chứ quyết không tùy tiện giết hại. Hơn nữa, sau khi đuổi Hạ Kiệt đi, tuyệt đối không làm tổn hại đến những người vô tội khác.
Thật sự là phải dùng sự chân thành mới mời được những người hiền đức này. Mà Y Doãn ra phò tá không chỉ vì Thương Thang mà còn là vì thiên hạ muôn dân, do đó chúng ta vẫn phải dùng đạo nghĩa để đối đãi với mọi người, gọi là “người được lòng dân thì sẽ được thiên hạ”, tuyệt đối không phải dùng tiền để tạo mối quan hệ với mọi người. Vì vậy, “không nịnh giàu”.
“Chớ khinh nghèo”, đối với người nghèo chúng ta không nên kiêu ngạo, không nên xem thường, gọi là “sông có khúc, người có lúc”. Đời người có lúc thăng, có lúc trầm. Trong lúc người khác khốn đốn, chúng ta không nên thừa cơ giậu đổ bìm leo, vì đây là việc làm không thuận với đạo đức, sẽ gặp kết quả là “người bất chính thì ít người giúp đỡ, đến nỗi người thân cũng phản lại họ”. Cuộc đời không nên để kết cục như vậy mới hối hận vì không còn kịp. Đây là “chớ khinh nghèo”. Không chỉ không khinh người nghèo, mà chúng ta cần phải chủ động giúp đỡ họ.
5.4.2 “Chớ ghét cũ, không thích mới”
Đây chính là nói “thích mới, ghét cũ”. Khi chúng ta nhìn thấy một người thích mới ghét cũ, trong lòng chúng ta sẽ thấy như thế nào? Có thể sẽ lắc đầu: “Nếp sống xã hội ngày một xấu đi, lòng người không bằng xưa”. Chữ xưa này nghĩa là phong cách cổ xưa, vô cùng chân thật, cư xử với người thì hiền hậu. Đây là tấm lòng của người xưa. Vì vậy tục ngữ có nói: “Bạn bè là nghĩa thâm giao”. Bởi vì trong quá trình chung sống với nhau, hai bên đều cùng đóng góp, còn có cả ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa mà đối phương đã đối với chúng ta.
Nói đến chỗ này, chúng ta lại nhớ đến câu chuyện về “Tống Hoằng nhớ tình xưa” mà trước đây chúng ta đã từng nói. Tuy là có cơ hội có thể trực tiếp làm anh rể của Hán Quang Vũ Đế, bỗng chốc đã trở thành anh rể của hoàng đế, đây là cơ hội rất đặc biệt, nhưng ông vẫn như như bất động, còn nói hai câu cho hoàng đế nghe. Đó là hai câu gì? Thói quen xấu [ưa chất vấn mọi người] của tôi lại xuất hiện rồi! Đó là hai câu: “Không thể quên bạn tâm giao thuở hàn vi, không thể bỏ người vợ cùng chịu gian khổ với mình”. Quý vị xem, đây là “chớ ghét cũ, không thích mới”.
Thưa quý vị, chúng ta cùng đọc qua một lần: “Không thể quên bạn tâm giao thuở hàn vi, không thể bỏ người vợ cùng chịu gian khổ với mình”. Nếu như quý vị đọc câu này nhiều lần, bảo đảm thân thể của quý vị rất cường tráng, đó gọi là dưỡng khí trời đất bao la. Thật sự không phải gạt quý vị.
Thật sự, người xưa xem tín nghĩa, đạo nghĩa còn nặng hơn cả mạng sống của mình, cho dù đao có kề ngay cổ mà bảo họ làm chuyện ngược với đạo nghĩa thì họ thà chết chứ không làm. Giống như Văn Thiên Tường, tuy ông đã bị bắt nhưng ông vẫn dũng cảm hy sinh vì đạo nghĩa. Quý vị xem, ở trong tù ông viết: “Vạc to ngọt như mật”, đối với với dụng cụ hình phạt này ông hoàn toàn không sợ hãi, mà chỉ mong muốn dũng cảm hy sinh vì đạo nghĩa. Bởi vì có chí khí chính trực như vậy, nên khí phách của ông cũng đã ảnh hưởng đến người đọc sách mấy trăm năm sau, cũng ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay. Nghĩ đến Văn Thiên Tường, chúng tôi lại nghĩ đến một câu nói khác là “cuộc đời xưa nay ai không chết, hãy để lòng son chiếu sử xanh”.
Vào thời nhà Hán, có một người trí thức tên là Tuân Cự Bá. Ông đi thăm một người bạn đang bị bệnh. Thời xưa, khi đi thăm bạn bè có phải là chạy xe máy năm phút là đến rồi không? Không phải vậy, mà đều phải trèo đèo lội suối, vượt núi băng rừng mà đi. Điều này tôi có thể khẳng định, vì Trung Quốc núi non rất nhiều. Khi ông đến và đang chăm sóc bạn thì có bọn cướp xâm nhập. Chúng đốt phá, cướp bóc toàn bộ khu vực này. Tất cả mọi người nhanh chóng chạy trốn. Bởi vì bạn của ông bệnh nặng, đi đứng không thuận tiện nên nói với ông: “Anh hãy mau chạy đi, tôi chẳng còn sức lực để đi nữa rồi, đừng để bọn chúng gây tổn thương cho anh”. Nhưng Tuân Cự Bá nói: “Nếu như tôi bỏ đi thì tôi chẳng còn đạo nghĩa, tôi thà chịu chết chứ không bỏ đi”. Khi bọn cướp đến, Tuân Cự Bá liền chủ động nói với bọn chúng: “Bạn của ta bị bệnh nặng, các người không nên làm hại ông ấy. Nếu như các người muốn làm hại thì hãy làm hại ta đi”. Tuân Cự Bá nói rất khẳng khái, có nghĩa khí.
Kết quả, bọn cướp này thấy mọi người đều chạy trốn hết nhưng lại có một người không sợ chết đứng ở đây đợi họ đến, hơn nữa lại không để họ gây tổn hại đến người bạn đang bị bệnh, họ hiểu ra và rất cảm động. Tên cầm đầu liền nói: “Bọn chúng ta đây đều là người không có đạo nghĩa, làm sao có thể đến cướp một nơi có đạo nghĩa được chứ!”, cho nên tất cả bọn cướp đều bỏ đi. Đạo nghĩa của một người, lòng chân thành của một người có thể đánh thức cái tâm đạo nghĩa của những người khác. Đạo nghĩa của cá nhân Tuân Cự Bá đã cứu được sinh mạng, kiếp nạn của rất nhiều người.
Trong lịch sử, những vở tuồng hay như vậy rất nhiều. Những vở tuồng hay như vậy gần đây có còn diễn nữa hay không? Mấy mươi năm gần đây có còn biểu diễn nữa không? Có lẽ có, nhưng số lần diễn tương đối ít. Điều này cũng không nên trách chúng ta, bởi vì “người không học, không biết đạo, không biết nghĩa”, bởi vì lời giáo huấn của Thánh Hiền đã bị gián đoạn hai, ba đời rồi.
Chúng ta nhìn xem, người xưa niệm niệm đều là vì người khác, còn người bây giờ ý niệm đầu tiên đều là vì bản thân mình. Càng vì bản thân mình thì con đường nhân sinh càng nhỏ hẹp lại, bởi vì người bất chính thì ít người giúp đỡ, người chính nghĩa thì được nhiều người giúp. Khi con cái của quý vị từ nhỏ đã có lòng nhân từ, thì con đường của chúng càng đi càng rộng. Như vậy, đối với bạn bè, đối với vợ con, chúng ta đều nên “chớ ghét cũ, không thích mới”.
Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, tôi mượn của một người bạn học cấp hai mấy chục ngàn. Lúc anh ấy đi lấy tiền cho tôi mượn, anh đưa tiền xong thì bỏ đi. Tôi liền nói với anh ấy, vì sao anh không hỏi tôi dùng tiền này để làm gì? Anh ấy trả lời: “Quen biết lâu như vậy, có gì mà phải hỏi”. Điều này cũng thể hiện được, bạn cũ đối với tính cách của chúng ta, đối với bản chất làm người của chúng ta rất hiểu và vô cùng tin tưởng, vì vậy không cần nói quá nhiều, có thể trong lòng đã quá hiểu nhau.
Vậy làm sao để một người “chớ ghét cũ, không thích mới”, làm sao từ căn bản để giải quyết được cái tập khí “thích mới, ghét cũ” này? “Thích mới, ghét cũ” chính là quên đi cái tình xưa nghĩa cũ, gọi là vong bản, có phải vậy không? Vậy làm sao giải quyết từ căn bản? Trong khóa học mấy ngày này, chúng ta có giải quyết được vấn đề không? Xin hỏi quý vị: Vì sao tỷ lệ ly hôn cao như vậy? Quý vị không biết rằng đi học đến lúc cuối sẽ có rất nhiều bài kiểm tra sao? Không thể trách quý vị, điều này cần phải ôn tập lâu dài.
Trước đây chúng ta có nói đến, nếu như một cô gái có một người con trai theo đuổi cô ấy ba năm. Trong ba năm này ngày nào cũng vậy, gần như cô ấy muốn gì được nấy. Buổi tối cô gái đó đói bụng liền gọi điện thoại cho anh ấy, anh ấy không nói lời nào bèn lập tức đi mua chè vừng đen hoặc chè hạnh nhân nhanh chóng mang đến nhà cho cô gái ăn. Ăn xong còn hỏi cô có no không, chưa no thì anh lại đi mua. Hễ có nghỉ phép, anh liền nhanh chóng tìm hiểu nhà hàng nào đặc biệt ngon và đặt chỗ mời cô gái đi ăn. Bình thường vào sáng chủ nhật thì ngủ đến tám, chín giờ, nhưng từ khi quen cô gái ấy rồi thì năm, sáu giờ anh đã dậy đi leo núi với cô ấy. Nhưng xưa nay anh chưa từng dẫn cha mẹ đi leo núi bao giờ, cũng chưa từng mời cha mẹ đi ăn cơm bao giờ. Người trong cuộc thì mê mờ, nên cô ấy sẽ nghĩ rằng “anh ấy đối với mình thật là tốt”. Sau ba năm thì anh cầu hôn với cô ấy. May mà tổ tiên của cô gái có đức, có một trưởng bối của cô và cũng là hàng xóm của anh trai này biết được anh ấy không hiếu kính với cha mẹ nên đã nói với cô gái này là: “Anh ấy không kính trọng cha mẹ, bản thân con nên suy nghĩ lại”.
Thưa quý vị, có nên lấy anh ấy làm chồng hay không? Quý vị sao mà lý trí đến như vậy? Nhưng nghe nói con gái quá lý trí thường không lấy được chồng. Từ chỗ này chúng ta phải hiểu được một điểm chính, đó là khi một người không có hiếu thì họ sẽ quên đi cái gốc, sẽ không có tình nghĩa, không có đạo nghĩa, không có ơn nghĩa. Cha mẹ là người có ơn đức lớn nhất với anh ấy mà anh ấy còn có thái độ như vậy.
Tại sao anh ấy đối với cô gái này tốt như vậy? Con người cần phải bình tĩnh một chút. Khi giá trị quan về cuộc đời của anh ấy không phát triển theo chiều hướng tốt thì sẽ phát triển điều gì? Có thể không phát triển theo hướng tốt, cũng không phát triển về hướng xấu không? Học như chèo thuyền ngược dòng, không tiến thì chắc chắn sẽ lùi. Vì vậy, tình nghĩa, ơn nghĩa này không được xây dựng thì sẽ hình thành một thái độ nhân sinh khác, gọi là lợi hại. Quý vị có tìm ra đáp án chưa? Vì sao sự giao tiếp qua lại giữa người với người hiện nay đều cảm thấy mối quan hệ không được ổn định, không được bền chắc? Bởi vì quan hệ giữa người với người hiện nay xây dựng ở lợi hại quá nhiều, đã qua lại với nhau rất nhiều năm nhưng không cảm nhận được tình nghĩa này rất sâu sắc. Cho nên hiện giờ rất nhiều người yêu nhau đã nhiều năm mà không dám kết hôn. Có việc này hay không? Luôn cảm thấy hình như mình không yên tâm chút nào, phụ nữ chúng ta lại mạnh về giác quan thứ sáu, vì thế mà tiêu chuẩn làm việc của họ đều dựa trên sự lợi và hại này.
Khi nhìn thấy đối phương trẻ trung xinh đẹp, lại làm giáo viên ở một trường tiểu học nào đó, công việc lại ổn định, [chàng trai] cảm thấy có lợi cho mình nên tất nhiên sẽ dốc sức theo đuổi. Khi theo đuổi được và kết hôn rồi, ba năm sau [cô gái] đã sinh cho anh ấy một đứa con trai mập mạp trắng trẻo. Nhưng vì sau khi sinh con thì rất vất vả, phải chăm sóc con cả ngày lẫn đêm nên xuất hiện mấy nếp nhăn, không còn trẻ trung xinh đẹp như trước kia. Anh ấy ở bên ngoài chợt nhìn thấy cô gái khác trẻ trung xinh đẹp hơn, lúc này lợi sẽ biến thành gì? Người chỉ biết đến lợi hại thì chỉ cần có thể lấy được thứ họ muốn, họ sẽ bất chấp thủ đoạn, vậy thì lúc này từ lợi sẽ biến thành hại. Hại thì phải làm như thế nào? “Trừ bỏ”. Sao anh kia lại nói lớn như vậy? Đây là quý vị nói đấy nhé, tôi không làm như vậy. Quý vị xem, không có đạo nghĩa thì sẽ làm ra những việc rất bạc tình. Hành động này vừa làm thì bi kịch liền xuất hiện, tỷ lệ ly hôn tăng, con cái thiếu sự chăm sóc của một gia đình ổn định, vì vậy tỷ lệ phạm tội cũng gia tăng. Rút dây động rừng, mỗi cặp vợ chồng là một tế bào quan trọng của toàn xã hội, cho nên chỉ cần mối quan hệ vợ chồng không ổn định thì cả xã hội tất nhiên sẽ động loạn. Đây là lý do vì sao hiện nay tỷ lệ phạm tội càng ngày càng cao. Như vậy, muốn con người không bạc tình thì “chớ ghét cũ, không thích mới”.
Phải bắt đầu dạy từ đâu? “Chuyện đã qua không cách nào cứu vãn, nhưng việc tương lai vẫn có thể đuổi kịp”. Đối với con cái, chúng ta nhất định phải dạy dỗ, đối với người lớn cũng phải dạy nhưng phương pháp dạy không giống nhau. Trẻ em còn có thể dùng lời nói, người lớn thì phải dùng việc làm, phải dùng đức hạnh để cảm hóa họ, có lẽ dần dần họ sẽ biết được sai lầm mà sửa chữa. Vì vậy, “chớ ghét cũ, không thích mới”.
Một người hiền hậu thì đối với người khác họ không chỉ ghi nhớ ơn nghĩa, mà thậm chí đối với vật cũng có tình cảm. Thí dụ nói bộ quần áo này là do mẹ của anh ấy may cho, bởi vì anh có tình nghĩa đối với cha mẹ nên nhìn thấy bộ quần áo đó thì nhất định sẽ vô cùng quý trọng, rất có thể mặc một bộ quần áo đó mấy mươi năm. Khi họ thông cảm được sự vất vả của người khác, thì tất cả đồ đạc người thân mua cho, họ tuyệt đối không lãng phí, bởi vì sự hiếu thảo, tâm cung kính đã thành chủ tâm của họ. Vì vậy, sự cung kính đối với sự, đối với vật tất nhiên được xây dựng trên sự cung kính đối với người. Do đó, từ căn bản mà nói, vẫn là phải dạy con cái biết quý trọng tình nghĩa, quý trọng ơn nghĩa.
5.5 Kinh văn:
“Nhân bất nhàn, vật sự giảo. Nhân bất an, vật thoại nhiễu”.
“Người không rảnh, chớ não phiền. Người bất an, không quấy nhiễu”.
Lòng nhân từ của chúng ta đều phải được thể hiện ở khắp mọi nơi, tuyệt đối không phải nói ở nơi cửa miệng là “tôi đối với mọi người rất tốt, tôi rất có lòng nhân từ”, nhưng có thể người khác sống chung với ta sẽ cảm thấy rất khó chịu. Lúc này chúng ta cần phải nỗ lực phản tỉnh lại xem rốt cuộc vấn đề xảy ra là do đâu? Vì sao tôi có thể nhận thức được điều này? Là do lúc tôi tốt nghiệp tiểu học, giữa các bạn học đều sẽ viết một quyển lưu bút, mỗi bạn viết một trang. Lúc đó tâm vẫn còn rất bình đẳng, mỗi bạn học đều viết một trang. Kết quả khi thu lưu bút lại, đa số mọi người viết về tôi là tôi quá nhiệt tình. Nhiệt tình thì tốt, nhưng còn thêm phía trước chữ “quá” nữa. Chúng ta có tâm rất tốt nhưng có thể khiến người khác thêm áp lực. “Người không rảnh, chớ não phiền”, cho dù quý vị có đem rất nhiều thứ tốt cho họ nhưng cũng cần phải xem lúc đó có tiện cho họ hay không, lúc đó họ có rảnh hay không? Vì vậy, việc tiến thoái có chừng mực này, chúng ta cũng nên nhạy bén một chút.
Khi chúng ta gọi điện thoại cho bạn bè, tuyệt đối không nên nói mãi không ngừng, mà câu đầu tiên nhất định phải hỏi là: “Xin hỏi hiện giờ anh có tiện nói chuyện không?”. Khi đối phương nghe chúng ta nói như vậy, trong lòng họ sẽ cảm thấy rất dễ chịu. Hơn nữa, nếu họ thật sự có công việc thì họ sẽ rất tự nhiên nói với quý vị là: “Hiện giờ tôi đang có chút việc, lúc khác hãy gọi lại cho tôi nhé”. Cho nên sự lễ phép được thể hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống, là khoảng cách đẹp giữa người với người. Có sự lễ phép sẽ không dễ gì xảy ra những xung đột, những chuyện khó xử.
Ngoài việc gọi điện thoại phải hỏi trước ra, bình thường vào thời gian ăn cơm phải hết sức tránh không nên gọi điện thoại. Nếu không, giả như họ bị bệnh đau dạ dày mà quý vị lại gọi đến, khiến cho họ căng thẳng. Điều này chúng ta cũng cần phải cân nhắc. Nếu không, họ đang ăn được nửa chừng mà quý vị lại nói mãi không ngừng, thì họ phải từ chối quý vị hay là họ không ăn cơm tiếp? Điều này cũng cần phải nghĩ cho đối phương.
Ngoài thời gian ba bữa ăn không nên gọi điện thoại ra, buổi tối đã quá muộn cũng không nên gọi điện thoại, nếu không thì rất có thể ảnh hưởng đến sự ngủ nghỉ của cả gia đình.
Ngoài việc gọi điện thoại ra, khi chúng ta muốn đi bàn bạc công việc với người khác cũng cần phải quan sát trước là hiện giờ họ có bận rộn hay không? Đợi khi họ rảnh rỗi thì chúng ta mới đi tìm họ để bàn bạc. Vì vậy phải biết quan sát. Quý vị xem, rất nhiều trẻ em vừa nghĩ đến điều gì thì bất kể là thế nào cũng lập tức kéo áo quần người lớn rồi nói liên tục. Có chuyện này hay không? Ví dụ mẹ đang làm cơm, chúng muốn nói gì đó thì liền chạy đến. Ngay lúc đó phải nhân cơ hội mà giáo dục. Không chỉ trẻ con phải nhân cơ hội mà giáo dục, mà người lớn cũng cần như vậy. Bởi vì thật sự nếu không có người nhắc nhở, chúng ta đều khó tránh khỏi mất đi sự nhạy bén này. Vì vậy, chỉ cần có bạn bè cùng nhắc nhở nhau một chút, chúng ta sẽ nhớ lại thái độ này. Đương nhiên lúc chúng ta nhắc nhở người lớn thì nhất định phải nhớ “mặt ta vui, lời ta dịu”, luôn luôn tươi cười. Cho dù là khuyên họ không nên hút thuốc thì cũng phải: “Xin lỗi anh, tôi bị hen suyễn”, như vậy sẽ không có tình huống xấu xảy ra. Vì vậy, chúng ta có thể ứng dụng linh hoạt “Đệ Tử Quy” vào những việc nhỏ trong cuộc sống.
“Người không rảnh, chớ não phiền; người bất an, không quấy nhiễu”. Khi một người tâm trạng không được tốt, họ sẽ muốn tĩnh lặng một chút. Lúc này quý vị không nên đến nói lải nhải với họ. Khi chúng ta xem phim thường thấy có một lời thoại là: “Anh đi ra ngoài đi! Hãy để tôi một mình yên tĩnh một chút”. Vì vậy chúng ta cần phải quan sát nét mặt.
Nhưng nếu như người thân của chúng ta tâm trạng đang rơi xuống vực, thậm chí còn có khả năng muốn kết thúc cuộc đời, lúc đó chúng ta cũng không thể không hỏi thăm. Có đúng vậy không? Nhiều người gây ra những chuyện không thể cứu vãn nổi chỉ do vì một ý niệm của họ chưa thay đổi được, vì vậy chúng ta cũng không thể không đề phòng. Thí dụ như khi tâm trạng của anh chị em của quý vị đang rơi xuống đến cực điểm, lúc này quý vị hãy bưng một tách trà nóng một cách cẩn thận, nhẹ nhàng đi vào phòng của họ, cũng không nên nhìn vào mặt họ, đặt tách trà nóng lên bàn rồi từ từ lui ra khỏi phòng. “Tiến phải nhanh, lui phải chậm”, để cho họ cảm giác có người đang quan tâm đến họ. Thật sự lúc không chống chọi nổi nữa, họ sẽ đi tìm ai? Chắc chắn sẽ đi tìm quý vị để tâm sự một chút, bởi vì con người chỉ cần cảm nhận được có người quan tâm đến họ, họ sẽ không đi vào đường cùng. Cho dù người thân có thân hơn đi nữa, thì trong sự tiến thoái, chúng ta cũng nên nghĩ đến cảm nhận của họ thì mới có thể chung sống với nhau rất hòa hợp. Điều này gọi là “người bất an, không quấy nhiễu”.
5.6 Kinh văn:
“Nhân hữu đoản, thiết mạc yết. Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết. Đạo nhân thiện, tức thị thiện. Nhân tri chi, dũ tư miễn. Dương nhân ác, tức thị ác. Tật chi thậm, họa thả tác”.
“Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền. Khen người thiện, tức là tốt; người biết được, càng tốt hơn. Khen người ác, chính là ác; ác cùng cực, tai họa đến”.
5.6.1 “Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền”
Tấm lòng nhân từ này còn phải áp dụng vào trong lời nói. Thưa quý vị, cho đến lúc này, Kinh văn trong “Đệ Tử Quy” đề cập đến vấn đề lời nói có nhiều không? Rất nhiều. Nói chuyện có cần phải học không? Cần. Trong giáo huấn của Khổng Môn Tứ Khoa, “ngôn ngữ” chỉ có đứng sau “đức hạnh”. Vì vậy, chúng ta càng phải tăng cường giáo dục cho trẻ con phải nói chuyện đúng mực ngay từ nhỏ. “Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền”. Thật sự “điều mình không thích, chớ làm cho người”. Khi chúng ta có chuyện riêng tư hay khuyết điểm thì có muốn người khác đi tuyên truyền khắp nơi không? Không muốn. Chúng ta không muốn người khác làm như vậy thì chúng ta cũng không nên làm như vậy.
Phần trước, Kinh văn cũng có nhắc đến: “Thấy người xấu, tự kiểm điểm, có thì sửa, không cảnh giác”. Vì vậy, cho dù thấy những chỗ không tốt của người khác, chúng ta cũng nên lấy đó để phản tỉnh bản thân mình.
Trước đây chúng ta cũng có nói đến, có một người bạn nói là thật sự anh ấy luôn nhìn thấy lỗi lầm của người khác, chẳng có cách nào sửa đổi. Kết quả, sư trưởng của anh ấy dạy cho anh một cách rất hữu hiệu. Thưa quý vị, quý vị có dùng đến chưa? Đó là nhìn thấy vợ không tốt liền nghĩ là do mình không tốt, bởi vì mình làm chưa được tốt, không làm cho cô ấy cảm động đến chảy nước mắt. Nhìn thấy con cái không tốt chính là do mình dạy chưa được nghiêm túc. Nhìn thấy xã hội hỗn loạn chính là tôi không tốt, không nhặt rác cho họ thấy, không dìu người lớn tuổi cho họ thấy. Vì vậy, thấy điều không tốt của người nên xem là điều không tốt của chính mình, là bổn phận của mình thì mới nỗ lực tu thân. Tin rằng chỉ cần chuyển về thái độ như vậy thì tuyệt đối có thể tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Giáo viên ở trung tâm chúng tôi còn đặc biệt viết một tập văn chương tên là “Nhặt Rác”. Câu chuyện về nhặt rác này rất nhiều, không nên xem thường hành động nhặt rác này.
Giáo viên của trung tâm chúng tôi có một lần đến Vạn Lý Trường Thành. Khi leo lên Vạn Lý Trường Thành, trên đường đi, chúng tôi rất tự nhiên bắt đầu nhặt rác thì đột nhiên có một người nước ngoài chụp ảnh hành động nhặt rác của chúng tôi. Vì sao họ chụp ảnh này vậy? Hiếm thấy. Lúc đó tôi cũng không mặc đẹp như bây giờ. Ở nơi có người Trung Quốc rất hiếm khi nhìn thấy cảnh nhặt rác.
Có một lần, tôi cùng với thầy Lý và hai thầy giáo (đi phía sau chúng tôi) đi trên một con đường, tôi và thầy Lý bắt đầu nhặt rác dọc đường. Đi ngược chiều chúng tôi có rất nhiều học sinh cấp hai, các em vừa ăn vừa vứt rác. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi đang nhặt rác, các em liền ngẩn người. Khi chúng tôi đi qua rồi thì có một em học sinh nói rằng: “Ít thấy, hiếm có”. Bởi vì phía sau chúng tôi có hai thầy giáo nữa, các thầy cũng rất nhạy cảm trong việc giáo dục nên lập tức nói với em đó: “Đã là ít thấy, hiếm có thì các em hãy cùng nhặt rác nhé, như vậy sẽ không còn ít thấy, không còn hiếm gặp nữa đúng không?”. Em học sinh đó nói: “Rất có lý”, và em ấy cúi người xuống, nhặt rác lên.
Vì vậy, chúng ta phải “hành vi thế phạm”, đánh thức tâm thiện của mọi người, tấm lòng đối với gia đình, trách nhiệm đối với xã hội. Vì vậy, thấy điều xấu của người khác không nên để trong tâm, phải luôn luôn nghĩ làm thế nào để làm tấm gương tốt để ảnh hưởng đến người khác, càng không nên đem lỗi lầm của người ta tuyên truyền khắp nơi, như vậy thì không tốt. Người khác sai cũng là đúng, bản thân mình đúng cũng là sai. Các vị nghe đến nỗi đầu óc cũng hoang mang rồi, chúng tôi xin nói lại lần nữa: Người khác sai, chúng ta cũng nên coi là đúng; chúng ta đúng cũng nên xem như là sai. Mọi người đoán thử xem, câu nói này có ý nghĩa gì? Thật sự điều này có ý nghĩa rất sâu.
Tại sao người khác sai cũng là đúng? Đương nhiên là đúng, vì do họ không đọc “Đệ Tử Quy”, cho nên mới làm sai. “Người không học, không rõ đạo lý”. Người khác thể hiện nhu cầu của xã hội cho chúng ta thấy, chúng ta nên nhanh chóng giúp đỡ họ hết lòng, làm gương cho họ.
Tại sao chúng ta đúng cũng là sai? Quý vị thường ở đó nói tôi đúng, anh sai là đang gây ra sự đối lập, gây ra sự cao thấp. Quý vị có phát hiện ra rất nhiều người thường hay nói tôi đúng, anh sai rồi không? Những người như vậy thì nhân duyên như thế nào? Vì vậy bản thân mình có đúng cũng là sai, bởi vì luôn lấy cái đúng của mình để đè người. Như vậy là không đúng. Nên dùng lời lẽ hòa nhã, dĩ hòa vi quý mới đúng. Khi con người tâm khí đã ôn hòa thì mới cảm hóa được người khác. Họ cảm thấy đồng hành cùng với quý vị, cùng học tập với quý vị sẽ có cảm giác rất tốt. Vì vậy, “người có lỗi, chớ vạch trần; việc riêng người, chớ nói truyền”. Thật sự mà nói, chúng ta chỉ tìm khuyết điểm của bản thân mình thôi thì cũng đã đủ bận rộn lắm rồi, có phải không? Bởi vì khuyết điểm chúng ta vừa tìm ra, vẫn chưa sửa chữa kịp thì đã phát hiện ra khuyết điểm mới rồi. Vì vậy “người thật sự tu đạo, không thấy lỗi thế gian”.
Hết tập 36. Xin xem tiếp tập 37.