Tập 40: Hướng dẫn trẻ nhỏ lựa chọn bạn như thế nào?
Dạy dỗ trẻ thái độ và phương pháp học tập chính xác.
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
MỤC LỤC
6.2.1 “Gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”.
6.2.2 “Không gần hiền, hại vô cùng, tiểu nhân đến, trăm việc hư”.
CHƯƠNG BẢY: CÓ DƯ SỨC THÌ HỌC VĂN
7.1 Kinh văn: “Không gắng làm, chỉ học văn, chỉ bề ngoài, thành người nào. Nếu gắng làm, không học văn, theo ý mình, mù lẽ phải”.
7.2 Kinh văn: “Cách đọc sách, có ba điểm, tâm mắt miệng, tin đều trọng”.
7.3 Kinh văn: “Mới đọc đây, chớ thích kia, đây chưa xong, kia chớ đọc”.
7.4 Kinh văn: “Thời gian ít, cần chăm chỉ. Công phu đủ, đọc liền thông”.
7.5 Kinh văn: “Tâm có nghi, thì chép lại, học hỏi người, mong chính xác”.
7.6 Kinh văn: “Gian phòng sạch, vách tường sạch, bàn học sạch, bút nghiên ngay”.
7.7 Kinh văn: “Mực mài nghiêng, tâm bất chính, chữ viết ẩu, tâm không ngay”.
7.8 Kinh văn: “Xếp sách vở, chỗ cố định. Đọc xem xong, trả chỗ cũ. Tuy có gấp, xếp ngay ngắn. Có sai hư, liền tu bổ”.
7.9 Kinh văn: “Không sách Thánh, bỏ không xem, che thông minh, hư tâm trí”.
7.10 Kinh văn: “Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và Hiền, dần làm được”.
6.2.1 “Gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”
(tiếp theo tập trước)
Chúng ta đã giảng đến “gần người hiền, tốt vô hạn”. “Gần” ở đây quan trọng nhất là thời thời khắc khắc phải ghi nhớ lời dạy của Thánh Hiền, không thể buông lơi giãi đãi. Chỉ cần thường thường đem “Quân, Thân, Sư” ra quán chiếu xem mình đã làm được chưa, tin rằng sẽ “đức tiến dần, lỗi ngày giảm”, tin rằng mối quan hệ giữa con người với nhau sẽ càng ngày càng phát triển về cảnh giới viên mãn.
Lần trước tôi đã nói đến, chỉ cần người lãnh đạo, chỉ cần cha mẹ, thầy cô có thể tuân thủ được “Quân, Thân, Sư” thì nhất định có thể dạy tốt được công nhân viên, con cái và học trò của mình.
Đồng nghiệp thực hiện “Quân, Thân, Sư”
Cũng như vậy, ngày nay giữa các đồng nghiệp với nhau thì có thể làm “Quân, Thân, Sư” hay không? Có thể! Giữa đồng nghiệp với nhau, chúng ta đều có thể tuân thủ quy tắc của công ty, lấy thân làm gương cho họ xem, đây chính là “tác chi quân”.
Tiếp đến, giữa đồng nghiệp với nhau thường quan tâm chăm sóc lẫn nhau, bạn có cái gì ngon đều không keo kiệt mà đem chia sẻ với mọi người, để cho họ cảm thấy bạn xem họ như là người thân vậy, đây chính là “tác chi thân”.
Khi họ có điều gì chưa hiểu, trong khi chúng ta lại có kinh nghiệm phong phú hơn thì chúng ta cũng rất sẵn lòng mà chỉ dẫn cho họ, đây gọi là “tác chi sư”.
Vì thế, giữa đồng nghiệp với nhau mà muốn viên mãn thì cũng có thể dùng “Quân, Thân, Sư” để quán chiếu, tin rằng quý vị nhất định có thể trở nên vô cùng quan trọng và có sức ảnh hưởng trong mắt của bạn bè, là một người bạn tốt trong lòng của họ.
Con cái thực hiện “Quân, Thân, Sư”
“Đối với cha mẹ, liệu có thể làm được “Quân, Thân, Sư” không? Có thể không?”. “Có thể”. Đúng vậy! Bởi vì “đại đạo bất khí”, đại đạo chân thật trong vũ trụ đặt ở đâu trong trời đất này cũng đều tuyệt đối đúng. Bởi vì con người khi không huân tập giáo huấn của Thánh Hiền, có thể những năm cuối đời họ sẽ rất tham, cho nên Phu Tử mới khuyên: “Người già phải răn ở sự tham”, lo được lo mất, cho nên lúc này người có bổn phận làm con phải dẫn dắt [cha mẹ] cho tốt, khuyên cha mẹ buông bỏ những sự chấp trước này, buông bỏ chấp trước. Khi bạn khuyên cha mẹ buông bỏ những chấp trước này thì thân tâm của họ mới càng ngày càng vui vẻ.
Người già có tốt số hay không tuyệt đối không phải chỉ nhìn vào việc họ ăn có ngon hay không, mà hơn hết là tâm linh của họ có được nâng cao hay không? Vì vậy, khi chúng ta muốn làm người thầy tâm linh tốt cho cha mẹ, trước tiên nhất định phải làm được “Quân”, lấy thân làm gương. Nếu không thì cha mẹ nhất định sẽ nói: “Con cũng như vậy mà lại đi nói ta”.
Thêm nữa, nhất định phải tận tâm hiếu thuận, thì sự tin tưởng của cha mẹ đối với chúng ta sẽ càng ngày càng cao. Khi cha mẹ tin tưởng bạn như vậy thì họ sẽ nghe lời của ai? Đương nhiên sẽ nghe lời của bạn rồi. Vì thế, khi có thời gian thích hợp bạn hãy khai đường dẫn lối cho họ. Đây cũng là “tác chi sư”.
Thường xuyên dùng “Quân, Thân, Sư” để quán chiếu lời nói việc làm, khởi tâm động niệm của chính mình. Đây chân thật là luôn luôn thân cận với nhân đức, thân cận với Thánh Hiền, đó chính là “gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”.
6.2.2 “Không gần hiền, hại vô cùng, tiểu nhân đến, trăm việc hư”
Khi chúng ta không thân cận với người nhân đức, mà thân cận với những người tiểu nhân thì có thể sẽ bị ảnh hưởng. Có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Vì vậy, con người đối với việc lựa chọn hoàn cảnh là vô cùng quan trọng.
Các vị bằng hữu! Con cái của các vị có biết lựa chọn thầy hay bạn tốt hay không? Chúng tôi đã từng diễn giảng với học sinh cấp hai, có nêu ra vấn đề là có ba người bạn đi ra biển chơi, đúng lúc gặp phải sóng to gió lớn, thế là thuyền bị chìm. Cũng may là tổ tiên của cả ba người có đức, nên cả ba người không chết mà bị trôi dạt đến một hoang đảo. Ba người ở đó nương tựa nhau để sống. Một hôm, họ đột nhiên phát hiện ở trên bãi cát có một cây đèn thần. Khi thấy đèn thần thì như thế nào? Cũng may họ đã đọc qua câu chuyện “Aladin Và Cây Đèn Thần”, nên liền chà xát lên cây đèn. Kết quả vừa chà một cái thì một vị thần xuất hiện. Vị thần nói: “Thưa chủ nhân, tôi cho các vị ba điều ước. Các vị có ba người, vậy thì một người chỉ được một điều ước”.
Người thứ nhất là tài xế xe taxi, anh nói: “Tôi sáng cũng lái xe, tối cũng lái xe, rất vất vả, điều ước của tôi là có thể nào cho tôi vài chiếc xe để tôi cho người ta thuê, còn tôi thì làm ông chủ”. Vị thần đèn liền nói: “Không thành vấn đề”. Thế là người thứ nhất liền được về nhà làm ông chủ cho thuê xe.
Người thứ hai là nhân viên ở một siêu thị, có lúc phải luân phiên trực ba ca, có đêm còn phải trực cả đêm, anh nói: “Làm công việc như vậy rất là vất vả, tôi ước gì tự mình có thể có một cửa hàng tiện lợi, tôi làm chủ và thuê người ta tới làm”. Vị thần đèn lại nói: “Chỉ là việc nhỏ”, thế là vèo một cái, người thứ hai được về nhà.
Còn người thứ ba thì suy nghĩ một hồi lâu. Cả đời không có chí lớn, cũng không nghĩ ra là nên làm gì, cho nên cũng không có nguyện vọng gì, cả ngày cứ buông trôi thả nổi. Anh chợt suy nghĩ: “Tôi cũng không có điều mong ước gì cả, tôi thấy hòn đảo hoang này cũng không đến nỗi tệ, nhưng mà tôi chỉ có một mình ở đây thì cô đơn quá, tôi ước gì hai người đó trở lại đây với tôi”. Vị thần liền biến phép. Có ai nghe thấy tiếng than khóc không vậy?
Rất nhiều học sinh nghe xong đều cười lớn. Tôi liền hỏi chúng: “Bên cạnh các em có người bạn nào kéo mình xuống nước giống như thế hay không?”. Đột nhiên những đứa trẻ này nhìn sang bên trái rồi lại nhìn sang bên phải, các em có năng lực phán đoán hay không vậy? Chúng bị tôi hỏi bí, cũng không biết như thế nào mới được.
Tôi nói: “Các em phải có năng lực phán đoán bạn nào là tốt, bạn nào là xấu. Muốn phán đoán được như vậy thì phải học Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” là kính chiếu yêu, “Đệ Tử Quy” cũng là chiếc kính hiển Thánh, bạn tốt hay bạn xấu chỉ cần nhìn là biết ngay, chỉ cần dùng “Đệ Tử Quy” để cân đo là biết được. Nếu như họ có thể áp dụng được 30% – 40% là không đơn giản rồi.
“Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nói: “Học vấn nhất định phải dựa vào việc hàng ngày chúng ta không ngừng tích lũy”. Cho nên nếu như đức hạnh của chính mình chưa được vững chắc, thì đối với những người bạn tương đối không có đức hạnh, chúng ta kính trọng nhưng không gần gũi. Có thể mắng họ không? Không được! “Khen người ác, chính là ác, ác cùng cực, tai họa đến”. Chúng ta vẫn là phải “kính nhi viễn chi” (kính trọng nhưng không gần gũi).
Trước tiên phải lo tu dưỡng đức hạnh của mình cho tốt. Kẻ tiểu nhân bên ngoài thì dễ đề phòng, nhưng kẻ tiểu nhân trong nội tâm thì khó đề phòng! Vì vậy, chúng ta không thể tiếp tục nhận giặc làm cha. Từ bây giờ phải hạ quyết tâm, quyết định không làm loại việc như vậy. Chúng ta đã nhận giặc gì làm cha vậy? Giặc phiền não, phiền não tập khí. Nó có lợi hại hay không? Rõ ràng không muốn nổi giận mà nó lại đến, rõ ràng không muốn tham mà nó lại nổi lên!
Tôi đã nói với rất nhiều bạn bè rằng, giống như chúng ta đang vác một bao rác mấy mươi năm, rõ ràng là biết nó hôi thối ngút trời. Đột nhiên có người nói với chúng ta: “Bao đó là bao rác, nó không có lợi ích gì với bạn hết”. “Thật vậy sao?”. Nhìn lại quả thực đều là rác cả, nhưng lại nghĩ: “Nhưng mà tôi cũng đã ở cùng với nó suốt mấy mươi năm rồi, tôi lại không nỡ bỏ nó đi”. Cứ ở đó đắn đo.
Cho nên phải “quán tâm vi yếu”(việc quán xét tâm là quan trọng), nghĩa là luôn luôn quán chiếu tâm của chính mình có không cung kính hay không, có tham hay không, có lười biếng hay không, có không từ bi hay không? Một khi nhìn thấy bọn giặc này thì phải lập tức sửa đổi, tuyệt đối không để cho nó tiếp tục vùng vẫy. Như vậy thì có thể thật sự đuổi tiểu nhân đi khỏi một cách triệt để.
***************
CHƯƠNG BẢY
CÓ DƯ SỨC THÌ HỌC VĂN
7.1 Kinh văn:
“Bất lực hành, đãn học văn, trưởng phù hoa, thành hà nhân. Đãn lực hành, bất học văn, nhậm kỷ kiến, muội lý chân”.
“Không gắng làm, chỉ học văn, chỉ bề ngoài, thành người nào. Nếu gắng làm, không học văn, theo ý mình, mù lẽ phải”.
Chúng ta hãy đọc qua Kinh văn một lần: “Không gắng làm, chỉ học văn, chỉ bề ngoài, thành người nào. Nếu gắng làm, không học văn, theo ý mình, mù lẽ phải”.
Câu Kinh văn này đã chỉ ra rằng học vấn của một người muốn tăng trưởng thì phải “gắng làm” và “học văn”, gọi là giải – hành tương ưng (học đi đôi với hành). Việc này quá quan trọng. “Giải và hành” giống như hai bánh xe, giả sử chỉ có một bánh xe thì xe không thể chạy được, nhất định là phải có hai bánh xe thì mới vận hành được nhịp nhàng cân đối. Giả như chỉ có một bánh chạy, một bánh bị hỏng, thì kết quả như thế nào? Chúng ta xem trên Kinh văn viết là: “Không gắng làm, chỉ học văn”, chỉ có xem sách, thậm chí là đạt được trình độ học vấn thật cao, nhưng kết quả sẽ là “chỉ bề ngoài”!
Bạn xem, khi tôi đi dạy “Đệ Tử Quy” cho những đứa trẻ sáu – bảy tuổi, tôi vừa nói: “Hôm nay chúng ta học Đệ Tử Quy”, thì chúng lập tức sẽ nói: “Chúng em đã học qua rồi, đều thuộc hết rồi”, và đầu của chúng sẽ ngẩng như thế nào? Các vị xem, ngạo mạn có cần phải học hay không? Tự nó sẽ đến, cho nên phải cẩn thận. Khi bắt đầu nhất định phải khiến bọn trẻ biết được học vấn là nhất định phải làm được, phải nỗ lực thực hiện, nếu không thì sẽ chỉ bề ngoài.
Tôi đã từng xem qua một bài báo nói về một học sinh giỏi nhưng có một đời sống như trẻ thiểu năng. Vì sao học lực cao như vậy, đọc sách nhiều như vậy mà kết quả là không biết cách làm người? Bởi vì những loại sách này dùng để thi mà thôi, không có liên quan gì với cuộc sống cả! Vì vậy tỷ lệ ly hôn cao nhất thuộc về người có trình độ như thế nào? Có thể thạc sĩ, tiến sĩ là những người ly hôn nhiều nhất. Vì sao người đọc sách nhiều, học cao nhưng ngược lại, ngay cả bao dung khoan thứ, ngay cả yêu thương người khác cũng không biết? Vấn đề là ở đâu? Sách đã cho họ những gì? Tăng trưởng vẻ bề ngoài. Họ cảm thấy trình độ của họ cao như vậy nên người khác phải nghe theo họ. Ví dụ như họ là tiến sĩ máy tính, cả ngày làm bạn với máy vi tính, bởi vì máy vi tính rất dễ quản, nhấn chuột là nó làm theo, nhưng phương pháp này đối với người khác thì có được hay không? Tuyệt đối sẽ khiến cho mọi người ghét bỏ! Vì vậy “dư sức học văn”, học văn rồi nhất định phải đi thực hành, nếu không sẽ “chỉ bề ngoài, thành người nào”.
“Nếu gắng làm”, họ cũng rất chăm chỉ, chỉ cần nghe một câu thì họ làm một câu, nhưng trong quá trình này, họ không tiếp tục học tập, không tiếp tục tu sửa, thì có thể sẽ “theo ý mình, mù lẽ phải”. Ví dụ như nói họ học “hiếu”, họ nói phải hiếu thuận, cho nên cha mẹ giao cho việc gì thì cứ làm việc đó. Ví dụ người cha bảo con hãy ly dị vợ đi thì họ liền làm ngay. Như vậy là không đúng. Người vợ nếu như không có lỗi lầm gì, chẳng qua chỉ là không xử lý tốt được mối quan hệ với cha mẹ chồng thì có thể đuổi cô ấy đi hay không? Không thể nào, vì như vậy là không có đạo nghĩa. Khi bạn thật sự đuổi cô ấy đi thì có thể hại chính cha mẹ của bạn thành người bất nghĩa, đến lúc đó cũng không biết làng trên xóm dưới sẽ nói cha mẹ của bạn như thế nào. Bởi vì “bất giáo nhi sát”, không có dạy dỗ người ta cho tốt, nếu là ngày trước thì giết người ta, còn bây giờ là đuổi người ta ra khỏi nhà. Như vậy là tàn nhẫn.
Do đó, chúng ta phải “học văn” thì mới biết chữ “thuận” này. Khi cha mẹ đúng thì chúng ta toàn tâm toàn ý làm theo, để cho cha mẹ cảm thấy chúng ta rất hiểu chuyện. Nhưng khi phương pháp của cha mẹ còn có chỗ chưa thỏa đáng, thì chúng ta tùy theo tình thế mà làm. Đương nhiên cũng không nên lập tức chống lại, mà có thể dùng chiến thuật vu hồi (kế hoãn binh), đợi cha mẹ lấy lại bình tĩnh và lý trí, chúng ta nhanh chóng “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi, mặt ta vui, lời ta dịu”.
Cho nên chữ “thuận” với cha mẹ này nhất định không phải là bảo cái gì thì làm theo cái đó. Nhưng nếu họ không tiếp tục đọc sách, không có tiếp tục nghe khóa trình của các thiện tri thức, họ có thể sẽ “theo ý mình, mù lẽ phải”. Cho nên học vấn nhất định phải nỗ lực thực hiện và học văn, giải – hành tương ưng, bởi vì bạn hành được càng triệt để thì càng giúp bạn lý giải, bạn lý giải được càng sâu thì hành được càng thích đáng. Hơn nữa, sự giải – hành này thì hành là đầu mối trọng yếu, khi bạn có nỗ lực thực hành thì bạn mới có cảm ngộ. Vì vậy, học một điều thì phải làm một điều.
Các vị bằng hữu! Nếu như các vị không tin thì lấy quyển “Đệ Tử Quy” ra, chọn mười câu và phát nguyện: “Tôi trong nửa năm này nhất định phải làm cho được mười câu này”. Khi bạn thật sự trong vòng nửa năm làm được mười câu này, bạn sẽ cảm thấy những câu khác bạn cũng làm được, bởi vì việc thực hành sẽ khai mở ngộ tính/tánh của bạn.
Khi chúng ta học đến “vén rèm cửa, chớ ra tiếng”, ngay cả làm một việc nhỏ cũng đặt mình vào hoàn cảnh để hiểu cảm nhận của người khác. Khi bạn làm được triệt để thì động tác này sẽ nội hóa thành chủ tâm của bạn, bạn sẽ thường suy nghĩ cho người khác. Bạn từ việc làm được một câu “Đệ Tử Quy” thì đã làm thành mấy câu vậy? Bạn có thể đột nhiên thể hội được rất nhiều câu như “người không rảnh, chớ não phiền; người bất an, chớ quấy nhiễu”. Khi bạn chân thật làm được câu này, thì tâm cung kính, tâm tỉ mỉ, tâm cảm thông của bạn sẽ nâng cao. Cho nên phải thật thà mà làm. Bạn không nên mới bắt đầu đã nói: “Nhiều câu như vậy tôi thật sự làm không nổi”. Bạn chỉ cần lĩnh hội một câu và lập tức ra sức thực hành. Chỉ có ra sức thực hành thì mới khiến chúng ta pháp hỷ sung mãn. Do đó, phải “giải – hành tương ưng” (học đi đôi với hành).
7.2 Kinh văn:
“Độc thư pháp, hữu tam đáo. Tâm nhãn khẩu, tín giai yếu”.
“Cách đọc sách, có ba điểm, tâm mắt miệng, tin đều trọng”.
“Cách đọc sách, có ba điểm, tâm mắt miệng, tin đều trọng”. Câu này rất quan trọng. Khi đọc Kinh sách thì nhất định phải thật chuyên chú, phải chuyên tâm thì mới có chỗ thu hoạch. Do vậy, chúng tôi lên lớp tiết học đầu tiên đã dạy bọn trẻ rất thận trọng, yêu cầu chúng trước khi đọc Kinh điển nhất định phải ngồi cho ra ngồi, sách phải để ngay thẳng, dùng tâm cung kính để đọc. Khi bắt đầu mà có thái độ như vậy thì sẽ dưỡng thành thói quen cả đời không thay đổi. Giả như tiết đầu tiên đi học mà đã ngồi ngả nghiêng ngả ngửa, mắt ngó bên này nhìn bên kia thì sẽ rất khó đạt được lợi ích chân thật.
Chúng tôi đều nói với các em, quyển “Đệ Tử Quy” này từ đâu mà có?
Thứ nhất, quyển “Đệ Tử Quy” này là dựa vào giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử mà biên soạn ra. Hơn nữa, còn do Lý Dục Tú – Lý Phu Tử thời nhà Thanh đã dụng tâm rất lớn, từ phương diện cuộc sống đã chỉnh lý lại. Như vậy, quyển sách này thành tựu được là không dễ dàng.
Thứ hai, ngoài sự giúp đỡ này của những người xưa ra, còn có cô giáo Dương Thục Phương đã đích thân viết lại. Các em xem, bài viết này rất nắn nót và tỉ mỉ, chúng ta không học tập cho tốt thì sẽ có lỗi với những vị trưởng bối này.
Thứ ba, ngoài việc cô giáo Dương Thục Phương đã viết lại, còn phải vận chuyển sách từ rất xa về đây thì mới có thể đưa được đến tay của chúng ta, chúng ta phải biết trân quý.
Sau khi tôi nói như vậy thì có một lần, một em va chạm làm rơi sách của một bạn khác, em ấy lập tức cầm sách lên và phủi cho thật sạch. Điều này gọi là “tiên nhập vi chủ”(ấn tượng ban đầu giữ vai trò chủ đạo). Nếu như bạn tặng sách cho bọn trẻ mà nói: “Sách này là người ta cho miễn phí”, sau đó bạn còn ném qua cho chúng, thì chúng có tôn trọng sách nữa hay không? Không thể nào! Vì vậy, chúng ta đều phải dẫn dắt các em mọi lúc, luôn luôn lấy mình làm gương, ngồi cho ngay ngắn, cung kính đối với sách.
Tiếp theo lại nói với chúng, việc học vấn nhất định phải nhờ vào sự tích lũy không ngừng trong cuộc sống. Có một câu thành ngữ gọi là “nước chảy đá mòn”. Đá cứng hay là nước cứng hơn? Đá cứng hơn! Vậy tại vì sao đá cứng như vậy mà nước lại có thể bào mòn nó được? Bởi vì nước không ngừng chảy và bào mòn đá hết lượt này tới lượt khác, trải qua thời gian lâu dài thì có thể mài mòn đá, dùng nhu để thắng cương. Việc “nước chảy đá mòn” này cũng giống như việc chúng ta cầu học vấn, mỗi câu mỗi chữ đều phải thật chuyên chú, đọc cho đàng hoàng, học cho tốt, đến một lúc nào đó thì học vấn của chúng ta có thể như nước mài mòn được đá. Cho nên chúng tôi đã nói với các em rằng ngón tay này của chúng ta gọi là ngón tay nước chảy đá mòn, từng giọt từng giọt khiến đá bị mòn đi. Học vấn của chúng ta là ở ngón tay này không ngừng chuyên chú chỉ cho ta đọc từng chữ một và được ta ghi nhớ lại, ta đều lĩnh hội được. Cho nên chúng tôi đều dạy bọn trẻ, khi đọc Kinh sách thì mắt nhìn sách, tay chỉ vào chữ, miệng đọc theo, tâm cũng đặt vào đó. Tâm, mắt, miệng và cả tay đều phải chuyên chú dụng công.
7.3 Kinh văn:
“Phương độc thử, vật mộ bỉ, thử vị chung, bỉ vật khởi”.
“Mới đọc đây, chớ thích kia, đây chưa xong, kia chớ đọc”.
Hiện tại việc cầu học vấn cũng có một sự kiêng kỵ rất lớn, nhưng người hiện tại đều tham nhiều, dường như cảm thấy nhiều thì nhất định sẽ tốt. Như vậy thì chưa chắc! Bởi vì nhiều thì sẽ loạn, cho nên ở trong “Lễ Ký – Học Ký” có nêu ra một câu giáo huấn: “Tạp thí nhi bất tôn, tắc hoại loạn nhi bất tu”, nghĩa là cùng một lúc cho học nhiều thứ, cũng không hề lo ngại liệu người ta có tiếp nhận một cách có chọn lọc hay không. Sau cùng nhất định sẽ học không tốt, thậm chí là sẽ cảm thấy không muốn học nữa.
Các vị xem, hiện tại rất nhiều trẻ học một lúc ba – bốn môn năng khiếu, đến cuối cùng kết cục như thế nào? Chán học! Cho nên việc học tập, việc cầu học vấn, thậm chí là học những kỹ năng của cuộc sống đều phải chuyên chứ không thể tạp.
Cô giáo Dương học một môn thư pháp hết 41 năm. Khi cô giáo Dương dạy thư pháp, chỉ mỗi nét đầu tiên trong “Vĩnh Tự Bát Pháp” cũng nhất định phải dạy học trò viết vài nghìn lần mới dạy động tác tiếp theo. Những thầy dạy thư pháp hiện nay có phải cũng dạy như vậy hay không? Rất nhiều người trong giới thư pháp đều nói: “Bạn chỉ cần đến học ba tháng thì bảo đảm bạn sẽ đoạt được giải”. Có nên đến học không? Chúng ta phải nên bình tĩnh, họ là dùng tâm cảnh gì để học nghệ thuật vậy? Chỉ vì cái lợi trước mắt! Thư pháp của chúng ta là dùng để tu tâm dưỡng tính, là tâm pháp. Mới bắt đầu mà dùng thái độ như vậy để cho trẻ học thì đều là công danh lợi lộc, hoàn toàn đi ngược lại với nghệ thuật. Do đó, đích thực là chúng ta phải chỉ dẫn trẻ cho chính xác. Trong nghệ thuật, một nét chữ này nếu như có thể viết tốt thì tâm nhẫn nại, nghị lực của chúng sẽ luyện thành trong quá trình này, mỗi một kỹ năng cơ bản đều sẽ có thể được vun đắp một cách vững chắc. Khi nền tảng đã vững mới cầu đến sự phát triển thì sẽ không bị bại suy trở xuống. Giả như nền tảng không vững chắc mà phát triển càng nhanh thì càng nguy hiểm!
Trong quá trình cô giáo Dương học thư pháp, cô hiểu rằng mỗi một chữ đều có kết cấu, làm sao mới có thể nhìn vào thấy nó được chỉnh tề. Do có thái độ như vậy nên khi cô xử lý sự việc cũng đã đề khởi được năng lực quán chiếu, sự việc cần phải sắp xếp như thế nào để nhìn vào không thấy lộn xộn. Còn nữa, trong lúc học thư pháp thì định lực của cô thành tựu rồi! Khi định lực thành tựu rồi thì cô đối với người cũng như xử lý công việc sẽ rành mạch đâu ra đó. Cho nên mục đích cuối cùng của việc học nghệ thuật vẫn là ở chỗ nâng cao tu dưỡng đạo đức. Vì vậy Khổng Phu Tử mới nói: “Để tâm chí vào đạo, giữ gìn đức hạnh, nương theo điều nhân, vui với lục nghệ”. Vui với lục nghệ nhưng cũng không rời bỏ việc tu đạo đức, cũng không rời bỏ việc nuôi dưỡng một tâm tính tốt.
Khi cô giáo Dương học những môn nghệ thuật khác, ví dụ như khi học thư pháp cô đã học cả quốc họa và học khắc con dấu, nên đối với nghệ thuật cô có độ mẫn cảm rất cao. Vì vậy, khi học những nghệ thuật khác thì tốc độ nhanh hơn người khác rất nhiều, thậm chí là học vi tính cũng rất nhanh. Bởi vì định lực, sức nhẫn nại đã trở nên bền gan vững chí, hôm nay nếu không học cho hiểu thì sẽ không đi ngủ, từ đó việc học vi tính của cô giáo Dương cũng tiến bộ rất nhanh. Những người trẻ chúng tôi ở bên cạnh cô giáo đều cảm thấy hơi thất sắc vì có một trưởng bối như vậy nghiêm khắc thúc giục chúng tôi, cho nên phải chuyên chú.
“Mới đọc đây, chớ thích kia”. Học năng khiếu nghệ thuật và đọc sách cũng như nhau, phải đọc cho tốt một quyển rồi mới đọc đến quyển tiếp theo. Vào thời nhà Tống, có một câu chuyện là Triệu Phổ nói với Tống Thái Tổ – Triệu Khuông Dận rằng ông dùng nửa bộ “Luận Ngữ” mà giúp Triệu Khuông Dận có được thiên hạ. Có cần phải có thật nhiều sách hay không? Quan trọng nhất là nắm được cương lĩnh rồi áp dụng thực hành cho tốt! Sau đó Triệu Phổ nói: “Tôi chỉ cần dùng tiếp nửa bộ Luận Ngữ còn lại thì có thể giúp Ngài trị nước”. Cho nên trong việc học, điều tối kỵ là tham nhiều, hơn nữa cũng không thể tham nhanh. Quá nóng vội thì tâm sẽ dao động, không tương ưng với học vấn. Cho nên Tăng Quốc Phiên tiên sinh cũng nói: “Trong tâm không thể không có sách, nhưng trên bàn không thể có nhiều sách”. Bạn không thể sau khi nghe giảng xong, biết được văn hóa truyền thống là rất tốt, liền đem hết sách “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh” trong tủ sách của bạn bày ra bàn, lập định chí hướng trong một tháng này phải đọc cho hết. Nếu như vậy thì nhất định sẽ đọc rất hao hơi tốn sức.
Phải nắm được cương lĩnh. Trước tiên phải học cho tốt quyển “Đệ Tử Quy”.
Cho nên “đây chưa xong, kia chớ đọc”. Rất nhiều người sau khi nghe xong sẽ nói: “Vậy con cái của tôi về sau không cần học sách gì hết, chỉ cần học quyển Đệ Tử Quy này sao?”. Không phải là ý như vậy! “Đệ Tử Quy” không phải là để học thuộc, mà là phải không ngừng nhắc đi nhắc lại, phải vun đắp nền tảng cho trẻ thật vững chắc. Khi chúng vẫn còn đang đọc những Kinh điển khác thì cứ tiếp tục đọc, “Hiếu Kinh”, “Luận Ngữ” đều có thể đọc, nhưng những giáo dục cuộc sống, giáo dục đức hạnh này mỗi ngày đều phải nhắc đi nhắc lại với chúng. Bởi vì đọc Kinh điển là huấn luyện định tính, mà “Đệ Tử Quy” là khiến cho ngôn ngữ hành vi có thể theo khuôn phép nề nếp, phù hợp với những đạo lý trong kinh điển.
7.4 Kinh văn:
“Khoan vi hạn, khẩn dụng công. Công phu đáo, trệ tắc thông”.
“Thời gian ít, cần chăm chỉ. Công phu đủ, đọc liền thông”.
“Thời gian ít, cần chăm chỉ. Công phu đủ, đọc liền thông”. Vì vậy đọc sách cũng phải có kế hoạch, hơn nữa bạn cũng không nên sắp xếp quá dày đặc sẽ khiến bản thân nhiều áp lực.
“Thời gian ít, cần chăm chỉ”, phải luôn đốc thúc chính mình dụng công một chút. Nhưng nếu như khi học tập mà ngủ gật thì phải làm sao? Trong “Tam Tự Kinh” có nói: “Đầu huyền lương, chùy thích cốt”. Đây là cách làm của người xưa, đem tóc của họ cột vào sợi dây rồi cột lên trần nhà. Đến khi họ ngủ gật thì cả đầu tóc bị giật mạnh, đau đến nỗi tỉnh cả ngủ. Một người học trò khác thì lấy một vật nhọn, nếu như buồn ngủ thì liền đâm vào đùi của mình. Quý vị đừng dạy con mình như vậy nhé! Đến lúc đó lại nói thầy Thái dạy. Người xưa có quyết tâm như vậy. Đương nhiên bạn không thể để con cái bị thương, bạn có thể dạy chúng khi ngủ gật thì hãy đi rửa mặt bằng nước lạnh, làm cho tinh thần tỉnh táo lại một chút; hoặc giả là có thể đặt một bức tượng Khổng Tử ở trên bàn học của chúng, vừa buồn ngủ mà nhìn thấy Khổng Tử thì sẽ ngại quá liền học tiếp; hoặc là trong nhà có thói quen đọc sách rất tốt, người thân đốc thúc nhắc nhở lẫn nhau. Phương pháp thì mỗi người mỗi khác. Buổi sáng ai là người thức dậy trước thì mau gọi những người khác cùng thức dậy. Chúng tôi có rất nhiều thầy cô buổi sáng thức dậy liền mở đĩa đọc “Đệ Tử Quy” để làm tín hiệu báo mọi người thức.
“Thời gian ít – cần chăm chỉ – công phu đủ – đọc liền thông”, khi chúng ta có thể “giải hành tương ưng” (học đi đôi với hành), có thể vốn dĩ đó là việc khó khăn nhưng đều có thể giải quyết dễ dàng, bởi vì có trí huệ thì không sợ không có phương pháp hay.
7.5 Kinh văn:
“Tâm hữu nghi, tùy trát ký, tựu nhân vấn, cầu xác nghĩa”.
“Tâm có nghi, thì chép lại, học hỏi người, mong chính xác”.
“Tâm có nghi, thì chép lại, học hỏi người, mong chính xác”, cho nên việc học hỏi tri thức cũng phải học cách hỏi như thế nào. Hơn nữa, cũng phải hỏi cho đúng người, nhất định người đó phải tinh chuyên. Có câu: “Nghe đạo thì có thứ tự trước sau, mỗi ngành học thì có nghiên cứu chuyên môn riêng”. Có thể đến hỏi tôi cách nấu ăn như thế nào không? Vậy là hỏi sai người rồi! Nhưng có thể hỏi tôi cách nấu mì, vì sao vậy? Bởi vì tôi đi đến Hải Khẩu một thân một mình, gọi là “trai chưa vợ”, chỉ sống có một mình, cho nên từ quét nhà đến giặt quần áo, lau nhà, nấu cơm, việc gì cũng tự mình làm. Trong quá trình làm việc đó, có lao động mới biết cảm ân, liền nghĩ đến mẹ của mình thật là vĩ đại! Còn khi nấu cơm, bởi vì mỗi ngày đều rất bận rộn, cần phải coi trọng hiệu suất làm việc, cho nên chỉ có thể nấu mì. Mỗi lần như vậy thì nấu nước sôi, lấy một ít rau ra cắt rồi cho toàn bộ vào nồi. Chỉ cần 20 đến 30 phút thì có thể nấu xong một tô mì, bên trên lại cho thêm một ít tương mè vào, chỉ như vậy thôi thì tôi đã thấy vừa lòng hả dạ lắm rồi. Đó gọi là biết đủ thường vui! Trong thời gian đó tôi học được cách nấu mì. Về sau thì có rất nhiều bằng hữu cùng ở chung để làm việc, nên cũng không phải nấu mì ăn nữa, mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau.
Hỏi thì phải hỏi cho đúng người. Rất nhiều bằng hữu thường hay hỏi những người có thể tán đồng với cách nghĩ của họ. Có hiện tượng này hay không? Rõ ràng tự mình không thể buông bỏ được, lại đi hỏi những người hết sức chấp trước, sau đó thì sẽ cảm thấy: “Anh xem, có lẽ là tôi cũng không sai”. Có câu: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, rõ ràng rất sợ hỏi người đó vì họ sẽ nói trúng tim đen, nhưng những người như vậy ngược lại đều là chân thật có thể lợi ích cho chính mình. Vì vậy, “tâm có nghi, thì chép lại, học hỏi người, mong chính xác”. Chỉ cần bạn có cái tâm học tập thì những người có đức hạnh, có học vấn nhất định sẽ không giấu diếm mà nói cho bạn nghe, nghi hoặc của bạn sẽ càng ngày càng ít. Cũng giống như mây đen đã tan biến đi thì tâm trí sẽ sáng suốt, trí huệ sẽ phóng quang. Do vậy, “học hỏi người, mong chính xác”.
7.6 Kinh văn:
“Phòng thất thanh, tường bích tịnh. Kỉ án khiết, bút nghiên chính”.
“Gian phòng sạch, vách tường sạch, bàn học sạch, bút nghiên ngay”.
Chúng ta cùng đọc qua một lần đoạn Kinh văn này: “Gian phòng sạch, vách tường sạch, bàn học sạch, bút nghiên ngay. Mực mài nghiêng, tâm bất chính, chữ viết ẩu, tâm không ngay. Xếp sách vở, chỗ cố định, đọc xem xong, trả chỗ cũ. Tuy có gấp, xếp ngay ngắn, có sai hư, liền tu bổ. Không sách Thánh, bỏ không xem, che thông minh, hư tâm chí. Chớ tự chê, đừng tự bỏ, Thánh và Hiền, dần làm được”.
Đoạn Kinh văn này quan trọng nhất là chính mình cần phải tạo dựng một hoàn cảnh học tập cho thật tốt, chỗ bạn học tập đọc sách thì không được bừa bộn. Nếu bừa bộn thì khi bạn ngồi vào bàn, tâm có thể ổn định được không? Không thể nào! Do đó phải “gian phòng sạch, vách tường sạch”, bạn vừa bước vào liền cảm thấy rất thanh tịnh, rất thoải mái. Thật vậy, tâm con người sẽ bị hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng, nên nếu hoàn cảnh thanh tịnh thì trong tâm cũng thanh tịnh.
“Bàn học sạch, bút nghiên ngay”. Tất cả những vật dụng đều có vị trí của nó, thì khi bạn muốn dùng, tâm mới không bị hỗn loạn, không phải mất thời gian để tìm.
7.7 Kinh văn:
“Mặc ma thiên, tâm bất đoan, tự bất kính, tâm tiên bệnh”.
“Mực mài nghiêng, tâm bất chính, chữ viết ẩu, tâm không ngay”.
“Mực mài nghiêng, tâm bất chính”. Thực ra, bất kỳ một cử chỉ nào của chúng ta cũng đều ảnh hưởng đến tâm cảnh nội tại. Ví dụ như nói “đứng ngay thẳng”, con người khi ở trong trạng thái như vậy thì có nghĩ tưởng lung tung hay không? Tương đối không! Giả sử người đó đứng dựa một bên, thì bạn sẽ cảm thấy tâm của người đó đang như thế nào? Không biết là dao động như thế nào, không biết là đang suy nghĩ lệch lạc điều gì! Khi bạn mài mực như thế này:
Và mài mực mà để sang một bên thế này:
thì tâm cảnh có giống nhau hay không? Tâm cảnh sẽ không như nhau. Cho nên làm việc gì cũng phải đoan chính, không thể nghiêng lệch, vì đều có thể ảnh hưởng đến tâm cảnh của con người. Vì vậy, nếu cả đứng và ngồi đều không thể làm tốt thì tâm của họ sẽ càng ngày càng phân tán, càng ngày càng ngạo mạn. Cho nên chính chúng ta phải yêu cầu chính mình ngồi cho ngay thẳng, sau đó việc mài mực cũng phải ngồi ngay thẳng, “mực mài nghiêng, tâm bất chính”.
“Chữ viết ẩu, tâm không ngay”. Khi viết chữ cũng phải viết một cách cung kính. Nếu không, mỗi khi chúng ta viết chữ thì tâm đều rất tán loạn. Học vấn chính là ở trong cảnh giới của tâm. Giả như mỗi lần viết chữ đều rất hỗn loạn, thì có thể học vấn đang giảm xuống từng chút từng chút một. Vì vậy, “chữ viết ẩu, tâm không ngay”. Hiện tại rất nhiều trẻ nhỏ khi viết chữ thì quyển vở đều nghiêng sang một bên, cũng rất lạ là nghiêng như vậy mà chúng cũng có thể viết. Trường hợp [viết nghiêng như thế] này cũng không phải là ít, cho nên về sau chúng viết chữ thì sách vở cũng sẽ nghiêng sang một bên. Đến lúc đó thì lâu ngày con mắt có thể sẽ bị lé. Bởi vậy, phải chỉ dẫn đúng lúc. Khi viết chữ thì vở phải ngay, bút phải ngay.
7.8 Kinh văn:
“Liệt điển tịch, hữu định xứ. Độc khán tất, hoàn nguyên xứ. Tuy hữu cấp, quyển thúc tề. Hữu khuyết hoại, tựu bổ chi”.
“Xếp sách vở, chỗ cố định. Đọc xem xong, trả chỗ cũ. Tuy có gấp, xếp ngay ngắn. Có sai hư, liền tu bổ”.
“Xếp sách vở, chỗ cố định. Đọc xem xong, trả chỗ cũ”, đây cũng gọi là “động vật quy nguyên” (trả về chỗ cũ). Sách vở xếp để một chỗ cố định, khi xem xong lại bỏ vào chỗ đó, lần sau muốn xem thì sẽ tìm thấy rất nhanh. Chúng tôi đã từng đi tham quan thư phòng của Thầy Lý Bỉnh Nam. Trong thư phòng của Ngài có rất nhiều loại sách, mỗi một quyển đều được xếp rất ngay ngắn, gọn gàng.
“Tuy có gấp, xếp ngay ngắn. Có sai hư, liền tu bổ”. Sau khi bạn để lại vị trí cũ thì lúc nào cần lấy đều thuận tiện. Đối với sách cũng phải thật trân quý. “Có sai hư” thì hãy mau sửa chữa nó lại. Bởi vì sách ngày xưa đều không dễ mà có được, cho nên người ta trân quý hơn bội lần, nếu có hư hỏng liền mau tu bổ lại. Kỹ thuật in ấn hiện nay rất phát triển, nhưng cũng không thể vì phát triển mà chúng ta lại không tôn trọng sách, không quý trọng sách. Như vậy là không đúng. Chúng ta làm bọc bìa cho sách thì sẽ không làm dơ bẩn sách, hoặc là chúng ta làm một tủ sách, để cho thời gian sử dụng sách có thể được lâu dài. Đây đều là việc yêu quý đối với sách.
7.9 Kinh văn:
“Phi Thánh thư, bình vật thị, tế thông minh, hoại tâm chí”.
“Không sách Thánh, bỏ không xem, che thông minh, hư tâm trí”.
“Không sách Thánh, bỏ không xem, che thông minh, hư tâm chí”. Nếu không phải là Kinh sách của Thánh Hiền thì nhất định không thể xem. Chúng tôi cũng đã nói: “Thà rằng cả năm không đọc sách, không thể một ngày gần tiểu nhân”. Tiểu nhân ở đây không những là nói người mà còn ám chỉ sách. Vì sao bạn thà rằng cả năm không đọc sách nhưng không thể một ngày gần tiểu nhân? Cũng giống như một ly nước trong mà nhỏ một giọt mực vào, chỉ cần không đến một giây thì đã nhỏ được giọt mực vào nhưng bạn phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để lọc bỏ giọt mực đó đi? Có thể thời gian gấp mười lần, gấp trăm lần, thậm chí là lâu hơn nhiều. Do đó, phòng ngừa sự ô nhiễm là đặc biệt quan trọng. Phải phòng ngừa sự ô nhiễm đối với chính mình, cũng phải phòng ngừa sự ô nhiễm đối với con cái, vì vậy cũng cần có sức phán đoán loại sách gì thì tuyệt đối không xem. Để đảm bảo nhất thì nhất định phải đọc những quyển Kinh sách đã được ấn chứng chân lý mấy nghìn năm. Khi con cái xem tivi, bạn tuyệt đối phải giúp chúng tắt ngay, không thể xem những tiết mục gây ô nhiễm, những tiết mục sát đạo dâm vọng. Việc này chúng ta phải làm cho tốt.
7.10 Kinh văn:
“Vật tự bạo, vật tự khí. Thánh dữ Hiền, khả thuần trí”.
“Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và Hiền, dần làm được”.
Câu sau cùng này rất quan trọng, các vị đọc một câu sau cùng này thì phải ngẩng đầu ưỡn ngực: “Chớ tự chê, đừng tự bỏ, Thánh và Hiền, dần làm được”.
Chúng ta cũng phải tự kỳ vọng vào chính mình, thường tự mình khích lệ mình, phải có lòng tin, bởi vì “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Chỉ cần thông qua sự tinh tấn không giải đãi, nhất định có thể khế nhập cảnh giới của Thánh Hiền. Đương nhiên căn bản là ở lòng tin, cho nên chúng ta phải có lòng tin đối với chính mình. Tiếp đến là có lòng tin đối với ai? Đối với Thánh Hiền phải có lòng tin, đối với thầy cô phải có lòng tin. Chúng ta phải có lòng tin đối với con cái của mình, phải có lòng tin đối với tất cả người thân bạn bè của mình, bởi vì mỗi một người đều có cái tâm vốn thiện. Ngoài ra cũng phải có lòng tin đối với trang mạng “Đại Phương Quảng Văn Hóa Công Ích” của chúng ta, bởi vì khi chúng tôi mới bắt đầu đi làm thì mọi người đều e sợ chúng tôi có khi nào làm được vài ngày rồi bỏ hay không? Chúng tôi đã an ủi họ, chúng tôi một khi làm việc này thì sẽ làm đến cùng, bởi vì chúng ta cùng hội cùng thuyền.
Trong năm nay, chúng tôi đã thành lập trường học trên mạng internet, cho nên sẽ có rất nhiều khóa trình như “Những Câu Chuyện Đức Dục”, “Ngũ Chủng Di Quy”, và còn có “Tứ Thư”. Những khóa trình này chúng tôi đều sắp xếp ở trong học viện trên mạng. Đến lúc đó chúng ta sẽ có thể cùng nhau huân tập, cùng nhau thâm nhập giáo huấn Thánh Hiền, cho nên mọi người phải có lòng tin tràn đầy.
Có câu: “Người có đức hạnh tất cũng có bạn trọng đạo như mình”, “tứ hải giai huynh đệ”, sau cùng còn một câu là “biết gánh vác trách nhiệm là đã bắt đầu trưởng thành”. Cho nên phải học mà cũng phải dạy.
Quý vị bằng hữu, chúng ta có thể từ sự tu thân của mình mà làm, tiến thêm một bước là cống hiến. Ở trong gia đình của mình, trong khu vực sinh sống của mình, chúng ta có thể một tuần dạy cho bọn trẻ một lần. Có khó hay không? Không khó! Có rất nhiều thứ chỉ tham khảo tư liệu là có thể dùng, làm việc gì chỉ cần thuận theo tình thế mà làm thì sẽ không quá phức tạp. Vì vậy, có ba người đến học thì dạy ba người, có năm người đến học thì dạy năm người. Sẽ có một số vị phụ huynh tốt đồng ý cùng học với con của mình, chúng ta có thể thông qua cơ hội này để làm một số trao đổi về giáo dục gia đình. Khi trao đổi sẽ cảm thấy mọi người cùng nhau học tập thì rất tốt, “tương quan nhi thiện”, có thể quan sát học tập lẫn nhau. Có thể tổ chức cho các vị phụ huynh này cùng với nhau cố định mỗi tuần tụ hội lại để nghiên cứu thảo luận một tiết, huân tu lâu dài. Họ tiến bộ thì bạn cũng tiến bộ theo! Rất nhiều việc đều có thể như nước chảy thành sông, chúng ta không nên quá hấp tấp vội vàng.
Sau cùng, chúng ta học tập học vấn của Thánh Hiền cũng phải hiểu rằng vì sao phải học Thánh Hiền? “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện” (đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện”. Bởi vậy, cuộc đời chính là phải tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Chữ “minh minh đức” nghĩa là khiến cho bản tính vốn thiện lương của chính mình có thể hiển hiện ra được, cho nên gọi là “minh minh đức”. Khi một người “minh minh đức”, có trí huệ rồi, tự nhiên liền có thể tề gia trị quốc bình thiên hạ, liền có thể “thân dân”. “Thân” nghĩa là yêu thương, ngoài ra còn một ý khác nữa là “tân”, “tân dân”, chính là khiến cho người thân bạn bè bên cạnh ta có thể “ngày một mới, mỗi ngày mới, ngày ngày mới”. Cái gì mỗi ngày mới, ngày ngày mới? Là tư tưởng, quan niệm, đức hạnh! Khi chúng ta không ngừng nâng cao chính mình, giúp đỡ người khác đến cực điểm, đến mức “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, thì có thể đạt đến “chỗ chí thiện”.
Cuối cùng, lấy một câu giáo huấn của Mạnh Tử, chúng ta cùng kỳ vọng lẫn nhau. Mạnh Tử nói: “Người quân tử khác với người thường là ở cái tâm”. Chỗ mà người quân tử khác với người thường là ở cái chủ tâm của họ, bởi vì “người quân tử vốn giữ điều nhân ở trong tâm, giữ điều lễ ở trong tâm”. “Người nhân ắt sẽ yêu người, người có lễ ắt sẽ kính người”, “kẻ yêu người thường được người thường yêu lại; kẻ kính người thường được người thường kính lại”, cho nên chúng ta phải thời thời lấy nhân, lấy nghĩa, lấy giáo huấn của Thánh Hiền để ở trong tâm, nhất định sẽ khiến cho đức hạnh không ngừng nâng cao. Hơn nữa, học Thánh học Hiền có đau khổ hay không? Không thể nào! Bởi vì sẽ càng có nhiều người yêu quý bạn, càng có nhiều người lễ kính bạn. Khi chúng ta không ngừng giữ ở trong tâm những điều này để đối diện với những người ở xung quanh, tin rằng gia đình của chúng ta, nơi làm việc của chúng ta, thậm chí là xã hội của chúng ta sẽ càng ngày càng hài hòa, càng ngày càng đoàn kết.
Hết tập 40.
Xin cảm niệm ân đức của ban biên dịch & ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ.
Xin cảm niệm ân đức của quý đồng học đã đọc, nghe, xem đến tập cuối cùng.
Kính chúc quý đồng học pháp hỉ sung mãn, thật sự triển khai được Đệ Tử Quy vào trong cuộc sống thường ngày, có thể đạt được cuộc sống viên mãn, như đầu đề của Giảng toà “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc”.