Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

Ngày xưa thì em không hiểu, nhưng bây giờ sau khi được học tập thì em rất hiểu, không có con nối dõi tông đường không phải không có con, mà là có con nhưng không dạy con nên người, không làm vinh danh tổ tiên thì đó là tội bất hiếu nhất

 

BÁO CÁO THU HOẠCH TẬP 1

Em xin kính chào Thầy và các Thầy cô giáo ạ. Sau khi học tập 1, em xin chia sẻ một chút cảm ngộ của bản thân về các ý như sau ạ:

1. Giáo dục con cái phải được đặt lên hàng đầu.

Khi mới được tiếp cận cuốn sách này: “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc” em cảm thấy rất mơ hồ nhưng bây giờ em đã hiểu, đơn giản chỉ cần làm theo cuốn sách này, mục tiêu cuối cùng của mỗi người học như em sẽ có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Nhưng trong xã hội ngày nay, có bao nhiêu người hiểu được khái niệm hạnh phúc là gì? Nếu như trước đây, hạnh phúc với em là những bài kiểm tra đạt điểm cao, những ngày tháng vui chơi cùng bạn bè hay mỗi khi cần là có nhiều tiền mua tất cả những thứ mình thích là hạnh phúc… Nhưng rà soát lại tất cả những gì em cho rằng đã làm em hạnh phúc liệu đếm được mấy điều hạnh phúc của mình là nhớ tới cha, tới mẹ. Bây giờ nghĩ lại em thấy mình quá vô tâm và ích kỷ. Giả sử những điều đó là hạnh phúc thật thì như Thầy nói em phải vui, phải mỉm cười khi nghĩ lại chứ? Nhưng không phải thế, sau tất cả bây giờ em mới nhận ra những điều ngày xưa em cho là hạnh phúc ấy hiện tại không mang lại giá trị gì đối với em cả. Và em tin là các Thầy cô sau khi được học tập cũng có cảm giác giống như em. Ngay lúc này, với em, hạnh phúc là những điều nhỏ bé, thân thương xung quanh em, em có Cha Mẹ để yêu thương, có con trai để dạy dỗ, có người chồng đồng hành, ủng hộ em hết mực, có các bậc Thầy hiền minh, trí tuệ để dẫn dắt chúng em đi theo, học tập suốt đời.

Trước đây, em nghe một người Thầy chia sẻ, có 2 điều quan trọng nhất mà người xưa dạy người phụ nữ khi về làm dâu phải làm tròn: thứ nhất là thờ cúng ông bà tổ tiên chu toàn, thứ hai là nuôi dạy con cái thành người. Phải làm được hai điều này mới không mang tội bất hiếu. Cổ nhân nói, có 3 điều bất hiếu trong cuộc đời, điều thứ 3: không có con nối dõi tông đường là bất hiếu nhất. Cho nên người xưa có câu: “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại” là như vậy. Ngày xưa thì em không hiểu, nhưng bây giờ sau khi được học tập thì em rất hiểu, không có con nối dõi tông đường không phải không có con, mà là có con nhưng không dạy con nên người, không làm vinh danh tổ tiên thì đó là tội bất hiếu nhất. Hiểu được tầm quan trọng của việc dạy con cần được ưu tiên số 1, người làm cha làm mẹ như chúng em không có cách nào khác, phải nỗ lực học tập, sửa đổi bản thân và thật cẩn trọng trong mỗi quá trình thân giáo, đồng hành cùng con. Em thật may mắn khi được biết đến Đệ Tử Quy từ rất sớm, từ khi chưa mang thai. Sau khi học, hiểu và áp dụng lời dạy của Cổ Thánh Tiên Hiền vào từ quá trình thai giáo, em cảm thấy hai mẹ con luôn luôn khoẻ mạnh, an lạc, quá trình mang thai rất bình yên và hạnh phúc. Em không biết em đã tạo nên phúc lành nào để được gặp Đệ Tử Quy và các Thầy cô như ngày hôm nay nhưng em luôn thầm tri ân âm đức của Cha Mẹ, Tổ tiên đã cho em cơ hội được biết đến Đệ Tử Quy, đến Giáo lý của Thánh Hiền để em được học tập và dạy con, nếu không em không biết sẽ vô tình làm hại và gây lỗi lầm đến con như thế nào theo phương pháp của người trẻ hiện nay.

Mỗi ngày chứng kiến con khôn lớn đối với em là một niềm hạnh phúc. Em sẽ cố gắng giữ gìn tánh thiện cho con ít nhất trong 1000 ngày theo đúng như lời hướng dẫn của các bậc minh sư. Ấu niên dưỡng tánh, đồng niên dưỡng chánh, thanh niên dưỡng chí và lão niên dưỡng đức. Đúng lứa tuổi nào mình phải dạy và có phương pháp hiệu quả cho lứa tuổi ấy, nếu con được cắm gốc vững chắc và rõ ràng thì chắc chắn sau này con không thể là người con hư. Hiện tại em đang nỗ lực thực hiện trong giai đoạn 1 dưỡng tánh. Từ lúc con em sinh cho đến giờ con được gần 17 tháng, gần như chưa bao giờ em đưa con đến những nơi đông người, náo nhiệt, chỉ đưa con đi chơi, đi dạo xung quanh nhà, hay những nơi có độ tĩnh và em thấy ổn để bảo toàn sự thuần khiết cho con. Tất cả những hình ảnh, lời nói không tốt em đều không để con nghe thấy, nhìn thấy và tiếp xúc. Khi con làm một hành động nào đó chưa đúng, em luôn cẩn trọng suy xét và hiểu ngay chắc chắn con đã nhìn thấy hình ảnh này ở đâu rồi tìm bằng được nguyên nhân và sửa đổi, nhưng con học điều sai rất dễ, muốn quay trở lại là rất khó! Cho nên quá trình dạy con không thể lơ là, cần sự chung tay phối hợp của tất cả các thành viên trong nhiệm vụ ưu tiên số 1 này.

2. Tố chất Thành thật

Trong bài Thầy chỉ ra cho chúng ta 5 tố chất của người thành công: Thành thật, lòng trách nhiệm, khiêm tốn, có uy tín, tính nhẫn nại. Có những yếu tố thoạt đầu nghe rất thuận và khiến mọi người dễ dàng đồng ý ngay như: lòng trách nhiệm, khiêm tốn, có uy tín và tính nhẫn nại. Nhưng có yếu tố khiến đa số người nghe ngày nay, hay như chính bản thân em phải đặt nghi vấn: Có nhất thiết phải thành thật không? Trong xã hội ngày nay, nếu thành thật liệu chúng ta có sống được không và có thể thành công không?

Ông cha ta ngày xưa từng nói: Thật thà là cha khôn khéo thì dù ngày xưa hay ngày nay, bạn làm nghề gì hay ở xã hội nào cũng luôn đúng. Em mới chỉ là một một người trẻ tuổi, mới trải qua ít năm cuộc đời, cũng chưa có sự va vấp xã hội nhiều nhưng bằng một chút trải nghiệm của bản thân, em nghĩ rằng để tồn tại trong môi trường nào cũng vậy, tố chất thành thật vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ có lòng tin ở một người bạn tuy không giỏi nhưng thành thật còn vui vẻ và dễ chấp nhận hơn là một người rất giỏi mà không thể tin. Quay trở lại bài Thầy cũng nói, chính vì thế cho nên có những tập đoàn thứ 5 thứ 7 thế giới cũng có thể bị phá sản từ sai lầm, sự bất thành thật của một cá nhân.

Trước đây trong một lớp học Đệ Tử Quy, em có nghe một bạn chia sẻ rất hay về điều này. Bạn nói người thành thật khác người không thành thật ở chỗ: Người thành thật khi nói ra điều gì không bao giờ cần phải nhớ là mình đã nói gì nhưng người không thành thật luôn luôn phải nghĩ xem trước đây mình đã nói gì, để trùng khớp, để không bị bại lộ. Đơn giản bởi vì người thành thật có thế nào người ta nói như thế, dù có lần sau hay lần sau nữa có phải nói lại thì người ta cũng vẫn nói như vậy. Chính vì vậy, thành thật luôn là cảm giác dễ chịu, thoải mái nhất.

3. Tố chất Khiêm tốn.

Trong tuần trước chúng em được Thầy chia sẻ về bài học “Lợi ích của Khiêm cung”. Khiêm cung, khiêm tốn là cánh cửa để chặn tất cả những lỗ hổng trước khi tích tạo phước báu. Trong Kinh Dịch có 64 quẻ, quẻ nào cũng có cát có hung, chỉ có quẻ Khiêm chỉ toàn là cát. Cung khiêm hạ là cội nguồn của phước báu, luôn cát tường. Một người khiêm cung bên trong luôn tràn đầy lòng biết ơn, bên ngoài thể hiện sự nhu hoà, mặt vui lời dịu. Khi một đứa trẻ khiêm cung thì tương lai chúng sẽ gặp rất nhiều quý nhân phù trợ. Trong 3 người cùng đi chắc chắn có người làm Thầy của ta. Trong 3 người cùng đi chắc chắn sẽ có người giỏi nhất về một lĩnh vực nào đó, còn lại bạn sẽ luôn là học trò của người khác khi không ở lĩnh vực thế mạnh của bạn. Cho nên khi chúng ta khiêm tốn, chúng ta sẽ hấp thụ được rất nhiều. Mỗi kiến thức, kinh nghiệm hay bài học, thất bại người khác chia sẻ như giúp chúng ta đứng trên vai người khổng lồ, sẽ rút ngắn thời gian để có được một cuộc sống thành công, hạnh phúc.

Dạ, bài báo cáo về tập 1 của em xin được tạm dừng tại đây. Em xin cảm ơn Thầy và các Thầy cô ạ.

A Di Đà Phật.

Học trò kính ghi:

Trương Thị Thuỳ Linh


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!