Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 44

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 44

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Chúng ta xem câu kế tiếp, câu 49, ở quyển thứ 9, trang 1.167, hàng thứ 5. Chúng ta cùng nhau đọc qua một lần.

Vua Thuấn nói: “Nếu ta có sai sót, các ngươi phải phò trợ ta cải chính. Các ngươi không được trước mặt thì nghe theo ta, sau lưng thì nghị luận ta. Cho nên phương cách để cai trị đất nước là phải khích lệ mọi người đóng góp ý kiến, dẫn dắt mọi người dũng cảm nói lên sự thật, như vậy quân vương mới có thể nhìn rõ thực hư mà hiểu được tình hình thực tại của việc trị loạn”.

Vua thuấn ở trước mặt các đại thần đã nói là, ta nếu như có điều trái nghịch; trái nghịch với giáo huấn cổ Thánh tiên Vương, hoặc giả là trái nghịch với đức hạnh, có làm ra điều gì đó không đúng, vậy thì phải phò trợ, nghĩa là các khanh phải phò trợ cho ta, phải hộ niệm ta, các khanh phải cải chính lỗi lầm của ta. Chữ “nhữ” trong Kinh văn, là chỉ những vị đại thần này. Các khanh không thể trước mặt ta thì thuận theo ta, ngược lại sau khi thối triều, lúc đó lại nghị luận sau lưng ta, như vậy thì thật là không thỏa đáng. Đoạn này nói rất đáng quý! Vua hy vọng các đại thần, chỉ cần nhìn thấy vua có lỗi lầm gì thì mau mau phò trợ, nhắc nhở vua.

Chúng ta cũng có thể dùng thái độ như vậy để đối đãi với đồng nghiệp và người khác. Tôi chỉ cần có lỗi lầm gì thì hãy mau nhắc nhở tôi, thậm chí là có câu nào nói sai, lúc riêng tư hãy mau nhắc nhở cho tôi. Bởi vì chúng ta học tập văn hóa truyền thống, bên cạnh thân bằng quyến thuộc đều biết. Chúng ta là một lá cờ của văn hóa truyền thống, chúng ta chỉ cần nói lời sai, làm việc sai, đều có thể khiến người ta nói, “người học văn hóa truyền thống mà như vậy thì thôi tôi không cần phải học nữa”, có phải không? Chúng ta không muốn bôi tro trét trấu Thánh Hiền, có được suy nghĩ như vậy thì có thể cảnh giác với ngôn hành của mình. Ngoài việc tự mình cảnh giác ra, có lúc tự mình nhìn không thấy, vẫn là phải nhờ đến người bên cạnh nhắc nhở. Cho nên nói với những đồng tham đạo hữu bên cạnh, tôi đời này nhất định phải thành tựu. Cho nên hy vọng các vị giúp đỡ cho tôi, có lỗi lầm thì hãy mau nhắc nhở tôi. Vả lại đừng nên trước mặt thì thuận theo tôi, sau lưng thì lại nghị luận. Chúng ta tham dự cuộc họp trong đoàn thể, đơn vị, đều phải đem sự việc ra nói rõ ngay trước mặt, không có lời nào là không thể nói, vì sao vậy? Mọi người đều là vì việc công, vì chánh pháp cửu trụ, làm gì có lời nào mà không thể trực tiếp nói ra chứ, trừ phi có lòng riêng tư. Không thể bởi vì việc lo ngại thế thái sự tình, lo ngại sỉ diện mà sau đó làm lỡ mất việc lớn, vậy thì không thỏa đáng. Mà bởi vì khi chúng ta muốn nêu ra vấn đề, là đối với việc chứ không phải đối với người, là thật sự vì tốt cho đoàn thể, vả lại cũng là vì tốt cho đối phương. Các vị nói: “Nhưng mà sau khi nói xong họ lại thấy không vui thì sao tốt cho họ được?, vậy thì bạn vì họ không vui hay là bạn vì họ không phạm lỗi lầm? Nếu như cái sai của họ không được chỉ ra, làm lỡ mất việc lớn của đại chúng, vậy thì tội họ tạo ra còn lớn hơn nhiều. Cho nên thật sự nêu ra thì mới thật là yêu thương họ, chúng ta không nên vì lo sợ sỉ diện của người ta mà làm hỏng việc chung của mọi người, hoặc là làm hỏng việc tu dưỡng của họ. Mọi người có được sự nhận biết như vậy, vì đức hạnh của chính mình cũng là vì việc của đại chúng. Việc của đoàn thể đều thẳng thắn mà nói cho rõ ràng ra, không nên sau khi họp xong rồi mới nói, đây chính là không có đạo đức. Cho nên điên đảo lại điên đảo, chúng ta bây giờ không nên điên đảo nữa. Hiện nay hiện tượng điên đảo quá nhiều, không tỉ mỉ tưởng tượng thì không biết, không có người nào nhắc nhở thì cũng không biết. Cứ mỗi lần mở họp, hỏi có ai có ý kiến gì không cứ cúi đầu. Có phản ứng gì không?”. Không có. Vừa ra khỏi cửa thì lại bàn nói rất nhiều, như vậy thì ngoài việc chưa tận hết bổn phận còn tạo tội nghiệp. Vì vậy phải sửa đổi thái độ này. Giả như không có Kinh điển nhắc nhở chúng ta, thật sự là phần điên đảo của chúng ta quá nhiều, ăn cơm cũng bị điên đảo, có phải không? Các vị xem hiện tại người ta ăn đêm, Kinh điển nhắc nhở chúng ta ban đêm phải ít ăn, nhưng sao càng ngày ăn càng nhiều? Không có Kinh điển thì cuộc sống thường ngày của con người cũng không ổn. Các vị xem, hiện tại con người đang sống qua ngày tháng như thế nào?

Có một người bạn ở Úc Châu, cháu của anh học đại học. Kết quả hơn mười giờ thì anh đi ngủ, nhưng lúc đó thì cháu của anh và bạn bè lại đang vui chơi, vẫn đang ở đó náo nhiệt. Sau đó thì đứa cháu đại học này nói với anh: “Mới bây giờ mà chú đã ngủ rồi, sao chú ngược đời quá vậy?. Cho nên thời đại này bình thường lại hóa không bình thường, sau đó người không bình thường lại cảm thấy họ rất bình thường, đều cảm thấy còn sớm như vậy mà đi ngủ rồi. Có bình thường không vậy? Đó không thể gọi là hưởng thụ cuộc đời, mà là hủy hoại cuộc đời, đối nghịch với ông trời rồi. Thật vậy, không đối chiếu Kinh điển thì con người thật sự là không biết cách sống qua ngày tháng.

Ví dụ như nói con gái ăn mặc quần áo, xin hỏi mọi người, ăn mặc càng trang trọng, càng đẹp đẽ, là mặc ở nhà hay mặc đi ra ngoài? Là mặc ở nhà, có phải không? Khi đi ra đường thì không nên ăn mặc đẹp đẽ, sẽ mời gọi ong bướm, làm loạn phong khí xã hội, phải không? Các vị xem, hiện nay quan hệ nam nữ loạn cả lên, đều có liên quan đến việc ăn mặc của con gái. Ở nhà ăn mặc mà trang trọng thì con cái sẽ được giáo dục, người chồng nhìn thấy cũng trở nên vui vẻ thoải mái. Kết quả ngược lại, ở nhà thì ăn mặc lôi thôi, người chồng đều không muốn nhìn, đi ra ngoài cho thiên hạ mọi nơi nhìn. Việc này người xưa đã nói rất là rõ ràng rồi. Các vị xem, chúng ta đều không hiểu, đã vậy phong khí của xã hội hiện tại lại bảo sao theo vậy, cũng không nắm rõ được cái gì là chánh đạo.

Tôi hôm nọ nói với một người bạn. Rất nhiều người luyện thể hình, luyện đến cơ bắp cuồn cuộn. Rất nhiều người đều đã bị thương, đều là vận động mà bị thương. Anh bạn vừa nghe thì giật mình, “thế à, tôi cứ tưởng như vậy thì mới gọi là khỏe mạnh chứ. Các vị xem, người Phương Đông chúng ta vận động tập luyện đều rất nhẹ nhàng. Luyện tinh khí thần của bạn, đó mới là khỏe mạnh, không phải là thật kịch liệt như vậy, đều đã vượt qua sự gánh vác của thân thể, sau cùng đều bị thương. Các vị đi điều tra thử, các quán quân 100m trong môn thể dục chạy bộ, bình quân thọ mạng dài hơn bốn mươi mấy tuổi. Họ đều không nghe theo đạo pháp tự nhiên, đều là phô trương và đấu tranh. Cho nên những loại Kinh điển này là khiến chúng ta có thể làm vua, làm thần tử cho người khác, mới biết được làm như thế nào mới là “trong đạo”, thế nào là “quân đạo”, thế nào là “thần đạo”.

“Cố trị quốc chi đạo”. Phương pháp, đạo lý của việc trị vì đất nước là phải chủ động khích lệ thần dân khuyên bảo. Mà, “tuyên chi sử ngôn”, chính là dẫn dắt họ để họ chịu nói ra lời thật lòng. Bởi vì mọi người đều chịu phản ứng, chịu nói lời thật, quân chủ mới có thể quan sát rõ được tình trạng thực hư của sự tình, sau đó có thể “trị tình thông”. Nghĩa là thông hiểu được toàn bộ tình hình thực tại của việc trị loạn, để đưa ra được sự điều chỉnh vào thời gian thích hợp. Cho nên người làm thần tử đích thực là, “tiến thì nghĩ đến việc tận trung, lui thì nghĩ đến việc sửa lỗi”. Mà giữa quan hệ vua tôi, nhận sự tín nhiệm của vua và bổng lộc của đất nước, thì phải nên tận trung tận hiếu. Cho nên, “trần lực tựu liệt, bất năng giả chỉ, nguy nhi bất trì”. Đây là ở trong “Luận Ngữ – Quý thị thập lục”, “Nguy nhi bất trì, điên nhi bất phù, tắc tương yên dụng bỉ tướng h. Chính là lúc Tử Lộ và Nhiễm Cầu họ phò trợ cho Quý Thị. Quý Thị đã phạm phải một lỗi lầm rất nghiêm trọng, Tử Lộ và Nhiễm Cầu đều không trực tiếp chỉ ra mà đi gặp khuyên Quý Tôn Thị. Phu Tử liền cảm thán nói, người lãnh đạo hiện tại của con họ làm sai, có sự nguy cấp, con ngược lại không đi giúp đỡ, không đi hộ niệm họ, vậy thì họ dùng một đại thần như con để làm gì. Bổn phận đã không làm tròn rồi, mà còn phải nên như thế nào vậy? “Trần lực tựu loại”, nghĩa là tận tâm tận lực mà làm. “Bất năng giả chỉ”, chính là sau khi làm xong thì không thể tiếp nhận. Vào lúc nào thì mới có thể dừng lại? Khi còn chưa tận tâm để làm, để khắc phục, nếu đã chùn chân rồi, hoặc là không nói nữa, như vậy là không có tận hết trách nhiệm và bổn phận. Cho nên, phu tử cũng là thông qua mỗi một cơ hội nhắc nhở học trò, mỗi một góc độ của người làm thần tử phải nên tận hết bổn phận như thế nào.

Tiếp theo chúng ta xem câu 50, ở quyển 50, trang 709, vị trí ở giữa trang. Từ phần “hưng quốc chi quân”, chúng ta cùng nhau đọc qua một lần.

Những quốc quân làm đất nước hưng thịnh thì thích để người khác chỉ ra sai lầm của mình, những quốc quân làm đất nước hoảng loạn thì thích nghe lời ngợi ca bản thân. Được nghe người khác chỉ ra sai lầm của mình thì sai lầm ngày càng tiêu trừ, phúc phần cũng sẽ tới; luôn nghe lời người khác ngợi ca mình thì đức hạnh ngày một tổn hại, tai họa cũng sẽ giáng xuống”.

Chúng ta xem câu này, đều có thể cảm thấy được thái độ của người cấp trên ảnh hưởng đến sự “hưng” và “suy” của cả đoàn thể, cả một đất nước. Cho nên người càng ở cương vị cao, càng phải cảnh giác lo sợ, hoang mang lo sợ, bởi vì trách nhiệm lớn, mặt ảnh hưởng lớn. Chúng ta nhìn trong “Hiếu Kinh”, “Chư Hầu chương”; “chư hầu” họ là vua của một nước, đều là nhắc nhở, “ngôi vị cao mà không kiêu ngạo, vậy thì sẽ không gặp phải nguy nan, tiết chế cẩn độ, có tài mà khiêm tốn”. Họ luôn luôn phải giữ gìn đạo đức, giữ gìn đức hạnh của họ mới được. Hễ tùy thuận, phóng túng tập khí, có thể đất nước này tự nó sẽ có điều tai họa.

Một ví dụ trong “Thi Kinh”, chính là cấp trên của họ luôn giữ gìn tâm thái, như là “lo lắng bất an, như bên bờ vực, như đứng băng mỏng”. Cho nên, có quyền vị cũng không lấy quyền vị để phóng túng, diễu võ dương oai, phải dùng quyền vị để làm lợi ích tha nhân, sau đó thành tựu chính mình thì mới đúng. Ở đây đã nhắc đến, người quân chủ khiến đất nước hưng thịnh, thì người đó sẽ rất vui khi nghe lỗi lầm của mình; còn một vị quân chủ hôn quân thì rất thích nghe người khác tán dương mình. Mà có thể thích nghe được người khác chỉ ra lỗi lầm của mình, như vậy người đó mới có thể, “lỗi ngày giảm”. Lỗi lầm sẽ càng ngày càng tiêu trừ, càng ngày càng ít đi, còn đức hạnh thì lại càng ngày càng tốt, sau đó phúc phần thì lại có thể nhanh chóng đến được. Cái phúc là nhờ cái đức cảm chiêu đến, phúc là nhờ tâm tạo, cho nên lỗi ngày giảm mà phước thì ngày tăng.

“Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” đã nói: “Một ngày nói thiện, thấy thiện, làm thiện, ba năm ắt trời ban phước”. Mỗi một ngày mà đều là đoạn ác tu thiện, thì phúc phần của họ sẽ đến rất nhanh. Mà một người lãnh đạo có phúc thì cũng là cả đoàn thể có phúc. Vì thế, người lãnh đạo phải mang phúc khí đến cho mọi người, không phải là đem tai họa. Nghe thấy những lời tán dương, ca tụng này mà vui thích, như vậy ngược lại không nghe được lời trung, nhìn không thấy được khuyết điểm của mình, thế thì đức hạnh ngày tổn giảm, ngược lại tai họa liền cận kề.

Trong tiết học lần trước, chúng tôi đã nói đến, “tốn dữ chi ngôn, năng vô duyệt hồ, dịch chi vi quý”. Nghe được người khác tán tụng thì không nên quá vui mừng, mà phải phản tỉnh người ta nói đó có đúng hay không, mình thật sự tốt như vậy hay không? Vả lại, đây cũng là nhờ có sức đại chúng, một mình ta không thể tranh hết công trạng. Có thể phản tỉnh như vậy, thì sẽ không háo cái hư danh đó. Cho nên, đức ngày một giảm, thì họa liền giáng xuống”. Họa phước đều là do tâm thái của chính mình cảm chiêu.

Vào năm Trinh Quán thứ hai, Thái Tông đã nói với các thần tử ở bên cạnh, người quân chủ anh minh, họ có thể luôn nghĩ cách để sửa chữa mặt yếu kém của mình, tăng trưởng thiện hành của họ, thái độ như vậy mới có thể thành người quân chủ anh minh; còn kẻ hôn quân thì lại đều bảo vệ điểm yếu của mình, ngược lại cả đời đều rất ngu muội. Còn nói đến Tùy Dạng Đế, là người tự mình khen mình, sau đó bảo vệ điểm yếu của mình, cự tuyệt lời khuyên của thần tử, cho nên những người ở bên cạnh đều không dám khuyên. Tùy Dạng Đế vào khi đó có một đại thần tên là Ngu Thế Cơ. Vị đại thần này cũng không có khuyên ông. Thái Tông bàn đến chỗ này liền nói: “Tùy Dạng Đế đều không thể tiếp nhận lời khuyên, cho nên Ngu Thế Cơ cũng không dám khuyên. Vậy thì cái tội của ông ấy không phải là nghiêm trọng lắm sao. Đã bàn luận với các vị đại thần bên cạnh về vấn đề này, kết quả là Đỗ Như Hối cũng là một vị đại thần liền nói, thiên tử phải có vị thần tử khuyên can. Họ tuy rằng đức hạnh không phải là tốt lắm, nhưng cũng không đến nỗi mất thiên hạ. Mà Khổng Phu Tử cũng khen ngợi ông Sử Ngư thời xuân thu rằng: “Trực tai sử ngư, bang hữu đạo như thỉ, bang vô đạo như thỉ”. Điển tích này chúng tôi cũng đã nói qua với các vị rồi, đó là Sử Ngư đến chết vẫn còn khuyên hoàng thượng, gọi là “tử gián”. Đem quan tài của chính mình để ở ngoài của sổ, không để ở giữa nhà. Vị thần tử chính trực như vậy nên Phu Tử đã rất tán thán, từ đầu đến cuối đều là khuyên can. Mà Ngu Thế Cơ cũng không thể vì Tùy Dạng Đế vô đạo mà ông không đi khuyên gián. Ông tạm bợ như thế trong khi ở vị trí quan trọng như vậy, đây là ông không đúng. Ông giả như khuyên mà hoàng thượng không nghe, ông có thể từ chức, rút lui, như vậy thì mới là đạo của kẻ làm thần tử. Đỗ Như Hối còn nhắc đến vào thời nhà Thương, Thương Trụ vương vô cùng tàn bạo. Vào lúc đó có Cơ Tử cũng là giả ngây giả dại để trốn đi kiếp nạn diệt thân, Tỷ Can là khuyên can đến chết. Khổng Tử đã khen ngợi họ thật không hề đơn giản, là người nhân. Cơ Tử thì giả ngu, giả dại để giữ gìn mạng sống của mình, về sau có thể lại làm lợi ích cho thế gian. Bởi vì cũng biết được Thương Trụ vương căn bản là khuyên không nghe, nhưng Ngu Thế Cơ vẫn là không khuyên, vào lúc này thì nói đến một câu chuyện vào thời Tấn.

Vào thời đó, Tấn Huệ đế có hoàng hậu Giả Hậu đương quyền thao túng, đã phế bỏ thái tử. Mà lúc đó đại quan Trương Hoa cũng không có khuyên ngăn, ngược lại đã tùy thuận Giả Hậu. Kết quả, sau đó Triệu Vương Luân khởi binh đến phế truất Giả Hậu, bởi vì bà đã chuyên quyền. Sau đó cũng cho bắt lấy đại thần Trương Hoa. Trương Hoa đã nói: “Khi phế truất Thái tử, tôi không phải là không có câu nào để nói, tôi lúc đó cũng có nói, nhưng không được tiếp nhận. Thế là người đến bắt ông liền nói: “Ông là người làm quan chức vị cao đến bậc Tam công, mà thái tử vô tội lại bị phế truất, cho dù ông có nói ra nhưng làm như vậy vẫn chưa thỏa đáng. Người ta không nghe thì ông có thể từ chức, ông làm gì lại tham chức quan cao đến như vậy chứ?. Sau khi người đó nói như vậy xong thì Trương Hoa liền không còn nói được nữa, sau đó cũng đã bị phán xử tử hình. Ở đây, Đỗ Như Hối cũng đã nêu ra một đoạn trong “Luận Ngữ”, “nguy nhi bất trì, điên nhi bất phục, tắc tương yên dụng bỉ tướng”. Người quân tử khi đối mặt với loại nguy cơ này thì khí tiết không thể thay đổi, không thể bởi vì quan vị, tham luyến cái vinh hoa này mà không làm ra được những điều tiến thoái nên làm. Cho nên, Đỗ Như Hối nêu ra cái công án này, chính là muốn nói đến Ngu Thế Cơ ở địa vị là Tể tướng lúc cần nói thì ông ngược lại không nói, cho nên ông cũng là có tội rất lớn. Thái Tông nghe xong lời phân tích của Đỗ Như Hối cũng rất tán đồng.

Các vị xem, Thái Tông vừa mới mở đầu còn nói Tùy Dạng Đế là vị vua bạo ngược, vậy có lẽ là tội của Ngu Thế Cơ cũng không phải lớn lắm. Khi Thái Tông phân tích sự việc này, có thể chỉ nghiêng về hướng nhìn vào lỗi lầm của Tùy Dạng Đế, mà không có nhìn đến lỗi lầm của thần tử. Cho nên, có lúc chúng ta nhìn rất nhiều sự việc, luôn có thể nhìn thấy một mặt của vấn đề chứ không thấy được mặt không thỏa đáng. Cho nên, nhìn sự việc phải nhìn chuẩn xác từ tất cả góc độ. Việc này rất là quan trọng. Ví dụ như, hôm nay thân bằng quyến thuộc của bạn có xung đột, vấn đề từ hai phía họ nằm ở đâu, chúng ta phải nhìn cho rõ ràng, nếu không có thể trở thành người bên vực một phía. Nếu bênh vực một phía thì đối với ai cũng không có lợi ích. Thiên vị một bên này ngược lại sẽ không nhìn thấy được vấn đề, bên không được thiên vị thì họ cảm thấy uất ức, thậm chí sẽ căm hận. Thái Tông nghe xong, “Đỗ Công, những lời đã nói đúng lắm!”. Cho nên, người quân vương cần phải tiếp nhận sự giúp đỡ này của các trung thần, như vậy thì quốc gia mới có thể an định.

Vào thời đại của Tùy Dạng Đế, không thể nghe lời của cấp dưới khuyên bảo, cho nên tội ác chồng chất, họa hại kéo đến. Nhưng mà người quân chủ giả như có điều không thỏa đáng, thần tử lại không khuyên can, đều là a dua nịnh hót, vậy thì vua là hôn quân, còn quan là hoạn quan. Vua thì hôn ám, thần tử thì nịnh hót, sự nguy vong của đất nước này đã không còn xa nữa. Thái Tông đã nói: Hôm nay mượn cơ hội này, chúng ta cũng nên tự nhủ lẫn nhau, quân thần chúng ta trên dưới một lòng vì thiên hạ. Mọi người tận hết công tâm của mình, sau đó luôn luôn có thể chỉ ra vấn đề của nhau. Quân thần có thể uốn nắn lẫn nhau, sửa chữa lẫn nhau, thì mới có thể thành tựu được đạo trị nước. Cho nên, các vị đại thần có thể tận lòng trung thành đến phò trợ uốn nắn lỗi lầm của ta, ta tuyệt đối sẽ tiếp nhận, sẽ không buồn phiền, thậm chí là không chỉ trích một ai. Khi Thái Tông cùng với rất nhiều thần tử bàn luận về những đạo lý quân thần này, sau cùng sẽ quay trở lại hy vọng và khuyến khích đại thần trong triều đình, đương nhiên càng quan trọng hơn cũng kỳ vọng chính mình. Cho nên chúng ta ở trong đoàn thể, kỳ thực ý niệm thiện – ác, chánh – tà đều lẫn lộn nhau, có những lúc thảo luận không biết ai đúng – ai sai, càng thảo luận thì dường như người này nói nghe có lý, người kia nói nghe cũng có lý, trở thành không biết phải theo ai. Lúc này mà có được vị đại thần như Đỗ Như Hối, có thể phân tích thấu triệt được như vậy, nếu không có lúc cứ tưởng là đúng lại là sai, vậy thì chúng ta ở trong đoàn thể nghe theo ai? Bạn giả như ở trong đoàn thể lại nói, ai đó nói thì tôi nghe, ai đó nói thì tôi không nghe, như vậy thì cũng không thỏa đáng. Phải có một thái độ đầy lý trí, ai nói mà tương ưng với Kinh điển thì đều phải nghe. Mọi người phải có sự nhận biết chung như vậy. Đương nhiên, càng tốt hơn nữa là mỗi khi chúng ta bàn luận về một việc gì đó, sau cùng đều có thể quy kết lại thành, bởi vì Khổng Tử nói, bởi vì “Đệ Tử Quy” nói, bởi vì “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói, nếu không thì chúng ta cũng không biết nói cả nửa ngày trời mà quan niệm của mình có đúng hay không, có dẫn dắt đồng nghiệp đi sai đường hay không? Cái này là thái độ ngôn ngữ thận trọng. Cho nên lấy pháp làm thầy, lấy Kinh điển làm thầy, việc này đối với một đoàn thể mà nói thì tương đối là quan trọng. Mà Thái Tông chỗ rất đáng quý là nhân mỗi một cơ hội đều nêu ra bổn phận và chánh niệm cho mỗi một người, củng cố thái độ làm người chính xác của ông.

Kỳ thực, con người là cần phải được nhắc nhở, một lần rồi hai lần, rồi ba lần, không ngại phiền phức mà khuyên can nhắc nhở. Thuộc hạ khuyên họ, họ cũng luôn luôn nắm lấy cơ hội để khuyến khích, chỉ bảo cho các thần tử. Từ trong những sự ứng đối này, chúng ta có thể cảm thấy được Thái Tông đã làm được “quân – thân – sư” rất tốt. “Quân” thì tự kỳ vọng bản thân ông làm cho tốt, “thân” là quan tâm đến cuộc sống của các thần tử, “sư” là nắm bắt các cơ hội để nhắc nhở cho thuộc hạ những chánh tri chánh kiến. “Thân” thì lần trước chúng ta đã nói qua. Các vị đại thần khi bị bệnh, Thái Tông đích thân đến thăm hỏi, thậm chí có một lần Ngụy đại nhân lâm bệnh rất nặng, nhìn thấy nhà cửa của ông không tốt, liền đem những vật liệu chuẩn bị xây nhà của mình chuyển hết đến, trong vòng năm ngày đã làm xong nhà cho Ngụy đại nhân. Đây là rất yêu thương thuộc hạ của mình. Đây là câu thứ 50, chúng ta xem câu thứ 51 ở quyển thứ 3, trang 463, vị trí ở chính giữa. Chúng ta cùng nhau đọc.

“Làm tổn hại đến khí tiết của những nhân sĩ chính trực, ngăn trở những hạ thần muốn dâng lời can gián, các đại thần đều biết làm như vậy là sai lầm nhưng không ai dám lên tiếng nhắc nhở. Người trong thiên hạ đều sanh tâm phòng bị đối với việc nói lời can gián, đó là họa hoạn lớn nhất của một quốc gia.

Chữ “chiết” ở đây nghĩa là, ngăn trở, tổn hại đến những thần tử chính trực. Khi họ khuyên can mà ngược lại không tiếp nhận, còn bôi xấu làm nhục họ, đây gọi là “chiết trực sĩ chi tiết”. Sau đó là, “kết gián thần chi thiệt”. Chữ “kết” ở đây chính là quấy nhiễu, cản trở khi những thần tử này nói lời khuyên can. Họ mỗi lần muốn can gián đều bị quân vương ngăn cản, thậm chí là nhục mạ họ, họ liền không dám nói nữa.

“Quần thần giai tri kỳ phi”. Chính là đại thần đều biết lỗi lầm của quân vương. “Nhiên bất cảm tranh”. Nhưng mà ngược lại không có người nào dám tranh cãi đến cùng. “Thiên hạ lấy lời nói làm giới”. Thiên hạ đối với lời khuyên ngăn chân thành đều lấy đó làm gương, đều không dám đi làm, đều rất lo sợ, đều có tâm đề phòng, bởi vì sợ vị quân vương hạ nhục, thậm chí là giáng tội. “Tối quốc gia chi đại hoạn dã”. Loại phong khí này là họa hoạn lớn nhất của đất nước.

Giả như một đoàn thể, hoặc là một triều đình, mọi người đều không dám nói lời thật, vậy thì đại nạn của đoàn thể đó liền cũng tới. Bởi vì không dám nói lời thật thì sẽ không hiểu được tình hình thật sự, không hiểu tình hình thì ra quyết sách đều có thể sai lầm, quyết sách mà sai thì nhân tâm liền rời bỏ mà đi. Cho nên, phong khí đều có ảnh hưởng đến vấn đề lòng người ủng hộ hay phản đối. Ở trong đoàn thể, kỳ thực là, thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Phong khí là mỗi một người đều dám nói lời thật, dám vì lợi ích của đoàn thể mà tranh luận đến cùng, mà bày tỏ, vậy thì cái chánh khí này đã đề khởi lên. Mỗi một người đều không có bận tâm hay lo lắng, vì đoàn thể mà kiểm soát chặt, tìm cho ra vấn đề. Nếu họ khuyên mà đúng đắn thì công nhận họ, ủng hộ họ, khiến cho cái tâm “công thiên hạ” của họ làm lợi ích cho tính tích cực của đoàn thể liền vận động. Nên vào lúc đó, Thái Tông có những chỗ không đúng, có một người thần tử khuyên can, Thái Tông đã phán tội người này tương đối nặng. Kết quả là, Tôn Phục Già khuyên nói không nên phán tội nặng như vậy. Hoàng thượng lúc đó đã đem một hoa viên Lan Lăng ban tặng cho Tôn Phục Già, đem cả một vườn hoa rất lớn ban tặng cho ông. Mọi người đều rất là kinh ngạc, đương nhiên Tôn Phục Già cũng rất kinh ngạc. Kết quả Thái Tông nói: “Kể từ khi ta lên ngôi, chỉ có một mình ông ấy là dám khuyên ta, ông là một người dám chỉ ra khuyết điểm cho ta, cho nên phải trọng dụng một cách nghiêm túc. Khiến cho cái phong khí này được đề xướng, từ đó hưng suy có những lúc trong vô hình trung có mối liên hệ chặt chẽ. Điều động mặt tích cực của mọi người thì nhất định phải khiến cho mọi người vì việc công, vì đoàn thể mà dám nói ra lời thật, vậy thì đúng! Mà ở chỗ này cũng đã nêu, người làm cấp trên mà xem thường lời trung thành của cấp dưới, chà đạp, sau cùng chính là con người ta đều, “không dám nói gì nữa cả”, đất nước này cách các họa hoạn không còn xa.

Vừa rồi là toàn bộ bộ phận “nạp gián”. “Nạp gián” vẫn còn một câu, trong tiết kế tiếp chúng ta sẽ cùng nhau xem tiếp. Hôm nay nhiều câu như vậy, chúng ta tuy nhiên không nhất định câu nào cũng ghi chép, vậy thì hãy nhớ rằng phải tiếp nhận lời khuyên của người khác vậy thì mới, “đức tiến dần lỗi ngày giảm”. Thái độ như vậy là chúng ta phải mượn cơ hội lần này học cho nhập tâm, nội hóa thân tâm. Nội hóa hay chưa? Bạn nói: “Tôi nội hóa rồi”, bạn thật sự cảm thấy tự mình đã nội hóa rồi, ngày mai bạn sẽ có bài kiểm tra. Đột nhiên có người muốn khuyên bạn thì bạn liền đùng đùng nổi giận, “mình ngày hôm qua mới nói đã nội hóa rồi vậy làm sao hôm nay lại nỗi giận. Mọi người có kinh nghiệm này hay chưa? Nếu hôm nay bạn nói: “Tôi làm cái gì cũng không có sai sót”, buổi chiều có ai đó kiểm tra nói cho bạn biết vẫn còn cách rất xa. Cho nên học vấn thật sự là phải đến được chỗ thâm sâu trong nội tâm, thật sự đem những thứ dơ bẩn ở trong lòng đào thải bỏ, như vậy thì đức hạnh mới thật sự đạt được. Không phải là chỉ ở bề ngoài. Chúng ta cảm thấy dường như là làm cũng không tệ!”. Hôm nay xin giao lưu với mọi người đến chỗ này! Xin cảm ơn mọi người!

HẾT TẬP 44 – Xin xem tiếp tập 45 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!