Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 48

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 48

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ
Tiếp theo, chúng ta xem câu thứ 57 ở quyển thứ 9, trang 1.170, hàng thứ nhất ở bên dưới. Chúng ta cùng nhau đọc qua một lần.
Khổng Tử nói:“Mọi người đều ưa thích ông ta nhất định phải quan sát tình hình một cách kỹ lưỡng, mọi người đều oán ghét ông ta nhất định phải quan sát tình hình một cách kỹ lưỡng. Người anh minh khi sử dụng nhân tài không nhất định sẽ nghe theo lời nghị luận của quần chúng, cũng không nhất định do chính mình độc đoán quyết định, mà nhất định phải suy nghĩ toàn diện về cách nhìn của mình và của người khác, đồng thời dùng những quy phạm đạo đức để đánh giá, cho nên khi tuyển chọn nhân tài sẽ không có sơ hở, chính sự sẽ không bại hoại thương vong”.
Đoạn này nói, tiến cử hiền tài phải tiếp đãi vô cùng thận trọng. Trước đây, chúng tôi có nói đến mấu chốt trị loạn của quốc gia. Có được hiền tài thì hưng thịnh, không có được hiền tài thì phải bại vong. Mà có được hiền tài thì cũng phải biết đánh giá người này thật sự có đức hạnh và năng lực hay không? Vì vậy, trong “Tư Trị Thông Giám” có nói, “trị bổn tại đắc nhân, đắc nhân tại thận cử”. Cẩn thận tiến cử. “Thận cử tại hạch chân”, kiểm tra những điều đã nghe được có thật sự trùng khớp với tình huống hay không? Mạnh Tử cũng có đề cập đến tinh thần này khi dùng người. Cho dù là người tốt cũng phải kiểm tra, người xấu cũng phải kiểm tra, bởi vì “nhân tồn chánh cử, nhân vong chánh tức”. Dùng nhầm người thì nền chính trị của địa phương đó thực hiện không được tốt. Cả Mạnh Tử cũng có nói, giả như muốn phán một người tội chết, cũng phải thận trọng hiểu rõ tình hình, hiểu rõ sự tình, vì sao? Bởi vì đối diện với tội chết, lệnh đã ban ra, người chết không thể sống lại. Vì vậy, đối diện với những sự việc trọng đại đều phải vô cùng thận trọng mà xem xét.
Chúng ta xem: “Chúng hảo chi tất sát yên”. Ai cũng nói người đó tốt, vì sao vẫn phải sáng suốt để điều tra được rõ ràng? Bởi vì, rất có thể tất cả đều là lợi ích phe nhóm, thì đương nhiên những người đó vì lợi ích của họ mà nói lời tốt, đều nói người đó tốt. Mọi người có nhớ trước đây, chúng tôi có chia sẻ một trường hợp.
Vua nước Tề có một vị quan, những người xung quanh đều nói vị quan đó không tốt. “Chúng ố chi”, đều nói vị quan đó không tốt, chúng ta có nên phán xét hay không? Nhiều người như vậy nói không tốt, có lẽ là không tốt? “Có lẽ” điều đó vẫn là chưa chính xác. Rốt cuộc, vua nước Tề cho người đi thực tế đến nơi của vị quan ấy cai quản, hiểu được vị quan ấy cai trị quá tốt, khác với tình hình thực tế 180 độ. Sau này mới hiểu được, bởi vì vị quan ấy cần cù liêm chính, yêu thương dân, không có thời gian để đi nịnh bợ, tâng bốc những vị quan ở xung quanh, những vị quan đó đều nói xấu ông. Vì vậy, liền ban thưởng cho vị quan bị nói xấu. Còn những vị quan khác, tất cả mọi người nói họ tốt, có cần dùng hay không? Rốt cuộc vua nước Tề sai người đến nơi của họ trị vì, mới biết được việc cai trị rất hỗn loạn, bởi vì họ tiêu tốn thời gian vào việc biếu tặng lễ vật cho những vị quan ở xung quanh. Cho nên liền gián tội vị quan này, cuối cùng còn xử phạt những vị quan không thật thà ở xung quanh, đều là vì lợi ích cho bản thân mình mà nói những lời trái ngược với lương tâm. Ai cho họ tiền thì họ nói người đó tốt, không cho tiền thì họ nói người đó xấu. Sau này, vừa xử phạt thì những người xung quanh không dám tìm cách tư lợi cho bản thân mình nữa. Vì vậy, chỗ này nói, “chúng háo chi, chúng ố chi”. Đều phải điềm tĩnh mà quan sát, đặc biệt cho dù hoàn toàn không có mưu cầu lợi ích riêng gì, nhưng mà con người thường có quán tính. Cho nên, người muốn cải cách vì sao cảm thấy khó? Việc họ cải cách chính là muốn cho cả đoàn thể được tốt. Nhưng mà con người có lúc cũng không nhận ra rằng họ đã quen với một khuôn mẫu rồi nên không ai muốn sửa đổi nữa. Dường như trong tiềm thức của họ cảm thấy không được vui, không thể tiếp nhận, nên không thể ngay lập tức điềm tĩnh để mà tư duy về ý kiến họ mới đưa ra những cải cách mới. Đối với đoàn thể này thì về lâu về dài sẽ thế nào? Nói chung, người mà có thể lắng lòng suy nghĩ rồi tính kế dài lâu rất ít. Vừa sửa đổi thì, “thiệt tôi không thoải mái, thật không tiện lợi cho tôi”, có khả năng sẽ đưa ra một số ý kiến phản đối. Lúc này thì người muốn cải cách cũng không nên bài xích những người phản đối, ngược lại phải càng nhẫn nại. “Dùng tình cảm để động lòng người, dùng đạo lý để giúp người khác thấu hiểu”. Thời đại này, muốn làm việc gì đều phải có tính nhẫn nại, phải rất bình tâm, tĩnh trí để tiến từng bước một, cũng không nên vội vã hấp tấp. Có lúc người muốn cải cách, trong phút chốc cảm thấy đối lập với những người không đồng ý với mình, như vậy thì cuối cùng thường là kết thúc thất bại. Các vị cảm thấy sự sửa đổi đối với quốc gia là tốt, nhưng cũng không thể vì các vị cảm thấy điều đó đúng liền tỏ ra bài xích người khác, thậm chí miễn cưỡng, việc này sẽ chiêu cảm lấy tâm trạng phản đối từ người khác, sẽ không tốt.
Tiếp theo nói, Thánh Nhân tuyển lựa hiền tài cùng với sa thải hiền tài không nhất định phải nghe lời của đại chúng, cũng không nhất định đều do bản thân mình cân nhắc quyết định, quan trọng hơn là, “tất sát bỉ kỷ chi vị”. Nghĩa là, nhất định sẽ điều tra làm cho rõ ràng những tình huống mà mọi người đã nói, “đánh giá về mặt đạo nghĩa”. Chữ “nghĩa” ở đây, chính là dùng tiêu chuẩn đạo đức để cân nhắc, như vậy mới có thể, “cử vô di thất”. Trong lúc tiến cử không để sót, sau đó thì việc quốc gia mới có thể phát triển tốt đẹp. Dùng được người tốt thì việc quốc gia đương nhiên được xử lý tốt đẹp, việc quốc gia chưa đến nỗi bị xao lãng, thậm chí xảy ra vấn đề to lớn. Chúng ta xem, “đánh giá về mặt đạo nghĩa”, chính là tuyển chọn nhân tài, dùng tiêu chuẩn đạo đức để xem xét.
Chúng ta thấy, hiện nay rất nhiều quốc gia tuyển chọn nhân tài dùng chế độ thi cử, sát hạch những viên chức này, xin hỏi mọi người, đức hạnh có thể kiểm tra được hay không? Các vị xem, dùng phương pháp không đúng, không phải là “đánh giá về mặt đạo nghĩa”, mà là đánh giá dựa trên bài thi. Vì vậy hiện nay tham ô, hủ bại rất nhiều. Phải, “độ chi dĩ nghĩa”. Phải theo quy chuẩn đạo đức.
Từ sau thời nhà Hán, tuyển cử hiền tài điều quan trọng nhất là chọn người hiếu – liêm. Hiếu là cái gốc của đạo đức, liêm là không tham ô. Vì vậy, chọn người hiếu – liêm mới là chính xác, gồm cả việc dùng tiêu chuẩn của Ngũ Luân, Ngũ Đức, Ngũ Thường là nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Ngũ Đức là ôn, lương, cung, kiệm, nhượng, bao gồm “tài – đức – luận” mà chúng tôi nói trước đây. Mọi người còn nhớ hay không? Có một câu nói quan trọng nhất nhất định không thể quên, là trung tâm của bài học. Các vị có thể đoán ra được cái gì là đức, cái gì là tài? “Chánh, trực, trung, hòa, chi vị đức, thông, sát, cường, nghị chi vị tài”. Nhìn thấy nét mặt của mọi người, tôi xin được viết ra. Con người đối với sự phán đoán về tài đức thật sự không nhất định là chuẩn xác. Thông minh, khả năng quan sát rất nhạy bén, làm việc rất quyết đoán, rất có nghị lực, tính chất đặc biệt này đều là tài, không phải là đức. Ngược lại người này công bằng, chánh trực, sau đó thì xử thế theo trung đạo, hơn nữa là đối xử người ôn hòa, lấy đại cuộc làm trọng, đây mới là đức. Thật sự chúng ta quan sát là, tài thắng đức. Lấy tài trí ngạo mạn đối với người, xem thường người khác; chỉ cần có sự ngạo mạn, nhất định họ sẽ tạo ra sự xung đột và không thoải mái giữa người với người trong đoàn thể. Những người có tài mà không chú trọng việc trung hòa, cuối cùng thì lãnh đạo cấp trên đều phải xử lý vấn đề nhân sự của họ. Không đủ đức thì đi đến đâu cũng đều gây thêm phiền phức, không cần phải nói đến việc giúp đỡ đoàn thể. Cho nên ngày xưa trung thần nhiều, bởi vì từ nhỏ đã được bồi dưỡng đức hạnh. Ngày xưa là đại gia đình, một – hai trăm người cùng sống chung với nhau, mỗi người khởi tâm động niệm thì người cân nhắc chính là cha mẹ, cân nhắc cho cả gia tộc. Đặc biệt họ có thể bao dung, đặc biệt có thể nhẫn nhịn, chăm sóc, thái độ xử thế như vậy. Không nên động một chút là xem bản thân mình là trung tâm, phát cáu, ngạo mạn.
Trong phần “thẩm đoạn” này, chúng tôi xin kể một câu chuyện vào thời của Thái Tông, chính là vào năm Trinh Quán thứ 8. Quân đô đốc Lý Hoằng Tiết ở Quế Châu là người thanh liêm, cẩn thận, danh văn. Sau này khi ông đã qua đời, người nhà của ông đem viên ngọc quý ra bán. Đường Thái Tông nghe được tin này trong triều đình, lúc lâm triều đã nói, “người này thuở bình sinh tất cả các quan tể tướng đều nói ông ấy vô cùng thanh liêm, nhưng mà hiện nay người trong nhà lại có thể mang ngọc quý đi bán, những người tiến cử ông trước kia có phải chịu trách nhiệm hay không? Các ông xem, bây giờ họ mang ngọc quý ra bán, họ có nói với các ông về sự thanh liêm cẩn thận này không?”. Cho nên liền ra lệnh phải cố gắng hỏi thăm, điều tra sự việc rõ ràng. Đương nhiên lúc đó nhà vua chẳng thế nào vui được. Chúng ta phải luôn điềm tĩnh. “Đệ Tử Quy” có nói: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Chúng ta thường khi gặp chuyện thì lập tức đưa ra nhận xét, hơn nữa sự nhận xét đó của chúng ta có bình tĩnh ôn hòa hay không? Thật sự chỉ cần không phải bình tĩnh, ôn hòa thì trên cơ bản sự nhận xét đó sẽ bị thiên lệch. Nhưng mà điều này đã trở thành tập khí rồi, hễ gặp chuyện thì nhất định sẽ như thế này, như thế kia, lập tức đưa ra kết luận. Trước tiên là sự ngạo mạn của mình đã tăng trưởng, tiếp theo là có thể sẽ hiểu lầm người khác. Mà sự hiểu lầm này là quá lớn, quá sâu, có thể là mối quan hệ của ta và người trong cuộc đời này sẽ hình thành sự chướng ngại rất lớn. Cho nên mọi người nên điềm tĩnh, nhã nhặn để ứng phó với sự việc, không nên lập tức thể hiện cảm xúc, hoặc là lập tức đưa ra nhận xét.
Ngay sau đó thì Thái Tông không vui, rốt cuộc Ngụy Trưng tiếp tục nói. Ngụy đại nhân đều tìm những lúc Thái Tông không được vui thì nói. Không đơn giản! Đương nhiên, điều này cũng là do Thái Tông tín nhiệm Ngụy đại nhân. Ngụy Trưng nói: “Thưa bệ hạ, hiện giờ bệ hạ nghi ngờ ông ấy có thể lúc sinh tiền không được thanh liêm như vậy, nhưng mà bệ hạ không nhìn thấy ông ấy đã nhận cái gì. Chỉ là hôm nay bệ hạ nghe được người nhà của ông ấy bán viên ngọc quý thì cảm thấy hình như ông ấy đã phạm sai lầm, mà thật sự hạ thần cũng chưa được rõ ràng, bởi vì chúng ta vẫn chưa điều tra. Thưa bệ hạ, triều nhà Đường của chúng ta từ trước đến giờ, đặc biệt trong thời kỳ Trinh Quán này, từ lúc bệ hạ lên ngôi đến nay là người vì nước tận trung, vô cùng thanh liêm, cẩn trọng. Hơn nữa, thái độ từ đầu đến cuối đều là như vậy. Có hai người được thiên hạ công nhận, đó là Khuất Đột Thông và Trương Đạo Nguyên, là hai vị quan này”. Bởi vì Thái Tông là từ sự thanh liêm, thận trọng của Lý Hoằng Tiết mà nói ra đề tài này. Vì vậy Ngụy Trưng lập tức hỏi: “Thưa hoàng thượng, ngài có biết sự thanh liêm, cẩn trọng nhất của hai vị này không? Hoàng thượng có quan tâm đến không ạ?”. Vừa nói điều này thì Thái Tông đương nhiên phải thừa nhận, bởi vì hai ông đã được thiên hạ công nhận. Tiếp tục nói: “Khuất Đột Thông có ba người con, hiện nay đều đến để thi cử. Ba người, chỉ có một con ngựa ốm yếu, gầy còm, mà con cái của Trương Đạo Nguyên thì đời sống khó khăn, sắp chết đến nơi rồi, nghèo khổ như vậy. Thưa hoàng thượng, vì sao ngài không có lời nào quan tâm đến chuyện này vậy? Hơn nữa, Lý Hoằng Tiết đã vì nước lập công, trước sau ông ấy đã được bệ hạ ban thưởng cho mấy lần, hiện nay ông ấy đã qua đời rồi, không có người nào nói ông ấy tham lam, đều không có những chuyện như vậy. Mà vợ của ông ấy đi bán viên ngọc quý, cũng không thể khẳng định là có tội, bởi vì nhận được sự ban thưởng nhiều như vậy, có phải là đã nghèo quá đến nổi phải bán những vật này không? Thưa bệ hạ, trước tiên ngài cũng nên điều tra, sao mà lại kết luận gấp gáp như vậy? Mà những người thanh liêm như vậy, thưa hoàng thượng, ngài vẫn chẳng hỏi qua con cái của họ sắp chết đến nơi rồi, hiện nay ngài nghi ngờ người ta có thanh liêm hay không? Đã nghi ngờ rồi, hơn nữa do nghi ngờ mà lập tức quở trách những người đã tuyển cử các vị đó”.
Các vị xem, những việc chưa đoán định được mà hình như giông bão sắp kéo đến. Hình như rất nhiều người thật sự đều bị liên lụy, từ trường lúc đó không được tốt, cả triều đình đều cảm thấy không khí bị nặng nề. Vì vậy, thái độ của một vị vua không đúng, ngay sau đó bề tôi trong lòng cảm thấy rất buồn thảm, rất khó chịu. Tiếp tục Ngụy Trưng nói: “Tuy có thể nói là hoàng thượng cực kỳ ghét điều ác, cảm thấy không thanh liêm là không tốt, nhưng mà hình như đối với những người thiện thì không có sự quý trọng, hình như không được thực hiện tốt”, khởi lên sự ngờ vực, ngược lại đều lơ là những người thật sự thanh liêm này, phải công nhận, phải đặc biệt quan tâm. “Vì vậy cá nhân hạ thần nghĩ, cảm thấy thái độ của bệ hạ hiện giờ tuy là ghét điều ác, nhưng mà sớm đưa ra lời nhận xét. Đã hoài nghi người ta không thanh liêm, nhưng mà lại không quan tâm đến những người thanh liêm, hình như không được thỏa đáng. Làm như vậy, giả như những người có kiến thức về cuộc sống, có thể sẽ có ý kiến đối với hoàng thượng, đưa ra những lời trách móc”.
Các vị xem, mỗi lần có chút tâm trạng thì Ngụy Trưng lập tức nói lời thẳng thắn. Thái Tông nghe xong, các vị xem Thái Tông phản ứng như thế nào? Thái Tông lập tức vỗ tay: “Nói rất hay!”. Tôi cảm thấy thật không phải dễ. Các vị xem, đang lúc không được vui mà lập tức có thể nói Ngụy đại nhân nói rất đúng. Nhà vua lập tức thay đổi suy nghĩ, vỗ tay tán thán, “nói quá hay!”. Sau đó lập tức nói: “Trẫm xem chuyện này vội vàng đưa ra lời nhận xét, không thận trọng suy xét, như vậy là trẫm không đúng nên mới nói ra những lời không xác đáng, vội vàng không suy nghĩ, vì vậy có những lời lẽ như vậy. Do đó hôm nay trẫm mới cảm nhận được, nói năng không phải chuyện dễ, phải suy nghĩ kỹ rồi mới nói, không nên nói quá vội vàng mà không xét hỏi”. Tiếp theo Thái Tông nói: “Câu chuyện của Lý Hoằng Tiết không cần hỏi, cũng không cần phải đi điều tra, lập tức thâu nhận tất cả con của hai vị trung thần Khuất Đột Thông và Trương Đạo Nguyên làm quan, để họ vì quốc gia mà phục vụ”.
Sau khi Thái Tông tiếp nhận, lập tức xác định rõ ràng đức hạnh của những vị quan thanh liêm này, đồng thời ban phước cho hậu duệ của họ. Thái Tông nghe được những lời của Ngụy đại nhân phù hợp với đạo nghĩa, lập tức tiếp nhận, liền tuyển dụng những vị trung thần này, tuyển cử không bỏ rơi. Vì vậy, chúng ta tin tưởng con cái của Khuất Đột Thông và Trương Đạo Nguyên rất biết ơn của vua, sẽ tận lực vì đất nước. Đây là chúng tôi giảng câu 57.
Chúng ta tiếp tục xem câu 58, ở quyển thứ 9, trang 1.220. Đoạn thứ hai nói đến: “Họa lớn của quân vương”.
“Hiểm họa lớn nhất của quân vương không gì nghiêm trọng hơn việc tra xét tỉ mỉ những chuyện nhỏ mà lơ là cương lĩnh quan trọng trong việc trị quốc, không gì nghiêm trọng hơn việc chỉ thấy những chuyện trước mắt mà lơ là những mưu hoạch lâu dài. Từ xưa tới nay, chỉ cần như thế, không ai không diệt vong ”. Chúng ta cùng nhau đọc qua một lần.
Trong đoạn này, chúng ta thấy rất nhiều câu đều nêu ra họa lớn của người lãnh đạo là ở chỗ nào? Trước đây có nhắc đến là phóng túng, háo danh. Sự hoạn nạn khốn khó lớn nhất mà ở đây nhắc đến không phải là do họ không chăm chỉ nỗ lực, mà là do phương hướng họ chăm chỉ nỗ lực trên sự việc là không được thỏa đáng.
Vào triều nhà Tùy, Tùy Văn Đế cũng rất cần cù, thường xuyên từ sáng sớm đã giải quyết việc triều chính đến khi nào vậy? Đến khi mặt trời khuất núi mà vẫn còn làm việc. Quan thị vệ phải đứng cả ngày, chẳng có cách nào bỏ đi được, còn phải cần người đưa cơm đến cho những quan thị vệ này ăn, vì vậy các vị quan của Thái Tông đều nói Tùy Văn Đế có lẽ là vô cùng cần cù. Rốt cuộc Thái Tông nói: “Các khanh chỉ biết một mà không biết hai. Tùy Văn Đế tuy là rất cần cù, nhưng vì lúc đó Tùy Văn Đế đã sát nhập Bắc Chu, cuối cùng nam bắc thống nhất thành triều nhà Tùy. Lúc đó Hán Văn Đế đối xử Chu Tĩnh Đế của Bắc Chu, còn có mẹ của ngài chính là mẫu hậu, đối đãi không được tốt, không phải lấy sự nhân hậu mà đối đãi. Sau đó, Tùy Văn Đế lo lắng cho cách làm của mình. Những vị quan đối với ông có sự bất mãn, không đồng ý với ông, dẫn đến nhiều công việc tất cả ông đều quyết định hết. Bởi vì tất cả ông đều muốn quản hết, cho nên đương nhiên phải bận rộn từ sáng sớm đến chiều tối”. Thái Tông nói: “Giá như hôm nay ông ấy quyết định mười công việc, nhưng mà toàn bộ đều dùng tâm sức của chính mình, thì có thể có năm sự việc sẽ bị phán xét không được thỏa đáng. Mỗi ngày đều có chuyện phán xét không đúng, thì quốc gia đó sớm hay muộn gì cũng sẽ bị loạn”. Cho nên phải biết khéo dùng người, tập trung trí tuệ của quần thần lại để giải quyết tình hình của quốc gia. Đây là chỗ khác nhau giữa Thái Tông và Tùy Văn Đế. Thái Tông không phải việc gì cũng quản, ông chỉ quản những việc quan trọng, phân công cho các đại thần. Chỗ này nói đến, đại họa của quân vương.
“Mạc đại hồ tường ư tiểu sựn, nhi lược ư đại đạo”. Không chú ý đến cương lĩnh của việc trị nước. Chức vị càng cao thì công việc của họ phải dạy dỗ nhân dân cho tốt, lấy thân mình làm tấm gương, đưa ra những sách lược quan trọng cho đúng, dùng những trụ cột của quốc gia, đây là việc quan trọng nhất. Nhưng mà họ quản lý công việc rất nhiều, toàn bộ sức lực đều bị phân tán, họ đâu có thời gian điềm tĩnh để mà soạn ra những quyết sách. Quản lý công việc càng nhiều thì tâm càng không được định. Mà con người muốn tĩnh thì phải có định. Họ có định thì mới bình tĩnh được, mới có được trí huệ. Định mới có thể sinh huệ. Vì vậy, lãnh đạo tối cao tuyệt đối là công việc không nên quá nhiều, nếu không thì quyết sách của họ sẽ bị sai lệch. Rất nhiều người lãnh đạo họ cho rằng, mỗi ngày có rất nhiều công việc, sợ là cấp dưới nói họ không chăm chỉ, “công việc tôi làm ít hơn cấp dưới”, thật sự như vậy không phải là tận bổn phận. Chức vụ càng cao là soạn ra quyết sách, làm sao mà phải làm một núi công việc, vậy không phải là tranh việc làm với cấp dưới sao? Cấp dưới nói: “Được rồi, sếp làm đi, vậy chúng em khỏi làm”, thậm chí là họ muốn làm công việc lại bị các vị tranh mất, tính tích cực của họ không được đề khởi lên. Vì vậy, những việc mà cấp dưới có thể làm thì nên trao quyền trọn vẹn, để cho họ phát huy, để cho họ thuần thục, sau đó thì bản thân có nhiều thời gian hơn để tĩnh lặng lại, để tăng trưởng trí huệ ra quyết sách đúng đắn.
Tôi có đã từng có dịp may nghe Sư trưởng nói một trường hợp. Sư trưởng nói, đại chiến lần hai của thế giới, tổng tư lệnh của liên quân là tướng quân Eisenhow. Tướng quân Eisenhow quản lý bốn người: tổng tư lệnh của hải quân, tổng tư lệnh của lục quân, tổng tư lệnh của không quân, còn có bộ trưởng Bộ Tham Mưu. Tổng tư lệnh của lục quân mọi người có thể quen thuộc, ông tên là MacArthur. Tổng tư lệnh của ba quân đội đều là tướng quân MacArthur. Tướng quân MacArthur mỗi ngày làm công việc gì? Ông thường xuyên đi đánh golf. Nếu như các vị là quân lính thì có trách mắng tướng quân MacArthur không? “Chúng tôi đang ở tiền tuyến liều chết chiến đấu, sao mà ông lại đi chơi golf vậy?”. Vì sao vậy? Ông ấy là người ra quyết sách, quyết sách của ông ấy nếu ra bị sai có thể thương vong hàng vạn người, thậm chí là mấy mươi vạn người. Ông ấy phải duy trì sự thư thái, sự điềm tĩnh. Ông thư thả thì mới suy nghĩ cho công việc. Nếu mỗi ngày ông đều căng thẳng, thì suy nghĩ công việc không thông.
Hiện nay rất nhiều người cấp trên, người lãnh đạo, đều cho rằng làm nhiều công việc mới là cần cù nỗ lực, việc này cần phải tiến một bước là điềm tĩnh để suy nghĩ. Công việc quan trọng nhất của mỗi người đều không giống nhau. Vì vậy ở đây nhắc đến, không phải là chỉ quản những việc nhỏ mà lơ là những cương lĩnh quan trọng của việc trị nước. “Sát ư cận vật, nhi ám ư viễn số”. Chỉ nhìn thấy việc ở gần mà lơ là những kế hoạch lâu dài, chỉ chú ý đến việc trước mắt, không nhìn thấy được việc lâu dài. Phải lập kế hoạch, suy nghĩ như thế nào. Thật sự, một đoàn thể không thể chỉ nhìn ở trước mắt. Trị gia cũng là như vậy, không nên lo lợi ích trước mắt, muốn thành công ngay lập tức.
Chúng ta điềm tĩnh mà xem, hiện nay gia đình cùng với quốc gia xã hội, khi đưa ra quyết sách đều có vấn đề muốn được lợi ích ngay lập tức. Bỏ phần chính lấy phần phụ, chỉ nhìn ở trước mắt, điều này chính là “mạt”. Trong “Đại Học” có nói: “Đức là cái gốc, tài sản là cái ngọn”. Xem trọng lợi ích trước mắt, đó là cái ngọn. Chúng ta thấy thời đại hiện nay, toàn cả thế giới đều bận rộn lo kiếm tiền. Mà đức hạnh là cái gốc, giáo dục là cái gốc, giáo dục tốt cho thế hệ sau là điều quan trọng nhất. Hiện nay toàn cả thế giới sắp đối mặt với vấn đề của thanh thiếu niên của thế hệ sau vô cùng nghiêm trọng. Chỉ nhìn trước mắt thì đương nhiên quốc gia này sẽ bền vững không được dài lâu. Đây là xét về quốc gia, nếu lấy cả địa cầu này thì sao? Chỉ nhìn vào sự hưởng thụ trước mắt, thì mẹ trái đất chẳng còn cách nào để tồn tại. Vì vậy chúng ta xem, một người đưa ra quyết sách suy xét sự việc đều không thể chỉ là việc nhỏ ở ngay trước mắt, phải nhìn xa trông rộng mới được. Vì vậy thời cận đại, rất nhiều nhận thức đều không nắm được điều căn bản, tạo ra rất nhiều vấn đề cho hôm nay.
Ví dụ như, thời đại hiện nay đều tiêu tốn tinh thần trong chế độ, mà chế độ là do con người cai quản. Đức hạnh của con người, đức hạnh của nhân tài mới là thứ quan trọng nhất, nhưng mà tất cả đều đang được nghiên cứu chế độ của các quốc gia, rốt cuộc chế độ dân chủ vẫn là con người cai quản. Con người không có đức, dùng sự thông minh để bỡn cợt chế độ dân chủ. Chúng tôi đã nói, thời đại này tương đối văn minh, đúng hay không? Các vị học trưởng, thời đại này của chúng ta tương đối văn minh đúng không? Bài học từ nhỏ của chúng ta đều nói như vậy. Thế nào mới là văn minh chân thật? Minh chính là con người càng lúc càng sáng suốt mới gọi là minh, toàn bộ đạo của Thánh Hiền được lưu truyền rộng rãi trong thiên hạ, điều này mới gọi là xã hội văn minh, không phải là càng ngày càng hưởng thụ vật chất thì gọi là văn minh. Các vị xem, chúng ta nhận thức về sự văn minh có thể là từ trên căn bản đã nhận thức không đúng. Vì vậy, hạnh phúc chân thật của đời người là phải được xây dựng trên mặt đức hạnh, phải được xây dựng trên thiện hạnh, không phải được xây dựng trên việc hưởng lạc. Mọi người thấy, hiện nay chính phủ dẫn dắt người dân thế nào mới được gọi là cuộc sống hạnh phúc? Là xem trọng tinh thần hay là xem trọng vật chất của họ? Việc nhận thức vấn đề là điều quan trọng nhất mà cấp trên phải dành cho cả đoàn thể cả mục tiêu và nguyện vọng chính xác. Điều quan trọng nhất của cả quốc gia chúng ta là gì?
Ở Malaysia, mục tiêu của chính phủ là “một Malaysia”, có nghĩa là xem trọng việc đoàn kết toàn thể chủng tộc tôn giáo. Đương nhiên trong quá trình đoàn kết phải khơi thông lẫn nhau, thấu hiểu nhau, tôn trọng với nhau. Còn một điểm nữa là học tập lẫn nhau, hai bên sẽ tôn trọng nhau. Vì vậy, “quân tử vụ bổn”. Nhất định phải tìm được cương lĩnh, tìm được nền tảng, điều này rất quan trọng.
Quản Trọng nói: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ, là bốn đầu mối của đất nước”. Cấp lãnh đạo có nắm được hay chưa? Nền tảng quan trọng nhất của quốc gia chính là đức hạnh của lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Nhưng mà chúng ta thấy, rất nhiều quốc gia đều không biết muốn chế định lễ nhạc, người dân cũng không biết tiêu chuẩn làm người, lễ tiết ở chỗ nào. Làm người như thế nào cũng không biết rõ thì sẽ loạn. Lễ nghĩa; “nghĩa” là xem trọng đạo nghĩa, không phải là xem trọng tự tư tự lợi, tiền tài, còn có xem trọng liêm sỉ. Mà thật sự luôn xem trọng sự phát triển kinh tế, xem trọng tiền tài, thì con người sẽ vô liêm vô sỉ.
Các vị xem, hiện nay rất nhiều sinh viên, hễ có ngày nghỉ là đi kiếm tiền, đều là làm những nghề trái phép, họ không có lòng hổ thẹn, cuộc đời của họ là một màu đen tối. Phong khí của toàn xã hội đều do người lãnh đạo dẫn dắt. Lúc chúng tôi còn ở Thang Trì, người dân so sánh, so sánh nhà của ai cất to hơn. Nhưng mà, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Sau này chúng tôi dưới sự lãnh đạo của chính phủ, biểu dương những tấm gương về đạo đức, người dân tiếp tục làm gì? Tôn sùng đạo đức, nhận được giấy khen mẹ chồng tốt, nàng dâu ngoan. Họ treo ở trong phòng khách, lấy đó làm vinh dự, họ so sánh đạo đức, họ không so sánh nhà cửa xây lớn cỡ nào. Người dân phải có người hướng dẫn, thì họ mới có thể xem trọng đạo đức quan trọng hơn đời người. Những lời nói phía sau cũng nhắc nhở chúng ta.
“Tự cổ cập kim, vị hữu như thử nhi bất vong dã”. Tất cả những người lãnh đạo, giả như không xem trọng sự dài lâu, xem trọng cương lĩnh trị quốc, mà tốn công sức vào những chuyện nhỏ nhặt, “không lo xa, ắt sẽ có họa gần”. Vấn đề này sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra, quốc gia chắc chắn sẽ bị diệt vong. Vì vậy nói đến nền tảng, việc quan trọng nhất của chính phủ là giáo dục và cảm hóa, hướng lòng người đến luân lý đạo đức. Đây là nền tảng quan trọng nhất trong phần “quân đạo”.
Chúng ta xem đoạn cuối cùng, ở quyển thứ 6, trang 845. Đoạn này thật sự cũng nói đến những nguyên lý, nguyên tắc quan trọng trong toàn bộ phần “quân đạo”, bởi vì Yến Tử đối với việc trị quốc vô cùng thông suốt. Chúng ta cùng nhau đọc qua một lần.
Tề Cảnh Công hỏi Yến Tử: “Ngày xưa, những quân vương xa lánh trăm dân mà đánh mất đất nước, họ thường có những hành vi như thế nào?”. Yến Tử nói: “Đất nước nghèo nàn mà ham thích danh dự hảo huyền, trí huệ nông cạn mà chuyên quyền độc đoán, thích nghe lời nịnh nọt mà khinh thường người hiền, lấy việc phóng túng ngạo mạn làm niềm vui mà khinh rẻ bá tánh, đất nước không có pháp luật cố định, trăm dân không có hành vi chuẩn tắc, xem việc ưa thích tranh biện là có trí tuệ, xem việc ngược đãi bá tánh là trung thành, phóng túng vô độ bỏ bê việc nước, thích dụng binh mà không lo cho dân, phán tội chém giết hà khắc mà lơ là việc khen thưởng người có công, coi sự đau thương của người khác là niềm vui của mình, dựa vào việc gây tổn hại cho người khác để mưu cầu lợi ích cho mình, đạo đức bê bối không đủ để an ủi trăm dân, chính sách hà khắc không thể dẫn dắt bá tánh, khen thưởng không đủ để khuyên người hành thiện, xử phạt không đủ để phòng trừ hành vi phạm pháp. Đó là những điều khiến đất nước tiêu vong. Bấy giờ dân chúng nghe thấy chính sách pháp lệnh của nhà nước như thấy giặc thù, đó là những hành vi thường gặp gây ra họa ly tán trăm dân nước mất nhà tan trong thời xưa”.
Mọi người đọc đoạn này có cảm thấy hay không? Hình như những điều phần trước nói đều nhắc đến. Thật sự xem từ sự tu dưỡng bên trong của một quân vương mà thấy đều có sự tham dục, ngạo mạn, ngu muội, sân hận, là những vấn đề này. Đoạn này tuần sau chúng tôi sẽ chia sẻ cùng với mọi người. Vậy thì tuần sau, đoạn này chúng ta cũng học thuộc một chút. Xin cám ơn mọi người!

HẾT TẬP 48 – Xin xem tiếp tập 49 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!