Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 51

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 51

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Xin chào các vị trưởng bối tôn kính, các vị học trưởng! Xin chào mọi người!

Tiếp theo, chúng ta sẽ thâm nhập vào chương thứ hai là “thần thuật”. Kỳ thực, đây chính là đạo làm thần tử. Phần trước đã nói về “quân đạo”, trên thực tế trong cuộc đời nếu diễn tốt từng vai diễn thì sẽ có chính đạo riêng của mỗi vai đó. Làm chồng thì có “phu đạo”, làm vợ thì có “thê đạo”, vua thì có “quân đạo”, bề tôi thì có “thần đạo”, làm con thì có “tử đạo”, làm cha thì có “phụ đạo”. Tuân thủ những đạo lý này, chính là làm theo quy tắc của đại tự nhiên, không trái phạm đạo làm người thì lưu lộ ra chính là đức hạnh. Làm thần tử thì phải có thể phò chánh, phò tá vua cho tốt. Đức hạnh của người đó nhất định phải khiến quân vương bội phục, thì mới có thể lắng nghe lời can gián của người đó. Nếu như đức hạnh của bề tôi không tốt, quân vương nghe lời nói của ông có lẽ sẽ không tiếp nhận. Cho nên trước tiên phải có đức hạnh tốt, khiến cho lãnh đạo tín nhiệm, như thế mới có thể nghe lời khuyên can được.

Chúng ta xem quyển số 5, trang 712. Người làm lãnh đạo, nhất định lúc còn làm cấp dưới cũng phải làm cho thật tốt, thì khi làm lãnh đạo mới có nền tảng. Nếu bản thân lúc làm cấp dưới không được tốt, thì người đó làm sao dạy dỗ những người bên dưới mình cách xử thế làm người cho được. Một người không phải là đứa con ngoan, thì anh ấy có thể làm người cha tốt không? Anh ấy không thể có biện pháp dạy dỗ con cái thành người, giáo dục con cái về đạo được. Cho nên, người lãnh đạo tốt luôn luôn phải từ nền tảng mà bắt đầu. Người ấy cần có đức hạnh và năng lực tốt, thậm chí lúc nào cũng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, bởi vì bản thân người ấy đã từng trải, đã có những kinh nghiệm xử thế, kinh nghiệm làm việc. Trong thời đại hiện giờ, học lực của mọi người rất cao, nhưng trên thực tế kinh nghiệm tích lũy để làm người thì không đủ, nhưng họ lại không cho là như vậy. Chúng tôi nhìn thấy, những người vừa tốt nghiệp trường sư phạm đều cảm thấy bản thân họ đã có thể làm thầy được rồi, kỳ thực nhận thức này còn phải chờ xác thực. Muốn làm thầy người khác, thì bắt buộc phải từng là học sinh tốt. Nếu người đó vẫn chưa thực hiện tốt giáo dục của Thánh Hiền, thì khi làm thầy sẽ dạy cho học sinh cái gì chứ? Nếu muốn dạy cho học trò biết đạo của người đi học, thì bản thân người đó phải làm được, lúc giảng bài mới có thể giảng thuyết phục được. Quân tử nhất định phải chuyên tâm dốc sức vào cái căn bản. Căn bản được kiến lập rồi, đạo đức sẽ theo đó mà sinh”. Kỳ vọng bản thân sau này trở thành vị lãnh đạo tốt, thì trước mắt phải nhất định làm cho thật tốt bổn phận của bề tôi. Còn luôn luôn có tình trạng là một người vừa làm lãnh đạo, đồng thời cũng là thuộc cấp, cho dù là chủ quản cấp cao, cấp trung hay thấp nhất, thì bên trên người ấy cũng đều có cấp lãnh đạo; vừa là lãnh đạo, vừa là thuộc hạ của người.

Có một đoạn trong phần “Quy tắc theo đuổi sự nghiệp chính trị” rất hay, nhắc việc người quân tử khi phục vụ cho lãnh đạo phải lấy “kính” làm “trung”. Người đó rất trung thành, khi biểu hiện ra chính là sự cung kính với lãnh đạo. Mọi người xem chữ “kính” này, xin đừng nghĩ là phải luôn luôn thuận theo ý kiến của lãnh đạo. Sự cung kính này chỉ là cung kính bề ngoài, chân thật cung kính lãnh đạo thì phải lấy đạo đức, lấy đạo trời mà động viên lãnh đạo, kỳ vọng đối với lãnh đạo.

Chúng ta xem Ngụy Trưng, trong lúc nói chuyện đều thường kỳ vọng Đường Thái Tông có thể chân chánh trở thành vị hoàng đế tốt lưu danh thiên cổ. Đây mới thực sự là lòng cung kính. Không phải người ta nói điều gì mình đều thuận theo là cung kính. Cung kính đức hạnh của người, thành tựu đức hạnh cho người, điều này mới gọi là kính. Lấy “kính” làm “trung”. Chúng ta xem, Ngụy thừa tướng thường chỉ ra khuyết điểm trước mặt Đường Thái Tông, đây chính là thành toàn cho người, thành tựu cho người. Nhưng mà Ngụy Trưng đại nhân khi về đến nhà rồi, có thấy nhân dân nói, “Hoàng thượng rất là tệ” hay không? Có nói như vậy không? Không có. Ông tuyệt đối không nói một lời không hay nào về đức vua khiến nhân dân và người khác nghe được. Khi nói người khác sai là vì ái hộ và giúp đỡ cho người đó, niệm niệm suy nghĩ nên làm cách nào giúp đỡ người đó, làm sao có việc đi nói những điều không hay về người đó được. Có câu là: “Lúc thượng triều tận trung chức phận, lúc thoái triều bổ cứu khuyết điểm. Vua có mỹ đức thiện hạnh, phải thuận thế thúc đẩy; đối với sai lầm của vua, phải giúp đỡ tu chính”. Niệm niệm đều vì lãnh đạo mà suy nghĩ.

Giống như câu nói của Phạm Công: “Thân ở chốn cao sang, lòng vẫn lo cho dân chúng; khi lạc bước giang hồ, lòng vẫn nghĩ đến vua”. Hôm nay chúng ta đã đọc qua vài lần câu nói tinh túy nhất của trong cổ văn chưa? Mọi người lại không có phản ứng gì hết rồi. Hôm nay từ trường rất tốt, vừa rồi đã đọc đến câu đó rồi. Chúng ta hãy điềm tĩnh mà xem, chúng ta hiện giờ ở trong đoàn thể, những câu như vầy chúng ta đã đặt nó vào trong tâm chưa? Ví dụ như chữ “trung”, cái gì là “trung”? Tận hết bổn phận gọi là “trung”. Tận tâm tận lực làm tròn bổn phận của mình, lợi ích đoàn thể, lợi ích lãnh đạo, gọi là “trung”. Dạy người hành thiện gọi là trung. Đây chính là chúng ta trong lúc thực hiện mỗi vai trò của mình đều có bổn phận khuyên can người khác.

Trong sách “Mạnh Tử” có nhắc đến, chúng ta đã tận hết bổn phận chưa? Chúng ta đã khuyên người chưa? Nếu như chúng ta vẫn chưa tận bổn phận, chưa khuyên người mà đã bắt đầu trách mắng người, vậy thì bổn phận bề tôi của chúng ta vẫn còn kém xa lắm. Làm người chưa làm được tốt, cầu cảnh giới cao hơn thì sao có thể được? Trong việc tu hành, những người có trí huệ cao đều nhắc nhở chúng ta, phải bắt đầu từ việc tận bổn phận luân thường, “đôn luân tận phận”, nếu không thì việc tu hành chỉ là hư không. Thái độ xử thế, đãi người, tiếp vật đều không đúng; tu đạo chính là tu cái tâm này, phù hợp với luân thường đại đạo, tương ứng với chân thành – từ bi. Chân thành, từ bi ở đâu? Lúc nào cũng có.

Trong một tuần, các vị không nhìn thấy tôi thì hình như có chút thoái tâm. “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Vấn đề xảy ra là do nơi chính mình. Mọi người hãy nhìn những lời dạy của Thánh Hiền đều là nhắc nhở chúng ta. Chữ “trung” và “kính” này không được lơi là một phút nào, lơi là là trái đạo. Một khi lơi là thì chúng ta đã không còn ở trong trạng thái tu tập nữa, một khi lơi là sẽ bị rơi vào tình trạng bị tập khí khống chế. Cho nên, đối với người trên thì lấy “kính làm trung”; đối với kẻ dưới, đối với những người bên dưới mình thì “lấy khoan hòa làm khiêm nhượng”; hết sức khiêm tốn, sau đó còn đối xử hòa khí với người. Khi bản thân lãnh đạo một đoàn thể, thì câu nói này của Mạnh Tử đáng để chúng ta xem xét. Có câu: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Xin hỏi mọi người, làm sao để có được “nhân hòa”? Việc suy nghĩ này rất quan trọng. Nếu chúng ta không suy nghĩ kỹ, thì câu nói này của Mạnh Tử chỉ gọi là “kiến thức”, đúng không? Lúc đi thi thì có thể được điểm tốt, nhưng đối với nhân sinh thì có giúp đỡ gì không? Trừ khi các vị có sự lĩnh ngộ, đem nó áp dụng trong đời sống, công việc, xử sự thì bản thân và người khác nhất định sẽ có thọ dụng. Chúng ta rất hòa thuận, bầu không khí của cả gia đình chẳng phải sẽ đoàn kết hòa mục hay sao? Nếu chúng ta nóng tính, vừa vào đến cửa thì cả nhà đều lập tức cảm thấy lạnh lẽo, nhiệt độ còn âm hai độ. Mọi người xem, chữ “hòa” này, thường đi kèm với những chữ nào vậy? Chữ “khiêm” có phải không? Đại biểu cho việc làm cho người khác cảm thấy thoải mái. Chúng ta nhất định cần phải đối đãi người một cách kiêm tốn, hòa khiêm, hòa bình; không được nói lời châm chích khiến người trong nhà bất bình, đoàn thể bất bình. Hòa bình, hòa ái, hòa kính, còn nữa không? Ồ, chữ Trung Quốc rất có ý nghĩa. Ví dụ như nếu các bạn muốn hiểu được một người thế nào gọi là trung, các bạn hãy đem những chữ đi với chữ “trung” viết ra, liền sẽ thể hội. Trung tín, trung thành, trung nghĩa, có không? Các vị đem viết hết ra thì chữ “trung” này tương đối có thể cảm nhận được làm thế nào để thể hội, để thực hành. Hòa ái, hòa kính, hòa thiện, hòa mục, hòa hài. Các vị không có phản ứng gì, làm tôi cảm thấy không biết mình có nói gì sai không? Mọi người xem, chúng ta chân thật có tâm bình đẳng, tâm cung kính, niệm niệm cung kính người khác, nghĩ cho người khác, yêu thương người khác, không được đắc tội với người. Chữ “thiện” này, chính là thời thời đều dùng thiện ý đối với người khác, không có tơ hào đối lập, ác ý, lại còn hòa mục, hòa hài. Có được tâm thái như vậy thì chân chính là một cán bộ tốt, vì sao vậy? Lúc nào cũng nghĩ đến sự hòa mục của đoàn thể, người đó chỉ cần mở miệng ra là có thể hóa giải những tranh chấp không vui ở bên trong đoàn thể, người đó có thể điều chỉnh nhân tình, vỗ về rất tốt, đồng thời còn đề khởi chánh niệm của mọi người.

Mọi người đã làm qua công tác hòa giải chưa? Trước tiên bạn cần phải quan tâm đến người đó, “đừng giận, đừng giận mà, nổi giận không tốt cho thân thể. Đi uống một ly hắc mộc nhĩ nào, phòng ngừa cao huyết áp”. Để điều giải tốt, kỳ thực chân chính mỗi một người trong vấn đề nhân sự phải chân thật làm được tâm bình khí hòa, không được xử sự cảm tính, lỗi của ai thì người ấy tự giải quyết. Bản thân người đó phải chuyển đổi tâm niệm, nếu không chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, rồi đối lập với họ, thì bản thân mình tự chuốc lấy khổ rồi. Bạn nói, “nhưng mà người kia có lỗi”. Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có câu: “Đều do đức của chính mình chưa tu, nên cảm chưa tới”. Bản thân chính mình vẫn chưa làm tốt, nên chưa cảm động được người khác, nếu không như vậy thì lại rơi vào thành kiến, trách móc, đây đều không phải là trạng thái của lý trí. Kỳ thực nói thì rất đơn giản, nhưng cảnh giới đó có dễ đạt được hay không? Chúng ta rất quen thuộc câu này: “Tự trách mình thì trời yên đất lặng, trách lẫn nhau thì trời điên đất đảo”. Mọi người có nhớ câu này hay không? Vài ngày sau vừa lúc có cuộc họp, cuộc thảo luận, đột nhiên thấy có người rút kiếm khiêu khích, bạn liền nắm lấy thời khắc quan trọng này, nắm lấy thời điểm mà mọi người vẫn chưa mở miệng, bạn hãy đọc câu này. “Tự trách mình thì trời yên đất lặng, trách lẫn nhau thì trời điên đất đảo”. Đọc xong rồi nói, “nào, uống tách trà nha”. Bạn cần phải nhanh chóng đi rót trà, phải vậy không? Làm tình hình dịu đi một chút. Rồi mọi người nói, “đúng rồi, câu này tôi nghe qua rồi”. Sau đó bình tĩnh suy nghĩ về tình hình hiện tại.

Gần đây, tôi cảm thấy câu chuyện về Tô Đông Pha tiên sinh có ý nghĩa rất sâu sắc. “Trong tâm có Phật, thấy ai ai cũng là Phật. Trong lòng có phân, nhìn thấy ai cũng là phân”. Kỳ thực, trong lúc chúng ta nổi nóng chỉ trích người khác, các bạn nói chúng ta có thể phạm sai lầm hay không? Phải không? Chúng ta ở trong cảnh duyên như vậy đều không còn lý trí, chúng ta liệu sẽ không phạm sai lầm không? Nhưng mà khi nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì liền đớp chặt lấy, không chịu buông, bao gồm luôn việc cảm thấy người khác. “Anh ta thật không có đoàn kết, anh ta chính là phân biệt đây kia”. Ngay lúc đó mà nói câu này, chẳng phải là đang phân biệt ta – người hay sao? Có phải như vậy không? Đúng vậy! “Trong lòng có phân, nhìn thấy ai cũng là phân”. Nói người khác phân biệt đây – kia thì lúc nói cái câu này chẳng phải là đang khiến đoàn thể phân biệt đây – kia đó sao? Cho nên, tu hành quả thật không dễ dàng.

Vì sao Thánh giáo gọi là “nội học”? Thời thời phải quán chiếu khởi tâm động niệm của nội tâm chính mình là chính hay là tà, là đúng hay là sai. Chuyển niệm rồi thì mới có thể chuyển được cảnh giới, y báo chuyển theo chánh báo. Thay đổi tập khí, thành ý chánh tâm rồi, thì trong nhà sẽ chuyển, đoàn thể sẽ chuyển đổi. Nên nói, “lấy khoan hòa làm khiêm nhượng”. Mọi người hãy điềm tĩnh quan sát gia đình trước đây, hoặc là chúng ta hồi tưởng lại lúc còn nhỏ, mẹ của chúng ta rất xem trọng việc hòa mục của toàn thể gia đình, nhất định không bao giờ nổi nóng. Sau đó các bác, các chú trong nhà có chỗ nào không vui, liền nhanh chóng âm thầm đi làm. “Bác hai, việc này thật vô cùng cảm ơn!. Lấy ra một ít trái cây, lấy ra cái gì nữa? “Con của bác đậu đại học rồi à?”. Đem bao lì xì ra chúc mừng cháu, khiến cho những hoàn cảnh không vui vẻ trong gia đình thông qua sự mềm mỏng của một người phụ nữ đều có thể hóa giải được, là do chữ “hòa” này.

Tôi cảm thấy, thời đại này của chúng ta con người rất mạnh mẽ, dễ sanh ngạo mạn, bao gồm luôn cả tôi. Trong thời đại này, quả thật nền tảng này của chúng ta cần phải gắng sức xây dựng mới được. Ví dụ như ngạo mạn, chúng ta hiện giờ nghĩ thử xem, chúng ta có người nào mình nhìn không vừa mắt không? “Không có, trong đầu tôi một người cũng không có”. Nhưng khi chúng ta nói chuyện với người khác, có những lúc nói một hồi, càng nói càng lớn tiếng, có không vậy? Đó là gì vậy? Là ngạo mạn. Phát giác ra điều này thật không dễ, dường như khi nghĩ đến thì đều không có, nhưng sự thật là khi người và người tiếp xúc với nhau, chỉ cần điềm tĩnh lại để quan sát, thì có thể phát giác được nhiều chỗ. Phát hiện ra tập khí của chính mình rồi, cảm thấy ra sao? Phát hiện ra sai lầm của chính mình thì gọi là khai ngộ. Mọi người có muốn được khai ngộ không? Phản ứng của các vị cho tôi thấy là các vị không thích khai ngộ lắm, che lại giống như con đà điểu vùi đầu vào trong cát vậy. không thấy gì hết, không thấy gì cả. Tại sao lại không nhìn thấy gì? “Trong trời đất có vị thần ghi lại lỗi lầm của chúng ta, tùy tội nặng nhẹ của con người mà định thọ mạng”. Họ đều nhìn thấy rất rõ ràng. Cho nên, con người cần phải chân chính phá bỏ tập khí. Chúng ta cần phát tâm; phát tâm hổ thẹn, phát tâm sợ hãi, phát tâm kính sợ, phát tâm dũng cảm, phải quyết tâm thật dũng mãnh mới được. Đây là thái độ của người quân tử với cấp trên và cấp dưới của họ.

Tiểu nhân đối đãi với cấp trên của họ, “lấy nịnh hót để sàm tấu”; đối với cấp dưới của họ, “đối với cấp dưới thì xem thường và kiêu ngạo”. Địa vị của người đó tương đối cao, dễ sanh tâm ngạo mạn. Chữ “hốt” này, chỉ nhu cầu xem thường người cấp dưới, cùng trạng thái thân tâm thực tế của họ. Giả như họ muốn mau chóng có được thành tích, thì sẽ gây áp lực lớn cho cấp dưới đến mức thân thể người khác đều sanh bệnh. Như vậy là thiếu nhân đạo, là việc làm không đúng đắn. Chúng ta xem quân tử và tiểu nhân, kỳ thực quân tử chính là tâm bổn thiện của chúng ta; tiểu nhân chính là tập khí của chúng ta. Kỳ thực, nếu chúng ta háo danh, có tâm mong cầu, thì thái độ này sẽ xuất hiện mà chúng ta không hay không biết. Một khi khởi tâm háo danh, mong cầu; dục vọng vừa khởi thì sự mềm mỏng và nhạy bén của tâm nhân từ của chính mình sẽ không còn nữa, chỉ chăm chăm muốn thành tích nhanh chóng xuất hiện cho tôi, thì ngay lập tức phản ứng liên hoàn sẽ xuất hiện. Trong đoàn thể sẽ có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ như bản thân làm lãnh đạo rất ngạo mạn, thì cấp dưới của ta cũng khởi tâm ngạo mạn lúc nào không biết. Háo danh, ham công trạng lớn, thì cấp dưới cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Cho nên, một người lãnh đạo nên thời thời nghĩ đến việc thành tựu đời sống hạnh phúc cho cấp dưới, không nên tăng trưởng tập khí của mình. Có được một phần tâm nhân từ thì, “người nhân từ, ắt sẽ có dũng khí”. Người ấy sẽ có dũng khí từ đức hạnh của chính mình mà hạ thủ công phu. Bao gồm luôn việc dạy học ở trường, người thầy phải chân thật yêu thương học trò, nhất cử nhất động đều mau chóng tương ưng với Kinh điển, thì học trò ở bên cạnh dần dần sẽ bị cảm hóa, nhận được ảnh hưởng tốt.

Trong mấy ngàn năm nay, tổ tiên của chúng ta đều có thái độ này, vì vậy mà dân tộc của chúng ta 5.000 năm rồi không suy. Bao gồm luôn ấn tượng của tôi. Đời cha của tôi, cuộc đời cha của tôi, đều có thái độ vì sự trưởng thành của con cái. Từ lúc con cái còn nhỏ đều muốn cho chúng sự ảnh hưởng tốt, không thể để chúng bị ảnh hưởng xấu. Điều này nhắc đến một đoạn trong “Quy tắc theo đuổi sự nghiệp chính trị”, đoạn này nói về thái độ rất quan trọng khi chúng ta làm quan hay làm vua.

Chúng ta hãy xem câu thứ 60, trang 712, hàng cuối cùng. Chúng ta hãy cùng nhau đọc qua câu này.

“Nhìn chung, từ xưa đến nay những người có công với đất nước xã hội đều làm nên những sự tích đặc biệt phi phàm, họ lao lực thân thể, chịu đựng gian khổ, cần mẫn suy tư, cuộc sống thường ngày không bỏ bê sự học, gặp cảnh khốn cùng cũng không thay đổi chí hướng”.

Chúng ta nhắc đến “đạo làm bề tôi”, đầu tiên phải có đức hạnh tốt, lập khí tiết. Những trung thần thời xưa, người làm quan đều là tấm gương cho nhân dân, người đó vừa có khí tiết, vừa có đức hạnh, nhân dân và người trong thiên hạ đều học tập theo họ. Chúng ta hãy xem Phạm Công, chúng ta hãy xem tiên sinh Tư Mã Quang. Khi họ còn sống, người dân đều nghe ngóng những sự việc xảy ra trong nhà của họ, sau đó đem về dạy dỗ con cháu của chính họ. Khi những vị quan đó không còn nữa, thì nhân dân đều đau thương giống như cha mẹ của họ qua đời vậy. Đây quả thực xứng với danh xưng “quan phụ mẫu”. Đoạn này quan sát các vị trung thần nhiều đời, từ cổ chí kim kiến lập sự nghiệp, những danh sĩ lập được danh tiếng tốt, “làm nên sự tích đặc biệt phi phàm”, đều là bình thời không ngừng tích lũy những thành tích không giống người thường. Đồng thời, những đức hạnh và công trạng tốt đẹp này của họ đều không phải giữ được trong phút chốc, mà là tuân giữ cả đời không đổi.

Chúng ta hãy xem Phạm Công, nhà của ông vô cùng tiết kiệm, cho đến lúc ông lìa đời ngay cả tiền mua áo quan cũng không để dành được. Quả thật là đại công vô tư, vì sao không giống với người thông thường? Bởi vì thứ mà người thường khó phá bỏ nhất chính là tâm tự tư, đây là trạng thái thường gặp. Trừ khi người đó có hạ công phu nơi đạo đức và học vấn, học tập theo cổ Thánh tiên Hiền, tâm lượng không ngừng rộng mở. Đồng thời sự hành trì của họ, hành nghi của họ, đều “lao lực thân thể”, vì nước vì dân, gọi là “vò đầu bóp trán”, “thức khuya dậy sớm”, hao tổn rất nhiều tinh thần đến nỗi thân thể cũng bị tổn hao.

Chúng ta hãy xem Khổng Minh tiên sinh, ông mới năm mươi tuổi đã tạ thế rồi. Mọi người xem, Khổng Minh tiên sinh có biết về đạo dưỡng thân hay không? Đương nhiên là biết. Khổng Minh tiên sinh ngay cả hướng gió đông còn dự đoán được thì đạo dưỡng sinh làm sao mà không đoán được, nhưng tại sao ông lại đoản mệnh vậy? Mọi người nghĩ thử xem, năm ông hai mươi tuổi phải, “nhận lấy trách nhiệm khi quân bại trận, vâng mệnh trong lúc nguy nan”. Lúc đó Lưu Bị bị Tào Tháo liên tục truy đánh, Khổng Minh mỗi ngày đều phải nơm nớp canh chừng mấy mươi vạn đại quân có thể tấn công bất cứ lúc nào. Ông đã giải quyết những nguy nan này như thế nào? Mọi người có thể hình dung ra những ngày tháng đó, những áp lực như vậy hay không? Nhưng các vị xem, Khổng Minh tiên sinh hết cả cuộc đời đều, “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Chúng ta đọc trong bài “Xuất sư biểu”, từng câu từng câu đều là huyết lệ. “Nhận lấy trách nhiệm khi quân bại trận, vâng mệnh trong lúc nguy nan, trải qua hai mươi năm lẻ một”. Trải qua bao nhiêu năm? Hai mươi mốt năm. Các vị thấy, tình nghĩa như vậy chỉ là vì để báo ân tri ngộ. Tình nghĩa của người xưa như vậy thật khiến người cảm động. “Thần là một kẻ quê mùa, quê ở Nam Dương, mong toàn tính mệnh trong thời loạn lạc, chẳng cầu nổi tiếng với chư hầu”.

Kỳ thực, chúng ta cũng đang gặp phải thời thế mà luân lý đạo đức của dân tộc rối loạn nhất, “chỉ mong toàn tính mệnh trong thời loạn lạc”. Nếu như không gặp được Kinh điển, không gặp được những lời dạy của Sư Trưởng, chúng ta có thể bảo toàn tính mạng được hay không? Huệ mạng của chúng ta khó tránh khỏi đọa lạc. “Người không học thì không hiểu đạo”. Nghĩ đến việc này, đôi khi cũng toát mồ hôi lạnh, rất là hoảng sợ. Nếu như không có Kinh điển, không có Sư Trưởng, tôi hiện giờ đã trở thành như thế nào? Cho nên bài, “Xuất Sư biểu” mà chúng ta đang đọc đây, phải dùng chính bản thân mình để cảm ân đức của tổ Thánh tiên Hiền và ân đức Sư Trưởng, chuyển thành tâm trung thành mà đem văn hóa của dân tộc tiếp tục truyền thừa.

Lúc chúng ta vừa cùng nhau đọc đoạn này, các vị có nhìn thấy hình ảnh của Khổng Minh hay không? “Ba lần đến lều tranh của  Khổng minh tuyển mộ, cầu hỏi khổng minh về thời thế hiện nay, do đó mà sanh lòng cảm kích, nguyện làm tròn lời hứa với tiên vương”. Các vị có nhìn thấy Khổng Minh đeo kiếm, cầm cái đàn cổ của ông mà ra trận hay không? Nếu như có thấy, cái này gọi là thần giao cách cảm với người xưa. Lòng thành này của các vị đã cảm được đến tinh thần của cổ nhân rồi. “Gương xưa soi trước mặt”, siêu việt thời không chiếu đến thân của các vị, dung nhập lấy tâm linh của các vị. Đây gọi là dụng tâm. Ngưỡng mộ người hiền là ngưỡng mộ cái tâm của họ. Câu nói này, chúng ta thấy từ cuộc đời của Khổng Minh thật sự đã thể hiện vô cùng sinh động, “lao lực thân thể”. Thân thể cực nhọc, chịu đựng gian khổ, chịu đựng sự thách thức và áp lực cực kỳ lớn. “Cần mẫn suy tư”. Cả một đời này quyết trọn đạo nghĩa quân thần, dốc sức suy tư lo nghĩ làm cách nào lợi nước lợi dân. “Cuộc sống thường ngày không bỏ bê sự nghiệp. Việc học tập thường ngày tuyệt đối không để gián đoạn. Người xưa đều hiểu rất rõ, sự học như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi. Chúng ta thấy Khổng Lão Phu Tử có học vấn như vậy, nhưng khi Khổng Tử có được “Kinh Dịch”, thì Ngài chăm chỉ học tập, cái gáy bằng da của quyển Kinh đã đứt hết ba lần, không biết đã lấy xem biết bao nhiêu lần. “Luận Ngữ” có nói rằng: “Cho ta sống thêm ít năm nữa, thêm năm năm hoặc mười năm để học “Kinh Dịch”, thì có thể không mắc lầm lỗi lớn”. Mọi người xem, Khổng Tử nhắc nhở chúng ta đến việc, giả như cho tôi sống thêm ít năm nữa, năm năm hoặc mười năm tiếp tục hạ công phu thâm nhập “Kinh Dịch”, mới không phạm phải lỗi lầm lớn. Đúng là không có lỗi lớn, còn lỗi nhỏ thì sao? Có thể vẫn mắc. Cho nên, “Thánh và phàm chỉ khác nhau có một niệm”. Khí tiết lớn thì có thể không phạm phải, còn khí tiết nhỏ, những tham – sân – si khi khởi tâm động niệm có thể vẫn chưa phục được. Cho nên, học đạo phải có tinh thần thép. Có hai chữ bí quyết là, “thật làm”. Có một niệm tơ hào khoan thứ cho chính mình, tự mình giải đãi, thì học vấn đạo đức sẽ bắt đầu bị suy thoái.

Tiên sinh Khổng Minh trong việc dạy dỗ hậu thế có nói là: “Không học, thì không mở rộng được cái tài”. Bạn phải hạ công phu thì đức hạnh của bạn mới có thể nâng cao, mới có thể làm nhiều việc hơn được. Họ đều thời thời nhắc nhở bản thân phải nâng cao đức hạnh, phải nâng cao trí huệ, nâng cao năng lực. Đức hạnh không tệ, nhưng trí huệ và kinh nghiệm không đủ thì không thể giúp. Năng lực làm việc không đủ, thì lợi ích đem lại cũng có hạn. Cho nên chân thật muốn lợi ích cho người, thì phải luôn luôn dựa trên ba phương diện này của bản thân mà không ngừng nâng cao.

Chúng ta xem hiện giờ có rất nhiều người đều muốn vì văn hóa mà tận thêm sức lực, nhưng trên ba phương diện này hạ công phu lại không có sự chủ động. Kỳ thực, việc phản tỉnh này không có chủ động, vậy việc phát tâm này là phát tâm trên miệng. Có thể vừa mới phát tâm mọi người tán thán mấy câu đã cảm thấy thiệt là sung sướng, cảm thấy không tệ, chân chánh bảo bạn hạ công phu đọc sách, học thuộc sách thì bạn không vui, thấy chán ghét. Bảo bạn học một ít kỹ năng, học một ít kỹ năng về vi tính, ây da phiền phức quá!”. Từ thái độ đó, nhìn thấy thì danh không xứng với thực tế, không thỏa đáng. “Muốn hưởng được danh thơm, mà danh không tương xứng với thực tế, thì nhiều tai họa sẽ đến”. Mọi người cảm thấy, “Ồ, anh học văn hóa truyền thống, hoằng dương văn hóa truyền thống nhưng trên thực tế thái độ lại hết sức bị động. Đây chính là hữu danh vô thực, đã khiến phúc báo của chính mình bị tiêu hao. Đạo lý này tôi hiểu rõ ràng nhất. Bởi vì tôi là người hữu danh vô thực nghiêm trọng nhất, cho nên các vị xem, phước khí tiêu mất. Nhưng vào lúc này không được thoái tâm, mà nhanh chóng dụng công hướng thượng. Bất kể cảnh giới nào đều không phải là môi trường xấu, mà là ta có chịu đối mặt hay không, có chịu đi tìm vấn đề của chính mình hay không. Tìm ra rồi thì, “bĩ cực thái lai”. Vì vậy nên ít nghe những lời an ủi, hãy nghĩ nhiều đến vấn đề của mình, không đem tâm lừa dối chính mình mà hạ công phu. Bởi vì tu hành, tu đạo phải phá được cửa ải tự lừa dối rồi mới nói đến chuyện tu hành được, mới biết bắt đầu dụng công như thế nào được. Không thể bỏ được việc tự lừa dối, không thể nhìn thấy tập khí của chính mình, rốt cuộc cũng không thể vào được cửa tu hành, như vậy sẽ trở thành một danh xưng tu hành rỗng tuếch mà không có công phu tu hành chân thật.

Khổng Minh mong con của mình phải hiếu học, nâng cao đạo đức và năng lực. Tuy nhiên, cũng phải luôn luôn có thể tĩnh tâm mà học tập. “Phải tĩnh mới học được. Muốn có tài phải học, không học thì không mở rộng được cái tài, không có chí thì học không thành”. Con người ta không thể trong một ngày vừa mới tỉnh dậy cho đến lúc đi ngủ đều là mơ mơ màng màng. Sáng sớm mới ngủ dậy, chúng ta nên tập thành một thói quen, trước tiên đem lịch làm việc lấy ra xem hôm nay sắp xếp những công việc gì. Khi tương đối rõ ràng những việc sắp xếp hôm nay rồi thì tâm mới tương đối định được. Tối trước khi đi ngủ hãy xem có việc nào trong ngày hôm nay làm bị sót hay không, việc nào làm rồi thì đánh dấu, việc nào chưa làm thì mau nhanh chóng sắp xếp ngày mai nên làm thế nào để xử lý cho tốt, như vậy mới có thể “phàm nói ra, tín trước tiên”. Không dùng phương pháp này mà chỉ dùng não để ghi nhớ; người thời nay việc này khá là phổ biến, có khi bị hoảng hốt một chút là quên ngay, nếu ghi chép lại thì tâm liền an. Ngoài việc ghi nhận những công việc này ra, khi mình viết nhật ký có thể đem những việc chưa được thỏa đáng về mặt tâm cảnh và cách làm việc của bản thân trong ngày hôm nay ghi chép lại. “Mỗi ngày biết sai, thì mỗi ngày sửa đổi”. “Biết sửa lỗi, không còn lỗi”. Điều này biến “Đệ Tử Quy” và “Liễu Phàm Tứ Huấn”, cùng với cuộc sống của chúng ta trở thành là một thể, không phải hai. Nếu như là hai thể, vậy là có phân biệt rồi. Học là học, làm là làm; phân biệt, chấp trước, vậy thì khó mà đắc lực được. Cho nên chúng ta phá phân biệt chấp trước, hình thành một thái độ làm cách nào để áp dụng câu Kinh văn này. Tâm cảnh này hình thành, thì lợi ích chúng ta đạt được sẽ càng lớn.

Có khi chúng ta học hỏi vấn đề, dễ bị tham số lượng lớn, hay quá, nên nghe nhiều, nghe nhiều hơn”. Tục ngữ có câu: “Con mắt to hơn cái bụng”, có phải nói như vậy không? Hôm nay định lực của các vị quả không tệ. “Con mắt to hơn cái bụng”, thì tổn thương tỳ vị. Còn có câu thành ngữ là: “Nuốt trọng luôn quả táo”. Nuốt xuống rồi, thì không thể tiêu hóa, hô hấp được. Cho nên việc học tập cần phải dụng tâm thể ngộ, hiểu rõ rồi mới bắt tay vào làm. Giải – hành tương ưng, thì cảnh giới của chúng ta mới có thể nâng cao.

HẾT TẬP 51 – Xin xem tiếp tập 52 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!