Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 17

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 17

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Kính thưa các vị trưởng bối, các vị học trưởng, xin chào mọi người!

Lần trước, chúng ta nói đến câu thứ bảy của “tu thân, giới tham”. Bài học “tu thân, giới tham” này là để trừ bỏ tâm tham của chúng ta. Đương nhiên là đối tượng để tham là rất nhiều: tài, sắc, danh, thực, thùy. Những ham muốn này rất dễ tham chấp, hoàn cảnh rất dễ tham chấp, thậm chí gặp được thuận duyên thì sẽ có tham chấp, tham ái. Vì vậy, chúng ta học những câu Kinh này thì vô cùng quan trọng, học cách không tham, học cách buông bỏ. Mọi người có cảm giác sau khi học bảy câu này thì thân tâm tương đối nhẹ nhàng hơn hay không, đều không có? Vậy là nhanh rồi, rất nhanh, rất quan trọng. Học xong thì nên áp dụng mới có thể được sự thọ dụng chân thật.

Người xưa có nói: “Cổ nhân học vấn vô di lực”. Người xưa học đạo lý Thánh Hiền rất chú tâm, không giải đãi. “Thiếu tráng công phu lão thủy thành”, cả cuộc đời chăm chỉ học tập buông bỏ những tập khí, nhiều lúc đến cuối đời công phu mới được đắc lực. “Chỉ thượng đắc lai chung giác thiển”, học từ trên sách vở, bản thân mình cảm thấy rất nông cạn. “Tuyệt như thử sự yếu cung hành”. “Cung hành”  nghĩa là phải thực tiễn, phải thật sự làm được. Hiểu được học vấn là thứ quan trọng nhất cần phải áp dụng trong đời sống, trong công việc. Xử sự đối người tiếp vật mới có thể thân tu, mới có thể gia tề, thì gia đình mới được lợi ích, mới có thể quốc trị, đoàn thể của mình mới có được lợi ích. Tiến thêm một bước là lấy gia đình, cùng đoàn thể của mình làm tấm gương cho mọi người. Đây là thiên hạ bình.

Chúng tôi thấy ở Đại Lục, thầy giáo Hồ Tiểu Lâm của chúng ta, bản thân thầy cùng với đơn vị của thầy học tập văn hóa truyền thống để cho người Hoa ở khắp nơi trên thế giới noi theo thầy, như vậy mới có được công đức lợi ích cho mọi người. Đương nhiên là: “Thấy người tốt, nên sửa mình”, thầy giáo Hồ đã làm được, chúng ta có làm được hay không? Không có phản ứng gì à. Mọi người chú ý,  học tập quý ở việc lập chí, có lập chí thì mới có thể nâng cao động lực sửa đổi lỗi lầm. Phải nên nhớ một câu nói rất quan trọng: “Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và Hiền, dần làm được”. Mà câu thứ bảy này chủ yếu là buông bỏ sự háo danh.

Vừa bắt đầu, chúng ta xem đến quyển thứ mười, trang 1.265. Vừa mở đầu nói: “Nhân chủ chi đại hoạn”. Mối họa lớn nhất, hoạn nạn khốn khó ở chỗ nào? Là họ ham thích hư danh. “Nhân chủ”, thời xưa là nhà vua, sử dụng trong thời đại hiện nay có thể là người lãnh đạo của một đoàn thể. Một người lãnh đạo của đoàn thể ham thích vẻ bề ngoài, ham thích hư danh, thì những người cấp dưới rất mệt, rất cực khổ, cuối cùng là làm qua loa lấy lệ, công phu ở bên ngoài. Thật sự công phu ở bên ngoài có thể duy trì được bao lâu? Cái gọi là: “Sống lâu mới biết được lòng người. Thật sự những người háo danh thì sống vô cùng vô cùng cực khổ. Các vị cũng đừng nhìn họ với vẻ không được vừa mắt, những người như vậy họ sống rất chật vật, các vị nên cảm thông cho họ, không nên nóng giận họ.

Thật ra, chúng ta hãy nhìn lại bản thân chúng ta có háo danh hay không? Trong cả quá trình trưởng thành chúng ta háo danh, thích sĩ diện mà không hay không biết. Ví dụ như lúc đi học nhà trẻ, ta vừa nghe cô giáo nói, nhà trẻ có một bé gái thật là xinh, kết quả là tất cả các phụ huynh đều nhìn cháu bé đó, ồ, sao mà xinh đẹp quá vậy, mắt ra mắt, miệng ra miệng. Mắt thì mỗi bên có một con, đương nhiên là mỗi bên có một con mắt rồi, sao mà đẹp như vậy, mặt mũi đoan trang như vậy, mắt to như vậy, long lanh như vậy? Kết quả là một người khen, hai người khen, không biết có bao nhiêu vị phụ huynh khen như vậy, cuối cùng cháu gái này khi đi đến lớp học cứ một lúc thì lấy gương ra ngắm nghía một chút. Cháu bé đã háo danh rồi. Mọi người khen cháu đẹp, dần dần cháu sẽ thích mọi người khen cháu xinh đẹp. Hôm nào không có người khen cháu xinh đẹp, trong lòng của đứa bé cảm thấy như thiếu cái gì đó. Các vị nói xem cuộc đời như vậy có sung sướng không? Mệt chết được, ở trong lớp học không được chuyên tâm.

Đã tham chấp vẻ đẹp, tiếp theo đó sẽ tham chấp rất nhiều phương diện khác. Ví dụ như nói rất là đẹp trai thì sẽ tham chấp. Vì vậy nói đến chỗ này tôi cũng cảm thấy rất vui mừng, may mà mình cũng chẳng ra làm sao, nếu không thì lại dễ bị háo danh; nói đến tài năng nhưng chẳng có tài. Người có tài đa số là kiêu ngạo, háo danh, thậm chí làm việc tốt thì sợ người ta không biết đã làm công việc gì xuất sắc, đạt được giải thưởng gì, đều phải phô trương một chút. Đây là sự háo danh. Sự háo danh này là tham. Tiếp tục phát triển đến thành niên, nếu có người giỏi hơn họ thì không vừa ý rồi, sẽ đố kị, sẽ sân hận, thậm chí là còn hãm hại, gây trở ngại cho người ta. Sự háo danh này thật sự là hại người. Không những chướng ngại tâm thanh tịnh tự tại của chính mình, sau này còn gây chướng ngại cho người khác, thậm chí là chướng ngại cho tập thể.

Vì vậy trong số các vị quan đại thần, giá như háo danh cuối cùng là đố kỵ người tài, hãm hại người trung trực thẳng thắn, việc này là tội rất nặng. Nếu làm vua mà háo danh, không hết lòng quan tâm đến cuộc sống của người dân, dạy bảo người dân; Ví dụ như muốn xây cất những cung điện nguy nga tráng lệ để cho mọi người  khen, vua thì rất hiếu chiến ở nơi đó phô trương thế lực, rốt cuộc là làm cho dân chúng lầm than, nhất định sẽ bị mất nước. Vì vậy ở đây nhắc nhở các vị lãnh đạo là vô cùng quan trọng.

Thật sự khi chúng tôi đọc đoạn này, không những là dành cho vua chúa, thật sự nó cũng chi phối sinh mạng của mỗi người chúng ta. Khi đọc đoạn này thì nghĩ lại bản thân chúng ta có bị việc háo danh gây trở ngại hay không? Thật sự là con người chung sống với nhau sẽ không tự tại, sẽ bị ngột ngạt, sự chướng ngại này là do việc háo danh gây ra. Điều này đáng để cho chúng ta khéo quán sát cái tâm của mình trong cuộc sống hàng ngày. Ở đây có nói đến: “Nhân chủ háo danh tắc quần thần tri sở yếu h”. Thói quen háo danh của nhà vua, những vị quan ở xung quanh đều biết được trong lòng của vua cần điều gì. “Phu danh sở dĩ danh thiện giả dã”, đoạn này quay trở lại với mỹ danh, ý nghĩa căn bản của nó là gì? Cái danh này là phải biểu dương việc làm thiện, cái gọi là “khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn”. Cho nên khen ngợi người khác thì nên tương ưng với đức hạnh, thiện hạnh, nếu không thì trở thành thói xấu.

Các vị xem, chúng ta khen người ta rất xinh đẹp thì thói xấu là gì? Thói xấu là cô ấy mỗi ngày đều phải soi gương, còn đồ trang điểm thì càng ngày mua loại càng đắt tiền hơn, vậy sự khen ngợi của các vị sẽ làm tăng thêm áp lực cho chồng của cô ấy. Các vị xem, cái nhân quả này sẽ phản ứng dây chuyền, có hay không? Vì vậy khi khen ngợi vẻ bên ngoài, khen ngợi tài năng, sẽ làm cho con người tăng thêm sự ngạo mạn; khen ngợi đức hạnh thì họ càng tăng thêm việc dụng tâm để nâng cao đức hạnh của họ. Vì vậy, khen ngợi người khác cũng phải có trí tuệ.

Ví dụ như nói thành tích của đứa con rất tốt: “Con thật là giỏi, thi được thành tích xuất sắc như vậy, chẳng ai giỏi bằng con”, khen ngợi như vậy có tốt hay không? Đương nhiên là không tốt, sự ngạo mạn sẽ vô tình tăng trưởng. “Con à, lần này thi cũng khá đó!, có dụng tâm. Đương nhiên là phải cảm ơn thầy giáo, vẫn phải cảm ơn. Lần trước con không biết đi hỏi bạn học, những bạn học đó tận tâm tận lực dạy cho con, ghi nhớ những ân đức này mà không ngừng nỗ lực, học tập tốt. Có bản lĩnh sau này mới có thể phục vụ xã hội. Nhắc họ việc cảm ơn, nhắc đến trách nhiệm của họ, cái gọi là “giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu kì thất dã, tăng thêm thiện tâm của chúng. Mỗi câu chúng ta nói làm tăng thêm sự háo danh, tăng thêm tâm ngạo mạn cho chúng, hay là tăng thêm thiện tâm của chúng, điều này chúng ta phải biết rõ. Vì vậy, cha mẹ nếu như hiểu được thì mới có thể dạy con biết lẻ phải; mỗi lời nói việc làm, nhất cử nhất động có làm tăng thêm thiện tâm cho đứa con không?

Vì vậy trong “Gia Nhân Quái” của “Kinh Dịch” có nói cha mẹ, trưởng bối, “ngôn hữu vật, hành hữu hằng”. Mỗi câu nói phải có lý, hợp với lễ nghĩa; làm việc thì phải bền lòng, nói được thì làm được, có tập quán tốt, làm thân giáo, hoàn cảnh giáo dục cho con cái. Trong điểm này dạy cho chúng ta làm người cha người mẹ tốt. Trở về với chữ “danh”, bản thân là phải biểu dương thiện hạnh. “Thiện tu nhi danh tự tùy chi”, bản thân thật sự hành thiện thì sẽ thành tựu đức hạnh, thanh danh tự nhiên sẽ đến, không cần phải đi tìm cầu. Cho nên trong thành ngữ có nói: “Danh hợp với thực”. Hơn nữa rất quan trọng, sau khi có được cái danh rồi thì hết sức lo sợ, phải luôn luôn tự nhắc nhở bản thân mình không ngừng kiên trì nỗ lực. “Phi hiếu chi chi sở năng đắc dã”, không phải thích cái danh này thì có thể đạt được thanh danh, điều này sẽ trở thành phan duyên, cưỡng cầu. “Cẩu hiếu chi thậm”, giả như việc háo danh quá đáng, quá nghiêm trọng. “Tắc tất vi hành yếu danh”, thì sẽ có thể giả mạo để được cái danh tiếng.

Các vị xem, con người hiện nay háo danh, hy vọng bản thân mình lớn lên được mọi người khen ngợi, liền đi chỉnh sửa sắc đẹp. Điều này gọi là không có khái niệm về bảo vệ môi trường, phá hoại quang cảnh tự nhiên, sau này thì hậu quả rất lớn. Năm – mười năm sau thì họ rất khổ sở. Thật sự các vị xem, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, con người chúng ta theo ý của mình mà xây dựng nên những phong cảnh nhân tạo, thật sự là chẳng sánh bằng với vẻ đẹp do thiên nhiên ban tạo. Tự nhiên là đẹp nhất, nếu cưỡng cầu thì bản thân sẽ mệt mỏi, những người xung quanh cũng mệt mỏi. Ví dụ như những người cha, người mẹ rất sĩ diện “thành tích của con chúng tôi không được tốt, tôi không ngờ giáo viên của ngôi trường này không được, như vậy làm tôi mất thể diện quá”, sau đó thì bắt đầu ép con mình, cố ép, ép đứa bé đến hơn mười một giờ đêm. Vừa nghe các vị giảng bài vừa ngủ gật, các vị vẫn mãi nói, nói một mạch như vậy. Nóng vội thì hỏng việc.

Năm học lớp bốn, mẹ của tôi chuyển trường cho tôi. Tôi học tiểu học, thành tích của tôi lúc đó khoảng hạng hai mươi, thành tích trung bình. Con của thầy cô giáo thường là hạng nhất – nhì, dường như đã trở thành quy định bất thành văn. Nhưng thật là lạ, mẹ tôi trước đến giờ chẳng hề ép thành tích của tôi; thi không được tốt tiếp tục cố gắng, nhìn tôi cười cười. Mỗi lần tôi thi không được tốt, tôi cũng có lương tâm. Các vị đã hiểu được rồi. Mỗi lần tôi đứng ở cầu thang lầu hai, nghe tiếng xe của ba tôi thì tôi đứng chờ nhận tội. Tôi đứng ở ngay cầu thang, ba của tôi đi lên, tôi ở trên lầu sám hối với ba thưa ba, lần này con lại thi không được tốt nữa rồi. Không ngờ ba tôi cười cười, thật sự là cười rồi nói, cố gắng lên, cố gắng lên. Nhưng có một điều rất quan trọng, bản thân cha mẹ đã hình thành một thói quen đọc sách; ăn cơm xong, nghỉ ngơi một chút thì ba mẹ đọc sách. Ba đứa con chúng tôi cũng có thói quen sau bữa cơm cũng đọc sách. Sau khi ăn cơm, nghỉ ngơi một chút thì bắt đầu xem sách, hình thành thói quen đọc sách. Các vị là cha mẹ có tinh thần trách nhiệm thì con cái dần dần cũng có tinh thần trách nhiệm, do đó việc chúng đọc sách xem đó là trách nhiệm của bản thân, không phải người khác thúc giục chúng. Sau cùng thì hình thành thói quen, dần dần có được động lực thì làm gì có đạo lý là thành tích không tốt. Điều này không cần nài ép, rất kỳ diệu! Nếu cha mẹ chăm chỉ, hiếu học, không cần trách mắng các vị thành tích không tốt, không trách mắng thì ta lại càng muốn được trách mắng. Dường như sau khi bị trách mắng, tội lỗi tương đối nhẹ đi một chút. Càng được tin tưởng thì các vị càng không muốn làm mất niềm tin của cha mẹ. Vì vậy chân tâm của cha mẹ sẽ cảm được chân tâm của con cái, tâm háo danh thì con cái sẽ cảm thấy bị áp lực. Thậm chí là biến chúng thành người háo danh thì cuộc đời của các vị sẽ rất mệt mỏi, cuộc đời của chúng cũng mệt mỏi, cho nên việc háo danh này dần dần trở nên giả mạo để giành được danh tiếng tốt. Cuộc sống con người hiện nay rất mệt mỏi, thật sự đã tìm ra được nguyên nhân, buông xuống thì sẽ thoải mái rất nhiều. Mà những vị lãnh đạo, bản thân của họ giở trò để giành được thanh danh, “nhi gian thần dĩ ngụy sự ưng chi”. Xung quanh nhà vua là những vị quan tâng bốc, nịnh bợ, cũng là giở trò để đối phó với nhà vua, nhằm để đánh lừa nhà vua.

Giống như lúc nhỏ chúng tôi có xem một quyển sách là “Chiếc áo mới của nhà vua”, mọi người còn nhớ không? Các vị xem người may chiếc áo cho nhà vua nói: “Hạ thần may chiếc áo này rất nhẹ, chất liệu rất tốt, hơn nữa người thông minh mới nhìn thấy được chiếc áo này”. Vị vua này liền nghĩ: Nhìn thấy được chiếc áo mới là người thông minh, nhìn không thấy là người ngu ngốc. Kết quả là những vị quan biết được tình huống này, vua liền sai các vị quan đi xem anh thợ may chiếc áo. Rốt cuộc là vị quan lớn nhìn chẳng thấy gì, anh thợ may thì vẫn tiếp tục công việc ở đó. “Ông có nhìn thấy không, nhìn thấy không?”, vị quan cũng nói có, có thấy. Cứ như vậy, các vị quan không ai muốn người ta biết mình là người ngu ngốc, cứ như thế mà lừa trời dối đất, tất cả mọi người đều nói là đã nhìn thấy chiếc áo. Đột nhiên một hôm mặc chiếc áo vào, vị vua này nghĩ, để xem trong số người dân ai là người ngu ngốc, người nào thông minh, để ta đi kiểm tra họ, liền mặc chiếc áo mới rồi đi ra ngoài. Thật sự chúng ta không cần đi kiểm tra người khác ngu ngốc hay thông minh, bản thân mình còn chưa biết được là mình ngu ngốc hay là thông minh mà lại đi kiểm tra người ngu ngốc hay thông minh. “Muốn biết người khác thì phải biết mình trước, muốn giúp người khác thì nên giúp mình trước”. Bản thân chúng ta còn chưa dám đảm bảo mà mỗi ngày lại muốn đi giúp người khác. “Muốn cứu người thì nên cứu mình trước”, chúng ta mỗi ngày vẫn còn phiền não bộc phát, lại muốn giúp người khác giải thoát. Cho nên nhà vua đi ra bên ngoài người dân nhìn thấy; bởi vì họ cũng nghe nói nhìn thấy được chiếc áo là người thông minh, nhìn không thấy là người ngu ngốc, mọi người ở đó đều reo hò rất đẹp, rất đẹp!”. Bỗng nhiên có một cháu bé rất ngây thơ, đôi mắt long lanh chạy đến, “thưa hoàng thượng, làm sao mà Ngài chỉ mặc có một chiếc quần lót vậy? Ây da! Mắc cỡ quá đi!. Nhà vua bỗng nhiên giật mình, thật sự là mình đang khỏa thân, liền bế đứa trẻ quay trở về. Mọi người đều rất lo lắng, không biết nhà vua có nổi giận giết đứa bé này hay không. Sau đó, nhà vua ban thưởng cho đứa bé vì đã nói lên sự thật. Cuối cùng cũng phá  được sự chấp trước của nhà vua háo danh thích mặc quần áo đẹp, cuối cùng thì cũng biết chăm chỉ thương yêu dân, phải làm một người chân thật.

Các vị xem: “Nhi gian thần dĩ ngụy sự ưng chi”, những người xung quanh muốn làm vừa lòng sở thích của vua, thất cả đều là lời nói dối. “Nhất nhân nhi thụ k khánh”, giá như những câu trả lời cho nhà vua, rốt cuộc là dùng lời nói dối để trả lời nhà vua, ngược lại còn nhận được lời khen ngợi của họ. “Nhất nhân nhi thụ kì khánh”. Chữ “khánh” này chính là tán thành nhà vua, khen ngợi nhà vua. “Tắc cử thiên hạ ưng chi hỷ”, những vị quan khác nhìn thấy liền tiếp tục làm theo, tất cả đều dùng lời nói dối để trả lời. Phong thái của người lãnh đạo càng lúc càng mạnh mẽ , vậy là biến thành cảnh thái bình giả tạo rồi. Báo chuyện vui mà không báo chuyện buồn, rất nhiều vị vua bị mất nước. Họ chẳng hiểu rõ được tình hình, những người ở xung quanh đều nói hiện tại thiên hạ thái bình, sự thật là thiên hạ đại loạn. Cho nên: “Quân dĩ ngụy hóa thiên hạ”, vua cũng như người lãnh đạo lấy việc hư ngụy để giáo hóa thiên hạ. “Dục trinh tín đôn phác thành nan hỷ”, mà muốn đạt được thì vị quan đó như thế nào? Trung trinh. Chữ “trinh” này là trung trinh. “Tín”, vị quan đáng tin và sống theo lẻ phải. “Đôn” là vị quan đôn hậu, vị quan chân thật, là vị quan chất phác. Như vậy thì rất khó, bởi vì “phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Có lúc chúng ta làm lãnh đạo, thấy những người xung quanh rất ít khi nhắc nhở chúng ta, đến khi gặp vấn đề không tốt thì nổi giận, “tại sao không có ai nói với tôi vậy?. Không phải là không có ai nói cho chúng ta biết, là do thái độ của chúng ta không tiếp nhận lời khuyên. Đời người mỗi lần được gặp nhau là do tâm của chính mình chiêu cảm, không nên trách móc người khác, phải tự xét bản thân mình. Có phải chúng ta chưa thiết lập được thái độ: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi”, phải không? Cho nên là vua, người lãnh đạo của cơ quan; trước khi chúng tôi học qua quyển “Khuyến Thái Tông Thập Tư Sớ”, nói được rất thấu đáo. Thừa tướng Ngụy Trưng khuyên Thái Tông mười điều. Nội dung của “Quân đạo” về cơ bản nội dung đều có đủ, chúng ta ôn lại một chút xem nó như thế nào.

Thành năng  kiến khả dục, tắc tư tri túc dĩ tự giới, tướng hữu sở tác, tắc tư tri chỉ dĩ an nhân, niệm cao nguy, tắc tư khiêm xung dĩ tự  mục, cụ mãn dật, tắc tư giang hải nhi hạ bách xuyên, lạc bàng du, tắc tư tam khu dĩ vi độ, ưu giải đãi, tắc tư thận thủy nhi kính chung.

Tôi đọc đoạn này, quan trọng nhất là đọc câu tiếp theo, “lự ủng tệ”, lo sợ không có ai nói lời chân thật với các vị. Tấn trung ngôn tắc tư hư tâm dĩ nạp hạ”, vẫn là thái độ khiêm tốn, thái độ tiếp nhận lời khuyên, lo sợ có tin đồn nhảm. “Tưởng sàm tà”, sợ người ta đưa ra lời gièm pha. “Chánh thân dĩ truất ác”, bản thân các vị có chánh khí  nên tà khí chẳng làm ảnh hưởng các vị. “Ân sở gia, tắc tư vô nhân hỷ dĩ mậu thưởng”, đừng có quá phấn chấn mà tặng thưởng lung tung, nhận lời bừa bãi. Sau cùng là “nếu dễ nhận, tiến lui sai”, thậm chí còn có một nếp sống không tốt. Chẳng có công mà nhận nhiều bổng lộc thì không tốt. “Phạt sở cập, tắc tư vô nhân nộ nhi lạm hình”, trong khi chấp hành luật pháp không thể vì sự thương ghét của mình, do phẫn nộ mà phán trọng tội cho các vị quan, vậy thì cả hệ thống pháp luật dều bị nhà vua làm đảo lộn hết. Trong một đoàn thể, nội quy thường bị phá vỡ là do người lãnh đạo, chính là người đưa ra nội quy ngược lại đi phá vỡ nội quy, chẳng chịu chấp hành luật và nội quy của đoàn thể.

Thưa các vị học trưởng, mười câu này nên học thuộc lòng. Sau này các vị được làm lãnh đạo, các vị nên nói với mọi người về “Trinh quán thịnh thế”, người nào mà chẳng muốn sự nghiệp của họ được thịnh vượng. Các vị nói với họ sự nghiệp thành công nhất, làm được to lớn nhất là trên toàn thế giới có công ty một gia đình, tên của công ty là “Trung Hoa Dân Tộc”. Công ty này có lớn không? Rất lớn! Lúc công ty này thịnh vượng nhất là “Trinh Quán Chi Trị” của nhà Đường. Sao mà thịnh vượng vậy? Bộ sách này thịnh vượng, còn có Đường Thái Tông chịu nghe lời của Ngụy Trưng, chịu nghe lời khuyên của những vị trung thần. Phần sâu sắc nhất trong lời khuyến cáo là “Gián Thái Tông Thập Tư Sớ”. Lúc đầu các vị cúng dường pháp cho họ, điều này rất hiếm có, nhắc nhở lãnh đạo về mọi mặt. Cho nên chúng ta ở đây, xung quanh thật sự không có quan cấp dưới “trinh, tín, đôn, phác” thì nên quay người lại phản tỉnh mình có thực tế hay không, có chấp nhận lời khuyên hay không?

Tuy hữu chí thông chí đạt chi chủ, do vô duyên kiến kì phi nhi tri kì ngụy, huống dung chủ hồ”. Tất cả những người cấp dưới không báo cáo lên tình hình thực tế. Cho dù vị lãnh đạo này rất thông minh, có tài đức, vì không có duyên thấy được sự khiếm khuyết và lỗi lầm của mình, cho nên không biết được bản thân mình đâu là hư ảo, đâu là giả dối, họ tìm không ra. Bởi vì hết thấy những việc đã làm cần trải qua việc không ngừng ghi nhận, không ngừng sửa đổi, mới có thể càng làm càng viên mãn. Nếu như chúng ta không có cách nào để hiểu tình huống chân thật thì họ làm sao sửa đổi, làm sao được nâng cao. Vì vậy trong việc quản lý công ty phải có công tác kiểm tra, làm một động tác kiểm tra. Trong việc lãnh đạo chúng ta phải chủ đạo, chúng ta phải chỉ đạo, chúng ta phải dạy bảo, còn phải giám sát, các vị phải giám sát, phải nắm được tình hình. Cấp dưới có vấn đề gì thì nắm bắt cơ hội mới có thể dạy bảo họ, sự việc đã bị sai lầm thì mới kịp thời chỉnh sửa. Vì vậy công tác kiểm tra rất quan trọng, không thể vừa giao xong công việc cho cấp dưới thì chẳng quan tâm đến nữa, rốt cuộc thì không biết sai đến mức độ nào, đợi đến lúc phát hiện ra thi đã trễ rồi. Rốt cuộc là ở đó nổi trận lôi đình, chẳng giúp ích được gì. Một vị vua thông minh nếu như không có sự bẩm báo chân thật của các vị quan thì nhà vua cũng không thể biết được vấn đề thực tại, huống hồ chi là một vị vua bình thường càng loạn hơn.

Nhân chủ chi cao nhi xử áo”, chỗ ở của nhà vua cao nhất, vua ở trong thâm cung. Chữ này đọc là “áo”, nghĩa là chỗ rất kín đáo nhất. Chỗ này thật ra là chỉ thâm cung. Trong hoàng cung của nhà vua, những người thông thường không thể tiếp xúc được. Lãnh đạo chúng ta ở vị trí rất cao, cũng không dễ biết được tình huống gì? Việc này phải dụng tâm để hiểu thì mới nắm rõ vấn đề, mới năm rõ tình hình thực tế. Chữ “áo”này còn có một cách đọc nữa là “úc”. Ngoài việc chúng ta hiểu rõ nghĩa ra, đối với cổ văn cũng phải  nên tích lũy kiến thức cơ bản. Khi đọc là “úc”, là chỉ những đoạn sông ngòi ngoằn ngoèo;  đọc “áo”, là chỉ những nơi kín đáo chắc chắn. Ở đây là dùng chữ “áo” để chỉ cho chốn thâm cung của nhà vua. “Thí do du vân mộng nhi mê hoặc”, ví như nhà vua đi đến hồ Vân Mộng rộng lớn. Một cái hồ nước vô cùng rộng lớn, bởi vì quá rộng lớn; đông, tây, nam, bắc đều không phân biệt được rõ ràng. “Đương tá tả hữu dĩ chánh đông tây giả dã”, phải mượn tình huống quen thuộc tả hữu của con đường để chỉ phương hướng cho nhà vua. Nếu như tả hữu không thể chỉ được phương hướng, vậy thì nhà vua không hiểu rõ được tình huống, vì vậy phải tiếp tục Ví dụ nếu như tả hữu đều xu nịnh như vậy thì nhà vua càng lúc càng cống cao ngã mạn. Xu nịnh như thế nào? “Tả viết công nguy nguy hỷ”, “ây da, bẩm hoàng thượng công lao của Ngài to lớn như ngọn núi vậy. “Nguy nguy h”; hai từ “nguy nguy” này là tán thán vua Nghêu, vua Thuấn. “Nguy nguy hồ”, trong “Luận Ngữ” dùng hai từ này là để khen ngợi. Vì vậy: Sắc không mê hoặc người, mà người tự mê hoặc. Danh không làm mê người mà người cũng tự mê. Những vị quan bên phải bẩm báo nhà vua: “Hữu viết danh hách hách hồ”. Hai từ “hách hách” này nghĩa là hiển hách lẫy lừng, chính là vua có đức tính cao quý nên tán thán nhà vua, thật ra thì tình hình rất là gay go. Những người ở xung quanh đều tán thán như vậy, “kim nhật văn tư luận, minh nhật văn tư luận”, hôm nay nghe những lời khen, ngày mai cũng nghe những lời ca tụng. “Cẩu bất hiệu chi dĩ sự loại”, nếu như không chân thật hiểu được để đối chiếu với tình hình thực tế. “Tắc nhân chủ hiêu nhiên”, đây là chữ thời xưa, chính là chữ “hiêu” của “hiêu trương”, hung hăng. Có bốn chữ khẩu; bốn chữ ở trên, dưới, trái, phải. Chữ “hiêu” của “hiêu trương”, “hiêu nhiên”. Nhà vua tự cho là “dĩ vi danh tề hồ Nghêu Thuấn”,  thật sự cảm thấy bản thân mình vĩ đại giống với vua Nghiêu, vua Thuấn. “Nhi hóa hiệp hồ thái bình dã”, cảm thấy sự giáo hóa của bản thân mình đã cảm hóa người dân ở khắp nơi, sau đó là thiên hạ thái bình. Bởi vì ham thích hư danh, rốt cuộc là tình hình thực tế rất là tệ. “Quần thần tỏa tỏa, giai bất túc nhiệm dã”. Hai từ “tỏa tỏa” này nghĩa là đê tiện. Điều này là chỉ lo cho ham muốn của bản thân mình. Chức vụ quan lại bố cục không được lớn, hàng ngày chỉ lo nịnh bợ lãnh đạo. “Giai  bất túc nhiệm”,  nghĩa là những vị quan này đều là những người không thể đảm bảo trách nhiệm, chỉ biết khua môi múa mép. “Nghiêu Thuấn chi thần, nghi độc đoạn giả dã”, những vị quan bên cạnh vua Nghiêu vua Thuấn là những người chính trực, can đảm, rất quyết đoán.

Có một câu nói thế này: “Thang Vũ dĩ ngạc ngạc nhi xương, Kiệt, Trụ dĩ duy duy nhi vong”. Thương, Thang cùng với Vũ vương làm sao có thể để cho quốc gia hưng thịnh? Nguyên nhân chủ yếu là họ chẳng tham danh, họ muốn lợi ích thực sự cho nhân dân. Mỗi một địa vị, mỗi một chức vị, đàng sau cái địa vị cao này là trách nhiệm, không phải là chấp vào cái danh.

Khi tôi học trung học, có học qua lời dạy của Ngài Tôn Trung Sơn, trong đó có một câu nói làm cho tôi rất cảm động, thà làm việc lớn chứ không làm quan lớn. “Sinh mệnh đích ý nghĩa tại sáng tạo vũ trụ kế khởi chi sinh mệnh”, nên làm những việc có lợi ích cho con cháu sau này. Mục đích của cuộc sống là làm cho toàn thể cuộc sống của nhân loại được phát triển, bất luận là chúng ta làm ngành nghề gì đều là làm lợi ích cho xã hội đại chúng. Mục đích của cuộc sống, ý nghĩa của đời sống này làm những việc có lợi ích cho hậu thế, cho nên phải làm việc lớn, đừng ham thích làm quan to, ham nổi tiếng. Vì vậy, tuy các ngài đã làm vua nhưng mà vẫn không quên cái tâm lúc ban đầu là yêu thương dân chúng. Phải hiểu biết tình hình mới biết làm thế nào để yêu thương dân chúng, cho nên các ngài mới yêu cầu các vị quan nên nói thẳng vấn đề ra. Chữ “ngạc ngạc” này chính là các vị quan đều dám nói lời chân thật cho nhà vua. Đặc biệt là khi các vị quan nói đến những chỗ kích động, lời nói có vẻ hơi nặng, nhà vua nghe được cũng phải bao dung, không nổi giận. Nếu như có nổi giận thì có thể lần sau các vị quan không dám khuyên như vậy nữa. Người chánh trực thì khó tránh khỏi có lúc cũng có một chút xung đột, điều này là bình thường. Không thể yêu cầu mỗi người, ai cũng làm Thánh Nhân “ông ta nói không sai nhưng thái độ chưa được tốt”,  yêu cầu quá nhiều. Vì vậy chúng ta làm người thi thái độ rất quan trọng. “Nghiêm dĩ luật kỷ”, nếu yêu cầu tiêu chuẩn bản thân mình là Thánh Nhân. Nếu như nói lấy khoan dung, rộng lượng để đối xử với người thì chúng ta cũng phải nghe theo, không nên soi mói khuyết điểm thái độ của người khác. Điều này không đúng, thậm chí là trở nên hà khắc. Đừng nhận định người xấu chỉ do lời nói, đây là thái độ xử sự. Nếu nói đúng, tương ưng với Kinh điển thì nên nghe. Nhưng mà các vị nhìn thấy bạn bè, người thân ở xung quanh chúng ta, lời nói của họ chẳng có sai nhưng mà chúng ta liền nhớ, “ây da! Thái độ của họ lúc nói không được hay, tôi nghe chẳng lọt lỗ tai”, đây gọi là gì? Xử trí theo cảm tính, chắc chắn là chỉ có phần đọa lạc. Vì sao vậy? Nói những lời để giúp đỡ các vị, các vị không chấp nhận thì làm sao nhận ra được lỗi lầm của mình.

HẾT TẬP 17 – Xin xem tiếp tập 18 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!