Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 40

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 40

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

“Nhị viết bất cầu”, phần trước có chú giải. “Cầu tác tiến”, nghĩa là tuy biết người tài đức nhưng không thể tiến cử họ. Trong “Đại Học” có nói: “Kiến hiền nhi bất năng cử”, gặp được người hiền đức nhưng không thể tiến cử họ. “Tiến nhi bất năng tiên”, sau khi tiến cử họ thì lại không trọng dụng họ, như vậy là thất lễ với người tài đức. Cho nên, “nhị viết bất cầu”, nghĩa là không tuyển dụng. “Tam viết bất nhiệm”, sau khi tuyển dụng thì lại không giao cho nhiệm vụ quan trọng, điều này cũng khiến cho người hiền tài thất vọng. “Tứ viết bất chung”, cho dù có tín nhiệm họ, nhưng cũng không có thủy có chung, sau khi dùng họ, có thể không nhớ ơn vị đại thần này, ngược lại cũng không hài lòng với những công việc mà ông đã làm, lạnh nhạt đối với ông. Điều mà trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo. Chớ ghét cũ, không thích mới”. Thích mới ghét cũ, bởi vì những vị đại thần này đã vì quốc gia, đã cống hiến công lao to lớn, đều bị lạnh nhạt, cho nên dùng người phải có trước có sau, không thể có trước mà không có sau. “Ngũ viết dĩ tiểu oán khế đại đức”, sống chung với các vị quan, vì những giận hờn nho nhỏ, những xung đột nho nhỏ mà không được vui, liền quên đi phẩm đức tốt đẹp của họ mà không dùng nữa, vậy là lòng dạ này quá nhỏ hẹp rồi. Cho nên, “cần bao dung, đức mới lớn”, gọi là “đức không rộng thì không thể khiến người khác đến”. Đức hạnh của các vị không rộng lớn, thì không thể chiêu cảm người khác cùng nhau đến chung tay góp sức. “Lượng không lớn, không thể làm người khác an”, sự khoan dung của các vị không rộng lớn, sự khoan dung nhỏ hẹp, những người sống chung với ta bị áp lực vô cùng lớn, không an tâm, không biết được lúc nào động đến cũng bị sai lầm, cũng bị trách mắng. Như vậy thì những người hiền đức ở xung quanh, mọi người không bằng quay trở về, cớ gì mà phải chịu cái tội này chứ? Vì vậy sự khoan dung lớn, không nên oán hận, không nên nhỏ hẹp. “Lục viết dĩ tiểu quá truất đại công”, vì lỗi lầm nhỏ của đại thần mà phủ nhận công lao to lớn của họ.

“Đệ Tử Quy” có nói: “Ân phải báo, oán phải quên”, đối với người có công lao to lớn cần phải ghi nhớ, như vậy mới là phúc hậu nhớ ơn, chứ không phải cái lỗi nhỏ liền phủ nhận hết thảy công lao sự nghiệp trước đó của họ, như vậy thì quá hà khắc. “Thất viết dĩ tiểu đoản yểm đại mỹ”, ở đây phần trên đã chú giải đến “đoản tác thất”, nghĩa là vì khuyết điểm nhỏ của họ mà quên mất đi điều tốt đẹp, phong thái tốt đẹp của họ, liền giả vờ như không biết gì cả, như vậy là không được thỏa đáng. Chỉ một khuyết điểm nhỏ thì không nhìn thấy hết thảy những điều tốt của họ, thật sự điều này chính là con người nhất định phải loại bỏ đi cái tập tánh thương và ghét. Khi thích thì điều gì cũng là tốt, khi ghét thì việc gì cũng đều xấu. Trong “Đại Học” có nhắc chúng ta: “Hiếu nhi tri kỳ ác, ố nhi tri kỳ mỹ”, yêu thích họ hãy nên bình tĩnh lại thì vẫn có thể nhìn ra được sự khiếm khuyết của họ, để giúp đỡ họ, mà không phải thiên vị, cũng không phải là nuông chiều. “Ố nhi tri kỳ mỹ”, đối với họ chỗ nào cũng không thừa nhận, nhưng vẫn có thể nhìn thấy chỗ đúng, chỗ tốt của họ. Thật sự điều này không cần phải, “vì những khuyết điểm nhỏ mà che mất những điều tốt đẹp lớn lao của họ”. Không chỉ là quan hệ của vua tôi như vậy, mà đối xử giữa vợ chồng cũng là như vậy. Người chồng có khuyết điểm nhỏ, toàn bộ cứ nhìn chằm chằm vào khuyết điểm mà không nhìn vào ưu điểm của anh ấy. Cho nên, câu nói chân thật của vợ chồng cả một đời, “chỉ thấy ưu điểm, không nhìn thấy khuyết điểm của người kia”. Cái tinh thần, đạo lý như vậy, không phải là mối quan hệ của vợ chồng là như vậy, mối quan hệ ngũ luân cũng phải dùng cái tâm như vậy để đối đãi, nếu không thì sẽ, “vì những khuyết điểm nhỏ mà che mất những điều tốt đẹp lớn lao của họ”. “Bát viết dĩ can kiết thương trung chính”; từ “can kiết” này nghĩa là lời nói của những kẻ gian tà dùng để chỉ trích, tổn thương người hiền đức trung chánh. Giả như chúng ta nghe theo lời nói của những kẻ gian tà, vậy thì sẽ làm cho người hiền đức trung chánh thất vọng, vì vậy phải phân biệt rõ những lời nói này, không nên tùy tiện nghe theo. Mà người gian tà thường thường muốn đả kích người hiền đức trung chánh, họ cũng biết quan sát thái độ của quân vương, nhìn thấy quân vương đối xử với những vị hiền sĩ trung chánh nào thì sẽ không vui, liền có thành kiến, họ lợi dụng thời cơ. Cho nên quân vương có thể không trách móc, không nhìn vào khiếm khuyết, rất là khoan dung, luôn luôn nhớ đến ưu điểm và công lao của những vị quan này, thì những kẻ gian tà sẽ không có cơ hội đả kích. “Cửu viết dĩ tà thuyết loạn chính độ”, dùng thuyết tà tri tà kiến để nhiễu loạn phép tắc trị nước đã vào nề nếp.

Thời đại này, thật sự rất nhiều nhân vật làm chính trị, không nhất định là họ có học qua những Kinh điển của bậc Thánh Hiền làm chính trị. Không cần nói những nhân vật là chính trị, mà những người lãnh đạo; chúng ta làm giáo viên dạy học ở trong trường, có học qua “Lễ Ký”, “Học Ký” không? Có hiểu được bậc chí Thánh tiên sư Khổng Tử làm công tác giáo dục như thế nào không? Chúng ta cũng không rõ, không biết được, nhưng những điều đã học có thể là lý luận giáo dục đầu đuôi lẫn lộn. Giả như, rất nhiều lý thuyết dùng động vật để làm thí nghiệm. Động vật, điểm xuất phát của chúng là dục vọng, dùng động vật làm thí nghiệm để dạy con người, làm thế sao không khiến con người khởi dục vọng cho được? Điều này là trái ngược với hành vi chuẩn mực, trái ngược với chánh tri chánh kiến. Chúng ta phải biết phán đoán.

“Tam Tự Kinh”, vừa mở đầu là nguyên lý nguyên tắc quan trọng nhất của nền giáo dục. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, trước tiên phải biết được tính con người vốn là thiện, tiến thêm bước nữa là khai mở tánh thiện của họ. Đây là mục đích thật sự quan trọng của việc giáo dục, không phải là dạy cho họ xem trọng dục vọng, bao gồm cả phương pháp giáo dục. Cách giáo dục quý ở chỗ chuyên nhất. Giáo dục hiện nay đều chú trọng vào kỹ năng tri thức, dạy rất tạp loạn, dạy rất nhiều, thi xong là quên hết. Mục đích của giáo dục là thành tựu đức hạnh, thành tựu định lực, trí huệ. Các vị dạy quá tạp loạn thì tâm của họ cũng bị tán loạn,vì vậy phải chuyên, phải định thì mới tốt. Trong giáo dục thì không thể lấy thuyết tà đạo để nhiễu loạn phép tắc trị nước đã vào nề nếp, kể cả chính sách trị quốc cũng không được sai lệch với Kinh điển.

Thí dụ như trị vì một quốc gia, “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, giáo dục phải đặt ở vị trí đầu tiên, đức hạnh phải đặt ở vị trí đầu tiên. “Đức giả bổn dã, tài giả mạc dã”, rốt cuộc trị quốc hình như là đặt ở vị trí đầu tiên, đều là tiền tài, đều là kinh tế, xem nhẹ giáo dục. Việc này ở thế hệ sau sẽ rất phiền phức, sau đó thì phong thái của cả xã hội vì chính sách này mà bị thiên lệch, trọng danh lợi, xem nhẹ tình nghĩa. Trọng lợi khinh nghĩa, bất hiếu với cha mẹ, vợ chồng bỏ nhau rất nhiều, đi làm việc thì thường xuyên thay đổi chỗ làm, việc này đều là do lòng người tạo ra. Vì vậy, từ những hiện tượng này làm cho chúng ta nhận ra, cổ nhân nói tính quan trọng của “giáo học vi tiên”.

Chúng tôi thường nghe nói, có tờ báo của một quốc gia viết một câu nói với hàng chữ rất to, “tham lam là động lực tiến bộ của xã hội”. Viết ở trên báo, hàng chữ rất là to, điều này thật sự là lấy tà thuyết nhiễu loạn phép tắc trị nước. Con người càng tham lam thì cái xã hội này, phong khí nhất định càng ngày càng tệ. Tham đến nỗi ngay cả tiền của của cha mẹ  cũng tham, đưa cả cha mẹ lên đến tòa án. Điều này là càng lúc càng thụt lùi, không phải là tiến bộ. Có thể phân biệt được tà chánh, đúng sai của những cách nói này, thì mới không có những kiến nghị không trọng dụng người hiền đức, thậm chí mới không thể bị hiểu lầm, gạt bỏ đi những kiến nghị của người hiền đức. “Thập viết dĩ sàm tật phế hiền năng”, nghĩa là do lời gièm pha, sự đố kỵ hãm hại của kẻ tiểu nhân, sau đó thì truất phế người hiền đức. Những tình huống như thế này rất nhiều.

Chúng ta xem trong lịch sử rất nhiều thơ văn từ ngàn xưa, đều là trung thần bị truất phế, viết tờ ly khai với triều đình. Điều này cho thấy, muốn gặp được một vị minh chủ thật sự không phải dễ. Ngoài Ngụy Trưng còn có những vị đại thần triều nhà Đường, gặp được Hoàng đế Thái Tông họ vô cùng cảm phục, sau đó là vì nước hết lòng cống hiến. Mà Thái Tông, trong thời kỳ Trinh Quán cũng gặp phải một số trường hợp, những kẻ gian tà hãm hại người trung lương. Thí dụ như năm đầu của Trinh Quán, tướng Ngụy Trưng đảm nhận chức vụ tổng thư ký của các lao ngục, rốt cuộc có người tố cáo Ngụy Trưng mưu phản. Mưu phản thì bị tru di cửu tộc. Cuối cùng Thái Tông nói: “Ngụy Trưng, lúc trẫm vẫn chưa làm hoàng đế” (lúc đó tướng Ngụy Trưng đảm nhiệm chức vụ quan trọng dưới trướng của thái tử, mà lúc đó vì là thuộc hạ của thái tử, đương nhiên phải tận tâm với thái tử, cho nên đã kiến nghị với thái tử. Khi Thái Tông còn là Thái Tử, thách thức lớn nhất trong việc chấp chính sau này phải nhân lúc còn sớm mà nghĩ biện pháp giải quyết vấn đề). Cho nên Thái Tông nói: “Ngày trước là kẻ thù, đối đầu với trẫm, nhưng vì ông ấy trung thành với chúa thượng, điều này chẳng hề sai. Hiện nay trẫm đã làm hoàng đế rồi, điều quan trọng hơn là tận tâm tận lực với triều nhà Đường của chúng ta. Ông ấy là người trung thành, cho nên trẫm đề bạt ông ấy, nhưng vì sao vẫn tùy tiện tạo ra lời gièm pha hãm hại vậy?”. Thái Tông không nói với Ngụy thừa tướng việc này, lập tức trị tội người đã tố cáo Ngụy Trưng mưu phản. Làm như vậy cũng là để cho những kẻ gian tà không được vô liêm sỉ mà đố kỵ với những hiền nhân này, thậm chí là đặt điều nói xấu. Thái Tông làm như vậy cũng là, “chánh thân dĩ truất ác”, bản thân mình ngay thẳng, làm cho những người có tà niệm không dám khinh suất. Vì vậy, mười điều nguy nan này giả như không thể loại trừ nó, nếu như đã phạm mười điều này, thì hiền thần không thể được trọng dụng.

“Tắc quốc phi kỳ quốc dã”, hiền thần là trụ cột của quốc gia, không dùng thì trục cột sẽ hư hỏng, căn nhà có còn vững chắc hay không? “Quốc phi kỳ quốc”, quốc gia này cũng không được xem là một quốc gia ổn định, thậm chí sớm sẽ bị nguy vong, diệt vong, có thể chỉ là một cái vỏ trống không. Điều này nhấn mạnh mười điều nguy nan này được khắc phục rồi mới thật sự là tôn hiền, tín nhiệm người hiền, dùng người hiền.

Chúng ta tiếp tục xem câu 44, quyển thứ 6, trang 785, được trích ra từ “LụcThao”. “LụcThao” là tác phẩm của cụ  Khương Thái Công. Văn Vương tiếp hiền đãi sỹ, làm Thái Công cảm động đến phụ tá cho triều nhà Chu. Chúng ta xem hàng thứ 6, trang 785, mở đầu của đoạn thứ 2. Chúng ta cùng nhau đọc qua một lần.

Chu Văn Vương hỏi Khương Thái Công: “Vua ra sức tiến cử hiền tài nhưng lại thiếu sót trong việc thực thi, xã hội hỗn loạn ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đất nước nguy vong, đây là do nguyên nhân gì?”. Thái Công nói: “Tuyển được hiền tài nhưng không chú ý trọng dụng, đó chỉ có cái danh tuyển hiền chứ không có cái thực dùng hiền”. Văn Vương nói: “Sai lầm nằm ở đâu?”. Thái Công nói: “Sai lầm nằm ở chỗ nhà vua chỉ thích dùng những người thường được thế tục ca ngợi, chứ không phải hiền tài thật sự”.

Kinh văn là đến chỗ này, chút nữa đây chúng ta xem lại giải thích ở phần sau sẽ hiểu rõ hơn đoạn này. Chu Văn Vương hỏi Khương Thái Công: “Quân vụ cử hiền”, vua tận sức tiến cử những vị hiền tài. “Nhi bất hoạch kì công”, ngược lại thì không nhận được kết quả tốt đẹp từ việc trị vì quốc gia. “Thế loạn dũ thậm”, sự hỗn loạn của xã hội càng lúc càng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tình trạng nguy vong cho quốc gia. “Hà dã?”, cuối cùng đây là do nguyên nhân gì?. Văn Vương nghĩ, đã dụng hiền tài thì quốc gia càng lúc sẽ càng yên ổn, hưng thịnh, sao lại trái ngược với dự kiến ban đầu, đem tình huống này để thỉnh ý của Khương Thái Công. Thái Công nghe xong liền nói: “Hoàng thượng tuy là mạnh dạn tuyển chọn những người hiền tài, nhưng mà không giao thêm trách nhiệm”. Tuy là xem trọng việc tuyển dụng hiền tài, nhưng mà điều đầu tiên người được tuyển dụng thật sự không phải là hiền tài, sau khi tuyển dụng thì có thật sự sử dụng hay không? Cho nên, rất nhiều sự việc không thể nhìn ở bề ngoài. Hoặc giả chỉ thể hội ở bề ngoài, thậm chí là không nên thể hiện ở bên ngoài, đều phải thật sự hiểu, thật sự làm mới được mới có thể đạt được lợi ích, nếu không thì “phản nhi thích đắc kỳ phản”. Đây chẳng qua là mang cái tiếng tốt tiến cử người hiền đức, chỉ mang tiếng tốt đẹp, thật ra không có được sự trợ giúp của người thật sự có tài. Đây chẳng qua là mang cái tiếng tốt tiến cử người hiền đức, chỉ có mang tiếng tốt. “Vô đắc hiền chi thực dã”, nhưng mà không thể có được sự giúp đỡ thật sự của hiền tài, vậy thì quốc gia không nhận được những lợi ích chân thật. Văn Vương tiếp tục hỏi: “Kỳ thất an tại”, vậy thì lỗi lầm của họ rốt cuộc là sai ở chỗ nào? Thái công tiếp tục trả lời: “Lỗi lầm trầm trọng nhất của họ, gọi là cách dùng người hiền tài, là dùng những người mà thế gian ca ngợi, họ nghĩ có cảm giác đó là hiền tài”. Nhiều người nói người đó tốt thì liền sử dùng người đó, điều này không chắc chắn.

Hôm qua chúng tôi có nêu ra một thí dụ, đó là Tề Oai Vương, lúc đó ông triệu tập Tức Mạc đại phu. Tiết học trước chúng tôi đã giảng, những người ở xung quanh nói ông ấy không được tốt, nhưng Oai Vương hoàn toàn không nghe theo lời của những người đó. Vua sai người đi xem tình hình cai quản của Tức Mạc, rốt cuộc là ông ấy cai quản vô cùng tốt. Ngược lại, nhiều người thân cận với đại phu A Địa thì nói ông ấy tốt, kết quả phái người đi kiểm tra, xao lãng việc quốc gia, thậm chí còn ức hiếp dân lành. Về sau hiểu được, những người ở bên cạnh ông ấy đều là hưởng nhiều lợi ích từ ông ấy, thì nói ông ấy là người tốt, người không được sử dụng thì được nhiều người nói là người tốt. Bạn cảm thấy ông ta là hiền tài, liền dùng ông ta. Cho nên, lỗi lầm của vua ở chỗ dùng những người được thế tục tán dương, mà không phải thật sự dùng được người hiền tài.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói, thông thường người ta cảm thấy kẻ giả dạng thật thà chất phác rất tốt, không làm phật lòng người nào hết. Thật ra những người chân thật, thật sự làm việc vì quốc gia, đâu có đạo lý là người không phạm tội, khó tránh khỏi làm cho một số người không hài lòng, vì sao? Vì họ là những người được lợi ích phe nhóm. Các vị vì việc chung, vì quốc gia, có những lúc có thể làm cho họ cảm thấy làm mất đi lợi ích của họ, họ tư lợi gây chuyện, sẽ công kích những người chân chính. Vì vậy, thời đại này nếu làm việc cho tốt thì đâu có đạo lý không bị người khác phê bình. Nhưng mà sự phê bình này quốc vương nên nhận định, phân tích chuẩn xác, vẫn là tư lợi gây chuyện. Ở đây đã tìm ra được nguồn gốc sai lầm. Vấn đề xảy ra ở việc giả như quốc vương chỉ dùng những người được thế tục tán thán, không dùng những người hiền đức chân thật. Văn Vương rất hiếu học, vấn đề thỉnh giáo đều hỏi thật là thấu triệt.

Chúng ta tiếp tục xem trong sách có nói đến, “Văn Vương viết hiếu dụng thế tục chi sở dự giả hà dã”, gọi là thích dùng những người được thế tục tán thán, thì tình hình như thế nào? Thái Công tiếp tục trả lời: “Giả như vua chỉ nghe sự tán thán của thế tục, có thể vua sẽ nhận xét sai”. Vì vậy Khổng Tử nói: “Chúng ố chi tất sát yên, chúng hiếu chi tất sát yên”, hết thảy mọi người đều nói ông ấy tốt, các vị cũng nên bình tĩnh lại mà phán đoán; hết thảy mọi người đều nói ông ấy không tốt, các vị cũng nên hiểu cho rõ ràng. Nhất là khi nền chính trị mục nát, những người thật sự muốn cải cách đại đa số đều mắng nhiếc họ, vậy là họ không tốt sao? Nhưng mà không thể bình tĩnh để phân biệt. “Hoặc dĩ phi hiền vi hiền”, không phải là người hiền đức, các vị nhận định họ là người hiền đức. “Hoặc dĩ phi trí vi trí”, họ không phải là người tài trí, các vị vẫn cho rằng họ có tài trí. Bởi vì những người trong nhóm được lợi ích đều nói với họ lời tốt đẹp, thì bạn sẽ nhận định sai. “Hoặc dĩ phi trung vi trung”, họ không trung thành, các vị cho là họ trung thành. “Hoặc dĩ phi tín vi tín”, họ không phải là thành thật mà cho rằng họ thành thật. “Quân dĩ thế tục chi sở dự giả vi hiền trí, dĩ thế tục chi sở hủy giả vi bất tiêu”, cho rằng người được tán dương liền là người hiền đức, cho rằng những người bị nhiều người khác phê bình cảm thấy không cần họ, nghĩa là không phải người hiền đức. Giả như quốc vương xem xét sự việc như vậy, có thể sẽ tạo ra những hiện tượng gì? “Tắc đa đảng giả tiến, thiểu đảng giả thoái”, nghĩa là người lập ra đảng phái nhận được sự cân nhắc. Ngược lại, nếu không kết đảng, mưu lợi cho riêng mình, thì sẽ bị loại trừ. Mấy ngàn năm nay, rất nhiều triều đại đều có sự tranh giành đảng phái, vấn đề xảy ra là ở chỗ xem xét từ nơi thuộc hạ, không loại bỏ tư lợi. Xem xét từ nơi vua chúa, là do họ không có khả năng nhận xét tà chánh, người trung – kẻ gian. Sâu xa hơn là thích nghe lời tán dương ngon ngọt, không thích nghe lời nói thật, thích được tâng bốc nịnh bợ, nên mới phán đoán sai lầm. “Thị dĩ quần tà tỷ chu nhi tế hiền, trung thần tử ư vô tội, tà thần dĩ hư dự thủ tước vị, thị dĩ thế loạn dũ thậm”, xem ra rõ ràng là đang dùng người hiền đức, rốt cuộc làm sao mà quốc gia càng lúc càng hỗn loạn? Ở đây nói rất rõ ràng, do dùng sai người. Những người trong lợi ích phe nhóm kết bè phái để mưu lợi riêng, rốt cuộc là gạt bỏ người hiền đức, thậm chí là trung thần bị hãm hại phải chịu chết oan. Mà những gian thần này đều dùng “hư dự”, đều là tán dương những danh tiếng không thực để đạt được chức vị. Những người như vậy vừa đạt được chức vị liền mưu cầu danh vọng lợi dưỡng của họ khi nào thì làm việc cho quốc gia. Cho nên, “thế loạn dũ thậm, cố kỳ quốc bất miễn ư nguy vong”, quốc gia này rất dễ bị thất bại và diệt vong. Thật sự không chỉ là trị quốc như vậy, chúng ta đang xây dựng một số người tốt việc tốt, cử hành một số hoạt động, khi chúng ta đang khẳng định những người thiện này, phải hết sức thực tế và thâm trầm tìm hiểu xem người đó thực sự có đức hạnh hay không, những việc đã làm đều là thiện hay không? Không nên nghe người khác nói. Một số người nói có mối liên hệ rất tốt với người đó, liền giúp họ thông hiểu được công việc. Giả như đề cử ra những gương mẫu mực về đạo đức, là có danh vô thực, ngược lại trong lòng người dân rất khó thừa nhận, lúc này cần phải công bằng chánh trực đưa ra những tấm gương về đạo đức, tiến cử hiền tài thì mới tốt, nếu không thì sẽ mất lòng dân, mất đi sự công bằng. Cho nên làm việc gì đều phải làm cho chắc chắn mới tốt, nếu không thì lòng tốt rốt cuộc là cảm thấy thất vọng, không tin tưởng thì rất phiền phức. “Văn Vương viết”, Văn Vương lại tiếp tục thỉnh giáo. Vậy thì làm sao mới có thể tiến cử được hiền tài, “cử hiền nại hà?”. Thái Công tiếp tục trả lời: “Tương tướng phân chức”, tướng quân, tể tướng, mỗi người tận trung với trách nhiệm của mình. “Nhi cách dĩ quan cử nhân”, mà phân chí trách nhiệm, căn cứ theo chức vụ quyền hạn của mỗi chức vụ quan mà đề cử người. “Án danh sát thực”, y theo chức vụ bổn phận của họ mà khảo sát họ có tận hết bổn phận, tận hết trách nhiệm của họ hay không? Từ việc căn cứ họ nên tận bổn phận trách nhiệm để khảo sát tài năng, tài đức, năng lực của họ, gọi là “tuyển tài khảo năng”. “Lệnh năng đương kỳ danh, danh đắc kỳ thực”, nghĩa là toàn bộ việc khảo sát phải chính xác, xem họ danh xứng với thực hay không? Cho nên, “trị bổn tại đắc nhân”. Trong “Tư Trị Thông giám” có nói, chính trị phải làm cho tốt, phải có người tài. “Đắc nhân tại thẩm cử”, lúc đề cử phải nên thận trọng. Mà đề cử như thế nào mới là thận trọng? “Thẩm cử tại hạch chân”, có thể khảo hạch chính xác sự thật của tình huống, sẽ không phán đoán sai, có thể xác định người này danh xứng với thực là được rồi. Cho nên đây là, “tắc đắc hiền nhân chi đạo”, nghĩa là khảo sát rõ ràng danh xứng với thực. “Văn Vương viết, thiện tai”, Văn Vương hiếu học, đạo lý tiến cử hiền tài đều phải hiểu thật thấu triệt, rõ ràng.

Chúng ta tiếp tục xem câu 45, ở quyển thứ 9, trang 1.111. Đoạn này chúng ta xem ở trang 1.111, ngay chính giữa hàng thứ 7. “Thân làm quân vương mà lại sỉ nhục thần dân của mình, kết quả là người có mưu trí không hiến kế bày mưu cho họ, người có biện tài không vì họ đi sứ ngoại giao, người dũng mãnh uy vũ không dốc sức vì họ mà xung phong trận mạc. Người có mưu trí không vì họ hiến kế bày mưu thì quốc gia xã hội lâm vào cảnh khốn cùng, người có biện tài không vì họ làm nhiệm vụ ngoại giao thì không cách nào qua lại với nước khác, người dũng mãnh uy vũ không dốc sức xung phong trận mạc thì biên cương dễ bị xâm phạm”.

Một vị quân vương mà vì thần dân, giả như sỉ nhục bề tôi của mình, sỉ nhục thần dân của mình, vậy những người có trí huệ sẽ không bày mưu kế, sách lược cho nhà vua, bởi vì không tôn trọng họ. Vì vậy Khổng Tử nói: “Quân sử thần dĩ lễ”, quốc vương lấy lễ nghi để đối xử bề tôi, tôn trọng họ; “thần sự quân dĩ trung”, bề tôi sẽ phụng sự quốc quân vô cùng trung thành. Đây là sự giao cảm lẫn nhau. Nếu như ta sỉ nhục họ, “sỹ khả sát, bất khả nhục”, như vậy họ sẽ không chịu xuất hiện. “Biện giả bất vi sử”, những người có tài hùng biện, họ sẽ không đồng ý đại diện cho quốc gia đi sứ ngoại giao; những người oai phong dũng mãnh, họ sẽ không chịu xung phong vào chiến trận, vì sự nguy nan của quốc gia mà ra sức. Những người dũng mãnh, đặc biệt họ nói đạo đức chính nghĩa, nếu các vị sỉ nhục họ, không tôn trọng họ, thì rất khó cảm được lòng trung thành của họ. Cho nên, giả như người trí không vì quốc gia mà bày mưu kế sách lược; từ “xã tắc” này, nghĩa là quốc gia rất nguy hiểm. “Xã tắc” là đại biểu cho quốc gia, vậy là quyết sách sẽ bị sai lầm, thì sự nguy nan sẽ nhanh chóng xuất hiện. Những người trí không xuất hiện, thì người ngu dốt sẽ nắm quyền. “Biện giả bất vi sử”, những người có tài hùng biện không chịu đi sứ, việc ngoại giao của quốc gia sẽ không tốt, vậy thì không thể ngoại giao tốt với nhiều quốc gia, thậm chí sinh ra những sự hiểu lầm. Đây là nguy nan của quốc gia. “Dũng giả”, là những người oai phong dũng mãnh. “Bất vi đấu”, sẽ không vì quốc gia mà xung phong vào chiến trận. “Tắc biên cảnh xâm”, biên cương sẽ bị xâm lược, thậm chí là quốc gia có thể bị xâm chiếm. Vì vậy, vua mà sỉ nhục bề tôi sẽ chiêu cảm đến hậu quả là chẳng ai chịu dốc sức cho nhà vua. Mà đoạn này là một vị quan khuyên quốc vương của mình đã nói ra. Vị quan này tên là Hổ Hội, ông khuyên quốc vương cũng vô cùng khéo léo. Chúng ta xem vừa mở đầu của trang này đã nói đến, “Triệu Giản Tử thượng dương trường chi phản”, quốc vương của nước Triệu là Triệu Giản Tử, ngay lúc ông muốn đi lên con đường trên triền núi, con đường trên triền núi này chật hẹp, rất khó đi. Các vị quan khác liền nhanh chóng “thiên đản”, nghĩa là xắn tay áo lên, cùng nhau đẩy giúp chiếc xe. Mà chỉ có Hổ Hội không chịu đẩy xe, chỉ là cầm binh khí của mình là cái kích, tiếp tục đi không chịu giúp, vừa đi vừa hát không giúp sức, vẫn ca hát, làm cho mọi người cảm thấy khó chịu. Kết quả, Giản Tử nói với Hổ Hội, “tất cả các vị quan đều đẩy chiếc xe, duy chỉ có một mình ông cầm binh khí là cái kích, vẫn ca hát không chịu giúp sức, như vậy có phải Hổ Hội nhà ngươi có là một vị quan vì người khác không?”. Không cung kính quân vương mà còn hủy nhục quân vương, hơn nữa ông là bề tôi hủy nhục quân vương, lo ca hát không chịu giúp sức. “Kỳ tội hà nhược”, hủy nhục quốc quân sẽ bị tội gì? Rốt cuộc Hổ Hội nói: “Đối viết vi nhân thần nhi hủy kỳ chủ giả, tử nhi hựu tử”, đáng xử tội chết muôn lần. Giản Tử nghe xong rất hiếu kỳ, cái gì gọi là tội chết muôn lần, liền hỏi “hà vị tử nhi hựu tử?”. Hổ Hội tiếp tục nói, “tử nhi hựu tử”, nghĩa là bản thân đã chết rồi thì cả vợ và con đều cũng bị xử tử theo, bởi vì tội này quá nặng, hủy nhục quân vương. Tội “nhược thị vị tử nhi hựu tử”. Đương nhiên Triệu Giản Tử nghe xong liền đồng ý, không nên hủy nhục quốc quân. Triệu Giản Tử rất vui, Hổ Hội liền nắm lấy cơ duyên này, rất lanh trí, liền nắm bắt cơ duyên này, tiếp tục nói với quốc vương. “Quân ký dĩ văn vi nhân thần nhi hủy kỳ chủ giả chi tội hỷ?”, thưa quốc vương, ngài vừa nghe cái tội là bề tôi hủy nhục nhà vua đáng xử tội tử nhi hựu tử, bây giờ ngài có đồng ý hay không? “Quân diệc văn vi nhân quân nhi nhục kỳ thần giả hồ”, ngài có nên nghe hay không, là vị vua hủy nhục bề tôi thì kết quả như thế nào? Đã nghe tội bề tôi hủy nhục quốc quân, nhân cơ hội liền nói, “thưa quốc quân, ngài có cần nghe quốc quân hủy nhục bề tôi thì sẽ như thế nào không?”. Ngay lập tức, “Giản Tử viết, hà nhược?”, đương nhiên Giản Tử nhân tiện nghe như vậy thì rất hiếu kỳ, vậy thì sẽ như thế nào? Chính là điều chúng tôi vừa nói, “hủy kỳ thần”. Kết cuộc là, “trí giả bất vi vị biện giả bất vi sử, dũng giả bất vi đấu”, xã tắc sẽ nguy nan, việc ngoại giao sẽ không thuận lợi, biên cương sẽ bị xâm chiếm. Không có ai chịu xuất hiện, cuối cùng quốc gia bị thất bại diệt vong. Thuận Tử nghe xong điều này, Hổ Hội rất khéo léo thông qua cơ duyên đẩy xe, đem đạo lý quốc vương không thể hủy nhục bề tôi nói thấu đáo cho Giản Tử, đều nói ra hậu quả nghiêm trọng. Kết quả, Giản Tử nghe xong liền khen, “tốt, nói rất hay”, “nãi dĩ Hội vi  thượng khách”, vô cùng tôn sùng Hổ Hội, cuối cùng là trọng dụng ông. Điều này là khuyên quân vương phải có trí huệ thiện xảo phương tiện. Hôm nay chúng tôi giảng đến câu này, xin cám ơn mọi người!

HẾT TẬP 40 – Xin xem tiếp tập 41 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!