Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 16

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 16

Một số trưởng giả ở Malaysia chúng ta là tấm gương rất tốt, như thầy hiệu trưởng Thẩm Mộ Vũ, làm hiệu trưởng bảy mươi năm. Có lẽ nên đăng ký xin ghi kỷ lục thế giới, có lẽ không có ai nhiều thời gian làm hiệu trưởng như ông vậy. Ông đã chín mươi bảy tuổi rồi. Chúng tôi rất may mắn được đến bái kiến hiệu trưởng vài lần, thật sự nhận được giáo dục. Một vị trưởng giả chín mươi bảy tuổi nhìn thấy chúng tôi mà rất vui, còn đàn hát bài “Kháng Nhật yêu nước”. Chúng tôi cùng nhau hát.

Các vị xem, một vị trung can nghĩa đảm, chín mươi mấy tuổi nói chuyện với chúng tôi, “làm lão sư là ngành nghề ít có tiền đồ nhất”. Chữ “tiền” ở đây nghĩa là tiền bạc, nhưng mà đích thực là ngành nghề quan trọng nhất, ngành nghề ý nghĩa nhất. Bởi vì lão sư là người truyền đạo, văn hóa mới có thể truyền tiếp đi. Văn hóa không được truyền thì tố chất của một dân tộc ba mươi năm có thể từ việc xem trọng hiếu đạo, đến hiện tại những hành vi giết cha hại mẹ đều đã xuất hiện hết rồi. Chỉ một đời không truyền mà lại nghiêm trọng đến như vậy.

Chúng ta cứ bình tĩnh mà xem, chính là trong ba mươi đến năm mươi năm nay đã lơ là luân lý đạo đức, bất hiếu cha mẹ, không tôn trọng sư trưởng, trưởng bối. Khi chúng tôi còn nhỏ, các chú các dì đến nhà tôi thì mau mau đi hầu việc rót trà. Hiện tại, các chú các dì đến thì không hề nhúc nhích gì cả, cứ ngồi xem tivi, rồi quay đầu nhìn ra cười một cái, rồi lại quay vào xem tiếp. Kết quả, khi tôi nói thì có một vị phụ huynh nói: “Ồ, chúng có thể cười với anh một cái là hay lắm rồi đó!”, có đạo lý này hay không? Nghe ra thì có đạo lý, kỳ thực căn bản là không có đạo lý. Thế hệ này chúng trơ ra như vậy, xin hỏi thế hệ sau nữa như thế nào? Thế hệ sau nữa khi chú dì tới nhà, bọn trẻ sẽ không nhúc nhích, đầu cũng không ngoảnh lại, dì sẽ phải đi rót nước mời nó, “người bạn nhỏ à, mời bạn uống nước”. Có khả năng đời sau lại biến thành như vậy hay không? Tôi nói với các vị là không thể nào, bởi vì như vậy thì không giống con người. Ông trời sẽ đem những người không giống người gom đi hết. Thời đại này phải bình tĩnh lại: “Người tính không bằng trời tính”, mỗi một người đang buông lung dục vọng đều cảm thấy họ có rất nhiều phước báo, đều cảm thấy họ được bao nhiêu tuổi thọ, nhưng mà các vị xem hiện nay bên cạnh chúng ta biết bao sự tình ba bốn mươi tuổi ung thư. Sự vô thường của rất nhiều sinh mạng tấn công vào tim, gan, phổi, thận, tỳ, mật, nhưng mà hậu quả đó đều là do tự mình chiêu cảm tới, trách ai bây giờ. Cái đạo dưỡng sinh, Lão Tử nói “Tam Bảo”, là “từ” của từ bi. Người từ bi thì sống thọ, người nhân từ sống thọ. “Tiết kiệm”, người càng tiết kiệm thì càng sống lâu, vì sao vậy? Họ không xài hết phước. Vốn là sống được bảy mươi tuổi nhưng vì phước dùng không hết nên kéo dài thêm được hai mươi năm nữa. Hết lộc rồi con người mới phải đi. Phước báo của họ không hưởng hết thì họ sẽ còn sống nữa.

Tiếp đến là “hòa khí”. Người hòa khí sống lâu vì không tổn hại thân tâm mình, người bạo ngược thì yểu mạng. Có thể mọi người vừa nghe lại nói: “Ồ thấy một người nào đó tính khí rất xấu mà sống đến chín mươi tuổi”. Tôi nói với các vị, nếu người đó tính khí tốt thì sẽ sống tới 101 tuổi. Không nên so sánh như vậy, không có trí huệ có phải không? Người kia tham ô hối lộ kết quả thì lại có rất nhiều tiền, nếu người đó không tham ô hối lộ thì càng có nhiều tiền hơn. Nhưng mà mọi người phải nên biết, có thể bây giờ họ có nhiều tiền, đến lúc nào đó sự việc bại lộ thì không phải là họ bước chân vào tù rồi hay sao. Con người hiện nay có lúc không biết xem trước ngó sau, không biết nhìn xa, chỉ biết nhìn cái gì? Nhìn cái trước mắt. Đó là cái lợi nhỏ bé.

Tiếp đến, đạo lý của sống thọ là “từ”, “kiệm”, “hòa”. “Hòa” của hòa khí, biết nhường nhịn, biết lấy đại cục làm trọng, bao dung. Trong “Tam Bảo” của Lão Tử nói: “Không dám đi trước thiên hạ, không tranh với người ta, dĩ hòa vi quý”. Còn một điểm nữa đó là kính. Biết cách lúc nào cũng giữ tâm thanh tịnh, tâm có thể an định trở lại. Nhân tâm có thể thường tịnh được trở lại thì vọng niệm của con người sẽ ít, sự hao tổn thân tâm cũng ít. Cho nên vào những năm đầu Dân Quốc, rất nhiều cao tăng họ biết tiết chế giữ tâm thanh tịnh. Các vị biết Hư Vân Lão hòa thượng, vừa nhập định là mấy tuần liền. Trong lúc định thì căn bản là không ăn gì cả, không tiêu hao năng lượng. Cho nên, con người ý niệm vọng niệm càng ít, về sau có lẽ là không cần ăn ngày ba bữa nữa, ăn hai bữa là cũng đủ, sau cùng luyện đến ngày ăn một bữa là được. Rất nhiều người tu dưỡng tốt, thật sự là mỗi ngày một bữa.

Sư công của chúng ta, Ngài Lý Bỉnh Nam lão sư ngày ăn một bữa, lượng công việc của Lão sư ngài bằng với lượng công việc của năm – ba người, nhưng mà Ngài chỉ ăn có một bữa, lại không đói. Đây đều là biểu diễn cho chúng ta xem, là một tấm gương rất tốt. Cho nên: “Vi phúc bất vi mục”, trở về những thứ căn bản của cuộc sống là được rồi, không phải là buông theo dục vọng.

Vừa rồi đã nói qua với các vị là cả một sự nhận biết đối với giá trị quan của cuộc sống. Nâng cao linh tánh là quan trọng. Trí huệ có thể mang theo, sự nâng cao của linh tánh mang theo được.

Chúng ta xem trong những câu chuyện về “đức dục”, rất nhiều người cả đời hiếu thuận cha mẹ chồng, lúc lâm chung có thiên nhân đến rước, còn cử cả tấu nhạc. Việc này trong “Sử Thư” cũng có ghi chép. Kỳ thực những sự thực này đều bày ra ở ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta có thấy con chó, có thấy con mèo, có thấy hay không, chúng cũng là có linh tánh. Các vị xem, mắt của con chó có khác chúng ta nhiều hay không? Tôi cảm thấy khác không nhiều lắm. Nhưng mà vì sao chúng lại làm chó, chúng ta vì sao làm người? Con người kỳ thực là rất đáng tiếc, được cái thân người của “thiên – địa – nhân” tam tài, ngược lại bị dục vọng làm chướng ngại mất. Thân người quý giá như vậy mà lại dùng vào việc đọa lạc, cho nên phải giữ cái có thể giữ được là đức hạnh, tạo phước cho đời sau, tạo phước cho xã hội.

Tất cả người Malaysia có ai mà không biết Thẩm hiệu trưởng, ai không cảm ân ông. Đó là “lưu chút lòng son chiếu sử xanh”, nỗ lực cho cái giữ lại được và còn tích công lũy đức. “Nhà tích thiện tất nhiều điều may”, phải bảo hộ cho con cháu đời sau của mình.

Sau cùng Lão tử có nói: “Cố khứ bỉ”. Chữ “bỉ” này là chỉ dục vọng, sự tham muốn đối với âm thanh màu sắc. Sự dụ hoặc của bên ngoài phải biết cách buông bỏ, không nên tham trước. Còn “thủ thử” thì chữ “thử” này nghĩa là gì? Dùng cách nói của Đạo gia là phản phác quy chơn, trở lại nguyên trạng, trở lại bổn thiện của tánh đức, chính là “nhân chi sơ tánh bổn thiện”. “Đại học chi đạo tại minh minh đức”, hồi phúc lại sự minh đức vốn có của chính mình. Đây là sự việc có ý nghĩa nhất của đời người. Mà “minh đức” trên thực tế là vốn có sẵn, nhưng vì bị tập khí chướng ngại mất, gọi là “nếu không dạy thì tính tình sẽ thay đổi”.

Chúng ta đọc nhiều sách như vậy phải chú ý, chúng ta ghi nhớ nhiều câu Kinh như vậy, giả như không phải là quy về việc dụng công ở trên tâm tánh, vậy thì phiền phưc rồi. Nhớ được nhiều thì lại ngạo mạn, đi đâu cũng nhìn vào lỗi lầm của người khác, cái tâm đó ngày ngày đều săm soi lỗi của người khác, nhìn thấy người ta không vừa mắt. Đối với học vấn, đối với linh tánh đã không có giúp ích mà lại còn có hại. Mạnh Tử có một câu nói rất quan trọng: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỷ”. Tâm của chúng ta đi đâu rồi? Tâm của chúng ta tham đắm vào trong ngũ sắc rồi, tham vào trong ngũ âm, tham trong ngũ vị rồi, tham vào trong những sự dụ hoặc của bên ngoài, tinh thần đều hao tổn vào trong những thứ này, vào trong sự theo đuổi vật chất, linh tánh càng ngày càng đi xuống. Chúng ta biết cách buông bỏ dục vọng, buông bỏ tập khí tham – sân – si – mạn, danh văn lợi dưỡng. Những thứ tham cầu này đều đã buông bỏ hết rồi thì tánh đức vốn có sẽ dần dẫn thấu lộ ra bên ngoài. Cho nên dục vọng được ví như mây đen, vén mây ra sẽ thấy mặt trời. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ. Con người càng ngày càng sáng suốt thì trí huệ càng ngày càng cao, sự thanh tịnh đều từ buông bỏ dục vọng là được. Cho nên câu nói này là chúng ta buông ở trên việc tu học linh tánh của chính mình.

Kỳ thực, “ngũ sắc khiến cho con người mờ mắt” này, giả như chúng ta đều chăm chú vào bên ngoài, vào trong người, sự vật sự việc, kỳ thực sẽ tham trước vào những cảnh giới bên ngoài này. Vừa tham trước thì liền bị ô nhiễm, cho nên cần phải đem những sự tham trước này buông bỏ, phải thu nhiếp lại tất cả tinh thần, để cho con người mình thường xuyên được tịnh trở lại. Cũng phải nhắc nhở chính mình duyên ở trong cảnh giới này cũng không thể tham trước. Ví dụ như nói ăn cơm thì có tham trước hay không? “Ồ ngon quá, ăn thêm một chén nữa”, có phải không? Vậy thì càng ăn tâm tham sẽ càng nặng. Có thể chuyển cái niệm đó, dùng tâm cảnh gì để ăn cơm? Là tâm cảm ơn chứ không phải là dùng tâm tham để ăn cơm. Cảm ơn bác nông phu, chúng ta mỗi một ngày trước lúc ăn cơm đều niệm bài kệ cảm ơn. Việc đọc bài kệ cảm ơn đó chính là: “Khứ bỉ thủ thử”, gạt bỏ đi tâm tham, trở về lại tâm cảm ơn vốn có. Vậy thì sẽ không bị những ngoại cảnh này, những cảnh giới này làm ô nhiễm.

Ví dụ như nói hôm nay chúng ta làm một người lãnh đạo có bị ô nhiễm hay không, có bị nhiễm tác phong quan liêu hay không? Nói chuyện với người ta rất là ngạo mạn, có lúc còn mắng người, sau khi mắng người rồi còn thêm một câu nói nữa là “tôi là vì muốn tốt cho anh thôi”. Mọi người hãy bình tĩnh mà suy nghĩ, không trầm luân ở trong thế gian hào hoa này nói thì dễ làm thì khó, phải biết rõ ràng trong mỗi một cảnh giới đều không tham trước.

Các vị xem, các em nhỏ các vị cho nó làm lớp trưởng được một tuần thì đi lại đã oai phong rồi phải không? Các em nhỏ đã như vậy, chúng ta sao không phải chứ. Cho nên “Đệ Tử Quy” cũng là để cho chúng ta quay về với bổn thiện, “đối với người, thân đoan chánh. Tuy đoan chánh, lòng độ lượng”. Đối đãi với những người cấp dưới phải yêu thương. Khi làm một người lãnh đạo thì tâm trách nhiệm tâm yêu thương của người đó sẽ không ngừng mở rộng, làm lãnh đạo càng ngày càng có đức hạnh. Cho nên vấn đề không phải ở bên ngoài mà là ở tâm của chúng ta có biết khéo dụng cái tâm đó hay không. Nếu khéo dụng thì trong mỗi vấn đề về người sự và vật đều nâng cao linh tánh, không khéo dụng thì trong mỗi một cảnh giới linh tánh đều bị đọa lạc đi xuống. Đây là câu thứ năm.

Chúng ta xem tiếp câu kế tiếp. Đương nhiên Lão Tử nói với chúng ta câu nói này là nhắc nhở chúng ta phải trở lại nguyên trạng. Vừa rồi nói đến việc ăn uống, nghe và cả vui chơi, phải từ từ luyện công phu, từ từ phai nhạt, từ từ buông bỏ, nhất định là sẽ cảm thấy thân tâm ngày một khinh an. Chúng ta xem, cũng là quyển thứ bảy, trang 912. Ở đây còn một câu ở phía trước là ở trang 911, trước tiên chúng ta hãy đọc qua câu này một lần. Chúng ta cùng nhau đọc một lần, như vậy sẽ có ấn tượng sâu hơn. Chúng ta cùng đọc:

“Cố loạn quốc chi chủ, vụ ư quảng địa, nhi bất vụ ư nhân nghĩa, vụ ư cao vị, nhi bất vụ ư đạo đức, thị xả kì sở dĩ tồn, nhi tạo kì sở dĩ vong dã”.

Con người không biết đem đạo đức làm cho rõ, tất cả sự nỗ lực đều trái dự kiến ban đầu, vậy việc này không rõ lý thì không được. Cuộc đời con người bước đi dài hay ngắn không phải là quan trọng nhất, phương hướng phải đúng, nếu không tất cả sự nỗ lực cùng với hạnh phúc của cuộc đời sẽ đi ngược lại. Cho nên đoạn thoại này chúng ta xem thấy những vị quân vương khiến cho đất nước bị động loạn này, họ không phải là người khéo trị nước, vấn đề là nằm ở đâu? Chỉ biết chăm lo cho việc mở rộng địa bàn quốc độ của mình mà không dụng tâm chính mình học tập nhân nghĩa, cùng việc dùng nhân nghĩa để giáo hóa nhân dân, thực đều là theo đuổi dục vọng của mình. Dốc hết sức để chiếm cứ địa vị quyền lực cao cho họ, chứ không dốc sức vào việc tu dưỡng đạo đức. Mà việc này là đã vứt bỏ đi sự trường tồn cho quốc gia của họ, vứt bỏ đi điều kiện của sự trị an lâu dài, ngược lại đã gây tạo ra điều kiện cho sự diệt vong. Từ chỗ này có thể nhìn thấy, con người có phúc phần mà không có đức hạnh và trí huệ, vậy thì thật sự là đáng thương và cũng rất ngu muội. Chỗ tạo tác đều là khiến cho chính mình bị hủy diệt, khiến cho đất nước bị hủy diệt. Từ câu nói này, chúng ta cũng cảm thấy được điều quan trọng nhất của một quốc gia là đạo đức nhân nghĩa. Có đạo đức nhân nghĩa rồi thì tâm của mỗi người đều an, gia đình của mỗi người đều hạnh phúc. Gia đình là tế bào của xã hội, làm gì có thể xã hội không yên, đất nước không hưng thịnh.

Trong “Lễ Ký” có một câu nói rất là sâu sắc: “Kiến Quốc Quân Dân”. Xây dựng đất nước, lãnh đạo nhân dân, giáo hóa nhân dân thì giáo dục xếp ở vị trí số một. Từ xưa tới nay, mấy nghìn năm lịch sử, tất cả những người làm chính trị đều biết cái đạo lý này, cho nên dưới quyền tể tướng thì bộ phận nào là quan trọng? “Tư Đồ”, là bộ giáo dục quan trọng nhất. Họ đều biết. Từ trong gia đình mà nói thì cái gì là quan trọng nhất? Truyền thừa gia đạo, gia quy, gia giáo là quan trọng nhất. Biết trước biết sau, có đầu có đuôi.

Hiện tại một gia đình cái gì là quan trọng nhất? Là tiền, là kiếm tiền. Vì để kiếm tiền, con cái có thể giao cho bảo mẫu, có thể giao cho truyền hình dạy dỗ, vậy bảo mẫu và chiếc truyền hình có thể dạy con cái được tốt hay không? Không có suy nghĩ qua vấn đề này, kiếm tiền trước đi đã rồi tính. Hiện tại một đất nước thì xem trọng nhất là sự việc gì? Làm kinh tế, cái gì cũng kinh tế là quan trọng nhất. Thẳng thắn mà nói việc dốc sức làm kinh tế nếu như không có đức hạnh, sau khi kinh tế đã phát đạt, xã hội lại dụ hoặc quá nhiều, nhân tâm đều sẽ trầm luân. Vả lại, cứ ra sức làm kinh tế mà không nghĩ đến sự cân bằng tự nhiên thì sự phá hoại sẽ càng nghiêm trọng. Vì vậy: “Giáo học vi tiên”. Giáo huấn này rất là sâu sắc.

Chúng ta xem một chút, cả đoạn này trước sau nói đến trong trang 911. Nói đến: “Quốc chi sở dĩ tồn giả”, nghĩa là một quốc gia có thể trường tồn, tồn tại được tốt. “Đắc đạo dã”, dùng đạo lý trị nước chính xác để mà trị vì. Mà cái đạo trị quốc này, thanh liêm là quan trọng, nhân tài là quan trọng. Đây đều là mấu chốt trị quốc quan trọng.

Cả bộ “Quần Thư Trị Yếu” đều là nói về đạo lý trị nước, đều là học vấn về “tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”.

“Sở dĩ vong giả, lý tắc dã”, đất nước vì sao lại bị diệt vong? Không hiểu đạo lý trị nước, đạo lý đều không thông hiểu, thậm chí là sai lầm. “Cố đắc sanh đạo giả”, họ thật sự là có đạo trị nước rồi. “Tuy tiểu tất đại”, cho dù hiện tại là một nước nhỏ, từ từ sẽ biến thành nước lớn. Mà cái lớn này cũng không phải là do họ cố tình lớn, không phải thổi phồng cho nó lớn, mà là những người lân bang bội phục quốc gia này. Cả xã hội được an định, cho đến bội phục sự tu dưỡng của người lãnh đạo, tự nhiên sẽ đến để noi theo nương tựa vào người đó, quy thuận người đó. Cho nên đời nhà Thương: “Thang thất thập lý vương thiên hạ, Văn Vương bách lý nhi vương thiên hạ”. Thương Thang đất nước của ông chỉ có bảy mươi dặm, rất nhỏ. Sau đó mấy trăm năm chư hầu đều bội phục đức hạnh của ông, hết thảy đều quy phục. Ông làm vua thiên hạ, thiên hạ quy lòng, cho nên gọi là thiên tử, thay trời hành đạo. Văn Vương là 100 dặm, sau cùng cũng là nhà Chu thống nhất thiên hạ, “tuy nhỏ nhưng tất sẽ lớn”. “Hữu vong trưng giả”, đất nước này có những cách làm không thỏa đáng, là điềm báo của diệt vong. “Tuy thành tất bại”, cho dù hiện tại dường như thực lực kinh tế của họ cũng rất là tốt, dường như cũng rất là thành công, nhưng mà chỉ cần phương pháp phương thức trị vì đất nước bị sai lầm thì sớm muộn gì cũng sụp bại.

Kỳ thực, chúng ta xem hiện tại giới doanh nghiệp hiện tượng lên xuống thay đổi nhanh chóng rất nhiều, số lượng rất là nhiều. Mới một năm mà đã thay đổi hơn một nữa, toàn bộ đều không còn như ban đầu nữa. Nếu không phải là lãnh đạo buông lung dục vọng thì cũng là dùng cách phạm pháp mà bị bắt. Mà những doanh nghiệp lớn, trong nhiều năm trước chúng tôi ở tại Đại Lục đã nghe được một con số. Những doanh nghiệp lớn bình quân tuổi thọ bảy đến tám năm, doanh nghiệp trung bình nhỏ tuổi thọ là 2,9 năm. Các vị xem, khi nó đang rất hưng vượng thì đã có hiện tượng suy bại hiện ra chưa? Người thật sự rõ lý vừa nhìn đã xác định là thấy bại rồi. Nó bây giờ có dễ nhìn hơn đi nữa cũng không có tác dụng gì, “tuy thành rồi tất bại”. Chỉ cần những người lãnh đạo này ngạo mạn, không nghe lời khuyên, thích làm lớn, thích công to, nhất định bại, không có sự may mắn ở đây. Cho nên đạo lý quan trọng của việc kinh doanh sự nghiệp nhất định phải dạy lại cho đời sau.

Trong quyển “Đại Học” nói: “Đức giả bổn dã, tài giả mạt dã”. Những việc chính phụ trước sau họ đều không rõ thì họ làm sao chăm lo cho gia đình, họ làm sao kinh doanh sự nghiệp chứ. Cuộc đời của họ sẽ có rất nhiều gian nan, thậm chí là họ căn bản cũng không nắm rõ được vấn đề nằm ở đâu. Vì vậy chúng ta theo đuổi công việc giáo dục thì không thể không nhìn ra được những tình trạng này. Con cái của chúng ta về sau nếu như vậy thì xã hội có thể hạnh phúc được hay không, chúng phải nên có đủ những tư tưởng gì, như vậy thì chúng ta mới là người “truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc” chứ. “Quốc chi vong dã”, đất nước này đi đến chỗ diệt vong. “Đại bất túc thị”, không phải nói nó lớn rồi thì nó sẽ không bị đổ, lớn cũng không đáng tin. Một khi đã mất đi lòng dân rồi, một nước lớn cũng có thể trong một đêm là bị sụp đổ. Một doanh nghiệp lớn mà không phù hợp với đạo đức, cũng có thể trong một đêm là sụp đổ. “Đạo chi hành dã”, cá nhân người này hoặc là quốc gia đoàn thể là do tuân theo đạo mà làm. “Tiểu bất khả khinh”, họ tuy rằng hiện nay là nước nhỏ, bạn cũng không thể xem thường họ. “Cố tồn tại đắc đạo”, có thể trường tồn là do họ thuận theo thiên đạo, thuận theo thiên lý. “Bất tại ư tiểu”, không phải vì họ nhỏ họ còn có thể phát triển mà là vì họ thuận theo thiên đạo. “Vong tại thất đạo”, diệt vong là bởi vì rời xa với chánh đạo. “Bất tại ư đại”, không phải vì họ là một nước lớn mà họ sẽ bị diệt vong, không phải vậy. Mối quan hệ nhân quả quan trọng nhất vẫn là ở được đạo mà mất đạo. Nước là như vậy, gia đình, cá nhân mỗi người hết thảy cũng vậy. Cho nên từ gia đình mà nói: “Cần kiệm là gốc của việc trị gia”.

Hiện tại, một gia đình hai vợ chồng trẻ thì coi trọng ở cần và kiệm phải không? Trung hiếu là gốc của việc tề gia, tích thiện là gốc của việc truyền gia, cẩn thận là gốc của việc bảo gia, hòa thuận là tề gia, “gia hòa vạn sự hưng”. Và còn: “Kinh thư là gốc của khởi gia”, vẫn là phải hiểu được đạo lý nhân sinh thì gia đạo của bạn liền hưng thịnh.

“Tổ tông quá vãng đã lâu nhưng cúng tế không thể không thành tâm, con cháu tuy ngu nhưng Kinh sách thì không thể không đọc”. Chúng phải hiểu được việc làm người thì gia đạo chúng ta mới có thể truyền thừa trở đi. Chữ “cố” này ở đây là câu Kinh văn chúng tôi đã chọn ra, “Cố loạn quốc chi chủ, vụ ư quảng địa, nhi bất vụ ư nhân nghĩa”, đó ngược lại là tự tìm đến diệt vong. “Vụ ư cao vị, nhi bất vụ ư đạo đức”, là “xả kỳ sở dĩ tồn nhi tạo kỳ sở di vong dã”. Những sự nỗ lực của họ cùng với mục tiêu của họ đã hoàn toàn ngược nhau.

Chúng ta hãy bình tĩnh mà quan sát cái xã hội này, chúng ta rất bận rộn nhất định cũng không bằng tổ tiên trong mấy nghìn năm lịch sử. Chúng ta vất vả hơn họ. Chúng ta hãy suy nghĩ thử xem, mấy nghìn năm nay cha mẹ trong thời đại nào là mệt nhọc nhất, là thời đại nào? Là thời đại này. Vậy con cái của thế hệ nào dạy dỗ tệ nhất? Là thời đại này. Làm sao lại như vậy, được đạo hay là mất đạo? Bạn đảo lộn đầu đuôi hết rồi thì bạn có nỗ lực như thế nào hiệu quả cũng có hạn. “Đức giả bổn dã, tài giả mạt dã”, không thể nào đảo lộn được. Nếp sống khi chúng ta còn nhỏ, ba mươi mấy năm trước đều là “học cho tốt để kiếm được nhiều tiền”, là học ngành nào kiếm được nhiều tiền nhất. Từ nhỏ thì giá trị quan của chúng ta đều là kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền. Có một ca khúc hát là “money”, dạy hát như vậy. Sai lệch rồi, cái gốc đã quên mất rồi, bỏ gốc lấy ngọn, dạy không được tốt.

Coi trọng việc cho con học đàn, học tài nghệ, “đức” thì sao? “Đức” là gốc. Vả lại tài là chỗ dùng của đức, họ giả như không có “đức” rồi, tài có cao đi nữa thì đối với gia đình, đối với xã hội thì sự tổn hại có thể lớn hơn. Hiện tại nghe nói có rất nhiều tập đoàn lừa gạt, trong số họ có rất nhiều người đều đều tốt nghiệp nghiên cứu sinh, nếu không thì năng lực của họ cũng không biết đi đến đâu. Chúng ta không xem trọng đức, muốn nuôi dạy ra những đứa trẻ có thể trở thành một đứa con tốt hay không, làm một người công dân tốt hay không? Chúng ta phải kỹ càng quan sát, không nên chạy theo những nếp sống, những trào lưu, việc này nếu nỗ lực nhưng kết quả vẫn là trái ngược. Cho nên con người trong thời đại này của chúng ta phải lắng lòng mà suy nghĩ, dân tộc của chúng ta đã chịu biết bao nhiêu khổ nạn rồi. Hiện tại, xã hội gia đình thật sự là “mỗi nhà đều có một quyển Kinh khó đọc”. Khổ nạn từ đâu mà đến vậy? Vẫn một câu nói cũ, đó là “không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Chúng ta ngay cả đạo đức nhân nghĩa hiện tại đều không nắm được rõ ràng, không biết đạo nằm ở đâu, thì làm sao biết được mình đi có đúng đường hay không. Cho nên con người hiện nay nỗ lực như vậy, vất vả như vậy, kết quả là chỉ số hạnh phúc lại mỗi ngày một giảm, kết quả của sự nỗ lực đều không phải là một kết quả tốt.

Hiện tại có rất nhiều gia đình hai vợ chồng học được văn hóa truyền thống, liền bắt đầu điều chỉnh. Có một số bà mẹ trông con, hành vi đã bắt đầu tương đối không còn ổn định được rồi, xả bỏ tiền bạc, xả bỏ kim tiền, xả bỏ công việc, về với gia đình. Thật sự làm cho những thanh thiếu niên này chân thật cảm động, kéo trở ra từ trong con đường lầm mê. Hiện tại mà không kéo, cuộc đời này vẫn còn cơ hội để kéo nữa hay sao? Là tiền lương quan trọng hay là sự hạnh phúc và nhân cách của con cái quan trọng hơn? Trí huệ của đời người, lương tri của đời người có thể nhìn thấy được ở đâu? Thấy được ở “hạ quyết tâm”. Nhưng có một điểm thú vị, sau khi người vợ trở về, thu nhập cũng không thấy ít đi, vì sao vậy? Người vợ ở nhà, ăn uống do vợ nấu, con cái thì vợ lo, cái ăn cái dùng trong gia đình, các loại chi phí đều được tiết kiệm. Mọi người chú ý, nếu ra ngoài ăn không phải chỉ có một người mà cả nhà ăn. Khi vợ ở nhà mọi thứ cuộc sống đều có người vợ lo liệu, tiết kiệm được rất nhiều tiền. Còn nữa, con cái và người chồng sẽ khỏe mạnh. Ăn uống ở bên ngoài cũng không biết là đã ăn vào bao nhiêu chất béo, sau đó sức đề kháng của trẻ không tốt, mỗi năm bị cảm mấy lần, năm – ba lần, rất nhiều, thường bế đến bệnh viện, lại còn tốn tiền. Nếu được cha mẹ chăm lo tốt, sức miễn dịch tốt, chi phí điều trị sẽ tiết kiệm không ít. Cái này không dễ tính, có thể muốn tính cho kỹ thì cũng phải dùng đến thời gian hai ngày, vì phải tính toán cho kỹ.

Sau cùng phải nghĩ đến một câu nói: “Người tính không bằng trời tính”. Cho nên trong thời đại này, lắng tâm mà suy nghĩ phải nên quay đầu trở lại. Chúng ta nhìn thấy bên Nhật Bản, có một số người cũng xem như là những người đã giác ngộ được, họ đã viết “Minh trị duy tân là sai lầm”. Đây là một dân tộc họ đang tỉnh ngộ. Trước khi Minh Trị duy tân đều là cảm thấy đó là sự quang vinh của họ, sau khi Minh Trị duy tân nhân tâm đều “bùm” một phát, tất cả đều theo đuổi danh lợi. Đó là trọng điểm, các vị xem đã tỉnh ngộ chưa? Nếu tỉnh rồi thì chúng ta không nên đi con đường sai đó nữa.

Thật sự là mấy năm nay là thời gian cả nhân loại đang thức tỉnh, đang phản tỉnh trở lại. Cứ tiếp tục như vậy thì cả đại tự nhiên, căn bản là gánh vác không nổi nữa. Vừa rồi có cảm thấy giật mình hay không, có phải không. Định lực chưa đủ. Việc này cho chúng ta sự khảo nghiệm, kiểm tra định công của chúng ta đã đến đâu rồi. Một người đột nhiên nói: A! Làm tôi giật cả mình”, như vậy là tâm đang rất dao động, suy nghĩ này nọ, tâm thần bất an, cho nên người ta vừa xuất hiện thì bạn lại giật mình. Người ta làm bạn giật mình thì phải “phản cầu chư kỷ”. Đương nhiên khi bạn làm người ta giật mình thì cũng phải “phản cầu chư kỷ”. Bị làm cho giật mình là tâm của bạn chưa đủ định. Cho nên cần phải cảm ơn tiếng “bùm” vừa rồi, chứng tỏ chúng ta nội công vẫn chưa đủ, phải dụng công cho tốt. Cho nên chúng ta là cảm nhận được hiện tại rất nhiều quốc gia dân tộc đều là hồi quy, quay về với “đạo”, nhưng mà cảm giác vẫn là có một chút quá muộn. Chẳng qua lão tổ tông đã nhắc nhở chúng ta: “Mất mới lo làm chuồng”, nhắc nhở chúng ta “tà không thể thắng chánh”, “chí thành cảm thông”, “chí thành như thần”, “nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Họ không có cơ hội được nghe giáo huấn của lão tổ tông, vừa được nghe thì “lãng tử quay đầu còn quý hơn vàng”.

Chúng ta xem thấy tại Trung Quốc Đại Lục, nhiều doanh nhân như vậy vốn dĩ là chìm đắm trong dục vọng, các vị xem họ vừa hồi đầu thì tinh thần đó của họ quả là cảm động người ta, đã thức tỉnh được biết bao lương tâm của con người. Cho nên chúng ta là có lòng tin, cả nhân loại trở về với chánh đạo. Luân lý đạo đức đều bắt đầu từ chính mình mà làm, từ tâm của ta bắt đầu làm, từ nhà của mình bắt đầu làm, từ khu vực của mình mà làm.

Chúng ta xem câu tiếp theo, nằm ở quyển thứ 10, trang 1.265. Đây là một áng văn chương trong thể luận: “Nhân chủ chi đại hoạn”.

Một người lãnh đạo vì người khác; một người chủ của doanh nghiệp thậm chí chủ quản đơn vị, cho đến cha mẹ trong một gia đình. Chữ “đại hoạn” là đại gian nan khốn khó, không có gì hoạn nạn hơn là hư danh. “Phùng má giả làm người mập”, tất cả sự nỗ lực. Tất cả gia đình cũng vậy, đoàn thể cũng vậy, toàn bộ tinh lực dùng vào trong hư danh, làm bề ngoài cho người khác xem. Cũng như xây nhà vậy, cây cột còn chưa dựng chắc chắn mà đã tô phết bên ngoài cho thật đẹp, cơn bão vừa ập đến thì có thể đổ sụp xuống. Lòng người hiện nay chính là quá vì cái trước mắt, cái gì cũng đều muốn để cho người ta lập tức nhìn thấy hiệu quả. Những thứ mà lập tức nhìn thấy được hiệu quả đó căn bản là không vững vàng được.

Tôi nhớ năm đó khi tôi còn ở trường có dạy môn tự nhiên, cũng nhận biết được rất nhiều thực vật, phát hiện ra rất nhiều con đường đều trồng một loại cây. Loại cây này lớn lên rất nhanh. Vì lớn nhanh nên cũng nhanh thấy được độ cao lớn của cây, kết quả sau đó thì như thế nào? Cây thì trồng ẩu trồng đại, đất chỉ đào bới cạn cợt, đã vậy cây lại rất là yếu, gió bão vừa tới thì cành lá đều đổ ngã, có lúc còn đè lên cả người ta. Các vị xem, nhân tâm hiện tại đều chỉ biết làm công phu bên ngoài, sinh ra một đống vấn đề.

Ngày trước xây cầu rất kiên cố, lòng người nhân hậu. Xây cây cầu Triệu Chân, 800 – 1000 năm đều vẫn rất kiên cố. Hiện tại nhân tâm đều muốn mau chóng có kết quả thành tích hiện ra, con đường mới làm được một năm thì đã ổ gà ổ voi rồi. Còn có những con đường vì bị ăn xén vật tư. Tôi đã xem qua những hình chụp, đúng lúc bị lũ lụt, do rút ruột công trình nên khi bị một trận lũ lụt thì con đường đều bị nước cuốn trôi mất đi. Thật sự là giật cả mình, xe chạy qua là biến mất luôn. Hiện tại con người chỉ biết nghĩ đến cái lợi của mình, không thèm nghĩ đến có bao nhiêu người có thể sẽ phải mất cả mạng. Rất nhiều nơi cả con đường đều bị biến mất, đều là bị rút ruột công trình. “Khẩn trương khẩn trương, trong bao lâu thì mặc kệ, phải làm ngay cho tôi”, đó là liên quan đến việc xây dựng công trình công cộng, liên quan tới sự an toàn mạng sống, làm sao có thể vì chạy theo thành tích một cách cứng nhắc kia chứ.

Cũng như lúc chúng tôi dạy học ở trường, giáo dục là kế sách trăm năm, đào tạo một con người thật không dễ dàng. Giả như chỉ làm tượng trưng thì không thể ra được nhân tài. Vả lại chúng tôi ở trường nếu như chỉ làm bề ngoài thì học trò học được cũng chỉ là bề ngoài, bởi vì hành vi của người lớn chúng ta chính là như vậy. Chúng ở nhà mà cha mẹ cũng chỉ làm bề ngoài, có khách đến thì mau mau đi quét dọn, không có khách thì cứ bừa bộn lung tung. “Nhân chủ chi đại hoạn, mạt đại hồ háo danh”, một người lớn, làm cha làm mẹ, làm lãnh đạo mà háo danh. “Nhân chủ háo danh, tắc quần thần tri sở yếu hỷ”, người trên mà háo danh thì người dưới đều rất rõ ràng, vậy là chỉ toàn nịnh hót chỉ nói những lời xuôi tai, chỉ nói chuyện tốt không nói chuyện xấu, làm gì có đạo lý không xảy ra vấn đề. Cho nên đáng quý chính là ở việc chịu nghe lời thật lòng, chịu hiểu tình hình thật sự mới là người lãnh đạo có trách nhiệm. Câu này vào tiết học tới sẽ cùng với mọi người tiến một bước nữa thâm nhập, thảo luận, nghiên cứu. Hôm nay tạm thời chỉ bàn luận với mọi người đến đây. Xin cảm ơn mọi người!

HẾT TẬP 16 – Xin xem tiếp tập 17 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!