Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 35

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 35

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Xin chào mọi người!

Chúng ta đã xem qua nhiều câu trong phần “phản thân”, trong phần “quân đạo” đã nhấn mạnh một điểm quan trọng. Giả như tôi không phải là vua một nước, cũng không phải là lãnh đạo của một đoàn thể, thì những lời giáo huấn này tôi có thể như thế mà phụng hành không? Hiện giờ thiên hạ đều loạn cả, có phải là trách nhiệm của tôi không? Thiên hạ loạn lạc đều có liên quan đến tôi, là trách nhiệm của tôi, nói như vậy bản thân có cảm thấy bị thiệt thòi không, liên quan đến tôi chỗ nào? Kỳ thực, toàn bộ xã hội chúng ta phải tin chắc là, “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, mỗi một ngành nghề, mỗi một vai trò, đều có tấm gương tốt, có thể đánh thức bản tính lương thiện của con người. Vì vậy chúng ta đối với dân tộc, đối với nhân loại có trách nhiệm, nên đi đầu làm gương, tạo ra ảnh hưởng tốt cho họ. Đây là bổn phận của chúng ta. Nếu chúng ta hiện giờ mỗi vai trò đều đóng cho thật tốt, chẳng phải đã cho họ xem một tấm gương tốt nhất rồi sao? Đây cũng là sự cống hiến lớn nhất trong thiên hạ.

Chúng ta hãy xem Chủ tịch hội đồng quản trị Hồ Tiểu Lâm. Công ty của ông hiện nay đã tác động đến vô số các công ty khác. Vì sự an nguy trong thiên hạ, ông ấy đã làm một tấm gương rất tốt, thay đổi toàn bộ giới kinh doanh. Mỗi một người đều có thể làm lợi ích cực lớn cho thiên hạ, làm sao có thể nói sự an nguy trong thiên hạ không có liên quan gì đến chúng ta được? Mọi người xem trong Kinh điển, có câu nào nói, sự an nguy của thiên hạ không có liên quan gì đến tôi không? Không có. Vậy sao chúng ta suy nghĩ không giống như trong Kinh điển vậy?

Tôi còn nhớ, từ nhỏ đến giờ thường nghe nói một câu là, “thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”. Lúc tôi xem phim võ hiệp, còn có nghe, “quốc gia tồn vong chi tế khởi khả ngôn nhi nữ tư tình”. Mọi người nghe qua câu này chưa? Rồi à? Đúng vậy! Thời khắc dân tộc và thiên hạ nguy vong không thể ở đó nói chuyện yêu đương được, vợ chồng cần phải đồng lòng làm tốt gia đạo, vì xã hội làm tấm gương.

Ở Đài Loan có một vị nữ sĩ tên là Trần Thụ Cúc, được bầu chọn vào top 100 nhân vật có sức ảnh hưởng của tạp chí “The Times”. Hình như cũng được tạp chí “Forbes” bình chọn là anh hùng từ thiện, được cả hai giải thưởng tầm cỡ thế giới. Bà ấy làm trong lãnh vực nào vậy? Bán rau. Từ mười ba tuổi (tương đương với vừa tốt nghiệp tiểu học vào Sơ trung), không được bao lâu thì mẹ của bà qua đời, toàn bộ trách nhiệm của gia đình đều đặt lên vai bà, một đứa bé mười ba tuổi. Sau này, cuộc đời của bà cảm nhận được cái cảm giác không có tiền giúp người thân trị bệnh, sau đó người thân mất đi. Đây là sự hối tiếc trong cuộc đời của bà. Bà đã đem sự hối tiếc đó biến thành động lực, đặc biệt những người khó khăn bà sẽ tận lực giúp đỡ họ về mặt kinh tế. Bà chỉ là một người phụ nữ bán rau mà đã quyên được mười mấy triệu Đài tệ.  Có thể nói, bà đã hết lòng hết dạ từ bi hành thiện, hoàn toàn là cống hiến, không vì bản thân chút nào. Bà có một câu nói hết sức triết lý, bà nói, “tiền nằm trong tay của những người không cần đến, thì chỉ là con số”. Chỉ là một con số, nó không phát huy giá trị gì, nhưng khi tiền nằm trong tay những người gặp hết sức khó khăn, thì nó có thể sản sanh ra giá trị rất lớn.

Lúc tạp chí “the Times” ở Đài Loan bầu chọn bà vào top 100 nhân vật có sức ảnh hưởng, bà cảm thấy bà rất bình thường, nên bà không đi nhận giải thưởng. Kết quả, Chính phủ Đài Loan phải đi năn nỉ bà, nên đi, bà đi là đại diện cho Đài Loan đấy, hình ảnh tốt đẹp về Đài Loan sẽ được đề cao tại quốc tế”. Bà đã vì năn nỉ mà đến tham dự, bởi vì bà tự cảm thấy đó đều là những việc bà nên làm. Đồng thời, trong 365 ngày bà đều hoan hỷ mà bán rau. Bà nói bà thích nhất là kiếm tiền. Điều quan trọng là ở phía sau, bởi vì kiếm càng nhiều tiền thì giúp được càng nhiều người, tuyệt đối không phải là kiếm được thật nhiều tiền rồi thì đi tiêu pha lãng phí, không phải! Bà hết sức cần kiệm. Hơn nữa, sau khi Đài Loan báo cáo về sự việc của bà rồi, toàn thể xã hội đã xuất hiện một hiện tượng, là những người quyên góp những khoản tiền nhỏ tăng lên rất nhanh. Món tiền nhỏ quyên góp được có thể lên đến mấy trăm, một hai ngàn, càng ngày càng nhiều, bởi vì sức ảnh hưởng của bà. Có người cảm thấy, kinh tế của chúng ta còn tốt hơn của bà, bà ấy đã toàn tâm toàn lực vì xã hội này mà cống hiến, chúng ta thua xa bà ấy. Vì vậy, chỉ một người phụ nữ thôi đã có thể chuyển biến toàn bộ phong khí hành thiện, nên làm sao có thể nói sức mạnh của một người là nhỏ được.

Kinh tế, thể lực, năng lực của Lão tiên sinh Bạch Phương Lễ ở đại lục hầu như tất cả mọi người đều cao hơn ông, nhưng ông đã trở thành tấm gương hành thiện tốt nhất. Vì để cho thế hệ sau có sách để đọc, ông đã dùng xe ba bánh đi nhiều vòng quanh trái đất, quyên được hơn 300 ngàn nhân dân tệ, khiến vô số người cảm động, sau này còn dựng thành phim, đem tinh thần ấy tiếp tục truyền bá. Vì vậy, trong các ngành, các nghề đều có người ra sức thực hiện nhân – nghĩa – trung – thứ, đều có thể cảm hóa phong khí của một vùng. Tinh thần của bà Trần Thụ Cúc cũng đã trở thành tinh thần của người Đài Loan.

Tôi nói cho mọi người biết một điều rất quan trọng, là bà ấy mỗi ngày đều xem Sư trưởng giảng Kinh. Đây chính là điểm quan trọng, thế nhưng phóng viên viết báo đã không viết về điều này. Sau này, rất may khi tôi đi gặp người anh kết nghĩa (lần đó đến Malaysia), anh ấy có xem qua quyển sách này, nên mọi người chỉ cần lên mạng gõ “Bà Trần Thụ Cúc và Sư Trưởng” thì lập tức hiện kết quả ngay. Cho nên, chúng ta cảm thấy việc dạy học của Sư trưởng Ngài có giá trị rất lớn. Học trò của Ngài trong các ngành, các nghề đều y theo lời dạy của Ngài mà làm, đều  có thể trở thành tấm gương trong mỗi ngành nghề. Cho nên, bà Trần đã có thể làm, thầy Hồ Tiểu Lâm đã có thể làm, chúng ta cũng phải, “chớ tự chê, đừng tự bỏ, Thánh và Hiền, dần làm được”. Chỉ cần đem sự an nguy của thiên hạ đặt ở trong tâm thì những câu Kinh điển này chúng ta sẽ có thể làm được. Đồng thời, mục tiêu cả đời này của chúng ta là thành Thánh Hiền, đúng không vậy? Học hỏi Thánh Hiền chỗ nào đây? Học vóc dáng oai nghi của họ hay học động tác của họ vậy? Không phải. “Mộ hiền đương mộ kỳ tâm”, học theo tâm cảnh của họ.

Khổng Tử vì sao trở thành thánh nhân? Vì Ngài cảm thấy sự an nguy của thiên hạ là trách nhiệm của Ngài, cho nên Khổng Tử nói, “không giảng thi thư, không học lễ nhạc, là lỗi của Khâu”.  Ngài đều cảm thấy là trách nhiệm của Ngài, Ngài không trách người trong thiên hạ đã phá hoại những văn hóa đó. Ngài tự nhắc nhở chính mình, đã tận tâm tận lực đem Thi thư, Lễ nhạc hoằng dương trở lại chưa? Cho nên, Khổng Tử đã nói, “nên tự trách mình nhiều, trách người ít hơn”. Đây là tấm lòng của Ngài.

Chúng ta xem câu: “Nên tự trách mình nhiều” này, thì nghĩ đến mối quan hệ trong ngũ luân. Khi xảy ra vấn đề, nếu bên này hoàn toàn không trách cứ bên kia, mà chỉ phản tỉnh lại mình, đây chính là đức hạnh, đây gọi là chí thành, có thể làm đối phương cảm động. Ví dụ giữa vua và bề tôi.

Vào thời Xuân Thu, Sử Thu khuyên Vệ Linh Công nên dùng Cừ Bá Ngọc, không nên dùng Di Tử Hà, vì Di Tử Hà là nịnh thần, không phải là bề tôi tốt. Khuyên vua rất lâu mà Vệ Linh Công vẫn không chịu nghe. Nếu như chúng ta làm quan mà khuyên vua mấy năm trời mà vua vẫn không chịu nghe, chúng ta có tức giận hay không, chúng ta có bỏ cuộc hay không? Hoặc là nói: “Không biết lòng tốt của người khác, không cần, không thèm lo cho ông ta nữa”. Sử Thu không hề oán trách vua của mình là Vệ Linh Công. Cho đến lúc ông ấy lìa đời, ông cũng không hề trách vua mà ông chỉ tự trách mình không có năng lực để khuyên giải quân vương. Trước khi nhắm mắt, ông ấy vẫn còn lo nghĩ cho đất nước, gởi gắm lại cho con của ông là, “cha vẫn chưa tận hết lòng trung, cho nên sau khi cha chết rồi không có tư cách nằm ở chính giữa nhà, con hãy đem cha ra nằm bên dưới cánh cửa sổ là được rồi”. Ông nhắn gửi với con mình như vậy. Con của ông cũng rất hiếu thuận nên đã làm theo. Lúc Vệ Linh Công đến đọc điếu văn, kết quả khi nhìn thấy quan tài đặt ở bên hông nhà hết sức tức giận, nói với người con trai, “ngươi là đồ bất hiếu, tại sao đặt áo quan của cha ngươi loạn phép như vậy?”. Người con ấy nói: “Đây là lời dằn dò sau cùng của phụ thân thần lúc còn sống. Ông nói rằng ông vẫn chưa tận hết lòng trung, không thể khuyên bệ hạ dùng Cừ Bá Ngọc, đây là lỗi của ông, nên ông không có tư cách nằm ở chính giữa nhà”. Ngay cả lúc nhắm mắt mà ông vẫn không trách người khác, vẫn còn phản tỉnh lại chính mình. Đây là tấm lòng tận trung đến chí thành. Vệ Linh Công vừa nghe qua hết sức chấn động, sau khi về triều đã cách chức Di Tử Hà, trọng dụng Cừ Bá Ngọc.

Mọi người cần hiểu, một tên gian thần biến thành trung thần thì có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với đất nước và nhân dân. Do đó, mối quan hệ quân thần là như vậy, mối quan hệ cha con cũng giống như vậy. Chúng ta đã thấy qua Đại Thuấn trong bộ “Nhị Thập Tứ Hiếu”, khi đối diện với sự thù địch và bức hại của cha mẹ ông, ông đều không để nó trong tâm, một lòng một dạ luôn nghĩ rằng bản thân mình vẫn làm chưa được tốt nên không thể cảm động người khác. Sau đó, ông đã dùng đức hạnh để cảm hóa cha mẹ và người em trai. Vì vậy trong Ngũ luân, nếu như không thể khiến người khác cảm động, thì vẫn là do chúng ta, “đức chưa tu, cảm chưa tới”. Điều này trong lịch sử, mỗi một mối quan hệ đều đã thể hiện rất rõ, đều cho chúng ta những tấm gương tốt nhất. Người khác làm được, chúng ta cũng có động lực theo đó mà làm theo. Điều quan trọng chính là bất cứ lúc nào cũng không được oán trách người khác, phải phản tỉnh chính mình. Những vở kịch hay này trong quyển “đức dục khoa bổn”, chúng ta hãy đem nó diễn thành đời sống của chính chúng ta.

Trong mối quan hệ anh em, tiên sinh Mậu Đồng, ông có bốn người anh em. Cha ông đã qua đời từ sớm, nên các anh em sống chung với nhau. Kết quả, sau này khi anh em trưởng thành đều kết hôn, những người em dâu có lúc cãi nhau, xung đột, cuối cùng cãi đến mức phải phân chia tài sản. Mọi người ai cũng đòi chia nhà, không chịu sống chung nữa. Chúng ta hãy suy nghĩ về tình hình gia đình của ông Mậu Đồng. Từ bé đều do ông là anh trai chăm sóc các em nhỏ, sau cùng giúp họ cưới vợ, ổn định cuộc sống, vậy mà cuối cùng thì tranh giành phân chia gia sản với ông. Nếu các vị là anh cả thì sẽ làm sao? Hay là lập tức nói: “Tiền các em ăn học đều là do anh cho, lúc em mới lên ba đều là do anh nuôi dưỡng, sao bây giờ em lại như vậy? Em làm vậy có xứng đáng với anh không?”. Được rồi! Có thể tôi đã xem phim bộ nhiều quá. Xin hỏi mọi người, em của các vị ở đó đòi chia gia sản, các vị ở đó giảng đạo lý thao thao thì nó có tiếp nhận không? Vì vậy, gia đình không phải là chỗ giảng đạo lý, trong gia đình mà nói nhiều đạo lý quá thì mất hết tình nghĩa. Ông Mậu Đồng lúc đó quả thật đã không oán trách các em. Ông tự mình đóng cửa, ngửa mặt lên trời nói, “Mậu Đồng ơi, ngươi cả đời đọc sách Thánh Hiền, tu dưỡng bản thân, cẩn thận ngôn ngữ cử chỉ của mình, còn muốn dùng đức hạnh để cải thiện phong tục xã hội”. Đây là mục đích của việc đọc sách Thánh Hiền, thay đổi xã hội. Kết quả, hôm nay ngay cả các em mà cũng không thể cảm hóa được thì thật là xấu hổ với Thánh Hiền. Nói được một hồi, ông ấy đã đánh luôn chính mình. Kết quả, sau khi các em trai và em dâu phát hiện tình hình này hết sức hoảng sợ, lập tức tông cửa vào. Tất cả đều quỳ xuống đất nói: “Đại ca, anh đừng làm như vậy!. Kỳ thực, Mậu Đồng lúc đó không hề có tâm oán trách mà đang chân thành phản tỉnh lại chính mình, đã làm xúc động đến lương tâm của các em trai và em dâu. Thành thật mà nói, bọn họ có biết anh trai đối với cuộc đời của họ rất quan trọng hay không? Đương nhiên là biết. Vậy sao đã biết rồi mà cũng còn có lúc đột nhiên hồ đồ như vậy? Dục vọng kéo đến rồi thì cũng có lúc đầu óc hơi choáng váng. Nhờ sự phản tỉnh chí thành của anh trai như vậy, đã khiến cho lương tâm của họ được thức tỉnh, sau đó thì cả nhà đoàn kết trở lại. Cho nên, ông Mậu Đồng trong mối quan hệ anh em đã có thể phản tỉnh, nên chí thành cảm thông.

Lời bình trong tác phẩm câu chuyện về Bát Đức có một đoạn nói rất hay, là lời bình của Hứa Chỉ Tịnh tiên sinh. Hứa Chỉ Tịnh tiên sinh cũng là một người học thức lớn đầu thời Dân quốc, có tu dưỡng rất tốt, ông đã viết một đoạn chú giải rằng, “thiên địa gian, trừ tự trách tự tận ngoại, canh vô đạo lý h. Đạo lý trong trời đất, thái độ xử thế, chỉ cần thời thời nắm vững việc phản tỉnh bản thân, sự việc này xảy ra tôi đã sai ở chỗ nào? Lúc này không được bị cảm xúc cá nhân tác động, cảm tính hóa. Bởi vì người phản tỉnh thấy mình có thiếu sót thì sẽ không nổi nóng, sự tức giận đó sẽ hạ xuống, tự biết mình đã sai. Không chỉ tự mình phản tỉnh, trái lại còn tận tâm tận lực. Bất kể sự việc gì xảy ra: Tôi làm cách nào để cải thiện, tôi làm sao để bù đắp. Người mà luôn luôn tự trách, tự xét, sẽ không bị tình cảm chi phối, bất kể tình huống có xấu đến đâu đều quay về xem chính mình, “tôi đã làm sai chỗ nào, tôi làm sao để thay đổi tốt nó”, không đi chỉ trích, không tạo đối lập, xung đột.

“Canh vô đạo lý h. Kỳ thực, tất cả đạo lý nhất định phải tương ứng với tinh thần “tự trách tự xét” này. Đây chẳng qua dùng câu chữ khác để giải thích những đạo lý này. Chúng ta đọc Kinh điển cũng không ít, “niệm Phật tham thiền như đã ngộ, hồng trần cuồn cuộn vẫn y nguyên”, khi đích thực đụng chuyện rồi, một câu Kinh cũng không nói ra nổi, phải nổi nóng thế nào thì vẫn nổi nóng như thế đó. Cái câu này rất hay!

Lần trước tôi vừa mới tham gia khóa học, có một vị học trưởng yêu cầu tôi tặng ông ấy một câu khẩu hiệu. Tôi cảm thấy câu này rất hay: “Thiên địa gian, trừ tự trách tự tận ngoại, canh vô đạo lý h. Kỳ thực, bất kỳ sự việc gì xảy ra, chỉ cần tôi là người trong cuộc, tôi nhất định có điều sai sót, nếu không thì đã không xảy ra việc như vậy.

Vừa rồi tôi đã kể mọi người ví dụ rồi, chỉ cần một người chú ý đến và tỉnh táo thì sự việc này sẽ không xảy ra. Ví dụ, chồng của các vị rất bận bịu, quên đem theo tập tài liệu quan trọng đó, lúc này thì trách ai? Đương nhiên, trước tiên là do anh ấy làm việc không cẩn thận. Tuy nhiên, nếu như con của anh ấy lưu ý giúp cha một chút, người nhà để ý giúp anh ấy, thì sự việc này có thể sẽ không xảy ra. Nên vì sao có câu: “Có vợ hiền thì chồng ít tội”. Người vợ nếu như mọi sự mọi việc đều biết phụ tá cho chồng, thì những việc sai sót của anh có thể sẽ không xảy ra. Cho nên, cái từ “tự trách” này rất là hay. Không phải khi chuyện xảy ra rồi cứ khăng khăng đi trách cứ người nào đó, sự việc cũng không có tốt hơn. Nói đến đây, chúng ta cũng cần tập thành một thói quen, việc này đối với việc nâng cao tâm tính của chúng ta rất có lợi ích. Bất kể người nào đụng phải bạn, bạn trước tiên hãy nói với anh ấy, “tôi xin lỗi”. Khó không vậy? Không khó, nhưng phải dụng tâm lắm mới được. “Rõ ràng là anh ấy đụng vào tôi, còn bị đau đây này, còn bắt tôi đi xin lỗi anh ấy à? Sao anh ấy không đụng người khác, mà lại đụng vào tôi chứ?. Nếu như bạn tập được thói quen này, người ta đụng vào bạn, “tôi xin lỗi!, tôi bảo đảm với các bạn, anh ấy tuyệt đối sẽ không xung đột với bạn, thậm chí anh ấy còn cảm thấy có phần áy náy. Con người ai cũng có lương tâm mà!. Nhưng nếu như anh ấy đụng vào bạn, bạn nói, “anh không có mắt à?, có thể sáng mai báo chí sẽ đăng tin có người bị đụng xe rồi đánh nhau, đúng không? Bất kể khi nào cũng đều phản tỉnh lại chính mình, bạn nói, “hôm nay tôi đã tránh anh rồi, vậy mà vẫn tông vào tôi, bởi vì tay chân tôi không đủ linh hoạt”, đúng không? Đều có thể phản tỉnh lại được. Tuy nhiên, rất kỳ diệu là người và người chiêu cảm lẫn nhau. Rõ ràng là anh ấy đã sai, chúng ta vẫn tự phản tỉnh để khiến cho lương tâm của đối phương thức tỉnh lại. Kỳ thực, người ta nếu như mỗi ngày đều dán mắt để nhìn xem người khác sai chỗ nào, người đó sẽ không vui sướng nổi. Nhưng nếu phản tỉnh lại sai sót của chính mình thì đức hạnh sẽ không ngừng nâng cao, là một điều vui vẻ nhất. Còn có từ “tự tận”, chính là tận tâm tận lực. Bất kể sự việc rơi vào tình cảnh nào, chúng ta chỉ suy nghĩ làm cách nào khiến việc này được tốt đẹp, làm cách nào để vực dậy đoàn thể, không có ý niệm nào khác. Cái này gọi là  “Trung”. Người mà lúc nào cũng muốn tận tân tận lực, chính là người trung nghĩa.

Vừa rồi, tôi đã cùng mọi người nói đến những lời giáo huấn về việc trị vì quốc gia và thiên hạ này, chúng ta có thể dùng để yêu cầu chính mình được không? Được. Thật sự yêu cầu bản thân như vậy thì đời này của bạn không thành Thánh cũng thành Hiền. Có thể thực hành “Đệ Tử Quy”, “Thánh và Hiền, dần làm được”.

Chúng ta hãy xem tiếp câu số 33, quyển số 2, trang 231. Đây là lời giáo huấn trong sách Luận ngữ.

“Người ở bên trên đã đánh mất đạo làm chính sự thì lòng dân ly tán đã lâu. Nếu hiểu được sự tình của việc người dân phạm tội thì nên xót thương, cảm thông với họ, chứ không phải vì khả năng phán án của mình mà dương dương tự đắc”.

Phía dưới có phần chú thích nói: “Dân chi ly tán, vi khinh phiêu phạm pháp, nãi thượng chi sở vi, phi dân chi quá dã, đương ai căng chi, vật tự hỷ năng đắc kỳ tình dã”.

Chú giải này là y cứ theo Kinh văn: “Dân tán cửu h, lòng dân ly tán, hành vi sai lệch. Đây là kết quả, nguyên nhân là cấp lãnh đạo không có dạy dỗ họ. Do đó, “Tam Tự Kinh” đều đem mối quan hệ nhân quả nói với chúng ta, “nuôi con mà không dạy, là lỗi của cha. Dạy trò mà không nghiêm, là do thầy bê trễ”. Một người lãnh đạo cũng phải kiêm luôn các vai trò này. Ông ấy là quan phụ mẫu, cha mẹ của dân, ông phải có trách nhiệm giáo hóa dân chúng, đồng thời làm gương cho dân chúng, làm thầy. Bởi vì người lãnh đạo đã không thể thực hiện được chánh đạo trị nước, làm sai lệch đạo trị nước, thậm chí còn phóng túng tập khí, dục vọng, vậy thì trên làm sao dưới làm theo vậy, mới khiến cho lòng dân ly tán.

Câu: “Như đắc k tình”, đây có nghĩa là nếu như thật sự đi điều tra người dân phạm tội này, toàn bộ sự thật về anh ta. Nếu như chân thành hiểu rõ sự việc rồi, tự nhiên sẽ rất xót thương dân chúng. Bởi vì, người dù đáng ghét vẫn có chỗ đáng thương. Chúng tôi trước đây dạy học ở trường, có thể cảm nhận sâu sắc được điều này. Nhìn thấy một vài em học sinh có hành vi không tốt, đã điều tra về gia đình em. Nếu không phải cha ham chơi lười biếng thì gặp phải cảnh mẹ đã qua đời. Tâm lý của trẻ chưa thể ổn định lại, mỗi ngày mải mê tại tiệm Internet, mẹ kế cũng không quan tâm em. Do đó, khi nhìn trên hành vi thì thấy là không đúng, nhưng một khi đã hiểu rõ nguyên nhân thì cảm thấy rất xót thương em. Trẻ nhỏ như vậy thì người phạm tội cũng như vậy, đều thiếu sự giáo dục tốt đẹp của gia đình, trường học và xã hội, nên mới trở thành kết quả như vậy. Nên một người lãnh đạo đất nước, nếu như có thể nắm vững sự giáo hóa, có thể hoằng dương giáo dục luân lý đạo đức và giáo dục nhân quả, thì con trẻ sống trong nề nếp xã hội như vậy, trong sự giáo dục của gia đình như vậy, thì mỗi một em đều là người thiện cả. Con người nhất định có thể dạy trở thành tốt, là do chúng ta dạy hay không dạy.

Ở Lô Giang, chúng tôi có cơ hội ba năm giao lưu về văn hóa truyền thống cùng với người dân, lúc đó cũng là dạy “Đệ Tử Quy”. Kết quả là, tỉ lệ phạm tội chỉ trong một năm đã giảm xuống rất nhanh, giảm được 47%. Các vị xem, hiện nay đại đa số các nơi trên thế giới, tỉ lệ phạm tội như thế nào? Gia tăng. Vậy tại sao chỉ dạy một năm mà đã giảm được 47% rồi, sau đó tỉ lệ ly hôn cũng giảm xuống rất đáng kể, hình như đã giảm xuống khoảng 50%. Mà những cặp vợ chồng ly hôn đều sống ở nơi khác, không sống trong thị trấn Thang Trì, là hộ khẩu còn lưu tại trấn Thang Trì. Điều này tương đương với việc người dân học văn hóa truyền thống trong sáu năm tại trấn Thang Trì, không có cặp vợ chồng nào ly hôn. Điều này đã chứng minh, “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, đúng không? Ai cũng có tình nghĩa hết, chỉ cần có người nhắc nhở, có ai muốn mình làm phải việc sau này hối tiếc đâu chứ. Cho nên, “ai căng nhi vật h, nên thương xót họ. Chúng ta là cấp trên đã làm công tác giáo dục tốt chưa, nếu không sao lòng dân chúng trở thành như thế này? Cho nên, câu này nhắc nhở người làm lãnh đạo cần phải đem việc giáo hóa dân chúng đặt ở vị trí quan trọng nhất.

Vào thời xưa, Thượng thư thuộc cấp bộ trưởng, Lễ bộ Thượng thư xếp ở vị trí số một, chính là người quan trọng nhất, những bộ khác đều phải hỗ trợ cho ông để giáo hóa nhân dân. Khi tể tướng không có mặt thì đều do Lễ bộ thượng thư làm thay cho Tể tướng, tầm quan trọng của ông ấy không thể thấy hết được. Bởi vì, ai cũng rất sợ những vị quan này quên mất trách nhiệm quan phụ mẫu của mình, lúc kết tội nhân dân còn cảm thấy công trạng của chính mình cũng không tồi, đây là hoàn toàn sai lầm. Sau khi phá án xong thì rất vui mừng, còn được thưởng công đầu nữa. Tâm thái như vậy sẽ lệch khỏi tâm thái của một người làm quan phụ mẫu. Vì vậy, “nên xót thương, chứ đừng tự đắc”.

Trong sách Đại học, Khổng Tử có nói một câu khiến chúng ta rất bội phục nhân cách của Ngài. Ngài nói rằng: “Thính tụng, ngô do nhân dã. Tất dã, sử vô tụng hồ!”. Chúng ta có thể từ câu nói này của Khổng Tử thấy được tâm cảnh của Ngài. Ngài nói, giải quyết một vụ tranh tụng nào cũng nên theo pháp xử lý. “Ngô do nhân dã”, nghĩa là đều xử kiện công bằng như các phán quan khác. Nhưng mà tâm của Khổng Tử còn hy vọng điều gì hơn nữa? Là, “thiên hạ không có sự kiện tụng nào cả”. Chữ “tất” này là hy vọng sau này thiên hạ không còn xảy ra việc tranh tụng không vui như vầy nữa, và chữ “tất” này cũng chỉ sự tận lực giáo hóa cả đời của Không Tử, hy vọng có thể chân chánh thực hiện được lý tưởng chính trị như vậy. Và thực sự khi Khổng Tử có cơ hội, Ngài đã thực sự làm được. Lúc đó, Khổng Tử ngài đang cai trị một huyện, quả thật trong một thời gian ngắn thì, “không ai tham của rơi, tối trời không đóng cửa”. Chữ “tất” này, chúng ta phải nhìn thấy sự tận lực giáo hóa cả đời của Khổng Tử chính là tấm lòng trung của Ngài đối với thiên hạ, chữ “tất” này chính là tôi đến chết cũng xin tận tâm tận lực vì mục tiêu này mà nỗ lực. Điều Khổng Tử hy vọng đó là: “Người già được an nhàn, bạn bè giữ lòng trung tín, trẻ em được quan tâm chăm sóc”, “người già có chỗ yên nghỉ cuối đời, người khoẻ mạnh có chỗ dùng, trẻ thơ được trưởng thành”. Tuy nhiên, điều này cần dựa vào giáo hóa. Cho nên, trong cách nói của Khổng Tử đều đã biểu hiện ra đạo Trung nghĩa, khoan thứ đối với nhân dân.

Vì sao Ngài lại hy vọng không còn có tranh tụng? Kỳ thực, chỉ cần kiện cáo ra tòa thì việc này cũng là điều không may rồi. Ai không may vậy? Hai bên đều không may. Đến lúc này rồi, tại công đường kỳ thực rất khó giải quyết điều ấm ức của hai bên. Cho nên, giáo dục chính là phòng lỗi trước khi lỗi xảy ra. Chúng ta hiểu được, sau khi hai bên tố tụng rồi cả hai đều đau khổ, đây là đạo “thứ” (tha thứ), đồng cảm, hy vọng từ đây về sau giữa người và người sẽ không có xung đột để kiện cáo.

Ở đại lục, có một vụ án. Vừa lúc người thanh niên nảy sinh xung đột, hình như là vì mấy trăm bạc gì đó, kết quả đã lỡ tay đánh bạn mình chết. Sau đó, tòa tuyên án người thanh niên này, phán anh ta tội chết. Đột nhiên có người cầu xin cho anh ấy, ai đã cầu xin giúp người thanh niên này vậy? Là mẹ của người đã bị hại chết. Bà hướng về Chánh án cầu xin: “Xin đừng kết án tử hình đứa trẻ này, bởi vì tôi cảm nhận sâu sắc được tấm lòng của người mẹ của đứa con này. Giả như, con của bà ấy phải chấp hành án tử thì bà ấy cũng sẽ đau khổ như tôi, bởi vì tôi bây giờ đã chịu nỗi đau mất con, tôi hiểu rất rõ”. Đặc biệt ở đại lục, một đứa con mới có hai mươi mấy tuổi thôi đã chết như vậy. Cái khổ đó, nỗi đau đó, người mẹ này đã thấu hiểu rõ. Vì vậy, một người mẹ như vậy đã khiến cho người khác bội phục. Cái mà bà nêu ra chính là sự đồng cảm với đối phương, đồng cảm với người mẹ của đứa con phạm tội này. Cho nên, ngày nay chúng ta nhìn thấy trong xã hội có vô vàn sự bất hạnh trong gia đình và xã hội, nếu như chúng ta là người làm công tác giáo dục, chúng ta cũng phải cảm nhận lòng của người khác.

Các em lúc học tiểu học, trong quá trình đi học, nếu như nhận được sự giáo dục tốt đẹp thì cuộc đời của các em sẽ không biến thành như vậy. Thậm chí, chúng ta cũng phải học theo gương Khổng Tử, “hy vọng thiên hạ không có kiện tụng nào”. Đời người nếu không muốn có những bất hạnh này, chỉ cần người ấy hiểu lý lẽ là được. Nếu tâm địa của người ấy lương thiện thì, “đạo trời không có tình riêng mà luôn hướng về người lương thiện”, thì cuộc đời của người ấy sẽ hạnh phúc. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, con người không hiểu luân lý đạo đức, nhân quả, anh ta nói rằng không có tai nạn, việc này cơ hồ rất khó. Bởi vì anh ta có thể gặp một số người không hiểu lý lẽ, bản thân anh ta không hiểu biết, thì nhất định sẽ xung đột với người khác, nhất định sẽ có rất nhiều đau khổ, “lý đắc thì tâm mới an”. Cho nên chúng ta phải mong mỏi bản thân mình, tất cả những bạn bè thân thích mà mình quen biết, chúng ta nên đem những trí huệ của Thánh Hiền giới thiệu cho họ. Đây là trách nhiệm của chúng ta, “hy vọng thiên hạ không còn kiện tụng nữa”, hy vọng sẽ khiến họ được vui vẻ. Những gia đình của bạn bè thân thích của chúng ta gặp chuyện bất hạnh, thân thể gặp vấn đề, có vô vàn vấn đề như vậy, chúng ta cũng có trách nhiệm, chúng ta đã không trân quý mối nhân duyên này mà đem bảo bối văn hóa truyền thống tặng cho họ. Cách xử thế của Nho gia, nếu như họ chịu nghe thì đời này của họ sẽ được hạnh phúc. Cách trị thân và dưỡng thân của Đạo giáo, đạo lý dưỡng thân của Đạo giáo nói hay vô cùng. Cách trị tâm của đạo Phật, có thể khiến cho thân tâm của họ được an lạc, tốt hơn nữa còn có thể liễu thoát sanh tử, mục tiêu đó càng cao hơn, đừng đi làm việc sanh tử luân hồi nữa. Đương nhiên, lập ra mục tiêu này rất tốt, tuy nhiên còn phải tùy theo người mà dạy. Lòng tốt đừng nên vồ vập thái quá, khéo quá hóa vụng. “Dạy người hành thiện đừng đưa ra tiêu chuẩn quá cao, phải tùy theo khả năng của người, “thì mới khiến người có thể làm theo được”.

Ví dụ, hôm nay các bạn nghe xong câu chuyện về Trần Thụ Cúc, rồi về nhà nói với người thân là, “chúng ta phải học theo bà ấy, đem tất cả tiền cho hết đi!. Sau đó, họ mỗi lần nhìn thấy bạn thì sợ chết khiếp. Bạn nói: , tinh thần của bà ấy thật khiến người bội phục!”.

Tôi gần đây có nhận nuôi một đứa trẻ ở miền núi, sau đó bạn nói đến chuyện này thì người khác tự nhiên sẽ nói, “vậy tôi cũng nhận nuôi một đứa”, đúng không ạ? Đừng đưa ra tiêu chuẩn quá cao, đừng để người khác cảm thấy áp lực. Tôi trước đây không hiểu đạo lý này, nên đã, “tỏ ra vẻ hơn người” không ít lần. Ví dụ nói, là giảng văn hóa truyền thống cho người khác rất tốt, tôi trong chốc lát đã đem mười quyển sách đưa cho người ta. Mười quyển sách làm cho người ấy sợ chết luôn. Nên tặng từng cuốn, từng cuốn mới tốt, một lúc đưa nhiều cuốn như vậy thì người ta sẽ cảm thấy, “đây đều là những đồ vật của Thánh Hiền, không biết nên để ở đâu bây giờ”, ngay cả chỗ để thôi cũng đã sanh phiền não rồi. Cho nên, cần phải thấu hiểu lòng của đối phương, không nên quá hấp tấp. Đây là những lời vô cùng khẩn thiết của Tăng Tử khuyên bảo chúng ta.

HẾT TẬP 35 – Xin xem tiếp tập 36 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!