Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 13

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 13

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Các vị trưởng bối tôn kính, các vị học trưởng, xin chào mọi người! Khóa trình của “Quần Thư Trị Yếu” chúng ta trong mấy ngày qua đều là bàn luận về “quân đạo”, về “giới tham”. Chúng ta phải tu thân, đầu tiên phải đối trị sự tham dục. Trong mấy tiết học qua, chúng ta đã nói đến các câu, “nội tác sắc hoang, ngoại tác cầm hoang. Cam tửu thị âm, tuấn vũ điêu tường. Hữu nhất dư thử, vị hoặc phất vong”. Đây đều thuộc về phần dục vọng. Trải qua mấy tiết học rồi, xin hỏi các vị học trưởng vấn đề tham ăn của chúng ta đã giảm đi hay chưa, sự ham ngủ của chúng ta đã có khắc chế hay chưa? Có à, phải không? Xin được chúc mừng! Mọi người học xong lại có thể làm được. Đây là thái độ hết sức quan trọng.

“Văn giáo tiện hành, hề đãi canh khuyến”, nghĩa là một người nghe được giáo huấn của Thánh Hiền liền có thể lập tức nỗ lực thực hành, đi áp dụng. Thái độ cầu học như vậy thì: “Đức ngày tăng, lỗi ngày giảm, giải hành tương ưng, không cần đến việc người khác ở bên cạnh nhắc nhở họ. Cho nên tất cả người học vấn thành tựu đều là tự động tự giác. Mà trong việc cầu học vấn, người xưa cũng đã đưa ra cho chúng ta một nhắc nhở quan trọng, đó là trước tiên phải hàng phục sự nóng vội muốn cho mau thành của mình. Chúng ta thường nói: “Nóng vội sẽ tẩu hỏa nhập ma”, là tâm lý nóng vội. Việc này trong một số tiểu thuyết võ hiệp đều có nói đến, cho nên việc học công phu đầu tiên là phải hàng phục được tính khí bao chao. Sự bao chao này đều là từ tâm lý nóng vội muốn thành mà ra. Cho nên chúng ta xem thấy trong câu thứ ba nói đến, đây là Vương Sưởng dặn dò đối với con trai ông. Chúng tôi trong việc chọn câu đều đã nói qua rồi.

Phù vật tốc thành tắc tật vong, vãn tựu tắc thiện chung. Triêu hoa chi thảo, tịch nhi linh lạc; tùng bách chi mậu, long hàn bất suy. Thị dĩ đại nhã quân tử ố tốc thành, giới khuyết đảng dã”. Người xưa của chúng ta có một chỗ rất đáng quý đó là học vạn vật, từ trong đại tự nhiên mà lãnh ngộ được. Phải trồng vững cái gốc, “sâu rễ bền gốc”. Cũng như xây dựng nhà cửa vậy, nền móng nhất định phải làm cho chắc, tích sâu phát rộng, không thể mong cầu cho mau thành được, gọi là “thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn, nước chảy thành sông, dưa chín cuống rụng, đa nghi như tào Tháo, dục tốc bất đạt”. Tự kiêu, nóng vội, hoài nghi, hình như là phương pháp của ta còn hay hơn của Khổng Tử, có cái ý niệm hoài nghi này, muốn nhanh nhưng mà hoàn toàn ngược lại. Trong vấn đề cầu học vấn rất đáng quý chính là lão thật nghe lời của Thánh Hiền, việc này thì được đại lợi ích, sự học tập của họ sẽ đứng trong hàng trí huệ của Thánh Hiền mà học. Mà áng văn chương này cũng là trí huệ cuộc đời của người cha, là sự tha thiết dạy bảo đối với ông. Kỳ thực chúng ta chăm lo cho cuộc sống của chính mình, cho đến nhìn thấy những bạn bè đồng nghiệp ở bên cạnh, những người bớt phải đi con đường vòng, đại đa số đều là chịu nghe lời khuyên bảo của cha mẹ, chịu nghe lời người lớn và chịu nghe theo Kinh điển. Giả như ngay cả lời của cha mẹ mà cũng không nghe, thì cuộc đời phải vấp ngã lộn nhào mấy lần là chuyện không phải hiếm. Mọi người hãy nhớ lại thử xem đầu chúng ta sưng bầm mấy lần rồi? Các vị không có phản ứng chắc là đã dập đầu rất nhiều lần rồi, nhớ không hết nổi. Cho nên đáng quý là phải tổng hợp kinh nghiệm của cuộc sống, phải biết nghe cái trí huệ của ngôn ngữ, phải biết nghe sự khuyên can quý giá của cuộc sống.

Trong đoạn giáo huấn này, người quân tử có đức hạnh có tài năng, họ cũng là người từng trải. Họ biết đức hạnh, tài năng, trí huệ thì không thể nào một lần là xong ngay, đều phải tích lũy, tuần tự mà tiến. Cho nên nói là: tốc thành”, chỉ cần cầu mau chóng thành thì chắc chắn sẽ thất bại. Biểu hiện của các vị cũng nên phối hợp một chút, khi tôi nói chắc chắn thất bại thì ánh mắt của các vị phải ra vẻ công nhận và gật gật đầu chứ. Lạ thật, khi tôi nói chắc chắn thất bại thì thấy ai cũng không có phản ứng gì cả vậy, làm cho tôi đột nhiên có linh cảm không thể tiếp tục nổi nữa.

Khổng Tử nói: “Không dục tốc, không thấy lợi nhỏ; dục tốc tắc bất đạt, thấy lợi nhỏ sẽ không thành sự lớn. Bao nhiêu là lời dặn dò như vậy. Các vị học trưởng, mọi người đã vội vàng buông bỏ rồi chưa, buông bỏ sự cầu mong chóng thành rồi chưa? Lão thực mà an trú vào trong hiện tại rồi hay chưa? “Muốn biết kết quả tương lai như thế nào chỉ cần xem cái công phu hiện tại”. Cứ luôn ở đó mong cầu vào tương lai, lo lắng cho tương lai, vậy thì tinh thần bị hao tổn vào trong những ý niệm hư huyễn này rồi. Vì sao người nông phu lại chân thực? Vì họ biết cái đạo lý: “Chỉ hỏi việc cày cấy, không hỏi việc thu hoạch”.

“Giới khuyết đảng dã”. Chữ “giới khuyết đảng” này là một điển tích. Nghĩa là vào thời của Khổng Tử có một thiếu niên thường hay truyền lời lại cho người lớn, có một hôm đến truyền lời cho đức Khổng Tử, những người bên cạnh nhìn thấy. Bởi vì Khổng Tử học vấn rất cao, những người khác đều rất hiếu kỳ, người thanh niên này có phải là đến cầu học vấn hay không?. Phu Tử nói: “Cậu ấy không phải đến để cầu học vấn, bởi vì từ trên những động tác của cậu mà thấy được. Cậu là người muốn sớm ngày được làm người lớn”. Từ đâu mà nhìn ra được vậy? Từ chỗ luôn ngồi ở chỗ của người lớn. Chắc là cậu này không có học “Đệ Tử Quy”. “Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi”. Không ai dạy cậu, cũng không mời cậu ngồi, vậy là tự cậu sẽ ngồi đại xuống, “ta cũng đã mười tám tuổi rồi, ta cũng đã mười sáu tuổi rồi”, rất muốn làm người lớn. Tôi tự suy nghĩ lại hình như tôi cũng giống như vậy, thảo nào mà không thể thành người tài được. Lúc nhỏ thường hay làm ra vẻ người lớn lắm, nhìn thấy cậu đi đường cũng đi ngang hàng với người lớn, không biết khiêm nhường, muốn mau làm người lớn. Đây là nôn nóng. Phu Tử rất lợi hại. Những người có trí huệ này họ từ nhất cử nhất động của chúng ta thì có thể nhìn thấy được tâm thái của chúng ta, cho đến việc thành tựu của người này trong tương lai. Chút nữa sẽ nói đến chính là nội dung này.

Cho nên người xưa thật sự là rất lợi hại. Nhưng chúng ta suy nghĩ lại những đạo lý này kỳ thực cũng không phải là phức tạp, tâm hành nhất như. Hành vi của một con người là từ tâm của họ phản chiếu ra ngoài, cho nên từ hành vi của họ mà ta có thể suy đoán ra được tâm thái của họ đã thành thục hay chưa. Cho nên việc này cũng là Khổng Phu Tử mượn cái cơ duyên này nhắc nhở người trẻ tuổi không nên nôn nóng cầu thành.

Tiếp theo, trong đoạn văn có nói đến: “Nhược Phạm Cái đối Tần Khách chí Vũ Tử hệ chi”. Ở đây là nói với mọi người họ khoe khoang năng lực học vấn của mình, trở về bị cha của mình đánh cho một trận, đánh đến gãy cả cây trâm cài tóc. Tin rằng cả đời cũng không quên. Cho nên, Phạm Văn Tử về sau vẫn là một người rất có học vấn. Người cha là chán ghét việc đó mà nhắc nhở ông. Không thể dùng tài năng của mình để hạ thấp, để áp chế người khác.

Tiếp theo, trong đoạn văn nói đến: “Phu nhân hữu thiện tiên bất tự phạt”. Con người có thiện hạnh sẽ rất ít người có thể không tự khen mình. “Hữu năng giả quả bất tự căng”, nghĩa là người có năng lực rất ít người không tự kiêu. Chữ “căng” này chính là ngạo mạn. Những lời này chúng ta có thể từ bản thân mình, từ đại chúng trong xã hội trước mắt mà quan sát. Thời đại này của chúng ta coi trọng tài năng, coi trọng học lực. Chúng ta hãy tỉ mỉ mà quan sát, người có tài năng, có học lực, thậm chí là người có địa vị, có tài phú, có thể tìm được người nào mà không ngạo mạn hay không, có tìm được hay không? Không dễ tìm được, nhưng mà có. Vì sao có? Bảo đảm người đó gia giáo rất tốt. Bởi vì khi cả xã hội coi trọng vẻ bề ngoài như vậy thì nếp sống đó dễ sinh ra ngạo mạn, xem thường người khác, liền thích so sánh với người khác. So sánh mà hơn người ta thì ngạo mạn, thua thì liền tự ti, có tình trạng này hay không? Các vị trưởng thành khỏe mạnh như vậy chắc là chưa trải qua sự vật lộn như vậy. Các vị là những gia đình hạnh phúc, tổ tiên có đức. Tôi là một người lăn lộn ra từ trong xã hội như vậy, có thể sống được đến ngày nay xem như là không tệ. Tôi từ nhỏ không có tài năng gì, sự thi đua gì cũng đều không có liên quan tới tôi, tôi rất tự ti.

Tôi còn nhớ khi học cấp hai, các bạn học nữ đều ghi chép lại ưu điểm của một nam học sinh nào đó; phải cao giống như ai đó, hình thể giống như ai, thông minh giống như ai, giống như ưu điểm của mỗi một ai đó, dường như tạo dựng ra một con người mà trên người đó đã được tập hợp đầy đủ hết tất cả những ưu điểm này. Kết quả các bạn học của tôi có được khoảng mười người được đưa vào danh sách, dường như không thể nào có tên tôi. Cần giống điều gì thì không có điều đó, cần tài năng cũng không có tài năng. Sau cùng các bạn nữ cũng rất tốt bụng, họ sợ làm tổn hại tâm hồn bé nhỏ của tôi, cho nên họ đã miễn cưỡng đưa thêm một điều vào đó là, phải giỏi hiểu ý người khác giống như Thái Lễ Húc vậy. Đây là miễn cưỡng mà thêm vào. Cho nên trong thói quen so sánh khập khiễng như vậy thật sự là đã có ảnh hưởng rất là lớn đối với nội tâm của con người. Có thể không bị tiêm nhiễm thì thật là không dễ chút nào.

Các vị học trưởng, các vị có lòng tin hay không? Các vị học trưởng, các vị hoàn toàn không đi so sánh với người khác hay sao? Chúng ta đến thế gian này một cách rõ ràng minh bạch, có đôi mắt trong sáng hồn nhiên, bây giờ đôi mắt ấy có còn trong sáng nữa hay không? Đã ô nhiễm bao nhiêu rồi, đều không hay không biết cả. “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”. “Nhạ” đến mức độ nào vậy? “Nhạ” đến lúc hai – ba tuổi, vốn là mỗi ngày cười 180 lần. Đó là nhà khoa học nói, không phải là tôi nói. Ô nhiễm đến hiện tại mấy mươi năm, bây giờ bình quân mỗi ngày chỉ có thể cười được bảy – tám lần. Từ 180 lần ngày giảm xuống đến mức bây giờ cười không ra nổi, miễn cưỡng lắm thì cũng cười được bảy – tám lần, đã bị ô nhiễm cái gì rồi? Chính là lòng tham, lo được lo mất, tham cầu. Cầu không được mỗi ngày đều khổ sở, so tới so lui, không những một mình mình khổ mà còn kéo luôn cả những người thân khổ lây. “Con à, con thật là không bằng người ta chút nào!, “anh à! Anh xem người ta một tháng kiếm được bao nhiêu, anh thì kiếm được bao nhiêu”, cả nhà đều khổ theo chúng ta. Tôi vì sao mà lại hiểu rõ như vậy? Bởi vì tôi cũng là một người từng sống như vậy. Cũng như khi tôi đi thi, bản thân rất hồi hộp, cả nhà cũng hồi hộp theo tôi. Cho nên cuộc đời này của chúng ta cần phải đem đến cho những người bên cạnh được hạnh phúc, không phải là đem đến cho họ sự đau khổ.

Các vị học trưởng, khi đó các vị chuẩn bị đi xuống đầu thai thì các vị nghĩ điều gì, còn nhớ hay không? Các vị còn nhớ hay không vậy? Nhất định là phải đem sự hạnh phúc đến cho những người thân của chúng ta, nhất định không thể quên cái tâm ban đầu đó, không thể tiếp tục tiêm nhiễm những tập khí này nữa. Nhiễm rồi thì sẽ hủy hoại chính mình, cũng làm tổn hại những người ở bên cạnh chúng ta. Vì thế ngạo mạn thì nhất định phải buông xả.

Cho nên người phụ thân này đã nhắc nhở ông, rất khó để không bị nhiễm những tập khí này, không nên khoe khoang. Mà người xưa tâm của họ rất nhu hòa, họ đều có thể suy luận ra được sự thay đổi của sự vật. Bạn hôm nay tự khoe khoang, tự phô trương, tiến thêm một bước nữa nhất định sẽ bưng bít người ta. Bưng bít chính là hạ thấp người khác, nhất định sẽ kiêu căng với người, chính là ngạo mạn với người. Bạn trồng xuống hành vi ngạo mạn với người khác, có chủng tử rồi, chiêu cảm lại là cái gì? “Hạ thấp người tất sẽ bị người hạ thấp lại, ngạo mạn với người tất sẽ bị người ngạo mạn lại”, cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ có rất nhiều chướng ngại. Đó chính là tự mình đã tạo ra. “Yêu thương người thường được người yêu thương lại, kính trọng người thường được người kính trọng lại, bưng bít người thường bị người bưng bít lại. Cho nên cuộc đời nếu như nghĩ thông được những đạo lý này, bình tĩnh mà suy nghĩ lại, người nào đó vì sao lại nhìn ta không vừa ý? Có thể ta ngày trước có thái độ không đúng đối với người ta, việc gì tất cũng có nguyên nhân của nó. Cái nhân này nếu không phải ở cảnh giới thì cũng ở do người, cũng ở do thái độ của chính mình. Cuộc đời không có gì phước tạp cả, đều là chiêu cảm cả, do tâm của mình chiêu cảm. “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Bạn bè bên cạnh thậm chí là người thân của bạn đều là chiêu cảm ra. Bạn là người có đức hạnh thì chiêu cảm ra là con thảo cháu hiền. Làm việc hổ thẹn với lương tâm thì chiêu cảm đa số đều là phá gia chi tử, đều là chiêu cảm.

Các vị học trưởng, hôm nay các vị ngồi ở đây học về “Quần Thư Trị Yếu”, có ai là bị ép buộc mà tới đây hay không vậy, tôi có thể giúp các vị kêu oan cho. Việc này cũng là sự chiêu cảm. Chúng ta không có cái tâm muốn kế thừa văn hóa thì làm sao mà ngồi ở đây được kia chứ. Cùng nhau đến học “Quần Thư Trị Yếu”, chân thật hiểu được thế gian này không phức tạp, đều là chiêu cảm. Tâm cảnh của con người sẽ tự thấy có trách nhiệm với hết thảy sự tình, họ sẽ không chỉ trích một ai. Chúng ta phải nên hiểu, trách người thì thường bị người trách lại, “trách móc nhau thì trời long đất l, tự trách mình thì trời yên đất bình”.

Kỳ thật, nhiều giáo huấn như vậy cũng không phải đã đem hết chân tướng sự thực mà nói ra với chúng ta sao. Vì sao dạy chúng ta phải tu thân làm gốc? Bởi vì cả quá trình tổ chức cuộc sống vẫn là chúng ta tự mình chiêu cảm đến. Cho nên người cha này đã đem đạo lý phân tích ra một cách rõ ràng, không chỉ giảng đạo lý mà người cha này học vấn cũng rất tốt, còn lấy ví dụ để cho ông hiểu.

Đã nói đến: “Tam khích vi lục ư tấn”.  “Tam tấn” là ba anh em chú bác, là quan lớn của nước Tấn. Cả ba người đều có binh quyền trong tay, ở nước Tấn là những người quyền cao chức trọng, là một gia tộc rất có ảnh hưởng. Ba người này là Khích Kỳ, Khích Thù và Khích Chí. Câu chuyện này là ở trong “Tả Truyện”. Lịch sử chúng ta đều là ghi chép những câu chuyện đặc biệt, làm thức tỉnh lòng người. Chữ này đọc là “Thù”, và chữ “Khích Chí”. Họ quyền cao chức trọng, nhưng mà sự ngạo mạn và tâm sân hận cũng rất nặng, bởi vì quyền lực quá nặng. Vào lúc đó, là thời Tấn Lệ Công. Chữ “Lệ” này của từ “nghiêm lệ”. Có một trung thần gọi là Bá Tôn, ông đã khuyên Lệ Công nên làm giảm đi một chút quyền lực của họ, quyền lực của họ quá lớn rồi. Việc này truyền đến tai của Tam Khích, họ liền ôm hận đối với vị trung thần tên là Bá Tôn này, vả lại còn âm mưu muốn giết hại ông. Lúc đó có một vị quan tên là Hàn Hiến Tử, bản thân rất có học vấn. Hàn Hiến Tử đã cảm khái mà nói: “Một vị trung thần như vậy, một người thiện như vậy, hành vi của ông là kỷ cương của trời đất, nếu như ngài mà giết chết một người nào đó thì tai họa của Ngài e rằng đã đến cận kề rồi, Hàn Hiến Tử đã nói như vậy. Cho nên trong Kinh điển cũng là đã nhấn mạnh: “Bế hiền mông hiển lục”. Bạn khiến cho một quốc gia không thể dùng đến được những người hiền đức này thì sẽ rất nhanh chóng chịu phải tai họa. Khiến cho người hiền không được trọng dụng mà đã nhanh chóng bị tai họa càng huống hồ là người hiền bị giết hại, cho nên cái họa này sẽ rất nhanh chóng liền đến với mình, khi đó Hàn Hiến Tử đã nói như vậy. Kết quả sau đó, trải qua cũng không bao lâu những vị thần tử này, đặc biệt là những người chuyên chỉ nịnh hót bợ đỡ lập công cũng thấy Tam Khích không vừa mắt. Bởi vì họ quyền lực lớn, những kẻ tiểu nhân này lại đang tranh đoạt danh lợi, liền bàn kế và đã giết chết cả ba người này. Đương nhiên Lệ Công cũng là một người ngu muội, đều bị những người nịnh thần này vây bên cạnh, sau cùng sau khi ba người này chết, Lệ Công dường như chỉ một năm sau đó thì cũng bị giết chết. Cho nên những người làm chính trị, làm quan, nếu như không biết “quân đạo – thần đạo”, vậy thì tai nạn của họ sẽ rất khó tránh khỏi. Đây là do tính ngạo mạn, đố kỵ mà đã dẫn đến họa sát thân.

Tiếp theo là: “Vương thục phụ tội ư châu”. Đây là vào thời triều nhà Châu. “Vương Thục” là một họ, tên đầy đủ của ông là Vương Thục Trần Sinh. Câu chuyện trong lịch sử thì có rất nhiều tên, mọi người nghe xong có cảm thấy hoa mắt choáng váng không? Nếu như các vị thật sự thấy chóng mặt thì hãy buông bỏ bớt, không cần phải nhớ tên người làm gì, nhớ được nghĩa lý là được rồi, y nghĩa bất y ngữ.

Tôi chỉ muốn giao lưu thêm một chút về bối cảnh khi đó. Hai vị đại thần này tên là Vương Thục Trần Sinh và Bá Dư, hai người tranh sủng. Vào khi đó là Châu Linh Vương tại vị. Kỳ thực họ đều phạm phải lỗi ngạo mạn, chiêu cảm sự xung đột của người ta đối với họ, sau cùng đã bị đại thần Bá Dư dùng cách hãm hại. Cuối cùng, vị Vương Thục Trần Sinh này đã bị ép phải rời xa tổ quốc. Lúc trước hình như tôi đã nói qua với mọi người một câu cách ngôn, bây giờ chúng ta hãy ôn tập lại một chút.

“Bộ bộ chiếm tiên giả”, nghĩa là mỗi bước đều giành đứng trước người khác. “Tất hữu nhân dĩ tễ chi”, nghĩa là nhất định sẽ có người khác đến để chen lấn lại. “Sự sự tranh thắng giả”, nghĩa là mỗi một việc đều phải tranh đứng đầu, không chịu thua một ai, đều muốn so cao thấp với người ta. “Sự sự tranh thắng giả, tất hữu nhân dĩ tỏa chi”, sẽ làm cho họ chùn nhuệ khí, cho nên tuổi trẻ cũng không nên quá kiêu ngạo là vì vậy. Phải biết khiêm hạ, nhún nhường, cung kính, nhẫn nhượng, không nên có tâm tình nóng nảy quá trớn, phải khiêm nhượng, phải biết khiêm hạ. “Bất duy căng thiện tự phạt háo tranh chi cữu hồ”, không phải vì là người kiêu căng khoe tài thì cũng hay tranh giành với người khác, đã chiêu cảm đến là kết quả là lỗi lầm có phải không? “Cố quân tử bất tự xưng, phi dĩ nhượng nhân, ố kỳ cái nhân dã”, người quân tử không tự khoe khang tài năng của chính mình, không phải chỉ là người khiêm nhượng, mà họ còn chán ghét sự hạ thấp người khác. Sau đó còn có hành vi so sánh với người họ thấy thật vô liêm sĩ, không tán đồng. Cho nên “phu năng khuất dĩ vi thân”, có thể cong có thể thẳng vậy mới đúng. “Nhượng dĩ vi đắc”, có thể khiêm nhượng, giành được sự tôn trọng của người khác, giành được sự tín nhiệm của người khác, giành được sự tán đồng của người khác. Ngược lại những người rất có quyền thế xem ra thì dường như họ đã thắng nhưng trên sự thực thì họ đã thua rồi. “Nhược dĩ vi cường”, mềm yếu thắng cứng rắn.

Thầy của Lão Tử tên là Thường Tung, tuổi tác đã rất cao. Có một hôm, Lão Tử đến thăm thầy, “thầy à, người tuổi tác đã cao như vậy rồi, vậy thầy còn có lời giáo huấn quan trọng nào mà muốn dạy đệ tử nữa không?. Kết quả Thường Tung nói: “Con không hỏi thì ta cũng sẽ nói với con. Bạn xem, nghe được những lời này thì rất là cảm động. Họ là người làm thầy niệm niệm đều vì thành tựu cho học trò. Tôi ngày trước ở trong “Luận Ngữ”, xem thấy Tăng Tử ngài mắc trọng bệnh, bị bệnh nặng mà vẫn cho gọi học trò đến. “Tăng Tử hữu tật, triệu môn đệ tử viết”, bị bệnh nặng đến như vậy bất kỳ lúc nào cũng có thể chết, những vẫn suy nghĩ nắm bắt cơ hội để giáo dục học trò của mình, thế là Tăng Tử cho gọi các học trò đến. “Khải dư túc, khải dư thủ”, nghĩa là hãy xem tay của ta, hãy xem chân của ta, đều không bị tổn thương, thận trọng dè dặt, như đứng bờ vực, như trên băng mỏng. Thân thể này từ cha mẹ mà có, không dám tổn thương là khởi đầu của hiếu, cho nên Tăng Tử vô cùng hiếu thuận. Đến lúc cuối đời rồi mà vẫn cứ luôn thận trọng tỉ mỉ, không dám để cho thân thể mình bị thương. “Nhi kim nhi hậu, ngô tri miễn phu”, nghĩa là sau khi ta đi rồi, ta không có hối tiếc, ta không có hành vi bất hiếu nào mà sanh ra. Các vị xem, khi bị bệnh nặng mà cũng vẫn giữ cái tâm nỗ lực thực hiện hiếu đạo, đã để lại cho học trò ấn tượng hết sức sâu sắc. Đúng lúc vị thầy này của Lão Tử, các vị xem vị thầy tuổi tác đã cao, đều là một lòng muốn thành tựu học trò, cho nên Lão Tử vừa hỏi như vậy thì Thường Tung đã rất vui mừng. Tiếp đến, đã nói với ông vài đạo lý. Vả lại cũng rất coi trọng sự gợi ý, không có nói trực tiếp mà hỏi Ngài ba vấn đề.

Thường Tung đã hỏi: “Vì sao khi chúng ta đi ngang qua quê hương của mình thì nhất định phải xuống xe, không thể ngồi ở trên xe. Các vị học trưởng, tại vì sao? Mọi người có những lúc sẽ nghĩ không thông, vậy thì không nên suy nghĩ bằng đầu nữa, dùng gì vậy? Dùng trái tim này để cảm nhận, có lúc các vị sẽ nghĩ thông được. Vì sao mà khi đi qua quê hương phải xuống xe? Chúng ta đổi một vấn đề khác, vì sao nhìn thấy chú bác của mình, nhìn thấy trưởng bối ở trên xe thì phải xuống xe? Đó là cung kính. Làm gì có chuyện các vị trưởng bối này đang ở bên cạnh, còn bạn thì cứ ung dung đủng đỉnh trên lưng ngựa chứ. Người có tâm cung kính thì làm sao lại có hành vi như vậy được, họ sẽ tự nhiên xuống ngựa xuống xe.

Có một đứa trẻ tuổi cũng còn rất nhỏ, sau khi học “xuất tắc đệ” thì em biết cung kính người lớn. Có một hôm xem truyền hình, khi người lớn đang xem truyền hình, đứa trẻ này cũng chưa ai dạy em việc đó, tuổi của em cũng rất nhỏ, cả thân người của em cúi xuống để không che khuất người khác xem tivi. Cúi đến mức còn chút nữa là bò lăn ra sàn nhà, không có che khuất người lớn ngồi ở đằng sau xem tivi. Các vị xem, hành vi đó là từ đâu mà ra? Đó là từ thái độ cung kính mà ra. Không hề dạy em những tình tiết nhỏ, nhưng mà bởi vì em đã có được tâm cảnh đó rồi, em liền làm ra được cái động tác đó. Cho nên người khiêm hạ, người biết khiêm hư, cho dù những lễ nghi, những điều vi tế họ không biết, nhưng họ cũng sẽ không thiếu xót gì nhiều, bởi vì tâm cảnh của họ đã đạt được rồi. Mà quê hương thì chính là nơi đã nuôi dưỡng mình, chúng ta lúc nào cũng không quên gốc, phải nên nhớ ơn. Nhìn thấy quê hương của mình, tâm cảnh đó, tâm cảm ơn, tâm cung kính khởi lên, liền tự nhiên xuống ngựa xuống xe. Đây là tinh thần không quên nguồn cội.

Tiếp đến lại hỏi tiếp vấn đề thứ hai: “Vì sao khi đi ngang qua một cái cây lớn thì phải mau chóng bước nhanh đi qua”. Lão Tử trả lời: “Đây có phải ý nghĩa là tôn trọng người lớn hay không?. Mọi người nên hiểu cây rất cao to thì cũng mấy trăm năm tuổi, thậm chí hơn nghìn năm. Tuổi tác đó lớn hơn so với chúng ta rất nhiều, chúng ta cứ ung dung đủng đỉnh thì đúng là không cung kính. Trong “Đệ Tử Quy” nói: “Đến phải nhanh, lui phải chậm”, đây đều là cung kính đối với người lớn một cách tự nhiên. Hôm nay cha mẹ, người lớn gọi chúng ta, chúng ta cứ đủng đa đủng đỉnh, thản nhiên chần chừ đi tới, vậy thì cung kính ở đâu vậy? Vừa gọi liền trả lời: “Dạ” một tiếng, phải nhanh nhân chạy đến trước mặt, “dạ, mẹ gọi con có việc gì ạ!. Lui phải chậm. Cha mẹ dặn dò xong, khi lui ra phải chậm rãi mà bước lui, ra một khoản mới bước quay đi. Vì sao lui ra phải chậm vậy? Vừa nói hết chuyện đã chạy đi mất, giống như là chỉ mong mau mau để được rời đi, thái độ như vậy là không tốt. Vả lại, khi lui ra chậm rãi vẫn còn một sự quan tâm nữa, đó là đúng lúc cha mẹ quên điều gì chưa nói xong thì liền kêu lại, “trở lại đây, quay lại đây” đúng không? Nếu như vút một cái không thấy bạn đâu nữa, đột nhiên có việc cần dặn dò thì lại không tìm thấy bạn nữa. Vì vậy người xưa đối với những lễ nghi này kỳ thực đều tương ưng với tâm tánh của con người, không phải là nói giống như là cố ý đặt để lên con người ta. Khi tương ưng với tánh đức của con người thì hành vi đó nó sẽ trở nên như vậy. Vì thế không những là tôn trọng với người lớn mà còn tôn trọng với thiên địa vạn vật.

Hôm nọ tôi cùng với vài đồng nghiệp đúng lúc cho cá ăn. Trong cái hồ đó có một cụ rùa. Không biết mọi người đã nhìn thấy qua hay chưa, lớn như vầy. Tôi cũng không rõ cụ rùa đã bao nhiêu tuổi, tôi rất hổ thẹn, đức hạnh vẫn chưa đủ, vẫn chưa thể nào giao tiếp với cụ rùa. Các vị xem, học trò của Khổng Tử có người đã vì lòng chân thành mà còn giao tiếp được với chim chóc. Kết quả là hôm đó khi chúng tôi đem bánh mì ra cho cá ăn, phát hiện cụ rùa “lão gia gia” này bơi đến. Cử chỉ của cụ rùa vô cùng nho nhã từ tốn, rất có công phu thiền định, không nhanh không chậm. Mấy chú cá thì cứ tranh đớp lấy đớp để, cụ rùa thì cứ như như bất động, khi nào tới phiên mình thì mình ăn, không tranh giành, mọi người cứ tranh đi, còn dư lại gì thì tôi ăn cái đó. Sau đó, sau khi ăn được hai – ba miếng, bỗng lặn một cái biến mất tăm. Tôi nói: “Công phu thật là cao, không hề có một chút tâm tham”. Người khác đều ở đó để tranh nhau, tranh từ đầu tới cuối, còn ở đó để đợi nữa, còn cụ rùa già này chỉ ăn vài ba miếng được rồi, vậy là đủ rồi, liền lặn đi mất. Các vị xem, việc này cho thấy sự tu dưỡng trong cuộc sống là không như nhau. Chúng ta có lúc tâm thô ý thiển, không có tỉ mỉ quan sát. Cho nên vì sao mà Đạo gia thường nói không nên giết rùa đập rắn. Những con rùa rắn này có khi vài chục – vài trăm năm tuổi, linh tánh và sự tu dưỡng của chúng cao hơn rất nhiều so với chúng ta, chúng ta sao có thể không tôn trọng kia chứ. Con người không nên vì được thân người đáng quý như vậy mà cuối cùng lại tự đại ngạo mạn như vậy. Đây chính là nói tự mình hủy hoại linh tánh của mình. Cho nên khi đi qua cây cao to, đối với cây, với thần cây phải cung kính. Đây cũng là thái độ kính lão.

Tiếp đến vấn đề thứ ba, là thầy Thường Tung mở to miệng ra, sau đó gọi Lão Tử và nói, “con xem, lưỡi của ta có còn hay là không?. Lão Tử nói: “Thưa, vẫn còn”. “Vậy răng của ta có còn hay không?”. “Thưa, không còn”. “Được, vậy con thể hội được đạo lý gì?. Lão Tử trả lời: “Lưỡi thì mềm, tương đối nhu hòa; răng thì cứng cho nên dễ dàng bị hư tổn”. Đây chính là nói đạo lý: “Nhu có thể thắng cương”. Nói xong thì thầy Thường Tung bảo: “Được rồi, đã hết việc rồi, ta cũng không còn gì để nói với con nữa. Được rồi, vậy thôi!.

Chúng tôi tin chắc là, thầy Thường Tung khi đó đã thật sự rất lấy làm an ủi, người đệ tử này học vấn cũng khá lắm, đã thành tựu rồi. Cho nên ngày xưa người thầy dạy cho học trò, cha mẹ dạy con cái đều là dặn dò như vầy “nhược dĩ vi cường”. Nghĩa là: “Nhu hòa mới có thể thắng được bạo cường”. Có thể khiêm hạ, có thể cong có thể thẳng, thì mới có thể thành được việc. Cho nên: “Tiên bất toại hỷ”. Chữ “toại” này chính là thành. Rất ít người không thành tựu, người có sự tu dưỡng thì rất ít ai lại không thành tựu được sự nghiệp. Cho nên Tuân Tử có một đoạn nói chúng ta cũng rất quen thuộc: “Thành tựu trăm sự tất tại cung kính, thất bại trăm điều”. Vì sao mà từ thịnh thành suy? Vì do ngạo mạn, “tất do ngạo mạn”.

Tiếp theo, lại nói đến “phu hủy dự ái ố chi nguyên, nhi họa phước chi cơ dã”. Thái độ xử sự của một người; hủy báng người hoặc là tán dương người, thái độ tâm niệm như vậy thì cũng giống như một loại hạt giống. Hạt giống trồng xuống rồi, chiêu cảm đến là gì vậy? “Dự”, là tán dương người. “Khen người thiện, tức là thiện”, chiêu cảm đến chính là phước phần, là sự yêu thương của người khác. Nhưng giả như là hủy báng, đó có thể chính là hạt giống của họa hại, chiêu cảm tới tai họa. Cho nên chân thật hiểu được những đạo lý này, con người đối với mỗi lời nói việc làm của mình, khởi tâm động niệm đều thận trọng, bởi vì họ rõ ràng minh bạch. Nhất cử nhất động, khởi tâm động niệm, hết thảy đều là chủng tử họa phước của cuộc đời, làm sao có thể không cẩn thận được chứ. Cho nên cổ Thánh tiên Hiền cũng là kỳ vọng vào chúng ta. Trong “Thượng Thư” có nói: “Khắc niệm tác thánh”, nghĩa là khắc chế cái tà niệm này. Niệm niệm đều là chánh niệm, đều là nhân nghĩa trung thứ để thành tựu học vấn của chính mình. Cho nên chỗ bắt đầu của việc học vấn của chúng ta niệm niệm đều suy nghĩ cho người khác mới có thể đem tập khí tự tư tự lợi nghiêm trọng nhất trừ bỏ. “Thị dĩ thánh nhân thận chi”, Thánh nhân vô cùng cẩn thận những thái độ xử sự này, những thái độ chê khen này.

HẾT TẬP 13 – Xin xem tiếp tập 14 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!