Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 62

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 62

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Tiếp theo ông liền nói: “Nhược hữu nhất giới thần”. Các vị xem chữ “giới” này, nghĩa là cương trực, vô cùng trung thành lại vô cùng liêm khiết, bề tôi cương trực. “Đoạn đoạn hề vô tha k”. “Đoạn đoạn hề”, nghĩa là thành thật chuyên nhất, rất thành khẩn, chuyên tâm vì quốc gia, toàn tâm toàn lực làm việc không giải đãi. Nghĩa là vô cùng thật thà, trung hậu, được gọi là “đoạn đoạn hề”. “Vô tha kỹ”, nghĩa là một bề tôi như vậy, không hề có tài năng đặc thù gì, nhưng mà họ rất trung hậu, thật thà. “Kỳ tâm hưu hưu yên”. “Hưu hưu”, nghĩa là vô cùng lương thiện, một lòng vì nhân dân vì đất nước, không có ý niệm khác, nội tâm thuần thiện. “Kỳ tâm hưu hưu yên”. “Kỳ như hữu dung yên”. Chữ “dung” này là trọng điểm. Ngoài việc trung thành, thật thà, chuyên nhất ra, thì sự khoan dung vô cùng lớn, xử sự có thể bao dung người khác. Mà sự bao dung của họ biểu hiện ở chỗ nào? “Nhân chi hữu kỹ”. Người này có năng lực vô cùng, họ nhìn thấy những người như vậy thì rất vui mừng. “Nhược kỹ hữu chi”. Giống như chính mình có sự vui mừng như vậy, thậm chí là vui mừng hơn chính mình nữa, nhanh chóng tiến cử cho nhà vua. “Nhân chi ngạn thánh”. “Ngạn”, nghĩa là học vấn rất tốt, đọc sách vô cùng thông suốt. “Thánh”, không chỉ là học vấn giỏi mà đức hạnh cũng cao. Ông gặp được những người có học vấn, có đức hạnh. “Kỳ tâm háo chi”. Ông vô cùng ngưỡng mộ, vô cùng khâm phục, quan trọng hơn là nhanh chóng tiến cử cho nhà vua. “Bất thí nhược tự kỳ khẩu xuất”. “Bất thí”, nghĩa là không chỉ thừa nhận, tán thán ngoài miệng, trong nội tâm của ông rất ngưỡng mộ những vị ấy, khâm phục, tôn trọng, sâu sắc hơn lời của ông nói.

Cho nên tiếp tục nói, “thực năng dung chi”. Cõi lòng này của ông. “Bất thí nhược tự kỳ khẩu xuất”. Cõi lòng thật sự có thể bao dung,  có thể trọng dụng những vị này. Những người có năng lực, có học vấn, có đức hạnh đều được trọng dụng. Vì vậy, “dĩ năng bảo ngã tử tôn lê dân”. Tần Mục Công nói những lời này rất thú vị. Các vị dùng được những người hiền đức thì con cháu của các vị mới có được quốc gia này, người dân mới được chăm sóc tốt. “Thượng diệc hữu lý tai”. Nhất định có thể tạo phước cho quốc gia, cho nhân dân.

Chúng ta xem đến đoạn này, biết được một vị vua, một vị lãnh đạo, bề tôi, quan trọng nhất của họ có thể là hai hoặc ba vị. Việc quan trọng nhất của những vị quan này, là giúp vua có thể rộng rãi thâu nạp những người có năng lực, có đức hạnh tốt. Nhưng mà tâm tự tư của họ quá nặng, vậy sẽ trở thành kết bè phái.

Giống như thời nhà Tống, Phạm Công vẽ một bức tranh “Bách Quan đồ”, vị quan tể tướng lúc đó là Lữ Di Giản. Phạm Công vẽ bức tranh “Bách Quan Đồ”, chính là vẽ rất nhiều đại thần, toàn bộ là người của Lữ Di Giản. Đây chính là lòng dạ hẹp hòi, không phải là vì quốc gia mà cử hiền tài. Cho nên, “Đại Học” tiếp tục từ mặt trái mà nói. Giả như một đại thần nếu như tâm đố kỵ quá nặng, thì quốc gia đó sắp có tai nạn. “Nhân chi hữu kỹ”. Người này có năng lực như vậy. “Mạo tật dĩ ố chi”. “Mạo tật”, nghĩa là nhìn thấy người khác có năng lực thì không được vui, nhất định phải hạ người ta xuống thì mới vui lòng, gọi là “mạo tật”, là đố kỵ với người khác. Tiếp theo là “ố chi”, ganh ghét người khác, chung sống với người khác thì luôn luôn gây khó khăn cho họ, gọi là “ố chi”. Tâm đố kỵ sẽ kéo theo tâm sân hận. “Nhân chi  ngạn thánh”. Nhìn thấy người có học vấn, có đức hạnh. “Nhi vi chi tỉ bất thông”. Sợ rằng người khác sẽ chiếm vị trí của mình. Chữ “vi” này, chính là chống đối ở khắp mọi nơi, gây ra sự khó khăn ở khắp mọi nơi, cho những người “ngạn thánh” này. “Vi chi tỉ bất thông”. “Bất thông”, nghĩa là làm cho những vị tài đức vua không có cách nào dùng được, tất cả đều bị họ cản ngăn lại, tình hình cấp dưới không thể báo cáo lên trên. Vì vậy, “thực bất năng dung”. Sự độ lượng này quá nhỏ bé. Một vị vua nếu dùng sai một người, thì cả triều đình liền bị sụp đổ. Vì vậy, vua phải biết phán đoán vị quan này có phải là thật sự có đức, có lòng độ lượng hay không?

Các vị xem trong “Luận Ngữ” có nói: “Thang hữu thiên hạ”, “cử y doãn, bất nhân giả viễn h”. Cử chức quan Doãn, kẻ bất nhân phải bỏ đi, một lòng vì quốc gia thì họ thu hút được tất cả. Mà sự thật vua hay là người lãnh đạo có thể chiêu cảm những đại thần có lòng độ lượng, bản thân mình cũng cần phải có lòng độ lượng, nếu không thì lời nói của những vị đại đại thần không được tiếp nhận. Không thể tiếp nhận lời khuyên can, những vị hiền đức đành phải bỏ đi, họ cũng không phải vì bổng lộc mà đến. Vì vậy, “phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”, “hữu đức thử hữu nhân”. Các vị phải dùng đức hạnh mới chiêu cảm được, “dùng người có lòng độ lượng thật sự quan trọng”, nếu không thì đọc đoạn đối thoại này nhưng mà bản thân chúng ta không độ lượng thì cũng không giữ được họ. Vì vậy, mọi người quan sát lấy người xưa làm gương.

Vua Thương Trụ bị mất nước, lúc bị mất nước xung quanh có người hiền đức hay không? Có à? “Ân hữu tam nhân yên”. Thương Trụ vương lúc đó có hai đến ba vị hiền nhân là Tỷ Can, Vi Tử, Cơ Tử. Hơn nữa, họ là chú của vua Thương Trụ, ông cũng không dùng, không thể dung nạp. Có đại thần tốt như vậy mà cũng không dùng, cho nên họ bị mất nước. “Đắc nhân giả xướng, thất nhân giả vong”.

Chúng ta xem lại khoảng giữa thời nhà Tần và thời nhà Hán, Sở Hán tranh nhau, Hạng Vũ với Lưu Bang. Các vị xem, vừa mới bắt đầu có quần chúng, có quân đội, Lưu Bang không thể so với Hạng Vũ. Hạng Vũ có quần chúng, không biết gấp mấy lần Lưu Bang, sức mạnh quân sự mấy chục người như Lưu Bang cũng đánh không lại Hạng Vũ. Nhưng cuối cùng thì Lưu Bang lại được thiên hạ, bởi vì Hạng Vũ tự đánh giá mình quá cao, ngạo mạn, không chịu nghe lời khuyên can, không chịu dung nạp người, vì vậy những người đó vốn là ở chỗ của Hạng Vũ, tất cả đều chạy về phía Lưu Bang. Các vị xem, Hàn Tín là người rất có tài, rất giỏi dùng binh, vốn là người của Hạng Vũ, cuối cùng cũng được Lưu Bang trọng dụng. Hơn nữa, Lưu Bang cho thiết đàn bái tướng, lập ra một đàn tế lễ đích thân tấn phong cho Hàn Tín làm nguyên soái, đối với nhân tài vô cùng cung kính. “Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua”. Hạng Vũ đến cuối cùng không khác nào như bị cô lập hoàn toàn, ngay cả Phạm Tăng, một vị cựu thần hết lòng với Hạng Vũ cuối cùng cũng chẳng nghe lời, thế là bị đánh bại. Hơn nữa, đáng thương hại là khi Hạng Vũ đang ở  sông Ô, thần dân của nước Sở vẫn muốn Hạng Vũ trở về để chờ đợi thời cơ, nhưng ông cảm thấy quá mất thể diện, không dám quay về, cuối cùng thì ông tự sát. Mà trước khi tự sát, ông có nói một câu, “thiên vong ngã, phi dụng binh chi tội dã”. Nghĩa là ông trời bỏ rơi ta không phải là ta không biết đánh trận.

Cho nên chúng ta tưởng tượng, đến nước này vẫn chưa chịu phản tỉnh, còn ở đó trách trời. Sự cuồng vọng, ngạo mạn như vậy, khó trách những người ở xung quanh từng người lần lượt bỏ đi. Cho nên, lịch sử như vậy nhắc nhở chúng ta vô cùng quan trọng. Tâm đố kỵ quá lớn, không thể tán thưởng, dung nạp người khác, sự tu dưỡng nội tâm không đủ, vì vậy “dĩ bất năng bảo ngã tử tôn lê dân”. Những vị hiền tài đều bị ông loại trừ, chỉ dùng những kẻ nịnh bợ, tâng bốc ông, lập bè phái, tư lợi cho bản thân, cấu kết bè phái để mưu đồ tư lợi, vì vậy con cháu và người dân của vị vua đó sẽ gặp tai ương. Vì vậy, “diệc viết đãi tai”. Chữ “đãi” này, nghĩa là vô cùng nguy cấp.

Từ đoạn đối thoại này, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của người tài. Thật sự là người tài thì phải có lòng độ lượng, không có tâm đố kỵ. Vì vậy, người thật sự muốn lợi ích cho đoàn thể thì không đố kỵ. Nói thì rất dễ, thực tế khi chúng ta gặp phải có thể chúng ta không hay không biết là đang đố kỵ người khác, bản thân mình không biết.

Thí dụ như chung sống với đồng nghiệp, vừa bắt đầu vẫn cảm thấy họ rất có ưu điểm, dần dần không thể khoan dung, thì những khuyết điểm của họ bạn luôn để ở trong lòng, có thành kiến với họ. Càng thấy càng không vừa lòng, lại không dễ phê bình mấy câu, điều này rất vi tế, không thể khoan dung. Lời nói của chúng ta thì có thể tạo thành mối bất hòa giữa mọi người trong đoàn thể, thậm chí tạo ra thành kiến với những người có liên quan, điều này vô hình trung, làm tổn hại cho sức mạnh của đoàn thể, sự đoàn kết của đoàn thể. Vì vậy, lời nói tuyệt đối không nên phê bình, đố kỵ. Trước khi chúng ta muốn tiến cử hiền tài, đầu tiên phải tu thân, tu cái tâm này thì mới có khả năng. Phải tu “từ bi – hỷ xả”. Chữ “hỷ” này, “hỷ trang nghiêm cố”. Hoan hỷ việc gì vậy? “Kiến tu thiện giả, tâm vô hiềm tật”. Nhìn thấy người khác hành thiện, nhìn thấy người khác có đức hạnh, không có sự tị hiềm nào, không có sự đố kỵ nào. “Nhược kỹ hữu chi”. Hoan hỷ. “Từ bi – hỷ xả”, phải nên tu tứ vô lượng tâm này. “Dùng lòng từ trang nghiêm đối với các chúng sanh, không khởi tâm não hại. Dùng lòng bi trang nghiêm thương xót chúng sanh”. Thương yêu nhân dân, thương yêu chúng sanh. “Thường không chán bỏ”, thì việc giáo hóa nhân dân luôn luôn kiên nhẫn, rất chịu khó. Tuyệt đối không bỏ  người dân, không bỏ chúng sanh, tận tâm tận lực giáo hóa. “Dùng tâm h trang nghiêm, nên thấy người tu thiện lòng không ganh tỵ; dùng tâm xả trang nghiêm, nên đối với cảnh thuận nghịch tâm không thương giận”. Có thể “xả”, nghĩa là trong tất cả mọi cảnh giới không nên nhiễm trước. Vì vậy, cho dù gặp phải thuận cảnh, hay nghịch cảnh thì, “tâm không thương giận”. Thuận cảnh thì không thâm ái, nghịch cảnh thì không giận.

Một bề tôi phải nên luyện cái tâm “xả” này, nghịch cảnh thì xem như là cơ hội tốt để tôi luyện bản thân mình, ở trong nghịch cảnh nên lấy tâm cảm ân để đối diện. Người ta đến là để thành tựu, để khảo nghiệm cho ta, tuyệt đối không đối lập, không xung đột. Thầy Lý Bỉnh Nam cũng có nói: “Thấy người làm điều thiện thì không đố kỵ, nên tùy hỷ”. Là lời giáo huấn hay vô cùng, nếu không thì chúng ta không khế nhập đưoc tâm cảnh này. Nếu như để ý đến lời lẽ đố kỵ, phê bình, thì có khả năng tạo tội nghiệp.

Chúng ta vào trong đoàn thể, đến đơn vị hoằng dương văn hóa, “chẳng cầu có công, mà mong không có lỗi”. Đây là niềm tin của chúng ta, vấn đề có niềm tin này vẫn phải đặt ở trong tâm mà hạ công phu. Nếu có sân hận, có đố kỵ, ngạo mạn, nhất định có lỗi rồi, không thể không có lỗi. Vì vậy đã lập mục tiêu, một lòng vì việc chung.

Tiếp theo là, “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, phải điều phục những tập khí này. Trong lịch sử, chúng ta cũng nhìn thấy những kẻ hãm hại người trung lương, kết cuộc của họ vô cùng thê thảm. Chúng ta xem triều nhà Đường có “An Sử Chi Loạn”, một nhân tố rất quan trọng. Lúc đó quan tể tướng là Lý Lâm Phủ, ông cũng ghen ghét người tài, luôn bài xích những người tốt, thậm chí còn yêu cầu hoàng đế phải dùng người dân tộc thiểu số. Thật sự lúc đó có rất nhiều đại tướng vô cùng giỏi có thể trấn thủ biên cương, nhưng Lý Lâm Phủ cho rằng năng lực của những vị đó giỏi hơn ông, sau này có thể sẽ chiếm vị trí của ông, nên tiến cử người bộ tộc. Cuối cùng An Lộc Sơn, Sử Tư Minh đều dùng những người như vậy, suýt nữa triều nhà Đường bị  diệt vong. Rốt cuộc, Lý Lâm Phủ bởi vì, “giáng chức người ngay, bài trừ người hiền”, “lật đổ người khác để chiếm địa vị”. Loại trừ những người này, sau đó cách chức những người chánh nhân quân tử và đày ra biên cương, cuối cùng thì ông ta cũng bị kết án. Bởi vì giấy không thể gói được lửa, rất nhiều tội trạng được phơi bày, ông bị xử tội chết. Hơn nữa, vào thời đó sau khi chết, bởi vì tội ác ngày càng nhiều, rốt cuộc làm thế nào để trừng phạt đây? Liền dùng roi đánh vào thi thể của ông. Có thể việc làm này đã dẫn đến sự căm phẫn của người dân, là quật mồ để đánh xác chết, điều này thật sự là chết không có chỗ chôn. Con  cháu của ông ta, tất cả đều bị lưu đày ra biên cương, tai họa kéo dài đến đời con cháu. Lý Lâm Phủ chết đi, trãi qua 100 năm sau đến đời nhà Tống, đời của Tống Hiếu Tông. Những năm đầu của Thuần Hy, xảy ra một câu chuyện. Có một cô gái bị sét đánh chết, trên mình của cô gái này có hàng chữ, đại ý trên đó viết tội nghiệp của Lý Lâm Phủ rất nặng, ba đời làm kỹ nữ, bảy đời làm trâu bò, hơn nữa sau đó phải trầm luân lâu đời trong loài thủy tộc (nghĩa là phải làm tôm cá ở dưới nước). Ông trời có đức hiếu sinh, trên thân thể của người đó lại có thể hiện rõ những lời nói này, cũng là khuyên người đời sau không nên làm những việc đố kỵ hiền tài, tai họa kéo dài cho quốc gia, cho nhân dân. Những chuyện như vậy đều có ghi chép trong lịch sử, thật sự  nhắc nhở rất lớn cho chúng ta. Vì vậy, “Thái Căn Đàm” vừa mở đầu đã nói, một thời lộng quyền, vạn đời thê lương”.

Chúng tôi nói đến phải “tiến hiền”, luôn luôn nghĩ đến quốc gia mà tiến cử hiền tài. Triều nhà Tống có thể nói là người tài đức được trọng dụng rộng rãi, trong đó có một đại thần là Tạ Sấm. Mỗi lần ông tiến cử hiền tài cho hoàng thượng, viết thư xong là tiễn đi, sau đó thì hướng về cung điện của hoàng đế mà cung kính lễ bái, kỳ vọng người được tiến cử này có năng lực thì quốc gia này có phước. Vương Đán, Phạm Trọng Yêm đều do ông tiến cử. Tạ Sấm một lòng vì sự nghiệp chung. Ông là vị thần thông minh chính trực, quang minh chính đại, cho nên lúc đã già ông tự mình tắm rửa, thay quần áo xong, ngồi không bao lâu viên tịch, không bị bịnh. Linh hồn của ông sẽ được siêu thoát, không có bịnh khổ. Cho nên, “ngước lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người”.

Chúng ta xem câu kế tiếp ở quyển thứ 8, trang 1.047, hàng thứ tư. Đoạn đối thoại này cũng ở trang này, là câu chuyện thứ nhất, chúng ta cùng xem qua. Cả câu chuyện này cũng gồm có câu Kinh này, “Giải Hồ Dữ Hình Bá Liễu Vi Oán”. Giải Hồ cùng Hình Bá Liễu kết oán với nhau. “Triệu giản chủ vấn ư Giải Hồ viết thục khả vi thượng đảng thủ”. “Triệu Giản chủ”, chính là Triệu Giản Tử, cũng là vị vua rất tốt. Ngài hỏi Giải Hồ: Ai có thể lên làm chức quan trưởng ở địa phương này. Quan trưởng tương đương với chức quận trưởng, làm chức quan ở địa phương này để trị vì nhân dân. “Đối viết”. Giải Hồ liền trả lời. “Hình Bá Liễu khả”. Hình Bá Liễu có thể. Rốt cuộc, “Giản chủ viết”. Triệu Giản Tử nói. “Phi tử chi thù hồ”. Hình Bá Liễu chẳng phải là kẻ thù của khanh sao? “Đối viết”. Giải Hồ tiếp tục nói. “Thần văn”. Hạ thần nghe nói. “Trung thần tiến cử hiền tài cũng không bỏ qua những người có oán thù với mình; phế truất kẻ vô dụng cũng không nể nang những người thân cận với mình”. Giải Hồ nói, trung thần tiến cử hiền tài thì sẽ không tính toán chuyện tư thù, chỉ cần người đó là hiền tài, cho dù có hận thù với mình, phải vì sự nghiệp chung quên đi mối tư thù đó, phế truất những kẻ không có tài đức. Cũng là, “bất a thân cận”. Chính là không nể nang, thiên vị người có mối quan hệ tốt với mình, xử sự công bằng.

Tục ngữ có nói: “Nội cử bất tị thân, ngoại cử bất tị thù”. “Nội cử bất tị thân”, chính là nói những người thật sự thân cận chúng ta mà có tài đức, không nên tránh né nói này nói nọ mà vẫn phải dùng. Tuyển cử người ngoài là không bỏ qua những người có thù hận với mình.

Chúng ta xem đoạn vừa nói, “phế bất tiêu dã”. Cách chức những người không có đức, những người không có tài, cũng không cần biết đến tình giao hảo, nếu không sẽ lấy tình cảm riêng giải quyết việc chung, điều này không thỏa đáng. Thói xấu này lớn vô cùng, phong khí này hễ bắt đầu thì đều nói tình cảm riêng, đều là vì việc tư mà quên việc công, là muốn thiên hạ đại loạn. Mà cụ Phạm Trọng Yêm lúc đó làm chức quan xét duyệt, cùng với Phú Bật một đại thần trong triều đình, khảo hạch những ai muốn thăng chức; người nào có thể giữ lại vị trí cũ, người nào phải bị cách chức. Phú Bật vô cùng ngưỡng mộ Phạm Công, ở trong tâm xem Phạm Công như một người thầy. Họ cùng với nhau ở nơi đó xử lý vấn đề bãi nhiệm và bổ nhiệm các vị quan, rốt cuộc nhìn thấy Phạm Công đánh dấu một số vị quan, vị nào không được gạch bỏ. Phú Bật ở bên cạnh liền nói: “Thưa đại nhân, ngòi bút của ngài gạch bỏ có thể người của cả nhà đó sẽ khóc. Ngài gạch bỏ, bãi chức của người đó, thì gia đình của người đó sẽ sống vất vả vì không có thu nhập”. Phạm Công liền nói: “Cả nhà khóc, so với nhân dân của cả tỉnh hay của cả huyện khóc thì vẫn tốt hơn”. Giả như nói tình cảm, dùng một ông quan không tốt, vậy thì sự than khóc của người dân có thể lên đến hàng ngàn hàng vạn, lên đến hàng ngàn hàng vạn gia đình. Vì vậy ông xem, người nhân từ thì biết được lúc nào nên nói nguyên tắc, nên hạ quyết tâm, nên quyết lòng. Cái gọi là, “chỉ có người quân tử mới biết yêu và ghét rõ ràng”. Những người nào nhất định phải cách chức, đây là việc mà người nhân từ mới làm được, họ không giải quyết công việc thiếu sự quyết đoán. Vì vậy thật sự là, “kỳ phế bất tiêu dã, bất a thân cận”.

Tiếp theo Triệu Giản Tử nói. “Giản Tử viết”. Nói hay vô cùng. “Toại dĩ vi thủ”. Liền hạ lệnh để cho Hình Bá Liễu lên chức quan trưởng đi trấn giữ địa phương này. “Hình Bá Liễu văn chi”. Hình Bá Liễu biết được chuyện này. “Nãi kiến Giải Hồ tạ”. Đi cảm ơn Giải Hồ đã tiến cử ông. “Giải Hồ viết, cử tử công dã”. Tiến cử ông là vì việc chung của quốc gia, là việc xử lý công bằng. “Oán tử tư dã”. Tôi và ông đã kết oán thù, đây là tư thù, là việc tự mình làm. Được rồi, đã tiến cử ông rồi. “Vãng h”. Sau này. “Oán tử như dị nhật”. Oán hận xin ông vẫn cứ như trước đây, việc công ra việc công, việc tư ra việc tư.

Rất thú vị, người xưa rất lý trí, tư và công tuyệt đối không thể lẫn lộn với nhau, đương nhiên tốt nhất vẫn là tha thứ cho ông ấy. Cũng là đồng nghiệp, oan gia nên giải không nên kết. Nhưng mà, hận một người mà vẫn có thể công tư phân minh, thật sự cực kỳ có công phu. Chúng ta cũng vừa nói đến Vương Đán là một vị hiền thần rất độ lượng, giữ chức vụ trong khoảng thời gian rất dài, cho nên sự hưng thịnh của cả Bắc Tống đều có liên quan với Vương Đán, thật sự đã làm được.

Trong Kinh văn của “Đại Học” đã nói: “Nếu như có được một đại thần thật thà, chẳng có tài năng gì, chỉ có tấm lòng khoan hòa, như có một lượng chứa lớn”. Thời gian ông làm tể tướng tương đối dài, Khấu Chuẩn thường xuyên có ý kiến về việc thi hành biện pháp chính trị của ông (lời khuyên can cho hoàng đế), việc phê bình Vương Đán rất nhiều lần. Có một hôm hoàng đế nói với Vương Đán: “Khấu Chuẩn nói khanh chuyện này tốt, chuyện kia không tốt”. Thưa các vị bằng hữu, giả như các vị là Vương Đán thì phải trả lời như thế nào? Các vị xem, ông là một quan tể tướng, câu trả lời của ông có sức ảnh hưởng rất lớn. Trong tâm của ông giả như lúc đó oán hận Khấu Chuẩn, vậy thì sự phân tranh trong triều đình không xảy ra hay sao? Nhưng mà ông lại bao dung, sự độ lượng của ông đã cảm hóa tất cả thành phần trí thức trong triều đình. Vì vậy, sự tu dưỡng của những người có chức vị càng cao thì mức độ ảnh hưởng càng lớn. Vương Đán trả lời: “Thưa hoàng thượng, thần làm tể tướng lâu như vậy nhất định có rất nhiều sơ xuất, vì vậy Khấu Chuẩn phê bình cũng là vì quốc gia, vì công việc chung”. Không chỉ không buồn phiền mà còn thừa nhận sự trung thành của Khấu Chuẩn. Giả như Khấu Chuẩn vẫn còn xen lẫn một chút đố kỵ để nói những lời đó, thái độ của Vương Đán được truyền đi thì nhất định sẽ làm cho Khấu Chuẩn xấu hổ. Vì vậy, trong nhiều đời sự tu dưỡng giống như vậy của các vị quan thật sự các triều đại đều có.

Thí dụ như chúng ta nói triều nhà Đường có Địch Nhân Kiệt, là một vị tướng tài đức. Lúc đó hoàng đế nói với ông: “Những người nào luôn luôn phê bình khanh, khanh có muốn biết họ là ai không?”. Địch Nhân Kiệt trả lời: “Không cần, không cần, không cần nói với hạ thần, trong lòng của hạ thần không muốn lưu lại thành kiến với họ”. Giống như vậy, cũng là triều nhà Đường, Trương Gia Trinh cũng là quan tể tướng. Mọi người phê bình ông, tố cáo ông tạo phản. Tố cáo người khác tạo phản, cuối cùng khi xác minh là không phải, thì người đi tố cáo phải chịu tội tạo phản. Chính là có thể, dĩ tạo phản tội, xử tội người vu oan đó. Rốt cuộc hoàng đế hỏi Trương Gia Trinh tình huống này, các vị xem Trương tể tướng nói, “thưa hoàng thượng, không nên bắt tội họ”. Lòng độ lượng rất lớn, “đừng bắt tội họ. Có thể, hễ bắt tội của họ sau này sẽ không còn ai dám khuyên can thì sẽ không hay”. Tha thứ cho người khác, vẫn là lo nghĩ cho đại cuộc. Trương Gia Trinh sau này hậu thế của ông ba đời liên tục đều làm quan tể tướng, gia tộc như vậy cũng là hiếm có. Vì vậy các vị xem, gia đạo này truyền thừa tốt biết bao. Vương Đán nói như vậy, hoàng thượng cũng nói, “vị quan tể tướng này lòng độ lượng thật sự lớn”. Sau này có một lần Khấu Chuẩn nói với Vương Đán là, hy vọng Vương Đán tiến cử Khấu Chuẩn làm quan tể tướng. Chúng ta nghĩ xem, Khấu Chuẩn thật sự rất thẳng thắn, ông cũng rất có năng lực, mong muốn có thể giúp quốc gia làm được nhiều việc. Vương Đán nghiêm túc nói với Khấu Chuẩn: “Chức tể tướng này làm sao muốn là có được”, nghe như hắt nước lạnh vào mặt ông ta. Sau khi Khấu Chuẩn nghe xong trong lòng rất khó chịu, bị Vương Đán một mực từ chối. Sau này Vương Đán bị bịnh sắp lâm chung, bịnh rất nặng sắp ra đi, hoàng đế hỏi thăm ai làm quan tể tướng thích hợp, Vương Đán tiến cử Khấu Chuẩn. Sau này Khấu Chuẩn nhận chức, có một hôm hoàng đế nói với ông ấy, “khanh có biết ai tiến cử khanh làm quan tể tướng hay không?”. Khấu Chuẩn nói: “Không phải là hoàng thượng cho hạ thần làm tể tướng hay sao?”. “Không phải, là Vương Đán tiến cử khanh làm quan tể tướng đó”. Điều đó tức thì làm cho nội tâm của Khấu Chuẩn chấn động. Chúng ta có thể tưởng tượng được, điều này không chỉ làm cho Khấu Chuẩn chấn động, câu chuyện này vừa được lan truyền ra, văn võ bá quan không có ai mà không học theo tấm gương đức hạnh của Vương Đán. Vì vậy, những chuyện này đều là của nhiều triều đại, làm cho chúng ta vô cùng ngưỡng mộ những tấm gương.

Việc “cử hiền” được xem như là cương lĩnh quan trọng thứ tư của phần “thần thuật”, cũng là khuyến khích mỗi người chúng ta sau này khai thác nhân tài, yêu mến nhân tài, đào tạo nhân tài, thành tựu nhân tài, đều là do bề tôi của chúng ta phải tận bổn phận.

Những câu Kinh trong “thần thuật”, ở đây có một đoạn nói chúng ta là bề tôi phải tận bổn phận, thật sự cũng không ngoài việc có đức, có tài, tài đức vẹn toàn. Cái tài này chính là năng lực làm việc, còn đức là phẩm đức, đức hạnh. Chỉ có tài mà không có đức, đó là tiểu nhân. “Tài thắng đức vị chi tiểu nhân”. Rất dễ cấu kết bè phái, gây họa cho đất nước. Vì vậy chúng ta cũng phải điềm tĩnh, chúng ta đã đọc “Tài Đức Luận”, phải nên điềm tĩnh lại, chúng ta là đức thắng tài hay là tài thắng đức? Cá tính tốt đẹp vượt trội hơn hẳn tài năng.

Rất nhiều người có năng lực, bởi do ngạo mạn, cuối cùng có thể gây ra sự bại vong cho quốc gia, cho đoàn thể. Chúng ta thấy Ngài Vương An Thạch triều nhà Tống, ông không có tài phải không? Ông không có năng lực phải không? Ông rất giỏi, nhưng mà lòng độ lượng của ông không đầy đủ. Các vị nói xem, cải cách chính trị của ông tốt hay không? Suy nghĩ của ông cũng rất chu đáo, đủ các đề nghị đều nhắm vào tệ nạn, hủ tục của quốc gia, không đơn giản đâu! Nhưng đối mặt với một số lời lẽ đóng góp ý kiến, lời lẽ phê bình, ông không dung nạp, vì vậy đã tạo ra việc ông không trọng dụng một số cựu thần, sau đó chỉ dùng những người mới. Những người mới này đức hạnh không bằng các cựu thần, cuối cùng những người này nổi loạn. Cuối cùng không được, nên gọi Tư Mã Quang trở về. Tư Mã Quang trở về cũng không phê bình những người của Vương An Thạch, quốc gia loạn đã đủ rồi, còn phê bình làm gì. Thông thường thì những người cũ cùng nhau đến nhanh chóng xử tội những người này, người có đức hạnh không làm như vậy. Những người cấp trên trong triều đình tranh đấu với nhau, người dân ở bên dưới đâu thể sống qua tháng ngày yên ổn được. Vì vậy chúng ta điềm tĩnh mà xem, có những lúc tài năng của chúng ta che đậy đức hạnh của chúng ta, chính bản thân mình không phát hiện ra. Ngông cuồng, ngạo mạn, đố kỵ, những tập khí này sẽ làm cho đoàn thể rối loạn nghiêm trọng.

Tôi cũng đã gặp  được một vị lãnh đạo đoàn thể, anh ta đã xung đột với mọi người rất nghiêm trọng. Tôi nhanh chóng đưa cho anh ta xem những câu tương ưng, hy vọng sau khi xem xong anh ta sẽ bình tĩnh trở lại, suy nghĩ lại, mới không để cho sự xung đột này tiếp tục chuyển biến xấu mà không có cách nào chỉnh đốn. Kết quả là, anh ta xem xong mấy câu tôi đưa, phẫn nộ nói với tôi, “đúng rồi, đối phương là như vậy đấy”. Tôi thì muốn nhắc nhở anh ta, đây là vấn đề nghiêm trọng của anh ta, anh ta hoàn toàn nhìn người khác, khuyên không được. Các vị xem, tài năng càng cao, chỉ cần anh ấy có tập tánh ngạo mạn; tài năng của anh ta càng cao, rốt cuộc vẫn là làm cho đoàn thể hỗn loạn. Vì vậy, cá tính tốt đẹp sẽ thắng được tài năng. Cái gì là tiêu chuẩn tốt nhất của đức hạnh, của phẩm đức? Cái gì là tài năng? Tiêu chuẩn năng lực làm việc của anh ta thể hiện ở chỗ nào? Tiết học kế tiếp chúng tôi cùng với mọi người tìm trong toàn bộ Kinh điển để tiếp tục giao lưu, thảo luận. Tiết học này xin được chia sẻ với mọi người đến đây! Xin cám ơn mọi người!

HẾT TẬP 62 – Xin xem tiếp tập 63 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!