Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 54

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 54

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Cho nên Kinh điển của Đạo gia cũng đều nói rất rõ ràng, “thiên địa hữu tư quá chi thần”. Chuyên ghi chép những việc thiện – ác, thị phi của con người. Kỳ thực, đạo lý này không khó hiểu. Con người luôn cần có tâm cung kính, khiêm tốn để cảm nhận và lãnh ngộ đạo lý của vũ trụ.

Cho nên Lão Tử nói: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó thoát”. Thế gian có pháp luật, toàn bộ trời đất đều do thiên luật cai quản. Toàn bộ tích lũy thiện ác của một đời người, sau cùng nhất định sẽ có sự thẩm đoán, thậm chí là khởi tâm động niệm, từng lời nói, từng việc làm, đều luôn được ghi chép lại. Chân tướng này trong “Du Tịnh Ý Công gặp táo thần”, ví dụ chân thật bên trong đều thể hiện ra. Du Công là người đọc sách, bản thân ông và vài người bạn thành lập Văn Xương xã, đều y theo những lời dạy này mà làm, nhưng đều làm ở ngoài mặt, ác ý lại quá lớn, khởi tâm động niệm có quá nhiều tà niệm, ác niệm, tích lũy rất nhiều hành vi ác.

“Ngã tri tử tri”. Ông và tôi đều biết, làm sao mà không có người biết được. Từ chỗ này, chúng ta có một phần hổ thẹn, không thể làm trái với lương tâm. Có một phần tâm sợ hãi, sợ rằng ác hữu ác báo, kính trọng thiên địa quỷ thần, có vị thần Tư Quá. Tiếp đó còn có dũng tâm muốn thay đổi hành vi sai lầm, những tập khí nghiêm trọng.

Chúng ta tin tưởng, Vương Mật nhờ vào sự nhắc nhở này của Dương Chấn thì những tâm xấu hổ, kính sợ, dũng cảm đều có thể khởi lên. Cho nên, bạn lành chính là chỗ dựa. “Người quân tử dùng văn chương họp bạn, dùng bạn để giúp đạt tới đức nhân”. Việc này hết sức quan trọng. Giữa bạn bè tốt với nhau, nói chuyện đều là những lời dạy trong Kinh điển, không được tụ họp lại mà không nói chuyện đạo nghĩa, nói toàn những chuyện không có ý nghĩa, thậm chí là những chuyện tạo khẩu nghiệp, như vậy là chưa trọn đạo nghĩa bạn bè. Sự thanh liêm này của Dương Chấn đã chiêu cảm được sự phò hộ cho con cháu đời sau của ông. Con của ông là Bỉnh, cháu là Tứ, chắt là Bưu, tất cả đều làm đến chức Tam Công. Sau Tam Công là Cửu Khanh, bốn đời của họ đều thuộc hàng Tam Công, đều làm quan đạt đến mức địa vị cực kỳ phú quý. Cho nên, nhà tích điều thiện, ắt có thừa niềm vui, đồng thời cái phước này bắt nguồn từ sự thanh liêm. Phước phần từ đâu mà đến? Từ thanh liêm, tiết kiệm. Thanh liêm thì được đại phước. Từ ví dụ minh họa của nhà họ Dương này, chúng ta có thể sâu sắc cảm nhận con cháu đời sau của nhà họ Dương, từ đường của họ tên là “Tứ Tri Đường”, chúng ta có thể tưởng tượng cái tên này khi chúng ta bước vào cửa nhà mình, vừa ngẩng đầu lên liền nhìn thấy cái tên đó. Đời sau của Dương gia, mỗi lần bước vào cửa đều nhắc nhở mình đến phong thái của tổ tiên một lần, tin tưởng rằng họ nhất định đều rất thanh liêm. Giống như đời sau của Tiên sinh Lâm Tắc Từ đều không hút thuốc, đời sau của nhà họ Dương không tham ô, đời sau của Đại Thuấn đều là hiếu tử, đều học theo tổ tiên, không thể làm tổ tiên xấu hổ.

Có một lần Hoàng đế Đường Thái Tông đi ngang qua mộ của Dương Chấn đại nhân, cũng ngưỡng mộ đức hạnh của Dương đại nhân, tự thân hành lễ, tự tay viết một đoạn văn tế, là do Đường triều Thái Tông Hoàng đế đích thân làm lễ. Lúc đó đại nhân Phòng Huyền Linh nói là: “Dương Đại nhân trên trời có linh thiêng cũng cảm thấy được an ủi, trải qua mấy trăm năm sau còn có thiên tử tự mình viết văn tế ông”. Cho nên những vị trung thần này, tinh thần của họ quả thật như tiên sinh Văn Thiên Tường đã nói, “chính khí còn bàng bạc, oai nghiêm muôn thuở còn, khi đã vượt nhật nguyệt, sinh tử chuyện cỏn con!”. Chính khí của họ trong trời đất trường tồn vĩnh viễn.

Kỳ thực, khi chúng ta đọc những điển phạm của những vị Thánh Hiền này, dùng tâm chân thành để đọc, thì chánh khí của họ sẽ giao cảm với chúng ta, chiếu lên người chúng ta. Thậm chí là tinh thần của họ cùng tâm linh của chúng ta đều hợp lại làm một. Ông Vương Thiện Nhân vào năm đầu Dân Quốc không biết chữ, cuối cùng nhờ lòng hiếu – đễ đến cùng cực đã có thể thông đạt được ý nghĩa luân lý đạo đức trong Kinh điển, còn giảng Kinh điển cho người khác. Không có người nào hiếu – đễ tột cùng như ông, đã cảm được thần minh. Đồng thời, mỗi lần ông nghe một câu chuyện về Thánh Hiền, nghe một chuyện liền học một chuyện, đem tinh thần của Thánh Hiền dung nhập làm một với tinh thần của chính mình. Ông đọc qua câu chuyện một vị Thánh Hiền vì đạo nghĩa, vì nghĩa quên thân, không sợ sanh tử; khi người xưa phát ra tâm trạng như vậy, thì bản thân ông cũng không e sợ sanh tử. Kết quả với tinh thần như vậy, từng bước từng bước cảm nhận được một phần quang minh ngay trước mắt, ông liền khai trí huệ. Giống như là tấm lòng của ông đã giao cảm với Thánh Hiền, từ trong sâu thẳm Thánh Hiền đã phù hộ cho ông. Đây là một tấm gương về “lập tiết” rất tốt.

Chúng ta xem câu tiếp theo bên dưới trong quyển số 4, trang 542, hàng thứ 4. Chúng ta hãy cùng nhau đọc.

“Trước đây, Tấn Bình Công hỏi Thúc Hướng là, “cái gì là họa lớn của đất nước?”. Thúc Hướng nói: “Đại thần coi trọng bổng lộc mà e ngại không khuyên can vua, tiểu thần lo sợ đắc tội mà không dám mở miệng nói. Tình hình bên dưới không thể truyền đạt đến bên trên, đây là họa hoạn rất lớn của đất nước”.

Vừa mở đầu đã nhắc đến từ, “tích giả”. Đây là phần ghi chép trong lịch sử. Trong “Hậu Hán Thư” có nói đến “tích giả” là quá khứ. Từ trước thời Xuân Thu chiến quốc, Tấn Bình Công hỏi thần tử của ông là Thúc Hướng. Thúc Hướng, vị này ở tiết học trước chúng ta đã nhắc đến, ông đã phối hợp với đồng liêu rất tốt để can gián quân vương, là vị thần tử hết sức trung thành. Bình Công biết cách thỉnh giáo, điều này cũng là hiếm có. Ông thỉnh giáo, họa hoạn và điều đáng lo nhất của quốc gia là ở đâu? Kết quả Thúc Hướng nói, những đại thần quan trọng quan tâm đến tước lộc phẩm vị của bản thân, không dám tận tâm tận lực can gián lỗi lầm của quân vương, đồng thời những vị quan cấp dưới sợ tội, sợ bị giáng tội, mắc tội, không dám nói lời chân thật, không dám đem vấn đề ra nói. Như thế này thì toàn bộ dân tình, toàn bộ tình hình chính trị không có cách nào đến được tai của hoàng thượng, tình hình bên dưới không thể thấu lên trên, rất nhiều tình huống đã không được xử lý.

Ví dụ như sự khổ cực của nhân dân không nhận được sự yêu thương chăm sóc, thậm chí bị thờ ơ, thậm chí còn không kiêng dè mà đàn áp người dân, như vậy chắc chắn người dân sẽ oán hận, thậm chí sẽ còn đứng lên phản kháng. Tất cả những tình hình trong nước không được kịp thời xử lý sớm, tình hình chỉ có xấu đi. Giống như đạo lý của việc trị bệnh vậy. Cho nên không thể thông đạt, đến sau cùng thì quốc gia luôn luôn sẽ bị bại vong, hoàng đế vẫn còn ở đó đàn ca hát xướng. Trong đó, rất nhiều các vị vua bị mất nước đều có tình trạng giống như vậy. Vấn đề này xuất phát từ việc thần tử không có khí tiết, không có trung trinh. Chúng ta nhìn thấy đại thần tham luyến tước lộc của họ, tham luyến sự giàu sang, họ sợ sau khi can gián hoàng thượng sẽ không thích họ nữa, sợ sau này không giữ nổi chức quan. Nhưng chúng ta xem các vị trung thần nhiều đời, họ đều bởi vì can gián quá mức mà bị giáng chức, nhưng vẫn không thay đổi chức phận làm bề tôi của mình. Giống như Phạm Công, Phạm Trọng Yêm, ông bị giáng chức mấy lần, nhưng sau cùng vẫn được thăng chứ. Kỳ thực là do thiên tử nhất thời phán đoán không rõ ràng, đợi sau khi thực sự bình tĩnh trở lại, chân chánh làm rõ sự việc thì có thể trọng dụng trở lại. Nhưng trong quá trình bị giáng chức, ông không có một chút khó chịu. Phạm Công ngồi trên thuyền, bị đày đi rất xa, đày đi hơn 3.000 dặm, ông nói “khởi từ vân thủy tam thiên lý, do tế sang di thập vạn dân”. Mặc dù đã bị đi đày xa 3.000 dặm, đến nơi đó vẫn còn có 100.000 dân chúng, ông có thể thay cho vua mà chăm sóc tốt cho nhân dân, vẫn có thể tận trung. Cho nên chỉ cần tận hết lòng trung thành, thì ông liền được tâm an lý đắc. Nhưng mà lúc cần can gián lại không khuyên can, đây đã lỗi đạo làm thần tử. Mà con trai của ông cũng thừa kế khí tiết tốt đẹp này của ông. Phạm Thuần Nhân tiên sinh lúc làm tể tướng có nói: “Ngôn bất dụng, vạn chung phi sở cố dã”. Lúc đó ông làm chánh tể tướng, so với chức vị của phụ thân còn cao hơn, ông nói nếu như hoàng thượng không chịu dùng những lời ông đã khuyên can, tước lộc có cao đến đâu ông cũng không để nó trong tâm. Hoàng đế nếu không nghe, ông có thể xin từ quan để khiến hoàng đế thức tỉnh, ông không thể giữ chức vụ mà ăn không ngồi rồi được. Cho nên đại thần phải dũng cảm khuyên can, còn quan nhỏ cũng cần phải dũng cảm mà bày tỏ đúng sự thật, tuyệt đối không thể sợ mắc tội.

Mạnh Tử đã cho những người đọc sách như chúng ta một sự động viên. Ông nói: “Giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục”. Có thể làm được ba điều này, nhất định có thể giữ vững được khí tiết của thần tử, không bị phú quý làm ô nhiễm; nghèo khó cũng không chuyển lay khí tiết, thậm chí khi gặp phải sự áp bức của thế lực cũng có thể đứng vững không lay chuyển. Cho nên, Thúc Hướng nhắc đến điểm trọng yếu này, quả thật là nỗi lo rất lớn của quốc gia. Làm thần tử mà có thể hiểu thấu cảnh bên dưới mà tấu trình lên trên, như vậy thì có thể khiến chính trị thông suốt, lòng dân an hòa. Giả như sự việc bên dưới không được tấu trình lên trên thì biến thành sự thái bình giả tạo. Báo tin vui mà không báo tin buồn, đến sau cùng sự việc càng nghiêm trọng sẽ không còn cách xử lý.

Trong “Thái Căn Đàm”, có một lời dạy rất hay. “Nhất điểm bất nhẫn đích niệm đầu, thị sinh dân sinh vật chi căn nha, nhất đoạn bất vi đích khí tiết, thị sanh thiên sanh địa chi trụ thạch”. Các vị xem, ở đây nói đến người đọc sách cho đến người làm quan, sự tu dưỡng quan trọng nhất. “Bất nhẫn”, ở đây có nghĩa là rất nhân từ, không nhẫn tâm gây tổn thương sanh mạng, thậm chí có thể lan đến con người, đồng cảm với người khác. Cái ý niệm nhân từ như vậy. “Thị sinh dân sinh vật”; “sinh dân” chính là có thể chân thật yêu thương che chở nhân dân, chăm sóc nhân dân. Chúng ta thường nói: “Vì thiên hạ mà lập tâm, vì dân sinh mà lập mệnh”, đây chính là tâm yêu thương. Còn từ “sinh vật”, nghĩa là khiến vạn vật được sanh trưởng. Ví dụ như người làm chính trị, khi làm quản lý tài nguyên thiên nhiên, hiểu được quy luật tuần hoàn. Ví dụ như đốn rừng phải có chừng mực, để nó có thể sanh trưởng không ngừng. Điều này người xưa đều biết, nhưng mà người hiện nay lại không hiểu. Sau khi chặt phá hết thì không có cách khôi phục lại toàn bộ cánh rừng, thậm chí có khả năng biến thành bãi đất hoang. Đồng thời, không chỉ có rừng bị phá hoại mà toàn bộ sinh vật trong khu rừng đó cũng không có cách nào sinh tồn, đều bị tuyệt chủng.

Hiện nay, chúng ta thường thấy con số động vật hoang dã bị tuyệt chủng ngày càng tăng. Đây đều là lòng ham muốn, ích kỷ của nhân loại, sau cùng đã tàn nhẫn tổn hại nhiều vạn vật đến như vậy, đều là vì không có cái niệm “bất nhẫn” này. “Nhất đoạn bất vi đích khí tiết”, là nhất định không trái ngược với lương tri mà làm. Khí tiết như vậy chính là trụ đá chống đất đội trời, chính là rường cột. Trong sĩ – nông – công – thương của thời xưa, vì sao người đọc sách được xếp lên hàng đầu? Họ là tấm gương cho toàn thể xã hội, nhân dân học tập theo họ, họ xác thực là người đi đầu làm gương dẫn dắt toàn bộ phong khí của xã hội.

Kinh văn tiếp theo nói: “Người quân tử đối với một con trùng, con kiến cũng không nỡ tổn hại”. Đối với bất kỳ sinh vật nhỏ nào cũng không nhẫn tâm làm tổn hại. Một đứa nhỏ ngay từ bé đã nhân từ như vậy, thì đứa trẻ này có đức hạnh, có phước về sau. Đọc đến đoạn này thật xấu hổ! Lúc nhỏ không hiểu chuyện, không nghe lời, thường xuyên bắt động vật nhỏ chơi, vô hình trung đã tăng trưởng tính khí tàn bạo. Các vị thấy động vật nhỏ đang bị đau mà chúng ta còn cười được, cảm thấy chơi rất vui. Tâm tính này một khi đã dưỡng thành rồi thì sau này nói lời cay độc với người, bỡn cợt người cũng cảm thấy vui, tâm tính sẽ bị xấu đi. Cho nên dưỡng thiện, sửa sai, đều từ việc yêu thương động vật nhỏ mà bắt đầu. Đồng thời, “một sợ tơ, cọng chỉ, cũng không được tham lấy”. Bởi vì người liêm khiết, vật tuy nhỏ, chớ cất riêng, thì bất kỳ món vật gì người đó cũng không nhận hối lộ, không tham ô. Tâm nhân từ và thanh liêm này dùng để, “vì thiên hạ mà lập tâm, vì dân sinh mà lập mệnh”.

Chúng ta tiếp theo xem câu 64, trong quyển số 9, trang 1.131, hàng thứ 3. Đoạn Kinh văn này đã giảng giải một cách tường thận, thấu đáo cho các vị thần tử.

Kinh văn: Khí tiết của một người làm thần dân, thực hành theo lục chánh thì được tôn vinh, hễ phạm tới lục tà thì liền bị nhục nhã”.

Sự hành trì của một thần tử, nếu như tuân theo nguyên tắc của Lục Chánh, “tắc vinh”, thì một đời sẽ vinh quang, thậm chí lưu danh sử sách. Đây cũng là thực hành đạo hiếu. “Lập thân hành đạo, danh thơm lưu đến đời sau, làm cha mẹ vinh hiển”. Nếu như phạm phải những sai lầm trong Lục Tà, “tắc nhục”, tức chiêu cảm lấy sự sỉ nhục, thậm chí còn xấu mặt tổ tiên, làm xấu hổ toàn bộ người trong gia tộc.

Chúng nhìn thấy tham quan Nghiêm Tung thời nhà Minh, ông ta thời đó lộng quyền, một tay che cả bầu trời, nhưng sau đó tội trạng của ông ta còn để tiếng đến đời sau. Hoàng thượng không muốn tự tay giết ông, ban cho ông ta một cái chén bằng vàng để đi xin ăn. Kết quả khi người dân nhìn thấy cái bát bằng vàng, đều biết rằng ông là Nghiêm Tung. Sau cùng, Nghiêm Tung bị chết vì đói, cho nên sự sỉ nhục này là rất lớn. Bao gồm việc Tần Cối mưu hại trung thần Nhạc Phi, thẳng thắn mà nói, người đời sau của Tần Cối ai dám nói rằng tôi là thân nhân của Tần Cối. Không người nào dám, thậm chí còn có người lập tức đổi cả họ luôn.

“Đức tổn thương, cha mẹ tủi”. Cho nên vinh quang trong nhân cách của chính mình không chỉ thuộc về bản thân, mà còn thuộc về tổ tiên, và còn tất cả những người yêu thương ta. Nên ta phải nên thận trọng nhân cách của chính mình, cũng thận trọng sự yêu thương che chở của người khác đối với mình, đừng để họ một đời này ôm sự hối hận, đau khổ đến cuối đời.

Tiếp theo chúng ta sẽ bước vào tìm hiểu “Lục Chánh và Lục Tà”. Giảng là, cái gì là Lục Chánh? Chúng ta xem Kinh văn, cũng hy vọng bản thân trên phương diện học tập đạo đức đều đạt được tiêu chuẩn của Lục Chánh. Người có chí như cây có gốc, trong thiên hạ không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Chúng ta hy vọng trở thành đại trung thần của dân tộc và đoàn thể, nguyện đã lập rồi thì sẽ có động lực nâng cao trí huệ và đức năng. “Nhất viết, manh nha vị động, hình triệu vị kiến, chiếu nhiên độc kiến tồn vong chi cơ, đắc thất chi yếu”. Sự việc chưa phát sinh ra vấn đề, đây chính là “manh nha vị động”. “Hình triệu vị kiến”, chính là những dấu hiệu vết tích của sự vật vẫn chưa hiển hiện ra. Nhưng đã có thể “chiếu nhiên”, rất rõ ràng mà nhìn thấy. “Độc kiến tồn vong chi cơ”, có nghĩa là có kiến giải độc đáo, có thể nhìn thấy điểm trọng yếu của toàn bộ sự việc đối với sự tồn vong của đất nước. Còn có được, “đắc thất chi yếu”. Khi sự việc tiếp tục phát triển, thì nhân tố quan trọng của sự được – mất nằm ở chỗ nào? Đều có thể nhìn thấy thấu suốt. Khi nhìn nhận sự việc, phải nhìn vào căn nguyên, nhìn vào chỗ trọng yếu. “Dự cấm hồ vị nhiên tiền”. Chữ “dự”, nghĩa là dự phòng; “cấm”, trong từ cấm đoán. Sự việc không tốt vẫn chưa xảy ra thì đã có thể dự đoán và ngăn chặn. “Sử chủ siêu nhiên lập hồ hiển vinh chi xứ”. Khiến cho vua của người ấy có thể có được sự vinh hiển thù thắng, bởi vì người ấy đã ngăn chặn sự việc trước khi nó xảy ra cho nên quốc gia không xảy ra họa hoạn. Đều nắm vững được chỗ trọng yếu của việc tồn vong-được mất, đương nhiên sẽ trị vì quốc gia được tốt. Đất nước cường thịnh, thì quốc vương đương nhiên nhận được nhiều sự tôn vinh quý hiển, đồng thời quốc vương cũng được khinh an tự tại, bởi vì thần tử đều giải quyết tất cả sự việc rất ổn thỏa. Cho nên, người làm vua như vậy thật là có phước báo, được hưởng phước, đồng thời quan trọng hơn là ông có thể dùng thần tử như vậy cũng là do ông có năng lực phán đoán rất tốt, có trí huệ. “Như thử giả thánh thần dã”. Có thể phò vua đạt được cảnh giới như thế này, thì vị thần tử ấy được xưng là thần tử thánh minh.

Chúng ta ngày nay cũng phải học theo các vị thần tử thánh minh này, nhìn thấy sự việc gì đều có thể “nhìn gốc mà thấy ngọn”. Quan sát trước thời cơ, điều trước tiên chúng ta phải thông đạt được rất nhiều đạo lý. Cho nên, thâm nhập cho tốt “Quần Thư Trị Yếu”, thì sẽ có kiến thức, có cái nhìn xa, dần dần sẽ có thể tiến đến thành thần tử thánh minh.

“Nhị viết, hư tâm bạch ý, tiến thiện thông đạo, miễn chủ dĩ lễ nghĩa, dụ chủ dĩ trường sách, tương thuận kỳ mỹ, khuông cứu kỳ ác, như thử giả đại thần dã”. Trong phần “Thuyết Uyển”, dùng từ “lương thần dã”, phần đầu trang cũng có chú thích “đại tác lương”. Loại thần tử thứ hai, là người rất khiêm hư. Từ “bạch ý”, nghĩa là hết sức chân thành. Chữ “bạch” này, có thể bằng chữ “thiện”, ý niệm của người đó đều thuần thiện, một lòng vì nước vì dân, vừa khiêm tốn vừa lương thiện. “Tiến thiện thông đạo”, dâng lên vua những lời tốt đẹp, những lời trung trực, khuyến thiện ngừa lỗi. Từ “thông đạo”, chữ “đạo” này là người có đạo đức, “thông” chính là có thể đề cử những người có đạo đức để cho quốc vương sử dụng. “Miễn chủ dĩ lễ nghĩa”, là khi khích lệ chủ nhân, khích lệ quân vương, đều là dùng Kinh điển, dùng lễ nghĩa để động viên nhắc nhở vua. “Dụ chủ dĩ trường sách”; “trường sách” chính là chính sách tốt, kế hoạch tốt. Chữ “dụ”, là khiến cho vua hiểu rõ, khiến cho vua có thể suy nghĩ sâu xa, đó chính là giúp vua ban chính sách tốt. Bởi vì nếu cấp trên ra những chính sách sai lầm, thì tất cả những tiêu hao về nhân lực, vật lực và tài lực đều hết sức nghiêm trọng. Cho nên ở đây nêu ra những vị đại thần này, quan trọng là phải biết lập kế hoạch, thậm chí cái kế hoạch này đều là 100 năm sau, 200 năm sau phải nhìn được xa. Nếu như toàn bộ chính sách đều chỉ xét đến trước mắt, “người không lo xa, ắt có họa gần”. Nếu không thể suy tính dài lâu, nhất định sẽ rất nhanh vì lối suy nghĩ thiển cận đó mà các vấn đề sai lầm khác sẽ dần dần lộ ra. Cho nên, trí huệ của một người không nhìn xa được 100 năm thì không thể làm tể tướng. Người xưa đều có lời nhắc nhở như vậy. Người làm tướng đều phải có trí huệ cao xa, đồng thời có thể tuân theo, và còn hộ niệm những mặt tốt của vua, gọi là “tương thuận kỳ mỹ”. “Khuông cứu kỳ ác”, sửa đổi những khuyết điểm và sai lầm, như vậy được xưng là đại thần, được xưng là lương thần. Muốn làm lương thần thì phải học tốt “Quần Thư Trị Yếu”. Nói thật ra, những trí huệ này, những đức hạnh này, nếu không có học vấn thật sự thì sẽ làm không được. Cho nên, trong mười hai nguyên tắc của thanh niên có nhắc đến, “học vấn là cái gốc để cứu thế giới”. Không có trí huệ trị quốc chân thật, có thiện tâm thì cũng không giúp gì. Cho nên không phải chỉ phát tâm là được, phát tâm phải cộng thêm trí hụê, đức hạnh, kinh nghiệm, năng lực mới được.

Mạnh Tử nói: “Đồ thiện bất túc dĩ vi chánh, đồ pháp bất năng dĩ tự hành”. Chỉ có thiện tâm, bạn làm chính trị hoặc lãnh đạo một đoàn thể chưa chắc đã lãnh đạo tốt, phải có kiến thức chính trị và phương pháp mới được. Nếu chỉ có phương pháp trị quốc tốt, nhưng không có thiện tâm, tâm nhân từ, không có tâm vì nước vì dân, thì chế độ có tốt đến đâu cũng không thể nào tự mình thực hiện được. Cho nên, “văn võ chi chánh, bố tại phương sách”. Những nguyên lý trị nước của Văn Vương, Võ Vương, đều có ghi chép trong lịch sử. Nhưng các quốc gia đời sau được hưng thịnh rất ít, vì sao vậy? Người còn thì nền chánh trị còn, người mất thì cũng mất, có người thương dân như con xuất hiện thì nền chính trị đó mới có thể làm tốt, nếu như không có thì những nguyên lý chính trị tốt đẹp này chỉ có thể cất trong sử sách. Cho nên, nếu có người tốt thì mới vận dụng được sách lược trị quốc tốt đẹp, thiếu một thứ cũng không được.

Tiếp theo, “tam viết, túc hưng dạ mị”. “Túc hưng dạ mị”, chính là ngày đêm vất vả, từ sáng đến tối đều đang tận hết bổn phận làm tròn trách nhiệm của bề tôi. “Tiến hiền bất giải”. Đề cử một vài người hiền đức. “Bất giải”, chính là không giải đãi, hết sức chăm chỉ tích cực. “Số xưng ư vãng cố chi hành sự, dĩ lịch chủ ý”. Thường xuyên có thể đem những ví dụ về phong thái tốt đẹp của thời xưa để khích lệ quân vương. Chúng ta xem thấy những đoạn lịch sử này, các vị trung thần đều thường xuyên đề cử những điển phạm về cổ Thánh tiên Vương nhiều đời để khích lệ quân vương của họ, như vậy mới gọi là trung thần, như vậy mới là phong thái của bậc trung thần. “Tứ viết, minh sát cực kiến thành bại”. “Minh sát”, tức là có trí huệ, có thể nhìn thấy rõ chỗ thành bại của sự vật là ở đâu, rất có năng lực phán đoán, phân tích. Nhìn thấy rồi thì nhanh chóng xử lý, chỉnh lý. Cho nên, “tảo phòng nhi cứu chi”. Sự việc sẽ không bị xấu đi. “Tắc kỳ gian”. Có thể ngăn chặn những vấn đề này, những lỗ hổng này. “Tuyệt kỳ nguyên”. Có thể cắt đứt căn nguyên của những sai lầm này. “Chuyển họa dĩ vi phúc”. Thay đổi càn khôn, chuyển họa thành phúc. “Sử quân chung dĩ vô ưu”. Vấn đề có thể hóa giải được, vua sẽ không cần phải tiếp tục lo lắng nữa. “Như thử giả trí thần dã”. Như vậy mới là thần tử có trí huệ.

Thứ năm, “ngũ viết, thủ văn phụng pháp”. Giữ lễ nhạc, làm theo Kinh điển, tuân theo pháp luật. “Nhiệm quan trách sự, bất thụ tặng di, y phục đoan tề, thực ẩm tiết kiệm, như thử giả trinh thần dã”. Người này có thể đảm nhận chức quan, quản lý công việc, chăm chỉ làm việc, không nhận vật thừa hưởng (kỳ thực là không nhận hối lộ), đồng thời còn y phục chỉnh tề, rất có uy nghi. Làm quan tức làm cha mẹ của dân, đi đến nơi đâu thì lời nói việc làm cũng đều là tấm gương cho dân chúng. “Hành động trở thành đường lối cho thiên hạ noi theo, cư xử thì làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng thì làm mẫu mực cho thiên hạ”, như vậy mới là hiểu vì dân làm ra tấm gương. Đồng thời, “ăn uống tiết kiệm”. Cuộc sống vô cùng tiết kiệm, như vậy mới được gọi là “trinh thần”, là một thần tử hết lòng trung trinh, thời thời luôn nghĩ đến việc làm gương cho dân.

Có câu là: “Nhân quân cung kiệm”. Làm người lãnh đạo cung kính, tiết kiệm. Xuất hạ di phong”. Một vị quan, một vị lãnh đạo dẫn đầu làm tốt, thì có thể thay đổi toàn bộ phong khí của xã hội, đều trở thành thanh liêm tiết kiệm. “Nhân thần cung kiệm, minh kỳ liêm trung”. Một người cấp dưới có thể cung kính tiết kiệm, thì có thể tỏ rõ sự thanh liêm và trung thành của người đó.

Tiếp theo nói, “lục viết, quốc gia hôn loạn, sở vi bất du, cảm phạm chủ chi nghiêm nhan, diện ngôn chủ chi quá thất, như thử giả trực thần dã, thị vị lục chánh dã”. Trong thời đại quốc gia u tối hỗn loạn, nhất định không làm những việc bợ đỡ nịnh nọt mà còn dám nói những lời can gián cương trực. Bởi vì việc can gián cương trực chính là chỉ ra lỗi lầm của quân vương, cho nên sẽ mạo phạm đến sự uy nghiêm của ông. Đồng thời ở trước mặt còn nói rõ ra lỗi lầm của quân vương là ở chỗ nào, người như vậy mời là thần tử chánh trực. Giả như vấn đề này không nói ra cho rõ ràng, sau này tiếp tục diễn biến xấu thì có thể khó mà cứu vãn được. Đồng thời, thần tử chính trực có thể bất chấp nguy hiểm tính mạng để can gián. Cho nên, những vị thần tử thời xưa chỉ cần là việc nghĩa thì sẽ không quản ngại thân, dốc sức đi làm. Có câu: Hy sinh thân mạng vì chính nghĩa. Có thể làm được những điều trong phần “Lục Chánh” nói trên, thì đã làm trọn đạo bề tôi.

Tiết học này chúng tôi giao lưu với mọi người đến đây, tiết học sau chúng ta tiếp tục xem đến phần “Lục Tà”. Bởi vì “Lục Chánh” là thấy người hiền muốn thân cận, còn phần “Lục Tà” là thấy người ác thì cảnh giác. Chúng ta không được khi nhìn thấy điều xấu rồi nói, việc này không có liên quan gì đến tôi. Kỳ thực, có thể là sự thiên lệch trong tâm của chúng ta sẽ nhờ điều này mà cảnh tỉnh, có thì sửa đổi, không có thì tránh. Xin cám ơn mọi người!

HẾT TẬP 54 – Xin xem tiếp tập 55 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!