Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!

QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360 GIẢNG GIẢI – TẬP 65

Chủ giảng: Thầy giáo, Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ, Liên Tú Cư Sĩ
Thuyết minh: Hạnh Quang
Download toàn bộ MP3



Quần thư trị yếu 360 – Tập 65

TU THÂN – TỀ GIA – TRỊ QUỐC – BÌNH THIÊN HẠ

Tuy nhiên, toàn bộ nền văn hóa trong mấy ngàn năm nay của chúng ta trên thực tế là đạo đức của chúng ta đã xuống cấp theo từng đời, rõ nhất là trong năm mươi năm gần đây. Chúng ta hãy xem đời trước của chúng ta, thậm chí là đời của ông bà nội, rất phúc hậu, rất hiếu thuận, ba mươi – năm mươi năm sau đến đời chúng ta thì biến thành rất tự tư. Cho nên đạo đức văn hóa đã không được truyền thừa, tốc độ đọa lạc rất đáng sợ, đã chạm đến đáy vực rồi, không thể thấp hơn được nữa. Tam Hoàng dùng chữ “đạo” để trị thiên hạ. “Vô vi nhi trị”.

Tiếp theo, Ngũ Đế đã dùng “đức” để trị thiên hạ. “Đạo mất rồi đến đức”. “Đức mất rồi đến nhân”. Người nhân luôn thương người, đặt mình vào hoàn cảnh của người. Đến đời của ba vị Thánh vương Hạ Thương Chu, thì lấy “nhân” để trị thiên hạ. “Con người không chỉ yêu cha mẹ con cái của mình, mà còn biết yêu cha mẹ con cái của người khác”. Các vị cần phải kết hợp. Mặc dù năm ngoái chúng ta đã cùng nhau học “Lễ Vận Đại Đồng Thiên”, trong đó có nói, “khiến cho người lớn tuổi về già được an vui, người trẻ tuổi có đất dụng võ, trẻ em được giáo dưỡng; những người góa vợ, góa chồng, không con cái, và bệnh tật được chăm sóc”. Đều quan tâm đến những người khốn khổ nhất, thì ba vị vua đó đã lấy “nhân” để trị thiên hạ. “Đạo đức”, “nhân – nghĩa – lễ”, các vị xem tiêu chuẩn đạo đức này đã dần bị hạ thấp xuống, nhân mất rồi đến nghĩa. Từ sau thời nhà Chu đến thời Xuân Thu Chiến Quốc là 500 năm, lúc này tâm nhân từ đã tương đối thiếu khuyết, nhưng vẫn còn nói đến nghĩa.

Các vị xem thời Xuân Thu, khi xuất binh đánh trận gọi là “đội quân chính nghĩa”. Phải phù hợp với đạo nghĩa mới có thể xuất binh. Cũng còn xem trọng đạo nghĩa, ân nghĩa, tình nghĩa, để báo ân, nào có sợ hy sinh tính mạng, không tiếc bản thân. “Nghĩa mất rồi đến lễ”. Sau khi triều đại nhà Chu kết thúc, nước Tần thống nhất thiên hạ đã dùng vũ lực, những cuộc tàn sát tương đối nhiều, thường là nước Tần đánh nhau với nước Triệu. Sau cùng binh sĩ của nước Triệu đã đầu hàng, nhưng nước Tần rất tàn nhẫn, đã chôn sống bốn mươi vạn quân lính. Lúc trước đã có người từng đến chỗ bốn mươi vạn quân nước Triệu bị chôn sống, đã cảm thấy các linh hồn còn quanh quẩn nơi đó. Các vị xem, sát nghiệp đó nặng biết bao. Cho nên, nước Tần đã không tương xứng với thiên đức. Ông trời vốn có đức hiếu sinh, mà nước Tần giết người quá nghiêm trọng, nên mười lăm năm là mất nước, là một triều đại tương đối ngắn.

Tiếp theo, nhà Hán thống lĩnh thiên hạ. Triều nhà Hán thì bài trừ hết tất cả học thuyết, chỉ tôn sùng mỗi thuyết của nhà Nho, lấy “lễ” để trị thiên hạ. Trong Luận Ngữ có câu: “Không học lễ, không biết cách làm người”, xem trọng lễ giáo, lễ chế. Lễ giáo khiến cho người giữ quy củ, ngăn ngừa từ lúc bắt đầu. Đây là điểm cuối cùng của đạo đức. Cho nên, “Lễ giả, loạn chi sở dã”. Vì sao nói, “cái gốc của động loạn?”. Vì đã bị hạ xuống mức thấp nhất của đạo đức rồi, nếu như vẫn không giữ nổi thì động loạn sẽ xảy ra. Sau thời dân quốc đã lơ là việc chế lễ tác nhạc, đã lơ là lễ giáo, con người làm sao để làm người con, làm sao để làm người anh, làm sao để làm người em, họ đều không biết. Cho nên luân thường đại loạn, lễ giáo đã không còn. Cho nên, chúng ta phải đi từ cái thấp nhất phục hưng lại lễ giáo, đem đạo đức nhân nghĩa từ bản thân chúng ta mà làm, phục hưng trở lại.

Trong “Đạo Đức Kinh”, có một đoạn hay vô cùng về đạo đức này. “Lấy đạo mà tu thân thì đức sẽ đầy đủ, lấy đạo mà lo việc nhà thì đức sẽ có dư, lấy đạo mà lo việc làng xóm thì đức sẽ lớn ra, lấy đạo mà lo việc nước thì đức sẽ thịnh, lấy đạo mà lo việc thiên hạ thì đức sẽ phổ cập”. Dùng đạo đức để tu dưỡng thân tâm của chính mình. “Kỳ đức nãi chân”. Đây là việc khôi phục chân tâm, khôi phục tánh đức.

Phần phía sau là “tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”, đều được kiến lập từ việc tu thân. “Từ thiên tử cho đến thứ dân, đều phải lấy việc tu thân làm gốc”. Sư Trưởng có một câu nhấn mạnh: “Hiếu – đễ – trung – tín đều từ tâm của tôi mà phát khởi, lễ – nghĩa – liêm – sỉ đều từ thân của tôi mà thực hiện, nhân ái – hòa bình đều từ hành vi của tôi mà bắt đầu”. Toàn bộ đều từ chân tâm của chúng ta lưu lộ. Lời nói, việc làm, khởi tâm động niệm đều tương ưng với đạo đức và tánh đức, quả thật là “kỳ đức nãi chân”. Kỳ thực, Thánh Hiền nhân đều là người đã khôi phục lại tánh đức, tánh đức là cái tự nhiên vốn có của mỗi người chúng ta. Khổng Lão Phu Tử nói: “Có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình”. Đây chính là việc khôi phục tánh đức. “Lấy đạo mà lo việc nhà thì đức sẽ có dư”. Cho nên, “nhà tích điều thiện, ắt có nhiều niềm vui”. Đồng thời gia đạo, gia quy, gia nghiệp, gia học đều có thể tiếp tục truyền thừa, còn đem đức hạnh, tâm yêu thương lan toả đến cả xóm giềng, quê hương, giáo hóa một phương. Nếu người dân trong một vùng đều tôn sùng đạo đức, thì toàn bộ những vùng khác ngoài đất nước mình đều sẽ làm theo.

Kỳ thực chúng ta nghe đến đoạn này, nếu như cảm thấy toàn bộ thân tâm đều tràn đầy năng lượng, thì chúng ta là người có chí khí, là người có trách nhiệm. Giả như khi chúng ta nghe đến câu nói này, suýt chút nữa là ngủ gục, không khởi chút sức lực nào, vậy đây là trạng thái không có tâm trách nhiệm. Thật vậy, nếu nghe thấy điều gì mà các vị đều có thể rất chuyên chú, có thể đề khởi được sức lực, như vậy là tương ưng với tâm của các vị. Giả như khi nhắc đến những đạo đức này, những sứ mệnh này, mà các vị hoàn toàn không đề khởi được sức lực, đều sắp ngủ gật, thì tâm riêng tư, tâm tư dục của chúng ta đã quá nặng. Chúng ta còn đeo tấm thẻ giả mạo “học tập văn hóa truyền thống”, đây gọi là biết rõ bản thân, không lừa dối chính mình. Cho nên, bất kể tình huống nào đều phải nhìn thấy được trạng thái của tâm chúng ta.

Vào ngày 10/10, kỷ niệm tròn 100 năm cuộc cách mạng Tân Hợi của ông Tôn Trung Sơn, Sư phụ đã giảng một chuyên đề tên là “Nhận Thức Giáo Dục Truyền Thống”. Dân tộc của chúng ta xem trọng nhất là đạo đức, làm cách nào thông qua giáo dục truyền thống để thành tựu đạo đức của bản thân và của thế hệ sau, đã giảng rất hay, rất tinh túy hết hai giờ đồng hồ. Ai đã nghe xin giơ tay? Chúng tôi sẽ đem bản viết ra phát cho mọi người, cũng có thể xem trên mạng. Nhân loại trên địa cầu của chúng ta nhĩ căn rất nhạy bén, nghe Kinh nhiều thì sẽ lĩnh hội được tương đối thâm sâu. Đương nhiên, nếu như khi bạn đang xem sách, tâm cũng đang nghe theo thì mới đúng. Mắt nhìn thấy được phía bên này của bức tường mà không nhìn thấy được bên ngoài bức tường là gì, nhưng mà tường ngăn thì còn có lỗ tai, cho nên công năng của lỗ tai đặc biệt lớn, đúng không? Các vị thấy, mắt có thể nhìn thấy được phía trước nhưng thấy không được phía sau, nhưng mà tai có thể nghe tám hướng, âm thanh của nơi nào bạn cũng đều nghe thấy được, tiếng nói chuyện phía sau bạn cũng có thể nghe thấy, công năng của lỗ tai cực kỳ lớn. Những lời khai thị tinh túy của Sư Phụ suốt hai giờ đồng hồ, chính là đạo đức học vấn tích lũy cả đời của Ngài. Chúng ta nên chí thành cung kính mà lãnh hội sẽ được đại lợi ích, tránh được việc đi quá nhiều con đường vòng. Cho nên vì sao nói là, “gần người nhân, tốt vô hạn?”. Vì sao nói đứng trên vai của người khổng lồ có thể thấy được càng xa. “Phúc tại thọ gián”. Phước lớn nhất của một người là gì? Tiếp thu lời can gián. Ai khuyên? Tiếp thu lời khuyên của cha mẹ, tiếp thu lời khuyên của Sư Trưởng, tiếp thu lời khuyên của Thánh nhân, tiếp thu lời khuyên của Tổ tiên, người như vậy có học vấn đạo đức sẽ không cần đi những con đường vòng, mà sẽ đi đường thẳng. Cho nên chúng ta xem người xưa rất có đạo đức, thành tựu học vấn có người hai mươi – ba mươi tuổi đã thành tựu rồi.

Vào thời nhà Đường, mọi người chúng ta đều biết Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng, hai mươi bốn tuổi đã kiến tánh, khôi phục được bổn tánh. Nói đến đây toàn thân tôi toát mồ hôi lạnh, năm tôi hai mươi bốn tuổi vẫn còn đang tạo tội, khác xa đến như vậy. Mọi người thấy Ngài chí thành cung kính, nghe Ngũ Tổ Đại Sư Hoằng Nhẫn, nghe thầy của Ngài giảng Kinh, nghe được bao lâu? Nửa bộ Kinh Kim Cang. Lão sư của Ngài nửa đêm đi tìm Ngài, trời còn chưa sáng mà Ngài đã khai ngộ rồi. Thật chí thành cung kính!. “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Sư Trưởng còn nói thêm: “Trăm phần thành kính được trăm phần lợi ích, ngàn phần thành kính được ngàn phần lợi ích, vạn phần thành kính…”. Ồ, tôi thấy trán của các vị đã sáng ra rồi kìa, bởi vì hiện giờ các vị đang ở trong trạng thái vạn phần thành kính, thân tâm lập tức không giống như trước nữa. Sư Trưởng có thể nói ra sự thể hội như vậy, đó chính là cảnh giới chân thật của Lão nhân gia Ngài. Lão nhân gia lúc còn trẻ, hai mươi sáu tuổi đã cảm ứng được ba vị thầy có học vấn đạo đức nhất tại Đài Loan thời đó, còn tôi năm hai mươi mấy tuổi thì chiêu cảm với mấy người bạn rượu thịt, sự khác biệt quá lớn. Các vị xem, đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian.

Thầy Phương Đông Mỹ, Chương Gia đại sư, thầy Lý Bỉnh Nam. Thầy Lý Bỉnh Nam, Chương Gia đại sư, nếu không có những vị Thánh triết này, thì văn hóa Trung Hoa tại Đài Loan có khả năng không thể tiếp tục được truyền thừa. Nhưng vì sao mà Sư phụ đều có thể cảm ứng được với những minh sư như vậy? Dưới vòm trời này không có chuyện gì là ngẫu nhiên, đều là sự chiêu cảm, chí thành thì cảm thông. Cho nên các vị học trưởng, tâm chí thành phải lập tức đề khởi, nói không chừng tối hôm nay các vị sẽ mơ thấy Khổng Lão Phu Tử. Có khả năng đó không? Phản ứng của các vị cho thấy không có khả năng đó. “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh thật tướng”. Tín tâm không đủ thì làm sao chiêu cảm? Tâm chí thành của Khổng Lão Phu Tử là muốn truyền thừa truyền thống đạo đức của dân tộc Trung Hoa. “Ông trời, nếu ông từ bi sẽ không để truyền thống đạo đức của dân tộc Trung Hoa chúng tôi bị đứt đoạn. Bất kỳ người nào cũng tuyệt đối không thể làm tổn thương tôi, bởi vì tôi chính là muốn đến để làm tròn cái sứ mạng này”. Khổng Lão Phu Tử dù ở trong bất cứ nguy nan nào cũng đều không sợ chết, bởi vì cuộc đời này của Ngài là đến để truyền thừa truyền thống đạo đức, không thể chết được. Tâm chí thành của Khổng Tử khi Ngài uống canh còn thấy vua Nghiêu, trên tường còn thấy Đại Vũ, lúc nằm mộng còn mộng thấy Chu Công đến dạy dỗ cho Ngài. Phần dạy học “Nhận Thức Giáo Dục Truyền Thống” này của Sư Trưởng,  hy vọng mọi người học tập cho tốt, các vị có thể thật sự hiểu rõ dân tộc chúng ta thật sự là “quý đức”, thật sự yêu thương con cháu đời sau. Câu nói này cũng là lời dạy của Lão Tử. Các vị Thánh triết khai sáng giáo dục của ba nhà Nho – Thích – Đạo. Lão Tử, Khổng Lão Phu Tử , Thích Ca Mâu Ni Phật đều nhân từ, từ bi, bác ái.

Chúng ta thấy các vị Thánh vương này đã làm được, “lấy đạo mà lo việc làng xóm”. Văn Vương chiếm đất trăm dặm mà thống nhất thiên hạ, Thành Thang chiếm bảy mươi dặm đất mà thâu phục thiên hạ. Bảy mươi dặm so với 100 dặm thì cũng khoảng chừng một huyện bây giờ, ông đã ở trong khu vực này của chính mình mà thực hành đạo đức, kết quả toàn bộ đất nước đều xem ông ấy là vua, đều học tập ông, gọi ông là vua trong thiên hạ. “Đức sẽ lớn ra”. Không ngừng tăng trưởng, bành trướng mở rộng, sau cùng lợi ích cho toàn bộ đất nước. “Đức sẽ thịnh”. Thành tựu bản thân, thành tựu quốc gia dân tộc, sau cùng còn có thể mang lợi ích đến cho thiên hạ, trở thành người có công lớn trong thiên hạ. Việc này Đường Thái Tông đời nhà Đường đã làm được. “Đức sẽ phổ cập”. Sẽ được phổ biến.

Lúc đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, thậm chí là toàn bộ khu vực Âu Á, đều đi ngàn dặm đường đến Đại Đường lấy Kinh, các vị xem đời người như thế thật ý nghĩa biết bao, vì đã lợi ích thiên hạ. Thậm chí thời nhà Thanh cũng xem trọng văn hóa Trung Hoa, người Mãn Châu, người Nữ Chân xem trọng văn hóa Trung Hoa, nền kinh tế và văn hóa thời đó cũng là trung tâm của toàn thế giới. Khang Hy thịnh thế được hơn 100 năm, người Nữ Chân xem trọng văn hóa Trung Hoa nên có thể đạt được thời thịnh trị như vậy. Văn hóa của chúng ta là báu vật quý giá nhất.

Chúng ta hãy thâm nhập vào phần “quý đức”, được chỉnh lý thành mười mấy cương mục. Phần cương mục thứ nhất này là “thượng đạo”. Phần thứ mười một là “hữu hằng”. Mười một cương mục đạo đức này, chúng ta trước tiên xem phần “thượng đạo”.

“Thượng đạo”

Chữ “Thượng” này, là tôn vinh, tôn sùng, xem trọng đạo đức. Đương nhiên chữ “đạo” này, hàm ý của nó vô cùng rộng lớn. Chữ “đạo” này, nghĩa là quảng đại. Các vị xem “Đạo Đức Kinh”, vừa mở đầu, “đạo khả đạo, phi thường đạo”. Chữ “đạo” này quả thật rất khó dùng ngôn ngữ để nói, bởi vì không có thứ gì mà nó không đề cập, không bao hàm, các bạn chấp vào văn tự thì nó sẽ có giới hạn. Chữ “đạo” này trong các Kinh điển khác nhau, những hàm nghĩa mà nó đại biểu cũng có sự khác biệt, phần trọng điểm mà nó giải thích không như nhau.

Chúng ta hãy xem câu đầu tiên được trích trong sách Trung Dung, trong quyển số 2, trang 169, hàng thứ 4 từ dưới lên. Sách Trung Dung đều nói đến khôi phục bổn tính, khôi phục đạo đức. Phần mở đầu nói là: “Tính bổn thiện mà người người đều có, gọi là tánh. Hành vi lưu xuất theo bản tánh gọi là đạo, dùng tiêu chuẩn của đạo để chỉnh sửa bản thân mình, cảm hóa người khác gọi là giáo. Đạo là thứ mà bất cứ lúc nào cũng không thể rời xa, những thứ có thể rời xa thì không gọi là đạo”.

Chúng ta xem câu thứ nhất, “thiên mệnh chi vị tính”. Chữ “thiên” này, là chỉ thiên nhiên, tự nhiên. Chúng ta khi nói đến chữ “tánh”, chữ rất là quen thuộc, bản tánh, tánh đức, đại biểu cho chữ “tánh” này là gì? Là cái vốn có. Đại biểu cho chữ “đức” này là gì? Là tự tánh, tự nhiên lưu lộ, cho nên được gọi là “tánh đức”. Văn tự của Trung Quốc đều là ký hiệu của trí huệ, đều đem nghĩa lý hàm nhiếp vào bên trong văn tự, cho nên mỗi một chữ trong Kinh điển không thể xem thường, mỗi một từ đều phải dụng tâm mà thể hội. Ví dụ các vị thấy chữ “trung”, chữ “trung” kết hợp với cái gì để tạo thành từ vậy? “Trung chánh”. Bạn không ngay thẳng, chính là bạn bất trung. “Trung tín”, bạn bất tín thì bạn đã có sự lừa dối, tâm của bạn đã bất trung. “Trung thành”, không chân thành chính là bất trung rồi. Bao gồm luôn chữ “trung” này viết như thế nào? Phía trên có chữ “trung” trong từ trung gian, phía dưới là chữ “tâm”. Nếu tâm không giữ được trung đạo, một khi có thiên lệch, thiên tà thì sẽ bất trung. Cho nên phải trân quý chữ viết của Trung Hoa.

“Thiên mệnh chi vị tánh”. Thể hiện rõ tánh đức mà người người tự nhiên vốn có, bản nhiên vốn có. Mỗi một người đều có nó, gọi là “tánh”. Nhưng vấn đề là cái bổn tánh này không phải là đồ vật, không phải là vật chất, nó cũng không phải là tinh thần, nó cũng không phải là hiện tượng tự nhiên, nhưng mà tác dụng của nó rất lớn. Trong triết học có nói bản thể của vạn vật trong vũ trụ chính là chỉ chữ “tánh” này, là bổn tánh mà con người vốn có, nó có thể hiện ra tất cả tướng, nhưng nó không phải là tướng nào cả.

Trong chú giải của Nho gia có nói đến ví dụ như, “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”, đây là vật chất. Mà trong chú giải của Trịnh Huyền có nói: “Mộc thần tắc nhân, hỏa thần tắc lễ, kim thần tắc nghĩa”. “Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” này, chúng ta từ trong câu này thấy, chữ “thần” này là tinh thần. Bản thân vật chất này hàm nhiếp tinh thần ở bên trong. Chữ “mộc” này là từ cái “đức” của “nhân” mà biến hiện ra. Những vị đại Nho gia nói những lời này vào mấy ngàn năm trước, chúng ta hiện giờ nghe nói tinh thần có thể biến ra vật chất, các vị có tin hay không? Mấy ngàn năm trước đã nói như vậy, nhưng mà khoa học thời nay cũng đã chứng thực được đạo lý này rồi. Hôm nay giảng đạo đức cũng phải nói đến khoa học, bởi vì người hiện giờ xem trọng khoa học. Bạn nói cả buổi trời, họ nói “anh đưa bằng chứng ra đi”. Không có khoa học chứng minh thì sẽ không tin, “đó là mê tín”. Hiện nay đều phải có chứng cứ mới được. Giống như bạn muốn họ tin tưởng vào đạo đức, thì chính bản thân bạn phải làm tấm gương cho họ xem, bạn phải làm một chút thí nghiệm cho họ xem thì họ mới tin.

Mọi người đều bội phục Einstein, thầy của Einstein tên là Planck. Cuộc đời của ông có một nghiên cứu quan trọng, chính là nghiên cứu vật chất. Kết quả sau khi ông ngày càng thâm nhập vào việc nghiên cứu vật chất đã phát hiện ra một sự thật chính là, về căn bản không có sự tồn tại của vật chất. Vật chất là gì vậy? Là ý niệm. Ý niệm là tinh thần, là những huyễn tướng từ việc tích lũy ý niệm. Cho nên, tất cả những vật chất nhìn thấy được đều là huyễn tướng do ý niệm tích lũy nên, là do ý niệm biến hiện ra. Nói việc này, nói đến đây, mọi người có chút nào không thông không? Tôi nêu ra một ví dụ là mọi người sẽ hiểu. Các vị có kinh nghiệm nằm mộng hay không? Lúc nằm mộng có thấy núi sông đại địa không, có hay không? Các vị nằm mộng có mơ thấy mình leo núi chưa, có thấy núi không? Được rồi. Tất cả những cảnh giới ở trong mộng là từ đâu có? Là do tâm biến. Vâng, cũng giống như vậy, xin hỏi những đồ vật mà chúng ta nhìn thấy đây là từ đâu đến? Cũng giống như nằm mộng vậy, là do tâm hiện thức biến.

Thưa các vị học trưởng, chúng ta vẫn đang nằm mộng, vẫn chưa tỉnh giấc mộng lớn, tỉnh rồi liền khai ngộ. Chúng ta đều sống trong mộng huyễn, biết là mộng huyễn còn tốt, không biết thì cứ khổ nhọc mà truy cầu. Niệm tham, chiếm hữu, khống chế, thì tinh thần càng ngày càng trầm luân. Đạo lý này trong Kinh điển của Nho – Thích – Đạo đều nói rõ, đặc biệt nhà Phật nói rất thấu triệt, vì sao vậy? Bách Gia Chư Tử có nói: “Mỗi ngành có chuyên môn riêng, đạo lý thì có trước có sau”. Lĩnh vực mà nó thâm nhập có sự khác biệt. “Nho gia để trị thế”. Tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ, Nho gia đã nói nhiều rồi. “Đạo gia trọng dưỡng sinh”. Tiêu biểu của Đạo gia là “Hoàng Đế Nội Kinh”. “Hoàng Lão Chi Thuật”, nói rất hay về dưỡng sinh, bao gồm nhân quả báo ứng “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” giảng rất hay. “Đạo Phật thì trị tâm”. Nói về tâm tánh, nói về căn bản của vũ trụ vạn vật ở chỗ nào, giảng rất thấu triệt, cho nên gọi là khai trí huệ. Trong “Kinh Lăng Nghiêm”, trọng điểm tu học trong nhà Phật là kiến tánh, khai trí huệ. Cho nên các khoa học gia nếu như có thể xem Kinh Phật, vậy quá tốt! Các khoa học gia trong mấy trăm năm nay thật là đáng thương, phương hướng nghiên cứu của họ sai mất rồi! Ông Planck đã xoay chuyển càn khôn, nếu không thì người ta càng nghiên cứu càng mơ hồ, càng rớt vào chỗ cành lá. Vì sao phương hướng của nghiên cứu bị sai vậy? Vì đã đem vật chất và tinh thần phân ra làm hai, càng tách rời thì càng sai lầm. Cho nên, trong thời cận đại nếu như không nghiên cứu thiên về vật chất, thì sẽ nghiên cứu thiên về tâm lý học. Kỳ thực, tâm lý và vật chất là một không phải hai. Cho nên, các nhà vật lý cận đại họ nghiên cứu thấy vật chất và tinh thần không thể tách rời, họ đã thấy được điểm này.

Chúng ta đã quá quen thuộc với ví dụ về thí nghiệm nước của Tiến sĩ Giang Bổn Thắng người Nhật, tinh thần thay đổi vật chất, đúng không? Biểu hiện của mọi người hình như không tin tưởng lắm, vì sao không tin tưởng vậy? Bởi vì chưa làm thí nghiệm. Tín, giải, hành, chứng, bạn tin tưởng lý giải rồi thì hãy tự mình đi làm, cuối cùng bạn sẽ chứng thực được, bạn sẽ tin tưởng.

Sau khi Đài Loan biết được ví dụ này, có một vài giáo viên lấy táo làm thí nghiệm, lấy cơm trắng làm thí nghiệm, hiệu quả rất tốt. Đối với trái táo, nói những lời không tốt, trái táo thối rất nhanh; nói những lời khen ngợi, lời cảm ân với quả táo, nó sẽ không hư mà còn thơm nữa. Kết quả, trái táo bị hư đó cũng không có người nào dám ăn, bởi vì ăn rồi thì có thể là những lời mắng chưởi đều nuốt vào trong bụng. Hãy tự mình làm đi, đừng hoài nghi, vạn vật đều có tánh linh, đều có thể câu thông, chỉ có người làm qua thí nghiệm thì sẽ tin tưởng.

Thật vậy, một khu đất trồng rau, sau đó mời các con sâu đến ăn. Cung kính mời chúng đến ăn thì có cảm ứng, những chỗ khác thì chúng nương tay niệm tình cho, có thể thương lượng được. Điều này chứng minh vạn vật đều có tánh linh. Tuy nhiên, trong cái tánh linh của vạn vật, con người là đặc biệt, vì sao vậy? Vì con người có thể tiếp nhận giáo dục. Những động vật khác thì có thể tiếp nhận huấn luyện, nhưng nếu như bạn bảo chúng xem Kinh điển, học luân lý đạo đức, thì tương đối khó, bởi vì chúng có chướng ngại tương đối nặng. Bạn nên xem con người đáng quý là ở chỗ này, sau khi tiếp nhận được giáo dục thì thành tựu đạo đức, khôi phục bản tánh, sau cùng có thể có được “đức” trong thiên địa mà yêu thương vạn vật. Những câu phía sau này đều nhấn mạnh điều đó. Những vị cổ Thánh tiên vương này ban ân trạch cho nhân dân, ban ân trạch đến vạn vật. Cho nên những khoa học gia cận đại nghiên cứu vật lý rất đáng quý, những lý luận này của họ có thể thức tỉnh nhân loại hiện nay.

Các vị xem, hiện giờ thiên tai nhiều như vậy; núi lở, đất nứt, đây là vật chất. Vật chất từ đâu mà đến? Sách Thượng Thư đã nói với chúng ta: “Làm điều thiện thì giáng trăm điều lành, làm điều bất thiện thì giáng trăm tai ương”. Là do lòng người chiêu cảm, do tinh thần chiêu cảm, đã nói hết rồi. Nhưng mà chúng ta không nghe lời của lão tổ tông, những lời của khoa học gia nói mới tin. Các vị xem, huyễn cảnh là do ý niệm tích lũy, nên nếu các vị muốn thay đổi toàn bộ thế giới vật chất, đương nhiên phải từ tư tưởng trong lòng người mà hạ công phu, hoàn toàn đã tìm được căn nguyên.

Một khoa học gia nghiên cứu vật lý học cận đại rất nổi tiếng, ông Clayton (Baladen) rất được thế giới tôn sùng, ông nghiên cứu rất giỏi. Ông nói: “Chỉ cần con người có thể cải tà quy chánh, bỏ ác theo thiện, đoan chánh tâm niệm”, chỉ cần có thể làm được những điểm này, “không những có thể hóa giải tai nạn này, mà còn có thể dẫn dắt thế giới vào một cảnh giới tốt đẹp hơn”. Bởi vì vật chất là tướng tương tục của tinh thần, cho nên những nghiên cứu về vật chất trước đây đều chấp vào cái tướng vật chất đó mà không biết vật chất từ đâu đến, như vậy gọi là chấp tướng, chấp trước. “Quân tử vụ bổn”. Các bạn phải tìm ra căn nguyên thì mới có thể hóa giải vấn đề.

Mọi người hãy thể hội một chút đã có thể, “sáng được nghe đạo, tối chết cũng cam”, chưa? Nói thẳng là các vị đã nghe được đạo rồi, các vị sẽ không sợ chết nữa, vì sao vậy? Là giả tướng mà. Chúng ta đợi một chút rồi lại tiếp tục thảo luận. Xin cám ơn mọi người!

HẾT TẬP 65 – Xin xem tiếp tập 66 – Quần Thư Trị Yếu 360


Chia sẻ bằng cả trái tim. Công đức vô lượng!